Thứ Tư , 15 Tháng Một 2025
Home / THẦY ƠI / MA-RI VÀ MA-THÊ

MA-RI VÀ MA-THÊ

Nên bây giờ còn có ba điều nầy: Đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương.

1 Cô-rinh-tô 13:13

Bê-tha-ni là một thành phố nhỏ cách Giê-ru-sa-lem khoảng ba ki-lô-mét. Sẽ ít ai chú ý đến thành phố này nếu như Đức Chúa Giê-su không đến Bê-tha-ni làm khách của gia đình Ma-ri, Ma-thê và La-xa-rơ là người đã được Đức Chúa Giê-su khiến sống lại từ cõi chết (Giăng 11). Đức Chúa Giê-su có mối liên hệ đặc biệt với họ, vì Giăng 11:5 cho chúng ta biết rằng: “Vả, Đức Chúa Giê-su yêu Ma-thê, em người, và La-xa-rơ.” Khi đọc qua bốn sách Phúc Âm, bạn sẽ thấy có ba chuyến thăm thành Bê-tha-ni. Chúng ta không đọc thấy những phát biểu của La-xa-rơ, nhưng những hành động và sự tương tác giữa Chúa với hai người chị em gái là rất thú vị và cho ta nhiều bài học. Mặc dù Ma-ri và Ma-thê đều có những khác biệt và yếu đuối riêng, song ở họ hiện lên ba phẩm chất vĩ đại của Cơ Đốc Nhân chính là đức tin, hy vọng và tình yêu thương, những phẩm chất quý báu ấy cần được nhìn thấy trong mỗi một đời sống, chức vụ và gia đình Cơ Đốc.

ĐỨC TIN – LẮNG NGHE LỜI CHÚA (Lu-ca 10:38-42)

Hãy tưởng tượng bạn phải chuẩn bị bữa tối cho Đức Chúa Giê-su và các môn đồ của Ngài – mười ba người nam! Hiển nhiên họ đã đến thành Bê-tha-ni khá sớm nên Ma-thê vẫn chưa sẵn sàng tiếp đón và điều này đã gây ra căng thẳng giữa hai chị em. Ma-ri đã giúp đỡ chị[1] trước lúc Đức Chúa Giê-su đến, nhưng sau đó bà ngồi dưới chân Đức Chúa Giê-su để lắng nghe Ngài giảng dạy. Khi đang chuẩn bị bữa tối, Ma-thê cảm thấy bực tức và cuối cùng tiến vào phòng, cắt ngang bài giảng và chỉ trích cả Đức Chúa Giê-su lẫn Ma-ri.

Khung cảnh đáng xấu hổ này nêu bật sự khác biệt tính cách giữa hai chị em. Ma-thê là một người chủ động và dễ dàng nói lên suy nghĩ của mình, trong khi Ma-ri thì im lặng, một người lắng nghe và suy ngẫm. Họ là những bản sao của Phi-e-rơ và Giăng. Chúa yêu và sử dụng mọi người, chính vì thế không có lý do gì những người hoạt ngôn và những người tĩnh lặng suy tư lại không thể chấp nhận và làm việc cùng nhau. Hơn thế nữa, họ cần có nhau. Gia đình của Đức Chúa Trời bao gồm nhiều con người với những ân tứ và tính cách khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa là Đấng ban năng lực và phước hạnh cho tất cả mọi người.

Vấn đề của Ma-thê không phải ở việc Ma-ri rời đi, cũng không phải vì Đức Chúa Giê-su đã đem Ma-ri ra khỏi những việc bà phải làm. Vấn đề của Ma-thê chính là bà đã bị quay cuồng bởi quá nhiều công việc bởi vì bà không hành động bởi đức tin. Bà không tin rằng Đức Chúa Giê-su thật sự quan tâm đến bà. Lời lẽ trong câu hỏi của Ma-thê trong Lu-ca 10:40 chỉ ra rằng bà kỳ vọng một câu trả lời là không – “Ngài không quan tâm có phải không?” Vì thiếu đức tin, Ma-thê bị sao nhãng và bị chia cách khỏi Chúa. Vấn đề không phải là tính cách (“Tính tôi là thế đấy!”); nhưng vấn đề chính là tội lỗi. Bà không tin rằng Đức Chúa Giê-su thật sự quan tâm, và điều đó khiến bà cảm thấy lo âu, bồn chồn. Các môn đồ cũng đã phạm một lỗi tương tự khi bị mắc kẹt trong cơn bão ở giữa biển, và Đức Chúa Giê-su đã hỏi rằng: “Đức tin các ngươi ở đâu?” (Lu-ca 8:22-25). Chúng ta càng được lớn lên trong Lời Chúa thì chúng ta càng được lớn lên trong đức tin (Rô. 10:17).

Cuộc sống được định hình bởi những sự lựa chọn. Ma-thê đã lựa chọn rất tốt khi quyết định chuẩn bị bữa tối. Đức Chúa Giê-su phán rằng Ma-ri đã chọn phần tốt hơn khi ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe lời Ngài. Thức ăn thuộc linh sẽ còn lại lâu dài hơn rất nhiều! Tuy nhiên lựa chọn tốt nhất là sự kết hợp của cả hai, chính là trở nên người thờ phượng và người hầu việc, và làm công tác bởi sức lực trong Lời Chúa. Phải chi Ma-thê dành thời gian tương giao với Chúa thì bà đã không cảm thấy tội nghiệp cho bản thân mà chỉ trích Ma-ri và Đức Chúa Giê-su nhưng bà sẽ cảm thấy an tâm (Mat. 11:20-28). Giống như vua Đa-vít, tất cả chúng ta đều cần có tấm lòng tận hiến và đôi tay khôn khéo (Thi. 78:72).

Luôn có thời gian cho ý muốn Chúa và sức lực cho công tác Chúa. Alan Redpath đã từng nhắc chúng ta rằng: “Hãy cảnh giác với sự cằn cỗi vì một đời sống bận rộn.”

HY VỌNG – YÊN NGHỈ NƠI LỜI HỨA CỦA CHÚA (Giăng 11)

Khi anh trai của họ là La-xa-rơ lâm bệnh, Ma-thê và Ma-ri đã sai người đến thưa cùng Đức Chúa Giê-su rằng: “Lạy Chúa, nầy, kẻ Chúa yêu mắc bịnh” (Giăng 11:3). Họ không bảo Chúa phải làm gì; họ chỉ chia sẻ gánh nặng với Ngài. Dù trong quá khứ họ có những khác biệt nhưng giờ đây hai chị em cùng hiệp ý lo lắng cho anh trai mình và đều có đức tin nơi Đức Chúa Giê-su Christ. Đức Chúa Giê-su đáp rằng bệnh này sẽ không chết đâu nhưng vì sự vinh hiển của Con Đức Chúa Trời.

Phải mất một ngày để người đưa tin đi từ Bê-tha-ni đến chỗ Đức Chúa Giê-su và một ngày nữa để quay trở về mang theo lời nhắn của Đức Chúa Giê-su. Sau khi người đưa tin đã đi, Đức Chúa Giê-su chờ thêm hai ngày nữa và sau đó đi thêm một ngày để đến Bê-tha-thi. Khi Ngài đến nơi, Ngài biết La-xa-rơ đã được chôn trong mộ bốn ngày. Điều này nghĩa là La-xa-rơ đã chết trong ngày người đưa tin quay trở lại Bê-tha-ni với thông điệp đầy hy vọng của Đức Chúa Giê-su: “Bệnh nầy không đến chết đâu.” Nhưng La-xa-rơ đã chết! “Việc này sẽ làm sáng danh Đức Chúa Trời.” Nhưng La-xa-rơ đã chết! Đức Chúa Giê-su nhắc hai người chị em nhớ rằng Ngài đã trả lời và những lời ấy sẽ thành hiện thực (Giăng 11:40).

Ma-thê và Ma-ri gần như đã đánh mất hy vọng. Tại sao Đức Chúa Giê-su không đến ngay? Tại sao Chúa để cho người anh trai của họ chết? Tại sao Chúa không phán lời quyền năng ngay tại nơi Ngài đã ở trước đó để chữa lành anh trai của họ? Cả hai chị em đều nói cùng Đức Chúa Giê-su rằng: “Thưa Chúa, nếu…” (Giăng 11:21,32), và những lời nói như thế chỉ càng làm vấn đề thêm trầm trọng. Hoặc chúng ta nói “Thưa Chúa” và tin cậy Ngài, hoặc chúng ta nói “nếu” rồi nghi ngờ và phê bình Chúa, nhưng không nên đặt hai cụm từ này lại với nhau.

Niềm hy vọng của chúng ta đặt nơi Chúa, không phải nơi hoàn cảnh (“Mọi việc đang trở nên tốt hơn”) cũng không đặt ở cảm giác. Mục đích của Chúa luôn luôn là vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và kế hoạch của Ngài không bao giờ sai lầm. Khi Đức Chúa Giê-su đến dùng bữa tối trong Lu-ca 10:38-41, Ngài đã đến sớm; nhưng lần này Chúa cố ý trì hoãn. Trải nghiệm thứ nhất có mùi thơm ngon của thức ăn, nhưng trong trải nghiệm thứ hai là mùi hôi của xác chết. Hoàn cảnh sẽ thay đổi. Chúng ta cảm thấy thoải mái với sự đơn điệu, tuy nhiên những trải nghiệm với Đức Chúa Giê-su đều khác nhau. Mặc dù vậy, “Đức Chúa Giê-su Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê. 13:8). Ma-thê có quan điểm thần học đúng đắn, rằng anh trai của bà sẽ được sống lại từ cõi chết trong ngày cuối cùng (Giăng 11:24), nhưng tại sao lại phải trì hoãn phước lành? Đức Chúa Giê-su chính là sự sống lại và sự sống (Giăng 11:25)! Sự hiện diện của Đức Chúa Giê-su chính là sự hiện diện của năng quyền và sự đắc thắng mọi kẻ thù, kể cả sự chết. Đức Chúa Giê-su đã khiến La-xa-rơ sống lại từ cõi chết, và kết quả là rất nhiều bạn hữu của Ma-ri và Ma-thê đã đặt đức tin nơi Chúa (Giăng 11:45). Đây cũng chính là phép lạ cuối cùng và là một phép lạ vĩ đại mà Chúa thi hành trước công chúng.

Bởi vì Ma-ri ngồi nơi chân Đức Chúa Giê-su và lắng nghe Lời Ngài nên bà và chị gái có thể đến nơi chân Chúa và trao cho Ngài những gánh nặng (Giăng 11:32). Đối với những Cơ Đốc Nhân là người đến nơi chân Đức Chúa Giê-su và yên nghỉ nơi lời hứa của Chúa thì không gì là tuyệt vọng. Đức Chúa Giê-su có thể trì hoãn câu trả lời của Ngài, nhưng Ngài chậm trả lời không có nghĩa là Ngài từ chối. Hoàn cảnh có vẻ như vô vọng, nhưng Đức Chúa Giê-su Christ chính là niềm hy vọng của chúng ta (1 Ti-mô-thê 1:1)! Tất cả những gì Ma-thê và Ma-ri phải làm đó là yên nghỉ nơi lời hứa mà Đức Chúa Giê-su đã nhắn gửi qua người đưa tin và mọi việc đều sẽ yên ổn.

TÌNH YÊU THƯƠNG – DÂNG CHÚA ĐIỀU TỐT NHẤT (Giăng 12:1-8)

