Thứ Năm , 14 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Lời Cầu Nguyện Của Đa-vít

Lời Cầu Nguyện Của Đa-vít

Xin hãy rửa tôi cho sạch hết mọi gian ác. Và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi tôi.

Thi thiên 51:2

Vào một lần nọ tôi hỏi Theodore Epp, một thầy giảng Kinh Thánh trên Radio ông có lời khuyên nào dành cho những cặp vợ chồng không chung thủy nhưng muốn bắt đầu một khởi đầu mới.  Và ông trả lời, “tôi bảo họ hãy suy ngẫm thật kỹ trong Thi thiên 51.” Khi nói đến việc thú nhận tội lỗi, Đa-vít là một tấm gương tốt cho chúng ta.

 

Đa-vít chịu trách nhiệm về hành động của mình. Chúng ta không tìm thấy Đa-vít nói “chúng tôi, chúng nó” nhưng nói rõ là “tôi, của tôi”. Không giống như A-đam, Ê-va hay vua Sau-lơ. Đa-vít không đổ lỗi cho bất kỳ một ai khác. Lúc đầu ông có ý định che giấu tội lỗi của mình, nhưng đã không thành công.  “Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn. Nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót” (Châm ngôn 28:13). Đức Chúa Trời đã sử dụng những lời của tiên tri Na-than để cáo trách Đa-vít. “Na-than nói cùng Đa-vít rằng: Vua là người đó!” (2 Sa-mu-ên 12:7). Đa-vít tỉnh ngộ, nhìn ra sai lầm nghiêm trọng của mình. Nếu chúng ta chối tội lỗi của mình, thì đây là lời cảnh báo: “Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta” (1 Giăng 1:10). Tội lỗi của chúng ta là nghiêm trọng. Chúa Giê-su đã gánh tất cả các tội ấy trên thập giá thay cho chúng ta.

Đa-vít mang gánh nặng và tan vỡ tấm lòng. Thi thiên 51 không phải là lời cầu nguyện thiếu sót của một đứa trẻ chưa trưởng thành mà là lời thú tội đẫm nước mắt của một tôi tớ Đức Chúa Trời đã trưởng thành. Đa-vít nhận thức rằng bản thân ông đã đánh mất sự chính trực, ông đã phạm tội cùng Chúa, vi phạm luật pháp của Chúa và ông cầu xin Chúa Chúa phục hồi: “Xin hãy ban lại cho tôi sự vui vẻ về sự cứu rỗi của Chúa. Dùng thần linh sẵn lòng mà nâng đỡ tôi.” (câu 12). Trước đây ông đã từng trải nghiệm niềm vui trong sự cứu rỗi, nhưng giờ đây ông thấy bản thân đầy tội lỗi (câu 3). Đa-vít đã khóc than về tội lỗi của mình. Chúng ta không nhất thiết phải rơi nước mắt như Đa-vít, nhưng điều chính yếu là phải thực lòng ăn năn thống hối về lỗi lầm của mình. “Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu” (câu 17). Lời hứa của Chúa dành cho chúng ta: “Ta ngự trong nơi cao và thánh, với người có lòng ăn năn đau đớn và khiêm nhường, đặng làm tươi tỉnh thần linh của những kẻ khiêm nhường, và làm tươi tỉnh lòng người ăn năn đau đớn” (Ê-sai 57:15)

 

Đa-vít tin chắc chắn vào Đức Chúa Trời. Chúng ta không thấy Đa-vít đối nại hay mặc cả với Đức Chúa Trời. Ngay từ ban đầu Đa-vít tin vào thuộc tánh của Đức Chúa Trời, tin vào sự thương xót và tình yêu không thay đổi của Ngài (câu 1). Đa-vít biết rằng ông có thể tin cậy vào lời hứa của Chúa. Vua của Israel được đòi hỏi phải đọc luật pháp Chúa thường xuyên, vì vậy Đa-vít có thể đã nhớ lời này trong Xuất Ê-díp-tô ký, “Giê-hô-va! Giê-hô-va! Là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực,  ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời” (34:6-7). Sau này Đa-vít đã nói, “Sự khốn khổ tôi lớn thay! Thế thì, nguyện tôi sa vào tay của Đức Giê-hô-va, vì những sự thương xót của Ngài là lớn lắm; nhưng chớ cho tôi sa vào tay của loài người ta” (2 Sa-mu-ên 24:14). Là Cơ đốc nhân chúng ta yên nghỉ trên lời hứa của Chúa trong 1 Giăng 1:9.

 

Đa-vít tái dâng hiến chính mình cho sự phục vụ (Thi. 51:13, 18-19). Khi được tha thứ Đa-vít đã không nếu ra bất kỳ điều kiện nào cho sự phục vụ Đức Chúa Trời và con người. Khi được tẩy sạch, Chúa tiếp tục sử dụng Đa-vít. Ông có thể làm chứng về sự tha thứ của Chúa cho người khác. Đa-vít có thể đi vào nơi tôn nghiêm và hát ca ngợi Chúa. Ông có thể khích lệ tuyển dân xây sửa lại các bức tường của Giê-ru-sa-lem, khích lệ các thầy tế lễ dâng lên các của lễ. Lời cầu nguyện của ông trong câu 10, “Đức Chúa Trời ôi! Hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch. Và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng.” Là Cơ đốc nhân sau khi thừa nhận tội lỗi, nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời, chúng ta phải hợp tác với Đức Thánh Linh cho phép Ngài dùng Lời Chúa chữa lành tấm lòng của chúng ta để chúng ta không vấp phạm lần nữa. Đức Chúa Trời không chỉ chữa lành tấm lòng đau thương thống hối, mà Ngài còn ban cho chúng ta tấm lòng khao khát vâng phục Ngài.

 

 

Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.

1 Giăng 1:9

 

Warren W. Wiersbe
Translated by Tuong Vi

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn