Thứ Bảy , 21 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / Mục Đích Vĩ Đại Của Đức Chúa Trời

Mục Đích Vĩ Đại Của Đức Chúa Trời

Hãy suy nghĩ tại sao ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên con người. Ngài là Đức Chúa Trời của toàn cõi vũ trụ, chính Ngài không có một nhu cầu nào không được đáp ứng, vậy tại sao Ngài đã dựng nên chúng ta? Tôi không bao giờ dám mạo muội cho rằng tôi biết tường tận mọi suy nghĩ và động cơ của Đức Chúa Trời. Tôi cũng không muốn đơn giản hóa quá mức đường lối Chúa. Nhưng dường như Đức Chúa Trời thật đã phán cho chúng ta biết lý do của Ngài. Lý do đó gồm có hai phần được thể hiện rõ ràng từ khi sáng thế.

Một mặt Đức Chúa Trời tạo dựng nên con người để họ vui hưởng ân điển Ngài. Khác với mọi tạo vật khác, chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa.[1] Chỉ con người có khả năng tận hưởng mối liên hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Từ ngữ đầu tiên trong Kinh Thánh mô tả về mối liên hệ này là từ ban phước. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người không bởi vì chúng ta xứng đáng nhưng hoàn toàn vì ân điển. Đức Chúa Trời tạo dựng loài người để họ vui hưởng ân điển Ngài.

Tuy nhiên câu chuyện không kết thúc tại đây, bởi vì ngay sau khi chúc phước cho con người, Đức Chúa Trời đã ban một mệnh lệnh. “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: ‘Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng.”[2] Đức Chúa Trời tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài với một lý do – để họ nhân lên hình ảnh của Ngài ra khắp đất. Đức Chúa Trời tạo dựng con người không chỉ để họ tận hưởng ân điển Chúa trong mối liên hệ với Ngài, nhưng cũng để lan tỏa sự vinh quang của Chúa cho đến tận cùng trái đất.

Đơn giản là thế. Tận hưởng ân điển Chúa và lan tỏa vinh quang Ngài. Đây chính là mục đích Đức Chúa Trời tạo dựng nên con người ở Sáng thế ký 1 và đây cũng là chủ đề của toàn sách Sáng thế ký. Tất cả các thể loại văn chương cũng như các thời kỳ lịch sử trong Kinh Thánh đều viết về Đức Chúa Trời tuôn đổ ân điển trên tuyển dân của Chúa để sự vinh quang của Ngài luôn hiện diện giữa các dân tộc.

Sáng thế ký 12 ghi lại câu chuyện Đức Chúa Trời hình thành một dân tộc thuộc riêng về Chúa, Ngài đã phán cùng Áp-ra-ham rằng: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước.” Lời hứa này có một mục đích sâu hơn đó là: “Các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.”[3] Đức Chúa Trời ban phước rời rộng cho Áp-ra-ham cơ bản không bởi vì lợi ích của Áp-ra-ham. Đức Chúa Trời ban phước cho Áp-ra-ham để ông trở thành ống dẫn phước hạnh của Đức Chúa Trời cho mọi dân tộc trên đất. Đức Chúa Trời truyền cho Áp-ra-ham hãy tận hưởng ân điển đồng thời lan tỏa vinh quang của Ngài.

Hãy suy nghĩ về mục đích tôn vinh Đức Chúa Trời qua sự giải cứu tuyển dân khỏi ách nô lệ tại Ai Cập. Ngay sau khi rời khỏi Ai Cập, Đức Chúa Trời dẫn dân Y-sơ-ra-ên đến Biển Đỏ, quân đội Ai Cập bám theo sát gót, dân Y-sơ-ra-ên không còn đường thoát. Hãy lắng nghe mục đích của Đức Chúa Trời khi Ngài phán: “Khi nào ta được rạng danh vì Pha-ra-ôn, binh xa, cùng lính kỵ người, thì người Ê-díp-tô sẽ rõ ràng ta là Đức Giê-hô-va vậy.”[4] Đức Chúa Trời làm phép lạ rẽ nước biển, dân tộc của Ngài băng qua biển như đi trên đất khô, và khi tất cả dân Y-sơ-ra-ên đã qua bờ bên kia an toàn, Ngài khiến nước biển trở lại nuốt chửng quân đội Ai Cập đang đuổi theo rất sát phía sau đoàn dân Y-sơ-ra-ên, tất cả những việc này vì một lý do chính: Đức Chúa Trời được tôn vinh. Người Ai Cập và mọi nước sẽ biết rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời và Ngài đã giải cứu dân tộc của Ngài. Đức Chúa Trời đã ban phước cho con dân của Ngài một cách thật diệu kỳ để mọi dân tộc đều sẽ biết đến sự giải cứu của Ngài.

Hãy suy ngẫm một câu chuyện khác trong Cựu Ước, đó là câu chuyện về Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô. Tại sao Đức Chúa Trời của tình yêu thương đã để cho ba người Hê-bơ-rơ bị quăng vào lò lửa hực? Có phải đây là cách Đức Chúa Trời đối xử với những người từ bỏ tất cả cho Ngài? Câu chuyện này sẽ khiến bạn cảm thấy thế nào khi lần tiếp theo bạn ra đi làm chứng về Chúa? Chúng ta đọc và cảm thấy thích thú, nhưng hiếm khi nào chúng ta đọc đến cuối cùng để biết được mục đích của câu chuyện này.

Vua Nê-bu-cát-nết-sa lại cất tiếng nói rằng: “Đáng ngợi khen Đức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô! Ngài đã sai thiên sứ Ngài và giải cứu các tôi tớ Ngài nhờ cậy Ngài, họ đã trái mạng vua, và liều bỏ thân thể mình, hầu để không hầu việc và không thờ phượng thần nào khác ngoài Đức Chúa Trời mình. Cho nên ta ban chiếu chỉ nầy: Bất kỳ dân nào, nước nào, thứ tiếng nào, hễ có người nói xấu đến Đức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô, thì sẽ bị phân thây, nhà nó sẽ phải thành ra đống phân, vì không có thần nào khác có thể giải cứu được thể nầy.”[5]

Chính vị vua đã truyền lệnh rằng tất cả mọi người phải quỳ lạy ông ta thì giờ đây tuyên bố rằng bất kỳ người nào nói phạm đến Đức Chúa Trời phải bị phân thây! Lý do Đức Chúa Trời để cho những người này bị quăng vào lò lửa là để khi họ bước ra khỏi đó nguyên vẹn không hề có một giọt mồ hôi trên trán thì vị vua người ngoại quốc này sẽ công bố rằng Đức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô xứng đáng được mọi dân mọi tiếng tôn cao. Đức Chúa Trời ban phước cho dân tộc của Ngài bằng những phương cách lạ lùng để người ta sẽ công bố sự tốt lành và vĩ đại của Chúa cho mọi dân tộc.

Rất nhiều câu Kinh Thánh trong Cựu Ước lặp lại lẽ thật trên. Chẳng hạn như sách Thi Thiên nói về việc Đức Chúa Trời dẫn dắt dân tộc của Ngài vì cớ Danh Ngài, và Chúa ban phước cho dân tộc của Ngài để mọi nước sẽ biết đường lối của Ngài. Các tiên tri mô tả lòng thương xót của Chúa dành cho tuyển dân để họ sẽ làm chứng cho mọi nước rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời.[6]

Ê-xê-chi-ên 36 ghi lại những lời phán đầy kinh ngạc từ chính Đức Chúa Trời khi Ngài kể lại những công việc Ngài đã làm cho dân tộc của Ngài. Tại đây, Đức Chúa Trời nói rõ dân tộc Y-sơ-ra-ên đã phạm tội nghịch cùng Chúa như thế nào và lý do cho những công việc của Ngài.

Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Hỡi nhà Y-sơ-ra-ên, ấy chẳng phải vì cớ các ngươi mà ta làm cách ấy, nhưng vì cớ danh thánh ta mà các ngươi đã phạm trong các dân, là nơi các ngươi đã đi đến. Ta sẽ làm nên thánh danh lớn của ta, là danh đã bị phạm trong các dân, giữa các dân đó các ngươi đã phạm danh ấy. Chúa Giê-hô-va phán: Như vậy các dân tộc sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va, khi trước mắt chúng nó ta sẽ được tỏ ra thánh bởi các ngươi.[7]

Thật là một lời phán vĩ đại! Đức Chúa Trời hành động trong con dân của Ngài không chỉ để bày tỏ ân điển, tình yêu thương và công lý vì cớ dân Y-sơ-ra-ên nhưng để danh thánh Ngài được bày tỏ cho mọi nước.

Mục đích toàn cầu của Đức Chúa Trời thấy rõ qua các sách lịch sử, văn thơ và các tiên tri trong Cựu Ước được tiếp nối trong Tân Ước. Qua các sách Phúc âm, chúng ta thấy Đức Chúa Giê-su kết thúc chức vụ của Ngài trên đất bằng mệnh lệnh cho các môn đồ của Ngài phải đem phúc âm đến tận cùng trái đất.[8] Các thơ tín đều đặt trọng tâm xoay quanh mục đích toàn cầu của Đức Chúa Trời với việc Phao-lô, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng lãnh đạo hội thánh vượt qua sự bắt bớ và đau khổ để loan tỏa vinh quang của Đức Chúa Trời cho mọi nước.

Qua tất cả những gì đã nói ở trên, thật không bất ngờ khi tại sách cuối cùng của Kinh Thánh chúng ta nhìn thấy đỉnh điểm mục đích của Đức Chúa Trời. Hãy tưởng tượng khung cảnh mà Giăng mô tả:

Sự ấy đoạn, tôi nhìn xem, thấy vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà là, cất tiếng lớn kêu rằng:

“Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi,

và thuộc về Chiên Con.”[9]

Từ khi lịch sử bắt đầu, mục đích của Đức Chúa Trời là ban phước cho dân tộc của Ngài để mọi dân tôn vinh Ngài về sự cứu rỗi của Ngài. Giờ đây, khi kết thúc, mục đích của Đức Chúa Trời được hoàn thành. Mọi người từ mọi quốc gia, bộ tộc, dân tộc và ngôn ngữ đều quỳ lạy xung quanh ngôi của Đức Chúa Trời và ca ngợi Đấng đã ban phước cho họ bằng sự cứu rỗi. Đây chính là mục đích toàn cầu cuối cùng, tối cao, trọn vẹn, đầy vinh quang và được đảm bảo của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Đây chính là mục đích vĩ đại của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời ban phước cho con dân của Ngài bằng ân điển quý báu để họ có thể lan tỏa vinh quang vĩ đại của Ngài cho mọi dân trên đất. Đây chính là lẽ thật cơ bản, nền tảng xuyên suốt từ đầu đến cuối Kinh Thánh. Song tôi tự hỏi phải chăng chúng ta đã vô tình phớt lờ lý do vĩ đại của Đức Chúa Trời?

Đức Chúa Giê-su đã không chết chỉ vì một mình bạn

Văn hóa hội thánh của chúng ta có một xu hướng nguy hiểm là tách biệt ân điển khỏi sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Tấm lòng của chúng ta vang vọng ý tưởng về việc vui hưởng ân điển Chúa. Chúng ta vui thích với các bài giảng, các hội nghị và các tựa sách đề cao một ân điển lấy con người làm trọng tâm. Và mặc dù vẻ đẹp của ân điển đáng để chúng ta chú ý đến, nhưng nếu ân điển bị tách biệt khỏi lý do thì hậu quả đáng buồn đó là một Cơ đốc giáo xoay quanh con người mà phớt lờ đi tấm lòng của Đức Chúa Trời.

Nếu hỏi ngẫu nhiên một tín hữu thông thường tham dự nhóm trong một buổi lễ sáng Chủ Nhật rằng hãy tóm tắt sứ điệp của Cơ đốc giáo, rất có thể bạn sẽ nhận được câu trả lời đại loại như: “Sứ điệp của Cơ đốc giáo đó là Chúa yêu tôi.” Hoặc cũng có người sẽ trả lời rằng: “Sứ điệp của Cơ đốc giáo đó là Chúa yêu tôi đến nỗi đã ban Đức Chúa Giê-su, Con của Ngài, để chết thay tôi.”

Tình yêu này thật tuyệt vời, tuy nhiên điều đó có đúng với Kinh Thánh? Dựa trên những gì chúng ta đã thấy trong Kinh Thánh, chẳng phải điều trên là không đầy đủ sao? “Đức Chúa Trời yêu tôi” không phải là điều cốt lõi của Cơ đốc giáo tin theo Kinh Thánh. Bởi vì nếu “Chúa yêu tôi” là sứ điệp của Cơ đốc giáo thì ai là đối tượng của Cơ đốc giáo?

Chúa yêu tôi.

Tôi.

Đối tượng của Cơ đốc giáo chính là tôi.

Chính vì thế, khi tìm kiếm một hội thánh, tôi sẽ tìm nơi có âm nhạc phù hợp với tôi nhất và ở đó có những chương trình chăm sóc cho tôi và gia đình của tôi tốt nhất. Khi lên kế hoạch cho đời sống và sự nghiệp, tôi sẽ tìm phương án nào tốt cho tôi và gia đình của tôi nhất. Khi chọn lựa nhà ở, xe cộ, áo quần hoặc phong cách sống, tôi sẽ chọn điều gì tốt nhất cho bản thân. Đây chính là phiên bản Cơ đốc giáo đang rất phổ biến trong xã hội của chúng ta.

Song đây không phải là một Cơ đốc giáo đúng với Kinh Thánh.

Sứ điệp của Cơ đốc giáo đúng với Kinh Thánh không phải là “Chúa yêu tôi, chấm hết,” và chúng ta không phải là đối tượng của niềm tin mà chúng ta đang đi theo. Sứ điệp của Cơ đốc giáo đúng với Kinh Thánh là “Chúa yêu tôi để tôi có thể khiến Ngài – đường lối, sự cứu rỗi, sự vinh quang và sự vĩ đại của Chúa – được mọi dân tộc biết đến.” Đến đây Đức Chúa Trời chính là đối tượng niềm tin của chúng ta, và Chúa chính là trọng tâm của Cơ đốc giáo. Chúng ta không phải là điểm kết thúc của phúc âm; nhưng chính là Chúa.

Đức Chúa Trời tập trung vào chính Ngài, thậm chí trong sự cứu rỗi. Hãy nhớ lại lời Chúa trong sách Ê-xê-chi-ên: Ngài cứu chúng ta, không vì chúng ta, nhưng vì danh thánh Ngài. Chúng ta được cứu rỗi để danh Ngài được công bố trong mọi nước. Chúa yêu chúng ta vì danh Ngài trong thế gian.

Điều này có thể khiến chúng ta sửng sốt. Phải chăng Đức Chúa Trời có một lý do kín đáo khi ban phước cho chúng ta? Có phải ân điển Chúa không kết thúc ở chúng ta? Câu trả lời của Kinh Thánh là rất rõ ràng. Thật vậy, chúng ta không phải là trung tâm vũ trụ của Chúa. Đức Chúa Trời chính là trung tâm của tất cả, và tất cả mọi công việc Chúa đều xoay quanh chính Ngài.

Có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi nếu đây là sự thật thì có phải Đức Chúa Trời ích kỷ không? Làm sao có thể mục đích của Đức Chúa Trời là tôn cao chính Ngài? Đây là một câu hỏi hay khiến chúng ta phải dừng lại để suy nghĩ cho đến khi chúng ta đặt ra câu hỏi tiếp theo: Đức Chúa Trời sẽ tôn cao ai ngoài chính Ngài? Nếu Đức Chúa Trời tôn cao một người hoặc một điều gì khác thì Ngài không còn là Đức Chúa Trời vĩ đại xứng đáng mọi sự vinh quang của cả vũ trụ.

Chúng ta phải cẩn thận tránh hiểu sai tại đây. Kinh Thánh không nói rằng Đức Chúa Trời không yêu chúng ta. Ngược lại, qua Kinh Thánh chúng ta thấy Đức Chúa Trời yêu thương con dân của Ngài một cách mật thiết, lạ lùng, đáng kinh ngạc. Tuy nhiên tình yêu thương đó không đặt trọng tâm ở con dân Chúa. Tình yêu thương đó tập trung vào việc mọi dân tộc trên thế giới sẽ nhận biết sự vĩ đại, sự tốt lành và sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Và nếu chúng ta tách rời sự ban phước của Chúa khỏi mục đích toàn cầu của Ngài thì nghĩa là chúng ta đang đi ngược về một Cơ đốc giáo không đúng với Kinh Thánh, tự bão hòa và bỏ qua trọng tâm của ân điển Chúa.

Đây là một lẽ thật nền tảng: Đức Chúa Trời tạo dựng, ban phước và cứu rỗi mỗi một chúng ta cho một mục đích toàn cầu. Nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ dễ bị cám dỗ để chấp nhận trường hợp ngoại lệ. Chúng ta sẽ bị cám dỗ để chấp nhận những hỏa mù thuộc linh và nắm lấy sự dễ chịu chung khiến chúng ta được miễn trừ khỏi kế hoạch toàn cầu của Đấng Christ. Và đến một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ thấy mình yên lòng với những kế hoạch nhỏ nhoi mà xã hội xung quanh chúng ta – và thậm chí hội thánh quanh ta – cho rằng chúng đáng được ngưỡng mộ, dễ giải quyết và thoải mái hơn.

DAVID PLATT

Translated by Huong Di

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn