Trong phần cuối Lu-ca 9, chúng ta tìm thấy câu chuyện về ba người đến gặp Đức Chúa Giê-su để xin theo Ngài. Tuy nhiên thật bất ngờ, Đức Chúa Giê-su dường như muốn nói với họ đừng làm vậy.
Người đầu tiên nói rằng: “Chúa đi đâu tôi sẽ theo đó.”
Đức Chúa Giê-su đáp rằng: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu.”[1] Nói cách khác, Đức Chúa Giê-su bảo người đàn ông này rằng hành trình phía trước là con đường vô gia cư. Người theo Chúa không được đảm bảo về nhu cầu chỗ ở.
Người thứ hai nói cùng Đức Chúa Giê-su rằng cha mình vừa qua đời. Người này muốn quay về chôn cha rồi sau đó sẽ theo Chúa.
Đức Chúa Giê-su đáp rằng: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; còn ngươi, hãy đi rao giảng nước Đức Chúa Trời.”[2]
Tôi còn nhớ rất rõ khoảnh khắc cha tôi qua đời đầy đột ngột sau một cơn đau tim. Giữa sự nặng nề kinh khủng của những ngày sau đó và đang khi tấm lòng tôi ao ước được tôn kính cha trong tang lễ, tôi không thể tưởng tượng có thể nghe những lời này từ Đức Chúa Giê-su, rằng: “Đừng đến lễ tang. Con còn có nhiều việc quan trọng hơn phải làm.”
Người thứ ba đến nói với Đức Chúa Giê-su rằng ông muốn theo Chúa, nhưng ông muốn từ giã gia đình trước rồi sẽ theo Ngài.
Nhưng Đức Chúa Giê-su không cho phép. Ngài phán cùng người đàn ông này rằng: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời.”[3] Nói một cách đơn giản, mối quan hệ với Đức Chúa Giê-su đòi hỏi sự tận hiến toàn vẹn, trên hết và độc nhất.
Trở thành người vô gia cư.
Để người khác chôn cha mình.
Không nói lời từ biệt gia đình.
Sau những gì chúng ta đọc được trong Lu-ca 9, chúng ta có bất ngờ không khi Đức Chúa Giê-su thành công trong việc thuyết phục người khác không đi theo Ngài?
Lần đầu tiên tôi được nghe giảng về phần Kinh Thánh này là từ Tiến sĩ Jim Shaddix. Ông là giáo sư môn giảng dạy của tôi, tôi đã dời nơi ở đến New Orleans chỉ để được học từ nơi ông. Ngay khi tôi đến nơi, Tiến sĩ Shaddix đã mời tôi cùng đi với ông đến một sự kiện mà ông sẽ giảng. Tôi ngồi hàng đầu tiên của một hội trường hàng trăm người, lắng nghe bài giảng của ông bắt đầu.
“Tối nay mục đích của tôi là nói cho quý vị không đi theo Đức Chúa Giê-su.”
Đôi chân mày của tôi nhướng lên đầy kinh ngạc và bối rối. Giáo sư đang nghĩ gì? Tôi đang nghĩ gì? Tôi đã dời cả cuộc sống của mình đến New Orleans để học hỏi từ một người đi thuyết phục người khác không đi theo Đức Chúa Giê-su sao?
Tiến sĩ Shaddix giảng đúng như những gì Lu-ca 9 mô tả, báo trước cho các môn đồ tiềm năng biết rằng theo Đức Chúa Giê-su có những đòi hỏi gì. Cuối cùng ông mời những ai muốn theo Đức Chúa Giê-su hãy bước lên phía trước. Thật bất ngờ, rất nhiều người đã rời ghế ngồi bước lên trên. Tôi ngồi đấy, ngẩn người và bắt đầu nghĩ rằng: Vậy đây là một mẹo giảng đạo, một đòn tâm lý trái ngược được thánh hóa. Và cách này đã thành công. Hãy nói với người nghe rằng bạn sẽ nói cho họ không theo Đức Chúa Giê-su, và đám đông sẽ ùa lên đáp ứng.
Tôi quyết định sẽ thử cách này.
Tuần tiếp theo tôi được mời giảng tại một buổi nhóm thanh niên. Sử dụng những đã học từ Tiến sĩ Shaddix, tôi đứng đầy kiêu hãnh trước các em sinh viên trong đêm đó và tuyên bố: “Mục tiêu của tôi đêm nay là nói cho các em không đi theo Đức Chúa Giê-su.” Tôi có thể nhìn thấy ban điều hành nhướng đôi mắt của họ đầy quan ngại, nhưng tôi biết mình đang làm gì. Dù gì đi nữa tôi đã bắt đầu học trong trường thần học một vài tuần và tôi đã chứng kiến điều này trước đó. Vậy tôi giảng bài giảng và mời các sinh viên muốn theo Chúa hãy tiến lên phía trước.
Hiển nhiên tôi đã “thành công hơn” Tiến sĩ Shaddix đã làm trước đó khi giảng về sứ điệp này. Đại khái là tôi đã đứng đó một hồi lâu mà không có một người bước lên, một lúc sau người đã tổ chức sự kiện này quyết định kết thúc buổi nhóm. Vì một lý do nào đó, tôi không còn được mời nữa.
Đối lập với những gì tôi đã nghĩ về Lu-ca 9, Đức Chúa Giê-su không dùng chiêu trò để tuyển mộ thêm môn đồ. Ngài đơn thuần nói rõ một cách đầy can đảm từ lúc bắt đầu rằng nếu bạn theo Ngài, bạn phải từ bỏ mọi thứ – những nhu cầu, những ước muốn, và thậm chí chính gia đình của bạn.
Từ bỏ tất cả
Các sự kiện trong Lu-ca 9 không chỉ xảy ra một lần trong cuộc đời Đức Chúa Giê-su. Vào một dịp khác, giữa một đám đông những người hăng hái muốn theo Ngài, Đức Chúa Giê-su đã phán rằng: “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta.”[4] Hãy tưởng tượng bạn nghe được những lời như thế từ một người thầy Do Thái không có tiếng tăm trong thế kỷ thứ nhất. Người thầy ấy sẽ đánh mất hầu hết các học trò ngay từ câu chào.
Nhưng rồi Chúa tiếp tục: “Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta.”[5] Cái giá của việc theo Chúa được nâng lên một mức độ cao hơn. Mang lấy một công cụ tử hình và theo Chúa. Thật kỳ lạ và… đáng sợ. Hãy tưởng tượng một giáo chủ xuất hiện trong thời nay kêu gọi những người muốn theo ông phải đem theo chiếc ghế điện dành cho tử tù để được làm môn đồ của ông. Liệu có người sẽ theo?
Như thể những điều trên vẫn chưa đủ, Đức Chúa Giê-su chấm dứt lời cầu xin đầy cảm xúc của những người muốn theo Ngài bằng một kết luận vô cùng xúc động. “Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta.”[6] Từ bỏ tất cả mọi điều mình có, vác thập tự giá và ghét gia đình mình, tất cả những điều này thật xa lạ với những gì chúng ta thường kêu gọi: “Hãy tin nhận, xưng tội và lặp lại lời cầu nguyện của tôi.”
Nhưng đây vẫn chưa phải là tất cả. Hãy xem Mác 10, một lần khác có một môn đồ tiềm năng đến gặp Chúa. Đây là chàng trai trẻ, giàu có, thông minh và có tầm ảnh hưởng. Ít nhất anh là một người hoàn toàn có triển vọng. Không những thế, anh rất hăng hái và sẵn sàng ra đi. Anh chạy đến với Đức Chúa Giê-su, quỳ dưới chân Ngài mà nói rằng: “Tôi phải làm chi cho được hưởng sự sống đời đời?”[7]
Nếu đặt mình vào vị trí của Đức Chúa Giê-su, rất có thể chúng ta sẽ nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để tiếp nạp môn đồ. Chỉ cần nói rằng: “Anh hãy đọc lời cầu nguyện này, ký vào giấy, cúi đầu và lặp lại lời của tôi,” sau đó người này sẽ thuộc về Hội Thánh của chúng ta. Hãy nghĩ một người có tầm ảnh hưởng và uy tín như thế này sẽ có thể đóng góp gì cho Hội Thánh. Chúng ta có thể mời anh ấy làm thành viên nòng cốt. Anh có thể làm chứng, ký tên vào những quyển sách và gây quỹ truyền giáo. Đây là việc quá dễ dàng – chúng ta phải tiếp nhận anh ấy.
Tiếc thay, Đức Chúa Giê-su không có những quyển sách chứng đạo cá nhân mà chúng ta có ngày nay, những quyển sách dạy làm thế nào để quăng lưới và mời gọi người khác tin Chúa. Ngược lại, Đức Chúa Giê-su đã phán một điều: “Hãy đi, bán hết gia tài mình, bố thí cho kẻ nghèo khổ, chắc sẽ được của báu ở trên trời, rồi hãy đến mà theo Ta.”[8]
Đức Chúa Giê-su đang nghĩ gì? Ngài đang phạm một sai lầm kinh điển là để vuột mất con cá lớn. Cái giá là quá đắt.
Tuy nhiên sự từ bỏ mà Đức Chúa Giê-su đòi hỏi nơi người trai trẻ giàu có chính là điều cốt lõi trong lời mời của Đức Chúa Giê-su xuyên suốt các sách Phúc Âm. Thậm chí khi Đức Chúa Giê-su nói những lời rất đơn giản để kêu gọi các môn đồ của Ngài trong Ma-thi-ơ 4 – “Hãy theo Ta” – thì Ngài cũng ngụ ý các môn đồ phải từ bỏ tất cả. Đức Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ phải từ bỏ những sự thoải mái, tất cả những gì quen thuộc đối với họ.
Đức Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ từ bỏ công việc. Họ phải tái định hướng sự nghiệp xoay quanh việc trở thành môn đồ của Chúa. Giờ đây tất cả những kế hoạch và giấc mơ của họ đó là làm theo ý muốn Chúa.
Đức Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ từ bỏ tài sản. Trong thực tế Đức Chúa Giê-su muốn nói với các môn đồ của Ngài rằng: “Các ngươi hãy bỏ lưới cá và nghề đánh cá hiện rất thành công của các ngươi.”
Đức Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ từ bỏ gia đình và bạn bè. Khi Gia-cơ và Giăng từ biệt cha của họ, chúng ta thấy lời Chúa trong Lu-ca 14 trở nên sống động.
Đỉnh điểm là Đức Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ từ bỏ chính mình. Họ từ bỏ những điều chắc chắn để đổi lấy những điều không chắc chắn, từ bỏ sự an ninh để đổi lấy nguy hiểm, từ bỏ bản năng bảo toàn mạng sống để tự chỉ trích bản thân. Trong một thế giới coi trọng việc tự quảng bá bản thân, các môn đồ lại đi theo một người thầy dạy họ phải tự đóng đinh chính mình trên cây thập tự. Và lịch sử đã cho thấy kết quả. Gần như tất cả các môn đồ đều đánh đổi mạng sống họ vì đáp ứng với lời mời của Chúa.
DAVID PLATT
Translated by Vinh Hien