Đây là những gì xảy ra khi chúng ta không vâng phục những gì chúng ta biết Chúa kêu gọi mình làm.
Sách Giô-na tỏ ra thật rõ ràng. Sách mô tả Chúa kêu gọi tiên tri Giô-na đến thành Ni-ni-ve rao giảng (một thành phố tội lỗi của thời cổ). Thoạt đầu Giô-na chạy trốn khỏi sự kêu gọi. Kết quả là ông trải qua 3 ngày trong bụng một con cá lớn trước khi ông biết rõ ý của Ngài và quyết định vâng phục Ngài. Giô-na chương 1 tỏ ra bảy bài học đáng ghi nhớ khi chúng ta chạy trốn khỏi Chúa.
1. Chạy trốn khỏi Chúa cho thấy có sự cay đắng hay không tha thứ cho nhau. Giô-na chạy trốn khỏi Chúa vì ông thù ghét kẻ thù không đội trời chung của dân Y-sơ-ra-ên, người A-si-ry mà thành Ni-ni-ve thuộc về. Ông không thể đặt trong lòng mình hình ảnh họ tiếp nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời.
2. Bạn có thể chạy trốn khỏi Chúa, nhưng bạn không thể giấu mặt khỏi Ngài. Giô-na nghĩ rằng ông có thể đi xa thật là xa khỏi Y-sơ-ra-ên bằng cách đón tàu và đi 2.500 dặm ngược lại với hướng đi đến Ni-ni-ve để đến Tây Ban Nha. Dù biết rằng Chúa là toàn tri, ông vẫn cố gắng giấu mình khỏi Chúa bằng một chuyến đi vượt đại dương.
3. Chúa không bao giờ bỏ cuộc về bạn. Khi Giô-na mua vé tàu một chiều đi Tây Ban Nha, Đức Chúa Trời có thể xóa tên ông và chọn một người khác để đến Ni-ni-ve rao giảng. Ngài đã không làm như vậy. Ngài đeo đuổi theo Giô-na.
4. Chúa cho phép những cơn bão trong đời sống của chúng ta để làm ích lợi cho chúng ta. Chúa đem một cơn bão đến không phải để trừng phạt Giô-na nhưng để ngăn cản ông. Giô-na cần được cứu khỏi chính ông và cơn bão (và con cá nuốt lấy ông) là một công cụ của Chúa cho lợi ích của ông.
5. Khi bạn chạy trốn, những người khác bị tổn thương. Khi Giô-na ở trên tàu, con tàu và mỗi một thủy thủ vô tội đang ở trong sự nguy hiểm mất mạng vì cớ sự bất vâng phục của Giô-na. Dù chúng ta có thể nghĩ rằng việc chúng ta phạm tội không làm ai khác (ngoài chính chúng ta là người phạm tội) bị tổn thương, nhưng điều chắc chắn là chúng ta đang làm cho một ai đó đang bị tổn thương. Việc chúng ta bất vâng phục Chúa không đơn giản là một việc xảy ra trong phạm vi riêng của nó.
6. Càng trốn chạy khỏi Chúa lâu chừng nào, cơn bão càng tệ hại hơn. Khi cơn bão nổi lên, những người trên tàu bắt thăm. Đây là một cách thời xưa làm để tìm biết ý của thần linh, để xem ai làm “các thần” nổi giận và gây ra cơn bão. Thăm bắt trúng Giô-na là nguyên cớ. Ông có thể ăn năn vào lúc đó, nhưng đã không làm điều này. Cơn bão trở nên càng lúc càng kinh khủng hơn. Thường, khi chúng ta chạy trốn khỏi Chúa, chúng ta đang đào cho mình một cái hố càng lúc càng sâu hơn.
7. Tội lỗi của bạn không qua khỏi ân sủng của Chúa. Không phải là cứ mỗi lần chúng ta phạm tội thì Chúa ban cho chúng ta những cơ hội như nhau. Trong trường hợp này, Chúa cứ đeo đuổi theo Giô-na. Ngài sai một cơn bão và một con cá lớn đến. Và Giô-na thoát khỏi cả hai. Phần còn lại của sách Giô-na diễn tả nhiều thí dụ khác về việc Chúa gia tăng ân sủng cho Giô-na. Chúng ta không bao giờ có thể phạm tội, bất tuân phục và trốn chạy khỏi Chúa hơn mức ân sủng tha thứ và phục hồi của Ngài, một khi chúng ta sẵn lòng đến với Ngài.
Còn những bài học khác mà bạn từng thấy được trong chính mình hay người khác khi trốn chạy khỏi Chúa?
Văn Bình
(Lược dịch theo: outreachmagazine.com)