Buổi chiều, buổi sáng, và ban trưa, tôi sẽ than thở rên siết.
Ngài ắt sẽ nghe tiếng tôi.
Thi thiên 55:17
“Cuộc gọi của bạn rất quan trọng đối với chúng tôi, vì vậy xin vui lòng giữ máy.” Vì vậy, chúng ta giữ máy để cuộc gọi của chúng ta trở nên quan trọng. Cầu nguyện không phải như thế. Đức Chúa Trời biết những gì chúng ta cần trước khi kêu cầu. Nhưng Ngài muốn chúng ta phải cầu nguyện vì cớ chúng ta chứ không phải vì Ngài. Ngài khao khát ban cho chúng ta những nhu cầu, nhưng trước hết chúng ta phải cầu nguyện. Mệnh đề “Ngài ắt sẽ nghe tiếng tôi” liên quan đến ba đặc ân của chúng ta.
Là con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, chúng ta có đặc quyền được nói. Nhiều người coi thường đặc quyền này và lạm dụng nó. Lời nói thực sự là một phép lạ cần phải được bảo vệ và sử dụng cho vinh quang của Chúa. Đức Chúa Trời tạo nên bộ não kỳ diệu của con người để chúng ta học nói và trưởng thành hơn trong những lời phát biểu khi tuổi càng cao. Chúng ta phải học tập phát biểu không chỉ giữa vòng con người với nhau, nhưng cũng là giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể cầu nguyện hay ngợi khen Chúa trong yên lặng, nhưng tốt hơn chúng ta nên làm điều đó bằng những lời nói có thể nghe rõ được, đặc biệt là khi ở một mình. Để giúp một đứa trẻ học tên của các sự vật và làm thế nào để nói chúng ra là một niềm vui cho chúng ta. Chúng ta đang tham gia vào một phép lạ! Nhiều triết gia kết luận rằng điểm khác biệt căn bản giữa con người và loài vật chính là lời nói.
Là Cơ đốc nhân, chúng ta có đặc ân để cầu nguyện. Trong Kinh Thánh đặc biệt là Thi thiên, chúng ta nhìn thấy các bài cầu nguyện của các thánh đồ. Trong Thi thiên 65:2, “Hỡi Đấng nghe lời cầu nguyện. Các xác thịt đều sẽ đến cùng Ngài.” Cụm từ “Chúa nghe lời cầu nguyện tôi” được tìm thấy ít nhất hai mươi lăm lần trong các Thi thiên. Khi Đa-vít viết Thi thiên 55, tác giả đang gặp rắc rối và muốn chạy trốn. “Lòng tôi rất đau đớn trong mình tôi. Sự kinh khiếp về sự chết đã áp lấy tôi.
Nỗi sợ sệt và sự run rẩy đã giáng trên tôi. Sự hoảng hốt đã phủ lấy tôi.
Tôi có nói: Ôi! Chớ chi tôi có cánh như bồ câu, ắt sẽ bay đi và ở được yên lặng. Phải, tôi sẽ trốn đi xa, ở trong đồng vắng. Tôi sẽ lật đật chạy đụt khỏi gió dữ” (câu 4-8). Tác giả đang ở trong một trận chiến (câu 18-21) và mặc dù là một chiến binh từng trải, trong tình huống này dường như ông không thể đánh thắng quân thù. Tuy nhiên Đức Chúa Trời nghe tiếng cầu xin của Đa-vít và Ngài ban cho ông chiến thắng. Thay vì bay gần mặt đất như một con chim bồ câu, Đa-vít có thể cất cánh bay cao như chim đại bàng (Ê-sai 40:31) và “trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần” (Rô-ma 8:37)
Chúng ta biết rằng Đấng Christ cũng có đặc quyền khi trưng dẫn các lời hứa của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chứa đựng nhiều lời hứa liên quan đến lời cầu nguyện và nhiều tấm gương của sự cầu nguyện. Cha thiên thượng vui lòng khi chúng ta tin cậy và áp dụng các lời của Ngài. Đa-ni-ên đã bắt chước Đa-vít khi ông cầu nguyện ba lần trong một ngày (Đa-ni-ên 6:10), và Phao-lô khích lệ chúng ta phải cầu nguyện không thôi (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). Đức Chúa Trời nghe tiếng kêu cầu của Đa-vít khi ông ở trong hang động (Thi. 57). Và Chúa cũng nghe lời cầu nguyện của Ê-xê-chia khi vị vua này đối diện với bệnh tật (Ê-sai 38). Phi-e-rơ sắp chìm xuống nước thì kêu lên “Chúa ôi, cứu tôi” (Ma-thi-ơ 14:30). Và Chúa đã trả lời cho Phi-e-rơ. Khi vị sứ đồ này phải vào tù vì rao giảng Phúc âm, Đức Chúa Trời đã nghe lời cầu nguyện của các tín hữu đang nhóm lại trong nhà của Ma-ri là mẹ của Giăng Mác, và Chúa đã giải cứu Phi-e-rơ ra khỏi tù cách diệu kỳ (Công vụ 12). Phao-lô-và Si-la ngợi khen Chúa và cầu nguyện trong nhà tù, điều này dẫn đến một phép lạ khiến họ được giải cứu và danh Chúa được vinh hiển (Công vụ 16:25-34). Bất luận chúng ta ở chỗ nào, Đức Chúa Trời cũng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Giô-na cầu nguyện từ trong bụng cá và Chúa đã giải cứu ông (Giô-na 2). (Thi. 147:9). Đức Chúa Trời còn chú ý tới tiếng kêu của những con quạ nhỏ, Ngài “ban đồ ăn cho thú vật, và cho quạ con kêu rêu” (Thi. 147:9).
Cầu nguyện thay đổi mọi điều và nó cũng thay đổi con người bao gồm những ai đang ở trong cơn khủng hoảng và tin cậy Chúa giải cứu. Có điều chi quá khó cho Đức Giê-hô-va?
Tôi yêu mến Đức Giê-hô-va, vì Ngài nghe tiếng tôi,
Và lời nài xin của tôi.
Tôi sẽ cầu khẩn Ngài trọn đời tôi,
Bởi vì Ngài có nghiêng tai qua tôi.
Thi thiên 116:1-2
Warren W. Wiersbe