Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.
Giăng 1:1
Trong suốt bốn thế kỷ giữa tiên tri Ma-la-chi và Giăng Báp-tít, các tiên tri là phát ngôn nhân của Đức Chúa Trời đã yên lặng. Khi Giăng Báp-tít xuất hiện, ông là một “tiếng kêu trong đồng vắng” (Giăng 1:23) dọn đường cho Chúa Giê-su là Ngôi Lời (Khải huyền 19:13). Chúa Giê-su cũng là An-pha và Ô-mê-ga, là mẫu tự đầu tiên và sau cùng trong bảng chữ cái tiếng Hy lạp. Theo Phúc âm Giăng 1:1-18, chúng ta được giới thiệu về Chúa Giê-su trong ba khía cạnh.
Chúa Giê-su luôn luôn hiện hữu. Ngài tồn tại trước sự sáng tạo hoàn vũ, Ngài ở cùng với Cha và Đức Thánh Linh. “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả.” (Cô-lô-se 1:16). Chúa Giê-su không bắt đầu sứ mệnh của Ngài từ khi được hoài thai trong lòng Ma-ri, bởi vì Ngài hiện hữu từ trước vô cùng. Làm thế nào mà Ba Ngôi mang lại sự sáng tạo? Thông qua Ngôi Lời. Trong hai chương sách Sáng thế ký đầu tiên, chúng ta tìm thấy Đức Chúa Trời phán mười hai lần để sáng tạo các từng trời và mặt đất. “Các từng trời được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va…. Vì Ngài phán, thì việc liền có.
Ngài biểu, thì vật bèn đứng vững bền.” (Thi thiên 33:6, 9)
Tại sao Đức Chúa Giê-su được gọi là Ngôi Lời? Bởi vì thông qua Ngài, chúng ta học biết về tấm lòng, tâm trí và thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su phán: “Ai đã thấy ta tức là đã thấy Cha.” (Giăng 14:9). Giăng nhấn mạnh rằng Đức Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời đời đời, là Cứu Chúa duy nhất của mọi người (Giăng 20:31). Người nào phủ nhận điều này thì không phải là Cơ đốc nhân.
Chúa Giê-su luôn luôn ở cùng với Cha. Cụm từ “ở cùng Đức Chúa Trời” có nghĩa là “mặt đối mặt với Đức Chúa Trời” nói lên sự thân mật giữa hai Ngôi. Trong Giăng 1:18, Chúa Giê-su là “Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết.” Mỗi tín hữu đều ở trong Cha và trong Con xuyên qua sự nội trú của Đức Thánh Linh (14:20). Trong những năm tháng trên đất, Chúa Giê-su luôn tương giao với Cha, và Ngài sống bởi Cha (6:37). Hai Ngôi vị cùng làm việc với nhau trong mọi công tác (5:17; 10:37). Chúa Giê-su làm việc theo ý muốn của Cha (5:30) và lời Ngài phát ngôn đến từ Cha (15:15). Chúa Cứu thế tôn kính Cha (8:49), và Cha cũng tôn trọng Con (câu 54). Tuy nhiên trong giờ phút Chúa Giê-su chịu thương khó trên thập tự giá vì tội lỗi nhân loại, Cha đã tạm thời từ bỏ Con (2 Côr. 5:21). Lúc đó Chúa Chúa Cứu thế kêu lên: “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài từ bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46; Thi. 22:1)
Chúa Giê-su luôn là Đức Chúa Trời và sẽ luôn luôn như vậy. Vào cuối thế kỷ thứ nhất, khi sứ đồ Giăng viết các thư tín, một số giáo sư giả tuyên bố rằng Chúa Giê-su không phải là Con Đức Chúa Trời. Vì thế trong thư tín của mình, vị sứ đồ nhấn mạnh lẽ thật này cho những người đọc: “tin Giê-su là Đấng Cứu thế và là Con Đức Chúa Trời.” và “nhờ danh Ngài mà được sự sống.” (Giăng 20:31). Chính Chúa Giê-su đã làm chứng rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời (3:18; 5:25; 9:35; 11:4). Các kẻ thù đã cáo buộc Ngài về điều này trước tòa án của Phi-lát (19:7). Trong Phúc âm Giăng, trước giả đã nêu ra các lời chứng rằng Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời đã nhục hóa thành người: Giăng Báp-tít (1:29-3), Na-tha-na-ên (câu 49), Phi-e-rơ (6:69), người mù được Chúa Giê-su chữa lành (9:35-38), Ma-thê (11:27), Thô-ma (20:28) và chính sứ đồ Giăng (câu 31). Rõ ràng Chúa Giê-su là con Độc sanh của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ ra cho Hội thánh. Từ “Con Độc sanh” cũng có nghĩa là Con Duy nhất. Không có bất cứ hữu thể nào trên trời hay dưới đất giống như Chúa Giê-su. Ngài là Con đồng thời cũng là Đức Chúa Trời và sẽ luôn luôn như vậy. Trong một ngày tương lai, “chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy.” (1 Giăng 3:2)
Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống.
Giăng 20:31
Warren W. Wiersbe
Translated by Tuong Vi