“Khá giữ trung tín cho đến chết,
rồi ta sẽ ban cho ngươi mão triều thiên của sự sống.”
Khải huyền 2:10
Tên “Ê-tiên” bắt nguồn từ chữ stephanos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “vương miện chiến thắng,” đó là chiếc vương miện mà vận động viên thắng cuộc nhận được trong đại hội thể thao Olympics Hy Lạp. Ê-tiên đã sống đúng như tên gọi của mình, ông đã giành được chiếc vương miện khi là người đầu tiên tử đạo của Hội Thánh Cơ Đốc. Chúa hứa sẽ ban phước cho tất cả con cái của Ngài là những ai trung tín với Chúa. Ê-tiên được ban một chiếc vương miện trên thiên đàng, nhưng ông cũng nhận được một chiếc mão miện trên đất. Bằng cách nào? Bằng việc trung tín sử dụng ân tứ và cơ hội của mình đến nỗi Chúa “thăng chức” cho ông để thực hiện những mục vụ mới. Chúng ta biết về Ê-tiên chỉ qua hai chương trong sách Công vụ các sứ đồ, nhưng ông thật sự là một sự khích lệ lớn lao với tất cả các tôi tớ Chúa! Ê-tiên là một người tin kính, và tính cách đó đã được thể hiện qua đời sống và mục vụ của ông.
SỰ KHIÊM NHƯỜNG – ĐẦY TỚ (Công vụ 6:1-7)
Sự hiệp một rất quan trọng đối với Hội Thánh, bởi vì không có sự hiệp một, chúng ta rất khó có thể làm chứng cho thế giới hư mất (Giăng 17:20-23). Làm thế nào người ngoài có thể tin vào Đức Chúa Trời của tình yêu nếu dân sự của Ngài không yêu thương lẫn nhau? Tại Hội Thánh Giê-ru-sa-lem, mối đe dọa đầu tiên với sự hiệp một không phải là về vấn đề tín lý nhưng là vấn đề thực tiễn liên quan đến sự lãnh đạo và quản trị. Các sứ đồ đã quá bận rộn với nhiều mục vụ khác nhau đến nỗi đôi khi họ lơ là một số quá phụ là những người sống phụ thuộc vào sự chu cấp của Hội Thánh. Họ là những người Do Thái từ các khu vực khác nhau thuộc đế quốc Hy Lạp đến Giê-ru-sa-lem để dự lễ của người Do Thái. Họ đã cải đạo và vẫn nán lại tại đây để học biết nhiều hơn về Đấng Christ. Những người Do Thái nói tiếng Hy Lạp này đã bị lơ là trong khi những người Do Thái nói tiếng Hê-bơ-rơ thì có thức ăn, chính vì thế mà xảy ra chia rẽ và chỉ trích. Trong hầu hết các Hội Thánh, nếu có người cảm thấy bị phớt lờ và bỏ rơi thì sẽ có vấn đề xảy ra. Hội Thánh sẽ dễ lâm vào tình trạng mâu thuẫn chủng tộc hoặc văn hóa.
Một bài giảng về sự hiệp một hoặc để những người này trở về nhà không phải là giải pháp. Giải pháp đơn giản đó là giảm bớt trách nhiệm phục vụ bàn ăn cho các sứ đồ và bổ nhiệm những người khác để lo việc cung cấp thức ăn. Nhiều sinh viên thần học gọi bảy người này là “chấp sự,” bởi vì từ chấp sự đơn giản có nghĩa là “người phục vụ.” Tên Ê-tiên được nhắc đến đầu tiên, và ông cũng là người đầu tiên tử đạo trong lịch sử Hội Thánh. Ê-tiên là một người rất có ân tứ – thậm chí ông đã làm những phép lạ – song ông vui lòng phục vụ tại bàn ăn. Sự khiêm nhường và trung tín đã giúp xây dựng tính cách và chuẩn bị Ê-tiên cho những điều lớn lao khác.
Những người lãnh đạo của Chúa luôn luôn xuất phát từ những người đầy tớ của Đức Chúa Trời, họ tăng trưởng đến vị trí lãnh đạo mà Chúa chuẩn bị cho họ. Điều này đúng với Giô-sép, Môi-se, Giô-suê, Sa-mu-ên, Đa-vít, Nê-hê-mi và rất nhiều người cùng đồng công với Phao-lô. Trung tín trong những việc nhỏ sẽ mở ra cơ hội cho những công việc khác lớn lao hơn (Mat. 25:21). Khiêm nhường không phải là suy nghĩ mình thấp kém (“Tôi không đáng giá là bao!”) nhưng là không suy nghĩ cho mình. Ê-tiên nghĩ cho người khác và suy nghĩ về việc duy trì sự hiệp một của Hội Thánh.
CAN ĐẢM – NGƯỜI BẢO VỆ (Công vụ 6:8-15)
Rất nhiều Hội Thánh tuyên bố rằng mục sư là người chịu trách nhiệm “linh vụ” và các chấp sự lo vấn đề “tài chính và vật chất.” Khái niệm này không phù hợp với Kinh Thánh và rất khó để tách bạch hai vấn đề này. Những “công việc vật chất” cần được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh không kém gì việc lập kế hoạch cho buổi nhóm cầu nguyện hoặc một chuyến đi truyền giáo. Khi Ê-tiên làm xong công việc phục vụ bàn ăn mỗi ngày, ông thường đến Nhà hội của những nô lệ được giải phóng, nơi ông biết sẽ có những người có thể bàn luận về Kinh Thánh. Ê-tiên không thay đổi từ thuộc linh đến vật chất; ông chỉ thay đổi về vấn đề con người và địa điểm. Thật phấn khởi khi các chấp sự trong Hội Thánh cũng có thể giảng dạy Lời Chúa, bởi vì cả Ê-tiên lẫn Phi-líp đều trở thành những người giảng đạo (Công vụ 6:5; 8:4-40). Ê-tiên dùng Cựu Ước để chứng minh Đức Chúa Giê-su người Na-xa-rét là Đấng Mê-si, Con Đức Chúa Trời, và người nghe không thể bác bỏ ông được. Thánh Linh của Đức Chúa Trời sử dụng Lời Chúa để những người lắng nghe Ê-tiên hoặc sẽ tiếp nhận những lời ông rao giảng, hoặc khiến ông phải im lặng, và họ đã chọn khiến ông im lặng. Họ đã đối đãi với Ê-tiên đúng như cách họ đã đối đãi với Đức Chúa Giê-su, làm chứng dối và vu cáo (Mat. 26:59-66; Công vụ 6:11-14). Thật là một phước hạnh cho các tôi tớ của Đức Chúa Trời khi họ được đối đãi như cách Đức Chúa Giê-su đã được đối đãi và cùng thông công trong sự thương khó với Ngài (Phil. 3:10)!
Đức Chúa Giê-su phán rằng sẽ có đền thờ mới (Giăng 2:19) và sự thờ phượng sẽ không bị giới hạn tại Giê-ru-sa-lem (Giăng 4:20-24). Ngài cũng hủy bỏ luật ăn uống của người Do Thái cũng như việc tuân thủ ngày Sa-bát một cách thật nghiêm khắc của người Pha-ri-si. Đức Chúa Giê-su đã đến để làm trọn những biểu tượng trong Cựu Ước, không phải để duy trì chúng; tuy nhiên nhiều người Do Thái không dễ bỏ đi những truyền thống ấy. Ê-tiên không “tranh cãi về tôn giáo.” Ông mở Kinh Thánh và giải thích Kinh Thánh nói gì về Đức Chúa Giê-su và công tác cứu chuộc của Ngài trên thập giá. Những người nghe ông trở nên cứng lòng và chống lại lẽ thật được trình bày, họ bắt Ê-tiên và đưa ra tòa án trước các lãnh đạo của Do Thái giáo.
Có lẽ trở ngại lớn nhất đối với công tác truyền giáo ngày nay không phải là sự giận dữ và chống đối nhưng là sự phớt lờ, lãnh đạm và không quan tâm. Kinh Thánh trở nên không quan trọng đối với hầu hết mọi người, và thật sai lầm nếu tranh cãi về tôn giáo hoặc công bố rằng một niềm tin nào đó là chân thật. Nếu Ê-tiên vẫn còn sống và chứng kiến xã hội ngày nay, ông cũng sẽ không hành xử khác đi. Được đầy dẫy Đức Thánh Linh và tình yêu thương Chúa ban, Ê-tiên sẽ kiên nhẫn trình bày về Đức Chúa Giê-su và dùng Kinh Thánh để chứng minh. Phúc âm sẽ luôn là “quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô. 1:16).
Mục sư Giám lý người Mỹ Clovis Chappell đã viết rằng:
Thế gian không thể dửng dưng với Hội Thánh! Họ sẽ không thể phớt lờ các thánh đồ! Hoặc một mục vụ khiến chia rẽ các thính giả, cộng đồng, thành phố và lục địa thành những người hoặc ra đi cho Đấng Christ hoặc chống lại Ngài… Nhưng tai họa thảm khốc nhất đó là Hội Thánh, các thánh đồ và mục vụ trở nên quá suy yếu, bất lực và thiếu sinh khí đến nỗi thế gian cảm thấy chẳng đáng để chống lại.[1]
SỰ KHÔN NGOAN – NGƯỜI THÔNG GIẢI (Công vụ 7:1-53)
Ê-tiên thông hiểu Kinh Thánh. Ông không chỉ biết về con người và sự kiện trong lịch sử Do Thái nhưng cũng biết về kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho tuyển dân của Ngài. Ê-tiên có cả thông tin lẫn sự thông hiểu về Kinh Thánh. Giống như Môi-se, Ê-tiên biết công việc và đường lối Chúa (Thi. 103:7), và đây chính là lý do vì sao ông có thể diễn giải và áp dụng lịch sử Do Thái một cách đầy năng quyền như thế.
Món quà vĩ đại mà Đức Chúa Trời ban cho người Y-sơ-ra-ên chính là sự hiện diện dầy vinh quang của Ngài ở giữa họ (Xuất. 40:34-38; 1 Các. 8:1-11; Rô. 9:1-5), chính vì thế Ê-tiên đã bắt đầu thông điệp của mình với “sự vinh quang của Đức Chúa Trời.” Áp-ra-ham là một người thờ lạy hình tượng, nhưng khi Đức Chúa Trời kêu gọi ông, sự vinh quang của Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật đã biến những hình tượng tại xứ U-xơ ra vô nghĩa. Người Do Thái trong thời Ê-tiên đã biến các truyền thống của họ thành một loại hình tượng nên không còn nhìn thấy vinh quang của Đức Chúa Trời. Ê-tiên trình bày rõ ràng rằng từ rất sớm trong lịch sử Do Thái, thậm chí từ khi họ ở trong đất Ai Cập và sau đó là thời gian lưu đày trong sa mạc, người Y-sơ-ra-ên đã thờ lạy hình tượng. Đây là điều không thể chối cãi được.
Phần chính trong sứ điệp của Ê-tiên đó là: Khi Đức Chúa Trời sai những người đến để giải cứu Y-sơ-ra-ên thì trước tiên tuyển dân chối bỏ rồi sau mới chấp nhận. Các con trai Gia-cốp đã chối bỏ Giô-sép và bán ông sang Ai Cập. Lần đầu tiên đến Ai Cập, các anh trai đã không nhận ra Giô-sép, nhưng lần thứ hai, Giô-sép đã bày tỏ chính mình cho họ (Công vụ 7:13). Dân Y-sơ-ra-ên đã chối bỏ Môi-se khi lần đầu tiên ông cố gắng giải cứu họ khỏi Ai Cập, nhưng bốn mươi năm sau Môi-se trở lại lần thứ hai thì họ mới chấp nhận ông (Công vụ 7:35-36). Giờ đây Đức Chúa Trời ban Con Ngài là Đức Chúa Giê-su như lời Môi-se đã hứa (Công vụ 7:37-38), và dân tộc này đã chối bỏ Ngài. Việc Ê-tiên và lời chứng của Hội Thánh bị chống đối chứng tỏ sự mù lòa thuộc linh và tấm lòng cứng cỏi của tuyển dân (Công vụ 7:51-53). Ê-tiên không chỉ là một chứng nhân nhưng ông cũng là một người khởi tố và là một quan án! Dân tộc này phạm tội!
ÂN ĐIỂN – NGƯỜI CẦU THAY (Công vụ 7:54-60)
Thế thì tại sao Đức Chúa Trời không hình phạt dân sự phản nghịch của Ngài ngay? Bởi vì trên thập giá Đức Chúa Giê-su đã cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu. 23:34). Đức Chúa Trời trì hoãn hình phạt dành cho họ. Ê-tiên cũng cầu nguyện giống như Chúa, và câu trả lời của Chúa thật giàu ân điển! Khi Đức Chúa Giê-su trở lại lần thứ hai, đất nước này sẽ ăn năn tiếp nhận Ngài (Xa. 12:10-14:21).
Trước khi Ê-tiên nói lên lời biện hộ, những kẻ tố cáo nhìn thấy mặt ông phát ra sự vinh quang của Đức Chúa Trời, là sự vinh quang mà Áp-ra-ham, Môi-se và Sa-lô-môn đã nhìn thấy trong thời của họ (Công vụ 6:15). Sau khi nói lời biện hộ, Ê-tiên nhìn lên và thấy Đức Chúa Giê-su trên thiên đàng vinh hiển, Ngài đứng đó chào đón đầy tớ trung tín của Ngài. “Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời” (Mat. 5:8). Đức Chúa Trời đầy ân điển đang chào đón đầy tớ của Ngài bước vào sự vinh quang vĩnh cửu (1 Phi 5:10).
Ê-tiên còn có quá nhiều điều để sống và thực hiện, và chúng ta tự hỏi tại sao Đức Chúa Trời cho phép ông bị giết. Tuy nhiên lời cầu nguyện và lời chứng qua sự chết của Ê-tiên còn làm được nhiều hơn đời sống của nhiều người. Đối với Ê-tiên, sự chết giống như một buổi lễ đăng quang, tại đó ông nhận được mão triều thiên của mình. Ê-tiên đã thể hiện tình yêu của Đấng Christ dành cho những người đã tố cáo và giết hại ông, và chắc hẳn điều này đã tác động sâu sắc đến Sau-lơ là người bắt bớ Hội Thánh đang đứng tại đó. Nhiều năm sau, Sau-lơ đã đề cập đến sự chết của Ê-tiên cho Chúa (Công vụ 22:20). Đây chính là một điều mà Đức Chúa Trời đã dùng để làm dằn vặt và khiến Sau-lơ nhận thấy ông cần một Đấng Cứu Rỗi (Công vụ 26:14).
Sự chết của Ê-tiên ích lợi gì cho Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem? Sự chết của ông càng khiến bắt bớ tăng cao đến nỗi các thánh bị tan lạc giống như hạt giống, và bất kỳ nơi nào họ đến đều kết quả. (Xem Công vụ 8:1-4; 11:19-21.) Giống như khi dân Y-sơ-ra-ên tại Ai Cập, Hội Thánh càng chịu bắt bớ thì họ càng nhân lên.
Sự chết của Ê-tiên có ý nghĩa gì với Y-sơ-ra-ên? Đây là cuộc hành quyết nổi bật thứ ba trong Tân Ước, điều đó có nghĩa sự nhẫn nại của Đức Chúa Trời sẽ sớm chấm dứt. Tội lỗi của dân tộc ngày một tăng cao. Y-sơ-ra-ên đã cho phép Giăng Báp-tít bị giết, họ yêu cầu xử tử Đức Chúa Giê-su, và giờ đây chính họ đã giết Ê-tiên. Họ đã phạm tội nghịch cùng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh (Công vụ 7:51). Họ phản nghịch cùng ba ngôi Đức Chúa Trời, và không còn điều gì có thể thay đổi họ.
Khi Mục sư nổi tiếng tại Anh Joseph Parker còn trẻ, ông thường đi đến công viên thành phố để lắng nghe những người vô thần và những người theo thuyết bất khả tri diễn thuyết và tranh luận với họ. Một ngày nọ một người đã hét lớn vào ông rằng: “Đấng Christ đã làm gì cho Ê-tiên khi ông bị ném đá?” Parker đáp lại khiến người ấy phải im lặng: “Đấng Christ đã ban cho Ê-tiên ân điển để cầu nguyện cho những kẻ đã ném đá ông.”
Thật một sự khởi đầu mới khi bước vào thiên đàng!
[1] Chappell, More Sermons, 32.
Warren W. Wiersbe
Translated by Vinh Hien