Thứ Năm , 21 Tháng Mười Một 2024
Home / THẦY ƠI / Tính Chất Mạo Hiểm Của Đức Tin

Tính Chất Mạo Hiểm Của Đức Tin

“Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6)

Điều vui mừng nhất là mỗi khi chúng ta để cho Chúa có một cơ hội  làm công việc Ngài. Chúa muốn mình góp phần trong điều gì mà Chúa làm. Chúa không bao giờ muốn dừng lại không làm gì cả, vì thế điều quan trọng là chúng ta tìm biết Chúa muốn làm điều gì. Tôi khám phá ra rằng cách mà để chúng ta tìm biết được Chúa muốn làm việc thế nào đó là bước đi trong đức tin. Chúng ta cần phải bước vào trong cánh đồng để thấy Chúa đang làm gì. Nhưng khi chúng ta bước đi trong đức tin, chúng ta cần phải có một quan điểm chống lại sự quá tự tin. Có nhiều người chỉ muốn thăm dò, để thấy những gì Chúa muốn làm. Khi Chúa không hiện diện trong kế hoạch đó, họ nỗ lực bằng sức riêng để hoàn thành, đó là một sai lầm nghiêm trọng. Đôi khi chúng ta có thể giao thác một điều gì đó và chúng ta trông chờ khá nhiều vào đó. Rồi thì chúng ta bắt đầu bơm hết năng lực vào trong chương trình mà Chúa không dự phần. Tôi cũng đã nhiều lần bước đi như thế và cuối cùng nhận thấy rằng Chúa không có ở trong đó. Thế thì chúng ta phải làm gì? Phải rút lui. Những gì mà đưa chúng ta vào thế kẹt, khi chúng ta khoe khoang mà nói, “Chúng ta sẽ thành công trong điều này”, thì chúng ta sẽ thấy mình tốn hết tất cả năng lực cố gắng để tạo ra một điều gì mà Chúa không có dự phần trong đó. Và điều này có thể làm chúng ta tan nát. Khi tôi bước đi trong đức tin, nếu được thành công tôi vui mừng và nói, “Rất tốt! Chính Chúa hướng dẫn tôi.” Và nếu thất bại, tôi  bước lui lại và nói, “Tôi nghĩ đó là một ý kiến hay, nhưng nó đã sụp đổ ngay bước đầu tiên”. Vì vậy, tôi nghĩ rằng,  chúng ta phải có sự cẩn thận trong bất cứ  bước đi nào của đức tin.

Ở trong Cựu Ước, chúng ta thấy câu chuyện của vua Sau-lơ, trong suốt thời gian trị vì của ông, ông đã xây dựng một đạo binh. Ông chỉ huy một phần lớn, Giô-na-than con trai ông chỉ huy một phần nhỏ hơn. Đó cũng không phải là một đạo quân đông, nhưng một ngày kia dân Phi-li-tin đã tấn công Y-sơ-ra-ên; và phen nầy kẻ thù nhất định  phải tiêu diệt tuyển dân của Chúa.  Họ là một quân đội hùng mạnh, có cả chiến mã xa, làm cho phần lớn quân của Y-sơ-ra-ên phải bỏ chạy qua bờ bên kia sông Giô-đanh. Sau đó, Giô-na-than thức tỉnh trong đêm với những ý tưởng băn khoăn nhưng cũng đầy phấn khích: “Nếu Chúa muốn giao phó dân Phi-li-tin cho Y-sơ-ra-ên, Ngài đâu cần có cả một đội quân, Chúa chỉ cần một người mà đồng lòng với mục đích của Ngài. Chúa có thể hoàn thành mục đích của Ngài qua một người. Chúa chỉ cần một người mà thôi”. Điều nầy đem tới sự thách thức và kích động Giô-na-than. Cuối cùng ông đã trỗi dậy, mặc quân phục và nói rằng: “Hãy đi qua bên đó xem thử Chúa có muốn giao phó dân Phi-li-tin cho Y-sơ-ra-ên không”

Như thế họ đã bước đi trong đức tin. Họ đã quyết tâm rằng, hãy xem nếu Chúa muốn làm điều gì ngày hôm nay. Nhưng Giô-na-than muốn có sự bảo đảm, ông nói: “Chúng ta biết chắc là Chúa ở trong sự việc này. Thế nên khi chúng ta bị lộ, nếu họ hỏi chúng ta rằng “Này mấy anh kia! Mấy anh làm gì vậy? Xem này, chúng tôi xuống để dạy cho  các anh một bài học”. Thì lúc đó chúng ta biết Chúa không muốn giao phó dân Phi-li-tin cho Y-sơ-ra-ên. Nhưng nếu họ nói “Này, mấy người kia! Lên trên đây, ta sẽ chỉ cho các ngươi một hai điều,” thì lúc đó chúng ta sẽ biết Chúa muốn giao họ trong tay chúng ta.

Vì thế họ để vấn đề này mở. Họ chưa biết chắc là chuyện gì sẽ xảy ra khi họ đối diện với kẻ thù. Nếu tôi không biết chắc chắn một điều gì thì cẩn thận là luôn luôn tốt. Kinh Thánh đầy dẫy những câu chuyện của những người bước đi trong đức tin, để cho Chúa có một cơ hội làm những gì Ngài đã định, họ chỉ cần sẵn sàng cho Ngài.

Những năm trước đây chúng tôi nghe được đài phát thanh KWVE muốn bán. Lúc đó chúng tôi đang phát thanh trên đài KYMS và đang giúp đỡ họ về tài chánh đáp ứng những nhu cầu thực tế của đài. Người giám đốc  đã mua đài phát thanh này để mang Phúc âm đến cho khắp quận Cam. Lời Chúa Cho Ngày Hôm Nay là chương trình căn bản của đài. Nhưng khi người giám đốc mới đến thay thế, ông ta muốn là phải phát thanh loại nhạc phổ thông và cắt bỏ đi chương trình dạy Phúc âm. Như thế chúng tôi lại phải đi đến đài KBRT tìm kiếm một giải pháp khác tiếp tục phát thanh chương trình giảng dạy Phúc âm. Nhưng ở đó đưa ra biểu giá quá cao. Sau đó chúng tôi nghe là đài KWVE muốn bán. Chúng tôi quyết định rằng, “Hãy đến để trả một giá, và xem thử ý Chúa như thế nào. Nếu Chúa muốn chúng ta được nó, họ sẽ chấp nhận giá cả và mọi sự sẽ tốt đẹp thôi,” Chúng tôi để cho Chúa có một cơ hội để Ngài hành động. Chúng tôi thưa với Chúa rằng, “Chúa  muốn một đài phát thanh ở quận Cam phát thanh nhạc thánh và dạy Lời Chúa không?”

Như thế chúng tôi đã và sẽ sẵn sàng bước đi trong đức tin để cho Chúa có một cơ hội. Nó chỉ là một hành động trong đức tin thôi. Chúng tôi quyết định là chúng tôi sẽ không thương lượng và năn nỉ. Chúng tôi cho họ một giá nhất định.  Họ nói: “Chúng tôi cũng có nhiều người khác cũng muốn mua”. Và chúng tôi trả lời: “Được”. Đây là phương pháp ép buộc giá cả trong giao dịch mua bán,  nó sẽ không thành công khi mình đã giao phó tất cả cho Chúa rồi. Chúng tôi cầu nguyện rằng, “Ôi Chúa ơi, nếu Chúa muốn thì mọi việc sẽ diễn tiến tốt, còn nếu không mua được cũng chẳng sao”. Cuối cùng mọi việc đã được tốt đẹp, họ đã chấp nhận tất cả và chúng tôi đã có đài KWVE ngày hôm nay. Và việc này đã trở thành một mục vụ thành công, và nó cũng sinh ra lợi tức nữa. Chưa gì mà chúng tôi đã có được một phần ba số tiền của sự phát thanh từ một chương trình phát thanh khác  trong vùng. Chúng tôi có thể phát thanh những chương trình của công việc Chúa ít tốn kém hơn và giúp cho họ có một số thính giả tốt. Chúa ban phước rất nhiều cho KWVE, nhưng chỉ vì chúng tôi bước ra và nói rằng; “Chúa ôi, nếu đây là điều Chúa muốn, chúng tôi sẽ bước đi trong đức tin và sẵn sàng trả giá.”

Nhưng có một đài truyền hình cũng muốn bán. Chúng tôi lại cho họ một giá. Chúng tôi thấy đó là một cơ hội để Chúa dùng nó phát hình những gì mà chúng ta gọi là “tiêu biểu của cộng đồng cơ đốc” hơn là những chương trình cực đoan đang rất thịnh hành. Giá đấu thầu của chúng tôi không được được chấp nhận,  vì thế  chúng tôi rời bỏ nó. Chúng tôi  không cần phải thúc đẩy và cũng không đi trước Chúa. Nếu Chúa muốn chúng tôi được nó, Ngài sẽ làm cho nó sẵn sàng thuộc về chúng tôi. Còn nếu không chúng tôi  không cần phải nỗ lực để thương lượng. Thế nên, bước đi trong đức tin và nhìn xem những gì Chúa làm thì bạn có thể gọi nó là “dò đá qua sông”.

Một vài năm trước đây chúng tôi nhận thấy rằng cần phải có một khuôn viên lớn hơn cho trường Kinh Thánh. Lúc đó trường  này nằm ở Trung tâm hội nghị Twin Peaks. Chúng tôi cần tất cả  đất của trung tâm này để lập trường. Thế nên chúng tôi không thể tiếp tục tổ chức các buổi hội nghị định kỳ ở đó được. Lúc đó có một khu đất lớn, xinh đẹp thuộc chủ quyền của Hội truyền giáo khẩn cấp Los Angeles ở Vista. Chúng tôi đặt cọc để mua nhưng những hội viên của hội đồng thành phố Vista sống gần khu đất này lên tiếng chống đối . Chúng tôi quyết định rằng: “Chúng tôi không cần phải tranh đấu về điều này.” Và chúng tôi rút tiền lại. Một người  kinh doanh địa ốc đọc báo trên mục rao vặt biết là chúng tôi đã bỏ cuộc. Ông này gọi chúng tôi đến và nói rằng là ông ta có một chỗ khác ở Suối nước nóng Murrieta mà chưa có phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Chúng tôi đến xem và thấy có triển vọng ở nơi đó. Chúng tôi trả giá và nói: “Nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ mua nó.” Sau đó chúng tôi đã mua được nó.

Điều lạ lùng là, thực ra chúng tôi đã muốn có được một nơi ở kế bên Hội Thánh Calvary Costa Mesa từ lâu. Cái cao ốc sáu tầng này họ đòi lúc đầu tiên là 18.000.000 đô-la và cách đây vài năm chúng tôi trả giá  10.000.000  đô-la, nhưng họ nói là: “Không, nó đáng giá nhiều hơn thế”. Sau đó có một người đến thương lượng với người chủ đất. Cuối cùng chúng tôi đã mua nó với giá 8.900.000 đô-la. Giá bán ít hơn số tiền chúng tôi trả giá khi trước. Chúng tôi thật sự thấy bàn tay của Chúa ở đó.

Nhưng một điều thật ngạc nhiên là nếu chúng tôi đã mua  tòa nhà ở kế bên trước, chúng tôi sẽ không bao giờ mua được khu Suối nước nóng Murieta. Chúng tôi không thể nào có khả năng nào để mua Murrieta. Thế nên chúng ta có thể thấy bàn tay của Chúa ở trong tất cả mọi sự. Ngài muốn chúng tôi có được cả hai chỗ này, và chính Ngài đã sắp xếp thời gian khéo léo để cho chúng tôi được sở hữu Murrieta trước rồi sau đó đến tòa nhà. Vì lúc đó tòa nhà chưa thể bán và giá mềm như thế. Cuối cùng  chúng tôi có được cả hai.

Chúng tôi đang nói về những bước nhỏ, nhưng Chúa lại muốn chúng tôi bước những bước thật lớn và cứ tiến mãi không thôi. Và khi Chúa còn tiếp tục mở cửa thì chúng ta cứ tiếp tục tiến tới. Luôn có những cảm xúc táo bạo trong những bước phiêu lưu của đức tin. Chúng ta được thách thức để bước đi và nhìn xem những gì Chúa muốn làm. Nhưng một lần nữa nếu Chúa không hiện diện thì chúng ta không được chống đối Ngài. Chúng ta không nên ép buộc, chúng ta không nên mưu mẹo, chúng ta không dùng động lực thúc đẩy. Nếu Chúa hiện diện thì nó sẽ hoàn thành trong đường lối Ngài. Nó sẽ đến cách êm thắm và chúng ta không cần phải dùng thủ đoạn để đạt được.

Khi anh Greg Laurie nhận trách nhiệm cho buổi học Kinh Thánh tối thứ hai, Chúa bắt đầu ban phước cho mục vụ của anh. Chúng tôi thấy những người trẻ đến và tin nhận Chúa mỗi tối thứ hai. Tôi gọi Greg vào và nói: “Này Greg, tại sao chúng ta  không thử điều này, chúng ta có thể mướn  Hội trường Thái Bình Dương trong khoảng một tuần vào mùa Hè? Hãy thuê một chỗ lớn hơn để xem thử Chúa làm gì nếu chúng ta có chỗ lớn hơn. Vì chúng ta đã không có đủ chỗ cho tất cả mọi người buổi tối thứ hai. Thế nên tại sao chúng ta không thử thuê Hội trường Thái Bình Dương?”

Đó là trong tháng tư, Greg nghĩ là chúng ta không đủ thì giờ để chuẩn bị. Anh nói rằng: “Mình không có thể làm được ngay bây giờ!” và tôi hỏi: “Sao lại không?” Thử xem họ có một tuần lễ trống không? Thử xem Chúa có thể làm gì với một chỗ lớn hơn.”

Chúng tôi bèn gọi cho họ và họ chấp thuận một chỗ trống trong mùa Hè. Chúng tôi quyết định đặt tên cho chương trình này là “Chiến dịch mùa gặt”. Chúng tôi thật vui mừng vì tuần lễ đó rất thành công. Vào đêm cuối của tuần  đó, họ bắt buộc phải khóa cổng lại bởi vì có vô số người đã vào bên trong. Họ bắt đầu đặt những loa phóng thanh ra phía ngoài để cho bên ngoài có thể nghe được. Và nó đã phát triển từ đó, nhưng  bắt đầu chỉ bằng một bước đi trong  đức tin. “Hãy thử xem Chúa muốn làm điều gì. Hãy cho Chúa một cơ hội để Ngài làm. Hãy bước đi.” Chúng ta có thể tốn kém một ít tiền, nhưng cũng có câu nói: “Không vào hang hùm, sao bắt được cọp”.

Một ví dụ điển hình nữa, ta thấy ở trong Cựu Ước về bước đi trong đức tin đã xảy ra khi thành Sa-ma-ri bị tấn công bởi quân Sy-ri. Tình hình đã trở nên thật trầm trọng trong thành Sa-ma-ri. Một cái xương hàm của một con lừa bán với giá 65 đồng bạc và một lít phân bồ câu với giá 5 đồng bạc. Những người đàn bà phải ăn thịt con mình để sống. Một người đàn bà kêu gào với nhà vua, cầu xin sự giúp đỡ, nhưng nhà vua trả lời, “Làm cách nào ta có thể giúp ngươi được? Chính ta cũng không có thức ăn trên bàn mình”. Bà ta lại tiếp rằng: “Người đàn bà này và tôi đã đồng ý với nhau để ăn thịt những đứa con của chúng tôi, và chúng tôi đã luộc con bé của tôi và ăn rồi, bây giờ tới phiên bà này, nhưng bà ta lại giấu con của bà đi. Thế nên vua phải bắt bà này đưa con mình ra để chúng tôi cùng ăn nó. Nhà vua bèn xé áo mình mà nói rằng: “Chúa giúp tôi, nếu không tôi chặt đầu tiên tri Ê-li-sê.” Nhà vua đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về lỗi của mình (2 Các vua 6:24-33).  Ê-li-sê là một tiên tri rất đặc biệt và cũng là một người đáng chú ý. Ông có sự nhạy bén thuộc linh tuyệt vời và sự gần gũi tương giao với Chúa đến nỗi ông ngạc nhiên khi Đức Chúa Trời không bày tỏ điều gì đó với ông. Năm khi mười họa Chúa mới bày tỏ cho tôi một vài điều, nhưng tôi luôn luôn ngạc nhiên và lấy làm lạ khi Chúa hành động. Nó chỉ xảy ra một vài lần trong đời sống tôi. Nhưng Ê-li-sê, ông ta lại rất nhạy bén trong vấn đề đó đến nỗi ông ngạc nhiên khi Chúa không tỏ cho ông điều gì. Tôi thì ngạc nhiên khi Chúa tỏ bày cho tôi; còn Ê-li-sê thì ngạc nhiên khi Chúa không tỏ bày cho ông. Lúc Ê-li-sê ở trong nhà với những người bạn, tự nhiên ông bắt đầu nói chuyện với chính mình, “Ồ, thế hả! Anh có thể thắng nó không?” Và bạn của ông hỏi rằng: “Điều gì thế, Ê-li-sê?” Ông đáp rằng, “Nhà vua gởi một người đang đi xuống để chặt đầu tôi.” Thế nên, khi nó gõ cửa, mấy anh mở cửa và đẩy nó vào đằng sau cánh cửa, bởi vì nhìn kìa! Bàn chân của chủ nó ngay sau lưng nó.” Sau đó không lâu, có tiếng gõ cửa và những người của Ê-li-sê mở cửa, đẩy tên này vào cửa và giữ nó ở đó. Rồi thì nhà vua đến nói rằng: “Cuối cùng ta đã gặp ngươi! Ngươi làm xáo trộn Y-sơ-ra-ên đủ rồi.” Ê-li-sê đáp rằng, “Tôi không phải là người làm xáo trộn Y-sơ-ra ên. Các người mới là những kẻ làm xáo trộn Y-sơ-ra-ên bằng cách đem sự thờ phượng Ba-anh vào. Các người mới là kẻ đáng trách!”

Và ông tiếp tục nói, “Ngày mai, tại giờ này, nơi cửa thành Sa-ma-ri, hai đấu lúa mạch sẽ bán một siếc-ơ, và một đấu bột lọc cũng bán một siếc lơ”. Quan cai nâng đỡ vua, đáp với người của Đức Chúa Trời rằng: Dầu cho Đức Giê-hô-va mở cửa sổ trên trời, điều đó há có được sao?” (2 Các Vua 7:2). Ê-li-sê đáp rằng: “Mắt ngươi sẽ thấy điều đó, song ngươi không được ăn đến” (câu 19).Tại sao quan cai bị phân vân trước những lời hứa của Chúa? Bởi vì ông ta muốn hiểu vấn đề bằng cách của con người là Chúa sẽ làm thế nào. Nhiều lần khi chúng ta rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chúng ta không thể thấy có cách nào mà Chúa làm được. Chúng ta cố gắng mọi thứ và đủ mọi cách, cuối cùng chúng ta kết luận rằng điều này thật bế tắc rồi. Chúng ta thật hấp tấp cũng như ông quan cai này, nói rằng, “Dẫu cho Chúa mở cửa thiên đàng, làm gì có chuyện đó.” Ê-li-sê trả lời, “Các ngươi sẽ thấy, nhưng các ngươi không được ăn.” Chúa sẽ làm công việc Ngài, nhưng bởi vì sự thiếu đức tin của ngươi, ngươi không được dự phần hay là nhận được phúc lợi nào từ công việc Đức Chúa Trời làm.

Câu chuyện được tiếp tục với bốn người bị phong cùi sống ở gần các đống rác phía ngoài thành phố Sa-ma-ri. Bởi vì bệnh phong cùi, họ không được phép đi lại trong thành. Họ sống bằng thức ăn từ những đống rác đã được ném qua khỏi tường thành, nhưng vì nạn đói trong thành nên họ cũng bị đói theo luôn. Một người trong bọn họ nhìn người kia và nói, “Chúng ta ngồi đây đến chừng chết mà làm chi? Nếu chúng ta nhất định vào thành, thì ở đó có đói kém, và chúng ta sẽ chết đói: bằng chúng ta cứ ngồi đây, thì chúng ta cũng sẽ chết. Vậy chúng ta hãy qua trại quân Sy-si: Nếu họ dung thứ ta, thì ta sẽ sống; bằng họ giết đi, dẫu thế nào thì chúng ta cũng sẽ chết đó thôi.” Họ bắt đầu bước đi trong đức tin với hy vọng mong manh là họ có thể sẽ được ăn chút gì đó và cũng có thể không.

Tôi rất lấy làm lạ là tại sao có nhiều Hội Thánh họ không nghĩ giống như những người phung trên đây? Tôi ngạc nhiên là tại sao họ không nói rằng: “Nào, tại sao chúng ta ngồi đây để chờ chết à? Hãy làm điều gì đi. Có thể sẽ thành công, cũng có thể thất bại, nhưng nếu thất bại cũng không thành vấn đề bởi vì chúng ta đã thử cố gắng. Hãy bước tới trong đức tin.”

Tôi nghĩ rằng tất cả các bước phiêu lưu của đức tin trong suốt lịch sử đã được xây dựng trên tiền đề  này. Ai có thể biết được Chúa những gì Chúa muốn làm? Hãy bước đi. Hãy tìm  ra lời giải cho vấn đề của bạn. Hãy cho Chúa  một cơ hội. Câu chuyện của Ê-li-sê khi người Sy-ri nghe đến những tiếng ồn và họ nghĩ đó là những chiến mã xa của Ai-cập. Họ nghĩ là nhà vua đã mướn  quân đội Ai-cập và họ bỏ chạy vì sợ. Họ bắt đầu chạy tán loạn và khi bốn người bệnh cùi đến lều đầu tiên, họ thấy bàn ăn đã dọn sẵn nhưng không có người ăn. Thế nên họ đã ăn và vui hưởng được của béo bở. Họ đi qua lều khác cũng thấy như thế; chẳng có ai ở đó, nhưng lại đầy dẫy thức ăn. Khi họ lấy chiến lợi phẩm, họ cất giấu đi; có một người trong bọn họ nói rằng: “Này mấy anh ơi, chúng ta nên cho những người trong thành biết những gì Chúa đã làm. Nếu chúng ta chỉ lấy hết cho riêng mình, điều ác sẽ xảy đến cho chúng ta.” Họ quay trở về thành, kêu la với người gác cổng thành: “Lều trại của quân Sy-ri không có ai hết. Đồ ăn thì rất nhiều cho tất cả mọi người, hãy nói cho nhà vua biết là người ta không phải đi ngủ đói tối nay.” Khi báo cáo đến tận nhà vua, ông nói: “Đây là một cái bẫy, quân Sy-ri mưu kế biết rằng chúng ta đang chết đói, thế nên họ rút lui đặng phục trong đồng, chờ đợi để cho cả thành chạy ra đó. Sau đó họ sẽ bao vây và giết chúng ta. Cấm không cho ai ra cửa thành. Giữ cửa thành lại cho chặt”. Tôi nghĩ đây là điều đau buồn và tổn thương của sự thiếu đức tin. Nó cầm giữ chúng ta lại không cho dự phần khi Chúa đã dự bị cho chúng ta cách dư dật. Tôi có gặp những người đã có sự suy nghĩ như vậy. Họ luôn luôn nói rằng đây là một cái bẫy. Làm gì có chuyện tốt như thế, chắc là phải có mưu mô gì đó. Khi Chúa đã làm việc thì họ bắt đầu sợ sệt!

Có một đoạn Kinh Thánh vô cùng ý nghĩa cho tôi trong suốt những năm qua. Nó được tìm thấy ở trong 2 Sử Ký. Ở trong chương 14 bắt đầu câu chuyện về sự cai trị của vua A-sa trên dân Giu-đa. Ông chỉ có 25 tuổi khi ông được lên ngôi vua. Một thời gian ngắn sau khi ông cai trị, quân Ê-thi-ô-bi xâm lấn đất, kết hợp cùng với liên quân của những nước khác tạo nên một đạo quân khoảng một triệu người cộng với chiến mã xa. Khi A-sa nhận được báo cáo về một đội quân khổng lồ này, A-sa cầu khẩn Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình mà rằng: “Lạy Đức Giê-hô-va! Trừ ra Chúa chẳng có ai giúp đỡ người yếu thắng được người mạnh; Giê hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi ôi! Xin hãy giúp đỡ chúng tôi, vì chúng tôi nương cậy nơi Chúa; ấy là nhơn danh Chúa mà chúng tôi đến đối địch cùng đoàn quân này. Đức Giê-hô-va ôi! Ngài là Đức Chúa Trời chúng tôi, chớ để loài người thắng hơn Chúa!” (2 Sử ký14:11). Đấy tôi rất thích điều này. Nhà vua A-sa không nói rằng: “Chúa ôi, tôi có một kế hoạch, tôi muốn Chúa ban phước cho kế hoạch này. Ông cũng không nói rằng; “Tôi đã biết cách thế nào rồi. Vậy, xin Chúa ban phước cho chương trình này.” Cũng không phải, “Chúa ôi, đứng theo phía tôi.” Thay vì thế, vua A-sa đã nói: “Chúa ôi, con đứng theo phía Chúa. Trong danh của Chúa  chúng con sẽ ra dẹp chúng nó. Đừng để loài người chiến thắng Chúa. Chúng nó có thể chiến thắng con, bởi vì con không có gì hết, bản thân con không có quyền năng, nhưng Chúa ơi, những điều đó chẳng là gì đối với Chúa. Và con sẽ ra đi trong danh của Chúa. Đừng để chúng nó thắng Chúa. Họ có thể chiến thắng con, nhưng đừng để họ chiến thắng Chúa.”

Câu chuyện này cũng giống như những gì Giô-na-than nói. Chúa không cần nguyên một đạo quân. Chúa có thể làm điều đó với một người nếu Chúa muốn. Đó cũng là điều Phao-lô nói trong Rô-ma 8:31, “Nếu Chúa ở với chúng ta thì còn ai có thể chống cự được chúng ta.”

 

Chúa cho A-sa chiến thắng quân Ê-thi-ô-bi. Khi A-sa trở về,  tiên tri của Đức Chúa Trời đến để gặp ông, Đức Chúa Trời phán qua tiên tri Ngài , “Hỡi A-sa, cả Giu-đa, và Bên-gia-min, hãy nghe lời ta: Các ngươi theo Đức Giê-hô-va chừng nào, thì Đức giê-hô-va ở với các ngươi chừng nấy; nếu các ngươi tìm Ngài, ắt sẽ gặp Ngài được; nếu các ngươi lìa bỏ Ngài, thì Ngài sẽ lìa bỏ các ngươi “ (2 Sử Ký 15:2). Và khi ông bắt đầu cai trị nước Giu-đa, A-sa nhận những lời từ Đức Chúa Trời. “Đức Chúa Trời sẽ ở với ngươi cũng như ngươi sẽ ở với Ngài . Nếu ngươi tìm kiếm Ngài, ắt sẽ gặp được. Nhưng nếu ngươi từ bỏ Ngài, Ngài sẽ từ bỏ các ngươi.”

Dưới sự cai trị của A-sa, vương quốc thịnh vượng và dân chúng được phước hạnh. Nhưng sau khi ông đã được giàu có, thịnh vượng, thành công, thì vương quốc phía bắc  Y-sơ-ra-ên nhất định  tấn công Giu-đa. Họ bắt đầu  xây dựng thành lũy ở hướng bắc của Giê-ru-sa-lem. Họ sửa soạn để tấn công Giu-đa .

Khi A-sa thấy họ xây thành lũy, ông biết được rằng họ muốn gì. Ông lấy hết tiền của ra khỏi kho của đền thờ, ông gởi nó cho Bên-ha-đát vua Sy-ri để mướn quân Sy-ri tấn công Y-sơ-ra-ên từ  phía bắc. Quân Sy-ri đi xuống từ phía cao nguyên Gô-lan và bắt đầu tấn công miền bắc Y-sơ-ra-ên. Vua Y-sơ-ra-ên phải lấy hết số quân đang xây thành để trấn thủ phía bắc mà chống lại sự tấn công của quân Sy-ri. Khi đoàn quân đã bỏ thành lũy, những người của Giu đa tiến vào và đập nát thành lũy.

Nhìn lại cuộc chiến, chúng ta thấy chiến lược đã thành công. A-sa rất tự mãn và đang vui mừng về chiến thắng tuyệt vời vủa ông. Tiền bạc có thể làm nên những thành công. Nếu bạn có đủ tiền, bạn có thể mướn lính đánh thuê. Và bạn được bảo vệ. Thật là một chiến lược có vẻ như đã  thành công mỹ mãn!

Tiên tri Ha-na-nia đến cùng A-sa và nói với ông rằng: “Bởi vì vua nương cậy vua Sy-ri, không nương cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông. Nên đạo quân vua Sy-ri thoát khỏi tay ông. Dân Ê-thi-ô-bi và dân Ly-bi há chẳng phải một đạo quân đông  lắm sao? Xe và lính kỵ họ chẳng phải nhiều lắm sao? Dẫu vậy, bởi vua nhờ cậy Đức Giê-hô-va, nên Ngài phó chúng nó vào tay vua” (2 Sử Ký 16:7-8) Khi ông còn nhỏ và không có sức mạnh; và phải đối diện với sự xâm lăng của quân Ê-thi-ô-bi, và ông đã trông cậy vào Chúa và Ngài đã giải thoát ông. Ông đã tin cậy trong Ngài. Nhưng bây giờ ông đã được lớn lên trong sức mạnh và quyền năng, ông  bắt đầu dựa vào sự khôn ngoan riêng của mình. Ông không biết rằng: “Con mắt của Đức Giê-hô-va soi xét khắp thế gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài. Trong việc này vua có cư xử cách dại dột, nên từ này về sau, trong xứ vua sẽ có giặc giã” (2 Sử Ký 16:9). Đó chính là cái chìa khóa. Con mắt của Đức Chúa Trời vận hành trên khắp đất để tìm thấy những người mà lòng họ hòa hợp với lòng Ngài để Ngài có thể tỏ bày quyền năng của Ngài qua họ.

Những gì  tiên tri nói là Chúa muốn làm. Chúa có một công việc Ngài muốn làm và Chúa đang tìm kiếm người mà đồng lòng với ý chỉ Ngài, để Ngài có thể bày tỏ sức mạnh của Ngài qua họ. Điều chính yếu là phát huy được những gì mà Đức Chúa Trời muốn làm. Tôi nhận thức được đường lối tốt nhất là chỉ bước ra đi rồi sẽ thấy Chúa sẽ làm. Có thể Chúa muốn làm điều gì. Hãy cho Ngài một cơ hội. Nhưng hãy nhớ rằng, phải có một sự chuẩn bị như thế này: “Nếu điều đó không thành, đừng cố thúc đẩy nó.” Hãy có những sự uyển chuyển nếu phải bỏ đi một công việc. Nếu nhận thấy là nó không đi đến đâu cả, thì đừng có thúc ép nó và cố gắng để hoàn thành.

Chúng ta thấy cùng một ý nghĩ trong câu chuyện Ê-xê-tê, khi Mạc-đô-chê bảo nàng đi vào để gặp nhà vua. Nàng nói rằng: “Mình không thể bước vào ngang nhiên như vậy được. Mình phải được gọi vào. Bộ muốn chết sao, tự ý đi vào khi không được gọi.” Mạc-đô-chê đáp lại rằng, “Cô có nghĩ rằng lệnh này ban ra, cô có thể thoát khỏi không? Có lẽ Chúa đã đem cô vào đúng lúc như thế này; nếu cô im lặng thì sự giải cứu sẽ được khởi phát từ nơi khác.”

Có nghĩa là Chúa sẽ làm công việc Ngài. Chúa sẽ thành tựu mục đích của Ngài. Dân sự Y-sơ-ra-ên không thể bị tiêu diệt được, bởi vì qua họ thì Đấng Cứu Thế sẽ đến. Bạn phải có sự tin cậy rằng mục đích của Đức Chúa Trời sẽ đứng vững. Mặc dù có sai đi nữa, sự giải cứu sẽ đến từ một hướng khác. Đức Chúa Trời sẽ làm việc, nhưng chúng ta có được cơ hội để trở nên một công cụ, qua đó Chúa sẽ làm việc. Tôi tin rằng đây là điều thường xuyên xảy ra. Chúa có công việc mà Ngài muốn làm. Ngài muốn làm điều đó và bạn có thể được chọn để dự phần vào. Bạn có thể là một công cụ, nếu bạn có tấm lòng. Đối với Ê-xê-tê, đó là một điều dũng cảm khi đi vào diện kiến nhà vua mà không được gọi vào. Nếu nhà vua không giơ cao cây quyền trượng, thì nàng sẽ bị giết ngay.

Những năm trước đây có một cuốn sách được gọi là. “Quả cầu Phúc Âm.”Nó đề ra những chương trình của Hội Thánh, và đó là những chiến lược của con người để cố gắng đem được nhiều người đến với Hội Thánh. Chúng ta không thể tưởng được khi thấy có rất nhiều chương trình tăng trưởng Hội Thánh, những phương kế và những phương cách mà người ta có thể bị lôi cuốn vào. Họ làm một trái cầu nhỏ, viết hàng chữ mời đến Hội Thánh đó, rồi họ treo quả cầu này trên một sợi dây để nó bay trên nóc của phía trước nhà thờ. Mục đích để cho moi người thấy và biết được Hội Thánh nằm ở đâu. Và họ còn có một thông điệp: “Jesus yêu bạn” trên quả cầu.

Vì họ để quả cầu đó lâu ngày đến nỗi nó trở thành một câu chuyện dí dỏm. Cuối cùng một cơn bão đến, người ta chạy ra cố giữ chặt quả cầu đó. Họ tranh cãi với nhau về quả cầu và cuối cùng làm đổ vỡ Hội Thánh. Một nửa người bỏ đi, tức giận về một nửa người khác. Đó thật là sự cố gắng của con người! Tưởng đâu sẽ làm cho Hội Thánh tăng trưởng hơn, nhưng hậu quả là một sự mất mát. Trước đó, khi họ thấy công việc không thành, họ nói rằng, “Ôi! Nhưng mà chúng ta đã tốn hết một ngìn rưỡi đô-la cho trái cầu này, chúng ta phải giữ nó lại đó. Đúng ra họ phải nhận thấy lỗi lầm, họ phải bỏ nó đi, và để nó bay đi trong gió thì hơn. Không nên cố giữ những gì mà Chúa muốn nó bay đi.  🙂

Những năm trước đây, tôi có đến Lubbock, Texas giảng dạy trong một Hội Thánh Báp-tít Nam Phương. Vị mục sư quản nhiệm nói là họ quyết định sẽ không giữ một chương trình nào trong Hội Thánh mà do con người chủ xướng. Có nghĩa là họ không muốn cho nó một bình hơi ô-xi và giữ cho nó sống nếu nó đang chết dần. Nhiều Hội Thánh vẫn thường làm điều ngược lại, và đó là một sai lầm. Có khi Chúa dùng một chương trình nào đó trong quá khứ,  nhưng bây giờ tình thế đã khác rồi. Tiếc thay, nó đã trở thành tập quán mà người ta cứ muốn giữ nó sống mãi. Họ lại bơm hơi vào ở trong đó và cố ý là muốn giữ cho nó tiếp tục sống. Với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, chúng ta nên để cho nó chết một cách tự nhiên hơn là cố gắng làm cho nó tiếp tục sống bằng những phương pháp con người.

Khi bạn nhìn lui lại trong quá khứ và kể về những điều Chúa đã làm, thì luôn luôn nó là dấu hiệu của sự suy thoái. Đúng ra bạn phải nhìn vào những gì Chúa đang làm ngày hôm nay. Thay vì chỉ nghe những gì Chúa đã làm, điều quan trọng là chúng ta trở nên những công cụ sinh động cho công việc Chúa. Chúng ta cần  kinh nghiệm và thấy công việc  của Đức Chúa Trời làm trên chính đời sống mình. Nếu không thì công việc đó sẽ không tiếp tục được. Chúng ta cần làm cho mỗi thế hệ tiếp theo phải là thế hệ nếm trải những kinh nghiệm về Đức Chúa Trời. Bằng cách đó công việc Chúa sẽ tiếp tục phát triển. Nhưng khi chúng ta chỉ nói về những điều trong quá khứ: “Hãy nhìn xem những gì Chúa đã làm, và Chúa đã dùng người này như thế nào. Hãy nhìn Chúa đã ban phước cho người kia như thế nào!” Hãy cẩn thận. Ngày nào chúng ta xây nên một tượng đài để nhắc nhở những gì Chúa đã làm, thì đó là một ngày buồn. Bởi vì chúng ta cần phải kinh nghiệm Chúa một cách sống động tươi mới cho đời sống chúng ta mỗi ngày – ngay chính hôm nay.

Trước đây Chúa đã dùng những buổi hòa nhạc đêm thứ bảy tại Hội Thánh Cavary một cách thật là vinh hiển. Những đêm đó là những buổi rất thuận tiện cho việc truyền giảng, lúc nào người tham dự cũng đầy phòng nhóm. Chúng tôi có những ban nhạc khác nhau, và hàng trăm thanh niên đã tiếp nhận Chúa Jesus vào những đêm thứ bảy này. Nếu bạn tính tỉ lệ trung bình ở miền Nam Cali, những nơi mà người ta đã được cứu, thì bạn sẽ tìm thấy rất nhiều người được cứu trong những đêm hòa nhạc tại Hội Thánh Calvary. Lúc đó Chúa đã ban phước cho chương trình hòa nhạc và truyền giảng. Nhưng cái thời đó đã qua rồi. Cách đây vài năm có một số người  muốn tổ chức lại những đêm hòa nhạc đó. Tôi giao quả bóng cho họ: “Được, cứ thử xem”. Và họ cố duy trì nó một thời gian, nhưng dường như Chúa  nói: “Thôi, thời đó đã hết rồi.” Thay vì tiếp tục thì phải nhận thấy rằng nó không còn sự sống trong đó nữa, tốt nhất là hãy hủy bỏ nó. Để cho nó chết, đừng cố gắng bơm ô-xi vào cho nó thoi thóp thở.

Thế nên, bước đi trong đức tin, nếu được, hãy vui mừng; nếu không, hãy làm điều khác. Hãy cho Chúa một cơ hội. Và khi nó thành công thì quá tuyệt vời! Nhưng khi nó không thành, thì bạn cũng chưa đi quá sâu trong đó. Bởi thế, bạn có thể bước lui lại và nói rằng, “Ồ, nó  giống như một ý kiến hay vậy, có phải không?” Đừng có khóa chặt mình vào trong đó đến nỗi không thể gỡ ra được.

Hãy để cho Thánh Linh hướng dẫn và đừng sợ hãi. Khi đã bắt đầu bằng Thánh Linh, đừng tìm kiếm để hoàn thành trong xác thịt. Tôi nhận thấy đây là một điều nguy hiểm. Điều nầy đã xảy ra với những người đã liên hệ với chúng tôi từ lúc ban đầu. Chúa đã ban phước cho công việc của họ nhưng tiếc thay sau đó họ bắt đầu bộc lộ tính tổ chức của con người. Bây giờ họ bắt đầu điều khiển chương trình và với sự điều khiển đó họ đã sai lầm trong điều cơ bản nhất: Đã được bắt đầu trong Thánh Linh, và rồi lại tìm cách hoàn tất nó trong xác thịt. Điều đó luôn sai lầm.

Tôi cảm tạ Chúa là Ngài đã cho chúng tôi được một số mục sư là những người đã nhận được  khải thị đơn giản này, và bước đi trong đức tin. Tôi để ý là khi họ bắt đầu bước đi trong đức tin, họ đã vui mừng khi thấy Chúa ban phước. Khi chúng ta dám bước đi và để cho Chúa hành động, Ngài sử dụng chúng ta như những dụng cụ mà qua đó Ngài có thể làm những gì Ngài muốn. Điểm chính yếu là chúng ta luôn sẵn sàng. Vậy, ai biết được con mắt của Đức Chúa Trời vẫn còn nhìn khắp thế giới này để bày tỏ sức mạnh của Ngài qua đời sống của những người, mà lòng họ luôn hòa hợp với Ngài. Khám phá ra ý chỉ của Đức Chúa Trời, bắt lấy điều nầy, để lòng mình hòa hợp với Ngài. Và bạn sẽ ngạc nhiên trong những gì Chúa làm, và  cách mà Ngài sẽ ban phước cho bạn.

CHUCK SMITH

Translated by Hon Pham

 

 

 

 

 

  

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn