Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / THẦY ƠI / Nhớ Và Quên

Nhớ Và Quên

Câu chuyện thứ nhất:

Nhà truyền giáo lừng danh thế giới Billy Graham lúc đó đã 94 tuổi và mang bệnh Parkinson. Các nhà lãnh đạo ở Charlotte, North Carolina, mời Billy Graham tham dự một bữa ăn trưa để vinh danh ông.Ban đầu ông ngần ngại không muốn nhận lời mời vì còn đang đấu tranh với bệnh Parkinson. Nhưng các nhà lãnh đạo Charlotte nói: “Chúng tôi không mong đợi một điều gì hệ trọng, chỉ cần Mục sư đến để chúng tôi vinh danh ông.” Vì vậy, ông đã đồng ý.
Sau những điều tuyệt vời người ta nói về ông, Tiến sĩ Graham bước lên lễ đài, nhìn vào đám đông, và nói:
Hôm nay tôi được nhắc đến Albert Einstein, nhà vật lý vĩ đại trong tháng này đã được tạp chí Time vinh danh là Người đàn ông của thế kỷ. Einstein đã từng đi du lịch từ Princeton trên một chuyến xe lửa. Khi người soát vé đến trước mặt Einstein, ông lục trong túi áo, không tìm thấy vé của mình, lục trong túi quần cũng không thấy. Ông ta nhìn vào chiếc cặp của mình nhưng vẫn không thể tìm thấy nó. Người soát vé nói:” Tiến sĩ Einstein, tôi biết ông là ai. Chúng ta đều biết ông là ai. Tôi chắc rằng ông đã mua vé rồi. Đừng lo lắng về điều đó.”
Einstein gật đầu biết ơn. Người soát vé tiếp tục xuống lối đi. Khi định chuyển sang xe sau, anh quay lại và thấy nhà vật lý vĩ đại gập người xuống, quỳ gối để tìm kiếm tấm vé xe dưới chỗ ngồi của mình. Người soát vé vội vã trở lại và nói: “Tiến sĩ Einstein, Tiến sĩ Einstein, đừng lo lắng, tôi biết ông là ai . . . Không có vấn đề gì đâu, ông không cần phải tìm vé, tôi chắc chắn rằng ông đã mua rồi.”
Einstein nhìn anh ta và nói: “Chàng trai trẻ, tôi cũng biết tôi là ai. Điều tôi không biết là tôi đang đi đến đâu.”
Mục sư Billy Graham tiếp tục: Quý vị có thấy bộ đồ vest tôi đang mặc không? Đây là một bộ vest mới tinh. Các con, cháu tôi cho biết tôi đã có chút “luộm thuộm” của tuổi già. Trước đây tôi từng kỹ tính hơn. Vì vậy, tôi đã đi ra ngoài và mua một bộ đồ mới cho bữa tiệc này và một dịp nữa. Quý vị biết trong dịp nào không? Đây là bộ vest tôi sẽ mặc khi được chôn cất. Nhưng khi nghe tôi chết, tôi không muốn quý vị ngay lập tức nhớ lại bộ vest tôi đang mặc mà xin hãy nhớ cho điều nầy:
Tôi không chỉ biết tôi là ai. Tôi cũng biết nơi tôi sẽ đến. Cầu chúc nan đề của quý vị ít hơn, phước lành của quý vị nhiều hơn, và cầu mong không gì ngoài hạnh phúc, sẽ đi vào cửa nhà quý vị.
Cuộc sống không có Thiên Chúa giống như một bút chì cùn (unsharpened) – nó không có điểm (no point) nhọn để viết hay vẽ. Amen.  Bình an nghe các bạn của tôi. Cầu chúc mỗi chúng ta sống một cuộc đời mà phút kiểm soát lại vé, chúng ta không phải lo lắng mình sẽ đi về đâu.

(Câu chuyện này được viết khi Billy Graham còn sống…Ông đã về với Chúa vào ngày 21 tháng 2, 2018, tại Montreat, North Carolina, United States)


Câu chuyện thứ hai:

Mẹ ta trả nhớ về không

ngày xưa chào mẹ, ta đi
mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
mười năm rồi lại thêm mười
ta về thì khóc, mẹ cười lạ không
ông ai thế? Tôi chào ông
mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi
ông có gặp thằng con tôi
hao hao…
tôi nhớ…
nó… người… như ông.
mẹ ta trả nhớ về không
trả trăm năm lại bụi hồng…
rồi…
đi…


(Đỗ Trung Quân)

 Câu chuyện thứ ba:

Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va,
Chớ quên các ân huệ của Ngài.
Thi thiên 103:2

 


Từ “các ân huệ” được đề cập ở đây có nguồn gốc từ tiếng Latin có nghĩa là “làm điều tốt đẹp”. Bởi vì Đức Chúa Trời là tốt lành, Ngài luôn làm điều tốt đẹp. Ngài không thể làm điều ác. Những gì Chúa làm dường như có vẻ không tốt với cái nhìn của chúng ta, nhưng đó là điều Chúa đã làm và chúng chắc chắn là điều tốt – ngay cả cái giằm xóc trong cơ thể Phao-lô cũng là điều tốt (2 Cô-rin-tô 12:7-10). Phao-lô viết, “chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rô-ma 8:28). Những yếu tố nào liên quan đến “các ân huệ” của Chúa?

Ghi nhớ – chúng ta nhớ đến Chúa. Trong chức vụ chăn bầy, đôi khi tôi viếng thăm một số người mà họ đã bị mất trí nhớ. Những lần như vậy thường làm tôi suy nghĩ về tình trạng mất trí nhớ của con người. Khi bộ nhớ ngừng hoạt động, người ta không còn biết mình và những người chung quanh là ai. Không còn biết nơi mình ở và tại sao mình lại ở đây. Trí nhớ hay bộ nhớ là một món quà vĩ đại của Chúa ban cho con người. Giả sử mỗi sáng chúng ta không nhớ nổi tên và địa chỉ của chúng ta, bảng chữ cái, hệ thống số, cộng với tên của những người trong cuộc sống của chúng ta. Lúc đó chúng ta gần như sẽ bị cô lập với thực tế. Tuyển dân Israel thường xuyên quên Đức Chúa Trời và chuyển sang thờ phượng các hình tượng khác của những dân tộc chung quanh. Điều này khiến cho tuyển dân bị Chúa xử phạt. Trong sách Phục truyền luật lệ ký Môi-se thường xuyên viết, “hãy nhớ” và “đừng quên”. Môi-se viết câu này năm lần, “Hãy nhớ rằng các ngươi đã từng chịu thân phận nô lệ tại Ai-cập.” Bất cứ khi nào tuyển dân quên đi họ là ai, và Đức Chúa Trời đã làm gì cho họ, họ sẽ bị trượt chân vào tội lỗi và đối nghịch, không vâng lời Đức Chúa Trời. Mỗi hội thánh ngày nay nên có một ngày kỷ niệm “Chủ nhật di sản” hàng năm để nhắc nhở mọi thành viên về những gì Chúa đã làm ơn trên hội thánh. Quên đi lịch sử và các ân huệ của Chúa là đánh mất danh tính của mình.

Chớ quên các ân huệ của Ngài.
Thi thiên 103:2

Hãy tạ ơn Chúa về sự thương xót của Ngài. Đức Chúa Trời ban cho Israel ngày nghỉ Sa-bát và các ngày lễ trọng thể khác để nhắc nhở dân sự về ân sủng và sự thương xót của Ngài (Lê-vi-ký 23). Tuyển dân cũng dựng lên những đài tưởng niệm đặc biệt để làm chứng cho các sự kiện lịch sử quan trọng. Các hội thánh ngày nay nhóm lại vào Chủ nhật để thờ phượng, rao giảng Lời Chúa, kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Giê-su. Chúng ta cũng có các ngày đặc biệt như Giáng Sinh, Phục sinh, Kỷ niệm ngày cải chánh giáo hội… để ghi nhớ các sự kiện lịch sử quan trọng của hội thánh. Hội Thánh Ê-phê-sô và Sạt-đe trong sách Khải huyền cần phải nhớ lại “đã sa sút từ đâu, hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu của mình” (Khải 2:5) và “hãy nhớ lại mình đã nhận và nghe đạo thể nào, thì giữ lấy, và ăn năn đi” (3:3). Một số hội thánh ngày hôm nay cũng nên như thế.

 

Chúng ta hãy phục vụ Chúa. Kỷ niệm các công việc trong quá khứ Chúa làm không có nghĩa là phớt lờ hiện tại và tương lai. Nhưng gợi nhớ lại những ân huệ nhận được trong quá khứ làm chúng ta được nhắc nhở, khích lệ để làm tốt các mục vụ trong hiện tại và sẵn sàng cho những dự án tương lai. Một triết gia nói, “một người không biết về quá khứ bị kết án khi đi lại trên vết xe đổ của nó.” Khi Phao-lô gặp các trưởng lão tại hội thánh Ê-phê-sô, vị sứ đồ đã ôn lại các công việc trong quá khứ và lên kế hoạch cho tương lai (Công vụ. 20:17-38). Nếu các vận động viên thể thao có thể trở thành những vận động viên giỏi hơn nhờ học được các bài học xương máu trong quá khứ, thì Cơ đốc nhân cũng vậy. Chúng ta phải học từ các bài học trong quá khứ để trở nên những thánh đồ hiệu quả hơn cho Đức Chúa Trời.

 

Lòng biết ơn là một yếu tố quan trọng trong cuộc đời theo Chúa. Thay vì đi theo vết xe đổ của tuyển dân Israel: quên đi các phước hạnh từ Đức Chúa Trời và phớt lờ các điều răn Ngài. Chúng ta hãy ca ngợi Chúa và kỷ niệm các điều tốt lành Ngài đã làm cho chúng ta. Đức Chúa Trời không bao giờ quên con cái của Ngài, vì vậy không có lý do nào chúng ta lại quên Ngài.

 

Đàn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi.  Nầy ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay ta; các tường thành ngươi thường ở trước mặt ta luôn.

Ê-sai 49:15-16

 

Warren W. Wiersbe

Translated by Hon Pham

 

 

 

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn