A-ĐAM, NGƯỜI CHỒNG SẴN SÀNG CHẾT VÌ YÊU VỢ
Sáng Thế Ký 1-3; Rô-ma 5:12-15
Hãy nghĩ đến một người tuyệt vời nhất mà bạn muốn gặp: đẹp trai như thiên thần, mạnh mẽ và phong độ như cầu thủ với những cơ bắp cuồn cuộn, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ việc gì, thông minh thiên phú như Beethoven hay Einstein. Hãy nghĩ đến một người có nhân cách đáng kính, có lòng bao dung, quan tâm, chăm sóc chu đáo đến từng con vật bé nhỏ. Người đó là A-đam. A-đam là tạo vật tươi mới, rực rỡ của Đức Chúa Trời. A-đam trong tình trạng mới được dựng nên là mão triều huy hoàng cho sự sáng tạo của Chúa, và được Ngài chỉ định sẽ quản trị muôn loài, làm cha của dòng dõi con người. A-đam ở trong Chúa, A-đam chính là người mà Chúa muốn tạo nên: sáng láng, hữu dụng, không tì vết.
- A-ĐAM VÀ THẾ GIỚI THỜI ĐÓ
Đó là một thế giới tươi đẹp lung linh, với sự bình an và mọi điều hòa hợp. Đó là thế giới của sự hài hòa, thiên nhiên cân đối, hỗ trợ nhau. Đó là thế giới của vườn cây hoa đẹp, nắng vàng ấm áp, núi non hùng vĩ, sông suối hiền hòa, rừng đầy tiếng chim. Đó cũng là thế giới của chúng ta, nếu như không có điều gì đáng tiếc xảy ra.
- Chúa Dựng Nên A-đam.
Kinh Thánh không lý giải khi giới thiệu Đức Chúa Trời vào thế giới tự nhiên. Thuyết tiến hóa với những tuyên truyền phản khoa học, loại bỏ Chúa ra khỏi mọi sự đã trở thành công cụ ưa thích của người vô thần, người Cộng sản để giới thiệu một thế giới không có Chúa. Đó là lý do vì sao thuyết tiến hóa được nhiều người theo ngày nay. Thuyết này cho những người không tin Chúa một điểm tựa, để họ có thể giải thích sự hiện hữu của thế giới này mà không cần Chúa. Có thể học thuyết này đúng, hoặc Đức Thánh Linh đúng. Và con cái Chúa thà tin vào Đức Thánh Linh còn hơn là những tư tưởng của con người mà cứ phải thường xuyên điều chỉnh.
Có một khoảng cách lớn giữa loài người và các loài động vật khác. Chúa tạo nên các sinh vật và cho chúng tồn tại theo từng loài. Mỗi loài được độc lập với loài khác. Ý chỉ thiên thượng tạo nên chúng, Chúa chỉ phán thì chúng hiện hữu. Nhưng khi tạo dựng nên con người, Chúa đã dùng cách chi tiết và đặc biệt hơn hẳn. Chúa tạo nên A-đam theo một kế hoạch, rồi Ngài đã tự tay làm nên A-đam từ bụi đất.
Giống các loài thú vật, A-đam được tạo nên từ đất nhưng ông có thêm nhiều khác biệt vì Chúa cho ông mang ảnh tượng của Chúa và giao cho ông quản lý thế giới tự nhiên mà Ngài đã dựng.
Cấu trúc phức tạp của con người tố cáo thuyết tiến hóa là ngụy biện. Mỗi bộ phận trên cơ thể chúng ta đều có cấu tạo và chức năng vô cùng phức tạp: mắt, tai, gan, thận, tim … Và hệ miễn dịch, các cơ chế bảo vệ cơ thể khi nó bị tấn công từ bên ngoài: nhiệt độ, vết thương, vi khuẩn. Rồi mỗi phút chúng ta có ba tỷ tế bào chết đi, và cơ thể lại điều chỉnh để có một lượng khác thế vào, cứ thế tiếp diễn. Tin rằng những điều phức tạp này xãy ra bởi sự tình cờ là tin vào điều không thể.
Trở lại với A-đam, Chúa dựng nên A-đam và cho ông có sự khác biệt với các loài khác, ông có linh hồn. Chúa cho ông có khả năng tự lập, tự suy nghĩ, và tương giao với Chúa.
Các loài thú vật tồn tại và sinh trưởng theo như luật Trời định sẵn, mà chúng ta thường gọi là bản năng. Mỗi loài có bản năng riêng: con ong xây tổ, cá hồi bơi ngược dòng, con nhện giăng tơ, con gà ấp trứng … thể hiện quyền năng và sự thông minh của Đấng Sáng Tạo. Có vài loài còn có khả năng chịu huấn luyện, bày tỏ lòng trung thành, cảm xúc vui buồn … mà chúng ta gọi là có hồn sống. Dù sao, các loài này cũng bị bản năng chi phối.
Nhưng Chúa tạo nên con người với cơ chế đặt biệt: thân thể để hiện hữu, tâm hồn để cảm biết, và linh hồn để tương giao với Chúa. Cơ thể con người chịu sự điều hành của tâm hồn với nhiều khía cạnh: trí tuệ, cảm xúc, và ý chí. Và tâm hồn đó được dẫn dắt bởi linh hồn, một điều khiến con người trở nên khác biệt hoàn toàn với loài thú. Linh hồn con người được tương giao với Đức Thánh Linh, ở trong Ngài, để dẫn dắt cả tâm hồn và thân thể luôn luôn làm, nói, và suy nghĩ hòa hợp với Đức Chúa Trời.
- Chúa Cảnh Báo Con Người.
Để con người được phát huy các lãnh vực Chúa cho như tự chủ, lý luận, đạo đức thì con người không thể là con rối, mà con người cần phải có cơ hội lựa chọn. Hơn thế nữa, con người cần được đặt vào môi trường mà khả năng lựa chọn được phát huy tác dụng. Vậy nên khi Chúa xây dựng vườn Ê-đen, Chúa đặt vào đó cây biết điều thiện và điều ác.
Có thể Chúa đã phán thế này, “A-đam! Con có thấy cây đó không? Cây đó của Ta. Con muốn làm gì khắp vườn cũng được, mọi sự đều là của con, ngoại trừ một giới hạn. Cây đó là của Ta, con không được ăn trái nó nhé. Nếu con ăn, con sẽ chết. Thôi được rồi, chúc con vui vẻ.”
- A-ĐAM VÀ VỢ MÌNH
Đức Chúa Trời muốn cuộc sống của A-đam đầy dẫy tình yêu, sự vui vẻ, và một hôn nhân hạnh phúc. Những khía cạnh mà xã hội bây giờ đang hướng tới như tự do vô hạn, sống thử … không được Kinh Thánh ủng hộ. Trong những lời cuối cùng cho câu hỏi về sự li dị, Chúa Giê-su nói, “Chẳng phải mọi người đều có thể lãnh được lời này, chỉ người sẵn có ban cho như vậy mà thôi” (Ma-thi-ơ 19:11). Lời dạy của Chúa Giê-su hoàn toàn phù hợp với cuộc hôn nhân đầu tiên trong Sáng Thế Ký đoạn 2. Ở đó chúng ta thấy ý chỉ thiên thượng được bày tỏ, mặc dù không phải ai cũng có thể nhận lãnh.
Lúc đầu A-đam ở một mình và vui vẻ với tình trạng độc thân. Trong vườn Ê-đen, A-đam làm việc, tương giao với Chúa, và sống thoải mái. A-đam xây dựng những điều cơ bản nhất cho cuộc sống mình và cho thế giới. Mỗi phút A-đam tương giao với Chúa, đêm đi ngủ mà chẳng phải lo lắng gì.
Rồi Chúa đánh thức giác quan đơn độc trong A-đam. Chúa cho các loài thú rừng đến trước mặt A-đam để được nhận tên của mình. Mục đích phía sau câu chuyện này là cho A-đam có một nhận thức: mỗi loài thú vật đều có đôi có cặp, nhưng A-đam thì không. Trong các loài thú, không có một con nào được tạo dựng tương xứng với A-đam để chia sẻ niềm vui cuộc sống. Có một điều gì đó còn thiếu để viên mãn.
Chúa làm cho A-đam ngủ mê, và A-đam đã ngủ theo ý muốn của Chúa mà không có một suy nghĩ gì vì ông đã quen làm theo ý Chúa. Ông không cần phải đi khắp vườn để tìm bầu bạn nữa. Ông đi ngủ trong sự bình an, tốt lành theo ý Chúa.
Phó thác cho Chúa tình yêu, sự quan tâm, và hôn nhân là điều xa lạ với xã hội ngày nay. Quan niệm của chúng ta về các lãnh vực này được tạo nên bởi tiểu thuyết, phim ảnh, mạng xã hội nhiều hơn là bởi sự dạy dỗ của Chúa. Tình trạng đó cũng xảy ra khi một con cái Chúa độc thân đang tìm kiếm một “nửa kia” của mình. Hẹn hò là cách của con người, phó thác vào Chúa là cách của Kinh Thánh.
Khi thức dậy, A-đam nhìn vào người nữ mà Chúa đã tạo nên cách đặt biệt cho ông. Nếu có nơi nào vui vẻ bây giờ, thì Ê-đen là nơi vui vẻ cả triệu lần hơn. A-đam nói, “Người này là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra (Sáng Thế Ký 2:23). Những ngày sau đó, vườn Ê-đen càng thêm vui vẻ với một cặp đôi trong thời trăng mật. Mỗi ngày họ lại khám phá thêm những điều mới mẻ và thú vị. Chắc chắn là A-đam đã giới thiệu với vợ về những thú vật trong vườn. Trong thời giờ yên lặng, họ cầm tay nhau, hiệp một trong tình yêu và tương giao với Chúa.
A-đam bây giờ hạnh phúc với hôn nhân trong ý Chúa. A-đam lấy Ê-va, người được Chúa tạo nên để mang đến tình yêu, sự đồng cảm, và sắc màu cuộc sống. Đó là ý của Đức Chúa Trời về hôn nhân. Chúa Giê-su đã đề cập đến ý này khi trả lời sự chất vấn về li dị. Ngài nhấn mạnh bản chất nguyên thủy của một cuộc hôn nhân: đó là sự tác hợp tốt lành của Đức Chúa Trời.
- A-ĐAM VÀ NHỮNG NỖI KHỔ.
Tình trạng tuyệt hảo của vườn Ê-đen lẽ ra sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng mọi sự bất ngờ thay đổi.
- Sự không vâng lời của một người.
Kinh Thánh nói rõ rằng A-đam đã phạm tội. Thật ra, A-đam không phải là người đầu tiên làm chuyện đó. Ê-va mới là người đầu tiên làm trái lời Chúa, nhưng Chúa vẫn quy trách nhiệm cho A-đam. Đức Chúa Trời vẫn thường hay kể trách nhiệm cho chồng với những điều xảy ra cho vợ. A-đam trong vai trò lãnh đạo gia đình đã chịu trách nhiệm trước Chúa về tình trạng tâm linh của vợ mình. Nguyên tắc này vẫn còn tác dụng cho đến ngày nay.
Con rắn xuất hiện. Đây không phải là con rắn thông minh và hiền lành mà A-đam đã biết và đặt tên. Đó là “con rắn ngày xưa” (Khải Huyền 12:9), kẻ xâm nhập từ không gian bên ngoài vào thế giới này để gieo rắc nọc độc tội lỗi vào con người. Nó đã thấy Ê-va ở một mình, lừa dối nàng, và để nàng ở lại với đau khổ và hổ thẹn. Bóng tối đang bắt đầu che phủ trên bầu trời vườn Ê-đen.
A-đam đã tìm được vợ mình, sa ngã và cô đơn, đang đứng trước cây biết điều thiện và ác, trên tay vẫn còn cầm trái của nó. Nàng không cần phải giải thích điều mình làm, vì A-đam đã biết rồi. Ê-va giờ đây trở nên khó hiểu và thất thần. Nét đẹp thơ ngây của nàng đang thay đổi. Ê-va đang che dấu một điều gì đó khi đưa trái của cây biết điều thiện và điều ác cho chồng. Có một sự trộn lẫn giữa yêu thương với dối lừa, ngoan cố với luyến tiếc đang diễn ra với nàng.
Chúng ta có thể hình dung là A-đam đã kinh hãi đến thế nào khi thấy Ê-va ở trong trạng thái đó. Chàng yêu nàng say đắm, mà giờ đây nàng đã xa cách chàng vĩnh viễn. Không cần ai nói cho A-đam biết điều gì đang xảy ra. Chàng đã biết sự thật nhờ vào thần minh thông tuệ trong Đức Thánh Linh. A-đam biết lời của Chúa: “Một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng Thế Ký 2:17). Và chàng đang mất nàng, người chàng rất mực yêu thương, mất mãi mãi.
A-đam không bị lừa. Kinh Thánh nói rõ rằng Ê-va bị đánh lừa, chứ A-đam thì không. “Không phải A-đam bị dỗ dành, bèn là người đàn bà bị dỗ dành mà sa vào tội lỗi” (I Ti-mô-thê 2:14). Trí tuệ nhạy bén của A-đam khiến chàng nắm vững tình hình, cân nhắc mọi yếu tố, và đi đến kết luận chính xác. Vợ chàng giờ đây đã kinh nghiệm điều thiện, điều ác, và hơn thế nữa, nàng bị ảnh hưởng bởi sự lừa dối và đang trở thành kẻ lừa dối. Giữa Ê-va và A-đam giờ đây là một vực thẳm sâu rộng như sự phân cách người giàu và La-xa-rơ trong câu chuyện ẩn dụ của Chúa Giê-su (Lu-ca 16), hai bên thấy nhau mà người ở dưới không thể nào bước lên trên được. Hoàn toàn vô phương, hoàn toàn tuyệt vọng.
Cánh cửa quay về quá khứ đã đóng. Chàng và nàng không thể nào trở lại khung cảnh tuyệt hảo của vườn Ê-đen mà họ đã trải nghiệm. Ê-va không còn ngây thơ hồn nhiên nữa, nàng đã cắn phải móc câu tội lỗi. Nàng không còn tinh khiết trong suy nghĩ, tấm lòng và ý chí. Sự thiện lương của nàng đang hoen ố và lao dốc. Ê-va đã trở thành tội nhân và một người quyến dụ. Ê-va biết rõ mình cám dỗ A-đam trong giây phút đó. Và chàng cũng biết.
Chúng ta không biết A-đam đã đấu tranh trong lòng mình bao lâu, cân nhắc các yếu tố với sự thông minh sắc bén. Chúng ta chỉ biết được quyết định mà A-đam đã chọn. Tình yêu thương sâu đậm với Ê-va đã khiến chàng chọn đi chung với nàng, phạm tội cùng nàng. Tim chàng đang kêu gào cho người mà chàng yêu. Lý trí A-đam đã ngàn lần hô to, “Không! Không!” trong khi tình cảm thì vạn lần hô to hơn, “Yêu đi! Yêu đi!”
Ê-va đã vì ham muốn mà phạm tội, còn A-đam vì tình yêu thương mà phạm tội. A-đam nhìn lại Ê-va, người vợ yêu của mình, người đã cùng mình chia sẻ những ngày hồn nhiên, hạnh phúc. Nàng giờ đây rơi vào cô độc và sợ hãi. Chàng đã nhìn thấu điều đó trong đôi mắt nàng. Nàng đang ở dưới lời nguyền của Chúa, và sẽ sớm thôi, Chúa sẽ xuất hiện trong vườn. Và lúc đó hình phạt sẽ được ban ra: cái chết.
A-đam quyết định cùng chịu tội lỗi và nỗi buồn của Ê-va. Với nét tinh anh vẫn còn sáng ngời, đôi mắt mở to nhìn hậu quả, chàng cầm lấy quả của cây biết điều thiện và điều ác được đưa từ tay Ê-va, chậm rãi cắn một miếng, nếm vị ngọt đắng của nó, và trở thành tội nhân. A-đam đã chủ động bước xuống để ở chung một thuyền với Ê-va.
A-đam không bị đánh lừa, mà chàng cam tâm tình nguyện làm trái lời Chúa. A-đam biết rõ mình đang làm gì, và động cơ duy nhất để đi ngược ý Chúa là tình yêu với Ê-va. Tình yêu đó lẽ ra phải nằm dưới tình yêu và sự tôn kính Chúa, nhưng nó đã trở thành thần tượng khiến chàng bất chấp tất cả. Về khía cạnh con người, đây có thể được coi là hành động cao thượng, nhưng với Chúa thì không. Vậy nên, sau này sứ đồ Phao-lô đã viết, “Như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết” (Rô-ma 5:12).
- Dòng dõi của một người.
A-đam và Ê-va là hai trụ cột của thế giới tự nhiên thời đó, vì họ quản lý và điều hành tất cả. Một trụ cột đã gãy đổ, chỉ còn A-đam đang gánh gồng tất cả. Khi A-đam sa ngã, toàn thế giới này sa ngã theo. Chúng ta đều “ở trong A-đam” khi chàng sa ngã. A-đam đã kéo theo cả thế giới, những người chưa sinh ra, cả dòng dõi loài người đều sa ngã với chàng. Không phải vì chúng ta phạm tội mà trở thành tội nhân, nhưng vì chúng ta là tội nhân nên chúng ta phạm tội. Vua Đa-vít đã trải nghiệm điều này khi ông quan sát những sai phạm của chính mình liên tục xảy ra mặc dù ông cố gắng và mong muốn “trọn đời được ở trong nhà Đức Giê-hô-va” (Thi Thiên 27:4).
Vừa khi A-đam phạm tội thì linh hồn của ông cũng không còn tươi sáng, và chàng đã hành động dại dột. Với một cố gắng trong vô vọng, A-đam muốn che đi sự trần truồng và xấu hổ mà chàng vừa cảm nhận: lấy lá vả kết lại để che đậy sự lõa thể cho mình và cho Ê-va.
Ngọn lửa tôn giáo bắt đầu được nhen lên, vì cốt lõi của tôn giáo là sự cố gắng che đậy điều xấu hổ và tội lỗi trước mặt Đức Chúa Trời bằng nỗ lực của con người. Lá vả của A-đam có thể che đi sự hổ thẹn của hai người, nhưng không có tác dụng gì trong sự hiện diện của Chúa. A-đam và Ê-va sẽ sớm nhận biết rằng “không có sự đổ huyết thì không có sự tha thứ” (Hê-bơ-rơ 9:22).
Sự đoán phạt của Chúa giáng xuống. Cánh cửa vào vườn Ê-đen đã đóng cứng sau lưng A-đam và Ê-va. Bây giờ họ đối diện với một tương lai mịt mờ với ảnh hưởng của tội lỗi mà không có một câu nói, tư tưởng, hay bất cứ một thứ gì có thể miêu tả về sự khủng khiếp đó. Con đường trở về đã hoàn toàn vô vọng cho đến khi huyết Chiên Con được đổ ra trên thập tự giá.
A-đam và Ê-va đã biết ngay hậu quả của tội lỗi mà con rắn gieo vào nhân loại thông qua hai người. A-đam không còn được Chúa chiếm ngự, mà thay vào đó là tội lỗi. Mất rồi! Nguyên lý được vận hành bởi Đức Thánh Linh đã không còn. Con cái do A-đam sinh ra đã được hình thành trong tội lỗi (Thi Thiên 51:5). Tội lỗi đã nhảy vọt kèm theo sự tàn phá của nó.
Con đầu của A-đam lớn lên trở thành kẻ giết người. Hành động của Ca-in là một hành động tôn giáo, làm hài lòng Chúa theo cách của mình. Tôn giáo của Ca-in càng tỏ ra bất lực, vì không có nền luân lý nào cho phép giết người để thõa mãn sự căm tức và lòng tự tôn. Nhưng đáng buồn thay, tôn giáo của Ca-in vẫn còn lưu hành cho đến ngày nay với nhiều danh xưng khác nhau.
Đối ngược với Ca-in, A-bên đặt đức tin đơn sơ vào Chúa và chấp nhận nguyên tắc cứu chuộc của Ngài: sự đổ huyết của con sinh tế đưa đến sự tha thứ. A-bên đã không chấp nhận tín điều tôn giáo của Ca-in. Và thế là cơn tức giận nổi lên, Ca-in giết A-bên.
A-đam thọ 930 tuổi (Sáng Thế Ký 5:5). Chúng ta không biết rõ A-đam đã sống bao lâu trong vườn địa đàng. Có lẽ là ba mươi năm, vì Chúa Giê-su (A-đam thứ hai) cũng đã đối đầu với “con rắn ngày xưa” khi Ngài bước vào tuổi ba mươi, và kết quả hoàn toàn đảo ngược.
Dù sao đi nữa, A-đam cũng đã sống qua thời thế giới hư hoại trước khi cơn Đại Hồng Thủy xảy ra. Ông chứng kiến những con người gian ác và sự cám dỗ diễn ra khắp nơi, càng ngày càng tệ. Ông đã thấy sự ác lan tràn khắp đất, chính con trưởng nam của mình đã tạo nên một nền văn minh không kính sợ Chúa. A-đam thấy sự hiểu biết về Chúa còn vương vấn trong dòng dõi Ca-in được một hai thế hệ, rồi sau đó tất cả đều chết dưới sự trừng phạt của cơn nước lụt thời Nô-ê.
A-đam cũng nhìn thấy những thành tựu đáng kể của con cháu. Ông thấy họ lập nên những thành lớn, hình thành nghệ thuật luyện kim, đem thế giới vào cuộc cách mạng lao động và từ đó thay đổi lịch sử con người. Tất cả những gặt hái phức tạp này đã khiến con người không còn hoài tưởng gì đến sự tĩnh lặng và yên bình trong vườn Ê-đen.
Song song với sự văn minh, lòng người càng ngày càng xa Chúa, tội ác cũng gia tăng. “Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn” (Sáng Thế Ký 6:5). Những điều này chắc chắn làm A-đam đau lòng. Điều hi vọng còn lại của ông là một dòng dõi biết kính sợ Chúa: hậu tự của Sết.
Sết và con cháu có sự tin kính. Năm A-đam được 622 tuổi thì Hê-nóc được sinh ra. Năm Hê-nóc được 65 tuổi thì ông bắt đầu bước đi cùng Đức Chúa Trời. Lúc này A-đam đã được 687 tuổi, chắc chắn là ông được an ủi rất nhiều. Chỉ57 năm sau khi A-đam qua đời, Hê-nóc được Chúa tiếp lên trời. Nơi đó, ông và A-đam đồng đi với Chúa mãi mãi.
Nền tảng Kinh Thánh:
Cho nên như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian, và bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã lan tràn đến mọi người, vì mọi người đều đã phạm tội. Nhưng tội lỗi không giống như sự ban cho thiên thượng. Vì nếu bởi tội của chỉ một người mà nhiều người phải chết, thì ân điển của Đức Chúa Trời càng lớn hơn, và quà tặng bởi ân điển của một Người là Đức Chúa Giê-xu Cơ Đốc, lại càng dư dật cho nhiều người khác nữa. Rô-ma 5: 12-15
Lời cầu nguyện mẫu:
Lạy Chúa là Đấng Sáng Tạo đời con. Con biết con là dòng dõi của A-đam thứ nhất bất hạnh, thất vọng. Con cảm tạ Chúa không bỏ loài người. Ngài đã sai phái A-đam thứ hai là Đấng Cứu Thế khiêm nhường, đắc thắng, hy sinh chết thế đền tội cho con. Chúa đã đắc thắng sự chết và đã sống lại hiển vinh, Ngài thăng thiên ngự bên hữu Đức Chúa Trời và Ngài sẽ trở lại thế giới theo chương trình vĩ đại của Ngài. Con tin cậy Chúa Giê-su Christ, cảm tạ ân điển lạ lùng của Chúa, và xin nhìn nhận Ngài là Chúa và Cứu Chúa duy nhất của đời con. Con sung sướng được ở trong Chúa, tôn vinh Chúa và vui hưởng chính mình Ngài mãi mãi. A-men.
VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE
Chọn viết theo Tác giả John Phillips