Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Trách Nhiệm Của Các Thánh Đồ Cao Niên

Trách Nhiệm Của Các Thánh Đồ Cao Niên

SI-MÊ-ÔN VÀ AN-NE
Họ vẫn còn sanh bông trái dù tuổi đã cao
Thi thiên 92:14

Nhìn lại hơn năm mươi năm trong chức vụ, vợ tôi và tôi cảm tạ Đức Chúa Trời về những thánh đồ lớn tuổi đã khích lệ chúng tôi trong chức vụ. Bây giờ chúng tôi là những người lớn tuổi tiếp tục khích lệ thế hệ trẻ hơn. Chúng tôi đã bắt đầu chức vụ từ khi còn rất trẻ, và nếu không có những thánh đồ lớn tuổi như Si-mê-ôn và An-ne giúp đỡ, chúng tôi đã sớm kết thúc chức vụ mình. Chúng ta tìm thấy Si-mê-ôn và An-ne trong Lu-ca 2:25-38, khi họ gặp Giô-sép, Ma-ri và Ấu Chúa trong đền thờ. Cuộc gặp gỡ này không phải là một sự tình cờ; nó giống như một cuộc hẹn. Ma-ri và Giô-sép đang vâng lời Chúa (Lu-ca 2:22-24, 27, 39) và Đức Chúa Trời đang hướng dẫn họ (Châm ngôn 6:20-23).
Bác sĩ Lu-ca viết về An-ne là một góa phụ “đã cao tuổi lắm” (Lu-ca 2:36). Bản Kinh Thánh NIV ghi chú bên lề nói rằng bà là một góa phụ trong tám mươi bốn năm. Nếu như hầu hết các thiếu nữ Do Thái kết hôn từ tuổi mười lăm và bà An-ne cũng như vậy. Và nếu bà đã có bảy năm sống với chồng, thì khi gặp Ấu Chúa bà đã một trăm lẻ sáu tuổi, như vậy bà mới được nhìn nhận là một người “cao tuổi lắm.” Bản Kinh Thánh Tiếng Việt đề cập đến An-ne rõ ràng hơn: “bà tiên tri An-ne, con gái của Pha-nu-ên, về chi phái A-se, đã cao tuổi lắm. Từ lúc còn đồng trinh đã ở với chồng được bảy năm; rồi thì ở góa. Bấy giờ đã tám mươi bốn tuổi, chẳng hề ra khỏi đền thờ, cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu nguyện” (Lu-ca 2:36-27).
Đối với Si-mê-ôn, chúng ta không có nhiều thông tin về tuổi của ông, mặc dù nhiều người đều cho rằng ông cũng là một người cao niên. Truyền thuyết của người Do Thái nói rằng tuổi của ông là một trăm mười ba. Lời cầu nguyện của ông, “bây giờ xin cho tôi tớ Chúa được qua đời bình an” hàm ý rằng ông đã cao tuổi, vì một người trẻ tuổi hiếm khi cầu nguyện theo ý tưởng đó. Tôi có ấn tượng rằng Si-mê-ôn đã rất kiên nhẫn chờ đợi trong nhiều năm cho đến khi ông được diện kiến Vua của muôn vua. Và phong cách đó của ông làm chúng ta được thuyết phục rằng ông là một thánh đồ lớn tuổi. Si-mê-ôn không phải là thầy tế lễ, nhưng lời cầu nguyện của ông giống như lời cầu nguyện của một trưởng lão tin kính.
Bất luận tuổi tác của hai người trên đây như thế nào, họ vẫn là những tấm gương tốt cho chúng ta noi theo. Những thánh đồ lớn tuổi, họ vẫn còn sanh bông trái. Kinh Thánh xác nhận: “Những kẻ được trồng trong nhà Đức Giê-hô-va. Sẽ trổ bông trong hành lang của Đức Chúa Trời chúng ta. Dầu đến buổi già bạc, họ sẽ còn sanh bông trái. Được thạnh mậu và xanh tươi” (Thi. 92:13-14). Nếu đi theo khuôn mẫu của Si-mê-ôn và An-ne, chúng ta cũng sẽ có những trải nghiệm phước hạnh tương tự giống như họ bất luận tuổi tác của chúng ta như thế nào.

 

SỐNG Ở THÌ TƯƠNG LAI

Khuynh hướng của những người lớn tuổi là hoài niệm về quá khứ, chúng ta gọi là nhớ về “những ngày xưa tốt đẹp.” Tôi có một quyển sách trong tủ có tựa đề “Những Ngày Xưa Tốt Đẹp Không Phải Là Tốt Hết.” Trong đó tác giả viết về hệ thông chăm sóc y tế, đường sá, truyền thông, chăm sóc người già để chứng minh cho quan điểm của ông. Đôi khi những lĩnh vực đó thật kinh hoàng so với ngày nay. Sự thật là có nhiều điều trong quá khứ đọng lại trong ký ức của chúng ta, nhưng cũng có nhiều điều hơn – chúng ta không còn nhớ. Chúng ta có thể học các bài học từ lịch sử và áp dụng những kinh nghiệm quí báu trong quá khứ, nhưng rõ ràng chúng ta không thể sống trong quá khứ.
Si-mê-ôn và An-ne không nhìn lui về quá khứ. Họ đang nhìn tới tương lai. Si-mê-ôn đang “trông đợi sự yên ủi dân Y-sơ-ra-ên” (Lu-ca 2:25) và bà An-ne thuộc về một nhóm nhỏ của những người “trông đợi sự giải cứu của thành Giê-ru-sa-lem” (Lu-ca 2:38). Tình trạng thuộc linh của tuyển dân rất nguội lạnh tại thời điểm đó. Nhưng vẫn có những con người thầm lặng tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời và đang trông đợi đấng Mê-si đến trong cuộc đời của họ. Đức Chúa Trời đã phán với Si-mê-ôn rằng ông sẽ thấy Đấng Christ trước khi chết. Đó là một lời hứa kỳ diệu!
Hy vọng là một trong những sức mạnh vĩ đại nhất trong tấm lòng con người. Hy vọng về một cuộc sống tốt hơn sẽ giúp cho các công nhân tiếp tục làm việc. Hy vọng hòa bình giữa các quốc gia giữ cho các nhà ngoại giao đàm phán. Hy vọng tìm ra vác-xin chữa khỏi bệnh tật giúp các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm tiếp tục nghiên cứu. Thế giới ngoại bang hy vọng vào triết học, giáo dục và nói rằng mọi thứ sẽ tốt hơn khi con người có nó, nhưng thực ra họ không có căn bản cho điều họ gọi là “hy vọng.” Là Cơ đốc nhân, hy vọng hay sự trông cậy của chúng ta ở trong Christ. “Đức Chúa Jêsus Christ là sự trông cậy chúng ta” (1 Ti-mô-thê 1:1). Si-mê-ôn và An-ne hy vọng vào sự hiện đến lần thứ nhất của Đấng Christ. Và niềm hy vọng đó đã nhận được phần thưởng. Chúng ta hiện nay đang hy vọng vào sự hiện đến lần thứ hai của Đấng Christ. Cơ đốc nhân “đương chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ” (Tít 2:13). Và lời hứa của Chúa không bao giờ mất hiệu lực. Vì vậy, chúng ta hãy sống trong thì tương lai.
Một trong những phương cách tốt nhất để chúng ta sống trong thì tương lai là đầu tư cho thế hệ trẻ và chia sẻ với chúng những gì Đức Chúa Trời đã dạy chúng ta. Khi đọc sách Thi thiên, hãy chú ý đến cụm từ “dòng dõi sẽ đến” trong các Thi thiên 48:13; 71:18; 78:4, 6; 79:13; 102:18; và 145:4. Và đừng quên lời dạy của sứ đồ Phao-lô dành cho Ti-mô-thê là phải chuyển giao các giá trị thuộc linh cho thế hệ tiếp theo. “Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác” (2 Ti-mô-thê 2:2)
Chúng ta cũng lưu ý rằng sống ở thì tương lai là nhìn về tương lai đến cõi đời đời, nhưng điều này không có nghĩa là bỏ quên những trách nhiệm trong thì hiện tại.

Warren W. Wiersbe
Translated by Hon Pham

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn