Admin: trong khi niềm tin của Cơ đốc nhân đặt trên nền tảng Kinh Thánh thì các nhóm người sau đây tin vào thuyết luân hồi: Phật Giáo, Ấn Độ giáo, Phong trào New Age ở Mỹ và một số người khác.
Người theo thuyết luân hồi gặp một số vấn đề nan giải.
- Thứ nhất, thuyết luân hồi không được chứng minh là thật. Không có bằng chứng nào tỏ ra sự sống con người bắt đầu trước khi thụ thai. Các nhà khoa học chứng tỏ rằng sự sống bắt đầu khi tinh trùng người cha nhập vào cái trứng của người mẹ. Người theo thuyết luân hồi cố gắng chứng minh lý thuyết của mình bằng cách chỉ ra rằng có người đã nhớ lại tiền kiếp của mình. Người Tin Lành không tin những tin tức đó là thật.
- Thứ hai, sự luân hồi ngăn cản lòng thương xót. Người theo thuyết luân hồi tin rằng tình trạng hiện nay của một người, như giàu nghèo, mạnh yếu, tật nguyền đói khổ … là hậu quả trực tiếp do kiếp trước của người đó. Người ta không nên can dự vào. Hãy để người đó trả nợ của mình đã làm trong kiếp trước. Ngay khi người đó trả được nợ là người đó tiến lên được bậc cao hơn. Mỗi người phải tự nỗ lực để cứu rỗi mình. Không ai bên ngoài cứu được mình cả.
- Thứ ba, nếu thuyết luân hồi là đúng thì loài người hoàn toàn vô vọng. Tội lỗi con người càng ngày càng tăng chứ không giảm bớt. Loài người biết mình bất toàn. Không một người nào nhờ tu luyện mà thoát khỏi án phạt, quyền lực và sự hiện diện của tội lỗi. Không ai biết chắc mình phải làm lành đến mức nào mới được giải thoát. Bảo một người què hãy tự đứng dậy đi là việc bất năng. Bảo một người chết hãy tự cứu sống mình là điều tuyệt vọng.
- Thứ tư, theo lý luận thông thường, nếu có luân hồi, tại sao không ai nhớ đến kiếp trước của mình. Nếu không nhớ kiếp trước của mình đã làm điều gì sai quấy thì làm sao mà tu sửa.
- Cuối cùng, luân hồi chỉ là một lý thuyết tôn giáo. Không ai thực sự tin và sống với thuyết luân hồi trong thực tế. Những dân tộc tin tưởng thuyết luân hồi hơn hai mươi thế kỷ qua đã chẳng hưởng được một đời sống khá hơn các dân tộc khác chút nào. Thực tế là ngược lại. Nếu luân hồi để thoát khỏi kiếp người mà có hiệu quả thì dân số những nước theo thuyết luân hồi phải giảm thiểu càng ngày càng hơn mới đúng. Thực tế là khác hẳn.
Kinh Thánh khẳng định: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27). Câu nầy khẳng định hai sự kiện: 1. Mỗi người phải chết một lần. 2. Mỗi người sẽ được Đức Chúa Trời phán xét . Đây là sự thật. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta. Loài người chỉ có cơ hội trên đời nầy và không có cơ hội nào để sửa đổi gì sau khi chết. Phải giải quyết mọi việc khi ta còn sống. Phải tin cậy công lao cứu rỗi của Chúa Giê-su để được cứu rỗi linh hồn. Phải đón nhận ơn cứu rỗi của Chúa để khỏi bị phán xét.
Một người anh em Công Giáo Việt Nam đang sống tại Mỹ đã làm chứng với tôi câu chuyện thật như sau: “Tôi có một người anh họ, trước theo đạo Phật , sau anh đã về đạo Chúa. Tôi hỏi anh tại sao anh theo đạo Chúa. Anh cho biết như sau:
“Bởi mình không biết đạo Phật đúng hay đạo Chúa đúng. Nhưng theo lẽ khôn ngoan buộc mình phải theo đạo Chúa cho chắc ăn. Bởi đạo Chúa dạy người ta chỉ sống trên đời này có một lần. Nếu đúng thế, không theo đạo Chúa, nghĩa là không sống “đúng nghĩa làm người” thì sẽ bị phạt đời đời trong hỏa ngục. Nếu ngược lại đạo Phật đúng, không theo Phật kiếp này, sẽ còn kiếp sau, kiếp sau nữa… Nhưng nếu đạo Chúa đúng mà không theo… ôi thôi, mất mát đời đời, không lấy gì chuộc lại được. Nên nếu theo đạo Chúa, lợi, thì lợi vô cùng, lợi đời đời; còn nếu có thiệt; giả sử đạo Chúa sai, đạo Phật đúng, mà mình theo đạo Chúa, thì chỉ chậm có mấy năm, không vào niết bàn sớm mà thôi. Nhưng ai ham vào niết bàn sớm, mà ai “ham” vào sớm là chưa diệt dục xong. Đó là lý do mình đã bỏ Phật, theo Chúa.”
Sống hy vọng hay sống vô vọng, tùy nhận định và quyết đinh của bạn hôm nay.