Tôi nay là người thể nào là nhờ ơn Đức Chúa Trời.
1 Côr. 15:10
Thật khó để nói về đề tài ân điển của Đức Chúa Trời và sứ đồ Phao-lô trong cùng một bài luận, việc này giống như leo lên hai ngọn núi trong cùng một lúc vậy. Tuy nhiên cũng thật ngu ngốc khi cố viết về Phao-lô nhưng lại không đề cập đến ân điển của Chúa bởi vì cách duy nhất để hiểu về Phao-lô đó là thông qua ân điển của Chúa được bày tỏ trong Đức Chúa Giê-su Christ.
Sau-lơ người thành Tạt-sơ cảm thấy khá thỏa mãn với công việc tôn giáo mà ông tự cho là đúng đắn cho đến lúc trên đường đi đến Đa-mách, ông đã có hai phát hiện làm thay đổi cuộc đời: Đức Chúa Giê-su Christ đã sống lại nhưng Sau-lơ người thành Tạt-sơ thì chết trong tội lỗi và hoàn toàn thất bại. Đến lúc ấy Phao-lô mới tin vào Đức Chúa Giê-su, đầu phục Ngài là Chúa và trải nghiệm ân điển của Đức Chúa Trời một cách cá nhân. Kể từ khi ấy, chính ân điển của Đức Chúa Trời đã giúp Phao-lô trở nên một môn đồ và thực hiện chức vụ của mình, và chính ông đã không hổ thẹn mà công bố điều ấy. Phao-lô tôn vinh ân điển Chúa. Phao-lô đề cập đến ân điển ít nhất một trăm lần trong mười thư tín của ông, và ân điển trở thành lời chào thăm cũng như lời chúc phước trong tất cả các thư tín ấy.
Phao-lô không chỉ được cứu bởi ân điển (Êph. 2:8-9) nhưng ông cũng sống bởi ân điển. Đối với ông, đời sống Cơ Đốc từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc đều là ân điển. Ông làm chứng rằng: “tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Gal. 2:20) và “nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi” (1 Côr. 15:10). Vốn là một học trò Do Thái Giáo rồi sau trở nên một người Pha-ri-si, Phao-lô biết rõ luật pháp và ông cố gắng làm theo luật pháp, nhưng từ khi trở thành Cơ Đốc Nhân, Phao-lô đã đồng ý với Giăng 1:17 rằng: “Vì luật pháp đã ban cho bởi Môi-se, còn ơn và lẽ thật bởi Đức Chúa Jêsus Christ mà đến.” Phao-lô sớm nhận ra rằng việc cố gắng làm theo luật pháp chỉ có thể khiến ông nhận ra con người xấu xa của mình (Rô. 7), nhưng nếu nương nhờ nơi ân điển của Đức Chúa Trời thì ông sẽ tìm thấy điều tốt nhất trong ông. Phao-lô đã chọn ân điển.
Hãy lắng nghe Phao-lô và học từ ông về những ân điển mà chúng ta có được nhờ nương dựa nơi ân điển diệu kỳ của Đức Chúa Trời.
CHÚNG TA GIÀU CÓ THUỘC LINH
Dù cảm xúc hoặc hoàn cảnh có như thế nào, là con cái Chúa chúng ta có “sự dư dật của ân điển Ngài… đầy dẫy trên chúng ta” trong và qua Đức Chúa Giê-su Christ (Êph 1:7-8). Khi Phao-lô còn là một người không tin Đức Chúa Giê-su và học tập luật pháp Do Thái, ông rất kiêu hãnh về kiến thức và những thành tựu tôn giáo mà ông đạt được. Nhưng sau khi gặp Chúa và tin cậy Ngài, Phao-lô xem quá khứ của mình như là sự “lỗ” đối lập với mọi sự giàu có thuộc linh mà ông có được trong Đấng Christ (Phil. 3:1-11). Phao-lô “ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có; ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự” (2 Côr. 6:10). Ông nói cùng Ti-mô-thê rằng: “Ân điển của Chúa chúng ta đã dư dật trong ta” (1 Ti. 1:14). Khi chúng ta giàu có trong ân điển Chúa, chúng ta sẽ giàu có trong mọi điều tốt lành và tin kính, là mọi điều chúng ta cần cho cuộc sống và chức vụ.
Một khía cạnh của sự giàu có này đó là sự kêu gọi và ân tứ để hầu việc Chúa. Phao-lô cảm tạ Chúa vì ông đã làm phong phú các tín hữu Cô-rinh-tô đến nỗi họ không thiếu một ân tứ thuộc linh nào (1 Côr. 1:4-9). Điều mà các tín hữu này thiếu đó là ân điển thuộc linh để họ có thể phục vụ lẫn nhau trong tình yêu thương. Phao-lô xưng rằng ông “theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ” (Êph. 1:1), và sự kêu gọi của ông chính là một phần của ân điển Chúa. Khi chúng ta được cứu, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một hoặc nhiều ân tứ thuộc linh, và thông qua lời Chúa, Ngài dạy dỗ chúng ta sử dụng những ân tứ thuộc linh ấy cho sự vinh hiển Ngài (1 Côr. 12:7-11; 2 Ti. 3:16-17). Chúng ta càng trở nên giống Đấng Christ trong tính cách và đạo đức thì ân điển Ngài sẽ càng khiến chúng ta trở nên nguồn phước cho người khác. Có rất nhiều người tài giỏi hơn chúng ta, tuy nhiên tài năng không phải là bí quyết khiến mục vụ thành công. Robert Murray M’Cheyne đã viết cho một người bạn giáo sĩ rằng: “Tài năng không phải là phước hạnh lớn nhất mà Đức Chúa Trời ban nhưng là được trở nên giống như Đức Chúa Giê-su. Một đầy tớ thánh là một vũ khí đáng sợ trong tay của Đức Chúa Trời.”[1]
Trong Đức Chúa Giê-su chúng ta được giàu có. Vậy tại sao chúng ta còn cần phải tìm kiếm những nguồn lực thuộc linh từ nơi khác? “Vì anh em biết ơn của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài vốn giàu,vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu” (2 Côr. 8:9).
CHÚNG TA ĐƯỢC ĐẦY ĐỦ TRONG ĐẤNG CHRIST
“Tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi” (1 Côr. 15:10). Chúng ta hãy nhớ rằng Phao-lô có một khuyết tật trong thân thể mà hầu hết mọi người trong hoàn cảnh ấy đều sẽ viện cớ để ở nhà, song Phao-lô đã đi khắp nơi truyền giáo. Ông chịu đựng “hoạn nạn, thiếu thốn, khốn khổ, đòn vọt, lao tù, rối loạn, khó nhọc, tỉnh thức, kiêng ăn” nhưng không than phiền. Phao-lô chịu một cái giằm xóc vào thịt, tức là “một quỷ sứ của Sa-tan” khiến ông chịu khổ, song Phao-lô vẫn cứ tiếp bước. Chúa phán cùng Phao-lô rằng: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi.” Phao-lô tin và ân điển Chúa biến cái giằm của ông trở nên vương miện. “Vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ” (2 Côr. 12:7-10).
Khi đọc Kinh Thánh và tìm hiểu về lịch sử Hội Thánh, bạn sẽ khám phá những công tác vĩ đại nhất của Đức Chúa Trời được thực hiện bởi những người yếu đuối trong chính họ nhưng mạnh mẽ trong ân điển của Đấng Christ. Soi mình trước gương, Phao-lô không nhìn thấy một anh hùng; ông thấy một người tan vỡ và thiếu thốn, một người không có gì ngoài ân điển Chúa. Lý do để Phao-lô chịu đựng và thành công đó là một bí mật đã được bày tỏ: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phil. 4:13). Ân điển chu cấp, đức tin phân phát, và Đức Chúa Trời được tôn vinh.
Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời luôn luôn đi kèm với năng quyền của Ngài. Nếu chúng ta tin cậy và vâng theo ý muốn Chúa thì Ngài sẽ không bao giờ dẫn dắt chúng ta đến một hoàn cảnh nào quá sức. “Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành” (2 Côr. 9:8).
CHÚNG TA CÓ SỰ KHÔN NGOAN
Sống bởi ân điển Chúa thì học từ ân điển Ngài. “Ân ấy dạy chúng ta chừa bỏ sự không tin kính và tình dục thế gian, phải sống ở đời nầy theo tiết độ, công bình, nhân đức” (Tit 2:12). Phao-lô không sống “cậy sự khôn ngoan theo tánh xác thịt, nhưng cậy ơn của Đức Chúa Trời” (2 Côr. 1:12). Một số lãnh đạo Hội Thánh Cô-rinh-tô đã cố làm việc Chúa bởi sự khôn ngoan của thế gian này, một lỗi lầm mà chúng ta cũng mắc phải ngày nay (1 Côr. 1:18-31). Mặc dù Hội Thánh cần tuân theo những nguyên tắc đúng đắn của lĩnh vực kinh doanh, nhưng Hội Thánh không phải là một nơi kinh doanh mà cần phải hoạt động dựa theo các nguyên tắc đã được thể hiện rõ ràng trong Kinh Thánh.
Phao-lô cầu nguyện cho các thánh tại Cô-lô-se được “đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng” (Côl. 1:9). Đây là điều chúng ta cần cầu nguyện trước khi bắt đầu mỗi một cuộc họp ban lãnh đạo Hội Thánh hay các ban ngành. Giô-suê là một vị tướng vĩ đại, tuy nhiên ông đã vấp phải hai sai lầm đắt giá bởi vì không tìm cầu sự khôn ngoan của Chúa (Giôs. 7:9). Khi cậy vào sự khôn ngoan của chính mình, Giô-suê đã đi trước Chúa và khiến Israel bại trận.
Ngày nay Hội Thánh của Đức Chúa Giê-su Christ có rất nhiều tri thức, rất nhiều trường Tin Lành được biết đến nhờ sự xuất sắc trong học thuật. Tuy nhiên nhiều tri thức mà không có sự khôn ngoan – không biết cách sử dụng tri thức – là một điều rất nguy hiểm. Lời khuyên dạy của Phao-lô rằng: “lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình” đó là sự dạy dỗ dành cho một Hội Thánh (Phil. 2:12), và đây là một lời nhắc nhở cho các Hội Thánh rằng họ không được bắt chước các Hội Thánh khác nhưng phải tìm cầu ý muốn Chúa cho Hội Thánh của họ. Thay vì tham dự thật nhiều hội nghị, hội thảo và vay mượn các ý tưởng và chương trình mà dường như không phù hợp với Kinh Thánh, các lãnh đạo Hội Thánh ngày nay cần phải tìm cầu Chúa, tìm kiếm Lời Chúa, cầu nguyện và tìm kiếm ý muốn của Ngài.
Phao-lô đã suy nghĩ điều này khi nói với các trưởng lão Hội Thánh Ê-phê-sô rằng: “Bây giờ, tôi giao phó anh em cho Đức Chúa Trời và cho đạo của ơn Ngài, là giao phó cho Đấng có thể gây dựng, và ban gia tài cho anh em chung với hết thảy những người được nên thánh” (Công. 20:32). Nếu chúng ta sống bởi ân điển thì quyển sách hướng dẫn của chúng ta không phải là quyển sách tôn giáo bán chạy nhất trên kệ sách nhưng là Lời ân điển của Đức Chúa Trời. Lãnh đạo thuộc linh có giàu Lời ân điển không cần phải vay mượn những ý tưởng khôn ngoan từ thế gian, cũng không cần dàn ý bài giảng của người khác, bởi vì ân điển của Đức Chúa Trời ban cho họ sự khôn ngoan để chăm sóc gia đình của Đức Chúa Trời (Côl. 3:16).
CHÚNG TA CÓ THẨM QUYỀN THUỘC LINH
Trong bài học trước, chúng ta biết rằng chúng ta đang sống trong một thế giới bị thống trị bởi sự chết bởi vì tội lỗi đang thống trị (Rô. 5:14, 17, 21). Tuy nhiên, “luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Đức Chúa Jêsus Christ” buông tha chúng ta “khỏi luật pháp của sự tội và sự chết” (Rô. 8:2). Vâng, chúng ta vẫn có bản tánh tội lỗi và một ngày thân thể hay chết này sẽ chết đi nếu Đức Chúa Giê-su vẫn chưa trở lại. Tuy nhiên chúng ta có thể chiến thắng mọi kẻ thù thuộc linh bởi vì ân điển đang ngự trị (Rô. 5:21)! Nếu chúng ta bước đi trong Thánh Linh thì chúng ta có thể cai trị đời sống nhờ Đức Chúa Giê-su Christ. Đức Chúa Cha đã trao mọi thẩm quyền cho Con của Ngài (Mat. 28:18) là Đấng hiện đang ngồi bên hữu Đức Chúa Cha (Êph. 1:20), và bởi đức tin chúng ta có thể cho phép Đức Chúa Giê-su thi hành thẩm quyền ấy qua chúng ta.
“CHÚNG TA NHỜ ĐẤNG YÊU THƯƠNG MÌNH MÀ THẮNG HƠN BỘI PHẦN” (Rô. 8:37)
Dân tộc Y-sơ-ra-ên đã đánh bại kẻ thù của họ nơi Đất Hứa như thế nào? Bằng cách tin cậy Chúa, vâng theo mệnh lệnh của Ngài, và sẵn sàng bước đi theo Chúa. Hội Thánh đầu tiên đã truyền bá phúc âm khắp Đế Quốc La-mã như thế nào? Bằng cách tin cậy Chúa, sẵn lòng để Đức Thánh Linh hành động và đi theo sự dẫn dắt của Chúa vì sự vinh hiển của Ngài. Những lời giáo sĩ người Anh Henry Varley đã nói với D. L. Moody được tóm gọn như sau: “Đức Chúa Trời có thể hành động không giới hạn trong, vì, và qua Cơ Đốc Nhân, những ai phó mình nơi Chúa và luôn tìm cách tôn vinh Ngài.”
Thi hành thẩm quyền thuộc linh – nghĩa là để ân điển ngự trị trong đời sống của chúng ta – điều đó không khiến đầy tớ của Đức Chúa Trời trở nên ngạo mạn; nhưng ngược lại, điều đó lại khiến họ trở nên khiêm nhường. Thi hành thẩm quyền thuộc linh không đảm bảo chúng ta sẽ có được sức khỏe, giàu có và thịnh vượng nhưng chúng ta sẽ gặp bắt bớ, đau khổ và sự chết. Tuy nhiên khi ân điển ngự trị trong chúng ta và chúng ta cai trị trong Đấng Christ thì những gì xảy đến cho chúng ta không thật sự quan trọng miễn là công việc Chúa được thực hiện và Danh Ngài được tôn vinh (Rô. 8:31-39). Chúng ta cùng đồng trị với Đức Chúa Giê-su (Êph. 2:4-10) và “nhờ một mình Đức Chúa Jêsus Christ mà cai trị trong sự sống” (Rô. 5:17).
CHÚNG TA KHAO KHÁT NGỢI KHEN THỜ PHƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI
Mục vụ quan trọng nhất của Hội Thánh địa phương đó là thờ phượng Đức Chúa Trời. Mọi điều Hội Thánh thực hiện đều bắt nguồn từ sự thờ phượng Đức Chúa Giê-su Christ, bởi vì Ngài phán rằng: “ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:5). Ngày nay trong rất nhiều Hội Thánh, ngôi nhà thờ giống như một rạp hát và sự thờ phượng giống như một hình thức giải trí mang màu sắc tôn giáo. Chúng ta rất hiếm khi nghe lời khẩn cầu xin Đức Chúa Trời ban ân điển nhờ Đức Thánh Linh để dân sự của Ngài có thể thờ phượng Chúa theo cách mà Ngài chấp nhận và trong sự kính sợ.
Nhiều Cơ Đốc Nhân ngày nay không nghĩ rằng họ cần ân điển để thờ phượng “trong tâm thần và lẽ thật” (Giăng 4:23), bởi vì họ đã học cách bắt chước sự thờ phượng thật bằng sự khôn ngoan, những khả năng và kỹ thuật của con người. Họ đã quên lời dạy khuyên rằng: “Nguyền xin lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời” (Côl. 3:16). Lòng chúng ta cần phải có ân điển trước khi có thể cất tiếng ngợi khen trên môi.
Chúng ta cần phải có ân điển để hát ngợi khen Chúa từ tấm lòng. Đa-vít cần phải có ân điển mới có thể hát cho Chúa những thi thiên đem lại phước hạnh cho chúng ta ngày nay. Đức Chúa Giê-su cần phải có ân điển để hát thánh ca và rồi chết trên thập giá. Phao-lô và Si-la cần phải có ân điển để hát thi thiên trong ngục tại Phi-líp. Như lời nói của chúng ta “phải có ân hậu” (Côl. 4:6), cũng vậy, sự thờ phượng của chúng ta phải “có ân điển” để có thể làm đẹp lòng và tôn vinh Đức Chúa Trời. Hai con trai A-rôn đã dâng “lửa lạ” trước Chúa và do đó mà họ bị chết (Lê. 10:1-3). Nếu ngày nay Đức Chúa Trời giết Cơ Đốc Nhân vì dâng lên Ngài sự thờ phượng trái phép thì Hội Thánh sẽ còn lại bao nhiêu người?
Phao-lô viết rằng: “Tôi nay là người thể nào là nhờ ơn của Đức Chúa Trời.” Ông không cậy vào việc mình đã nhận được nền tảng giáo dục tốt, tài năng hoặc thân thế. Đức Chúa Trời có thể sử dụng những việc ấy nếu chúng ta dâng tất cả cho Ngài, tuy nhiên bí quyết của đời sống và mục vụ Cơ Đốc là hoàn toàn nhờ cậy ân điển Chúa. Tôi có thể tiếp tục viết ra những phước hạnh khác mà chúng ta có bởi ân điển Chúa, tuy nhiên tự khám phá những phước hạnh ấy qua Kinh Thánh sẽ là một bài tập thuộc linh tốt dành cho các bạn.
Giáo sĩ D. L. Moody từng dành nhiều ngày để học biết Kinh Thánh nói gì về ân điển của Đức Chúa Trời. Ông cảm thấy rất phấn khởi đến nỗi khi bước ra khỏi nhà ông đã nói với người đầu tiên mà ông gặp rằng: “Bạn biết gì về ân điển?” Người đàn ông kinh ngạc hỏi rằng: “Ân điển gì?” Moody nói: “Ân điển của Đức Chúa Trời!” và ông tiếp tục nói với người đàn ông ấy về Đức Chúa Giê-su.
Đời tôi rất nhiều nỗi gian lao u sầu,
Buồn lo đã làm vắng niềm tin.
Nhưng Chúa đã cứu tôi về nghỉ yên trong tay nhiệm mầu.
Thật ơn Chúa rộng lớn vô biên.
John Newton
“Ấy vậy, vì chúng tôi làm việc với Chúa, nên xin anh em chớ chịu ơn Đức Chúa Trời luống không” (2 Côr. 6:1).
[1] Robert Murray M’Cheyne, Memoir and Remains of Robert Murray M’Chayne, ed. Andrew Bonar (London: Banner of Truth, 1966), 282.Warren W. Wiersbe
Translated by Vinh Hien
Chúng ta nghĩ rằng mình có thời gian vô tận để sống, nhưng chúng ta không bao giờ biết khoảnh khắc nào là cuối cùng, vì vậy HÃY CHIA SẺ, QUAN TÂM, YÊU THƯƠNG và ĂN MỪNG TỪNG KHOẢNH KHẮC CHÚNG TA SỐNG.