Mác 14:3, “Đức Chúa Giê-su ở tại làng Bê-tha-ni, trong nhà Si-môn là kẻ phung. Ngài đương ngồi bàn ăn, có một người đàn bà vào, đem một cái bình bằng ngọc, đựng đầy dầu cam tòng thật rất quí giá, đập bể ra mà đổ dầu thơm trên đầu Đức Chúa Giê-su” cho chúng ta biết sự kiện này xảy ra tại nhà Si-môn là kẻ phung, điều này dấy lên một số câu hỏi khó trả lời. Si-môn kẻ phung này là ai, và người này còn sống hay không? Chắc hẳn ông đã được chữa khỏi bệnh phung và ngôi nhà của ông đã được tẩy sạch nếu không thì những người Do Thái chính thống sẽ không bước vào ngôi nhà ấy. Có phải Đức Chúa Giê-su đã chữa lành cho người này không, và có phải đó là lý do vì sao ngôi nhà được đặt tên như thế không? Tại sao Ma-thê nấu ăn tại nhà người khác trong khi nhà của bà cách đó không xa? Có lẽ Ma-thê, Ma-ri và La-xa-rơ đã mua lại ngôi nhà này sau khi Si-môn qua đời và tên của ngôi nhà thì vẫn được giữ nguyên. Vâng, chúng ta có thể đưa ra những phỏng đoán nhưng không thể dẫn đến kết luận nào, vậy hãy chấp nhận câu chuyện Kinh Thánh và nhận lấy bài học từ đó.
 “Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Chúa Giê-su đến thành Bê-tha-ni, nơi La-xa-rơ ở, là người Ngài đã khiến sống lại từ kẻ chết.  Người ta đãi tiệc Ngài tại đó, và Ma-thê hầu hạ; La-xa-rơ là một người trong đám ngồi đồng bàn với Ngài.  Bấy giờ, Ma-ri lấy một cân dầu cam tùng hương thật, rất quí giá, xức chân Đức Chúa Giê-su, và lấy tóc mình mà lau; cả nhà thơm nức mùi dầu đó.  Nhưng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là một môn đồ về sau phản Ngài, nói rằng:  Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đơ-ni-ê đặng bố thí cho kẻ nghèo? –  Người nói vậy, chẳng phải lo cho kẻ nghèo đâu, song vì người vốn là tay trộm cắp, và giữ túi bạc, trộm lấy của người ta để ở trong. –  Đức Chúa Giê-su đáp rằng: Hãy để mặc người, người đã để dành dầu thơm nầy cho ngày chôn xác ta.  Vì các ngươi thường có kẻ nghèo ở với mình, còn ta, các ngươi không có ta luôn luôn.” (Giăng 12:1-8)

Trong trải nghiệm đầu tiên, Ma-ri đã ngồi dưới chân Đức Chúa Giê-su và học từ Ngài, chính vì thế bà biết rằng Đức Chúa Giê-su sẽ chết, Ngài sẽ được chôn và sau đó sống lại. Bà quyết định xức dầu Chúa để chuẩn bị cho những sự kiện này. Những người phụ nữ khác có thể đến mộ Chúa từ sáng sớm để lo cho xác Ngài, nhưng họ sẽ chỉ tìm thấy ngôi mộ trống. Ma-ri biết rõ hơn những người phụ nữ khác nên bà không đi cùng họ. Để mua loại thuốc xức này cần phải tốn tiền công của một năm làm việc, nhưng tình yêu thương thì không tính toán đến cái giá phải trả. Ma-ri đã có thể sử dụng thuốc thơm quý giá để xức xác anh trai mình, nhưng bà đã giữ lại điều quý giá nhất cho Đức Chúa Giê-su.

Trong Lu-ca 10 chúng ta thấy có mùi thơm của thức ăn, trong Giăng 11 chúng ta thấy mùi hôi của sự chết, nhưng tại đây trong Giăng 12, chúng ta có hương thơm đầy vinh quang của dầu thơm quý giá tràn ngập căn phòng. Mỗi một gia đình đều có dầu thơm, phụ thuộc vào cách mà họ đối đãi với Đức Chúa Giê-su như thế nào. Khi thi hành chức vụ chăn bầy, tôi thường viếng thăm những gia đình mà tại đó tôi nhận thấy “có mùi không ổn” và không ngoài dự đoán, về sau những điều rác rưởi phải được dọn sạch. Nhưng tôi cũng đã đến nhiều gia đình mà tại đó hương thơm của Đức Chúa Giê-su lan tỏa (2 Cô. 2:14-17). Đó chính là điều chúng ta muốn cho căn nhà của mình.

Trong Lu-ca 10 chúng ta nghe Ma-thê chỉ trích Đức Chúa Giê-su và Ma-ri khi bà hối hả chuẩn bị bữa tối. Nhưng tại đây trong Giăng 12, Ma-thê đang phục vụ cho một đoàn khách rất đông nhưng không than phiền chút nào. Trải nghiệm của bà với người em gái trong Giăng 11 đã làm tăng lên tình yêu thương giữa họ với nhau và khiến cho tình yêu thương của họ với Đức Chúa Giê-su thêm sâu sắc. Ma-thê đã học được rằng bà phải đến nơi chân Đức Chúa Giê-su và để Ngài giúp đỡ. Người anh trai của bà đã sống lại và đó là phép lạ của Đức Chúa Giê-su!

Trong Lu-ca 10 Ma-thê chỉ trích Ma-ri, nhưng tại đây trong Giăng 12, chính Giu-đa và các môn đồ khác đã chỉ trích Ma-ri. Trong mọi mối thông công, thường có ít nhất một người giả mạo giống như Giu-đa, vì những lý do ích kỷ mà họ luôn công kích những người tận hiến. Tôi học được rằng những chỉ trích hiểm độc trong các Hội Thánh thường che đậy một điều gì đó và nếu bạn đủ kiên nhẫn chờ đợi thì sự thật sẽ được phô bày. Đức Chúa Giê-su bảo vệ Ma-ri (Rô 8:33-34) và tuyên bố rằng những việc bà đã làm cho Chúa sẽ được lan truyền khắp thế giới (Mác 14:9). Chúng ta hãy xem phước hạnh lan tỏa như thế nào: trong Lu-ca 10, Ma-ri là một nguồn phước cho Đức Chúa Giê-su, trong Giăng 11 bà là nguồn phước cho anh trai của mình, còn giờ đây bà là nguồn phước cho cả thế giới.

Ma-ri công khai bày tỏ tình yêu thương đối với Đức Chúa Giê-su một cách thật rộng rời. Những người giống như Giu-đa trong thế giới này sẽ chỉ trích những ai yêu mến Đấng Christ, những ai trao dâng những điều tốt nhất nơi chân Ngài, tuy nhiên những chỉ trích không nên là điều khiến chúng ta dừng lại. Ma-ri và Ma-thê đều hầu việc Đức Chúa Giê-su và dâng Chúa điều tốt nhất. Họ cũng sống hòa thuận cùng nhau và trở nên nguồn phước cho cả thế giới. Thế còn Giu-đa thì sao?

Chúng ta có đang bày tỏ sự mến khách đối với Đức Chúa Giê-su không? Chúng ta có đang lắng nghe Lời Chúa, chia sẻ gánh nặng cho Chúa và dâng Chúa điều tốt nhất? “Tôi cầu xin… Đấng Christ nhân đức tin mà ngự trong lòng anh em” (Êph. 3:17). Một bản dịch khác viết rằng: “Đấng Christ luôn ngự trị lòng anh chị em.” Chúa sẽ đẹp lòng đến dường nào nếu chúng ta yêu thương nhau, suy ngẫm Lời Chúa, hầu việc Chúa, chia sẻ gánh nặng cho Ngài và dâng Chúa điều tốt nhất?

Khi chúng ta thết đãi người khác, đặc biệt là những ai đang thiếu thốn thì chúng ta cũng thết đãi Chúa. Trong ngày phán xét, người công bình sẽ hỏi rằng: “Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống?” Đức Chúa Giê-su sẽ đáp rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy” (Mat. 25:37, 40). Khi chúng ta rộng lòng với những người thiếu thốn nghĩa là chúng ta đang rộng rời với Chúa, và Ngài sẽ không quên những công việc đó.

 

Warren W. Wiersbe
Translated by Vinh Hien

[1] Bản văn Hy Lạp trong Lu-ca 10:39 có từ “cũng” nhưng hầu hết các bản dịch tiếng Anh đều đã bỏ từ này trừ bản dịch New King James Version và American Standard Version năm 1901. G. Campbell Morgan viết rằng: “Ma-ri đã góp phần phục vụ, sau đó bà ngồi dưới chân Chúa. Bà đã rời công việc quá sớm nên làm phật ý Ma-thê” [Morgan, Great Physician, 234].

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn