Hỏi bạn câu này: bạn có đang chờ đợi điều gì không? Có người chờ, có người không. Có người sống với một nỗi hy vọng đợi chờ, có người sống qua ngày, ngày này qua ngày khác đến, một ngày như mọi ngày, mỗi ngày là giống nhau theo sự sắp đặt của Đức Chúa Trời từ thuở sáng thế, là 24 tiếng đồng hồ. Sống như một quán tính, khi mở mắt ra trên giường là một ngày mới, theo thói quen của mỗi người chúng ta bắt đầu một ngày bằng cách này cách khác, ăn sáng, đi làm, rồi về nhà, có khi đi chợ, nấu ăn. Cứ tiếp tục như vậy hết một ngày, rồi đi ngủ, và sáng mai thức dậy, thỏa lòng vì sức khỏe ổn định, không biến cố không sóng gió, thì cứ vậy mà sống mà không chờ đợi gì hết, hình như cứ như vậy mà khỏe. Kinh Thánh có nói về vấn đề thời gian: Điều chi đã có, ấy là điều sẽ có; điều gì đã làm, ấy là điều sẽ làm nữa; chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời. Nếu có một vật chi mà người ta nói rằng: Hãy xem, cái nầy mới, vật ấy thật đã có rồi trong các thời đời trước ta. Nghĩ như vậy, thôi thì cứ sống như gió như mây, không mong đợi không suy nghĩ gì hết, vậy mà lại tốt.
Nhưng đã là con người thì không thể cứ sống hồn nhiên như vậy. Là người thì ai lại chẳng có hoài vọng, ước mong. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết trong một ca khúc của mình: không hẹn mà đến không chờ mà đi, bốn mùa thay lá thay hoa thay cả đời ta. Đã thay cả đời ta thì chắc là bao phen lận đận đổi dời, cuộc sống làm sao không khỏi thăng trầm. Tôi 30 năm trước đây khi còn ngồi thắp ngọn đèn néon sáu tấc lờ mờ trong cái chái của một căn nhà cho thuê, ngồi bó gối mong ngóng những người khách đến copy bài, copy sách vở để kiếm chút tiền về nuôi sống gia đình, chắc không bao giờ nghĩ đến 30 năm sau mình sẽ làm gì, như thế nào. Và những năm còn lại đây, cũng không biết thế nào.
Tôi có đang chờ đợi. Tôi thấy chữ chờ đợi mang đến cho chúng ta một hy vọng. Và hy vọng giúp chúng ta nhìn đời sống một cách ý nghĩa hơn. Thường mỗi năm tôi đi Việt Nam một lần vào đầu năm, đi 3 tuần, 3 Chúa Nhật nhưng “ăn gian” thêm những ngày trong tuần nên thường là khoảng 25, 26 ngày. Nói đùa thôi chứ ăn gian gì nổi. Vì đến tuần thứ ba là phải bắt đầu nghĩ đến bài giảng khi về đến… quê nhà .. Đi đâu, làm gì thì cái đầu cũng phải hoạt động tìm đề tài, rồi sứ điệp, rồi bố cục…, nói cũng không ai hiểu đâu . Năm nay 2020 tai ương rơi đúng vào những ngày đầu năm nên chuyến đi bị hoãn lại, hoãn 2, 3 lần cho đến tháng 8 thì không còn hy vọng gì nữa, visa đi Việt Nam cũng chấm dứt vào cuối năm 2020.
Tôi chờ đợi tai ương sớm chấm dứt để đi Việt Nam. Năm nay tôi nhìn chuyến đi Việt Nam khác với các chuyến đi mọi năm, vì trong đầu đang mơ màng đến việc… nghỉ hưu. Ngày 19 tháng 8 này (nói theo cách của nhiều người) là sinh nhật… 66 tuổi, nói đại ra cho mọi người biết chứ không úp mở giấu giếm gì nữa như cách đây vài năm, vì sợ mọi người nói mình già . Năm nay thì già thật rồi, già quá rồi nên chẳng còn… biết sợ gì nữa . Cách đây 6 năm có viết một bài tựa đề Thách Thức Tuổi Sáu Mươi, nay đọc lại thấy hơi… rùng mình vì Bảy Mươi sắp đến, mà con số 7 nó… lạnh gáy sao đó nên không dám… thách thức nữa. Nó thách thức mình thì có.
Có người kêu, Mỹ (đàn ông) thì 67 mới hưu mà. Trên thực tế thì chẳng có tuổi tác nào là ấn định thời điểm về hưu, khoảng 60 đã có thể hưu… non được rồi, ai muốn hưu hồi nào thì hưu thôi. Người ta kiếm đủ tiền để dành, ước tính chi phí cuộc sống, chi phí du lịch thấy… ok là cứ hưu. Người ta nói (mà đúng, vì tôi cũng nghĩ vậy), về hưu trong lúc còn có thể ngồi máy bay được, còn lái xe được, còn đi bộ được, còn đi ăn nhà hàng được, còn lai rai cà phê (không có thuốc lá nhé .), còn rong chơi cuối trời quên lãng một chút được thì cũng nên hưu… , chứ chờ cho đến lúc trong ngày ấy kẻ giữ nhà run rẩy, những người mạnh sức cong khom, kẻ xay cối ngừng lại bởi vì số ít, những kẻ trông xem qua cửa sổ đã làng mắt, cánh cửa bên đường đóng lại, và tiếng xay mỏn lần; lúc ấy người ta nghe tiếng chim kêu bèn chờ dậy, và tiếng con gái hát đều hạ hơi; lại người ta sợ sệt mà lên cao, và hãi hùng lúc đi đường; lúc ấy cây hạnh trổ bông, cào cào trở nên nặng, và sự ước ao chẳng còn nữa, thì hưu còn ý nghĩa gì nữa. Nhân danh một người đã đến tuổi 66, tôi kêu gọi quý… đồng bào vào tuổi này, nếu chưa, hãy suy nghĩ, chờ đợi, và có thể, kế hoạch ngay bây giờ. Nếu thời gian không chờ mình nữa, thì mình phải rượt đuổi nó .. Tôi có những người bạn ở Việt Nam đã về hưu từ những năm chưa đến… 60. Và họ đã tung tăng những năm 60 của họ một cách vui vẻ.
Nghỉ hưu, thì làm gì? Tôi vào đọc những trang hướng dẫn một người sắp về hưu. Về hưu nghĩ gì, làm gì, ở đâu, sống ra sao, còn liên hệ đến nơi ăn chốn ở, và tiền bạc có đủ sống không. Tôi cũng âm thầm làm những con tính, dù từ nhỏ đã vốn rất dở tính toán. Thấy thì cũng… ổn, miễn biết cách chi tiêu… cẩn thận một chút, và tin rằng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ để cho mình phải đi… in sách, bán sách kiếm từng đô la để sống. Tôi cũng âm thầm vẽ ra một vài địa điểm sống… rẻ và phù hợp với bản chất của mình. Tôi khoanh vùng Đà Lạt, Việt Nam, nhân một lần đến thành phố sương mù gần 2 năm trước, ở trong một khách sạn không gần thành phố, buổi sáng lên sân thượng ăn sáng do khách sạn khoản đãi, và ngẩn người tựa cửa sổ nhìn xuống khung cảnh tuyệt đẹp phía xa với rừng thông bạt ngàn, những biệt thự màu sắc nhấp nhô trên những ngọn đồi, những dốc quanh co, và trong lòng đã nẩy ra ý nghĩ ngày nào đó Chúa cho xong việc đạo, thì về với đời, về với cỏ cây núi đồi hoang sơ, sống hết những ngày tháng an bình. Cây bút chì khoanh những vùng khá xa thành phố, càng xa càng tốt, vì càng rẻ, gần với túi tiền hạn chế của mình và gần với thiên nhiên như mơ ước . Một người bạn học cũ vốn là… thổ địa Đà Lạt vấn kế: nếu ông muốn rừng thì có rừng, muốn rẻ có rẻ, có những anh em tín hữu sắc tộc ở dưới chân núi Lang Biang (chắc là hơi xa chân núi một chút chứ không ở ngay dưới chân núi đâu .) có thể nhượng lại một miếng đất nhỏ, vừa đủ cất một căn nhà gỗ (chắc là đủ một mình mình chui ra chui vào, miễn tiếp khách .) mà giá của nó chắc không quá $10.000, thật ra anh nói là $5.000 nhưng mình không đủ tự tin để tin như vậy, nên nhân đôi lên cho nó… hợp lý . Suy nghĩ hoài đến nỗi có đêm mơ thấy mình đang ở Đà Lạt thật, thức dậy còn tiếc .
Nhưng làm gì thì làm, tính cho… đã rồi lại nhớ đến một câu Kinh Thánh cứ đứng… rình rập bên cạnh nãy giờ như sẵn sàng lên tiếng nếu người viết mơ mộng quá mà sa đà: Hỡi anh em, là kẻ nói rằng: Hôm nay hoặc ngày mai, ta sẽ đi đến thành kia, ở đó một năm, buôn bán và phát tài, song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay. Anh em phải nói trái lại: Ví bằng Chúa muốn, và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia. Gia-cơ 4:13-15. Câu Kinh Thánh này thật… phũ phàng, dập tắt những ước muốn của một con người. Vậy phải sửa lại bản vẽ: cắt hết phần trên, chỉ chừa lại phần dưới: Ví bằng Chúa muốn…
Chúa ơi, sau mấy chục năm hầu việc Chúa lên bờ xuống ruộng, đến lúc sắp được nghỉ ngơi, thì… ước muốn của con chỉ đơn giản có vậy. Chúa có muốn không?
Mục sư Lữ Thành Kiến
thôi anh về với rừng mơ
người đi xa vắng phai mờ chốn xưa
thời gian con én thoi đưa
ngậm ngùi chợt thấy một đời quạnh hiu
còn non còn nước còn người
còn ơn Thiên Hựu dắt dìu ta đi
Lời Ngài đá tảng khắc ghi
từ ngàn xưa đã sẵn cho anh rồi
Thi thiên 92:14
Dầu đến buổi già bạc, họ sẽ còn sanh bông trái,
Được thạnh mậu và xanh tươi
tường vi