https://www.gotquestions.org
Câu hỏi: Làm sao tôi biết được ý muốn của Chúa cho cuộc đời mình? Kinh Thánh nói gì về việc nhận biết ý muốn của Chúa?
Trả lời: Nhận biết ý muốn của Chúa là điều quan trọng. Chúa Giê-xu nói rằng người thân thật sự của Ngài là những ai biết và làm theo ý muốn của Cha (Mác 3:35). Trong dụ ngôn về hai người con trai, Chúa Giê-xu quở trách những thầy tế lễ và trưởng lão vì họ không làm theo ý muốn của Cha; cụ thể là, họ không “ăn năn và tin” (Ma-thi-ơ 21:32). Về cơ bản, ý muốn của Chúa là chúng ta ăn năn tội lỗi của mình và tin vào Đấng Christ. Nếu chúng ta chưa đi bước đi đầu tin đó, thì chúng ta chưa chấp nhận ý muốn của Chúa.
Một khi chúng ta đã tiếp nhận Chúa bởi đức tin, chúng ta được trở thành con của Chúa (Giăng 1:12), và Ngài mong muốn hướng dẫn chúng ta trong đường lối của Ngài (Thi Thiên 143:10). Chúa không che giấu ý muốn của Ngài khỏi chúng ta; Ngài muốn bày tỏ nó. Thực tế, Ngài đã ban cho chúng ta rất nhiều hướng dẫn trong lời của Ngài. Chúng ta nên “cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời” (1 Thê-sa-lô-ni-ca 5:18). Chúng ta nên làm việc lành (1 Phi-e-rơ 2:15). Và “Vì ý muốn của Đức Chúa Trời là anh em phải được thánh hóa, tức là phải lánh xa sự gian dâm.” (1 Thê-sa-lô-ni-ca 4:3).
Ý muốn của Chúa là có thể biết được và chứng tỏ được. Rô-ma 12:2 nói, “Đừng khuôn rập theo đời nầy, nhưng phải được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.” Phân đoạn này đưa ra một trình tự quan trọng: con của Chúa sẽ từ chối bị rập khuôn theo thế gian, nhưng thay vào đó để Đức Thánh Linh biến đổi chính mình. Khi tâm trí đã được đổi mới theo những điều của Chúa, thì người đó sẽ biết ý muốn trọn vẹn của Chúa.
Khi tìm kiếm ý muốn của Chúa, chúng ta nên chắc chắn là những gì chúng ta xem xét không nằm trong những điều Kinh Thánh chối bỏ. Ví dụ, Kinh Thánh không cho phép cướp bóc, và Kinh Thánh nói rất rõ về vấn đề đó, nên chúng ta biết ý muốn của Chúa cho chúng ta không phải là trở thành kẻ cướp ngân hàng – chúng ta không cần cầu nguyện cho điều đó. Cũng như vậy, Chúng ta nên chắc chắn những điều chúng ta đang xem xét sẽ làm vinh hiển Chúa và giúp chính mình và người khác trưởng thành thuộc linh.
Nhận biết ý muốn của Chúa có thể khó khăn đôi khi bởi vì nó đòi hỏi sự kiên nhẫn. Muốn biết tất cả ý muốn của Chúa một lần là điều tự nhiên, nhưng đó không phải là cách Chúa thường làm. Ngài bày tỏ cho chúng ta từng bước một – bước đi từng bước bằng đức tin – và cho phép chúng ta duy trì niềm tin vào Ngài. Điều quan trọng trong khi chờ đợi những hướng dẫn tiếp theo, thì chúng ta nên làm những việc lành mà chúng ta biết (Gia-cơ 4:17).
Thông thường, chúng ta muốn Chúa cho chúng ta biết cụ thể – làm ở đâu, sống ở đâu, kết hôn với ai, mua xe gì,… Chúa cho phép chúng ta đưa ra những lựa chọn, và, nếu chúng ta quy phục Chúa, Ngài sẽ có cách ngăn cản những lựa chọn sai lầm (Công Vụ 16:6-7).
Càng biết nhiều về một người, thì chúng ta càng hiểu được mong muốn của người đó. Ví dụ, một đứa trẻ có thể thấy bên kia đường đông đúc có một quả banh đang nảy, nhưng đứa bé đó sẽ không chạy theo, vì cậu biết “cha mình không muốn mình làm như vậy.” Cậu bé không nhất thiết phải hỏi ý kiến của cha mình trong mọi trường hợp cụ thể; cậu biết cha mình sẽ nói gì bởi vì cậu biết cha mình. Mối quan hệ của chúng ta với Chúa cũng tương tự như vậy. Khi chúng ta bước đi cùng với Chúa, vâng lời của Ngài và nương cậy Đức Thánh Linh, thì chúng ta sẽ nhận thấy mình được ban cho tâm trí của Đấng Christ (1 Cô-rinh-tô 2:16). Chúng ta biết Ngài, và điều đó giúp chúng ta biết ý muốn của Ngài. Chúng ta sẽ nhận thấy sự hướng dẫn của Chúa luôn luôn sẵn sàng. “Sự công chính của người trọn vẹn làm cho đường lối người ngay thẳng, còn sự gian ác của kẻ ác đánh ngã hắn.” (Châm Ngôn 11:5).
Nếu chúng ta bước gần với Chúa và thật sự mong muốn ý muốn của Chúa trong đời sống của chúng ta, thì Chúa sẽ đặt để mong muốn của Ngài trong lòng chúng ta. “Cũng hãy vui thỏa nơi Đức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước.” (Thi Thiên 37:4).