Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Nước Mỹ Giàu Có Và Một Thế Giới Nghèo Khó

Nước Mỹ Giàu Có Và Một Thế Giới Nghèo Khó

Những điểm mù (blind spots) trên xe ô tô được hiểu là khoảng không gian mà (tài xế) người lái xe không thể quan sát hay nhìn thấy được, qua gương chiếu hậu bên ngoài khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Đặc biệt là mỗi khi xe chuyển làn, quay đầu ở các ngã tư… Đây là một trong những yếu tố rất khó khắc phục đối với lái xe và dễ dẫn đến va chạm hay thậm chí tai nạn nguy hiểm đến tính mạng. Đối với các xe có kích thước càng lớn thì điểm mù cũng tăng theo tỷ lệ thuận.
🙂
Hình bên trên minh họa các điểm mù của một xe tải.
Trong lĩnh vực đức tin, cũng có những điểm mù. Bài viết sau đây của DAVID PLATT có thể giúp đỡ mỗi chúng ta khám phá các lẽ thật.

🙂
Chúng ta đều có những điểm mù – những lĩnh vực trong đời sống cần được nhìn nhận cách đúng đắn và từ đó điều chỉnh lại đời sống cho phù hợp. Tuy nhiên thật khó để tìm ra những điểm mù. Chúng thường được người khác nhìn thấy nên chúng ta thường dựa vào bạn bè để chỉ ra những điểm mù. Tuy nhiên thực tế là thậm chí khi đã có bạn bè chỉ ra, chúng ta vẫn rất khó nhận ra những điểm mù ấy. Chúng ta không muốn thừa nhận chúng… cho đến khi đã quá trễ. Chúng ta phát hiện những điểm mù khi sự việc đã xảy ra, còn hiện tại thì rất khó khăn.

Tôi có thể chỉ ra một điểm mù rõ ràng trong lịch sử Cơ đốc giáo tại Mỹ. Chế độ nô lệ. Làm thế nào những Cơ đốc nhân tin vào phúc âm lại dễ dàng biện minh cho hành động bắt người làm nô lệ? Những người đi nhà thờ với ý định tốt lành cùng nhau thờ phượng Đức Chúa Trời mỗi Chủ Nhật và đọc Kinh Thánh đều đặn suốt cả tuần nhưng đồng thời cũng là những người dùng Lời Chúa để bào chữa cho hành động sử dụng và ngược đãi những người nam, người nữ và trẻ em như một tài sản. Họ còn nghĩ rằng họ thật rộng lượng khi ban cho các nô lệ này có thêm thức ăn vào dịp lễ Giáng Sinh.

Điều này khiến tôi sợ hãi. Ý định tốt lành, sự thờ phượng đều đặn và thậm chí học Kinh Thánh cũng không thể ngăn sự mù lòa trong chúng ta. Bản tính tội lỗi theo bản năng chọn nhìn điều chúng ta muốn nhìn và bỏ qua điều chúng ta muốn bỏ qua. Tôi có thể sống đời sống Cơ đốc và thậm chí lãnh đạo hội thánh nhưng cũng vô tình không lưu tâm đến điều ác.

Không lâu trước đây, Đức Chúa Trời đã bày tỏ một điểm mù trong cuộc sống của tôi. Một lĩnh vực mà tôi không vâng phục. Một sự thật trong Lời Chúa mà tôi đã vờ như không có. Tuy nhiên Đức Chúa Trời đã khiến tôi phải xưng tội trước Ngài, trước gia đình tôi, và trước gia đình đức tin mà tôi lãnh đạo.

Ngày nay, hơn một tỷ người trên thế giới đang chết vì đói nghèo. Họ giành lấy sự sống khi thu nhập chưa tới một đô la mỗi ngày. Gần hai tỷ người khác sống với chưa tới hai đô la mỗi ngày. Vậy là gần phân nửa thế giới đang chật vật tìm kiếm thức ăn, nước uống và chỗ ở với cùng một số tiền nhỏ mà tôi chỉ có thể mua được khoai tây chiên cho bữa trưa.

Hơn hai mươi sáu nghìn trẻ em trên thế giới ngày nay sẽ chết vì thiếu ăn hoặc một căn bệnh có thể ngăn ngừa được. Để dễ hình dung, con số đó là hai mươi sáu nghìn em nhỏ như Joshua và Caleb (hai con trai của tôi) sẽ chết vì thiếu ăn  và bệnh tật. Hội thánh nơi tôi quản nhiệm có thể hình dung: nếu điều này xảy ra tại Hoa Kỳ thì tất cả các cháu từ mười tám tuổi trở xuống đều sẽ chết trong vòng hai ngày tới.

Đột nhiên tôi nhận ra rằng nếu tôi được truyền lệnh phải đào tạo môn đồ của Chúa trên khắp thế giới thì tôi không thể làm ngơ khi nơi tôi được Chúa kêu gọi bị nạn đói nghèo hoành hành. Những ai muốn công bố sự vinh quang của Đấng Christ cho đến tận cùng trái đất phải cân nhắc không chỉ công bố phúc âm qua lời nói nhưng cũng phải minh họa phúc âm sao cho một thế giới nghèo đói có thể nhìn thấy được. Nếu tôi phải giải quyết nhu cầu thuộc linh cấp bách bằng việc chia sẻ phúc âm của Đấng Christ hoặc xây dựng thân thể Đấng Christ khắp thế giới thì tôi không thể làm ngơ trước nhu cầu thuộc thể vô cùng khẩn cấp.

Mặc dù vậy, thật đáng sợ, tôi đã nhắm mắt làm ngơ trước những thực tại trên. Tôi đã làm ngơ trước những con người nghèo đói bởi vì họ không chỉ nghèo mà còn bất lực. Sự thật là hàng triệu người đang chết vì ít được biết đến, còn tôi thì vui hưởng sự sung túc của bản thân trong khi vờ như những con người nghèo đói không hề tồn tại.

Nhưng họ thật có tồn tại. Họ không chỉ tồn tại, nhưng Đức Chúa Trời rất nghiêm túc với cách tôi đáp ứng với họ. Sách Châm ngôn cảnh báo những sự rủa sả dành cho những ai ngó lơ người nghèo. Các tiên tri cảnh báo sự đoán phạt của Đức Chúa Trời dành cho những ai bỏ bê người nghèo. Đức Chúa Giê-su phán sự tai họa dành cho những người giàu nhờ cậy vào tài sản của họ, và Gia-cơ bảo những ai tích trữ tiền bạc và sống bê tha hãy “khóc lóc, kêu la, vì cớ hoạn nạn sẽ đổ” trên họ.[1] Trong một bài giảng, Đức Chúa Giê-su phán cùng những người đã khước từ Chúa bằng việc không quan tâm đến những nhu cầu thuộc thể của con dân Chúa, rằng: “Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó.”[2]

Đến đây tôi muốn bảo vệ ngay những hiểu lầm có thể xảy ra trong chương sách này. Kinh Thánh không dạy rằng chăm sóc cho người nghèo là phương cách để được sự sống đời đời. Phương cách để được cứu rỗi đó là đức tin nơi Đấng Christ, và công việc của Đấng Christ là cơ sở cho sự cứu rỗi của chúng ta. Chúng ta không được cứu vì cớ đã chăm sóc cho người nghèo, và sự đáp ứng tồi tệ nhất đối với chương sách này đó là nỗ lực chăm sóc cho người nghèo để được sự cứu rỗi hoặc để được đứng trước Đức Chúa Trời.

Song, mặc dù việc chăm sóc cho người nghèo không phải là cơ sở cho sự cứu rỗi, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là cách chúng ta sử dụng sự giàu có của bản thân hoàn toàn không có liên quan đến sự cứu rỗi. Thực ra, chăm sóc cho người nghèo (cùng với những công việc khác) chính là bằng chứng cho sự cứu rỗi của chúng ta. Đức tin nơi Đấng Christ cứu chúng ta khỏi tội lỗi cùng với đó là sự biến đổi con người bề trong và được thể hiện ở hành động bên ngoài. Theo lời Đức Chúa Giê-su, bạn biết được một người nào đó có phải là môn đồ của Đấng Christ hay không dựa vào những bông trái trong đời sống của họ, và các tác giả Tân Ước bày tỏ cho chúng ta rằng bông trái đức tin trong Đấng Christ gồm có sự quan tâm dành cho người nghèo.[3]  Chăm sóc cho người nghèo là một kết quả tự nhiên và là một bằng chứng cần thiết cho sự hiện diện của Đấng Christ trong đời sống của chúng ta. Nếu đời sống của chúng ta không có dấu hiệu chăm sóc cho người nghèo thì ít nhất đây là lý do để tự hỏi trong lòng của chúng ta có Đấng Christ hay không.[4]

Một số người sẽ nghĩ rằng việc này đã đi quá xa, nhưng hãy suy nghĩ đến một kịch bản khác. Hãy tưởng tượng một người tuyên bố anh ta đã có Chúa trong lòng nhưng lại buông thả trong tình dục mà ăn nằm với nhiều người khác nhau. Mặc dù vậy khi bị Kinh Thánh cáo trách về tội lỗi, anh ta vẫn tiếp tục trong sự vô luân của mình. Anh ấy không vâng phục Đấng Christ và không có dấu hiệu ăn năn, hối lỗi, hay nhận thấy tội lỗi của mình. Vậy anh ấy có phải là Cơ đốc nhân thật?

Dĩ nhiên, chúng ta không phải là người đoán xét chàng trai này. Tuy nhiên khi đọc 1 Cô-rinh-tô 6:9-10 viết rằng: “Phàm những kẻ tà dâm,… kẻ ngoại tình,… đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu,” hiển nhiên chúng ta sẽ đặt câu hỏi liệu chàng trai này có thật sự là con cái Chúa. Không phải anh ta cần dừng hành động vô luân để nhận được sự cứu rỗi. Nếu làm thế thì nghĩa là anh ta được cứu nhờ công việc. Không, anh ấy cần tin cậy nơi Đấng Christ, và kết quả là tấm lòng của anh được thay đổi để khao khát vâng phục Chúa.

Vậy đâu là sự khác biệt giữa người cố tình buông thả trong khoái lạc tình dục phớt lờ lời dạy của Kinh Thánh về sự tinh sạch đạo đức với người buông thả trong sự theo đuổi những của cải vật chất và phớt lờ lời dạy của Kinh Thánh về việc chăm sóc cho người nghèo? Sự khác biệt đó là một người vi phạm điều cấm kị xã hội còn người kia thì vi phạm tiêu chuẩn của Lời Chúa.[5]

Chúng ta nhìn lại các chủ nô Cơ đốc cách đây 150 năm trước và hỏi: “Làm thế nào họ có thể đối xử với đồng loại như thế?” Tôi tự hỏi sẽ ra sao nếu Cơ đốc nhân  trong tương lai vào năm 3070 nhìn thấy Cơ đốc nhân tại Hoa Kỳ ngày nay và hỏi: “Làm thế nào họ có thể sống trong những căn nhà to như thế? Làm thế nào họ có thể lái xe to và mặc đồ đẹp như thế? Làm thế nào họ có thể sống sung túc trong khi hàng nghìn trẻ em đang chết vì không có thức ăn và nước uống? Làm thế nào họ có thể sống như thể hàng tỷ người nghèo không hề tồn tại?”

Phải chăng chủ nghĩa vật chất là một điểm mù của Cơ đốc giáo Hoa Kỳ ngày nay? Cụ thể hơn, phải chăng chủ nghĩa vật chất là một điểm mù trong đức tin Cơ đốc của bạn ngày nay? Chắc chắn đây là điều chúng ta cần nói ra bởi vì nếu cuộc sống của chúng ta không phản ánh tình yêu thương trọn vẹn dành cho người nghèo thì đây chính là lý do để nghi vấn tính hiệu quả khi chúng ta công bố sự vinh quang của Đấng Christ cho đến cùng trái đất. Đặc biệt hơn, nếu cuộc sống của chúng ta không phản ánh tình yêu thương trọn vẹn dành cho người nghèo thì đây chính là lý do để đặt câu hỏi liệu Đấng Christ có thật sự ở trong chúng ta hay không?

 

DAVID PLATT

Translated by Vinh Hien

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn