Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / THẦY ƠI / Người Ở Vị Trí Đầu Tiên Trong Danh Sách Các Sứ Đồ

Người Ở Vị Trí Đầu Tiên Trong Danh Sách Các Sứ Đồ

SI-MÔN PHI-E-RƠ

Đức Giê-hô-va sẽ làm xong việc thuộc về tôi.

Thi thiên 138:8

“Các bạn sẽ dễ dàng nhận ra Phi-e-rơ khi bước vào thiên đàng.” MC phát biểu trong một buổi hội thảo về các sứ đồ với một nụ cười.  Anh ta nói tiếp, “Ông là người đàn ông có cái miệng lớn và rồi trượt chân vào đó.” (hàm ý miệng nói rất mạnh dạn, nhưng bỏ chạy cũng rất nhanh.)

Khi mọi người cười, thì tôi đau xót trong lòng. Tôi nghĩ người MC này không đáng để xách dép của Si-môn Phi-e-rơ chứ đừng nói gì đến chuyện đùa cợt về tội lỗi của ông. Anh ta muốn nói về Phi-e-rơ như thế này: một cái miệng vàng nhưng tấm lòng thì nhát như thỏ đế!

Chúa Giê-su phán dạy chúng ta phải tha thứ cho anh em mình, dù trong một ngày họ phạm tội cùng ta bảy lần thì cũng nên tha thứ cho họ. Nhưng hãy xem những con người vĩ đại trong Kinh Thánh phạm cùng một tội hai lần như Áp-ra-ham, hay ba lần như Phi-e-rơ và rồi chúng ta không tha thứ cho họ. Thay vì vậy, chúng ta đã làm cho các tội lỗi này trở nên nghiêm trọng khi đánh giá con người của họ, và như thế chúng ta đã có cái nhìn không đúng. Nói đùa về tội lỗi với động cơ gì? Tội lỗi không phải là vấn đề đem ra đùa cợt. Tội lỗi của loài người khiến Chúa Giê-su phải lên thập giá. Tội lỗi khiến Phi-e-rơ phải khóc lóc cách đắng cay. Nhưng chúng ta là những người trưởng thành lại đùa cợt về tội lỗi. Còn đối với tội lỗi của chúng ta, đó lại là một vấn đề khác!

Người dẫn chương trình đã rơi vào một cái bẫy và lôi kéo nhiều Cơ đốc nhân không hiểu thấu đáo Kinh Thánh sa chân vào đó. Vì vậy họ chấp nhận một bức tranh biếm họa rẻ tiền về tội lỗi thay thế cho sự hiểu biết Lời Chúa. Họ thường xuyên thích nhấn mạnh những điều tiêu cực trong Kinh Thánh như: Phi-e-rơ có một cái miệng lớn và thường trượt chân vào đó; Nô-ê đã say rượu đến nỗi lõa thể; Áp-ra-ham phạm tội nói dối đến hai lần; Đa-vít ngoại tình và giết người; Thô-ma là một kẻ nghi ngờ; Còn Giăng Mác là người bỏ cuộc, trốn chạy trong cơn bách hại. Họ quên mất những điều tốt mà những người này đã làm và phớt lờ những gì Đức Chúa Trời nói về các đầy tớ của Ngài. Bất luận sự thật là gì, họ giữ cho hội chúng cười và bám sát bức tranh biếm họa.

Sự thật là Si-môn Phi-e-rơ có hai cái tên giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ông và chính chúng ta. Si-môn là tên được cha mẹ đặt cho, có nghĩa “người lắng nghe.” Còn Phi-e-rơ là tên mà Chúa Giê-su ban cho ông, có nghĩa là “một viên đá.” Trong một phương diện, tất cả các tín hữu đều có hai tên: tên cũ là “con cái của A-đam” và tên mới là “con cái của Đức Chúa Trời.” Nhiều năm trước đây nhiều con cái Chúa đeo một cái vòng đầy màu sắc trên tay có in hàng chữ: HKNĐCTCXVVB. Nếu có ai hỏi hàng chữ ấy có nghĩa gì, họ sẽ giải thích: Hãy Kiên Nhẫn, Đức Chúa Trời Chưa Xong Việc Với Bạn.

Phi-e-rơ có thể cũng đã mang cái vòng ấy mà không bối rối, và tôi chọn Thi thiên 138:8 làm câu chìa khóa cho đời sống chức vụ của Phi-e-rơ.  “Đức Giê-hô-va sẽ làm xong việc thuộc về tôi.” Câu Kinh văn này trong Cựu Ước tương đương với Phi-líp 1:6, “tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Giê-su Christ.” Cả hai câu này đều khích lệ khi tôi làm hỏng mục vụ của mình và thất vọng với Chúa. Đời sống Cơ đốc đắc thắng là một chuỗi của những khởi đầu mới. Mỗi lần Phi-e-rơ vấp ngã, Chúa Giê-su tha thứ cho ông và ông chỗi dậy cho một khởi đầu mới. Trong tất cả các trải nghiệm này, Chúa Giê-su giúp đỡ cho Phi-e-rơ bốn bước thuộc linh cơ bản để ông trưởng thành. Chúng ta có thể học tập bốn bước này.

BIẾT CHÚA GIÊ-SU

Khi Anh-rê đưa anh mình đến gặp Chúa Giê-su, ông nói, “Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si (nghĩa là Đấng Christ). Người bèn dẫn Si-môn đến cùng Đức Chúa Giê-su. Ngài vừa ngó thấy Si-môn, liền phán rằng: Ngươi là Si-môn, con của Giô-na; ngươi sẽ được gọi là Sê-pha (nghĩa là Phi-e-rơ).” (Giăng 1:41-42).

 

Đây không phải là một tuyên bố dài dòng. Qua lời nói của Chúa, chúng ta biết rằng Si-môn đã tín thác vào Chúa. Điều này sẽ bắt đầu quá trình biến đất sét thành đá. Qua ngày hôm sau Chúa kêu gọi Phi-líp và Na-tha-na-ên. Vậy là lúc này có sáu môn đồ đi theo Chúa Giê-su. Họ cùng đi với Ngài đếm tham dự tiệc cưới tại Ca-na, và chứng kiến phép lạ đầu tiên Chúa thực hiện (Giăng 2). Họ cùng đi với Ngài ngang qua một làng của người Sa-ma-ri, tại đó một phụ nữ đã tiếp nhận ơn cứu rỗi và làm chứng cho cả thị trấn đến cùng Đức Chúa Giê-su. Nhiều người ở đó tin nhận Ngài (Giăng 4). Sau đó họ trở về Ca-bê-na-um là nơi mà các ngư dân hành nghề lưới cá và tại đó Chúa Giê-su thiết lập trung tâm truyền giáo của Ngài.

Những môn đồ tiếp tục nghề lưới cá của họ. Họ đang giặt lưới vào một buổi sáng thì Chúa Giêsu xuất hiện, mượn thuyền của họ chèo ra khỏi bờ làm bục giảng. Ngài giảng cho đám đông ở trên bờ. Sau đó, những môn đồ dùng thuyền đi đánh cá và Chúa làm đầy lưới cá của họ cách kỳ diệu. Phi-e-rơ rất kinh ngạc đến nỗi ông ngã xuống trước mặt Chúa Giê-su trên thuyền và thú nhận sự không xứng đáng của mình. Và rồi sau đó Chúa kêu gọi họ dấn thân cho một chức vụ trọn thời gian, và họ bỏ hết mọi sự đi theo Ngài (Lu-ca 5:1-11). Từng bước, Chúa Giê-su tiếp tục huấn luyện, dạy dỗ, thực hiện các mục vụ làm gương cho các môn đồ khiến họ hiểu biết về Ngài càng hơn.

Các môn đồ khám phá rằng Chúa Giê-su thức dậy mỗi sáng sớm và đi vào nơi kín đáo để cầu nguyện. Họ cũng nhận biết rằng Ngài có quyền năng siêu việt trên sóng nước, bão giông, bệnh tật, ma quỉ. Ngài có thể ban phát thực phẩm cho hàng ngàn người ăn chỉ từ một khẩu phần ăn của một bé trai. Khi Ngài rao giảng, lời nói của Ngài đầy quyền năng, làm bừng tỉnh và thay đổi nhiều đời sống
Khi có một số người trở lui từ bỏ Ngài, bởi vì họ không hiểu thấu những lời Ngài dạy, Ngài hỏi các môn đồ: “Còn các ngươi cũng muốn lui chăng?”  Phi-e-rơ trả lời, “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời; chúng tôi đã tin, và nhận biết rằng Chúa là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời” (Giăng 6:68-69). Sự thừa nhận này làm đẹp lòng Chúa. Sau đó khi Chúa Giê-su và các sứ đồ đến địa phận Caesarea Philippi, Chúa hỏi: “Các ngươi nói ta là ai?” Phi-e-rơ trả lời, “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống” (Ma-thi-ơ 16:13-16). Các môn đồ cùng sống với Chúa, quan sát Ngài và lắng nghe lời Ngài dạy. Họ trưởng thành nhiều hơn trong sự nhận biết Thầy của mình.
Phi-e-rơ cũng nhận biết chính mình cùng với Gia-cơ và Giăng ở trong mối quan hệ gần gũi với Chúa. Có phải Chúa Giê-su đã chọn họ bởi vì họ đòi hỏi Ngài quan tâm đến họ nhiều hơn hay là họ cần một sự chuẩn bị đặc biệt cho chức vụ trong tương lai? Có lẽ về sau Phi-e-rơ nghiễm nhiên trở thành người lãnh đạo của nhóm sứ đồ. Tên của ông được đề cập ở vị trí thứ nhất trong danh sách các sứ đồ. Gia-cơ là sứ đầu tiên tử vì đạo (Công vụ. 12:1-3). Và Giăng là sứ đồ sống lâu nhất và viết nhiều sách trong Tân Ước. Chúa Giê-su đã chọn ba người này để chứng kiến sự hóa hình của Ngài trên núi (Ma-thi-ơ 17:1-8). Họ nhìn thấy quyền năng của Ngài bày tỏ trong nhà của Giai-ru, một người cai nhà hội có đứa con gái nhỏ đã chết. Chúa Giê-su khiến cho con gái của Giai-ru từ kẻ chết sống lại (Lu-ca 8:40-56). Họ cùng chia sẻ sự đau khổ của Ngài trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Ma-thi-ơ 26:36-56). Mỗi một trải nghiệm này giúp cho Phi-e-rơ và các đồng đội của ông hiểu biết Chúa Giê-su rõ hơn.

Khi nhận biết Chúa Giê-su, chúng ta cũng nhận ra chính mình nhiều hơn, và chúng ta sớm khám phá rằng chúng ta không mạnh mẽ như mình tưởng. Lúc đối diện với khó khăn, Phi-e-rơ tuyên bố rằng sẵn sàng sống và chết vì Chúa. Nhưng rồi chuyện gì xảy ra sau đó? Ông chối Chúa, và thậm chí chối Ngài đến ba lần. Khi “một bọn đông người cầm gươm và gậy, mà các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân sai đến” trong khu vườn để chuẩn bị bắt Chúa Giê-su. Thay vì đầu phục ý muốn Đức Chúa Trời thì Phi-e-rơ rút gươm ra khỏi vỏ “đánh đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, chém đứt một cái tai của người” (Ma-thi-ơ 27:47-51)

Ba mươi năm sau đó, khi sứ đồ Phao-lô gặp Chúa Giê-su, ông viết: “Tôi muốn được biết Christ” (Phi-líp 3:10). Những ngày gần cuối cuộc đời Phi-e-rơ viết, “Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta” (2 Phi-e-rơ 1:3). Tôi không thể biết nhiều về Winston Churchill, vì ông này đã chết. Nhưng hiểu biết về ông ấy sẽ không tự động biến tôi thành một chính khách tuyệt vời. Tuy nhiên tôi có thể biết về Chúa Giê-su, bởi vì Ngài vẫn đang sống, và Đức Thánh Linh bày tỏ Ngài cho chúng ta xuyên qua Lời.

Một trong những lời cuối cùng mà Phi-e-rơ đã viết, “Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-su Christ. Nguyền xin vinh hiển về nơi Ngài, từ rày đến đời đời!” (2 Phi-e-rơ 3:18). Nếu Đức Chúa Trời đang trong tiến trình hoàn hảo chúng ta trong đời sống và mục vụ, chúng ta phải “ngày càng biết nhiều hơn về Giê-su, mong sao biết rõ Giê-su” và để Đức Thánh Linh biến đổi chúng ta trở nên giống Giê-su càng hơn.

 

TIN CẬY CHÚA GIÊ-SU

Nếu có một người xa lạ, gặp bạn trong một siêu thị và hỏi mượn ba trăm đô. Bạn sẽ phản ứng như thế nào? Bạn có thể trả lời, “Xin lỗi, tôi không thể.” Người ấy có thể nói, “Tại sao anh/chị không tin cậy tôi?” Và bạn trả lời, “Làm sao tôi có thể tin cậy anh, thậm chí tôi không biết anh là ai?”

Khi chúng ta biết rõ về một người nào đó, chúng ta dễ dàng có mối quan hệ với người đó. Tôi nhớ lại một người đàn ông làm bạn với tôi nhiều năm trước và dường như là một tín đồ tận tụy. Nhưng càng hiểu biết nhiều về ông, tôi càng nhận ra ông ấy đang cố gắng sử dụng tôi để mở ra một số cơ hội mà quan trọng với ông. Tình bạn của chúng tôi nguội đi nhanh chóng. Điều này không bao giờ xảy ra trong tình bạn của chúng ta với Chúa Giê-su Christ. Càng hiểu biết về Ngài, chúng ta càng tin cậy Ngài. Và Ngài cho phép những khó khăn, khủng hoảng xảy ra để gia tăng đức tin của chúng ta nơi Ngài.

Hãy suy nghĩ thấu đáo về cách mà Chúa Giê-su đã thử nghiệm Phi-e-rơ và giúp đỡ vị sứ đồ này trưởng thành trong đức tin. Đầu tiên Chúa thử nghiệm ông trong những công việc quen thuộc với ông như chèo thuyền đi đánh cá. Ngài truyền bào cho ông phải đem thuyền ra sâu hơn và lưới cá. Điều này dường như Chúa đang “múa rìu qua mắt thợ” vì ông là một ngư phủ lành nghề – ông biết đánh bắt cả ở khu vực nào và đã đánh cá suốt đêm mà không được con nào. Tại sao ông phải nghe theo thầy của mình là một người không có chuyên môn về lưới cá? Nhưng Phi-e-rơ đã vâng lời và ông bắt được nhiều cá đến nỗi phải gọi các đồng đội từ những thuyền khác đến trợ giúp (Lu-ca 5). Qua câu chuyện này Phi-e-rơ học biết rằng phải học tập tin cậy Chúa Giê-su khi Ngài đang có mặt trên thuyền vào ban ngày.

Nhưng trong bài tập trắc nghiệm tiếp theo, đó là một đêm tối trời và Chúa Giê-su đang ngủ trên thuyền còn các môn đồ thì hoảng sợ vì cơn bão biển thình lình ập đến (Ma-thi-ơ 8:23-27). “Các môn đồ đến gần, đánh thức Ngài, mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với, chúng tôi hầu chết!” Chúa Giê-su đứng dậy, quở gió và biển; thì liền yên lặng như tờ. Đây là bài học thứ hai về đức tin: Phi-e-rơ có thể tin cậy Chúa Giê-su lúc đêm tối trong cơn bão khi Ngài đang ngủ trên thuyền. Một bài hát trước đây có lời, “Có Christ trên thuyền, tôi có thể mỉm cười giữa bão giông.”

Bài học thứ ba có lẽ đáng nhớ hơn cả: Phi-e-rơ có thể học tập tin cậy Chúa Giê-su vào buổi tối trong cơn bão, mặc dù không có Ngài ở trên thuyền (Ma-thi-ơ 14:22-32). Lúc đó Chúa Giê-su đi bộ trên mặt biển đến cùng các môn đồ. “Khi thấy Ngài đi bộ trên mặt biển, thì môn đồ bối rối mà nói rằng: Ấy là một con ma; rồi sợ hãi mà la lên.  Nhưng Đức Chúa Giê-su liền phán rằng: Các ngươi hãy yên lòng; ấy là ta đây, đừng sợ!  Phi-e-rơ bèn thưa rằng: Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa.  Ngài phán rằng: Hãy lại đây! Phi-e-rơ ở trên thuyền bước xuống, đi bộ trên mặt nước mà đến cùng Đức Chúa Giê-su.  Song khi thấy gió thổi, thì Phi-e-rơ sợ hãi, hòng sụp xuống nước, bèn la lên rằng: Chúa ơi, xin cứu lấy tôi!  Tức thì Đức Chúa Giê-su giơ tay ra nắm lấy người, mà nói rằng: Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy?  Ngài cùng Phi-e-rơ lên thuyền rồi, thì gió yên lặng.” Hãy lưu ý, khi Phi-e-rơ bắt đầu chìm xuống nước, nhưng ông biết mình đang chìm và có đủ ý thức để kêu cầu Chúa cứu. Một số Cơ đốc nhân hôm nay gần như ở dưới nước và thậm chí không biết điều đó – không biết mình đang chìm và không kêu cầu Chúa cứu.

Phi-e-rơ và các sứ đồ khác học biết rằng phải tin cậy Chúa Giê-su càng hơn, đặc biệt là sau khi Ngài truyền bảo là Ngài phải lên Giê-ru-sa-lem, phải chịu khổ hình, bị đóng đinh trên thập giá và sau ba ngày sẽ sống lại. Phi-e-rơ không tin điều này, chúng ta đọc: “Phi-e-rơ bèn đem Ngài riêng ra, mà can rằng: Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!  Nhưng Ngài xây mặt lại mà phán cùng Phi-e-rơ rằng: Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta” (Ma-thi-ơ 16:21-28). Chúa Giê-su cũng đã dạy Phi-e-rơ trên núi hóa hình rằng không có sự vinh hiển nào mà không phải đi qua đau khổ, và về sau Phi-e-rơ đã phát triển chủ đề này trong thư tín thứ nhất của ông.

Sự thử nghiệm lớn nhất cho đức tin của Phi-e-rơ được ghi trong Công vụ 12, khi Hê-rốt bắt Phi-e-rơ bỏ vào ngục và lên kế hoạch thủ tiêu ông. “Vả, đêm rạng ngày mà Hê-rốt định bắt Phi-e-rơ ra hầu, người đang mang hai xiềng, ngủ giữa hai tên lính, và trước cửa có quân canh giữ ngục.  Thình lình, một thiên sứ của Chúa đến, và có ánh sáng soi trong ngục tối. Thiên sứ đập vào sườn Phi-e-rơ, đánh thức người, mà rằng: Hãy mau chờ dậy. Xiềng bèn rớt ra khỏi tay người.  Kế đó thiên sứ nói rằng: Hãy nịt lưng và mang dép vào đi. Phi-e-rơ làm theo. Thiên sứ lại tiếp: Hãy mặc áo ngoài và theo ta.  Phi-e-rơ ra theo; chẳng biết điều thiên sứ làm đó là thật, song tưởng mình thấy sự hiện thấy (Công vụ 12:6-9). Đây là sự giải cứu kỳ diệu của Chúa dành cho ông. Hê-rốt có muốn giết ông cũng không được, vì thời điểm này chưa phải lúc kết thúc chức vụ của ông.  Chúng ta biết rằng trước đó Chúa Giê-su đã  cho Phi-e-rơ biết rằng, “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, khi ngươi còn trẻ, ngươi tự mình thắt lưng lấy, muốn đi đâu thì đi; nhưng khi ngươi già, sẽ giơ bàn tay ra, người khác thắt lưng cho và dẫn ngươi đi đến nơi mình không muốn.  Ngài nói điều đó để chỉ về Phi-e-rơ sẽ chết cách nào đặng sáng danh Đức Chúa Trời” (Giăng 21:18-19). Lịch sử hội thánh cho chúng ta biết Phi-e-rơ sống đến khi tuổi đã già và cuối cùng ông cũng tử vì đạo, bị đóng đinh trên thập tự giá giống như Thầy của mình.

Phi-e-rơ là một “viên đá” lệ thuộc vào Chúa Giê-su là “hòn đá góc nhà đã chọn lựa và quí báu.” Kinh thánh có chép rằng:
“Nầy, ta đặt tại Si-ôn hòn đá góc nhà đã chọn lựa và quí báu;
Ai tin đến đá ấy sẽ không bị xấu hổ” (1 Phi-e-rơ 2:6).

 

YÊU MẾN CHÚA GIÊ-SU

Chúng ta thường liên kết tình yêu dành cho Chúa với vị sứ đồ yên lặng và có tâm hồn thi sĩ như Giăng chứ không phải Phi-e-rơ  là  một “ngư phủ cao to” không hoàn hảo và đầy nam tính. Nhưng Phi-e-rơ cần lớn lên trong tình yêu cũng như trong tri thức và đức tin. Sự thật, tình yêu của Phi-e-rơ dành cho Chúa Giê-su là chủ đề chính trong bữa ăn sáng của Chúa với bảy môn đồ sau khi Chúa phục sinh (Giăng 21)

Trước đó Phi-e-rơ huênh hoang về tình yêu của ông dành cho Thầy: “Dầu mọi người vấp phạm vì cớ Thầy, song tôi chắc không bao giờ vấp phạm vậy.  Đức Chúa Giê-su phán rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, chính đêm nay, trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần.  Phi-e-rơ thưa rằng: Dầu tôi phải chết với Thầy đi nữa, tôi chẳng chối Thầy đâu. Hết thảy môn đồ đều nói y như vậy” (Ma-thi-ơ 26:33-35).

Ở đây, chúng ta lưu ý rằng những môn đồ khác lặp lại những lời Phi-e-rơ đã nói. Và Phi-e-rơ đường như là người thẳng thắn nhất trong các môn đồ. Vì vậy sau bữa ăn sáng trong Giăng 21, Chúa Giê-su hỏi Phi-e-rơ, “Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng?” (câu 15)

Trước đó Phi-e-rơ đã nói thật: ông yêu Chúa Giê-su và sẽ không bao giờ chối bỏ Ngài. Nhưng ông đã thất bại ngay sau đó. Chúa Giê-su đã tha thứ Phi-e-rơ về chuyện này và bây giờ Ngài muốn phục hồi chức vụ của ông. Phi-e-rơ đang học bài học mà sứ đồ Giăng viết, “Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật” (1 Giăng 3:18).

Những lời phát biểu thẳng thắn nồng cháy hay rút gươm ra tấn công người khác không phải là bằng chứng của tình yêu Phi-e-rơ đối với Chúa, nhưng ở lại với Chúa trong thời khắc khó khăn, thức canh cầu nguyện sẽ chứng minh cho điều đó. Tại điểm này Phi-e-rơ thất bại.
Càng biết nhiều về Giê-su, chúng ta càng tin cậy Ngài. Và càng càng tin cậy Chúa, chúng ta càng học biết để yêu mến Chúa Giê-su nhiều hơn. Khi đã trưởng thành trong tình yêu Phi-e-rơ viết, “Ngài là Đấng anh em không thấy, mà yêu mến; dầu bây giờ anh em không thấy Ngài, nhưng tin Ngài, và vui mừng lắm một cách không xiết kể và vinh hiển” (1 Phi-e-rơ 1:8). Chúng ta không cần một tấm hình hay một pho tượng của Chúa Giê-su để yêu mến Ngài, bởi vì chúng ta được truyền cảm hứng về một bức chân dung được viết trong Kinh Thánh (Đọc Ê-sai 53). Một bài thánh ca xưa có lời:
Hãy ban bánh sự sống cho con. Hỡi Chúa.

Như Ngài đã từng chuẩn bị bánh và cá bên bờ biển cho các môn đồ.

Con tìm kiếm Ngài.

Tâm linh con khao khát Ngài là Lời hằng sống.

(Mary A. Lathbury)

Những ai dành thì giờ hằng ngày với Lời Chúa, suy ngẫm những lời ấy nói về Chúa Giê-su sẽ trưởng thành trong tình yêu mến đối với Chúa, và điều này được chứng minh qua cách họ sống và phục vụ.

TRỞ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊ-SU

Cuối cùng trở nên giống như Chúa Giê-su là mục tiêu của đời sống Cơ đốc và là mục đích đằng sau chương trình cứu rỗi vĩ đại của Đức Chúa Trời. “Những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài” (Rô-ma 8:29). Không những cần được trưởng thành trong sự nhận biết Chúa, mà chúng ta còn cần lớn lên trong ân điển (2 Phi-e-rơ 3:18) và trở nên giống Christ càng hơn. Rất dễ để có “kiến thức về Kinh Thánh”, nhưng lại không bày tỏ chúa Giê-su ra trong đời sống hằng ngày. Dễ dàng để giảng về lòng bác ái hơn là thực hành nó. Và nghiên cứu những từ ngữ Hy-lạp về tình yêu thì dễ hơn là yêu mến người khác.

Nếu bạn muốn quan sát chức vụ, đời sống của Phi-e-rơ hãy đọc sách Công vụ. Bạn sẽ nhìn thấy ở nơi ông là một con người cầu nguyện và vâng phục Lời Chúa. Ông là người đã bày tỏ Chúa thông qua bài giảng, là một người đầy lòng thương xót khi chăm sóc các thánh đồ và quan tâm đến những linh hồn hư mất. Ông vui mừng về đặc ân đồng chịu khổ với Chúa Giê-su. Ông đứng bên cạnh và để cho Gia-cơ dẫn dắt hội thánh tại Giê-ru-sa-lem. Ông bảo đảm rằng các góa phụ phải được chăm sóc và mở rộng cánh cửa phục vụ cho các tín hữu có phẩm chất tốt trong hội thánh. Ông từ chối giáo lý của Do Thái giáo, đến nhà của Cọt-nây và giảng Phúc âm cho người ngoại bang. Ông được gọi đến đối nại với các người lãnh đạo Do Thái giáo tại Tòa Công luận, nhưng ông và Giăng khẳng khái nói với họ: “Chính các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng?” (Công vụ. 4:18). Khi những người lãnh đạo các hội thánh tổ chức giáo hội nghị tại Giê-ru-sa-lem để thảo luận về vấn đề người ngoại bang trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, Phi-e-rơ đứng chung với Phao-lô và Ba-na-ba bảo vệ sự tự do của Phúc âm (Công vụ. 15:1-11). Ngợi khen Đức Chúa Trời! Người ngoại bang không cần phải trở nên giống như người Do-thái để trở nên môn đồ của Chúa Giê-su!

Biết nhiều hơn về Giê-su, chúng ta càng tin cậy và yêu mến Ngài. Sự nối kết của nhận thức thuộc linh này: đức tin, tình yêu nối kết với ân điển Chúa sẽ khiến chúng ta càng ngày càng trở nên giống Chúa Giê-su hơn. Phi-e-rơ khuyên các tín hữu, “Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-su Christ” (2 Phi-e-rơ 3:18). Và Phao-lô kêu gọi, “hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần thần linh, lại lấy sự kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta” (2 Cô-rin-tô 7:1).

Làm thế nào mà Phi-e-rơ trong các sách Phúc âm trở nên “một viên đá” trong sách Công vụ?  Dĩ nhiên Chúa Giê-su đã cầu nguyện, dạy dỗ và ban cho Phi-e-rơ nhiều cơ hội để học tập và trưởng thành. Nhưng có ba sự kiện xảy ra ở Giê-ru-sa-lem đã mở ra cánh cửa để Phi-e-rơ trở nên đầy trọn và kết quả trong chức vụ.

Sự kiện thứ nhất được ghi lại trong Lu-ca 26 về câu chuyện Phi-e-rơ chối Chúa, mà chối đến ba lần.
“Nhưng Phi-e-rơ cãi rằng: Hỡi người, ta không biết ngươi nói chi! Đương lúc Phi-e-rơ còn nói, thì gà liền gáy; Chúa xây mặt lại ngó Phi-e-rơ. Phi-e-rơ nhớ lại lời Chúa đã phán cùng mình rằng: Hôm nay trước khi gà chưa gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần; rồi đi ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Lu-ca 22:61). “Chúa xây mặt lại ngó Phi-e-rơ” là một cái nhìn trực diện – khiến cho tấm lòng Phi-e-rơ đau nhói như bị một lưỡi gươm đâm. Tại thời điểm đó Phi-e-rơ nhận ra con người thật của mình với những gì ông đã làm cho Thầy của mình, và rồi ông đi ra ngoài khóc lóc cách thảm thiết, đắng cay. Mỗi người trong chúng ta sẽ phải đi đến một thời khắc nhìn trực diện vào con người thật của chúng ta, và mạnh dạn xưng ra tội lỗi của chúng ta trước mặt Chúa.

Sự kiện thứ hai xảy ra khi Chúa bị đóng đinh. Phi-e-rơ chỉ nhìn thấy một phần trong cơn đau đớn của Chúa, ông không đi theo Chúa và chứng kiến toàn bộ sự kiện. Ông đã không có mặt cùng với Giăng và những phụ nữ trực tiếp nhìn thấy Chúa bị đóng đinh, và cái chết đến với Ngài. Tuy nhiên Phi-e-rơ biết sự tàn khốc, sỉ nhục của hình phạt đóng đinh mà Cứu Chúa phải chịu. Những lời nói của Phi-e-rơ trước đó, “Thưa Chúa, tôi sẵn lòng đi theo Chúa, đồng tù đồng chết” (Lu-ca 22:33). Nhưng khi thử thách xảy ra thì Simon người Cyrene vác thập giá cho Chúa Giê-su chứ không phải là Si-môn Phi-e-rơ. Đấng Christ đã chết vì chúng ta để chúng ta có thể sống bằng sự sống của Ngài và sống cho Ngài. Phao-lô viết, “Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình” (2 Cô-rin-tô 5:15).

Sự kiện thứ ba là Đức Thánh Linh giáng lâm. Chúa Giê-su đã truyền bảo cho các môn đồ trước khi về trời: “các ngươi hãy đợi trong thành   (Giê-ru-sa-lem) cho đến khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao” (Lu-ca 24:49). Và trong ngày lễ Ngũ tuần, lời hứa đó trở thành hiện thực. Sau khi đầy dẫy Đức Thánh Linh, Phi-e-rơ công bố sứ điệp Phúc âm và ba ngàn người tin Chúa trong ngày hôm ấy. Mục vụ của Phi-e-rơ tiếp tục với người què được chữa lành, ông chỉ ra công việc của ma quỉ (trong vụ A-na-nia và Sa-phi-ra), làm câm miệng những người chống đối, qui vinh hiển lớn về cho Đức Chúa Trời và tôn cao danh Giê-su. Ông đưa ra các chỉ dẫn cho hội thánh và làm mạnh mẽ các tín hữu khi sự bách hại đạo Chúa bắt đầu. Ông trở thành một con người khác biệt so với trước đây!

Chúng ta cũng có thể trở nên những người khác biệt “làm đảo lộn thế giới.” Đức Chúa Trời chưa xong công việc của Ngài với chúng ta, và Ngài không từ bỏ chúng ta ngay cả khi chúng ta muốn thối lui. Vào thời điểm bạn được tái sinh, Chúa Giê-su phán, “Ngươi là….từ nay ngươi sẽ được gọi là….” Chúng ta là đất sét trong tay Người Thợ Gốm Thiên Thượng, Chúa Giê-su có thể biển đổi đất sét thành một viên đá và tháp chúng ta vào Vầng Đá lớn là chính Ngài.

A. T. Robertson một học giả tiếng Hy-lạp viết về Phi-e-rơ, “Bông trái đến chậm, nhưng khi chín, chúng rất phong phú và duyên dáng. Phi-e-rơ thuộc mẫu người đó, một môn đồ xứng đáng để làm công tác phục vụ và Chúa Giê-su biết điều đó. Ngài yêu mến Phi-e-rơ từ lúc khởi đầu cho đến khi chức vụ ông kết thúc.”

Đừng chờ đợi tiếng gà gáy, nhưng hãy bắt đầu ngay bây giờ và công bố câu Kinh Thánh dành cho Phi-e-rơ trong bài này: “Đức Giê-hô-va sẽ làm xong việc thuộc về tôi.”

Warren W. Wiersbe
Translated by Tuong Vi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn