Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Họ Đã Nhìn Thấy Tương Lai Của Thế Giới

Họ Đã Nhìn Thấy Tương Lai Của Thế Giới

(Nhà thần học C.S. Lewis)

 

Chúng ta cũng nên nhớ rằng, dù trong bất kể tình huống nào, không gì có thể xảy ra ngoài tầm kiểm soát hay cánh tay chăm sóc của Chúa.

Kinh Thánh chép: “Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, đồn lũy tôi, Đấng giải cứu tôi; Đức Chúa Trời là hòn đá tôi, nơi Ngài tôi sẽ nương náu mình.” (Thi thiên 18: 2)

Khoảng 72 năm trước, nhà thần học C.S. Lewis đã nhắc nhở độc giả về sự thật đó, làm dịu nỗi sợ hãi về quả bom nguyên tử.

Những lời ông nhắc nhở cũng phù hợp với tình trạng hiện nay, liên quan đến COVID-19. Sau đây là đoạn trích từ bài luận mà Lewis đã viết vào những năm 1940, có tên là “Present Concerns/Mối lo ngại hiện thời”.

“Theo một cách nào đó, chúng ta nghĩ rằng bom nguyên tử là một vấn đề khủng khiếp. “Làm sao chúng ta có thể sống trong một thời đại nguyên tử?” Tôi rất muốn trả lời: “Cứ sống như bạn phải sống ở thế kỷ XVI khi bệnh dịch hạch ‘ghé thăm’ London gần như mỗi năm, hoặc như trong thời đại Viking, khi những kẻ đột kích từ Scandinavia có thể đột kích và cắt cổ bạn bất cứ đêm nào; hoặc như thực tế, bạn đang sống trong thời đại của ung thư, giang mai, tê liệt, những trận không kích, tai nạn đường sắt và tai nạn xe cộ.”

Nói cách khác, chúng ta đừng phóng đại tình huống khó khăn hiện tại chỉ vì nó “mới mẻ”. Tin tôi đi, bạn và tất cả những người bạn yêu thương đã bị kết án tử hình trước khi quả bom nguyên tử được phát minh: và nhiều người trong chúng ta sẽ chết theo những cách không hề dễ chịu. Đúng vậy, chúng ta đã có lợi thế rất lớn so với tổ tiên của mình: thuốc gây mê; nhưng cái chết vẫn luôn ở đó. Thật là nực cười khi bắt đầu khóc thút thít, rên rỉ và lo lắng chỉ vì các nhà khoa học đã phát minh thêm một “khả năng” có thể khiến chúng ta chết sớm hơn và đau đớn hơn, trong một thế giới vốn đã có nhiều “khả năng” gây chết chóc, nhưng thật sự thì cái chết không phải là một khả năng có thể xảy ra, nhưng đó là điều chắc chắn. Hành động đầu tiên cần thực hiện là chúng ta phải sát lại gần nhau. Nếu tất cả chúng ta đều bị huỷ diệt bởi một quả bom nguyên tử, hãy để quả bom đó thấy rằng chúng ta đang làm những việc hợp lý và nhân văn.

Cầu nguyện, làm việc, dạy, đọc, nghe nhạc, tắm cho trẻ em, chơi quần vợt, trò chuyện với bạn bè và chơi phóng phi tiêu, chứ không phải rúc vào nhau như những con cừu sợ hãi và chỉ nghĩ về những quả bom. Bom nguyên tử có thể làm tan nát cơ thể chúng ta (vi khuẩn cũng có thể làm điều đó) nhưng chúng ta không cần phải để nó chi phối tâm trí mình.”

Lewis không phải là người duy nhất nói những lời khôn ngoan giữa cơn hoảng loạn.

Nhà thần học thế kỷ 16 Martin Luther đã đưa ra suy nghĩ trong thời kỳ bệnh dịch hạch, với bức thư có tựa đề “Liệu một con người có thể trốn thoát khỏi bệnh dịch chết người”, nói về cách tốt nhất để vượt qua khó khăn về cả thể chất lẫn tâm linh: “Bạn nên nghĩ như vầy: “Theo lệnh của Chúa, kẻ thù đã đem đến cho chúng ta những thứ độc hại và chết người. Vì vậy, tôi cầu xin Chúa thương xót để bảo vệ chúng ta. Sau đó, tôi sẽ xông khói, thanh lọc không khí, uống thuốc điều trị, tránh những nơi và những người không nhất thiết phải gặp gỡ để không bị nhiễm bệnh, và đồng thời không gây nguy hiểm cho người khác, để đảm bảo không vô tình gây ra cái chết cho họ do sơ suất của tôi. Nếu Chúa muốn cất tôi đi, Ngài chắc chắn sẽ thấy rằng tôi đã làm những gì Ngài mong muốn ở tôi, vì vậy tôi không phải chịu trách nhiệm cho cái chết của chính mình hoặc người khác. Tuy nhiên, nếu hàng xóm láng giềng cần tôi, tôi sẽ không trốn tránh, mà sẽ đi ra để giúp đỡ họ.”

Cơ Đốc nhân vẫn có thể lo lắng, đặc biệt nếu chúng ta hoặc những người thân yêu như người già và người bị suy giảm miễn dịch đang ở trong vùng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Nhưng chúng ta không được để nỗi sợ hãi lấn át mình, vì Chúa đã ban cho chúng ta “tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ”, và khuyến khích chúng ta “trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời”, trình dâng lên Ngài mọi sự chúng ta đang sợ hãi và lo lắng (2 Ti-mô-thê 1:7, Phi-líp 4:6).

 

Dịch: Nhạn Võ

Nguồn: cbn.vn   và

https://www.oneway.vn

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn