Mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời.
Ý tưởng của lòng Ngài còn đời nầy sang đời kia.
Thi thiên 33:11
Trong phần a của câu gốc này, chúng ta dễ dàng nói Amen. Nhưng đến phần b, một số tín nhân gặp rắc rối. Bạn có thể đã trải qua nhiều khổ nạn trong đời sống theo Chúa và điều đó làm cho bạn gặp khó khăn để tin rằng mọi điều xảy đến cho mình là xuất phát từ tình yêu của Chúa. Nếu Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta, thì tại sao chúng ta phải trải qua những thất vọng, khủng hoảng, đau khổ….? Khi những gì chúng ta gọi là “những điều tệ hại” xảy ra cho dân sự của Đức Chúa Trời, thì kẻ thù sẽ hỏi: “Nếu Chúa yêu thương bạn, tại sao điều này lại xảy ra?” Là Cơ đốc nhân, chúng ta sẽ có thái độ nào trước những tình huống này?
Chấp nhận mục đích tổng thể của Chúa. Sự khôn ngoan của Cha thiên thượng là Ngài dùng mọi cách để cho Cơ đốc nhân “trở nên giống như hình ảnh Con Ngài” (Rô-ma 8:29). Các hoạn nạn trong đời sống được Chúa sử dụng như một dụng cụ để rèn tập chúng ta trở nên càng giống Chúa Giê-su hơn. Và dù chúng ta có hiểu hay không thì tất cả những khó khăn này tập hợp lại với nhau làm ích lợi cho người yêu mến Đức Chúa Trời (câu 28). Nhưng Cha thiên thượng cũng có một mục đích cho từng cá nhân chúng ta. Ngài đang hành động để chúng ta có thể “lấy lòng sợ sệt run rẩy mà hoàn tất sự cứu rỗi của chính mình… và vừa muốn vừa làm theo ý chỉ tốt đẹp của Ngài” (Phi-líp 2:12-13). Giô-sép không thể hiểu được tại sao Đức Chúa Trời lại khiến ông phải chịu đựng quá nhiều gian truân, nhưng đó là cách Chúa huấn luyện người của Ngài để cuối cùng đặt ông lên chiếc ghế của thủ tướng Ai-cập và ông trở nên giống Chúa Giê-su nhiều hơn. Mười hai sứ đồ không hiểu được tại sao người thầy vĩ đại của họ phải chịu khổ nạn và chết. Nhưng cuối cùng họ đã hiểu và công bố các sứ điệp Phúc âm.
Đầu phục những kế hoạch hằng ngày của Đức Chúa Trời. “Trong lòng loài người có nhiều mưu kế; Song ý chỉ của Đức Giê-hô-va sẽ thành được” (Châm ngôn 19:21). Rất nhiều lần trong chức vụ tôi đã quay trở về với Giê-rê-mi 29:11 và tìm thấy sự khích lệ: “Đức Giê-hô-va phán: Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình.” Đức Chúa Trời đang kiểm soát toàn thể hoàn vũ, nhưng Ngài cũng luôn nghĩ đến và chăm sóc chúng ta trong tất cả mọi tình huống. Nếu chúng ta tín thác vào Ngài, chúng ta sẽ kinh nghiệm Ngài dẫn chúng ta đến một tương lai tươi sáng và đầy hy vọng. Lời hứa này nhắc tôi nhớ đến một gia đình ở Bê-tha-ni khi họ đối diện với một hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta đọc trong Giăng 11:5, “Đức Chúa Giê-su yêu Ma-thê, em người, và La-xa-rơ.” Vậy thì tại sao Chúa lại để cho La-xa-rơ đau ốm và chết? Tại sao Chúa trì hoãn đến Bê-tha-ni khi Ngài nghe tin La-xa-rơ ốm nặng? Tuy nhiên tất cả những chi tiết này tổng hợp lại để dâng vinh hiển về cho Đức Chúa Trời. Trước giả Thi thiên viết, “Kỳ mạng tôi ở nơi tay Chúa” (31:15).
Yên nghỉ trong tình yêu của Đức Chúa Trời. Cho dù Ma-ri, Ma-thê, La-xa-rơ hay bạn và tôi, Đức Chúa Trời vẫn luôn bày tỏ tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Khi con trai lớn của chúng tôi vào học lớp một. Nó cố gắng trèo qua cửa sổ và bị ngã xuống đất, trán nó đập vào nền nhà và máu tuôn lai láng. Vợ chồng tôi lập tức đưa nó đến bệnh viện để nhờ bác sĩ giúp đỡ. Trên đường tới bệnh viện nó hỏi tôi: “bác sĩ sẽ làm gì với con?” Tôi trả lời là bác sĩ gây tê và khâu vết thương lại, con sẽ được tiêm thuốc kháng sinh và điều trị trong một thời gian. Quá trình này sẽ gây đau đớn, nhưng cuối cùng vết thương của con sẽ lành. Tại sao chúng tôi đưa nó đến bác sĩ? Vì chúng tôi yêu con trai của mình và muốn điều tốt nhất cho nó. Đức Chúa Trời là Cha thiên thượng của chúng ta. Ngài không bao giờ bỏ rơi con cái Ngài trong những tình huống nguy hiểm. “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:32). Cha thiên thượng đã phó Con ngài trên thập giá vì chúng ta (trong một phương diện Ngài đã từ bỏ Con Ngài) để chúng ta không bao giờ bị từ bỏ. Cho dù cảm xúc của chúng ta như thế nào, thì ân điển của Chúa sẽ biến đổi sự đau khổ của chúng ta thành vinh hiển cho Ngài và khiến chúng trở nên giống Chúa Giê-su nhiều hơn.
Chúa sẽ dùng sự khuyên dạy mà dẫn dắt tôi,
Rồi sau tiếp rước tôi trong sự vinh hiển.
Thi thiên 73:24
Lòng người toan định đường lối mình;
Song Đức Giê-hô-va chỉ dẫn các bước của người.
Châm ngôn 16:9
Warren W. Wiersbe
Translated by Hon Pham