Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / TÔI YẾU ĐUỐI

TÔI YẾU ĐUỐI

Tôi biết rằng sự yếu đuối sẽ không làm tôi mạnh mẽ, nếu tôi không đem sự yếu đuối đó đến dâng cho Đức Chúa Trời và thú thật với Ngài, Chúa ơi, con yếu đuối, con bệnh. Con cần Ngài.

Tác giả Thi-thiên 42 nói: Hỡi linh hồn ta, cớ sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta. Trong một bài thơ ngắn, ông đã nói câu này đến 3 lần. Khi một cái gì đó đầy tràn trong lòng thì miệng người ta phải nói ra, không giữ được. Nếu bức xúc quá mà cứ gồng lên, cố gắng giữ, gần té tới nơi mà vẫn gắng gượng, thì sẽ trầm cảm, sẽ té. Người viết, được cho là Cô-ra, con cháu Cô-rê, cũng là một thầy tế lễ, buồn tê tái, buồn khủng hoảng, buồn chán chường, thay vì cứ áo quần tề chỉnh, chải đầu xức dầu thơm, mặt mũi tươi cười đến đền thờ và mạnh mẽ rao báo một sứ điệp đức tin nóng cháy, cháy bừng, cháy khét lẹt, thì vào phòng riêng đóng cửa lại, hoặc nếu ở nhà quê hay đồng vắng thì đi vào một hang đá nào đó cách riêng tư không ai nhìn thấy, không phải vì sợ người ta nhìn thấy, mà vì chỉ muốn Đức Chúa Trời nhìn thấy mình. Thế là đủ. Cần Đức Chúa Trời.

Tôi không cổ võ tín hữu yếu đuối. Nhưng tôi nói sự yếu đuối trong con người là một điều tự nhiên mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người từ khi Ngài tạo nên họ. Ngài không tạo nên một con robot để cứ lập đi lập lại một động tác đã được lập trình. Ngài tạo nên một con người phức tạp từ trong thân thể đến tâm hồn. Và cái phức tạp đó chính là con người. Họ yêu, họ ghét, họ khỏe, họ yếu đuối, họ cười họ khóc. Đức Chúa Trời yêu một con người như vậy. Và cả khi vì thế mà họ phạm tội, làm cho Ngài phải xuống thế gian và chết thế, Ngài vẫn cứ yêu, và lại càng yêu hơn.

Tôi thấy những thánh nhân trong Kinh Thánh không hề “giả vờ” mạnh mẽ khi họ thực sự yếu đuối. Nhìn xem ông Môi-se kìa, ai giỏi hơn ổng, bề dày lãnh đạo hơn ổng, nhưng khi bị dân sự tấn công ổng thì ổng chạy tới “mét” với Đức Chúa Trời rằng dân sự tấn công tôi, xin Ngài giải quyết, giải cứu. Nhìn xem ông Đa-vít kìa, tượng trưng cho một “cực phẩm”, đẹp trai, tài giỏi cả văn lẫn võ, làm thơ xếp sòng, lại đàn hay, chỉ không biết là ông có biết vẽ không thì đủ cả bốn món: cầm kỳ thi họa, nhưng cũng nổi danh về việc… mau nước mắt  sự buồn rầu than vãn, khóc lóc, chắc chỉ xếp thứ nhì sau Giê-rê-mi người khóc nhiều nhất trong lịch sử Kinh Thánh. Tôi thấy Gióp, người chịu thử thách “kinh khủng” nhất trong Kinh Thánh, cũng than thở những lời tan nát trái tim. Tôi cũng thấy Phao-lô, con người dường như không có sự yếu đuối, nhưng người ta cũng có thể tìm thấy đâu đó trong con người rất mạnh mẽ này, sự yếu đuối rất người.

Tôi không khuyến khích tín hữu yếu đuối, cứ yếu đuối, cứ than khóc, rồi nằm liệt ra đấy với những nỗi buồn không thể giải quyết. Tôi kêu gọi họ đem những yếu đuối đó đến với Đức Chúa Trời, Đấng “chuyên trị” chứng bệnh trầm cảm chết người này. Đức Chúa Trời sẽ khám bệnh, xem bệnh nhân yếu đuối thế nào, cái gì làm cho họ trầm cảm, sự trầm cảm này nguy hiểm đến đâu rồi sẽ đưa ra toa thuốc thích hợp để chữa trị. Nếu bệnh nhân đến với Chúa mà cứ tỉnh bơ nói, tôi khỏe mà, tôi đầy dẫy đức tin, tôi giảng dạy hùng hồn thì Chúa sẽ cười nói, con khỏe ư, thôi đi về đi, ta không có gì để nói với con hôm nay. Nhưng Đức Chúa Trời Đấng biết rõ lòng dạ con người, Ngài sẽ ân cần hỏi thêm (vì Ngài biết chúng ta đang gồng), thật khỏe chứ con? Có gì cứ nói với ta, đừng có “gồng” nữa, mệt lắm.

Tôi nghĩ đến Ê-li, vị tiên tri “phức tạp”, và bài học của ông luôn luôn là sự khích lệ cho chính tôi, một người “yếu đuối”, trong những kẻ yếu đuối ta là đầu  . Ê-li là một tiên tri ai cũng biết, nếu bạn đã tin Chúa đi nhà thờ đọc Kinh Thánh nghe giảng một thời gian đủ lâu mà không biết Ê-li là ai thì hãy đi đến với Chúa ngay và nói với Ngài rằng: con yếu đuối L. Ê-li mạnh hay yếu? Mạnh quá đi chứ. Một mình ông “đánh nhau” với mấy trăm tiên tri Ba-anh và Át-tạt-tê trên núi Cạt-mên và toàn thắng, chiến thắng vinh quang, vô cùng hãnh diện (dĩ nhiên là Chúa giúp chứ ông làm sao mà đánh lại, nói cho vui thế thôi.

Nhưng ngay sau đó, không lâu, ông bị hoàng hậu Giê-sa-bên hung dữ và độc ác hăm dọa “xử”: 1 Các Vua 19:2 Giê-sa-bên sai một sứ giả đến Ê-li mà nói rằng: Nếu ngày mai trong giờ này, ta không xử mạng sống ngươi như mạng sống của một người trong chúng nó, nguyện các thần đãi ta cách nặng nề. Và câu tiếp theo nói rằng: Vì vậy, Ê-li sợ hãi, đứng dậy chạy đi đặng cứu mạng sống mình. Đến tại Bê-e-Sê-ba, thuộc về Giu-đa, người để tôi tớ mình lại đó.  Còn người vào đồng vắng, đường đi ước một ngày, đến ngồi dưới cây giếng giêng, xin chết mà rằng: Ôi Đức Giê-hô-va! đã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng sống tôi, vì tôi không hơn gì các tổ phụ tôi. Câu này có ai nghe “quen quen” không. Dĩ nhiên không giống y hệt như vậy, nhưng giông giống, quen quen, something like that.  Tôi có đấy, nói thật, không có làm bộ “gồng” đâu.

Tôi thỉnh thoảng có nói với Chúa những câu giông giống như vậy, trong bài viết ngắn Môi-se Đã Mỏi Tay, xin đọc lại trên Sống Đạo Online, và tốt nhất là nên mua ngay một cuốn Đường Dài Tôi Đi mới phát hành mà đọc cho rõ 🙂  Tôi nói với Chúa về sự yếu đuối tôi, không giấu giếm, vì có giấu cũng không giấu được. Nhưng tôi thường kèm theo lời “vòi vĩnh” này, sáu mươi mấy mà với Chúa vẫn như đứa con nít: con đã nói thật, thì xin Chúa giải quyết “thật” cho con.  Nhờ vậy mà tôi “sống sót” cho tới ngày hôm nay L

Khi Ê-li quyết liệt “đòi” chết, thì Đức Chúa Trời “sợ” quá giải quyết nan đề cho ông, bằng cách cho nghỉ ngơi trong hang đá, cho ăn cho uống, cho relax trở lại, thư giãn tâm hồn, vì đường xa quá cho ngươi. Câu nói thật hết sức cảm động, cảm động rơi nước mắt, như một lời âu yếm vỗ về của một người cha, dù con đã lớn rồi, lại là một tiên tri. Nghỉ ngơi đi con, đừng cố gắng làm cái gì nữa, ăn đi uống đi ngủ đi, cứ thảnh thơi một chút. Con đã quá mỏi mệt vì đường dài, mà đường còn lại cũng không ngắn đâu, lại nhiều khúc quanh co. Ăn nghỉ để lấy sức mà đi tiếp. Vậy mà sau cơn khủng hoảng đó, Ê-li lại đứng dậy, go back the way he came.

Thật ra, tôi không viết bài này cho ai khác đâu, tôi chỉ nói vòng vo đánh lạc hướng thế thôi 🙂  tôi viết cho tôi đấy, ai học được thì học, học được thì có lợi cho mình, như Phao-lô vậy, ông dạy người ta cho… đã rồi nói về mình: Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.

Mục sư Lữ Thành Kiến  

 

Phòng Khám Đông Y: Y GIA HƯNG

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn