Admin:
“Mục sư Lữ Thành Kiến là một hiện tượng độc đáo trong cộng đồng Cơ đốc giáo Việt Nam. Anh đặc biệt vì trong anh có những tố chất của một nhà văn, thi sĩ, ca sĩ …và cuối cùng là Mục sư. Anh khác biệt với mọi người vì chính anh đã làm nên sự khác biệt.”
🙂
Trần Nguyên Đán là một bút hiệu trong một vài bút hiệu. Tên thật là Lữ Thành Kiến. Làm thơ viết văn từ khi còn là trẻ con cho các báo xuất bản tại Việt Nam trước (Tuổi Hoa, Ngàn Thông, Tuổi Ngọc) và sau 1975 (Tuổi Trẻ, Văn, Kiến Thức Ngày Nay). Định cư ở Mỹ vào cuối năm 1994 tại California. Vào Trường Thần Học và được đào tạo trở thành một Mục sư, bắt đầu quản nhiệm các Hội Thánh từ năm 1997 đến nay tại các tiểu bang Maryland, Texas và hiện nay là South Carolina, dầu vậy vẫn kết hợp làm công tác giáo sĩ, truyền giáo, chia sẻ Tin lành cho người Việt ở khắp nơi trên thế giới hàng năm. Đã đi khoảng 30 tiểu bang Hoa Kỳ, các nước Úc, Canada, Nga, Việt Nam và Campuchia.
Hiện sống tại Greenville, South Carolina. Có vợ, 3 con trai, 4 cháu nội.
Viết cho các báo trong đạo, đặc biệt là Sống Đạo Online, làm chủ bút Đặc san Hướng Đi, một tờ báo Tin lành phát hành khoảng 10.000 số mỗi kỳ 3 tháng từ hơn 10 năm nay, văn phòng đặt tại Dallas, Texas. Cũng viết (thơ, truyện) cho các báo văn chương như Việt Báo, Da Màu, Tiền Vệ, Sáng Tạo…
Đã xuất bản một số tập sách (truyện và ký) trong đạo: Ai Đã Vẽ Mùa Thu, Biển Rộng Hai Vai, Nếu Những Con Chim Biết Nói, Vẽ Lại Chân Dung Chàng, Ơn Đời Ơn Người Ơn Trời. Một số tập thơ trong thế giới văn chương: Tôi Nói Với Chiêm Bao, Chữ Nghĩa Của Đán, Tôi Chạy Vòng Quanh Một Khoảng Trống. Một vài CD Nhạc Thánh: Khi Tôi Quỳ Nơi Chân Chúa, Không Ai Lo Cho Linh Hồn Này và sách Giáo Khoa: Ngồi Đứng Đi.
Trần Nguyên Đán xuất hiện đều trên các báo văn học những năm gần đây. Niềm tin tôn giáo ở ông bộc lộ rõ ràng, mạnh mẽ. Tuy vậy, trên trang viết văn chương, trước hết ông vẫn là một thi sĩ. Với cái mới trầm lặng, và đôi khi, bất ngờ.
Những đề tài rất khác nhau, khả năng hài hước nhẹ nhàng, một thứ âm nhạc len lỏi qua các dòng chữ, như sự chuẩn bị cho độc giả trước những khúc rẽ đột ngột về thẩm mỹ. Đó là một người quan sát tỉnh táo hạnh phúc và đau khổ của từng cá nhân, xung đột và hy vọng, sự cám dỗ và sự chống lại cám dỗ. Thơ Trần Nguyên Đán nói nhiều về tình yêu, trong đó có tình yêu Thiên chúa, nhưng không rơi vào thuyết giảng nặng nề hoặc mơ hồ, nên thơ ông là một thứ thơ trữ tình thực sự. Trong một vài bài, người đọc có thể ngạc nhiên nhận ra tính chất thể nghiệm, làm mới ngôn ngữ. Tuy nhiên, những cố gắng ấy không tồn tại lâu, ít khi được nâng lên, và cuối cùng nhà thơ lại quay về với các tham chiếu quen thuộc. Như vậy, nhìn chung thơ Trần Nguyên Đán không phải hoàn toàn mới, nhưng xét trong từng bài, kinh nhiệm của một người đọc vẫn có thể ngược lại. Nhiều bài thiếu tính táo bạo trong cấu trúc và ngữ vựng, và mặc dù đề tài thường thay đổi, giọng điệu lập lại, quen thuộc. Ông thành công hơn trong những cố gắng hỗn hợp giữa khuynh hướng trữ tình, ý thức xã hội và đời sống tâm linh.
Thể hiện trước độc giả như một người có đức tin, trong khi vẫn là nhà thơ, tất nhiên là việc khó khăn. Sự tương thông giữa người này và người khác là một trong những chủ đề quan trọng của thơ Trần Nguyên Đán. Bao gồm nhận thức, đánh giá, săn sóc tha nhân, lòng cảm kích, niềm vui sống, khả năng chịu đựng đau khổ và chia sẻ gánh nặng với người khác, sự chấp nhận lẫn nhau, và khả năng biểu đạt. Khả năng cuối cùng là quan trọng đối với những liên kết yêu thương.
Văn Việt