Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / THẦY ƠI / Từ Nước Việt Đến Nước Trời

Từ Nước Việt Đến Nước Trời

TỪ NƯỚC VIỆT ĐẾN NƯỚC TRỜI

Tôi là người Việt Nam. Tôi hãnh diện là người Việt Nam. Tôi hân hạnh vì được Trời cho sinh ra ở Quảng Nam, một tỉnh ở miền Trung Việt Nam và ngày nay tôi và gia đình đang ở Mỹ, chúng tôi đang làm công dân Nước Mỹ. Hiện có khoảng 2 triệu người Việt đang định cư ở Mỹ. Người Việt tại Mỹ đã nhanh chóng tiến lên ngang hàng với các dân tộc khác. Người Việt đã thành công về phương diện vật chất đời nầy. Chỉ tiếc một điều là người Việt cũng đã mang theo hết tất cả các văn hóa tôn giáo và tín ngưỡng của dân tộc tổ tiên mình vào nước Mỹ và không quan tâm học hỏi nơi dân tộc Mỹ để thay đổi đời sống tinh thần. Lòng người Việt yêu phong tục tập quán do ông bà để lại hướng về thần tượng quá khứ hơn nhiều dân tộc khác. Giống như cá gặp nước. Tự do vẫy vùng. Giống như Đông Tây không bao giờ gặp nhau. Phần lớn người Việt vui hưởng đời sống sung túc thành công ở Mỹ nhưng ít khi nào bày tỏ sự hiểu biết về lý do thành công của nước Mỹ. Nước Mỹ được xây dựng và phát triển phần lớn bởi người Mỹ trắng đến từ Âu Châu, nói tiếng Anh, họ là khối đa số, còn các dân tộc có màu da khác đều là thiểu số, trong đó có người Việt Nam.

Dù có quốc tịch Mỹ, sống giữa xã hội Mỹ, tôi và gia đình tôi, giống như nhiều gia đình khác, vẫn sống trong tinh thần người Việt, thói quen văn hóa Việt, nói tiếng Việt, đọc tiếng Việt, viết tiếng Việt, nghe nhạc Việt, ăn cơm và thức ăn theo kiểu Việt. Từ Việt Nam tôi đã là người tín hữu Tin Lành, sinh ra trong gia đình theo đạo Tin Lành, đọc Kinh Thánh theo bản dịch của Hội Thánh Tin Lành, giữ truyền thống sinh hoạt đức tin như một người phục vụ Tin Lành. Nhờ có cùng đức tin như người Mỹ nên đời sống chúng tôi không mấy khó khăn, cả tinh thần lẫn vật chất.

Là người Việt theo Tin Lành, tôi không hổ thẹn về Tin Lành. Tôi giống như sứ đồ Phao-lô tuyên bố,

“Thật vậy, tôi không hổ thẹn về tin lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô-ma 1:17).

Là một người Việt hoàn toàn với những đặc ân và giới hạn, tôi muốn bắt chước sứ đồ Phao-lô để nói,

“Hỡi các bạn, sao làm điều đó? Chúng ta chỉ là loài người, giống như các ngươi; chúng ta giảng Tin Lành cho các ngươi, hầu cho xây bỏ các thần hư không kia, mà trở về cùng Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật trong đó. Trong các đời trước đây, Ngài để cho mọi dân theo đường riêng mình, dầu vậy, Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa màng nhiều hoa quả, đồ ăn dư dật, và lòng đầy vui mừng.” (Công Vụ 14: 15-17).

Tôi cũng muốn bắt chước sứ đồ Phi-e-rơ để biết cư xử trong mối liên hệ với người khác đang cần mình.

“Bữa sau, đến thành Sê-sa-rê. Cọt-nây với bà con và bạn thiết mà người đã nhóm lại tại nhà mình đương chờ đợi. Phi-e-rơ vừa vào, thì Cọt-nây ra rước, phục xuống dưới chân người mà lạy. Nhưng Phi-e-rơ đỡ người dậy, nói rằng: Ngươi hãy đứng dậy, chính ta cũng chỉ là người mà thôi.” (Công vụ 10: 24-26).

Người theo Tin Lành cũng là người như bao nhiêu người khác. Nhưng có một đặc điểm chúng ta cần lưu ý khi xem trái thì biết cây. Kinh Thánh mô tả ông Giăng Báp-tít rằng,

Có một người Đức Chúa Trời sai đến, tên là Giăng. Người đến để làm chứng, là làm chứng về sự sáng, hầu cho bởi người ai nấy đều tin. Chính người chẳng phải là sự sáng, song người phải làm chứng về sự sáng. Sự sáng nầy là sự sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người.” (Giăng 1:6-9).

Kinh thánh mô tả tất cả những nhân vật lãnh đạo của Nước Trời đều biết mình chỉ là người và vì thế họ là những người khiêm nhường, đơn giản, không có áo dài, tua rộng, lễ phục như thấy ở các tôn giáo Á Châu ngoài đời. Họ ăn mặc giống như mọi người, không tự tìm một dấu khác biệt nào. Những người lãnh đạo như giới Mục Sư, Giáo Sư đều có quyền lập gia đình, siêng năng làm việc, phục vụ, có con có cháu. Ai nấy đều muốn trở nên giống Chúa Giê-su càng ngày càng tốt.

Tôi có kinh nghiệm về đức tin và đời sống của một người có Tin Lành, có tâm tình như các thánh đồ khiêm tốn nhất, tin tưởng và làm theo Kinh Thánh. Các tác giả sách dù nổi tiếng vẫn không muốn xưng ra chức tước. Giá trị một quyển sách không nhằm nơi chức tước của tác giả nhưng nằm nơi nội dung bài viết có đúng với thực chất của Kinh Thánh hay không mà thôi.

TÔI ĐÃ TRỞ THÀNH CÔNG DÂN NƯỚC MỸ

Tôi và gia đình đến Mỹ tại Dallas, Texas từ năm 1994.

Sau khi sống ở Mỹ được 5 năm, tôi và gia đình đã xin thi quốc tịch và đã thi đậu, tuyên thệ làm công dân Mỹ. Trong khi sống ở Mỹ, tôi thấy mình thuộc trong nhóm đa số những người thờ Trời. Đa số người Mỹ theo Đạo Tin Lành. Nước Mỹ có nhiều sắc thái Tin Lành như yêu gia đình, yêu nhà thờ, yêu tự do, sống khiêm nhường bình đẳng, tôn trọng người khác hơn mình, biết rõ hướng đi. Ngay từ thời lập quốc, các giá trị của Đạo Tin Lành được nêu cao. Đặc biệt là Kinh Thánh chiếm địa vị quan trọng trong mọi khía cạnh của đời sống. Từ nhỏ các trẻ em đã bắt đầu đọc và học Kinh Thánh.

Những câu châm ngôn, danh ngôn, tục ngữ đều được trích dẫn phát xuất từ Kinh Thánh. Trên mỗi tờ Mỹ Kim tôi đang sử dụng hằng ngày có dòng chữ IN GOD WE TRUST (tạm dịch CHÚNG TÔI THỜ TRỜI). Tôi thấy người dân Mỹ hãnh diện và ham thích đọc Kinh Thánh mà họ gọi là HOLY BIBLE là LỜI SỐNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI. Từ Hiến Pháp Mỹ cho đến các sinh hoạt hằng ngày hay hằng tuần, người dân Mỹ đều biết đi nhà thờ cầu nguyện, hát thánh ca, đọc Kinh Thánh, giảng Tin Lành trên các phương tiện truyền thanh, báo chí, sách vở, thư viện. Nền Giáo dục của Mỹ Quốc thắm đượm sinh khí của Kinh Thánh với hàng chục bản dịch và hàng ngàn sách giải kinh khác nhau. Xung quanh tôi có rất nhiều nhà thờ, trường học, tiệm sách, thư viện. Nước Mỹ có đặc điểm mà không nước nào có được là đã dung nhập tất cả các dân tộc, các màu da của loài người từ khắp nơi trên thế giới. Chỉ trong thành phố tôi đang ở có cả hàng trăm thứ tiếng với các hạng người từ các nền văn hóa khác nhau. Ai cũng có thể sống chung trong cùng một bầu không khí bình an. Người hàng xóm láng giềng ít khi can thiệp vào đời sống riêng của người sống kế bên. Tôi cũng không làm phiền ai và cũng không muốn ai làm phiền mình. Nước Mỹ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người. Nhất là người Báp-tít luôn đi đầu trong việc đấu tranh cho quyền tự do tín ngưỡng. Nét đặc thù của người Báp-tít là mỗi người đều có quyền tự do quyết định về số phận của linh hồn mình.

Nhưng vì Nước Mỹ là nước tự do, văn minh, tiên tiến nên nước Mỹ có nhiều chủ trương và sáng kiến khác nhau. Chẳng hạn, chỉ cùng đọc một quyển Kinh Thánh nhưng có hàng chục ngàn nhóm giải nghĩa Kinh Thánh khác nhau, nhóm nầy khác với các nhóm khác, chúng ta gọi đó là các giáo phái khác nhau với tên gọi khác nhau. Người ta vận dụng quyền tự do ngôn luận để nói, để viết sách, viết báo, để phát thanh, phát hình và dân chúng có đủ khôn ngoan để nhận xét và quyết định theo nhóm nầy hay nhóm khác. Nước Mỹ có chủ trương tự do trong mọi phương diện và chủ trương thống nhất cho đến nay là “hãy để thị trường quyết định sự thành công hay thất bại của một sản phẩm.” Chính vì vậy tôi không thấy nhà cầm quyển kiểm duyệt, không thấy chuyện xin phép và cho phép. Tôi không cần xin giấy phép để xuất bản sách báo. Sách càng giá trị khi người ta đọc sách đó càng nhiều. Người ta gọi sách đó là best seller. Dĩ nhiên tôi phải đăng ký công ty (business) vì tôi sẽ khai thuế cuối năm. Mỗi năm khai thuế một lần.

Từ bao nhiêu năm nay, tôi biết Kinh Thánh vẫn là quyển sách được dịch nhiều nhất, in nhiều nhất, bán nhiều nhất và phổ biến nhiều nhất. Tôi nghĩ đây chính là lý do giúp Nước Mỹ trở nên cường thịnh. Người Mỹ tin Kinh Thánh, yêu Kinh Thánh và làm theo Kinh Thánh. Một yếu tố quan trọng nữa là người dân Mỹ luôn ủng hộ cho nước Israel trên trường quốc tế. Từ khi dân Israel tái lập quốc năm 1948 cho đến nay, nước Mỹ là nước đầu tiên công nhận và binh vực nước Israel. Lý do duy nhất là vì người Mỹ tin lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho Áp-ra-ham, tổ phụ của dân tộc Do Thái.

“Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.” (Sáng thế 12:1-3).

Từ trong gia đình người Mỹ luôn nhắc nhở con cháu noi gương đức tin của con dân Israel khi mỗi ngày họ đọc tuyên ngôn nhựt tụng gọi là The Shema được chép trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:4-5 như sau:

“Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.”

Trong thời Tổng Thống Donald J. Trump việc nước Mỹ quyết định dời Tòa Đại Sứ đến Jerusalem, sau đó là việc nước Mỹ giúp nước Israel lập bang giao với ba bốn nước Hồi Giáo liên tiếp cho thấy đức tin của Nước Mỹ và ảnh hưởng của Kinh Thánh trên Nước Mỹ vẫn còn mạnh lắm.

Mới đây nhân ngày bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ (cuối năm 2020), tôi đã tham gia đi bầu sớm và tôi đã bỏ phiếu ủng hộ Tổng Thống Donald J. Trump thuộc Đảng Cộng Hòa với lý do đơn giản là Đảng Cộng Hòa thường dạn dĩ chọn làm theo lời Chúa trong Kinh Thánh, gìn giữ những truyền thống tốt đẹp lâu đời của nước Mỹ và Đảng Cộng Hòa đã chủ trương đón nhận những gia đình người cựu binh Việt Nam đến định cư tại Mỹ trong khi Đảng Dân Chủ thường chủ trương ngược lại.

http://huongdi.today

Nước Trời là nước của những người có học giống như người dẫn đường có học trước để biết rõ bản đồ, biết chỉ đường và biết nơi đến. Nước Trời có những người sáng mắt, rõ tai, biết chắc đường đi nước bước, giống như con chiên thật đi theo người chăn thật.

Chúa Giê-su nói rõ. “Nhưng các ngươi không tin ta, vì các ngươi chẳng phải là chiên của ta. Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta. Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta. Cha ta là Đấng lớn hơn hết đã cho ta chiên đó, và chẳng ai cướp nổi chiên đó khỏi tay Cha. Ta với Cha là một. biết nghe tiếng người chăn.” (Giăng 10: 25-30).

Tôi thích sống ở Mỹ với những người công dân Mỹ. Dĩ nhiên có một thiểu số người được đến Mỹ nhưng chưa trở thành công dân Mỹ. Nước Mỹ cũng có những luật lệ khắt khe chẳng hạn luật đi đường mà ai nấy cũng luôn luôn cảnh giác. Chẳng hạn không được uống rượu khi lái xe. Người lái xe gây ra tai nạn mà bị phát hiện có nồng độ rượu không được phép sẽ bị tịch thu bằng lái xe. Một hình phạt khốn khổ nhất. Tôi nói nước Mỹ có tự do nhưng tự do có giới hạn. Cũng có những người còn lưu luyến những tự do cũ ở quê nhà giống như những người Do Thái đã ra khỏi Ai-cập mà vẫn còn giữ mãi nếp sống nô lệ của Ai-cập. Nước Mỹ luôn chuyển biến không ngừng nhưng nước Mỹ có nền tảng vững chắc và dân chúng biết tự điều chỉnh cho hợp với nền tảng đó. Kinh Thánh là nền tảng của nước Mỹ.

Ở Mỹ tôi thấy mọi người rất tôn trọng Kinh Thánh mặc dầu trình độ hiểu biết Kinh Thánh của họ có khác nhau, từ người có trình độ tiểu học cho đến trình độ Tiến Sĩ, học giả. Tôi là người Việt ham học, ham đọc và dầu lớn tuổi tôi vẫn còn ham đọc. Tôi thấy mình còn bị giới hạn rất nhiều bởi khả năng nói và viết tiếng Anh. Tôi may mắn sống ở thành phố Dallas, nơi có Đại Chủng Viện Dallas Theological Seminary. Tôi và một người con trai đã học tốt nghiệp ở chủng viện nầy. Giáo sư của Viện gồm những người viết sách có giá trị bậc nhất. Tôi thấy những sinh viên giỏi trên thế giới đã và đang đến đây để nhập học. Hàng ngàn người. Cơ sở của Viện mỗi ngày xây dựng càng lớn, chỉ nằm cách nhà tôi đến trong vòng 20 phút lái xe.

Mỗi tuần tôi có thể đến Bookstore của Viện nhằm tìm sách mới để đọc. Có nhiều sách để đọc, có nhiều sách nghiên cứu với trình độ quá cao ít người dám dành thời giờ để nghiên cứu. Tôi chỉ tìm những quyển sách đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của tôi. Tôi tìm kiếm những quyển sách cần thiết hợp với trình độ bình dân của đa số người Việt chúng ta. Tôi luôn tìm những thức ăn tâm linh mà tôi thấy cần. Tôi thấy cả nước Mỹ đang học theo sự chỉ dẫn và đang cố gắng thực hành lý tưởng của Kinh Thánh. Từ Tổng Thống đến các bậc cầm quyền ai cũng hãnh diện đặt tay trên Kinh Thánh để tuyên thệ nhậm chức. Kinh Thánh là kim chỉ nam cho đời sống tinh thần. Tinh thần sản sinh vật chất. Từ Kinh Thánh tôi thấy những chữ sạch, sáng, sống, sung sướng, siêng năng, cao siêu… Từ đây tôi cũng thấy chữ thiêng liêng, thánh khiết, thương yêu, trung tín… Từ sự tin tưởng và áp dụng Kinh Thánh, người dân Mỹ đã góp phần tích cực đem đến một đất nước tự do, bình an, giàu có, cường thịnh. Hằng năm có hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới đến Mỹ để du lịch, học tập, nghiên cứu và vui hưởng những thành quả do nền văn minh nhân loại mang đến, với bao nhiêu sản phẩm trí tuệ và công nghệ, phần lớn là sản phẩm Made In America.

Tôi thích dân chúng Mỹ ưa thích và tôn trọng sự thật, luôn đứng về phía chân lý. Trong các tòa án Mỹ luôn có câu: “Tôi thề nói sự thật, chỉ có sự thật và không nói gì khác ngoài sự thật.”

Tôi thích tinh thần giáo dục cao của các ông thầy người Mỹ khi họ chọn thái độ khôn ngoan trong nghiên cứu lời Chúa, nhất là khi đối diện với những vấn đề thần học gay go khó giải thích. Bạn và tôi hãy nhớ câu nầy:

Trong những niềm tin chính yếu, hãy hiệp nhất.

Trong những niềm tin không chính yếu, hãy tự do.

Trong tất cả những niềm tin khác, hãy giữ tình yêu thương.

Tôi thường nhớ kinh nghiệm của nhà văn người Mỹ tên là Mark Twain. Ông nói, “Trong Kinh Thánh, tôi không lo sợ những câu tôi không hiểu, tôi sợ nhất là những câu tôi đã hiểu rõ.” Câu nói thật là hay. Khỏi cần tranh cãi.

Một Mục Sư người Mỹ khác tên là Warren W. Wiersbe đã nói, “Chúng ta sống nhờ những lời hứa của Chúa chứ không phải nhờ những lời giải thích.” Đây là những câu danh ngôn giúp ích tôi rất nhiều trong đời sống phục vụ Lời Chúa.

American Dream là tiêu biểu cho ước mơ của dân chúng các nước trên thế giới khi nghĩ đến nước Mỹ. Tôi nghĩ giấc mơ Mỹ nầy không phải chỉ là tiền bạc, vật chất, nhưng là cơ hội, là tự do, là môi trường sống đức tin và mưu cầu hạnh phúc tinh thần. Từ cá nhân đến gia đình, đến tập thể những người cùng sống chung trên quả địa cầu. Tôi hãnh diện và cảm ơn Đức Chúa Trời đã thương yêu cho phép và dẫn dắt tôi và gia đình tôi từ Việt Nam đến Mỹ. Từ 1994 đến nay 2020, gia đình chúng tôi sống bình an trong hơn một phần tư thế kỷ. Từ hai vợ chồng với 3 đứa con, nay gia đình tôi đã có được thêm 7 cháu với một rể, một dâu và đang sống gần với 2 bà suôi gia được bảo lãnh từ Việt Nam.  Tất cả gia đình chúng tôi đã có quốc tịch Mỹ và đang vui sống bình an hy vọng. Tôi ước ao có nhiều gia đình người Việt kinh nghiệm được đời sống đức tin trung tín giống như chúng tôi. Cho đến đời con, đời cháu.

Tuy nhiên, tôi thấy nước Mỹ càng ngày càng phân cực rõ ràng. Tôi gọi đó là cực hữu và cực tả. Trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm nay, tôi thấy rõ hướng đi rõ rệt của Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ. Tôi phân ra có phe bảo thủ và phe cấp tiến. Những người già đang cố giữ lại những giá trị và truyền thống ban đầu của tổ phụ lập quốc đã làm nên nước Mỹ. Họ là người bảo thủ. Còn người trẻ và không tôn giáo thường chủ trương cấp tiến, quá tự do, bất kể tự do đó dẫn mình đi tới đâu.

Bạn không cần đến Nước Mỹ để có thể gia nhập Nước Trời.

Bạn không cần định cư ở Mỹ để có thể vui hưởng Nước Trời. Qua phương tiện Internet và đặc biệt là qua Facebook nầy, bạn có thể mở ra nhiều cánh cửa. Nhưng hãy cẩn thận, bạn có thể rước họa vào thân nếu bạn chọn lầm cánh cửa. Chúa Giê-su đã cảnh giác,

“Ta là cái cửa: Nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi; họ sẽ vào ra và gặp đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật.” (Giăng 10: 9-10).

Bạn có thể vui hưởng Nước Trời ngay hôm nay bắt đầu từ tấm lòng thành tìm kiếm của bạn. Nước Trời đang ở trong lòng chúng ta. Hãy mời Vua Trời tức Chúa Cứu Thế Giê-su ngự vào tấm lòng của bạn hôm nay. Hãy tôn Chúa làm chủ tâm hồn và đời sống bạn. Không có sự bắt đầu đổi mới nào khác tốt hơn.

Hãy nghĩ đến ân điển của Đức Chúa Trời. Không một tôn giáo nào ở thế gian hiểu được ý nghĩa của ân điển. Chỉ ở trong Đức Chúa Trời mới có ân điển. Ân điển là một ơn đại xá, một sự tha thứ hoàn toàn, mặc dầu bạn không làm gì xứng đáng cả. Lệnh đại xá của Đức Chúa Trời đã được tuyên bố khi Con Trời đã trả giá thay bạn và tôi trên thập tự giá, bạn có biết chưa?

Tôi nghĩ đến tất cả những ơn phước không kể xiết là nhờ tình yêu thương và ân sũng quý báu từ Đức Chúa Trời.  Mỗi ngày tôi và gia đình có thể thưa chuyện, “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” Tôi nghĩ đến các quyền lợi về sự sống, về học vấn, về cơ nghiệp, nhà cửa, xe cộ và các quyền an sinh xã hội do nước Mỹ mang lại. Hiện tôi đang nhận lãnh tiền già thuộc quyền lợi an sinh xã hội mà Nước Mỹ mang lại cho những công dân đã cần cù làm việc và đóng thuế trong nhiều năm. Người Mỹ có nghĩa vụ và cũng có quyền lợi. Người cầm quyền nước Mỹ là những người phục vụ trung thành của bạn. Tôi biết ơn Chúa vì người Mỹ đang tỏ lòng tôn trọng tôi và gia đình tôi. Chỉ vì tôi là một người. Tôi gọi đó là sự tôn trọng nhân quyền. Nhà cầm quyền Mỹ rất sợ mang tiếng là thành phần phân biệt chủng tộc (racism). Trách nhiệm của chính quyền là bảo vệ sự an toàn no ấm cho người dân và gia đình an tâm sinh sống. Bạn có quyền bầu cử hay không bầu cử đối với những người lãnh đạo phục vụ bạn. Mỗi chức vụ đều được hưởng lương cao, vì thế nạn tham nhũng rất ít xảy ra. Sống là làm việc, là xây dựng.

Tôi nghĩ đến cơ sở nhà thờ do chúng tôi, các gia đình người Việt có đức tin đã cùng nhau đóng góp xây dựng và nay chúng tôi hơn 20 năm đã có khu thánh đường khang trang đầy đủ. Nằm ngay trong lòng thành phố Dallas. Chúng tôi lấy tên nhà thờ là Vietnamese Faith Baptist Church. Hội Thánh Báp-tít Đức Tin Việt Nam. Tôi rất vui vì con cháu tôi đang noi gương cha mẹ ông bà để vui sống đời sống của người thờ Trời. Các gia đình tín hữu đang cùng sinh hoạt với các Mục sư để hầu việc Chúa và giúp đỡ nhau thờ phượng Chúa. Tôi nghĩ đến những ngày trời trên đất…

Ở Mỹ tôi thích nhất là hệ thống đường sá, từ đường phố đến các xa lộ, suốt cả nước Mỹ lưu thông tiện lợi, thông suốt, an toàn. Tôi thấy những bảng hiệu chỉ đường và phương hướng thật rõ ràng tiện ích. Tôi nghĩ đến những bảng hiệu của Nước Trời cũng phải rõ ràng, chính xác, đơn giản, dễ nhớ để không một người nào lầm đường hay mất hướng.

NƯỚC MỸ NGÀY NAY

Sau 25 năm sống trên đất Mỹ, khi ảnh hưởng của thế gian càng mạnh, giống như chiếc thuyền đang có lổ thủng, tôi thấy dân Mỹ nhất là những người trẻ tuổi đã bắt đầu coi thường những giá trị đã làm nên nước Mỹ. Họ đã bỏ mất sự cầu nguyện trong trường học, họ chấp nhận nạn phá thai, ma túy, đồng tính luyến ái, nạn ly dị… Tôi thấy nhiều người Mỹ đã bắt đầu đổi chủ, đúng như lời Chúa Cứu Thế đã cảnh cáo,

“Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa.” (Ma-thi-ơ 6: 24).

Ngày nay câu nói của Chúa Giê-su đã ứng nghiệm ở rất nhiều nơi. Chính lòng tham tiền bạc đã gây ra bao nhiêu tội ác. Loài người khắp nơi đang cần phục hồi giá trị của nền giáo dục Cơ-đốc biết bao! Đọc và dạy Kinh Thánh bằng mọi hình thức cho tất cả mọi người bắt đầu từ các em nhỏ trong gia đình và ngoài xã hội sẽ giải quyết được rất nhiều nan đề cho mọi quốc gia.

Nước Mỹ đang cần một cơn phục hưng.

Nhờ được Trời cho sống ở Mỹ, đặc biệt sống ở Dallas, mà tôi có thể tìm được và đọc được nhiều sách quý. Tôi chuyên tìm những sách về Kinh Thánh. Về những nhu cầu tâm linh. Tôi có nhiều sách để đọc nhưng lại có ít thời giờ để đọc hết các sách tôi đã mua được. Tôi ước gì có thêm nhiều người Việt khác sẽ cùng nhau đọc sách quý với tôi.

May thay ngày nay, người Việt không cần phải đi đến Mỹ để có thể đọc nhiều sách, ngày nay qua mạng lưới Internet với vô số website có giá trị, bạn vẫn có thể đọc được những bài học lớn nếu bạn muốn tìm. Ngày nay người Việt sẽ không thể đổ thừa cho hoàn cảnh thời gian hay không gian để không tìm kiếm Nước Trời để gặp được Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế mà Ngài đã ban đến thế gian. Bạn có đọc website www. huongdionline.com chưa?

NƯỚC TRỜI LÀ NƯỚC TÔI

Và tôi đã khám phá một điều lý thú. Ít có người Mỹ gốc Việt đã khám phá như tôi.

Đó là có rất nhiều người Mỹ dầu đã giàu có, thịnh vượng, văn minh bậc nhất thế giới nay vẫn đang trông chờ một quê hương tốt đẹp hơn, Kinh Thánh gọi đó là “quê hương trên trời” (a better country, a heavenly one). Tôi nghiên cứu Kinh Thánh và khám phá thấy, “Nước Trời đã đến gần.” Hãy để ý chữ đến gần, tức là chưa đến thực tế. Tiên tri Giăng Báp-tít giới thiệu Nước Trời, Chúa Cứu thế Giê-su giới thiệu Nước Trời, các sứ đồ giới thiệu Nước Trời, Hội Thánh đầu tiên giới thiệu Nước Trời. Nhưng Nước Trời chỉ mới được giới thiệu và chuẩn bị chứ chưa hiển hiện trên mặt đất nầy. Mọi người vẫn còn đang mong đợi ngày Nước Trời hiển hiện trên đất. Hãy theo dõi đọc sách nầy bạn sẽ thấy chương trình Nước Trời sẽ đến với tương lai nhân loại chúng ta.

Tôi nghĩ đây chính là niềm hy vọng của dân tộc Việt Nam. Không phải là đến Nước Mỹ nhưng là đến Nước Trời.

Tôi suy nghĩ đến hành trình từ Việt đến Mỹ và từ Mỹ đến Nước Trời.

Tôi suy nghĩ đến lời kêu gọi của Chúa Cứu Thế Giê-su Christ khi Ngài đến thế gian, “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Trời và sự công bình của Ngài.”

Là người Việt Nam, nói tiếng Việt Nam, viết tiếng Việt Nam, tôi đang cố gắng viết một quyển sách ngắn gọn về Nước Trời với ngôn ngữ dễ hiểu nhất, bình dân nhất để dân Việt ai cũng có thể đọc, ai cũng hiểu được. Người Việt ai cũng muốn biết chuyện quá khứ, hiện tại và tương lai của mình và gia đình mình. Tin yêu và hy vọng là những giá trị trường tồn với thời gian và không gian. Nước Mỹ chưa phải là Nước Trời. Theo ý nghĩa thực của Kinh Thánh. Đơn giản là ở Mỹ người ta vẫn còn bầu cử Tổng Thống 4 năm một nhiệm kỳ, trong khi ở Nước Trời chỉ có một Vua Trời. Nước Trời còn lại đời đời vì Vua Trời không hề chết, không thay đổi, không thế lực nào truất phế được.

Ở Mỹ người ta vẫn còn tranh dành đảng phái, còn lo lắng, thất nghiệp, đau ốm, trả thuế, đi làm, đi lính, mắc nợ… Ở Mỹ người ta vẫn còn đi biểu tình, vẫn phải biết sử dụng lá phiếu bầu cử của mình. Vì thế tôi nghĩ nước Mỹ sẽ không thể có nạn độc tài, không thể tham gia xâm lược nước ngoài. Thỉnh thoảng người ta thấy nước Mỹ có chủ trương rút về để hồi phục và xây dựng đất nước vĩ đại nhứt thế giới.

Nước Mỹ mới chỉ là mơ ước đơn sơ về Nước Trời, với dấu vết hình bóng Nước Trời, nhưng Nước Trời là một quê hương tốt hơn, khác hơn và có giá trị hơn rất nhiều. Nước Trời chỉ thực sự đến khi Vua Trời trực tiếp cai trị thần dân của Ngài. Tôi nhớ Vua Trời có lời hứa sau đây: “Các con tìm ta và sẽ gặp được khi các con tìm kiếm ta hết lòng.” Lời hứa nầy phù hợp với lời hứa của Chúa Cứu Thế, sẽ là “Vua trên muôn vua Chúa trên muôn chúa.” Ngài cũng đã tuyên bố lời hứa quý báu sau đây: “Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa ta sẽ mở cho.” Kinh Thánh đầy dẫy những lời hứa sắp ứng nghiệm trong danh Chúa Giê-su.

Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha. Phi-líp 2:5-11.

Nước Trời là Nước Quyền Năng vì Chúa Trời là Chúa toàn năng.

Ước gì người Việt sẽ tìm hiểu và tiếp nhận Nước Trời. Đây không phải là lý thuyết nhưng là thực tế. Không phải tạm bợ nhưng rất lâu dài. Tôi không kêu gọi người Việt tham gia giáo hội hay giáo phái, nhưng tôi mong muốn người Việt ai nấy đều hãy sốt sắng tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, tham gia Nước Trời ngay hôm nay, tại chỗ đứng, tại nhà của mình, tại nơi mình đang sống. Tôi đang tìm những người Việt ham học, ham đọc và ham viết. Hãy liên lạc với tôi, tôi muốn chia sẻ tin mừng với bạn.

Nước Trời được trình bày cách rõ ràng trong Kinh Thánh. Nhưng có ít người Việt nói về Nước Trời. Chỉ có thiểu số biết Nước Trời, sống Nước Trời, rao giảng Nước Trời.  Tôi cầu nguyện và gần đây tôi đã đọc được một tài liệu dễ hiểu có tựa đề, “What’s All This Talk About A Kingdom” của Stanley D. Toussaint, một Giáo Sư của Dallas Theological Seminary. Tôi xin tạm trình bày như sau đây:

Nước Trời là chủ đề của Kinh Thánh. Trong tiếng Anh chữ Nước Trời là “the Kingdom of God.” Tôi có thể dịch đây là Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Vương Quốc là một Nước có một vị Vua. Kinh Thánh bắt đầu và kết thúc với hình ảnh một vương quốc.

Muốn có một vương quốc thì nơi đó có ba yếu tố: (1) một nhà cai trị có thẩm quyền, (2) một số đông người bị trị, và (3) một chính quyền đang cai trị. Theo Kinh Thánh, vương quốc của Đức Chúa Trời có hai ý nghĩa. Một có ý nghĩa đời đời, phổ quát, tể trị và thuộc hiện tại. Nghĩa là Chúa đang tể trị vương quốc của Ngài trên vũ trụ trong hiện tại. Hai có nghĩa khác là hiện thời, địa phương, có điều kiện và thuộc tương lai. Các nhà thần học thuộc mọi trường phái thường đồng ý cụm từ Vương Quốc của Đức Chúa Trời theo nghĩa thứ nhất (Thi Thiên 10:16, 103: 19; 29:10; Đa-ni-ên 4:35). Trong sách nầy tôi thích trình bày Nước Trời xuất hiện như đã xảy ra trên đất trong quá khứ và cũng bao gồm hiện thời, địa phương và tương lai. Chúng ta sẽ theo dõi Nước Trời như Kinh Thánh đã trình bày.

Nước Trời trên đất…

Nước Trời trên đất của Đức Chúa Trời bắt đầu với sự sáng tạo ra A-đam và Ê-va với thẩm quyền cai trị Chúa ban giao cho họ (Sáng thế 1:26-29). Tổ phụ của loài người cai trị quả đất dưới thẩm quyền (authority) của Đức Chúa Trời. Khi A-đam và Ê-va phạm tội họ đã không đánh mất uy quyền đã được ủy thác của Chúa, họ vẫn còn giữ uy quyền đó sau khi sa ngã (Thi Thiên 8:3-8; Hê-bơ-rơ 2:7). Tuy nhiên, vì cớ tội lỗi của A-đam, sự tể trị của Đức Chúa Trời trên quả đất qua tay loài người đã thình lình ngưng trệ. Nước Trời trên đất theo hình thức Chúa trực tiếp tể trị qua loài người (the theocratic kingdom) đã mất đi sau khi loài người sa ngã.

Từ A-đam đến Môi-se, Đức Chúa Trời đã tể trị trên thế giới, nhưng không qua bàn tay điều khiển của loài người. Chúa không trực tiếp tể trị thế giới cho đến thời Môi-se. Trước thời Môi-se Đức Chúa Trời đã thể hiện quyền ăng tối thượng của Ngài qua sự can thiệp vào các biến cố của loài người qua trường hợp Ca-in và A-bên, qua thời nước lụt, qua sự phán xét loài người tại Tháp Ba-bên và qua sự lựa chọn Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Ngay cả khi dân Israel mang ách nô lệ ở Ai-cập trong 400 năm, Chúa vẫn không cai trị theo hình thức trực tiếp. Trong tất cả khoản thời gian đó, từ A-đam đến Môi-se, vẫn chưa thấy người trung gian, không có nhà cầm quyền thiên thượng trên đất.

Điều nầy đã thay đổi ở Núi Si-nai. Ở đó Đức Chúa Trời bước vào mối liên hệ giao ước với dân Israel và họ đã trở thành vương quốc của Đức Chúa Trời trên đất với xứ sở Ca-na-an làm đất nước. Lần đầu tiên chữ vương quốc được sử dụng chỉ về vương quốc của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh (Xem Xuất 19:4-6). Giao ước nầy được bày tỏ ra hình thức thấy được trong Xuất 24:1-8. Đức Chúa Trời đã thi thố quyền lãnh đạo của Ngài trên dân Israel qua Môi-se, rồi đến Giô-suê, rồi đến các quan xét (thẩm phán). Cuối cùng, dân chúng đòi hỏi một vị vua, và Đức Chúa Trời đã cho phép yêu cầu nầy xảy ra. Xem 1 Sa-mu-ên 8:9-22. Nhưng vị vua đầu tiên là Sau-lơ đã chứng tỏ không vâng lời Chúa và Đức Chúa trời đã chấm dứt triều đại của ông. Rồi Chúa đã chọn Đa-vít làm vua và Ngài đã lập giao ước ban cho ông một ngôi vị đời đời, một vương quốc và một gia tộc. Xem 2 Sa-mu-ên 7: 12-16; Thi Thiên 89:3-4, 28-37. Vinh quang của nhà Đa-vít đã đạt đến đỉnh cao với người con kế thừa là vua Sa-lô-môn. Nhưng tình hình đột nhiên thay đổi khi người con của vua Sa-lô-môn là Rehoboam lên kế ngôi. Rehoboam đã dại dột hứa với những người theo ông rằng gánh nặng thuế má của Sa-lô-môn sẽ được tăng lên gấp đôi. Sau đó 10 chi phái phía bắc đã theo Jeroboam để kế tục vương quốc Rehoboam. Để lại chỉ có nước Giu-đa (với chi phái Benjamin và Lê-vi) với sự cai trị của dòng vua Đa-vít. Nhiều người trung thành với nhà Đa-vít đã bỏ vương quốc phía bắc để dời qua với nước Giu-đa (2 Sử ký 11:16; 15: 9), như vậy tất cả 12 chi phái đều có người đại diện ở nước Giu-đa. Vương quốc phía bắc tỏ ra thất bại trong đời sống tâm linh và cuối cùng bị quân Assyrian chinh phục và bắt lưu đày vào năm 721 BC. Nước Giu-đa bé nhỏ vẫn theo vương quốc Đức Chúa Trời mặc dầu có nhiều vua Giu-đa đã bội đạo. Cuối cùng, sự vinh hiển của Chúa đã ra đi khỏi nước Giu-đa một cách đau lòng và bi đát. Xem Ê-xê-chi-ên 10:4, 18-19; 11:23.

Vua Jehoiachin đã bị lưu đày qua Babylonia cùng với những thành phần ưu tú của nước Giu-đa. Vua Zedekiah đã được lập nên như một lãnh đạo bù nhìn. Dân chúng còn sống sót đã rơi sâu vào tà giáo. Thế là sự vinh quang của Chúa đã từ biệt và thần quyền tể trị của Chúa trên đất đã chấm dứt; thời kỳ dân ngoại đã bắt đầu.

Chấm dứt thời Cựu Ước.

Thời Tân Ước mở ra khi thông điệp từ Trời đánh động toàn dân Israel, “Nước Trời đã đến gần.”

Giăng Báp-tít, “Lúc ấy, Giăng Báp-tít đến giảng đạo trong đồng vắng xứ Giu-đê, rằng: Các ngươi phải ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần!” (Ma-thi-ơ 3:1-2)

Chúa Giê-su, “Từ lúc đó, Đức Chúa Jêsus khởi giảng dạy rằng: Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần.” (Ma-thi-ơ 4:17).

Các Sứ đồ, “Ấy đó là mười hai sứ đồ Đức Chúa Jêsus sai đi, và có truyền rằng: Đừng đi đến dân ngoại, cũng đừng vào một thành nào của dân Sa-ma-ri cả; song thà đi đến cùng những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên. Khi đi đường, hãy rao giảng rằng: “Nước thiên đàng gần rồi.” (Ma-thi-ơ 10: 7).

Hãy để ý Nước Trời đã chưa tuyên bố xảy ra trong thực tế thời lúc bấy giờ, Nước Trời chỉ được công bố đã đến gần. Dân Israel được kêu gọi hãy ăn năn để chuẩn bị Nước Trời đang đến gần. Mọi người đều hiểu đây là Nước Trời đã hứa và được nói tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước. Nước Trời xuất hiện tùy theo sự hưởng ứng của dân Israel đối với sự hiện đến của Chúa Giê-su Christ (Công vụ 3: 19-20). Dĩ nhiên, Nước Trời phải đến bởi con đường thập tự giá, Chúa Giê-su cần bị đóng đinh trên thập giá (2 Phi-e-rơ 1:10-11). Bởi vì dân Israel đã từ khước Chúa Giê-su làm Đấng Cứu Thế, như đã được ghi chép suốt qua các sách Phúc Âm và Công Vụ Sứ Đồ, Nước Trời đã chưa bao giờ đến. Nước Trời trên đất vẫn chưa đến và vẫn còn ở trong tương lai. Những ghi chú về Nước Trời trong Tân Ước tiên báo về sự khởi đầu cai trị của Chúa Giê-su vào thời trị vì Một Ngàn Năm và kéo dài sau đó cho đến đời đời. Điều nầy có nghĩa là chưa có hình thức Nước Trời trong thời gian hiện tại (xem Lời Cầu Nguyện Chung trong Ma-thi-ơ 6:9-10). Ngày nay Đức Chúa Trời đang tể trị vũ trụ của Ngải và Ngài đang kêu gọi thần dân riêng của Ngài, nhưng Nước Trời do Ngài đích thân cai trị theo thể thức thần quyền (theocratic kingdom) thì chưa diễn ra trong bất cứ hình thức nào.

Giáo Hội Công Giáo La-mã (hay bất cứ Giáo Phái nào) đang tự nhận mình là Nước Trời (theo tổ chức Giáo Hoàng, Hồng Y, Linh Mục có trụ sở ở Vatican, nước Ý) không phù hợp với lời chính Chúa Giê-su đã dạy trong Lu-ca 17:21 về sự thình lình hiện ra của Nước Trời khi Chúa tái lâm. Ý nghĩa câu nầy đã được giải thích rõ hơn trong Lu-ca 17:24 “Vì như chớp nháng loè từ dưới phương trời nầy đến dưới phương trời kia, thì Con người trong ngày Ngài cũng như vậy.”

Nên nhớ, hiện nay chính những người theo Công Giáo La-mã giống như các tín hữu Tin lành vẫn đang cầu nguyện Kinh Lạy Cha, trong đó có câu: “Xin nước Cha được đến, ý Cha được nên ở đất như trời.”

Nước Trời sẽ đến khi Chúa Giê-su trở lại thế gian lẫn nữa. Sự tái lâm của Chúa Giê-su sẽ không đến cách từ từ nhưng sẽ diễn ra cách chớp nhoáng như sét đánh.

Sự xảy đến của Nước Trời (lúc Chúa trực tiếp cai trị) khi dân Israel ăn năn công nhận Chúa Giê-su là Đấng Messiah của họ. Một ngày kia sẽ có lúc toàn bộ người dân Israel ăn năn quay lại với Đức Chúa Trời (xem Xa-cha-ri 12:10-14; Ma-thi-ơ 23:39; Rô-ma 11: 25-27) và lúc đó Chúa sẽ “lập lại vương quốc cho nước Israel” (xem Công Vụ 1:6).

Như vậy, Nước Trời sẽ đến lúc Chúa Giê-su sẽ đến trực tiếp cai trị thế giới trong thời 1000 Năm Bình An và sau đó là Nước Đời Đời. Lúc Chúa tái lâm để trực tiếp cai trị thế giới sẽ có tiếng kêu lớn báo tin của các thiên sứ thiên binh trên trời,

“Từ nay nước của thế gian thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ của Ngài, Ngài sẽ trị vì đời đời.” (Khải Huyền 11:15).

Hãy cùng tôi đọc tiếp Khải Huyền 12:10-12,

“Tôi lại nghe trên trời có tiếng lớn rằng:
Bây giờ sự cứu rỗi, quyền năng, và nước Đức Chúa Trời chúng ta đã đến cùng quyền phép của Đấng Christ Ngài nữa; vì kẻ kiện cáo anh em chúng ta, kẻ ngày đêm kiện cáo chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời, nay đã bị quăng xuống rồi. Chúng đã thắng nó bởi huyết Chiên Con và bởi lời làm chứng của mình; chúng chẳng tiếc sự sống mình cho đến chết. Bởi vậy, hỡi các từng trời và các đấng ở đó, hãy vui mừng đi! Khốn nạn cho đất và biển! Vì ma quỉ biết thì giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi.”

Vậy cùng với sứ đồ Giăng, chúng ta hãy cầu nguyện,

“A-men, lạy Đức Chúa Giê-su, xin hãy đến! (Khải Huyền 22:20).

Người Việt chỉ có dân số 100,000,000 người trong số 7 tỉ người dân trên thế giới. Chúa yêu người Việt giống như Chúa yêu người Mỹ, người Israel. Tôi là người Việt, tôi cũng yêu dân tộc Việt Nam. Đức Chúa Trời muốn người Việt “được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.” Xem 1 Ti-mô-thê 2:4. Đức Chúa Trời có chương trình vĩ đại cho cả trái đất và vũ trụ nầy. Chúa đã báo trước những việc Chúa sẽ làm. Chúa đang kiên nhẫn chờ đợi người Việt chúng ta. Hãy quay lại với Đức Chúa Trời và nhanh chóng đặt đức tin nơi Chúa Giê-su là Con Một Ngài. Hãy để ý 2 điều cần thiết nhưng đơn giản. Xem Công Vụ 20: 21, “Phao-lô giảng cho người Giu-đa như cho người Gờ-réc về sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời, và đức tin trong Đức Chúa Giê-su là Chúa chúng ta.”

Vẫn còn hy vọng cho người Việt Nam và thế giới ăn năn trở lại thờ Trời. Hôm nay. Hôm nay là thời thuận tiện. Hôm nay là ngày cứu rỗi.

Đây là tin mừng duy nhất cho chúng ta, không có một tin mừng nào khác.

Hiện nay có nhiều dấu hiệu đang xảy ra báo trước ngày tái lâm của Chúa Giê-su sắp đến, từ ngày lập quốc của Israel năm 1948, đến những biến cố đã diễn ra ở Jerusalem, đến nạn đại dịch Corona Virus đang lây lan trên khắp thế giới.

CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?

  1. Cầu nguyện “Kinh Lạy Cha.”

Lạy Cha chúng tôi ở trên trời;
Danh Cha được thánh;
Nước Cha được đến;
Ý Cha được nên, ở đất như trời!
Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày;
Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi;
Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!
(Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men.)

Toàn bộ lời Kinh có 6 điều cầu nguyện:

Điều đầu tiên là xin Danh Cha được thánh (tôn kính).

Thứ hai là xin Nước Trời mau đến.

(Không phải xin Nước Trời đến trong lòng tôi, nhưng là xin cho tôi và gia đình tôi đến với Nước Trời.)

Thứ ba là giải thích điều thứ hai, “Ý Cha được nên, ở đất như trời!”

(Nghĩa là trông đợi Chúa Giê-su sớm đến trực tiếp cai trị Nước Trời trên đất).

Thứ tư đến thứ sáu là cầu xin cho nhu cầu sống hằng ngày trên mặt đất.

  1. Chúng ta sống trong trách nhiệm.

Con cái Chúa đang trông đợi Chúa đến vớicông việc Chúa đang giao thác. Mỗi người đều được giao một tài năng hay một cơ hội. Giống như câu chuyện chủ giao các ta-lâng cho các đầy tớ để đầu tư và đi phương xa. Chủ sẽ trở về và sẽ tính sổ. Mỗi khi đọc bài Kinh Lạy Cha, chúng ta cần ý thức luôn là mỗi người tin Chúa đang là công dân của Nước Trời trong hai khía cạnh. Công dân trên đất và công dân trên trời. Chúng ta đang là khách lạ và kẻ lưu hành trên đất. Nói cách khác chúng ta có quyền công dân thiên quốc và chúng ta đang đi du lịch trên các ngã đường trên mặt đất. Dĩ nhiên chúng ta có trách nhiệm với quê đất lẫn quê trời. Chúng ta phải trả nợ cho Sê-sa (qua các chính phủ) dưới đất cũng không quên trả nợ cho Đức Chúa Trời. Bạn đang biết Chúa muốn bạn làm gì.  Tôi chỉ muốn bạn hiệp tác với tôi. Chúng ta cần biết ưu tiên trả nợ. Cả nợ đất lẫn nợ trời.

Hỡi kẻ rất yêu dấu, anh em như người ở trọ, kẻ đi đường, tôi khuyên phải kiêng những điều xác thịt ưa thích, là điều chống trả với linh hồn. Phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, hầu cho họ, là kẻ vẫn gièm chê anh em như người gian ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm viếng, họ ngợi khen Đức Chúa Trời. 1 Phi-e-rơ 2:11-12

Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉn trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất. Hê-bơ-rơ 11:13

Nhưng chúng ta là công dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Đức Chúa Jêsus Christ, Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài, y theo quyền phép Ngài có để phục muôn vật. Phi-líp 3:20

Tôi đang đầu tư cho Nước Trời, còn bạn thì sao?

  1. Chúng ta sống trong hy vọng.

Sống trong hy vọng nghĩa là chúng ta phải góp phần trông đợi ngày Chúa đến một cách tích cực. Sống hy vọng là sống trong yêu thương, nhẩn nại, vui mừng và thánh khiết.

Sống hy vọng là sống kỹ luật theo tư cách người tớ, người công nhân, người học trò… làm việc đúng giờ, là chực cho sẵn.

Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.

Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, dòng dõi nầy chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến. Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi.

Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi. Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu, – và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy, – khi Con người đến cũng như vậy. Lúc ấy, sẽ có hai người nam ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị để lại; và có hai người nữ đương xay cối, một người được đem đi, còn một người bị để lại. Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến.

 

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn