Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Luật Pháp Chúa Là Điều Tôi Ưa Thích

Luật Pháp Chúa Là Điều Tôi Ưa Thích

Nguyện sự thương xót Chúa đến cùng tôi, để tôi được sống;
Vì luật pháp Chúa là điều tôi ưa thích

Thi thiên 119:77

Bất cứ điều gì làm chúng ta thích thú sẽ chỉ đạo chúng ta, và bất cứ điều gì chỉ đạo chúng ta sẽ quyết định số phận của chúng ta; vì vậy chúng ta phải cẩn thận với những ham thích của mình. “Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!” (Ma-thi-ơ 5:6). Khi vui thích trong Lời Đức Chúa Trời, chúng ta cũng sẽ vui thích trong ý muốn của Ngài. Chúa Giê-su phán, “Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công việc Ngài” (Giăng 4:34). Chúng ta vui thích với điều gì? “Sự ác lấy làm ngọt ngào cho miệng nó” (Gióp 20:12) hay “Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi!” (Thi. 119:103) Cơ đốc nhân được mời gọi đến trải nghiệm này: “Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt lành dường bao! Phước cho người nào nương náu mình nơi Ngài!” (Thi. 34:8)

 

Đức Chúa Trời cai trị hoàn vũ. Ngài thiết kế các qui luật trong thiên nhiên cho mỗi khu vực và các luật lệ của Vương quốc thuộc linh. Nếu kháng cự lại các qui luật này, con người sẽ bị suy sụp và có thể bị hủy diệt. Cơ đốc nhân học biết luật pháp thiên thượng trong Lời của Đức Chúa Trời và phải vâng lời, áp dụng các lẽ thật ấy. Phước cho người nào “vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va. Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm” (Thi. 1:2)

 

Tôi có sự tự do để lái xe ô-tô, bởi vì tôi có bằng lái xe. Nhưng trước đó tôi phải trải qua một kỳ thi để trắc nghiệm kiến thức về luật giao thông và kỹ năng lái xe trong các địa hình. Và khi lái xe tôi phải tuân thủ luật giao thông của tiểu bang. Còn lái xe ngày nào tôi còn phải tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc giao thông, mặc dù tôi được tự do lái xe. Các khoa học gia có thể nghiên cứu về nhiều vấn đề trong thế giới tự nhiên và trong vũ trụ để khám phá các qui luật không thay đổi mà Đức Chúa Trời đã thiết định trên tất cả mọi tạo vật.  Cơ quan không gian NASA Hoa kỳ có thể đưa vệ tinh, phi thuyền, con người vào không gian rồi trở về trái đất an toàn vì vâng theo các qui luật được thiết định từ  Đấng Tạo Hóa.

 

Tại sao không có nhiều người ham thích đọc và nghiên cứu Lời của Chúa? Đức Thánh Linh là tác giả của Kinh Thánh đang sống bên trong tín nhân và khích lệ chúng ta dành thì giờ đọc, suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày. Nhưng chúng ta quá bận rộn đến nỗi không còn thời gian để làm điều này! Hay là không có ai dạy chúng ta nghiên cứu Kinh Thánh? Là cha mẹ chúng ta dành thời gian chăm sóc con cái và cung cấp cho chúng những thực phẩm tốt nhất có thể. Nếu bọn trẻ ăn quá nhiều đồ ăn vặt giữa các bữa ăn, chúng sẽ không còn ham thích với bữa ăn chính có nhiều chất dinh dưỡng. Thức ăn thuộc linh của Cơ đốc nhân cũng vậy.

Khi tín nhân tập chú vào Lời Đức Chúa Trời, điều này có nghĩa Kinh Thánh là quyển sách quan trọng nhất trong cuộc đời người đó. Trong Kinh Thánh có mọi điều chúng ta cần cho sự tăng trưởng tâm linh. Nó là thực phẩm của tín nhân (Thi. 119:103; Ma-thi-ơ 4:4; 1 Phi-e-rơ 2:2; Hê-bơ-rơ 5:12-14), là nước thanh tẩy tội lỗi (Thi. 119:9; Giăng 15:3; Ê-phê-sô 5:26), là ngọn đèn soi sáng (Thi. 119:105, 130), là thanh gươm bảo vệ (Ê-phê-sô 6:17; Hê-bơ-rơ 4:12), là kho báu làm chúng ta giàu có (Thi. 119:14, 72, 127, 162), là lẽ thật biến đổi chúng ta (Giăng 17:17)

 

Là con người chúng ta thường bận rộn trong những công việc hàng ngày như đi mua sắm, kiểm tra email, câu cá …và nhiều sinh hoạt khác làm chúng ta vui thích hơn là suy ngẫm Lời Chúa. Nhưng hãy nhớ rằng trước giả Thi thiên viết, “Tôi thức trước rạng đông và kêu cầu; Tôi trông cậy nơi lời Chúa.  Canh đêm chưa khuya, mắt tôi mở tỉnh ra. Đặng suy gẫm lời Chúa” (119:147-148). Và “Hỡi Đức Giê-hô-va, ban đêm tôi nhớ lại danh Ngài. Cũng gìn giữ luật pháp Ngài” (câu 55). “Nhân vì các mạng lịnh công bình của Chúa. Tôi sẽ thức dậy giữa đêm đặng cảm tạ Chúa” (câu 62)

Nếu Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng không ngủ trên Núi – nơi Chúa hóa hình, họ có thể học được nhiều hơn về nội dung đàm thoại của Chúa Giê-su với Môi-se và Ê-li (Lu-ca 9:32). Nếu Ơ-tích không ngủ thì có thể nghe hết bài giảng của Phao-lô, tuy nhiên cậu thanh niên này đã làm điều ngược lại. “Một gã tuổi trẻ tên là Ơ-tích, ngồi trên cửa sổ, ngủ gục trong khi Phao-lô giảng rất dài” (Công vụ. 20:7-12). Chúng ta phải tỉnh thức, chỗi dậy để học Lời Chúa.

 

Hãy ăn ở như vậy, vì biết thời kỳ đương lúc chúng ta đây: Giờ anh em từ ngủ thức dậy đã đến, bởi sự cứu hiện nay đã gần chúng ta hơn lúc chúng ta mới tin.

Rô ma 13:11

 

Warren W. Wiersbe

Translated by Tuong Vi

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn