Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / THẦY ƠI / TẾT VÀ TÔI

TẾT VÀ TÔI

TẾT VÀ TÔI

Tết, thì cũng chỉ là… Tết thôi, như những ngày lễ khác, có gì để mà kẻ phương xa phải nhớ rưng rức và buồn đến não lòng! Đã có lúc tôi tự hỏi mình như vậy. Mà cũng đã bật cười khi nghĩ đến một ai nào đó nặng lòng với quê hương, chắc chắn sẽ thận trọng nêu ra một số lý do vì sao người tha hương lại nhớ Tết, và cuối cùng không chừng sẽ mắng tôi một trận nên thân, bảo tôi là dân mất gốc!
Năm đầu tiên tôi rời quê nhà, chỉ còn hai tháng nữa là Tết nên tôi buồn lắm. Không, phải nói là buồn não lòng mới đúng. Buồn đến tưởng chừng không thể nào chịu nổi. Thuở đó như câu hát, “một lần đi là một lần vĩnh biệt”, tôi và những người cùng hoàn cảnh đã chẳng biết đến bao giờ mới có thể về lại thăm quê cũ, thăm người thân, nói gì đến ăn một cái Tết.
Tôi ra đi theo diện bảo lãnh bằng máy bay một cách rất an toàn. Có tiễn đưa, có tiệc tùng chia tay. Trước ngày đi còn được khám sức khoẻ và chích ngừa. Tuy nhiên không thể được phép chọn ngày đi như ngày nay, mà phải chờ sở ngoại vụ gửi thư đến nhà cho biết bao giờ thì được đi nhận vé máy bay. Và vé, luôn luôn định sẵn chỗ ngồi, giờ giấc, chuyến bay và hãng bay, còn người được gọi đi nhận thì như trúng thưởng, trúng lotto.
Mà thật sự cũng có thể ví đó như trúng lotto vì lúc ấy có vô số gia đình đã có visa… từ khuya rồi, nhưng hoàn toàn không biết đến bao giờ mình mới được lên máy bay. Nhiều gia đình khác được gọi đi nhận vé, nhưng năm lần bảy lượt vẫn không có. Người thì cầm vé trên tay rồi lại không có tên trong danh sách lên phi cơ. Vân vân. Rất, rất nhiều điều bất thường và bất trắc vào thời đó mà chẳng ai được giải thích lý do tại sao lại như vậy, và điều buồn cười hơn là không ai dám thắc mắc, không ai dám hỏi. Cứ như thể đó là điều quốc cấm, bí mật quân sự, hỏi đến sẽ không được chấp thuận cho đi nữa!
Từ lúc làm thủ tục, nộp hồ sơ, cho đến khi đi phỏng vấn, được đồng ý, được cấp visa, được gọi đi nhận vé máy bay, là một khoảng thời gian rất dài và rất hồi hộp. Nên vì thế mà khi mẹ con tôi được sắp xếp chuyến bay một cách vô cùng dễ dàng, suôn sẻ, tôi lại tỏ ước muốn được đi sau Tết thì mọi người chung quanh đều lớn tiếng mắng. Ai cũng bảo được đi là may lắm rồi, còn đòi hỏi nọ kia. Người khác bảo đi mới quan trọng chứ Tết nhất thì đâu có gì mà rối lên!
Tết nhất thì có gì để mà rối! Phải, vì Tết không phải là ngày đi thi, không là ngày thành hôn đã mời quan khách đến chung vui với mình nên chẳng thể thay đổi, cũng không phải là ngày được tiến cử vào một vị trí nào đó ở chỗ làm, càng không phải là ngày… có vé máy bay đi định cư nước ngoài. Vì tất cả những ngày quan trọng ấy có thể chỉ xảy đến một lần, có thể là cơ hội duy nhất, còn ngược lại Tết thì năm nào lại không đến! Không ăn Tết, không đón Tân Xuân, không Giao Thừa chắc chắn là chẳng… chết thằng Tây nào, cuộc sống cũng đâu có gì trở nên khác thường!
Tuy nhiên trong tâm trạng kẻ ra đi không một hứa hẹn có ngày được trở lại, tôi làm sao có thể nghĩ như vậy. Vì vậy những ngày cận Tết và đúng vào ngày Tết lần đầu tiên ở quê người, thì tôi đã như môt con mèo ốm, như một người mất hồn. Chung quanh tôi mọi thứ đều trở nên u ám. Nhìn đâu cũng có thể bật khóc. Một vạt cỏ lau, một tàu lá chuối ven rào hàng xóm, một con đường rải đá nhìn thấy ở đâu đó, một tiếng chim quạ, thậm chí một mảng nắng chiều soi trên lối đi ngoài cửa…, dẫu chẳng có gì liên quan đến Tết, vẫn làm tôi liên tưởng đến những cảnh vật ở quê nhà chiều ba mươi, sáng Tân Xuân. Tôi đã buồn khổ như đánh mất một báu vật vô cùng quan trọng trong cuộc đời mình.
Nhưng vào năm sau, mới là một cái Tết tôi đã đổ nước mắt nhiều hơn. Mới thê lương hơn. Bởi ngay vào ngày mùng một, đã không Tết nhất, tôi lại còn khám phá ra những bằng chứng có một người phụ nữ khác chen chân vào đời sống hôn nhân của mình. Tình cảnh gia đình tôi lúc ấy trở nên bi đát, thảm sầu hệt như một cảnh chợ chiều cuối năm. Hay nói đúng hơn là tôi, xa nhà, không người thân, không cả bạn bè mà lại rơi vào cảnh ngộ như vậy mới ai oán, não nùng. Do đó dẫu Tết, tôi vẫn không thể nào còn hơi sức để nghĩ đến Tết. Dẫu Tết, tôi vẫn khóc sưng cả mắt, vẫn tưởng thế giới đã hoàn toàn sụp đổ trước mặt mình.
*

Người ta nói, cuộc sống luôn luôn có những cánh cửa, những con đường, những hướng đi để rẽ sang lối khác khi ai đó gặp bế tắc mà muốn không ngồi một chỗ để thở than cho số phận. Tôi đã… miệt mài khóc lóc như vậy cho đến ngày một cánh cửa, một con đường mở ra với tôi. Một cánh cửa rộng hơn và đẹp đẽ hơn, một con đường êm ái hơn, thênh thang hơn tất cả những gì tôi từng trải trong quá khứ. Tôi đã gõ vào cánh cửa mà Thiên Chúa hứa, “Hãy xin sẽ được; hãy tìm sẽ gặp; hãy gõ cửa sẽ mở cho, bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở”. (Phúc âm Ma thi ơ 7:7).
Tôi đã được vực dậy, và đã dám trực diện với cuộc đời cùng hoàn cảnh của mình bằng một sức lực mới như lời Chúa hứa, “Hãy trao gánh nặng ngươi cho Ðức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng đỡ ngươi” (Thi-thiên 55:22). Câu Kinh Thánh đầu tiên tôi thuộc, cũng nằm trong sách Thi Thiên, chạm vào tôi, “Sự khóc lóc đến trọ ban đêm nhưng sáng ra bèn có sự vui mừng” (30:5), khiến tôi bật dậy lau nước mắt, gạt khô những giọt lệ, tập bước theo Chúa với lời cầu nguyện và phó thác đời mình trong tay Ngài.
Thành thật mà nói là không phải một sớm một chiều tôi vững vàng bước đi một cách dễ dàng như vậy. Vì để nuôi con mà không có sự hỗ trợ của người đàn ông bên cạnh, tôi đã phải vùng vẫy rất nhiều. Càng không phải hễ là người đã tin Chúa thì tôi không gặp trở ngại. với những hiện thực chung quanh. Trong lúc tiếng Anh chỉ biết căn bản từ những năm trung học, rồi với một công làm việc có mức lương khiêm tốn trong thời gian đầu tiên, tôi đã phải nhọc nhằn ghê lắm. Nhưng với sự hỗ trợ tinh thần và được sự cầu thay từ anh chị em trong cộng đồng con dân Chúa, được lời Chúa làm trụ cho tôi nghiêng vai những lúc tôi xiêu ngã, những tháng năm sau đó, nhận sức mới từ nơi Chúa, sự an ủi của Ngài, tuy chậm chạp nhưng tôi dần dà vững tâm và đi trong sự an lành vững chắc tựa như bài hát tôi vẫn thích “Tâm linh tôi yên ninh thay”.
Tôi bắt đầu ăn Tết với anh chị em trong Hội Thánh. Từ Úc rồi cho đến Âu châu. Ở mỗi Hội Thánh tôi nhóm, tôi tham gia khi nấu nướng với các bà các cô, khi tập kịch với các cháu, khi trang hoàng làm pháo Tết với các anh chị, rồi phụ bán hội chợ Tết, hát trong ca đoàn… Những chiều ba mươi, ngày mùng một ở Hội Thánh, tôi tất bật đến chẳng còn thì giờ để “nhớ về quê nhà, nhất là những buổi chiều mưa rơi…”. Tôi tưng bừng áo xống ngày đầu năm, đi hái lộc là những câu Kinh Thánh treo trên những nhành Climatis trông giống như mai, hoặc mai giả làm bằng nhựa hay vải.
Tết ở quê người, từ không khí, thời tiết cho đến quang cảnh đều… không thật. Ở Úc, trời tháng Chạp tháng Giêng nắng đổ lửa, nhìn ra đường cứ như nhìn mặt hồ lấp lánh nước, người dân địa phương lại quần shorts áo thun nên khó có thể nào hình dung ra được một không khí Tết. Ở Đức rồi ở Mỹ thì lại chỉ có thể thấy tuyết trắng xoá vào những ngày này. Tôi vẫn hay đùa là nếu có một ông nào đó thích tôi chắc cũng không dám đến thăm đêm ba mươi, vì không làm sao tìm được người phu quét đường giữa lúc trời băng giá để kiếm cho ra một chiếc lá vàng mà làm bằng chứng yêu tôi!
Cũng vẫn xa nhà, vẫn những cái Tết… giả bộ, nhưng điều quan trọng nhất với tôi là tôi đã không còn thấy buồn nữa. Không phải vì tôi bận rộn với anh chị em trong nhà thờ, hay vì tôi đã quên những tháng ngày cơ cực, những tháng ngày bị bỏ rơi ở quê người, mà chỉ vì lòng tôi tươi mới. Trời có sắp Tết hay chẳng Tết, tôi cũng vui như Tết. Khi sang định cư ở Hoa Kỳ, lại là một nơi không bạn bè và đồng hương thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng cứ cận Tết, con rể tôi, là người Mỹ, nhưng vẫn luôn nhắc chừng tôi làm bánh tét, bánh chưng, hai cháu tôi lại hỏi bà ngoại đã… giặt mùng màn chăn chiếu chưa, rồi con gái tôi đi mua sắm bánh mứt…, khiến tôi không thể nào không thấy Tết. Chúng tôi “ăn” Tết với nhau bất kể thời tiết, hoàn cảnh bên ngoài như thế nào. Thậm chí có năm trời bão lớn, máy sưởi hư chúng tôi phải ra khách sạn ở vài ngày mà cũng cố mang theo bánh tét, dưa món rồi hỉ hân “ăn” Tết.
Ở những nơi tôi từng sống hay đi qua, nhiều chốn đông đồng hương, và có vô số hội đoàn, nên không khí Tết có vẻ rất rộn rã. Hoa quả, bánh mứt được bày bán giống hệt như ở quê nhà. Ở những nơi khác như Nam Cali, pháo còn được đốt tưng bừng, rân ran trên phố. Nhà thờ, chùa chiền tổ chức nginh Xuân, cộng đồng tổ chức hội chợ, văn nghệ văn gừng với những ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, rồi người người nhà nhà thăm viếng chúc phúc nhau y như… Tết thật. Tuy vậy vẫn có rất nhiều người không cảm thấy vui. Vẫn có rất nhiều người phàn nàn Tết quê người thiếu không khí, thiếu mùa xuân. Nhiều người vẫn buồn rầu thờ ơ đứng ngó người chung quanh mình trẫy hội.
Tôi không dám chắc do lòng buồn hay do trong thâm tâm người ấy không cảm thấy hài lòng với những gì mình có. Mà kỳ lạ hơn, là thỉnh thoảng lại có một số bè bạn tôi, người quen biết, những người còn ở lại trong nước, khá thành công trong xã hội, về vật chất có thể nói không thiếu thứ gì, năm nào cũng có thể đón Tết với gia đình, bà con và thân cận, nhưng vẫn than thở Tết chẳng có gì vui.
Tôi không dám hỏi thực hư, nhưng nhớ đến câu thơ của thi hào Nguyễn Du, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” mà bâng khuâng, mà xuyến xao cho bạn.
Tôi cũng không dám nói phải chăng tôi có niềm vui thật sự từ đấng ban cho, nên dẫu Tết ở nơi đây chỉ là… fake, nhưng vẫn thấy vui? Lại thêm một điều, tôi biết mình được lắm phước hạnh từ nơi Chúa, nên đầu năm, dẫu không có ai tới “xông đất” với những câu chúc lành, vẫn thấy lòng mình vô cùng hạnh phúc.
Tết và tôi, như vậy đó….

HOÀNG NGA

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn