Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Thư chủ nhiệm / Suy Nghĩ Về Truyền Giáo

Suy Nghĩ Về Truyền Giáo

SUY NGHĨ VỀ MẠNG LỊNH TRUYỀN GIÁO

NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI VIỆC TRUYỀN BÁ TIN LÀNH

Có thể nghe ở đây:

Những vấn đề sau đây khiến nhiều người băn khoăn không biết có nên giảng Tin Lành hay không?

  1. Thách thức của chủ trương không khoan nhượng tôn giáo. (The Challenge of Religious Intolerance). Đây là chủ trương của những nước không cho phép rao giảng Tin Lành. Chẳng hạn các nước theo Hồi giáo, hoặc các nước độc tài như Bắc Hàn. Các nước có bách hại tôn giáo.
  2. Thách thức của chủ nghĩa đa thần. (The Challenge of Pluralism). Chủ nghĩa đa thần từ chối Chúa Giê-su là con đường duy nhất dẫn đến Đức Chúa Trời. Chủ nghĩa nẩy tin rằng có nhiều con đường dẫn đến Đức Chúa Trời và người ta có thể được cứu qua bất cứ tôn giáo đạo đức nào. Họ nói, chúng ta không cần giảng Tin Lành cho người Hồi Giáo hay Ấn Giáo hay Do Thái Giáo. Họ tin rằng cuối cùng mọi người đều sẽ được cứu.
  3. Thách thức của chủ nghĩa đạo nào cũng tốt. (The Challenge of Inclusivism). Thay vì nói có nhiều con đường dẫn đến Đức Chúa Trời, nhóm nầy chủ trương rằng có nhiều con đường dẫn đến Chúa Giê-su. Họ chủ trương rằng những tín đồ chân thành của Hồi Giáo, Phật Giáo, Ấn Giáo, Do Thái Giáo hay bất cứ tôn giáo nào khác chỉ có thể được cứu bởi Chúa Giê-su, bao lâu họ đi theo ánh sáng họ có, những người như thế không cần nghe Tin Lành hay kêu cầu Danh Chúa Giê-su.
  4. Thách thức của chủ nghĩa hòa đồng tôn giáo. (The Challenge of an Unprincipled Ecumenism). Chúa Giê-su đã cầu nguyện để các môn đồ của Chúa hiệp nhất (Giăng 17:23). Chúa Giê-su cũng chỉ tỏ rằng thế gian sẽ biết ai là môn đồ Chúa họ khi thấy các môn đồ yêu thương lẫn nhau (Giăng 13:35). Thực tế có lời kêu gọi hiệp nhất của các giáo phái lớn như Công Giáo, nhưng điều nầy rất khó thành công vì người Tin Lành tin rằng không thể có sự hiệp nhất thật trừ khi sự hiệp nhất đó có căn cứ trên lẽ thật của Tin Lành.
  5. Sự thách thức của sự phân chia các giáo phái. (The Challenge of Unwarranted Church Devisions). Các giáo phái thường chú tâm đến các niềm tin thứ yếu và truyền thống giáo hội không liên quan đến Tin Lành đến nỗi họ không chịu hiệp thông với các tín hữu khác bất đồng với họ về những truyền thống nầy. Sự chia rẽ và bất đồng của chính các tín đồ của giáo phái đã ngăn trở nhiều cho việc giảng Tin Lành và các hình thức làm chứng khác.
  6. Sự thách thức của việc thiếu kiến thức của Phúc Âm. (The Challenge of Lack of Gospel Knowledge). Nhiều người dù là tín đồ hay chứng nhân vẫn chưa nắm vững ý nghĩa của Phúc Âm, vẫn không biết Chúa Giê-su cứu rỗi loài người như thế nào. Tôi dùng chữ Phúc Âm để thay chữ Tin Lành trong khi nhiều người chưa tin Chúa cứ nghĩ đến Tin Lành như một giáo phái. Người ta đang dùng chữ Tin Lành để phân biệt với Công Giáo La-mã hay Chánh Thống Giáo hay các giáo phái khác. Lúc đó Tin Lành được nghĩ đến như một Đạo khác với Đạo Công Giáo hay Phật Giáo. Thực ra Tin Lành chỉ có nghĩa là Phúc Âm hay tin mừng, tin tức tốt lành (Good News, Gospel).
  7. Sự thách thức của bản tính tội lỗi cũ của chúng ta. (The Challenge of Our Old Sin Nature). Ngay cả sau khi trở nên Cơ-đốc nhân, chúng ta vẫn còn là những tội nhân, vẫn còn khuynh hướng lang thang xa khỏi Chúa (như chiên đi lạc). Chúng ta có thể bắt đầu phôi pha tình yêu ban đầu với Đấng Christ. Chúng ta có thể bắt đầu xem thường giá trị của Phúc Âm. Chúng ta không còn nhìn xem Chúa Giê-su nhưng bắt đầu chú tâm đến lợi lộc vật chất, danh tiếng.

Chúng ta phải làm gì?

– Chúng ta cần yêu Chúa hơn.

– Chúng ta cần nương dựa nhiều hơn trên quyền phép của Đức Thánh Linh trong đời sống hằng ngày.

– Chúng ta cần thành người cầu nguyện nhiều hơn.

– Chúng ta cần bày tỏ lòng thương xót và tình thương đối với người láng giềng lân cận mình.

– Chúng ta cần một sự hiểu biết tươi mới về Phúc Âm của Chúa Giê-su Christ.

– Chúng ta cần tin tưởng vững chắc hơn về Phúc Âm là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu người tin.

Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì đây là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, trước là người Do Thái, sau là người Hi Lạp.Ctd: dân ngoại  Vì trong Tin Lành nầy, sự công chính của Đức Chúa Trời được bày tỏ từ đức tin đến đức tin, như có lời chép: “Người công chính sẽ sống bởi đức tin.” (Rô-ma 1:16-17).

– Từ đó, chúng ta sẽ không bắt ép ai theo Chúa, vì chúng ta hiểu rằng nếu Đức Thánh Linh không cáo trách tội lỗi của một người thì người đó sẽ không thể trở thành môn đồ của Chúa Giê-su được.

– Chúng ta sẽ có hy vọng rằng không điều chi có thể phân rẽ chúng ta ra khỏi sự yêu thương của Đức Chúa Trời, kể cả sự chết (Rô-ma 8: 35-38).

Tôi cảm ơn Chúa đã giúp tôi tìm được những lời cô đọng giới thiệu về ý nghĩa thật của Phúc Âm Cho Người Việt. Bởi một số những Giáo Sư, Học Giả từ Âu sang Mỹ. Thật đúng, thật có giá trị. Tôi chọn soạn theo THIS WE BELIVE, “The Gospel of Jesus Christ: An Evangelical Celebration,” The Committee on Evangelical Unity in the Gospel, Grand Rapids: Zondervan Publishing House, 2000.

 

TUYÊN NGÔN CỦA PHÚC ÂM

Phúc Âm của Chúa Giê-su Christ là tin tức, tin tức tốt lành: tin tức tốt nhất và quan trọng nhất mà loài người từng nghe. Phúc Âm tuyên bố con đường duy nhất để biết Đức Chúa Trời trong sự bình an, yêu thương, và vui mừng thông qua sự chết hòa giải của Chúa Giê-su, Chúa Phục Sinh.

Phúc Âm nầy giới thiệu Chúa Giê-su Christ như là Cứu Chúa sống, là Thầy, là Sự Sống và Hy vọng cho tất cả những ai tin cậy nơi Ngài. Số phận đời đời của tất cả những người muốn được cứu rỗi đều liên hệ đến Chúa Giê-su.

Phúc Âm nầy là Tin Mừng duy nhất: không có Phúc Âm nào khác. Phúc Âm nầy đơn giản đến mức một em bé vẫn có thể hiểu, và sâu sắc cao siêu đến nỗi các nhà thần học uyên thâm nhất, khôn ngoan nhất vẫn không thể am tường hết sự giàu có của Phúc Âm.

Chúng tôi tin chắc rằng Phúc Âm giao phó cho Hội Thánh là Phúc âm của Đức Chúa Trời (Mác 1:14; Rô-ma 1:1). Đức Chúa Trời là tác giả của Phúc Âm, và Ngài bày tỏ cho chúng ta trong Lời Chúa và bởi lời Chúa. Thẩm quyền và lẽ thật duy dựa trên Chúa mà thôi. Chúng tôi khước từ bất cứ Tin Lành nào đến từ nhận thức của loài người hay sáng chế của loài người (Ga-la-ti 1:1-11). Chúng tôi cũng từ khước thẩm quyền của Phúc Âm nương dựa trên uy quyền của bất cứ nhà thờ hay tổ chức nào của loài người.

Qua Phúc Âm chúng tôi học biết rằng chúng tôi là người được dựng nên để thông công với Đức Chúa Trời, nhưng do bản tính–tức là “trong A-đam” (1 Cor. 15:22) –chúng tôi đã chết trong tội lỗi, không hưởng ứng và đã bị phân cách khỏi Đấng Tạo Hóa. Chúng tôi thường xuyên bẽ cong lẽ thật của Ngài, vi phạm luật pháp của Chúa, hạ giảm tiêu chuẫn và các mục tiêu của Chúa, xúc phạm đến sự thánh khiết của Ngài bằng sự bất khiết của chúng tôi, vì thế chúng tôi thực sự “không có hy vọng và ở thế gian không có Đức Chúa Trời” (Rom. 1:18-32; 3:9-20; Eph. 2:1-3, 12).

Chúng tôi tin chắc rằng Phúc Âm nhận định tình trạng chung của nhân loại là phản loạn chống nghịch Chúa, nghĩa là nếu không thay đổi, tình trạng nầy sẽ dẫn mỗi người đến chỗ hư mất đời đời dưới sự định tội của Đức Chúa Trời.

Chúng tôi từ khước bất cứ sự chối bỏ nào về tình trạng sa ngã của bản tính loài người hay bất cứ chủ trương về tánh bản thiện hay thiên tánh của loài người.

Phúc Âm của Chúa Giê-su Christ là tin tức, là tin mừng: tin tức tốt nhất và quan trọng nhất mà loài người từng nghe đến… Phúc Âm nhận dạng Chúa Giê-su Christ, Đấng Messiah của dân Israel, như là Con Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời Con, là Ngôi Hai của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, mà sự giáng sinh, chức vụ, sự chết, sự sống lại, và sự thăng thiên của Chúa đã hoàn thành ý muốn cứu rỗi của Đức Chúa Cha. Sự chết đền tội và sự sống lại của Chúa từ cõi chết đã được hứa trước bởi các tiên tri và được chứng thực bởi những chứng nhân tai nghe mắt thấy.

Chúng tôi tin chắc rằng Chúa Giê-su Christ là Đức Chúa Trời thành người (Giăng 1:14). Ngài được sanh bởi nữ đồng trinh thuộc dòng vua Đa-vít (Rom. 1:3), Ngài có bản tính người thật, chịu phục dưới Luật pháp của Đức Chúa Trời (Gal. 4:5), và Ngài giống y như chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ phạm tội (Heb. 2:17; 7:26-28). Chúng tôi tin chắc rằng đức tin nơi tánh người thật của Chúa Giê-su Christ là cần thiết cho đức tin nơi Phúc Âm.

Chúng tôi từ khước những ai phủ nhận nhân tánh của Chúa Christ, những ai phủ nhận sự giáng sinh, hay sự vô tội của Chúa, kể cả từ khước những ai chủ trương rằng những lẽ thật nầy là không cần thiết cho Phúc Âm, họ sẽ không được cứu (1 Giăng 4:2-3).

Theo đầy đủ ý nghĩa sự cứu rỗi là sự cứu thoát khỏi án phạt tội lỗi trong quá khứ, quyền lực của tội lỗi trong hiện tại và sự hiện diện của tội lỗi trong tương lai…

Các tội nhân duy nhờ đức tin nơi Chúa Giê-su Christ nhận lãnh “món quà công chính” (Rom. 1:17; 5:17; Phil. 3:9) và như vậy trở nên “sự công chính của Đức Chúa Trời” trong Chúa là Đấng đã “làm thành tội lỗi” cho họ (2 Cor. 5:21).

Chúng tôi tin chắc rằng sự đền tội của Đấng Christ mà qua đó bởi sự vâng phục của Chúa, đã cung hiến một tế lễ hoàn hảo, làm nguội cơn giận của Đức Chúa Cha bằng cách trả xong nợ tội của chúng ta và làm thỏa mãn công lý thiên thượng vì cớ chúng ta, theo kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời. Đây là yếu tố chính của Phúc Âm.

Phúc Âm nầy còn công bố sự sống lại của thân thể, sự thăng thiên, và sự lên ngôi của Chúa Giê-su như là bằng chứng về hiệu quả của sự hy sinh một lần đủ cả cho chúng ta, về thực tế chức vụ hiện nay của Chúa dành cho chúng ta, và như sự chắc chắn của việc Chúa tái lâm làm vinh hiển chúng ta (1 Cor. 15; Heb. 1:1-4; 2: 1-18; 4:14-16; 7:1-10:25). Trong đời sống đức tin như Phúc Âm trình bày, các tín hữu được hiệp nhất với Chúa sống lại, đồng hành với Chúa, và nhìn xem Chúa trong sự ăn năn và hy vọng được ban quyền năng qua Đức Thánh Linh, để từ đó họ không phạm tội nhưng phục vụ Chúa cách thật lòng.

Chúng tôi tin chắc rằng sự sống lại với thân thể đã chết của Chúa Giê-su là cần thiết cho Phúc Âm theo Kinh Thánh (1 Cor. 15:14). Chúng tôi từ khước chủ trương của bất cứ giáo lý nào phủ nhận sự thật lịch sử về thân thể sống lại của Đấng Christ.

Tất cả những người được xưng công chính kinh nghiệm sự hòa giải với Đức Chúa Cha, hoàn toàn được tha tội, được dời đi từ nước tối tăm đến nước sáng láng, được trở nên tân tạo vật trong Đấng Christ, được giao thông với Đức Thánh Linh. Được bình an, vui thỏa đến gần Cha.

Phúc Âm đòi tất cả các tín hữu thành những người thờ phượng Chúa, nghĩa là thường xuyên ca ngợi và tạ ơn Chúa, hoàn toàn đầu phục tất cả những gì Chúa bày tỏ trong lời viết của Chúa, nương dựa cầu nguyện với Chúa, kiên quyết không để cho lời Chúa bị thỏa hiệp hay cổ xưa đi. 

Chúng tôi tin chắc rằng đức tin cứu rỗi bao gồm tâm trí đồng ý với nội dung của Phúc Âm, nhận biết tội lỗi riêng và nhu cầu của chính mình, đồng thời tin cậy và nương nhờ thật lòng nơi Chúa và công việc của Chúa. Đức tin cứu rỗi không phải là chuyện công đức hay cố gắng làm gì để có được. Không phải là sự tuyên bố hay hình thức bên ngoài nhưng là thực lòng bên trong.

Bằng ân điển làm nên thánh của Chúa, Đấng Christ đã làm việc bên trong chúng ta qua đức tin, làm mới bản tính sa ngã của chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến sự trưởng thành thực sự, biện pháp phát triển đó có nghĩa là “sự đầy trọn của Đấng Christ” (Eph. 4:13). Phúc Âm kêu gọi chúng ta sống như đầy tớ vâng lời của Chúa và như đại sứ của Ngài trong thế gian, làm điều công chính, với lòng thương xót và giúp đỡ mọi người có cần, luôn tìm cách để làm chứng nhân cho vương quốc Chúa.

Chúng tôi tin chắc rằng đức tin cứu rỗi có kết quả trong sự nên thánh, tức sự biến đổi của đời sống lớn lên giống như Đấng Christ qua quyền năng của Đức Thánh Linh. Sự nên thánh có nghĩa là liên tục ăn năn hối cãi, có đời sống xây lưng với tội lỗi để biết ơn phục vụ Chúa như Chúa, như Chủ của mình (Gal. 5: 22-25; Rom. 8:4, 13-14). Chúng tôi từ khước bất cứ giáo lý xưng nghĩa nào loại trừ sự liên hiệp nên thánh với Đấng Christ và sự thành hình liên tục theo hình ảnh của Chúa thông qua cầu nguyện, ăn năn, mang thập tự giá và sống trong Thánh Linh.

Khi một người tin Chúa qua đời, Chúa đưa người đó đến với Ngài (Phil. 1:21) hầu vui hưởng không ngừng sự thờ phượng Đức Chúa Trời (Rev. 22:1-5)… Như vậy, trong khi đang vui nếm sự cứu rỗi hôm nay, người tin Chúa vẫn còn chờ đợi sự đầy trọn của sự cứu rỗi tương lai (Mark 14:61-62; Heb. 9:28).

Sự cứu rỗi là công việc của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, được khởi xướng bởi Đức Cha, được thi hành bở Đức Con, và được áp dụng bởi Đức Thánh Linh. Sự cứu rỗi mang tầm vóc toàn cầu, vì kế hoạch của Chúa là cứu rỗi những người tin từ mọi đất nước và mọi tiếng nói (Rev. 5:9) để thành Hội Thánh của Ngài, thành nhân loại mới, thành dân của Đức Chúa Trời, thành nàng dâu của Đấng Christ, thành cộng đồng của Đức Thánh Linh. Tất cả những ai vui hưởng sự cứu rỗi chung cuộc nầy đều được kêu gọi để hôm nay và ngay bây giờ phục vụ Chúa và phục vụ nhau trong tình yêu thương, chia sẻ sự đau khổ của Đấng Christ và hiệp tác với nhau để giúp mọi người trên khắp cả thế giới nhận biết Chúa.

Chúng tôi tin chắc rằng Chúa Giê-su Christ là con đường duy nhất để được cứu rỗi, là Đấng trung gian duy nhất giữa Đức Chúa Trời và loài người (John 14:6; 1 Tim. 2:5). Chúng tôi từ khước mọi chủ trương được cứu nhờ bất cứ ai khác ngoài Chúa Giê-su Christ và Phúc Âm của Ngài. Kinh Thánh không cho thấy một chút hy vọng nào cho những người tín đồ của các tôn giáo khác sẽ được cứu rỗi bên ngoài đức tin cá nhân trong danh Chúa Giê-su Christ.

Chia sẻ niềm vui và hy vọng của Phúc Âm nầy là một vinh dự tối cao. Đây cũng là một sự bắt buộc lâu bền, vì Đại Mạng Lịnh của Chúa Giê-su Christ vẫn đứng vững: Chúa phán hãy rao truyền Phúc Âm khắp mọi nơi, dạy dỗ, làm báp-tem và đào tạo môn đồ cho tới lúc Ngài đến.

Chúng tôi tin chắc rằng Chúa Giê-su Christ ra lệnh cho những người theo Chúa hãy rao giảng Phúc Âm cho tất cả mọi người đang sống, truyền bá tin mừng cho mọi người khắp nơi, và đào tạo các môn đồ trong mối thông công với Hội Thánh. Sự làm chứng cho Đấng Christ cách đầy đủ và trung tín bao gồm sự làm chứng đạo cá nhân, sống đời tin kính, sống yêu thương và làm từ thiện cho người lân cận để việc giảng Tin Lành không trở nên khô khan. Hãy làm trọn bổn phận của người giảng Tin Lành.

Tất cả các Cơ-đốc nhân đều được kêu gọi hiệp nhất trong tình yêu thương và trong lẽ thật. Kinh Thánh tuyên bố rằng tất cả những ai thật lòng tin cậy Chúa Giê-su và Phúc Âm của Ngài đều là con trai và con gái của Chúa và là anh chị em trong Đấng Christ.

Chúng tôi tin chắc rằng giáo lý quy kể tội lỗi của chúng ta cho Chúa và quy kể sự công chính của Chúa cho chúng ta, nhờ đó tội lỗi chúng ta được hoàn toàn tha thứ và chúng ta được hoàn toàn chấp nhận, là thiết yếu cho Phúc Âm theo Kinh Thánh (2 Cor. 5:19-21).

Soạn theo THIS WE BELIEVE, “The Gospel of Jesus Christ: An Evangelical Celebration,” The Committee on Evangelical Unity in the Gospel, Grand Rapids: Zondervan Publishing House, 2000.

 

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

VIETNAMESE MISSIONARYY INSTITUTE

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn