Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Khoe Mình Trong Hoạn Nạn

Khoe Mình Trong Hoạn Nạn

 

Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục

Rô-ma 5:3

Có những lúc áp lực và những nỗi đau trong cuộc sống khiến chúng ta cảm thấy muốn bỏ cuộc và tìm một nơi để ẩn náu.Tuy nhiên, chúng ta là những Cơ Đốc Nhân, và Cơ Đốc Nhân thì không bỏ cuộc. Từ khoe mình trong câu Kinh Thánh trên được dịch ra có nghĩa là “hoan hỉ, vui mừng một cách đắc thắng,” và đó chính là điều mà Chúa khiến chúng ta được vui mừng trong những lúc phiền muộn nếu như chúng ta tin cậy nơi Ngài. “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên” (2 Cô-rinh-tô 4:17). Dù chúng ta cảm thấy thế nào thì đức tin vẫn là sự chiến thắng.

Đức tin biến hoạn nạn thành sự đảm bảo. Trong ngụ ngôn người đi gieo giống (Ma-thi-ơ 13:1-9, 18-23), hạt giống chính là Lời của Đức Chúa Trời và các loại đất biểu trưng cho tấm lòng của con người và cách mà mỗi người đáp ứng với Lời Chúa như thế nào. Có những tấm lòng cứng cỏi và không tiếp nhận hạt giống. Có những tấm lòng nông cạn và hạt giống không thể đâm rễ xuống đất được. Mặt trời biểu trưng cho sự hoạn nạn. Những cây không có rễ không thể giữ được nước, vậy chúng khô và chết đi. Cây cần có ánh sáng, cũng vậy Cơ Đốc Nhân cần có sự thử thách, nhưng chỉ những Cơ Đốc Nhân chân thật có “bộ rễ” thuộc linh mới có thể lấy nguồn dinh dưỡng từ ân điển của Đức Chúa Trời, chúng sẽ không khô héo và chết đi. Trong thời gian đầu theo Chúa, đôi khi Chúa cho phép chúng ta trải qua sự thử thách để chúng ta có thể biết chắc rằng chúng ta thuộc về gia đình của Ngài. Để có được sự đảm bảo ấy đáng để trải qua sự thử thách.

Đức tin biến hoạn nạn thành công cụ. Sa-tan muốn sử dụng sự thử thách như là vũ khí để hủy diệt chúng ta, nhưng Đức Chúa Trời sử dụng những thử thách này để nắn chúng ta nên những chiếc bình đất theo ý Ngài muốn. Khi chúng ta công bố những lời hứa của Đức Chúa Trời và đầu phục Ngài, những hoạn nạn sẽ giúp đỡ chứ không chống lại chúng ta. “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào” (Gia-cơ 1:2-4). Đức Chúa Trời dùng những thử thách để Giô-sép và Đa-vít được trưởng thành và khiến họ trở nên những lãnh đạo hiệu quả, Chúa cũng sẽ làm điều tương tự cho chúng ta. Từ “hoạn nạn” trong tiếng Anh có nguồn gốc từ chữ tribulum trong tiếng La-tinh, là tên mà những người La-mã đặt cho những tấm ván gỗ có gắn đinh nhọn nhằm tách hạt lúa ra khỏi bó lúa và cắt rơm. Đức Chúa Trời muốn chúng ta sản sinh mùa gặt vĩ đại cho sự vinh quang của Ngài.

Đức tin biến hoạn nạn thành sự vinh quang đời đời. “Chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy” (2 Cô-rinh-tô 5:7). Khi sự vinh quang của Đấng Christ được bày tỏ, chúng ta sẽ tràn ngập vui mừng (1 Phi-e-rơ 4:13). “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm” (Ma-thi-ơ 5:11-12). Đức tin và sự nhịn nhục trong hoạn nạn là sự đầu tư ngay hôm nay và sẽ đem lại phần thưởng lớn trong cõi đời đời. Những Cơ Đốc Nhân nào đắc thắng thử thách sẽ nhận được vương miện của sự sống (Gia-cơ 1:12).

Đức tin biến hoạn nạn thành lời chứng. Thế giới đang dõi theo chúng ta, và cách chúng ta phản ứng lại với sự thất vọng, thử thách, và những xung đột sẽ là cơ hội để chúng ta làm chứng cho những người lạc mất. “Nhưng nếu có ai vì làm tín đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn; thà hãy vì danh ấy ngợi khen Đức Chúa Trời là hơn.” (1 Phi-e-rơ 4:16). Khi chúng ta vui mừng thay vì than phiền và khi chúng ta ngợi khen Chúa thay vì than thở, những người chưa được cứu sẽ để ý và tự hỏi làm thế nào chúng ta có thể làm điều đó. Phao-lô và Si-la đã bị cầm tù một cách phi pháp tại Phi-líp, nhưng họ cầu nguyện và hát ca ngợi Chúa, Đức Chúa Trời đã cho họ có đặc quyền được dẫn dắt cai tù và gia đình của ông đến với niềm tin nơi Đấng Christ (Công vụ 16:16-34).

Thập giá là bằng chứng vĩ đại nhất minh chứng cho sự chịu khổ theo ý muốn của Đức Chúa Trời sẽ dẫn đến sự vinh quang. Đức Chúa Giê-su đã đi trước! Hãy theo Ngài bởi đức tin và nhìn xem Ngài biến những thử thách trở nên sự đắc thắng.

Đức Chúa Giê-su bèn phán cùng môn đồ rằng: Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.

Ma-thi-ơ 16:24

 

Warren W. Wiersbe

Translated by Vinh Hien

 

 

 

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn