Tôi đã kêu cầu Chúa; xin hãy cứu tôi,
Thì tôi sẽ giữ các chứng cớ Chúa.
Thi thiên 119:146
Điểm nhấn mạnh của Thi thiên 119 là Lời Đức Chúa Trời và những gì Lời Chúa hành động trong chúng ta khi chúng ta vui thích và áp dụng Lời đó. Nhưng cũng có một chủ đề khác trong Thi thiên này mà chúng ta không được phớt lờ. Chúng ta phải cầu nguyện theo Lời Chúa. Trước giả Thi Thiên đã cầu nguyện (câu 145-147, 169), và có bằng chứng là Đức Chúa Trời trả lời sự cầu nguyện này. Từ đây chúng ta có thể học tập thêm các lẽ thật căn bản về sự đời sống Cơ đốc.
Người kính sợ Chúa có những kẻ thù. Những ai cho rằng đời sống Cơ đốc nhân giống như một chuyến đi du lịch êm ả, bình yên trên biển bằng du thuyền hiện đại cần phải đọc lại Tân ước. Chúa Giê-su dạy trong Ma-thi-ơ 5:10, “Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!” Và Phao-lô cũng viết, “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Giê-su Christ, thì sẽ bị bắt bớ” (2 Ti-mô-thê 3:12). Nếu những người vô tín bắt bớ Chúa Giê-su, thì họ cũng bắt bớ những ai đi theo Chúa (Giăng 15:18-25). Một người nói với tôi: “Tôi không nói bất cứ điều gì về Phúc âm với ai. Tôi chỉ sống cuộc sống của tôi và đó là lời chứng của tôi.” Nhưng nếu đời sống của bạn khác biệt với những người vô tín trên thế giới này, họ sẽ lưu ý và hỏi bạn tại sao. Và đó là cơ hội cho bạn để làm chứng về Phúc âm. Trước giả Thi Thiên bị các vua chúa đời này tấn công (119:23) và bị những kẻ ác gây phiền nhiễu (53, 61, 69), nhưng ông vẫn tiếp tục gìn giữ luật pháp Chúa. “Hỡi kẻ làm ác, hãy lìa khỏi ta. Để ta giữ điều răn của Đức Chúa Trời ta” (115; đọc thêm 121, 122). “Tôi ghét những kẻ hai lòng, nhưng yêu mến luật pháp của Chúa” (113; đọc thêm 136, 141). Cơ đốc nhân là ánh sáng của thế giới, nhưng thế giới yêu thích sự tối tăm hơn là ánh sáng, bởi vì “phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công việc của mình phải trách móc chăng” (Giăng 3:20)
Người tin kính có thể cầu nguyện tìm kiếm sự trợ giúp của Đức Chúa Trời. Trước giả Thi thiên kêu cầu sự trợ giúp của Chúa mỗi khi có nhu cầu (145-147, 169). Trong Công vụ 4:23:31 là khuôn mẫu về sự cầu nguyện cho chúng ta khi hội thánh gặp bắt bớ. Các tín hữu không cầu xin Đức Chúa Trời loại bỏ các quan chức chính quyền xấu xa hoặc che chở hội thánh thoát khỏi sự bắt bớ. Thay vì vậy họ đã cầu xin xin sự can đảm để tiếp tục công bố Phúc Âm cho những người hư mất. Hội thánh đầu tiên đã không xem sự bắt bớ là lý do để dừng lại công tác rao giảng Phúc âm nhưng xem đó là cơ hội cho mục vụ này tiếp tục tăng trưởng. Điều đáng buồn là nhiều hội thánh ngày hôm nay đã suy giảm tinh thần cầu nguyện cho công cuộc chia sẻ Tin mừng. Có lẽ chúng ta cần đến một vài sự bách hại để tỉnh thức về vấn đề này.
Người tin kính nối kết sự cầu nguyện với Lời Đức Chúa Trời. Các tín nhân cầu nguyện trong Công vụ chương 4 hiểu biết Kinh Thánh Cựu ước. Họ trích dẫn hai câu trong Thi thiên 2 và áp dụng các câu này cho hoàn cảnh của họ. Khi cầu nguyện trong Thánh Linh, Ngài sẽ nhắc chúng ta nhớ lại những lời hứa từ Kinh Thánh mà chúng ta đã đọc trước đây. Hãy công bố những lời hứa ấy. Hội thánh ngày nay cần phải đi theo khuôn mẫu của các sứ đồ, “Còn chúng ta sẽ cứ chuyên lo về sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo” (Công vụ. 6:4). Cầu nguyện và giảng đạo (hay công bố Lời) luôn đi chung với nhau. Cầu nguyện mà không có Lời Chúa đi kèm theo giống như sức nóng mà không có sự sáng. Còn Lời Chúa mà không có sự cầu nguyện giống như có ánh sáng mà không có sức nóng làm bùng cháy. Chúng ta cần cả hai điều này. Chúa Giê-su dạy: “ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó” (Giăng 15:7). Sa-mu-ên, một người tin kính trong Cựu Ước cũng dạy lẽ thật tương tự, “Còn ta đây, cũng chẳng phạm tội cùng Đức Giê-hô-va mà thôi cầu nguyện cho các ngươi. Ta sẽ dạy các ngươi biết con đường lành và ngay” (1 Sa-mu-ên 12:23). Cầu nguyện và công bố Lời!
Hỡi Đức Giê-hô-va, nguyện tiếng kêu của tôi thấu đến Ngài.
Xin hãy ban cho tôi sự thông sáng tùy theo lời Chúa.
Thi thiên 119:169
Warren W. Wiersbe
Translated by Hon Pham