Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / THẦY ƠI / Già Và Trẻ

Già Và Trẻ

 

SA-MU-ÊN

“Ta đã đi trước đầu các ngươi từ khi ta còn thơ ấu cho đến ngày nay.”

1 Sa-mu-ên 12:2

Một dấu hiệu bày tỏ một người là đầy tớ chân thật của Đức Chúa Trời đó là người ấy thường bị chống đối, bị lợi dụng và có lúc bị giết. Sau khi đã chôn cất người, dân chúng sẽ đau buồn và tôn vinh người đầy tớ ấy.

Sa-mu-ên là một mẫu mực tuyệt vời. Từ khi còn trẻ cho đến lúc già, Sa-mu-ên đã trung tín hầu việc Đức Chúa Trời và người Y-sơ-ra-ên, song chính trong giờ phút cần ông nhất thì tuyển dân đã loại bỏ ông!

Mọi người đều thừa nhận đời sống và mục vụ của Sa-mu-ên là trọn vẹn, nhưng họ vẫn loại bỏ ông! Tại sao? Lý do không phải là vì những người con của Sa-mu-ên không đủ phẩm chất để kế nghiệp cha, nhưng lý do thật sự là vì Y-sơ-ra-ên muốn có một vị vua để họ trở nên giống như những dân tộc khác. Họ không còn muốn Đức Chúa Trời là Đấng cai trị họ nữa. Họ muốn có một siêu anh hùng bằng xương bằng thịt để họ có thể đi theo và khoe khoang với các dân ngoại. Mọi quốc gia khác đều có vua, và đối với dân sự của Đức Chúa Trời, họ cảm thấy xấu hổ vì không theo kịp các nước khác. Tuy nhiên khi dân sự của Chúa trở nên như bao dân tộc khác, họ thường không đi theo ý muốn Chúa. Dân sự của Đức Chúa Trời cần phải khác biệt.

Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên điều họ cầu xin, một chàng trai trẻ tên Sau-lơ, tuy nhiên người này chỉ khiến cho đất nước lâm nguy. Đôi khi Chúa đoán xét các quốc gia (bao gồm Hội Thánh và cá nhân) bằng cách đem đến cho họ điều họ đáng phải nhận. Sa-mu-ên đã than khóc suốt cả phần đời còn lại của mình bởi vì Sau-lơ và quyết định của dân sự.

Khi các lãnh đạo lớn tuổi, tin kính và có kinh nghiệm bị thế hệ trẻ cho ngưng công tác và thế hệ trẻ bắt đầu làm mọi việc khác đi, các lãnh đạo lớn tuổi ấy sẽ phải làm gì? Họ nên làm theo gương của Sa-mu-ên.

VÂNG PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI

Nếu có lớp học về bài học cuộc sống qua những trải nghiệm đau thương thì Y-sơ-ra-ên sẽ là thành viên đứng nhất lớp. Họ hiếm khi nghe và vâng theo Lời Chúa; ngược lại, họ thường thỉnh cầu Chúa một sự thay thế khác. Thông thường Chúa sẽ cho phép họ đi theo con đường của mình, và hậu quả là họ sẽ gặp rắc rối và rồi kêu cầu sự giúp đỡ của Chúa. Ngày nay, có nhiều con dân Chúa cũng như thế.

Sa-mu-ên cầu hỏi ý Chúa muốn ông phải làm gì, và Chúa phán cùng ông rằng hãy cho dân sự điều họ muốn. Hình phạt lớn nhất của Đức Chúa Trời đó là để cho tuyển dân  đi theo con đường của họ. Ngài để họ nhận lấy hậu quả của tội lỗi (Rô-ma 1:24, 26, 28). Chúa phán cùng Sa-mu-ên hãy cảnh báo dân Y-sơ-ra-ên về cuộc sống khi có một vị vua sẽ ra thể nào, nhưng khi Sa-mu-ên cảnh báo thì dân sự không tin. Dân sự trả lời rằng: “Không, phải có một vua trên chúng tôi,” và Chúa phán rằng: “Hãy nghe theo tiếng chúng nó và ban cho chúng nó một vua” (1 Sa-mu-ên 8:19-22).

Thời thế thay đổi và ông già Sa-mu-ên biết điều đó. Ông sẽ là vị quan xét cuối cùng (Công vụ 13:20). Xung khắc xảy ra giữa hai thế hệ và nhiệm vụ của Sa-mu-ên đó là giúp cho sự chuyển tiếp giữa các thế hệ diễn ra dễ dàng nhất cho dân sự. Ralph Waldo Emerson viết trong tiểu luận “Giáo dục” của mình rằng: “Hiển nhiên thế hệ kế tiếp và thế hệ sắp qua đi hiếm khi hiểu nhau,” và nhận định của ông vẫn còn đúng đắn. Sa-mu-ên biết về quá khứ và học được từ đó; dân sự thì quên đi và không cần lắng nghe các bài học trong quá khứ. Tuy nhiên người không biết về quá khứ thì khó hiểu được hiện tại và không thể chuẩn bị tốt cho tương lai. Một số Hội Thánh ngày nay cũng đang ở trong tình trạng ấy.

Nếu thế hệ trẻ không cần đến bạn, hãy cứ trung tín với Chúa và vâng lời Ngài. Họ không chối bỏ bạn; nhưng họ chối bỏ Chúa. Y-sơ-ra-ên sẽ lại một lần nữa chối bỏ Đức Chúa Giê-su mà la lên rằng: “Chúng tôi không có vua khác, chỉ Sê-sa mà thôi.” (xem Giăng 19:15).

CẦU NGUYỆN VỚI CHÚA

Sa-mu-ên được sinh ra bởi vì cha mẹ của ông biết cách cầu nguyện. Khi An-ne đem con trai mình dâng lên cho Chúa, bà đã nói với Hê-li rằng: “Ấy vì đứa trẻ nầy mà tôi cầu nguyện” (1 Sa-mu-ên 1:27). Tên mà An-ne đã đặt cho con trai có nghĩa là “Đức Chúa Trời nhậm,” chính vì thế từ thuở nhỏ, Sa-mu-ên đã học biết tầm quan trọng của sự cầu nguyện mỗi khi ông được mẹ gọi tên. “Trong vòng các thầy tế lễ Ngài có Môi-se và A-rôn; Trong vòng các người cầu khẩn danh Ngài có Sa-mu-ên” (Thi 99:6). Tiên tri Giê-rê-mi đã viết rằng: “Dầu Môi-se và Sa-mu-ên đứng trước mặt ta, nhưng lòng ta cũng chẳng hướng về dân nầy” (Giê 15:1). Đó chính là danh tiếng của Sa-mu-ên trước mặt Chúa, vậy tại sao phải lo con người suy nghĩ về mình như thế nào? Nếu Sa-mu-ên cầu nguyện thì thời tiết sẽ thay đổi. Nếu ông cầu nguyện một lần nữa thì các đạo quân sẽ bại trận.

Dân tộc này đang chối bỏ người lớn tuổi, cầu xin người trẻ tuổi, nhưng họ đã quên Đấng hằng sống đời đời. Họ đã quên lời Môi-se: “Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi ở của chúng tôi” (Thi 90:1). Đức Chúa Trời lắng nghe lời Sa-mu-ên cầu xin cho: Y-sơ-ra-ên,  vua Sau-lơ, chàng trai trẻ Đa-vít, và cho thế hệ mới. Và vào đúng thời điểm Chúa sẽ đáp lời theo cách của Ngài. Trong bài diễn văn chia tay, Sa-mu-ên nói rằng: “Còn ta đây, cũng chẳng phạm tội cùng Đức Giê-hô-va mà thôi cầu nguyện cho các ngươi” (1 Sa-mu-ên 12:23). Thế hệ mới có lẽ không muốn Sa-mu-ên lãnh đạo, nhưng họ không thể khiến ông ngưng cầu nguyện.

Mục vụ vĩ đại nhất mà thế hệ đi trước có thể làm cho thế hệ mới đó là cầu nguyện cho họ. Việc này không phải là một sự lựa chọn nhưng là một sự bắt buộc.

DẠY DỖ LỜI CHÚA

Sa-mu-ên không ngừng cầu nguyện; ông nói thêm rằng: “Ta sẽ dạy các ngươi biết con đường lành và ngay” (1 Sa-mu-ên 12:23). Điều này khiến chúng ta nhớ đến thứ tự ưu tiên của các sứ đồ: “Còn chúng ta sẽ cứ chuyên lo về sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo” (Công 6:3-4). Hai điều thiết yếu này không bao giờ được tách rời. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó” (Giăng 15:7). Người ấy phải hiệp nhất trong Lời Chúa và trong sự cầu nguyện.

Chủ đề về Lời Chúa và sự cầu nguyện gắn liền với nhau xuyên suốt trong Kinh Thánh. Môi-se lên núi để cầu thay cho người Do Thái và rồi ông xuống núi để chia sẻ Lời Chúa cho dân sự. Đa-ni-ên học lời của các tiên tri và cầu nguyện về những lẽ thật mà ông được học (Đa-ni-ên 9). Phao-lô giao phó các trưởng lão Ê-phê-sô cho Chúa – đây là lời cầu nguyện – “và cho đạo của ơn Ngài” (Công vụ 20:32); và khi mô tả về các khí giới của người tin Chúa, ông đã liên kết gươm Thánh Linh – Lời Chúa – với sự cầu nguyện (Ê-phê-sô 6:17-18). Đức Chúa Giê-su dậy sớm để cầu nguyện, và sau đó Ngài đi ra giảng dạy Lời Chúa (Mác 1:35-39). Có Kinh Thánh nhưng không có sự cầu nguyện cũng giống như có sự sáng nhưng không có năng quyền. Cũng vậy, cầu nguyện nhưng không có Kinh Thánh cũng giống như sự sốt sắng nhưng không có kiến thức; chính vì thế chúng ta cần phải cân bằng giữa Lời Chúa và sự cầu nguyện.

Khi bị loại bỏ khỏi chức vụ, Sa-mu-ên đã làm một điều tuyệt vời: ông mở “trường tiên tri” và dạy cho thế hệ tiên tri tiếp theo phương cách để hầu việc Chúa. Ngôi trường của Sa-mu-ên được mở ra tại Ra-ma chính là quê hương của ông (1 Sa-mu-ên 19:18-24) và tại Ghi-bê-a chính là quê hương của Sau-lơ (1 Sa-mu-ên 10:5-7). Về sau, các ngôi trường khác được mở ra tại Ghinh-ganh, Bê-tên và Giê-ri-cô (2 Các vua 2; và xem 1 Các vua 20:25). Clovis Chappel viết rằng: “Vị tiên tri khôn ngoan này đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ trong thời đại của ông. Một người đã già nhưng bên trong vẫn còn tươi trẻ thì không có dấu hiệu nào rõ ràng hơn việc người đó chê trách thế hệ trẻ… bởi vì họ mà ông đã mở các trường thần học.”[1] Nói một cách đơn giản, Sa-mu-ên vâng theo Lời Chúa, bởi vì Đức Chúa Trời truyền lệnh cho thế hệ đi trước phải dạy dỗ thế hệ trẻ đường lối Chúa và Lời Ngài (xem Phục truyền 11:18-21; 32:46; Thi 34:11-14; 78:1-8; và ghi chú tại 2 Ti-mô-thê 2:2).

ĐAU BUỒN TRƯỚC CHÚA

“Sa-mu-ên chẳng còn thấy Sau-lơ nữa cho đến ngày mình thác; vì người buồn bực về việc Sau-lơ; còn Đức Giê-hô-va hối tiếc đã lập Sau-lơ làm vua của Y-sơ-ra-ên” (1 Sa-mu-ên 15:35). Sa-mu-ên là một người hợp với tấm lòng của Chúa. Cả ông và Chúa đều buồn bực.

Vấn đề tại đây không phải là việc phóng đại “những ngày tốt đẹp xưa kia” như cách mà một số người lớn tuổi thường nói. Có người nói rằng “những ngày tốt đẹp xưa kia” thường là sự kết hợp giữa những kỷ niệm xấu và sự mơ tưởng về điều tốt đẹp, và nhận định này đôi khi rất đúng. Không, Sa-mu-ên buồn bực vì tình trạng thuộc linh suy bại của dân sự và sự ngu ngốc của Sau-lơ khi đánh mất cơ hội hầu việc Chúa và dựng xây đất nước. Giô-na-than, con của Sau-lơ, thậm chí đã nói rằng: “Cha ta làm rối cho xứ” (1 Sam-mu-ên 14:29). Một vấn đề mà Hội Thánh ngày nay đang đối diện đó là người trẻ không muốn hòa nhập với “các ông già cổ hủ” để học sự khôn ngoan và cái nhìn thuộc linh từ họ. Đa-vít là một trường hợp ngoại lệ: ông tìm đến Sa-mu-ên để được hướng dẫn (1 Sa-mu-ên 19:18). Sa-mu-ên chính là cố vấn của vị vua tiếp theo.

Ngày nay, đâu là những mảnh vỡ đau buồn còn sót lại, là điều nắm giữ tương lai của chúng ta? Cũng như Sa-mu-ên, chúng ta nên than khóc, cầu nguyện, dạy dỗ và khích lệ, dù chúng ta có phải thi hành chức vụ “bên ngoài tổ chức.” Giê-rê-mi ao ước có thể được khóc nhiều hơn nữa trong khi cầu nguyện cho dân sự sa ngã của Đức Chúa Trời (Giê-rê-mi 9:1-6). Ông lớn tiếng nói rằng: “Khốn nạn cho tôi vì vết thương tôi! Vít tôi là đau đớn!” (Giê-rê-mi 10:19). Trong thời Ê-xê-chi-ên, Đức Chúa Trời đặt một dấu trên trán dân sự tại Giê-ru-sa-lem, “những người nào than thở khóc lóc về mọi sự gớm ghiếc đã phạm giữa thành nầy” (Ê-xê. 9:4), và Ngài truyền cho Ê-xê-chi-ên phải kêu rên trước dân sự “với tấm lòng tan vỡ và sự cay đắng buồn bực” (Ê-xê. 21:6). Đức Chúa Giê-su khóc cho thành Giê-ru-sa-lem bởi vì họ không nhận biết tình trạng đáng buồn của mình và sự đoán xét sẽ đến (Lu-ca 19:41-44).

Song, cũng như trong thời đại của Giê-rê-mi, ngày nay nhà của Chúa tràn đầy tiếng cười, và dân sự của Đức Chúa Trời muốn được giải trí chứ không muốn được khai trí. Nhà thờ đã trở thành một khán phòng và bục giảng trở thành sân khấu để cho “các chuyên gia thờ phượng” trình diễn và đảm bảo rằng chương trình được chạy theo đúng kế hoạch. Không giống như ngày xưa, Đức Chúa Trời không cho phép Chúa Giê-su Christ đến thanh tẩy đền thờ, dẹp tan mọi việc sai trật ở đó! Các thánh đồ ngày nay cần phải lắng nghe lời của Gia-cơ: “hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn. Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên” (Gia-cơ 4:9-10). Gần đây bạn có được nghe thông điệp này hay không? Có lẽ không!

Cầu nguyện là đầu tư cho tương lai. Vâng, Sa-mu-ên cầu nguyện cho Sau-lơ được giải phóng khỏi sự kêu ngạo và giả tạo, nhưng ông cầu nguyện cho Đa-vít là người ông đã xức dầu, để Đa-vít trở thành vị vua tiếp theo. Sa-mu-ên cầu nguyện cho những người trẻ trong trường học của ông để họ trung tín với Chúa trong những ngày điêu tàn ấy. Ông cầu nguyện cho chính mình để ông có thể kết thúc một cách tốt đẹp – và đúng là như thế.

Một câu châm ngôn của người Hy Lạp nói rằng: “Chim đại bàng già hơn chim sẻ non.” Sa-mu-ên chính là đại bàng. Ông có thể dạy chúng ta, những con chim sẻ biết cách bay trên không trung.

 

Warren W. Wiersbe

Translated by Vinh Hien

 

[1] Clovis Chappel, More Sermons on Biblical Characters (New York: Richard Smith, 1930), 32.

 

GIỚI THIỆU:

(Hình ngôi nhà cần bán)

Cần bán nhà mặt tiền. Địa chỉ: 26 Đường số 2, Khu Dân Cư Thăng Long, Phường Bình Trị Đông B. Quận Bình Tân. TP. HCM. Diện tích đất: 120 mét vuông. Diện tích xây dựng: 73,75 mét vuông. Diện tích sàn: 215,75 mét vuông. Giấy tờ hợp lệ (sổ hồng). Liên hệ: Thùy Trang. ĐT: 0903140125; 0989249554  

 

Mô tả chi tiết:
Phòng khách:1
Phòng họp trên lầu 3 đủ chỗ cho 70 người ngồi: 1
Phòng vệ sinh: 7

Phòng ngủ: 4
Nhà bếp:1
Ga-ra để ô tô: 1

Có thể xem sổ hồng sau đây:

Những ai có thiện chí, vui lòng đến khảo sát nhà và thương lượng giá cả phù hợp.

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn