Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Thờ Trời trong phong tục Việt Nam

Thờ Trời trong phong tục Việt Nam

Thờ Trời trong phong tục Việt Nam

I- Dẫn nhập

Nhà triết học người Mỹ, G. Hick đã viết: “Tôn giáo là sự sáng tạo của mỗi cá nhân trong sự cô đơn của mình, nếu anh chưa từng cô đơn thì anh chưa bao giờ có tôn giáo…” Nhận định này có đúng không? Chúng ta thử tìm hiểu nó trong khuôn khổ của văn hóa của người Việt Nam.

Ngay từ thời lập quốc, tâm thức của người Việt đã hình thành ý niệm về tôn giáo. Ý niệm này thấm nhuần khá sâu vào tâm hồn người Việt và thể hiện qua việc “thờ Trời”. Phải chăng ý niệm “Trời” đã được Đấng Tối Cao đặt để sẵn trong tâm thức của người Việt, và đã ăn sâu trong tâm khảm của người Việt trải qua bao nhiêu đời vẫn không phai nhạt? Linh mục Léopold Cadière (1869 – 1955), nhà nhân chủng học người Pháp, đã sống gần trọn cuộc đời tại Việt Nam từ năm 1892, mất tại Huế năm 1955, hưởng thọ 86 tuổi. Hiện nay mộ của ông nằm phía sau Đại chủng viện Xuân Bích, Kim long, Huế. Ông tự nhận mình đã được Việt hóa và đã có nhận xét rất tinh túy về khái niệm “Trời” trong văn hóa Việt như sau:

“Hình như những ý nghĩa chính chúng ta thấy gán cho chữ TRỜI thuộc về cái vốn triết học riêng của dân tộc Việt Nam, vì ý niệm TRỜI đã ăn sâu vào trong tâm hồn người Việt Nam. Trời được xem như các nguyên lý các hiện tượng thời tiết và được nhân cách hóa. Trời được xem như một Đấng Toàn Năng có ảnh hưởng đến vận mệnh loài người . . .” (Trích Tôn giáo học và các tôn giáo lớn ở VN của linh mục Nguyễn Thế Thoại dịch từ “Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens”).

II- Khái niệm về “Ông Trời” trong tâm thức người Việt

Ý niệm “Trời” vốn đã hiện hữu trong tâm thức của người Việt xưa từ thuở nguyên sơ, trước khi những tôn giáo khác du nhập vào Việt Nam. Người Việt nhân cách hóa vị thần không biết ấy và xưng gọi là: “Ông Trời”. Trong tâm thức người Việt, từ ngữ “trời” là một từ rất thông dụng. Từ ngữ này có thể là một khoảng không gian bao phủ trên trái đất, đồng thời cũng là Đấng Thần linh Toàn năng, quyền phép vô biên và là Đấng tạo hóa sáng tạo ra vũ trụ, cùng với loài người. Khi nghe tiếng chim hót, người ta liên tưởng đến con người chắc hẳn cũng phải do Đấng tạo hóa ấy tạo dựng nên. Mối suy tư này thể hiện qua bốn câu ca dao súc tích:

Con chim nó hót trên cành,”
Nếu Trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao
Nếu Trời không có, làm sao có mình?

Tiếng “Trời” là tiếng mà người Việt, bất kể thuộc tầng lớp nào trong xã hội, có tín ngưỡng hay không, vẫn thường bật thốt lên trong bất kỳ tình huống nào, dù vui sướng hay đau buồn, than trách hay cầu cứu.  “Ông Trời” là ông thần không biết, không thấy được của người Việt, nhưng vẫn luôn hiện hữu cùng dân tộc Việt qua ngôn ngữ phổ thông của người bình dân Việt Nam, được truyền tụng rộng khắp trong dân gian và vẫn trường tồn trải qua bao nhiêu cuộc đổi thay.

Dân Việt Nam, là một dân tộc hữu thần. Đời sống của chúng ta luôn gắn liền với niềm tin vào Đấng Tối cao mà chúng ta vẫn xưng gọi là “Ông Trời”. Người Việt không biết Trời một cách cụ thể, nhưng cảm nhận được Trời khi quan sát những cảnh vật chung quanh mình như núi cao vời vợi, sông sâu thăm thẳm, biển rộng mênh mông, hình thức đa dạng và cấu trúc tinh vi của các loại thảo mộc, cùng với quy luật sinh tồn của chúng. Người Việt ý thức được những tuyệt tác này, và kết luận rằng chúng chắc chắn phải do một Đấng Thần Linh đã kiến tạo kỹ lưỡng. Họ thể hiện sự nhận biết này qua ngôn ngữ của văn chương bình dân:

Núi kia ai đắp nên cao
Sông kia biển nọ ai đào mà sâu?
Gai trên rừng ai bứt mà nhọn
Trái trên cây ai vo mà tròn?

Trong niềm tin của người Việt, Trời là Đấng có uy quyền tuyệt đối trong vũ trụ, soi thấu được vạn vật. Kể cả những gì thầm kín nhất ẩn dấu sâu tận đáy lòng con người cũng không thể nào thoát khỏi con mắt của Đấng Thần linh ấy. Đối diện với những điều bí mật nhất mà con người vô phương phát hiện thì người ta thường nói:

“Chỉ có Trời mới biết”

Người Việt tin “Ông Trời” nhìn thấy tất cả những sự việc xảy ra trên thế gian. Không việc gì mà Ngài không thấy, không làm được. Ngài lại là Đấng rất công bằng, thưởng phạt công minh. Lòng tin này thể hiện trong những câu tục ngữ như:

Đi đâu cho khỏi lưới Trời
Ở đâu cho hạp mệnh trời thì êm

Hoặc:

Thiên báo nhãn tiền; Lưới Trời khó thoát

Người ta đưa cả Trời vào làm chứng nhân cho mối tình của họ:

Dưới mặt nước chói lòa yếm đỏ,
trên bầu trời rộng có mây xanh
từ ngày chia rẽ em anh,
nước trời còn đó ai đành phụ nhau.

Và họ hẹn ước thề nguyền trước Trời xin chứng giám:

Trời cao đất rộng,
em vọng lời nguyền
đất trời còn đó
em giữ tuyền thủy chung.

Nhưng khi bị tình phụ, quá đau khổ thì họ cũng lại kêu Trời:

Trời ơi có thấu tình chăng,
Con người nhân nghĩa lai căng mất rồi

Họ cũng bày tỏ lòng biết ơn Trời khi được mùa như sau:

Nhờ Trời mưa thuận gió hòa,
Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau.
Lạy Trời mưa thuận gió đều,
Cho đồng lúa tốt, cho chiều lòng em.

Người Việt cũng ý thức được quy luật sinh, tử của loài người cũng nằm trong quyền quản trị của Đấng Thần linh ấy. Họ cầu khẩn Trời cho song thân được trường thọ:

Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Đạt được điều mình mong muốn thì người ta nói do “Trời cho” hay “nhờ Trời”; lúc nguy khốn người Việt cũng chỉ biết ngửa cổ kêu “Trời cứu”. Gặp hoạn nạn thì họ cầu xin:

Nghiêng vai ngửa vái Ông Trời
Đương cơn hoạn nạn, độ người trần gian

Họ đặt lòng tin tuyệt đối ở Trời là Đấng sáng suốt và luôn quan phòng:

Trời xanh có mắt

Gẫm hay muôn sự tại Trời

Người Việt nhận biết Trời là Đấng cao cả tuyệt đối; sự sáng của Ngài bao trùm khắp muôn phương:

Đèn Trời Trời sáng bốn phương
đèn tôi tôi sáng đầu giường nhà tôi

Người Việt cũng nhận biết con người là tạo vất cao quý nhất trong số muôn loài sinh linh do Ông Trời tạo dựng qua câu: “Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh”.

Những câu ca dao, tục ngữ lưu truyền trong văn hóa dân tộc Việt Nam mô tả quyền uy tối thượng của Trời còn nhiều vô số như: quyền ban cho và lấy lại cũng thuộc về Trời “Trời cho không ai thấy, Trời lấy không ai hay”.

Khi thực hiện một công việc gì không thành công thì người ta lại tự an ủi: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Người Việt cũng nhìn nhận mọi việc toan tính ở đời, thành bại đều do Trời quyết định cả.

Người Việt có niềm tin tuyệt đối nơi Ông Trời và tin rằng Trời sẽ không bỏ mặc những tạo vật của Ngài mà vẫn luôn luôn quan phòng và bảo tồn. Người Việt tin:

Trời sinh, Trời dưỡng

Trời sinh voi, Trời sinh cỏ

Trong tâm thức của người Việt, Trời là Đấng tạo thiên lập địa, Đấng cầm quyền trên sự sống và sự chết của con người, Đấng có uy quyền tuyệt đối. Ngài cũng là Đấng Thần Linh rất gần gũi và thân thương với con người đến nỗi người ta sợ Trời, kính Trời, cần Trời và cũng giận Trời và kêu trách Trời:

Trời ơi, Trời ở chẳng cân
Người ăn không hết, người lần không ra
Người thì mớ bảy mớ ba
Người thì áo rách như là áo tơi!

Nhưng cuối cùng, người Việt vẫn một lòng với Trời:

Dù ai nói ngược nói xuôi
Ta đây vẫn giữ đạo trời khăng khăng.

“Ông Trời” không những chỉ xuất hiện trong ca dao. tục ngữ của Việt Nam mà còn bàng bạc cả trong những tác phẩm văn chương bác học của Việt Nam, như trong Cung Oán Ngâm Khúc, một kiệt tác của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều:

Quyền họa phúc Trời dành mất cả
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai.

Trong truyền Kiều, thi hào Nguyễn Du cũng đã phải chấp nhận sự xếp đặt và an bài của Trời:

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa
Thiện căn tự bởi lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Và Nguyễn Du kết luận:

Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

III- Thờ Trời

Sự thực hữu của Đấng Thần Linh mà người Việt xưng gọi cách thân thiết là “Ông Trời” rất rõ rang. Ngài vẫn luôn tự bày tỏ sự hiện hữu của mình qua những tạo vật hiển hiện trước mắt chúng ta hàng ngày. Ngài vẫn đồng hành bên cạnh loài người trải qua bao nhiêu thời đại. Măc dù không nhìn thấy “Ông Trời” qua con mắt vật lý, nhưng trong tâm thức của người Việt vẫn luôn có sự hiện hữu của Đấng Thần Linh vô hình ấy−Đấng đã tạo dựng ra vũ trụ và muôn loài sinh linh trên đất.

Trước vũ trụ bao la hùng vĩ, xinh đẹp nhưng cũng ẩn chứa muôn vàn hiểm nguy không lường trước được, con người bị khuất phục, họ bất lực và cảm thấy mình quá nhỏ bé, cô đơn. Họ cầu khẩn Trời để mong nhờ sự che chở, bảo vệ lúc nguy khốn, con người đặt lòng tin nơi Trời, nương tựa vào Trời, họ kính sợ Trời biết ơn Trời nên họ thờ Trời.

Ý niệm về một Đấng Thần Linh Tối Cao, Đấng Toàn Năng trong tâm thức của người Việt chỉ là một nguyên tri, xuất hiện một cách tự nhiên trong tâm thức người Việt từ xưa, lúc tổ chức xã hội còn sơ khai, chưa có một tổ chức tôn giáo nào được hình thành nên việc thờ Trời trong dân gian chưa được hệ thống hóa, không có hệ thống giáo lý hướng dẫn. Vì thế, nghi thức “thờ Trời” của mỗi gia đình người Việt xưa chỉ là cái “Bàn Thiên” rất đơn giản.

1- Bàn Ông Thiên

“Bàn Ông Thiên”, mà người ta vẫn thường gọi ngắn gọn là “Bàn Thiên”, là một chứng tích của thời khai hoang lập ấp của người Việt, trong quá trình di dân từ vùng Thuận Quảng xa xôi đến một nơi u tịch mà “chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê”. Đứng trước một khoảng trời bao la mênh mông kỳ bí “Ngưỡng diện kiến thiên, đê đầu thị địa” ngẩng mặt lên chỉ nhìn thấy bầu trời mênh mông, cúi đầu xuống nhìn thấy mặt đất, người Việt xưa chỉ còn biết đặt lòng tin vào vị thần mà họ không biết, Đấng Thần linh vô hình tối cao mà họ liên kết với bầu trời mà họ nhìn thấy với danh xưng là “Ông Trời”. Người Việt xưa đã đặt trọn niềm tin và hy vọng vào Đấng Thần linh vô hình mà họ tin là đang cai quản cả vũ trụ ấy là “Ông Trời”. Khái niệm về tôn giáo của người Việt xưa bắt đầu hình thành tại nơi mà người ta gọi là: “Cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy”.

Người Việt bày tỏ lòng kính sợ Trời và thờ Trời qua cái “Bàn Ông Thiên”, hay là “Bàn Thiên”. “Bàn Thiên” chỉ là một cây cột trụ bằng gỗ hoặc bằng xi măng đơn giản, đường kính khoảng 1dm, bên trên đặt một tấm ván mỏng, vuông độ 4 x 5 dm dùng để bày biện lễ vật dâng cúng. Nếu làm bằng gỗ, người ta chỉ cần vạt nhọn đầu dưới và cắm xuống đất, đầu trên đóng hai cây gác chéo ngắn để giữ cho tấm ván không bị lật đổ khi ta để lễ vật dâng cúng Trời. Lễ vật dâng cúng tùy vào hoàn cảnh sinh sống của gia chủ. Ở thôn quê, diện tích đất có dư, sân nhà rộng rãi nên người ta đặt vị trí của Bàn Thiên giữa sân nhà, cách ngạch cửa ra vào độ 4m, nơi chỗ đất trống trải nhìn thẳng lên trời và hướng về phương Nam.

Theo dòng chảy của thời gian, ý niệm thờ Trời của người Việt đã được phát triễn cùng với ảnh hưởng của các tư tưởng triết học Trung Hoa, do đó cái “Bàn Ông Thiên” cũng dần thay đổi hình thức, từ một cây cột tròn với miếng ván mỏng đặt trên đầu cột, Bàn Ông Thiên của một số gia đình khá giả ở vùng núi Thất Sơn được làm kỹ lưỡng và cầu kỳ hơn: có rào và cửa vách theo hình dạng đàn Nam Giao, có hai tầng, tầng trên thờ Trời, tầng dưới thờ đất.

Ngày nay, trong quá trình đô thị hóa, cái “Bàn Thiên” cổ xưa giờ được thay thế bằng tấm gạch mỏng xây trên lan can hoặc một cây cột hình trụ nhỏ đặt ngoài ban công của những tòa nhà cao tầng ở phố thị.

2- Tế Nam Giao

Nghi thức thờ Trời của người bình dân Việt Nam được thể hiện phổ biến qua cái “Bàn Thiên”. Còn việc “Thờ Trời” của vua quan nước Việt thì được thực hiện long trọng, quy mô hơn qua việc “Tế Nam Giao”.

Lễ Tế Nam Giao xuất xứ từ Trung Hoa du nhập vào Việt Nam. Người ta cho rằng: tục tế Trời đất có từ đời vua Phục Hy (2852- 2737 TCN) bên Trung quốc, là một trong những hình thức cầu nguyện tập thể, có quy mô và được thực hiện trang nghiêm, long trọng để tương xứng với địa vị cao quý của Đấng Thần linh mà người ta thờ, mục đích cầu cho quốc thái dân an. Nam Giao là từ kết hợp của hai từ ngữ  “Nam” và “Giao”. Tế Nam Giao có ý nghĩa là hướng về phía nam để giao hòa với Trời và tế cúng, vì theo quan niệm địa lý phương đông, phía nam là phía có ánh sáng, mà người ta cho rằng Trời ngự trong ánh sáng vì sự sáng là tốt lành.

Còn đối với Người Việt Nam, Nam cũng còn có nghĩa là nước Nam; Giao: có nghĩa là giao hòa, gặp gỡ. Như vậy, Nam Giao là nơi vua quan và thần dân nước Nam dâng của lễ tế Trời để tỏ lòng biết ơn, tôn kính đồng thời cầu khẩn Trời ban cho mọi việc trên đất đều được thuận lợi, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Năm 1009, để khẳng định với phương Bắc chủ quyền của nước Nam và cũng để tạ ơn Trời, vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Hậu Lý trong lịch sử Việt Nam, vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) cho xây đàn Nam Giao trên một gò đất cao ở phía nam, mỗi năm tế cúng một lần. Đàn Nam Giao khởi đầu chỉ là một bàn thờ lộ thiên là nơi để vua và dân tế Trời. Nghi lễ tế cúng gồm ba con vật thui là bò, lợn và dê.

Vua Gia Long lên ngôi năm 1802. Sau đó, vào năm 1803, vua cho xây dựng đàn Nam Giao tại làng An Ninh, Huế với quy mô lớn gồm ba tầng chồng lên nhau; tầng trên cùng tượng trưng cho Trời. Đến năm 1806, vua cho dời đàn Nam Giao về phía Nam của Kinh thành Huế và đặt trên một ngọn đồi lớn thuộc làng Trường An, Huế.

Nghi lễ tế Nam Giao được tổ chức thực hiện rất qui mô, long trọng và là một nghi lễ tế tự cấp quốc gia lớn nhất của Việt Nam thời đó. Việc xây đàn và chuẩn bị các nghi thức hành lễ rất công phu và tốn kém, được thực hiện cách trang nghiêm, tôn kính. Chỉ một nước độc lập, có chủ quyền mới được xây tế đàn. Vua nước ấy được gọi là thiên tử (con Trời). Vì Trời là Đấng chí tôn nên chỉ có thiên tử là người chịu mệnh Trời để cai trị nhân dân, mới được quyền thay thế muôn dân tế cúng Trời. Vua phải ngự ở trai cung để trai giới trong ba ngày. Sau đó phải trang phục chỉnh tề với áo bào và mũ miện để thực hiện công việc bái tế Trời một cách kính cẩn tôn nghiêm. Dân chúng tham dự với tất cả lòng thành.

Nghi lễ này được tổ chức mỗi năm một lần vào đầu mùa xuân. Về sau, đến đời vua Thành Thái (1907) được đổi lại ba năm tế cúng một lần vì việc cúng tế quá tốn kém vượt ngân sách quốc gia. Tế Nam Giao là một nghi lễ tế cúng Trời lớn nhất thời quân chủ ở Việt Nam. Lễ tế Nam Giao năm 1942 được ông A. De Rotalier, một tác giả nước ngoài, viết bài đăng trên “Indochine Hebdomadaire Illustré” (số ra ngày 16/4/1942).

IV- “Ông Trời” của người Việt Nam và “Đức Chúa Trời” của Cơ đốc giáo

Trước khi Cơ đốc giáo được truyền bá sang Việt Nam, tâm thức của người dân Việt vẫn luôn có sự gắn bó mật thiết với “Ông Trời”. Trong cơn nguy khốn, sầu khổ người Việt cũng chỉ nhớ đến mỗi một tiếng kêu “Trời ơi!”. Người Việt thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, vẫn có niềm tin “Ông Trời” là Đấng Tạo hóa; Đấng Toàn năng, Toàn tri, Toàn tại, cai quản và bảo toàn vũ trụ cùng muôn loài sinh linh, đồng thời là Đấng cầm quyền trên sự sinh tử của loài người, là Đấng thưởng phạt công minh. Nhưng điều mà đa số người Việt chưa biết: “Ông Trời” trong tâm thức của người Việt cũng chính là Đấng mà Cơ đốc nhân tôn xưng “Đức Chúa Trời”. Vì Ngài đã tự bày tỏ chính mình qua mạc khải (nghĩa là: vén màn, mở màn) trong Thánh kinh của Cơ Đốc Giáo:

Chúa là Đức Chúa Trời, ĐẤNG HIỆN CÓ, ĐÃ CÓ VÀ CÒN ĐẾN” là Đấng Toàn năng, phán rằng: Ta là An-Pha và Ô-mê-ga”. (Khải huyền 1:8)

Tất cả những phẩm tính của “Ông Trời” trong tâm thức người Việt đều thể hiện đầy đủ trong Đấng Thần linh mà Cơ đốc nhân đang nương cậy và thờ phụng; đó là “Đức Chúa Trời”:

  • Trời là Đấng Tạo hóa: Ý niệm Trời là Đấng tạo hóa trong tâm thức của người Việt chỉ là một thứ nguyên tri, được Đức Chúa Trời đặt để trong tâm thức của người Việt từ buổi ban đầu, lúc tôn giáo chưa hình thành và chưa có hệ thống giáo lý dẫn đường. Đến khi Cơ đốc giáo được truyền bá sang Việt Nam, chính Đấng tạo hóa, mà Cơ đốc nhân tôn xưng là Đức Chúa Trời, đã tự bày tỏ Ngài cũng chính là Đấng đã hiện hữu từ thuở ban sơ trong tâm thức của người Việt qua mạc khải trong Kinh Thánh Cựu ước :

Các từng trời thuộc về Chúa, đất cũng thuộc về Chúa; Chúa đã sáng lập thế gian và mọi vật nó chứa.” (Thi-thiên 89:11) và (Sáng-thế-ký 1:1-31).

  • Trời là Đấng Toàn tri, Toàn năng, Toàn tại: Người Việt tin “Ông Trời” là Đấng soi thấu tất cả mọi sự việc trên thế gian. Niềm tin này vẫn còn được truyền tụng rộng rãi trong dân gian qua nhiều câu ca dao, tục ngữ, và cũng đã được Kinh thánh Cựu Ước của Cơ Đốc Giáo xác nhận:

Chẳng có sự gì Đức Chúa Trời không biết, chẵng chỗ nào không có Ngài” (Thi-thiên 139).

  • Trời là Đấng cầm quyền trên sự giàu, nghèo, thành, bại:

Chẳng có sự gì Đức Chúa Trời không biết, chẵng chỗ nào không có Ngài” (Thi-thiên 139).

Người Việt có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” ; “Phú quý tại Thiên”; “Trời cho mới có, Trời không cho thì mạt”.

Kinh thánh Cựu ước, sách (Gióp 2:10) có ghi lại câu chuyện của ông Gióp: “Người đáp lại rằng: Ngươi nói như một người đàn bà ngu muội. Ủa sao! Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao? Trong mọi việc đó, Gióp không phạm tội bởi môi miệng của mình.

  • Trời là Đấng cầm quyền trên công lý, Đấng thưởng phạt công minh:

Người Việt có câu: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”

Kinh thánh Cơ đốc Giáo chép: “Chúa đã thấy rồi; vì Chúa xem xét sự bạo tàn và sự độc hại, để lấy chính tay Chúa mà trả lại; Còn kẻ khốn khổ phó mình cho Chúa; Chúa là Đấng giúp đỡ kẻ mồ côi”. (Thi-thiên 10:14)

  • Trời là Đấng cầm quyền trên sự sinh, tử của loài người: Người Việt ý thức được sự sinh và sự tử của loài người cũng do nơi “Ông Trời” định đoạt nên đã có những câu: “Sống nhờ Trời, chết chầu Trời”; “Trời kêu ai nấy dạ”; và “Số Trời đã định, không đường chạy thoát”.

Kinh thánh Cựu ước của Cơ Đốc Giáo chép: “Chúa khiến loài người trở vào bụi tro, và phán rằng: hỡi con cái loài người, hãy trở lại” (Thi-thiên 90:3)

  • Việc tế tự: Xem như việc tế tự của vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn): Vua chọn gò đất cao đặt bàn thờ lộ thiên, và chọn con sinh tế để làm của lễ thiêu dâng lên Trời. Điều này rất gần với việc ông Nô-ê – ông tổ của loài người sau cơn Đại hồng thủy – đã dâng của lễ thiêu lên Đức Chúa Trời như đã ghi trong Thánh kinh Cựu ước của Cơ Đốc Giáo: “Nô-ê lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va. Người bắt các súc vật thanh sạch, các loài chim thanh sạch, bày của lễ thiêu dâng lên bàn thờ” (Sáng-thế-ký 8:20).

Kinh thánh Tân Ước của Cơ Đốc Giáo cũng có chép: “Vì khi ta trải khắp thành các ngươi, xem xét khí vật các ngươi dùng thờ phượng, thì thấy một bàn thờ có chạm chữ rằng: THỜ CHÚA KHÔNG BIẾT. Vậy Đấng các người thờ mà không biết đó, là Đấng ta đương rao truyền cho. Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu” (Công-vụ-các-sứ-đồ 17:23-24).

Theo quan niệm địa lý Đông phương, Trời phải ngự trong ánh sáng, vì sự sáng là tốt lành; quan niệm này không khác với Kinh thánh của Cơ đốc giáo. Một trong những thuộc tính của Đức Chúa Trời là “Sự sáng”. Ngài đã tự khải thị những thông tin về chính Ngài qua sách tiên tri Ê-sai trong Thánh kinh Cựu Ước của Cơ đốc giáo: “Ngươi sẽ chẳng nhờ mặt trời soi sáng ban ngày nữa, và cũng chẳng còn nhờ mặt trăng chiếu sáng ban đêm; nhưng Đức Giê-hô-va sẽ làm sự sáng đời đời cho ngươi, Đức Chúa Trời ngươi sẽ làm vinh quang cho ngươi” (Ê-sai 60:19). Và trong Kinh thánh Tân Ước:

Nầy là lời truyền giảng mà chúng tôi đã nghe nơi Ngài và truyền lại cho anh em rằng: Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu” (I Giăng 1:5)

Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người” (Giăng 1:4)

Ta là sự sáng đã đến thế gian, để ai tin ta, chẳng ở nơi tối tăm nữa” (Giăng 12:40). ​

Qua những trình bày ở trên, chúng ta có thể rút ra được nhận xét, trên phương diện tâm linh, tư tưởng của người Đông phương và người Tây phương giao nhau tại một điểm: đó là Đấng Tạo Hóa toàn năng; và chúng ta là một phần trong sự tạo dựng của Ngài, được Ngài đặt trên tất cả các tạo vật khác để cai trị muôn loài vạn vật: ”Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: hãy sanh sãn thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất” (Sáng-thế-ký 1:27-28).

Linh mục Cadière đã nhận xét việc “Thờ Trời” của người Việt Nam như sau: “Tôi đã nghiên cứu tín ngưỡng, các thực hành lễ nghi tôn giáo, phong tục tập quán của họ và phải thừa nhận rằng dân An Nam sâu sắc về tôn giáo, tín ngưỡng của họ trong sáng và khi họ cầu cứu đến Trời, tế tự Trời thì cũng có thể họ cùng đến với cùng một Đấng Toàn Năng mà chính tôi đang thờ kính và gọi bằng CHÚA, và tự đáy lòng họ đang lưu giữ một tia sáng tôn giáo tự nhiên mà tạo hóa vốn ấn dấu vào tâm khảm nhân sinh” (Le Sacrifice du Nam Giao, Léopold Cadière).

Linh mục Cadière đã có sự liên kết sâu sát giữa “Ông Trời” trong tâm thức của người Việt và “Chúa” (Deus; Dieu; Dios; God) trong thần học tây phương để ra một Đấng Thần linh mà Cơ-đốc giáo tôn thờ là: “Đức Chúa Trời”. Vì tất cả những phẩm tính của “Ông Trời” của người Việt đều thể hiện đầy đủ nơi “Đức Chúa Trời” của Kinh thánh Cơ Đốc Giáo. Từ ngữ “Đức Chúa Trời” vốn là một từ ghép của hai từ: ”Trời” của người Việt, và “Chúa” của người Tây phương, đã được ông Alexandre de Rhodes, người đã sáng chế ra chữ Quốc ngữ, dùng mẫu tự La Tinh để phiên âm giọng nói của người Việt ghép lại thành để phiên dịch từ từ ngữ “Deus” (God – có ý nghĩa là Đấng Tuyệt đối, Đấng Mầu nhiệm tối cao đáng cho mọi tạo vật phải tôn thờ).

Chỉ có một khác biệt duy nhất giữa Đông và Tây là: Người phương Đông đã được Đấng Tạo Hóa ấn dấu trong tâm thức một nguyên tri về Ngài. Với nguyên tri ấy người phương Đông đã đến với Đấng Tạo hóa bằng những trải nghiệm trong cuộc sống thực tế của mình để nương cậy và tôn thờ Ngài. Vì không được chính Đấng Tạo Hóa mạc khải cho, nên người Phương Đông chỉ có được một khái niệm mơ hồ qua liên kết các sự vật, sự việc trong vũ trụ để hình thành trong tâm thức một Đấng Tạo Hóa Toàn năng mà họ xưng gọi là Ông Trời. Ngài cũng chính là Đấng đã phán truyền cho tổ phụ của dân Do Thái, được ghi chép trong Kinh thánh của Cơ đốc giáo, rằng Ngài là ĐẤNG TỰ HỮU, HẰNG HỮU : “Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là ĐẤNG TỰ HỮU, HẰNG HỮU: rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: ĐẤNG TỰ HỮU đã sai ta đến cùng các người”.

Vì không nhận được mạc khải từ chính Đấng Tạo Hóa như Ngài đã mạc khải trong Kinh thánh của Cơ đốc giáo, không có được một hệ thống giáo lý căn bản hướng dẫn việc thờ tự Đấng Tạo hóa, cho nên, trải qua nhiều thời đại, tư tưởng thờ Trời của người Việt chẳng những không được củng cố, phát triển mà còn bị ảnh hưởng các triết thuyết của những tôn giáo khác xâm nhập và làm cho niềm tin của người Việt mang tính đại đồng, người dân Việt mất phương hướng. “Ông Trời” chỉ còn chiếm được một vị trí khiêm tốn trong tâm trí của người Việt, và người Việt bị cuốn hút vào việc thờ cúng những thần tượng hư không. Họ chuyển lòng tin của mình sang những ông thần không có thực, không quyền không phép, thần do tay mình làm nên như đã chép trong Thánh Kinh:

Hình tượng chúng nó bằng bạc, bằng vàng, là công việc tay người ta làm ra” (Thi thiên 115:4)

Hình tượng có miệng mà không nói; Có mắt mà chẳng thấy; Có tai mà không nghe; Có lỗ mũi mà chẳng ngửi; Có tay, nhưng không rờ rẩm; Có chân, nào biết bước đi; Cuống họng nó chẳng ra tiếng nào” (Thi-thiên 115: 5-7)

Phàm kẻ nào làm hình tượng, và nhờ cậy nơi nó, đều giống như nó” (Thi-thiên 115:8)

V- Kết luận:

Đức Chúa Trời, hay “Ông Trời” theo ngôn ngữ của người Việt đã đặt để trong tâm khảm của chúng ta một ý niệm về Ngài từ khi lập quốc.  Tâm khảm người Việt chúng ta chưa bao giờ quên được “Ông Trời”. Ngài vẫn luôn luôn hiện hữu và đồng hành cùng với dân Việt trải qua bao cuộc đổi thay. Không may, ý niệm nguyên tri về “Ông Trời” dần dần bị các tôn giáo khác du nhập từ nước ngoài bóp nghẹt. Đạo thờ Trời không được củng cố và dần dần phai nhạt. “Ông Trời” không được người Việt thờ phụng đúng như chúng ta cần phải thờ!

Cầu xin Đức Chúa Trời đoái thương đến dân tộc Việt Nam, và mở mắt cho để dân tộc này biết từ bỏ những thần hư không mà quay trở về thờ phượng đúng Đấng đã tạo dựng ra mình.

Hoa Thiên Lý

Tài liệu tham khảo

1/ – Tôn Giáo Học Đại Cương – PGS – TS Trương văn Chung
2/ – Đạo “Đức Chúa Trời” – Vai trò của ngôn ngữ trong tiến trình hội nhập văn hóa – LM Nguyễn Đoàn Tân
3/ – Trời trong ca dao tục ngữ dân Việt – văn hóa Việt – http://e-adao.com
4/ – Người Việt Nam với Khái niệm về Ông Trời – Mục sư Nguyễn văn Huệ – http://hoptinhhoply.org/node/82
5/ – Tập tục thờ Trời trong tâm thức người Việt – Nguyễn Nghệ – gplongxuyen.net (trích trong http://dunglac.org)
6/ – Lễ tế Nam Giao năm 1942 – Nguyễn Đắc Xuân – TT nghiên cứu lý học Đông Phương
7/ – Ý nghĩa tôn giáo trong tế Nam Giao của người Việt – Hiền Lâm – dunglac.org
8/ – Bàn Thiên: Một vật chứng thời khai hoang còn lại– Lê văn Dân – Hội khoa học lịch sử Bình dương

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn