Thứ Tư , 29 Tháng Một 2025
Home / THẦY ƠI / Đám Giỗ Của Người Tin Lành?

Đám Giỗ Của Người Tin Lành?

Mục sư Nguyễn Văn Ðại 

gio

Trong mấy mươi năm phục vụ Chúa, vài lần tôi bị ray rức với câu hỏi đơn sơ, nhưng rất khó trả lời: “Tại sao Tín Hữu Việt Nam được phép đi dự, hay nói nôm na là “Ði Ăn” Ðám Hỏi, Ðám Cưới, Ðám Tang… thì được, nhưng Ðám Giỗ thì lại không?  🙂  Nay, tôi rất vui được học lớp Thư tín Cô-rinh-tô cùng với Anh Chị Em, lại vui hơn nữa khi được phụ trách thảo luận đề tài này vì là cơ hội để học hỏi chuyên sâu hơn nữa về vấn đề mà mình còn nông cạn. Tuy nhiên, vì câu hỏi giáo sư đưa ra quá rộng lớn, nên tôi xin đặt vấn đề thảo luận gói ghém trong phần cuối câu hỏi mà thôi.

Ðặt Vấn Ðề: Có người cho rằng Hội thánh nên khuyến khích tín hữu tổ chức những buổi lễ tưởng niệm công ơn ông bà cha mẹ trong tinh thần ngợi khen Chúa, để thay thế cho tục thờ cúng ông bà.
A. TỤC THỜ CÚNG ÔNG BÀ TỔ TIÊN THẾ NÀO?
Trước khi bàn về Lễ tưởng niệm, ta cần hiểu Tục Thờ Cúng Ông Bà là gì? Xin bỏ qua khía cạnh nghi lễ thiết tưởng ít nhiều ai cũng biết, chỉ xin nói về khía cạnh xuất xứ và ý nghĩa; có vậy chúng ta thảo luận dễ hơn.
Những câu ca dao tục ngữ trong kho tàng Văn Chương Việt nam phảng phất một số quan điểm về Thờ cúng Tổ Tiên, mà chúng ta đã thuộc lòng từ khi còn “để chỏm” như: “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước thì phải nhớ nguồn” hoặc “Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
“Tập quán Thờ cúng Tổ tiên ở Việt Nam đã có rất lâu, đến khi Nho giáo du nhập vào nước ta, thì tập quán này được củng cố theo học thuyết của Khổng Tử mà biến thành một lễ nghi nghiêm túc trong việc thờ tự của Văn Hóa Tín Ngưỡng Việt Nam.” (1).
Ðạo hiếu: “Lòng hiếu thảo phụng sự cha mẹ lúc còn sống, tang lễ nếu cha mẹ qua đời”, như Luận ngữ đã ghi (Thiên II Vi Chính): “Sống thì lấy lễ mà thờ, chết thì lấy lễ mà táng, lấy lễ mà tế”. Lại thêm: “Hiếu để đối với cha mẹ là kính những người cha mẹ tôn trọng, yêu những người cha mẹ đã yêu mến, tế lễ những bậc cha mẹ phụng thờ” (2).
“Từ thời Vua Hùng dựng nước, Người Việt ta đã thờ Trời bằng Bàn Thiên để trước sân và tưởng nhớ kính thương Tổ Tiên ông bà cha mẹ bằng bàn thờ để trong nhà. Việc rước ông bà về với con cháu trong ba ngày Tết chỉ là một hành động luân lý của Ðạo Hiếu chớ không phải là việc thờ ma lạy quỉ” (3).
Thật ra, Khổng Tử vốn chủ trương chống lại sự thờ cúng thần linh: “Hoạch tội ư thiên, vô sở đão giả”(Kẻ mắc tội với Trời, dầu cầu đảo với vị thần nào cũng không khỏi) lại tiếp: “Kính quỹ thần nhi viễn chi” (Ðối với quỹ thần thì kính nhưng nên tránh xa)(4). Khi mang bệnh nặng, Tử Lộ đề nghị làm lễ cúng tế thần linh, nhưng Khổng Tử đã nhất định từ chối (5). Trái lại, Khổng Tử chủ trương phải thờ cúng tổ tiên, và khi hành lễ phải hết lòng cung kính, xem như Ông bà Tổ tiên có mặt tại đó, nên dạy rằng: “Tế như tại” (6).
Như vậy, Khổng tử đã dùng lễ tục thờ cúng tổ tiên làm một phương tiện dẫn dắt dân gian đến đức Hiếu, rồi đến Ðức Nhân, là lý tưởng tuyệt đỉnh của Nho Giáo. Có thể cho rằng theo Nho giáo việc thờ cúng tổ tiên chỉ là một lễ tưởng niệm vinh danh tổ tiên mà thôi (7), như Khổng tử đã dùng hai chữ : Tế “như tại”, có nghĩa là không hề có vong linh tổ tiên thật sự về dự buổi lễ, nhưng con cháu phải coi như là tổ tiên có mặt tại đó, để hành lễ một cách cung kính. Nhưng, ngày nay tinh thần đó đã phần nhiều đã mai một, từ khi có Lão giáo tràn sang nước ta, những chủ trương về tập tục thuật số, bói toán, cầu hồn và mê tín dị đoan đã xâm nhập, và làm ảnh hưởng các buổi lễ thờ cúng tổ tiên trong xã hội chúng ta cho đến ngày nay.
B. NÊN TỔ CHỨC LỄ TƯỞNG NIỆM KHÔNG?
Có người cho rằng Hội thánh nên khuyến khích tín hữu tổ chức những buổi lễ tưởng niệm công ơn ông bà cha mẹ trong tinh thần ngợi khen Chúa, để thay thế tục thờ cúng ông bà.
Trong thực tế, tại Việt Nam vấn đề này đã gây nhiều tranh cãi. Bởi ảnh hưởng tinh thần truyền giáo của các giáo sĩ đầu tiên quá thiêng liêng, sốt sắng, khi một người tin Chúa thì liền dẹp bỏ bàn thờ tổ tiên, đập bỏ các hình tượng trong nhà vì kể như là trước đây “thờ ma lạy quỷ”, kể cả việc cúng giỗ Ông bà cha mẹ cũng dứt khoát từ bỏ, không được tham dự (thể hiện qua các tác phẩm Hoàng tử Phi châu, Sanda Sadesin. . .)Tinh thần đó trở thành luật bất thành văn trong Hội thánh trong những buổi đầu Tin lành đến Việt nam, và đã trở thành truyền thống của Hội thánh gần nửa thế kỷ (1911-1960). Khi hoạt động của các Hệ phái Tin lành phát triển ở miền Nam Việt nam, thì việc tổ chức những buổi lễ tưởng niệm người chết, đã âm ỉ trong các Hội thánh. Tiếp đến thập niên 70- 80, Trong hoàn cảnh mới, Vấn đề trở nên nhạy cảm hơn về tinh thần mạnh mẽ truyền giảng, thực thi Ðại Mạng lịnh, nhất là hoạt động Hội thánh Tư gia phát triển mạnh, theo phương thức của Hội thánh thầm lặng đã tận dụng mọi cơ hội rao giảng Tin lành tại nhà riêng, nên đã xử dụng tổ chức Lễ tưởng niệm. Việc ấy cũng mang lại nhiều kết quả cứu người. Tuy nhiên, lúc ấy Tổng Liên Hội HTTLVN đã ra văn bản Cấm tổ chức “Ðám Giỗ Tin Lành”. Kế đến, Thập niên 90 khi nền thần học Châu Á phát triển đến Việt Nam, Hội thánh được huấn luyện về Phúc âm Hội nhập Văn hóa, thì xu hướng này được mỗi Hệ phái áp dụng theo một cách riêng. Tuy nhiên trong thực tế, đã có những Mục sư quá khắt khe nghiêm cấm tín hữu tham dự “Ðám giỗ Tin lành” chớ nói chi đến việc tổ chức Lễ tưởng niệm!? Có những trường hợp tín hữu “tin Chúa một mình”, đến ngày giỗ cha mẹ, người con mua thức ăn, hay phụ tiền chợ với gia đình cũng không được, bởi mục sư này cho rằng như vậy là cũng dự phần cúng tế hình tượng. Làm sao để bày tỏ lòng hiếu thảo đây?
Vậy, thực tế vấn đề vẫn chưa ngã ngũ! Một số chống làm đám giỗ Tin Lành và một số cho rằng có thể làm lễ tưởng niệm được.
C. ÐI TÌM GIẢI PHÁP
Giải pháp khả thi nhất đến từ Lời Ðức Chúa Trời. Ðặc biệt vấn đề tương đồng mà chúng ta tìm giải pháp đã được sứ đồ Phao-lô luận đến trong Sách Cô-rinh-tô. Hội thánh Cô-rinh-tô đã có sự phân rẽ vì vấn đề ăn của cúng thần tượng (I Côr 8-9:). Chúng ta suy gẫm về cách Phao-lô giải quyết và tìm giải pháp ứng dụng:
Giống như các gian hàng Người Việt chúng ta, hàng hóa được dọn ra buôn bán thảy đều được cúng, với mong ước mua may bán đắt. Thậm chí nếu mở hàng mà không suông sẻ, người bán sẽ “đốt phong long” cúng mở hàng lần nữa! Còn trái cây tại nhà người ngoại thì từ nải chuối, trái cam đều lấy trên bàn thờ mang xuống đãi khách. Cũng giống như vậy, trong xã hội ngoại giáo thời Tân Ước, hầu hết thức ăn đều có dính dáng tới sự thờ phượng của người ngoại. Thức ăn mua tại chợ thì hầu hết là phần dư thừa từ đền miếu, ăn tại nhà bạn bè thì các món cũng đã cúng tế bởi niềm tin của người ngoại giáo. Cho nên, muốn không dính líu của cúng thần tượng, Cơ Ðốc Nhân phải tự nuôi gia súc để ăn. Họ cũng phải từ chối lòng hiếu khách, tiệc tùng thân mật với người láng giềng. Cho nên, có người tại HT Cô-rinh-tô lập luận rằng”Mọi người đều hiểu biết” (8:1) Chỉ có một Ðức Chúa Trời, chẳng có thần nào khác (8:4) Nên họ cứ ăn vì cho rằng bởi chẳng có thần tượng nào nên của cúng thần tượng cũng chỉ là thức ăn thường mà thôi. Vậy thức ăn do Chúa dựng nên, họ chỉ cần cảm tạ mà nhận lãnh là được rồi (8). Phao-lô khẳng định vấn đề ở đây không phải là thức ăn như thế nào? Mà là việc ăn đó ảnh hưởng đến người khác như thế nào? Nếu vì ăn mà làm cho anh chị em vấp phạm thì tốt nhất là không nên ăn (8:7. 9. 11. 13) Có một số người lợi dụng “sự tự do” (I Côr 10:23) để ăn uống bừa bãi, đã gây ra vấp phạm, làm sa ngã đức tin những anh chị em yếu đuối. Phao-lô đã đứng trên thẩm quyền sứ đồ, lập luận trên những nguyên tắc thần học và đạo đức cơ bản, ông nói: Sự hiểu biết của người Cô-rinh-tô còn nông cạn, dễ kiêu ngạo (8:1-3) chỉ có tình yêu thương mới làm cho sự hiểu biết được trọn vẹn, cho nên người hiểu biết sẽ phải từ bỏ sự tự do cá nhân, hy sinh cho người yếu đuối khác, để họ không bị vấp phạm. Ðó là tình yêu thương và cũng chính là dấu hiệu người ta nhìn biết môn đồ Chúa (Giăng 13:35).
Vậy, theo ý Phao-lô thì [1] bối cảnh quyết định khi nào có thể ăn của cúng. [2] Ăn với lương tâm thanh sạch về các thức ăn được bày bán ở chợ (I Côr 10:24-26).[3] Mọi thức ăn đều có thể ăn được khi cảm tạ Chúa (I Côr 10:30), nhưng nếu đã cho biết là của cúng thì không ăn. [4] Không ăn vì lương tâm của người mời (I Côr 10: 27-30). Phao-lô giải quyết vấn đề tương đối rõ ràng tại HT Cô-rinh-tô, tuy nhiên nan đề là HT chung, nhất là tại Giê-ru-sa-lem thì không chủ trương như vậy. Giáo Hội Nghị tại thành Jêrusalem đã ra một quyết định và thông báo chung có 4 điều cấm đoán: Anh em phải kiêng ăn của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngột, và chớ tà dâm (Công vụ 15:29). Trong khi đó, một số nhà giải kinh cho rằng Phao-lô bất chấp lời quyết định trên của Giáo hội nghị Giê-ru-sa-lem (Công 15:1-35). Ông không để ý đến những điều qui định này (9).
Logo HH Media
BÀI THAM KHẢO THÊM:
🙂
Như vậy trong Hội thánh đầu tiên vẫn có hai quan điểm rõ rệt: Cấm vì ảnh hưởng theo Kinh luật Môi-se (Tín hữu gốc Do Thái giáo), Và có thể ăn nếu không làm vấp phạm (Phao-lô và tín hữu gốc ngoại bang). Vậy vấn đề khác biệt không nằm trong bình diện tín lý mà thôi, nó còn ảnh hưởng khía cạnh văn hóa và bối cảnh xã hội trong sự giải quyết vấn đề mà Phao-lô đưa ra cho Người Cô-rinh-tô. Vấn đề tổ chức lễ tưởng niệm ông bà trong hoàn cảnh Hội thánh giữa xã hội Việt Nam ngày nay cũng giống như vậy.
D. ÁP DỤNG
Ðúc kết từ ba phần trên, ta có:
A.Tinh thần “Tế nhi tại” của Khổng giáo thì khi cúng tế, chẳng có vong linh người chết tham dự, nên có thể cho rằng theo Nho giáo (nguyên thủy) việc thờ cúng tổ tiên chỉ là một lễ tưởng niệm vinh danh tổ tiên mà thôi. Văn hóa Tây Phương cũng giống điểm này. Họ còn tạc tượng, dựng bia các anh hùng, vĩ nhân, rồi đến ngày kỷ niệm, họ kéo đến dâng hoa, đốt lửa thiêng, đọc diễn văn, cung kính hành lễ, nhưng họ không bao giờ cho rằng vong linh các vị ấy đã hiện về có mặt tại nơi ấy đâu (10)
B.Tổ chức Lễ Tưởng Niệm có lợi nhiều hơn hại trong chiến lược rao giảng Tin lành. Trọng tâm buổi lễ là tưởng niệm công ơn của ông bà cha mẹ trong tinh thần ngợi khen Chúa, làm vinh hiển Danh Chúa (I Côr 10:31)
C.Không nên câu nệ Giáo điều và truyền thống mà bỏ qua những cơ hội cứu người (Mác 3:1-5; 2:27). Cho dù hiện nay vẫn còn những trở lực, đôi khi từ Giáo quyền, nhưng vì trách nhiệm “cứu người quan trọng hơn sự an nghĩ trong ngày Sa-bát” thì chúng ta thực hiện theo sự dạy dỗ về trọng tâm cứu người mà Chúa Jêsus đã dạy (Mác 2:27).
D.Quan điểm Cá nhân: Phúc Âm phải hội nhập văn hóa vì tôi tin rằng Phúc Âm vượt trên văn hóa. Tin lành là quyền phép Ðức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, nên chúng ta không hổ thẹn mà rao giảng (Rô-ma 1:16-17) Chúng ta tổ chức buổi lễ, rao giảng bằng đức tin, thì (Kinh thánh chép) lại dẫn đến đức tin nữa (c17). Ðừng vì lo sợ lời chỉ trích là làm “Ðám Giỗ Tin Lành”. Nếu tổ chức tốt, kết quả qua buổi lễ thường đem đến sự ăn năn, sự phục hưng cho những gia đình tín hữu yếu đuối hoặc chưa tin Chúa trọn vẹn. Ðó chính là lời biện minh hùng hồn nhất.
Sau hết, tôi xin mạo muội nêu ý rằng: Tất cả Hội thánh ngày nay trên thế giới đều làm “Ðám giỗ Chúa” (Ý vui!? trong hàm ý lễ tưởng niệm mà thôi!) mỗi tháng một lần, và mỗi năm làm đại lễ “Kỷ niệm Chúa giáng sinh” phải không? Chúa cũng muốn chúng ta làm lễ tiệc thánh để tưởng niệm Ngài phải không? (I Côr 11:23-29; Ma-thi-ơ 26:26-29. . .) Vì Chúa đã phán “Hãy làm điều này để nhớ ta”. Ý nghĩa chữ “nhớ ta” và “tưởng niệm ta” là cùng một nghĩa, mà Kinh Thánh Bản Diễn Ý là một chứng minh (11).
Mục sư Nguyễn Văn Ðại
nguoichanbay.wordpress.com

——————————————————————————-
SÁCH VÀ CÁC TÁC GIẢ THAM KHẢO:
1) Giáo sư Võ Thu Tịnh. “Thờ cúng tổ tiên với công cuộc truyền đạo Cơ đốc Việt Nam”
Tạp Chí Ðức Tin. Bộ mới 2002/1. Hội thánh Tin lành Bap tít Việt Pháp Torcy, Paris.
(2) Linh Mục Vũ Kim Chính “Ông bà Tổ Tiên- Giá trị Văn hóa của Người Việt liên hệ với việc truyền giáo” Ðại học Công Giáo Phụ Nhân, Ðài Loan, 2009.
(3) Mục sư Nguyễn Quang Minh “Theo Ðạo Chúa không bỏ thờ phụng Tổ Tiên”
Việt Báo Nam California, ngày 23/01/2009.
(4) Luận ngữ: Thiên III. Bát Dật, t.13.
(5) Luận ngữ: Thiên VII. Thuật Nhi, t.34
(6) Luận ngữ: Thiên VI. Ung Giả, t 32.
(7) Giáo sư Võ thu Tịnh “Vấn đề thờ cúng Tổ Tiên”
Tạp Chí Cội Nguồn: Mái Nhà Việt Nam . Thu 2007. Hoa kỳ.
(8) Giáo sư Kevin Quast “Các Thư Tín Cô-rinh-tô”
Viện Thánh Kinh Thần Học UCC. Tài liệu Giáo khoa BBL 506 Xuân 2009, t,81-84.
(9) Giáo sư Kevin Quast. T.83
(10) Giáo sư Võ thu Tịnh “Vấn đề thờ cúng tổ tiên” t. 22.
(11) Kinh Thánh Bản Diễn Ý, Mục sư Tiến sĩ Lê Hoàng Phu.

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn