“Khá tuân thủ các mạng lịnh ta, thì con sẽ được sống; Và gìn giữ lời khuyên dạy ta như ngươi của mắt con” (Châm ngôn 7:2)
Có nhiều lý do để chúng ta vâng theo các mạng lệnh của Chúa, nhưng điều quan trọng chính là chúng ta cần làm vui lòng và vinh hiển danh Ngài. “Đấng đã sai ta đến vẫn ở cùng ta, chẳng để ta ở một mình, vì ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài” (Giăng 8:29). Thật tuyệt vời khi một ngôi nhà có những đứa trẻ biết vâng lời vì chúng yêu thương và muốn làm vui lòng cha mẹ mình. Nếu chúng ta muốn nhận lãnh những ơn phước tốt nhất từ Chúa cho đời sống mình, chúng ta phải dành hết tấm lòng cho Ngài trong việc học lời Ngài và vâng theo những lời đó.
Sự vâng lời duy trì cuộc sống. Mỗi chúng ta đang xây dựng một cuộc sống, và mỗi công cuộc xây dựng cần có một nền tảng vững chắc và trường tồn. Theo như Chúa Giê-su dạy, sự vâng lời là nền tảng bền vững duy nhất (Ma-thi-ơ 7:24-27). Những Cơ Đốc Nhân nửa vời sẽ tan vỡ khi những cơn bão trong cuộc đời bắt đầu kéo đến. Còn những Cơ Đốc Nhân hết lòng với Chúa, biết vâng lời sẽ vượt qua những giông bão đó. Chúa không hứa với chúng ta về một cuộc sống dễ dàng, nhưng Ngài hứa với chúng về sự hiện diện của Ngài trong bất cứ hoàn cảnh nào có thể xảy đến. Như trong Nê-hê-mi 1:5, Chúa giữ giao ước và lòng thương xót với những ai yêu Ngài và vâng theo các điều răn của Ngài.
Sự vâng lời làm cho Kinh Thánh trở nên quí báu hơn với chúng ta. Kinh Thánh trở nên “con ngươi của mắt chúng ta”. Điều này nói đến con ngươi của mắt, và tượng trưng cho bất cứ điều gì quí giá, không thể thay thế được (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:10; Xa-cha-ri 2:8). Những Cơ Đốc Nhân không vâng lời sẽ không thỏa lòng khi đọc và suy ngẫm Kinh Thánh bởi vì Đức Thánh Linh không thể dẫn dắt họ. Tuy nhiên những Cơ Đốc Nhân biết vâng lời tìm thấy niềm vui tuyệt vời trong Lời Chúa (Thi thiên 1:1-2). Một trong những chìa khóa để mở ra kho tàng kiến thức Kinh Thánh là sự sẵn lòng vâng lời những điều Chúa dạy dỗ chúng ta (Giăng 7:17). Những người ngoại hay những Cơ Đốc Nhân không vâng lời có thể đọc hiểu nội dung Kinh Thánh nhưng họ không thể học được chân lý sâu xa mà Chúa muốn họ nhận biết.
Sự vâng lời làm phong phú và thỏa lòng với đời sống. Có một sự khác biệt lớn giữa việc chăm chú kiếm tiền để sống và phát triển nghề nghiệp, lối sống để cảm nhận được hạnh phúc. Chúa muốn chúng ta đạt được cả hai điều này. Ngài có một kế hoạch tốt đẹp cho cuộc sống mỗi chúng ta (Ê-phê-sô 2:10) và Ngài sẽ thực thi kế hoạch đó nếu chúng ta biết vâng lời (Rô-ma 12:1-2). Giô-suê là một điển hình cho lẽ thật này. Ông ta khởi đầu là một người lính chiến (Xuất Ê-díp-tô-ký 17:8-16) và rồi trở thành một người trợ giúp đắc lực của Môi-se (Xuất Ê-díp-tô-ký 24:13; Dân số ký 11:28). Ông ta là một trong những người do thám tìm ra xứ Ca-na-an (Dân số ký 13). Ông đã cùng Ca-lép khích lệ dân sự tin cậy Chúa và tiến vào đất hứa. Sau đó ông đã được sự tín nhiệm của Môi-se, dẫn dắt cả dân tộc vào xứ Ca-na-an và thống trị vùng đất này (Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:1-8). Mỗi chúng ta hãy đọc Giô-suê 1:1-9 và vâng theo những nguyên tắc thần thượng đó để lãnh đạo cách hiệu quả.
Sự vâng lời giúp chúng ta đến gần với Chúa và nhận lãnh phần thưởng sự sống. Chúng ta sẽ hiệp nhất với Đấng Christ như là nhánh nho với gốc nho (Giăng 15:1-8), như các chi thể với một thân (1 Cô-rinh-tô 12). Sự hiệp một này là nền tảng cho mối thông công. Bí mật của sự phục vụ có kết quả nằm trong mối thông công và sự nương náu trong Chúa. (Giăng 15:1-17). Trong cách nhìn của thế gian, một Cơ Đốc Nhân vâng lời là một kẻ thất bại. Sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Cơ Đốc Nhân biết vâng lời sẽ tận hưởng những ơn phước từ Chúa mà thế gian không thể thấy hay kinh nghiệm được. “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người” (Giăng 14:23). Sứ đồ Giăng đã viết rằng “Nhưng ai giữ lời phán Ngài, thì lòng kính mến Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài” (1 Giăng 2:5). Mặc cho bất cứ khó khăn hay thử thách nào xảy đến, những Cơ Đốc Nhân biết vâng lời sẽ vui hưởng sự bình an trong đức tin. Họ nhận biết rằng những khổ đau hiện tại sẽ trở thành vinh quang trong tương lai (1 Phi-e-rơ 4:12-19). Nếu chúng ta “lấy lòng tốt làm theo ý muốn Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 6:6) thì điều này được kể là xứng đáng khi chúng ta gặp Chúa Giê-su.
“Chỉ hãy vững lòng bền chí, và cẩn thận làm theo hết thảy luật-pháp mà Môi-se, tôi tớ ta, đã truyền cho ngươi; chớ xây qua bên hữu hoặc bên tả, để hễ ngươi đi đâu cũng đều được thạnh vượng.” (Giô-suê 1:7)
Warren W. Wiersbe
Translated by Duy Minh