Thứ Hai , 11 Tháng Mười Một 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Trật Phần Ân Điển

Trật Phần Ân Điển

Oneway.vn 

“Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng” (Hê-bơ-rơ 12:15)

Giữa tháng 7/2019, cộng đồng Tin Lành tại Mỹ nói riêng cũng như phần đa thế giới nói chung cảm thấy bàng hoàng, tiếc nuối và buồn bực vì tuyên bố ly thân của một nhân vật. Tin tức về sự kiện này đồng loạt được đăng tải không chỉ trên các trang mạng, tờ báo, tạp chí Cơ Đốc mà còn cả trên những tờ báo lớn của nước Mỹ. Tại sao tuyên bố mang tính cá nhân ấy lại tác động mạnh mẽ đến như vậy? Bởi vì người tuyên bố ly thân đó là Joshua Harris nguyên là một Mục sư Tin Lành, đặc biệt hơn ông là tác giả của một quyển sách rất nổi tiếng, được xem như “Kinh Thánh trong lĩnh vực tình yêu” mà ông viết cách đây hơn 20 năm khi chỉ mới 21 tuổi.

Quyển sách có tựa đề “I kissed dating goodbye” (tạm dịch “Tôi hôn tạm biệt chuyện hẹn hò”) nêu ra những nguyên tắc giúp bạn trẻ Cơ Đốc theo đuổi nếp sống thánh khiết để kinh nghiệm một hôn nhân hạnh phúc trong thánh ý tốt lành của Chúa. Ngay khi được xuất bản năm 1997, cuốn sách đã gây nên một tiếng vang mạnh mẽ, đưa tên của chàng trai mới 21 tuổi lên một tầm cao mới, tác động đến tư tưởng của hàng triệu người trong bối cảnh hôn nhân không còn được xem là một vấn đề quan trọng, sống thử – tình dục trước hôn nhân trở nên một thứ văn hoá phổ biến. Với cuốn sách này, Joshua Harris được xem là một tác giả Tin Lành có ảnh hưởng và trở thành một trong những nhà ủng hộ văn hoá thánh khiết (purity culture) nổi bật.

Những giá trị trong quyển sách càng trở nên có sức ảnh hưởng lớn lao hơn khi Joshua và người vợ là ca  sĩ của mình có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với ba đứa trẻ xinh đẹp. Không những thế, dù không trải qua môi trường đạo tào thần học chính quy nhưng với nền tảng giáo dục tại gia (home schooling), Joshua tự mày mò nghiên cứu, dấn thân vào chức vụ, sáng lập nên các mục vụ Cơ Đốc, hầu việc Chúa trong vai trò Mục sư, tác giả của thể loại hôn nhân – tình yêu Cơ Đốc. Ông cũng viết sách về thần học. Ở tuổi 30, ông đảm nhận chức vụ Mục sư Quản nhiệm của Hội Thánh Covenant Life Church (từ năm 2004 đến 2015), một “đại giáo đoàn” với hơn 3000 tín hữu, một Hội Thánh Tin Lành truyền thống, phi hệ phái ở tại tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ.

Joshua Eugene Harris (born December 30, 1974 in Dayton, Ohio) is an American author and former pastor. Harris is widely known for his book I Kissed Dating Goodbye (1997), in which he laid out his ideas concerning a Biblically-based Christian approach to dating and relationshipsI Kissed Dating Goodbye “helped shape purity culture” for many Christian millennials.[1] Harris was lead pastor of Covenant Life Church, the founding church of Sovereign Grace Ministries, in Gaithersburg, Maryland from 2004 until 2015. In 2018, Harris disavowed I Kissed Dating Goodbye and discontinued its publication.

https://en.wikipedia.org   

Dù năm 2015, Joshua đã xin rút khỏi chức vụ và chuyển đến sống tại Vancouver, Canada và tập trung vào công việc tư vấn chiến lược, Marketing cho các công ty, nhưng những di sản thuộc linh ông để lại trong suốt gần 20 năm trong chức vụ vẫn luôn gây ảnh hưởng và khẳng định tên tuổi của mình.

Kể ra những chi tiết như thế để cho thấy vì sao tuyên bố ly thân – ly hôn của ông lại được nhiều người quan tâm đến như vậy. Trong khi những tin tức, bài viết, phân tích, bàn luận về tuyên bố này vẫn còn âm ĩ thì khoảng 10 ngày sau đó, ngày 27/7/2019, trên trang Instagram cá nhân, Joshua Harris khẳng định rằng: “Bởi mọi lượng giá mà tôi có trong việc định nghĩa một Cơ Đốc nhân thì tôi không phải là một Cơ Đốc nhân”.

Sau nụ hôn “thánh” tạm biệt chuyện hẹn hò vào năm 21 tuổi, Josh đã “hôn tạm biệt” hôn nhân của mình, và giờ đây, ông cũng “hôn tạm biệt” đức tin Cơ Đốc của mình.

Cũng cần nói thêm để đi đến quyết định này, ông đã trải qua một vài “thay đổi” trong hành trình thuộc linh. Năm 2015, Joshua xin rời khỏi chức vụ với mong muốn mở rộng quan điểm của mình về Thần học và có sự kết nối với “các phần khác của Cơ Đốc giáo”. Cũng khoảng thời gian này, Joshua đã bắt đầu “xem lại” những gì mình đã viết và dạy dỗ trong sách của mình. Trên website cá nhân, ông viết lời tuyên bố và giới thiệu cả một phim tài liệu nói về việc mình đã “nghĩ khác” so với những gì đã viết hơn 20 năm trước. Ông gửi lời xin lỗi tới tất cả những ai cảm thấy tổn thương, sợ hãi, lo lắng vì những gì ông viết, đặc biệt là những thành viên thuộc cộng đồng LGBTQ.
LGBTQ là cộng đồng những người có xu hướng giới tính khác biệt so với phần đông xã hội hay còn gọi là những người thuộc giới tính thứ 3. LGBTQ là viết tắt của 5 từ trong tiếng Anh bao gồm: Đồng tính luyến ái nữ, đồng tính luyến ái nam, song tính luyến ái, hoán tính (người chuyển giới) và giới tính chưa xác định.

Không cần phải nói thêm, tất cả những sự kiện trên khiến cho mỗi một người Cơ Đốc cảm thấy thực sự tiếc nuối và đau buồn vì một người đầy ơn nhưng nay đã “trật phần ân điển”. Nhưng cũng không ít người thắc mắc tại sao lại có cớ sự này? Há chẳng phải Chúa Giê-xu đã hứa không điều chi có thể cướp chiên Ngài ra khỏi Ngài hay sao? Còn lời đảm bảo về sự sống đời đời cho những kẻ ở trong Ngài thì sao?

Đây là một câu hỏi lớn, một vấn đề Thần học nan giải đã được đem ra mổ xẻ, tranh luận không biết bao nhiêu lần. Về cơ bản có hai trường phái lớn và mỗi trường phái đều sử dụng nhiều phần Kinh Thánh bảo vệ cho quan điểm của mình: (1). Những ai thực sự tin Chúa sẽ không bao giờ mất sự cứu rỗi, (2) Con người có ý chí tự do nên có thể lựa chọn ra khỏi ân điển Chúa, đánh mất sự cứu rỗi.

Như vậy, đối với sự kiện một người công khai chối bỏ đức tin, hai trường phái nói trên có hai cách giải thích khác nhau:

* Ông chưa bao giờ thực sự tin Chúa

Chúa Giê-xu phán:
“Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta. Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta. Cha ta là Đấng lớn hơn hết đã cho ta chiên đó, và chẳng ai cướp nổi chiên đó khỏi tay Cha” (Giăng 10:27-29).

Còn Phao-lô thì tin quyết: “Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta” (Rô-ma 8:38-39).

Vì sự cứu rỗi hoàn toàn là ân điển và công tác của Chúa, chứ không phải bởi việc làm của con người. Nếu con người không bao giờ có thể tự làm nên sự cứu rỗi thì cũng không ai có thể “đánh mất sự cứu rỗi”. Như Phao-lô khẳng định trong Phi-líp 1:6 “tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ”, chính Đức Chúa Trời sẽ làm sự cứu rỗi của người thuộc về Ngài nên trọn, và vì vậy không có chuyện người đó đánh mất.

Tức là nếu một người thực sự tin Chúa rồi thì không bao giờ có chuyện người đó sẽ chối bỏ đức tin mình, vì chính Chúa đã, đang và sẽ giữ đức tin của người đó nơi Ngài cho tới ngày cuối cùng. Hầu hết các nhà thần học cải chánh (Roformed), các tín hữu Trưởng Lão, Báp-tít…đều tin vào cách giải thích này.

Lời giải thích này về mặt logic thì rất phù hợp, không có gì có thể cãi lại được. Nhưng nếu nhìn vào thực tế về đời sống và chức vụ của Josh trong suốt 20 năm qua, liệu có bất kỳ ai, hay ngay cả chính ông, từng thắc mắc về tính chân thật của đức tin ông nơi Chúa?

Nếu vậy, bạn sẽ định nghĩa tin Chúa là như thế nào? Chắc hẳn ông đã cầu nguyện mời Chúa vào lòng, đã đến với Ngài trong sự ăn năn, cầu nguyện, học Kinh Thánh, đã cảm nhận được sự thôi thúc để bước chân vào chức vụ…liệu chừng đó vẫn chưa đủ chứng minh đức tin của ông hay sao?

* Ông có ý chí tự do để chọn ở trong ân điển hay ra ngoài ân điển

Tác giả Hê-bơ-rơ nói nhiều về sự bội đạo. Một trong những lời cảnh báo kinh khiếp đó là: “Vì những người đã được soi sáng một lần, đã từng nếm sự ban tặng từ trời, đã dự phần về Đức Thánh Linh, đã nếm sự tốt đẹp của lời Đức Chúa Trời, và quyền năng của thời đại sẽ đến; nếu vấp ngã thì không thể nào phục hồi để ăn năn được, vì chính họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời một lần nữa, và công khai sỉ nhục Ngài” (Hê-bơ-rơ 6:4-6).

Kinh Thánh nhiều lần phán dạy con dân Chúa phải giữ sự trung tín cho đến chết, điều này nói lên ý chí tự do và trách nhiệm của con người trong việc “giữ ơn cứu rỗi” “Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều thiên của sự sống” (Khải Huyền 2:10).

Trường phái thần học Armanius dạy rằng nếu một người công khai từ bỏ đức tin của mình thì đó chính là người “trật phần ân điển”, đánh mất sự cứu rỗi.

Dù bạn có theo trường phái nào đi nữa thì kết quả luôn là “bạn được cứu khi và chỉ khi Chúa nhìn thấy đức tin nơi bạn”. Trường phái đầu tiên dạy rằng giờ đây Josh không có đức tin vì vốn dĩ ngay từ đầu ông đã không tin thật. Trường phái thứ hai nói rằng ông không có đức tin vì ông chọn từ bỏ nó. Đó là 2 cách giải thích, 2 trường phái Thần học nhưng chung quy lại kết quả không có gì khác biệt: giờ đây Josh không còn đức tin, không còn ở trong ơn cứu rỗi của Đức Chúa Giê-xu Christ.

Nêu ra những điểm này không phải là để lên án, đoán xét người khác, nhưng là để gióng lên hồi chuông cảnh báo: dù bạn có làm mục vụ giỏi thế nào, giảng hay ra sao, hoặc tin theo quan điểm thần học gì, thì vấn đề là cho đến cuối cùng, liệu Chúa có nhìn thấy đức tin nơi bạn. Không quan trọng là ngay từ lúc bắt đầu “gia nhập đạo”, bạn tin Chúa thật hay giả, điều quan trọng và có giá trị là vào lúc cuối cùng khi bạn gặp Chúa, liệu Ngài thấy đức tin trong bạn?

Một bài học nho nhỏ khác mà chúng ta có thể nhìn thấy từ sự kiện này, đó là trên đất này không hề có một sự bảo đảm về phước lành hay hạnh phúc tuyệt đối nào. Nhiều người cho rằng Giô-suê 1:8 là một lời hứa tuyệt đối rằng cứ đọc, học, suy ngẫm, làm theo lời Kinh Thánh là chắc chắn 100% PHẢI được phước. Và nếu định nghĩa về chữ phước của họ “hạnh phúc, sung túc, ấm no” là đúng thì Lời Chúa đã sai! Vì thử hỏi trong số 12 vị Sứ đồ đầu tiên có bao nhiêu người được cái phước này? Cũng vậy, nhiều người ngày nay đọc các nguyên tắc thánh khiết, nguyên tắc hôn nhân, nuôi dạy con cái và nghĩ trong đầu rằng cứ làm theo những nguyên tắc đó thì gia đình sẽ hạnh phúc, nhà cửa sẽ ấm êm, con cái sẽ ngoan ngoãn… Chúng ta có quyền hy vọng và ước ao như vậy, nhưng hãy nhớ là không hề có một công thức nào là hoàn hảo, đúng 100% và cũng đừng bất ngờ khi chúng ta đã cậy ơn Chúa làm hết sức nhưng kết quả lại không như mong đợi. Đơn giản là trái đất mà chúng ta đang sống là nơi đã bị sa ngã, bị Chúa rủa sả, và chỉ là nơi ở tạm mà thôi. Chúng ta phải tập chú, phải ước ao vào phước lành ở một nơi khác, là Thiên đàng vinh hiển.

Joshua Harris nổi lên như một lãnh đạo Cơ Đốc tài năng và chìm xuống cách ồn ào như một trận lũ lớn. Cũng đã có biết bao nhiêu con người nổi lên, rồi lại chìm xuống như vậy. Và dòng nước lũ ấy cũng không chừa bạn và tôi, có thể lắm chúng ta là những đối tượng tiếp theo. Nghe, nghĩ và nghiền ngẫm về câu chuyện cuộc đời này khiến chúng ta phải SỢ về hành trình thuộc linh của mình để luôn vững bước như ai đó đã nói rằng: “Trong hành trình Cơ Đốc, không quan trọng bạn khởi đầu hoặc chạy giỏi ra sao, điều quan trọng là bạn kết thúc nó như thế nào”. Ước ao sẽ có một ngày, Josh quay lại đường đua đã dành cho mình. Và ước ao mỗi một người trong chúng ta đều ở trong đường đua và có thể VỀ ĐÍCH tốt đẹp.

Lê Phan

Nguồn: Đức Tin & Đời Sống

#tratphanandien #JoshuaHarris #niemtincodoc #choiboductin #OnewayMedia   

Bài viết liên quan:

Khởi Đầu Tốt, Kết Thúc Đẹp

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn