Cơ Đốc nhân nên tạm ngưng nhóm lại?
Tác giả: Bác sĩ Alex Tang
Nguồn: https://ourdailybread.org/why-we-should-stop-meeting-together/
Biên dịch: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày
Vì sao Cơ Đốc nhân nên tạm ngưng nhóm lại trong thời điểm đại dịch Covid-19? Có phải bởi vì chúng ta không tin rằng Chúa sẽ bảo vệ chúng ta? Chẳng phải Chúa đã hứa trong Thi Thiên 91:5-6: “Ngươi sẽ chẳng sợ sự kinh khiếp ban đêm… hoặc dịch lệ lây ra trong tối tăm hay là sự hủy diệt phá hoại đang lúc trưa” sao?
Ngày càng nhiều hội thánh đang tạm ngưng các buổi nhóm thờ phượng và các sinh hoạt khác để hạn chế sự lây lan của vi-rút Covid-19. Thay vào đó, các hội thánh phát sóng trực tuyến buổi thờ phượng hoặc cung cấp đường dẫn đến các những nền tảng trực tuyến khác để khích lệ các tín hữu, giữ kết nối với nhau cũng như chia sẻ Lời Chúa.
Việc nhóm lại là một phần quan trọng trong truyền thống của hội thánh Cơ Đốc. Chúng ta nhóm lại để thông công, cầu nguyện, thờ phượng Chúa và gây dựng lẫn nhau. Ngay cả trong khoảng thời gian bị bách hại lớn, hội thánh cũng luôn cố gắng nhóm lại cách bí mật bất chấp nguy hiểm. Vậy thì tại sao chúng ta không nên nhóm lại trong lúc này? Vì sao chúng ta phải hủy tất cả các sự kiện tập trung đông người?
Không phải thiếu đức tin, nhưng chúng ta không thử Chúa
Trước hết, hội thánh tạm ngưng các buổi nhóm không phải là thiếu đức tin nơi Chúa. Nhưng đó chính là hành động bày tỏ sự tin cậy Chúa là Đấng đã tạo dựng loài người có lý trí để hành động cách phải lẽ. Đúng vậy, Chúa đã hứa ban sự bảo vệ của Ngài. Nhưng có phải vì vậy mà chúng ta nhảy từ tòa nhà 10 tầng và tin Chúa sẽ sai thiên sứ đỡ nâng chúng ta không? Chẳng phải Thi Thiên 91:11-12 đã nói rằng: “Vì Ngài sẽ ban lệnh cho các thiên sứ Ngài gìn giữ ngươi trong mọi đường lối ngươi… kẻo chân ngươi vấp nhằm đá chăng” sao?
Chúng ta cần phải suy xét liệu đây là đức tin hay là kiêu ngạo. Ma quỷ cũng đưa ra đề nghị tương tự với Chúa Jêsus khi đưa Ngài lên nóc đền thờ và bảo Ngài gieo mình xuống. Ma quỷ thậm chí đã trích dẫn Thi Thiên 91:11-12 (đúng vậy, ma quỷ cũng biết Kinh Thánh). Nhưng câu trả lời của Chúa Jêsus chính là sự dạy dỗ cho chúng ta. Ngài nói rằng chúng ta đừng thử Đức Chúa Trời, Ngài trích dẫn Phục Truyền 6:16: “Các ngươi chớ thử Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, như đã thử Ngài tại Ma-sa”.
Như Chúa Jêsus đã phán, vấn đề ở đây không phải là đức tin mà là thử Chúa. Tại Ma-sa, dân Y-sơ-ra-ên đã tranh cãi với Môi-se về việc thiếu nước uống, và Môi-se đã khiển trách họ vì thử Chúa bằng sự bất tuân và thiếu đức tin của họ. Đó là lý do vì sao thế hệ của Môi-se không được thấy Đất Hứa, và bị hình phạt phải lang thang trong sa mạc bốn mươi năm cho đến khi tất cả đều ngã chết (Thi Thiên 95:8-10).
Vì vậy, khi chúng ta nghi ngờ về đức tin của nhau hay cho rằng ai đó thiếu đức tin, hãy đảm bảo rằng đó không phải là hành động thử Chúa. Đôi khi chúng ta chỉ muốn xem thử liệu Chúa có thành tín giữ lời Ngài hay không. Tôi cho rằng việc tạm ngưng các buổi thờ thượng không phải vì chúng ta thiếu đức tin, nhưng đó là hành động thờ phượng Chúa.
Hạn chế tiếp xúc người khác là trách nhiệm của chúng ta
Thứ hai, hạn chế tiếp xúc người khác được xem là cách hiệu quả để hạn chế sự lây lan của vi-rút Covid-19. Chủng vi-rút này chỉ sống trong cơ thể người và lây lan giữa người sang người qua các giọt bắn (ho) và tiếp xúc (bao gồm bàn ghế bị nhiễm). Vi-rút dễ dàng phát tán khi các nhóm đông người tụ họp lại và có một người nhiễm bệnh. Nhưng khi người nhiễm bệnh được phát hiện nhanh chóng và được điều trị (chưa có cách trị hiệu quả, chỉ có phương pháp hỗ trợ) thì vi-rút sẽ chết và không thể lây lan.
Việc ngăn chặn sự lây lan từ người sang người sẽ giúp kìm hãm cơn đại dịch. Do đó, cần phải hủy tất cả các cuộc tụ họp công cộng. Hành động này được gọi là cách ly xã hội và là trách nhiệm xã hội mà chúng ta cần phải thực hiện. Đây cũng là hành động để bảo vệ lẫn nhau, đặc biệt những người trên 65 tuổi là độ tuổi có nguy cơ tử vong nhiều nhất vì vi-rút này.
Việc hạn chế tiếp xúc người khác cũng có một tác dụng khác là làm chậm quá trình lây lan của vi-rút. Nếu có quá nhiều người bị nhiễm và phát bệnh cùng một lúc, hệ thống y tế sẽ bị quá tải như tình trạng đang xảy ra ở Ý và Iran, và cũng là điều đã xảy ra tại Trung Quốc.
Chúng ta có thể làm được gì không?
Tôi muốn nhắc lại là không. Điều chúng ta có thể làm trong trách nhiệm của mình là giữ vệ sinh cá nhân và tin rằng đội ngũ y tế của đất nước sẽ hoàn thành nhiệm vụ.
Một số lời khuyên thiết thực cho tất cả chúng ta
* Ở nhà càng nhiều càng tốt.
* Hạn chế đi lại, cả trong nước và ngoài nước (ngay cả khi bạn đã trả tiền vé, sức khỏe của bạn vẫn quan trọng hơn).
* Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước khi ở nhà, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn khi ở bên ngoài.
* Nếu có bạn bè bị sốt và ho, hãy ở nhà và đừng đi thăm.
* Cố gắng nấu ăn ở nhà.
* Nếu buộc phải ăn ở ngoài, hãy sử dụng dung dịch sát khuẩn để xịt và lau khu vực ngồi ăn, mang theo dụng cụ ăn uống riêng.
* Tránh chạm tay lên mặt, mũi, miệng.
* Cố gắng ngồi cách xa người khác 2m.
* Tránh xa chỗ đông người, ngay cả những sân chơi hay khu vực ngoài trời.
Thực hiện trách nhiệm xã hội là hành động thờ phượng Chúa bằng cách bày tỏ tình yêu thương với người lân cận. Quyết định hủy hoặc tạm ngưng các hoạt động của hội thánh là phản ứng có trách nhiệm trước đại dịch vi-rút corona. Các hội thánh phải tìm những phương thức khác để kết nối trực tuyến với hội chúng, vì đã có công nghệ hỗ trợ. Hãy tiếp tục cầu nguyện để đại dịch này sẽ sớm chấm dứt và chúng ta có thể nhóm lại với nhau cách bình thường.
Ghi chú: Bài viết này trình bày quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày.
Đọc thêm các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/
Về tác giả
Bác sĩ Alex Tang là một diễn giả, chuyên gia xã hội học, tác giả và là nhà sáng lập Mục vụ Kairos Spiritual Formation. Ông cũng là Bác sĩ Cố vấn Khoa nhi của Bệnh viện Chuyên khoa KPJ Johor ở Johor Bahru và Phó giáo sư chuyên khoa Nhi của trường Đại Học Monash. Ông dạy môn thần học thực tiễn và là giảng viên trợ giảng tại Trường Kinh Thánh Malaysia (MBS) ở Malaysia và Trường Thần Học East Asia (EAST) ở Singapore. Bạn có thể truy cập website của ông tại www.alextang.org.