Thứ Năm , 23 Tháng Một 2025
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Thế Giới Cần Chúa Giê-su?

Thế Giới Cần Chúa Giê-su?

TẠI SAO CHÚNG TA CẦN CHÚA GIÊ-SU?

why

Tin Lành là tin tức về Chúa Giê-su. Dầu biết hay không, bạn đang cần Chúa Cứu Thế Giê-su. Hãy bắt đầu nghĩ đến mối liên hệ cá nhân của bạn với Chúa Cứu Thế Giê-su ngay hôm nay. Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc. Có thể bạn đang trăn trở với những vấn đề thuộc về hiểu biết lý trí có liên quan đến đức tin Cơ-đốc, hoặc bạn là một tín hữu đang tìm kiếm những nguồn tư liệu để giúp đỡ một người khác muốn biết về Chúa.  Để giúp bạn, chúng ta sẽ bàn đến bảy thắc mắc thông thường nhất mà tôi từng được hỏi có liên quan đến đức tin trong Chúa Cứu Thế Giê-su:

  1. – Làm thế nào tôi biết Chúa Giê-su là có thật?
  2. – Làm thế nào tôi biết Kinh Thánh là đúng đắn?
  3. – Làm thế nào để tôi biết được Giê-su thật sự là Đức Chúa Trời?
  4. – Phải chăng mọi tôn giáo đều giống nhau?
  5. – Tại sao tôi phải cần có Chúa Giê-su trong đời sống của tôi?
  6. – Làm thế nào tôi có thể gặp gỡ Chúa Giê-su cho riêng mình?
  7. – Làm thế nào tôi biết được rằng mình có sự sống đời đời?

Mời bạn lần lượt khám phá từng vấn đề một, hoặc tìm đến vấn đề nào thật sự là thắc mắc của bạn.

Làm thế nào tôi biết Chúa Giê-su là có thật?

Các Cơ-đốc-nhân đặt nền tảng đức tin của họ nơi Chúa Giê-su là nhờ vào lời tuyên bố của Thánh Kinh cho biết Ngài là Con của Đức Chúa Trời, là Đấng Cứu Thế và là Chúa của chúng ta.  Nhưng những người Hồi giáo tin nơi kinh Koran là sự khải thị về Đấng Allah; những người Phật giáo lại tuân theo những kinh sách riêng của họ, tương tự như người Ấn giáo và nhiều tôn giáo khác nữa.  Nếu mỗi một niềm tin đều có “sách thánh” của riêng mình, tại sao chúng ta lại phải theo Kinh Thánh của Cơ-đốc giáo?  Nếu không theo Kinh Thánh, chúng ta còn có thể tìm kiếm được chứng cứ nào khác cho biết rằng Chúa Giê-su đã hiện hữu và rằng chúng ta cần phải tin cậy Ngài với tư cách là Chúa của chúng ta chăng? Thật ra, nếu không có Kinh Thánh Tân Ước, chúng ta có thể tái xây dựng giáo lý Cơ-đốc về Đấng Christ là Chúa trên nền tảng của những tác phẩm phi Cơ-đốc, hầu như tất cả những tác phẩm đó đều đồng thời với các sách trong Thánh Kinh Tân Ước.

Dưới đây là vấn đề được trình bày vắn tắt. Năm sử gia La mã đã ghi lại những sự kiện quan trọng cho các thắc mắc của chúng ta.  Thallus người Samari (52 Sau Công Nguyên – SCN) đã đề cập đến sự hiện hữu và cái chết của Giê-su.  Mara bar Serapion (tác phẩm viết sau năm 70 SCN) đã viết về Giê-su trong tư cách là Vua đã bị hành hình bởi người Do Thái.  Suetonius (65-135 SCN) đã ghi lại sự trừng phạt giáng xuống những Cơ-đốc-nhân vì “rao giảng một niềm tin tôn giáo mới lạ và có hại” đe dọa cho sự sùng kính của người La mã đối với Caesar.  Tacitus (55-120 SCN), một sử gia La mã vĩ đại thời cổ, đã viết rằng, “Christus… đã chịu khổ hình bởi một hình phạt nặng nề nhất trong thời trị vì của Tiberius dưới tay của một trong những người đại diện của chúng ta là Bôn-xơ Phi-lát (Pontius Pilatus), và rồi một sự mê tín có hại lớn lao nhất đã bùng phát (Biên Niên Sử XV. 44).  Em của Pliny, một quản đốc La mã, đã ghi nhận vào năm 112 SCN rằng các Cơ-đốc-nhân thờ phượng hát “một bài thánh ca cho Đấng Christ như đối với một vị thần” và Flavius Josephus, một sử gia Do Thái nổi tiếng (năm 37/38-97 SCN), đã ghi chép lại niềm tin của các Cơ-đốc-nhân ban đầu rằng Giê-su đã sống lại từ trong phần mộ trong tư cách là Chúa (Việc Đời Xưa {Antiquities} 18:3:3). Các Cơ-đốc-nhân đầu tiên đã tin rằng Giê-su là Chúa, những thư tín và những tác phẩm khác của họ đã làm rõ điều đó. Ví dụ như, trong tác phẩm Didache, được viết trước năm 100 SCN, nhiều lần lặp lại việc gọi Giê-su là “Chúa”.  Kết thúc như sau: “Chúa sẽ trở lại với tất cả các thánh đồ của Ngài.  Rồi thì thế giới này sẽ ‘trông thấy Chúa trở lại trên những đám mây của Thiên Đàng’” (16:7-8).  Clement ở Rô-ma viết vào năm 95 SCN, nhiều lần đề cập đến “Chúa Giê-su Cơ-đốc” và ông hứa hẹn một “sự phục sinh trong tương lai” trên nền tảng “Chúa Cứu Thế Giê-su sống lại từ trong kẻ chết” của ông (24:1).  Ignatius (viết giữa năm 110 và 115 SCN) và Justin Người Tuận Đạo (ca. 150 SCN) liên tục nhắc đến Giê-su là “Chúa” hoặc là “Đức Chúa Trời” của họ. Ngay cả nếu không có một cuốn Kinh Thánh, chúng ta vẫn có thể biết rằng Chúa Giê-su đã hiện hữu, rằng Ngài đã chịu thương khó bởi tay Bôn-xơ Phi-lát, và rằng những Cơ-đốc-nhân đầu tiên đã tin Ngài  sống lại từ trong kẻ chết và thờ phượng Ngài với tư cách là Chúa của họ.  Các kẻ thù của Cơ-đốc giáo đã cố gắng gièm pha bôi nhọ Chúa Giê-su và những người theo Ngài, nhưng không hề có một nhà phê bình nào tuyên bố rằng Ngài không hiện hữu.  Chứng cứ này thật quá mạnh mẽ.

Làm thế nào tôi biết Kinh Thánh là chân thật?

Đức tin nơi Chúa Giê-su dựa trên chứng cứ lịch sử vững chắc, chẳng những vậy còn dựa trên những sự mô tả về Chúa Giê-su và sự dạy dỗ của Ngài được tìm thấy trong Kinh Thánh.  Làm thế nào chúng ta có thể biết rằng những điều chúng ta đọc trong Kinh Thánh là thật sự đúng đắn? Chúng ta hãy xem xét trước hết về bằng chứng của các thủ bản (bản chép tay).  Bởi vì không có thủ bản nguyên thủy của bất cứ một sách cổ nào còn tồn tại, cho nên chúng ta cần phải biết Kinh Thánh mà chúng ta sở hữu ngày nay là một thủ bản đáng tin cậy so với những sách nguyên thủy.  Bởi đó chúng ta dựa trên “các nhà phê bình bản văn”,  là những học giả so sánh các bản chép tay cổ xưa để đưa ra một bản sao chép càng gần với bản nguyên thuỷ càng tốt.  Những học giả đã nghiên cứu các bản văn Kinh Thánh đều tin rằng Cựu Ước và Tân Ước mà chúng ta có ngày nay là hầu như đồng nhất với những bản nguyên thủy.  Những thắc mắc tồn tại duy chỉ ảnh hưởng đến các vấn đề về lỗi chính tả, lối chấm câu, và cách các câu Kinh Thánh đứng tách biệt; không có rắc rối nào liên quan đến giáo lý thiết yếu hoặc việc thực hành niềm tin. Những khám phá khảo cổ học đem lại lý do thứ hai khiến chúng ta có thể tin cậy Kinh Thánh.  Ví dụ như hồ Bê-tết-đa (Giăng 5:2) đã một thời bị loại bỏ như là địa danh không có trong lịch sử.  Ngày nay, các nhà hướng dẫn du lịch tại Giê-ru-sa-lem chỉ dẫn các nhóm người đến địa điểm của nó tại góc Đông Bắc của Thành Phố Cổ.  Tôi đã từng nhìn thấy những di tích cổ đó.  Chúng ta có một văn bản được ghi khắc trên đá về đời sống và chức việc của Bôn-xơ Phi-lát; bình đựng hài cốt (quan tài) của Cai-Phe, thầy tế lễ thượng phẩm có mặt trong vụ hành hình Chúa Cứu Thế; và một phần khắc trên đá tìm thấy ở Delphi được mô tả trong tác phẩm của Gallio, là quan trấn thủ ở Cô-rinh-tô (Công vụ 18:12-17) và hàng loạt những đồ vật tạo tác có giá trị về mặt khảo cổ cung cấp tư liệu cho tính chính xác của lịch sử và những phần mô tả trong Thánh Kinh.

Thứ ba, Kinh Thánh giữ đúng những lời hứa của nó.  Ví dụ như Thánh Kinh Cựu Ước chứa đựng hơn 50 lời hứa có liên quan đến sự đến của Đấng Mê-si-a; Chúa Giê-su làm ứng nghiệm mỗi một lời hứa đó.

Tính nhất quán trong nội dung của toàn bộ Thánh Kinh là bằng cớ hiển nhiên cho thấy Thánh Kinh được Đức Chúa Trời thần cảm. Nhưng phương thức tốt nhất để hiểu biết Kinh Thánh có đúng hay không là phải thử những điều Kinh Thánh tuyên bố một cách cá nhân.  Bạn biết một sách hướng dẫn sửa xe của mình là đáng tin cậy nếu nó có ích trong việc sửa chính chiếc xe của bạn.  Một công thức nấu ăn được chứng thực bởi bữa ăn nó đem lại.  Khi được gặp gỡ Chúa Giê-su một cách cá nhân, chúng ta sẽ khám phá Ngài là Đấng mà Kinh Thánh nói đến.  Và như thế Kinh Thánh thật sự là lời đáng tin cậy của Đức Chúa Trời.

Làm thế nào để tôi biết được Chúa Giê-su thật sự là Đức Chúa Trời?

Đến đây chúng ta có thể biết rằng Giê-su đã hiện hữu và Kinh Thánh là đáng tin cậy.  Trong Thánh Kinh, chúng ta thấy Ngài nhiều lần tuyên bố mình không chỉ là một vị thầy tôn giáo mà Ngài còn là Chúa và là Đức Chúa Trời (xem Ma-thi-ơ 26:63-64; Giăng 8:58; Công vụ 5:29-32).  Làm thế nào chúng ta biết Ngài nói đúng? Sự phục sinh là một bằng chứng lịch sử cho thấy Giê-su phải hoặc không phải là Đức Chúa Trời (xem 1 Cô-rinh-tô 15:13-15).  Chúng ta biết rằng những lời chứng về Đấng Cứu Thế phục sinh có vô số (1 Cô-rinh-tô 15:6), người khôn ngoan và được giáo dục đầy đủ (xem Công vụ 22:3), những người nam và người nữ chính trực là những kẻ có các lời tuyên bố dễ dàng được phê chuẩn bởi nhiều người khác (Công vụ 26:26).  Cho nên những lời chứng đó là đáng tin cậy.  Còn về chứng cứ khách quan cho những lời xác nhận của họ thì thế nào?  Đây là một sự kiện lịch sử về Giê-su ở Na-xa-rét đã bị hành hình và chôn, và đến ngày thứ 3 ngôi mộ của Ngài đã được khám phá là trống không.  Kể từ đó, những kẻ hoài nghi đã tìm mọi cách để giải thích ngôi mộ trống của Ngài. Có lẽ các môn đồ của Ngài đã đánh cắp xác (Ma-thi-ơ 28:11-15), theo như những người lính gác ngôi mộ đã tuyên bố.  Nhưng làm sao những người lính gác ngủ gật lại có thể biết đặc điểm của các tên trộm này?  Tại sao những môn đồ này lại có thể chết vì một lời nói dối?  Có lẽ những người đàn bà đã đánh cắp xác của Chúa.  Nhưng làm sao họ có thể làm cho một cái xác trông có vẻ như còn sống, và tại sao họ có thể chịu đựng khổ sở vì một sự bịa đặt như thế?  Nếu những giới có thẩm quyền lấy xác Ngài thì sao?  Tại sao họ không trưng ra bằng cớ này khi những Cơ-đốc-nhân đầu tiên bắt đầu rao giảng về sự sống lại? Có thể các môn đồ đã đến nhầm một ngôi mộ và thấy nó trống không.  Nhưng Giô-sép người A-ri-ma-thê biết rõ ngôi mộ của mình (Ma-thi-ơ 27:57-61), và các giới chức có thẩm quyền hẳn đã điều chỉnh lại sai lầm này.  Có lẽ Giê-su đã không thực sự chết trên cây thập tự.  Nhưng làm sao Giê-su có thể tồn tại trong đống vải lịm mà đã có thể làm cho Ngài ngột thở?  Làm thế nào Ngài có thể vượt qua được sức mạnh của những người lính gác, xuất hiện xuyên qua các bức tường (Giăng 20:19,26) và thăng thiên trở về trời (Công vụ 1:9)?

Chỉ có một lời giải thích hợp lý nhất cho vấn đề ngôi mộ trống, cho việc những đời sống của các môn đồ được thay đổi, và sự bùng phát của phong trào Cơ-đốc-nhân mà chỉ qua một đêm đã ảnh hưởng đến cục diện thế giới lúc bấy giờ: đó là Giê-su Christ đã sống lại từ trong kẻ chết.  Vì thế Ngài chính là Đấng mà Ngài đã từng tuyên phán: là Chúa và Đức Chúa Trời của chúng ta.

Phải chăng mọi tôn giáo đều giống nhau?

Chúng ta có thể tin rằng Chúa Giê-su hiện hữu, Kinh Thánh là đáng tin cậy, và Giê-su là Chúa đã sống lại.  Nhưng điều gì khiến cho Ngài trở thành con đường duy nhất đến với Đức Chúa Trời như lời Ngài đã tuyên phán (Giăng 14:6)?  Không phải là mọi tôn giáo đều dẫn chúng ta lên cùng một ngọn núi, đến với cùng một Đức Chúa Trời sao?  Tại sao chúng ta cần phải tin cậy nơi một mình Chúa Giê-su để được lên thiên đàng? Một số người nói rằng chân lý khách quan không hề tồn tại, cho nên lời tuyên phán “Giê-su là Chúa” chỉ là một lời tuyên xưng cá nhân và chủ quan mà thôi.  Nhưng nếu tôi nói: “Không có điều gì có thể gọi là chân lý tuyệt đối cả” thì phải chăng tôi đã tuyên bố một chân lý tuyệt đối chính xác?  Chúng ta không chấp nhận chủ thuyết tương đối của Holocaust (vụ Đức Quốc Xã giết 6 triệu người Do Thái) khi đề cập đến tính có thật của lịch sử, hoặc đề cập đến lời chẩn đoán của bác sĩ chúng ta, hay là sự bảo đảm của các chuyên viên kỹ thuật hàng không về tình trạng an toàn của máy bay.  Chân lý khách quan là một điều cần thiết mang tính thực tiễn và khôn ngoan trong đời sống. Những người khác bảo rằng mọi tôn giáo đều dạy một chân lý giống nhau.  Đạo Phật tin luật nhân quả là “quy luật tự nhiên không do ai đặt ra cả… không trời thần quỷ vật nào cưỡng lại hoặc xen vào thưởng phạt hết.”  Nhưng có một số người đang thờ lạy Phật và khẩn Phật.  Người Ấn Độ giáo tin nơi hàng ngàn vị thần cho mỗi địa phương nhưng không có “Đức Chúa Trời” của toàn cõi vũ trụ; Brahman là một sức mạnh thiêng liêng duy trì vũ trụ, chứ không phải một Đức Chúa Trời có thân vị mà ta phải thờ phượng.  Người Hồi giáo tin rằng Allah (một từ ngữ Ả-rập dành để chỉ về Đức Chúa Trời) là một đấng cai trị cao nhất và duy nhất trong vũ trụ.  Người Do Thái tin rằng Đức Yahweh đã bày tỏ chính mình Ngài qua Luật Pháp và các đấng tiên tri trong Kinh Thánh, rằng Chúa Giê-su không phải là Đấng Mê-si-a, và Tân Ước không phải là lời của Đức Chúa Trời. Rồi các Cơ-đốc-nhân lại bảo rằng Chúa Giê-su là con đường duy nhất dẫn đến Đức Chúa Cha. Nếu có bất cứ tôn giáo nào trong những tôn giáo nêu trên là đúng, thì những tôn giáo khác theo định nghĩa đều là sai lạc.  Không ai tin rằng mọi tôn giáo khác nhau đều là chân chính và được thần cảm như nhau.  Các sách thánh mà nhiều tôn giáo khác nhau trên thế giới tin cậy không mô tả rằng nhiều con đường khác nhau sẽ dẫn đến cùng một ngọn núi.  Nhưng dẫn đến rất nhiều ngọn núi khác nhau. Và không có đức tin nào khác dựa trên chứng cứ lịch sử đầy thuyết phục như những điều hiện hữu trong Cơ-đốc giáo.  Không có giáo chủ nào khác đã được sống lại từ trong kẻ chết; không có sách tôn giáo cổ nào sở hữu loại chứng cứ về thủ bản, về khảo cổ học và những chứng cứ tiên tri như điều Kinh Thánh có thể xưng nhận.  Nếu Giê-su là Đấng sống thì Ngài là Chúa và là Đức Chúa Trời.  Và chúng ta có thể tin cậy Ngài là Chúa và Đức Chúa Trời của chúng ta.

Tại sao tôi cần có Chúa Giê-su trong đời sống mình?

Như vậy chúng ta biết Chúa Giê-su đã hiện hữu, Kinh Thánh là đáng tin cậy, lời Ngài tuyên xưng mình là Đức Chúa Trời và là con đường dẫn đến Đức Chúa Trời dựa trên chứng cứ và lý lẽ.  Bây giờ, tại sao bạn lại phải cần Ngài một cách cá nhân?  Ngài có thể làm gì cho bạn mà không một người khác có thể làm? Kinh Thánh đưa ra nan đề của chúng ta: “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23).  Nếu bạn là một trường hợp ngoại lệ, bạn là người chưa bao giờ nói dối, lừa phỉnh hoặc có một tư tưởng bất khiết nào, thì tôi rất muốn được gặp bạn và học hỏi làm sao mà bạn thực hiện được điều đó.  Toàn thể những người còn lại trong chúng ta đều biết sự thật là mỗi chúng ta đều có những lỗi lầm và đều đã phạm tội.  Vậy thì sao?  Thánh Kinh cho biết: “Tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).  Đức Chúa Trời không thể để cho những tội lỗi của tôi bước vào thiên đàng hoàn hảo của Ngài, nếu không thì tại đó không còn là thiên đàng nữa.  Những tội lỗi của tôi cần phải bị trừng phạt, món nợ của tôi cần phải trả. Đó là lý do vì sao Chúa Giê-su đã đến: để chết thế chỗ của chúng ta, nhận lấy hình phạt dành cho chúng ta trên chính mình Ngài (xem Ê-sai 53:5,12).  Trong toàn bộ lịch sử nhân loại, không có người nào khác đã thực hiện điều này, hoặc đã có thể làm được điều này.  Mọi người khác đều đã phạm tội, với những món nợ riêng của họ trước mặt Đức Chúa Trời.  Chỉ có Giê-su là Đấng đã sống một cuộc đời toàn hảo và vô tội (Hê-bơ-rơ 4:15), cho nên Ngài không có món nợ nào phải trả.  Vì vậy Ngài đã có thể chết thế cho chúng ta, gánh lấy vị trí của chúng ta và trả giá cho sự cứu rỗi chúng ta.  Rồi Ngài đã sống lại từ trong kẻ chết để chứng thực thần tánh của Ngài, và để bày tỏ cho chúng ta thấy rằng  chúng ta sẽ sống lại sau cái chết và được ở với Ngài trong nơi phước lạc (Giăng 14:1-6). Bạn cần Chúa Giê-su cho đời sống mình hầu tội lỗi của bạn có thể được tha thứ và bạn có thể sống đời đời trên thiên đàng.  Ngài là Đấng duy nhất có thể ban cho bạn món quà này.  Nhưng đối với mọi món quà, kể cả món quà đến từ Đức Chúa Trời, cần được mở ra.

Làm thế nào tôi có thể gặp gỡ được Chúa Giê-su cho riêng mình?

Nếu bạn tin rằng Chúa Giê-su là thực hữu, lời Ngài là chân lý, Ngài là Chúa sống lại và Ngài là Đấng duy nhất có thể ban cho bạn sự sống đời đời, thì bạn đã sẵn sàng để gặp gỡ Ngài một cách riêng tư.  Bây giờ là lúc bạn có thể mở món quà cứu rỗi mà Ngài đã chết để ban tặng cho bạn. Dưới đây là những chân lý Thánh Kinh giúp cho mối tương giao cá nhân của bạn với Đức Chúa Trời có thể thực hiện được:

Đức Chúa Trời yêu bạn. 

Ngài đã sáng tạo bạn và muốn có một mối tương giao thân mật riêng tư với bạn hiện nay trên thế gian và đời đời trên thiên đàng (Giăng 3:16; Ê-phê-sô 2:4-5).

Tội lỗi đã phân cách bạn với Đức Chúa Trời. 

Thánh Kinh định nghĩa “tội lỗi” là chọn làm theo ý muốn chúng ta hơn là làm theo ý Chúa.  Mỗi một chúng ta đều đã mắc phải sai lầm này (Rô-ma 3:23).  Tội lỗi của chúng ta đã chia cắt chúng ta ra khỏi Đức Chúa Trời thánh khiết của mình, và Ngài không thể cho phép chúng ta bước vào thiên đàng hoàn hảo của Ngài được.  Thay vào đó, chúng ta mỗi người đều bị hình phạt trong một cõi đời đời xa cách với Đức Chúa Trời trong hỏa ngục (Khải Huyền 19:11-15).

Bạn không thể sửa chữa mối tương giao bị đổ vỡ của mình với Đức Chúa Trời. 

Nhiều người nghĩ rằng chúng ta có thể sống tốt hoặc sùng đạo đủ để nhận được ơn tha thứ của Đức Chúa Trời và sẽ bước vào thiên đàng khi chúng ta chết.  Nhưng Thánh Kinh dạy rằng giá duy nhất phải trả cho tội lỗi là sự chết (Rô-ma 6:23; Ê-xê-chi-ên 18:20).  Có ai đó phải chết vì cớ tội của chúng ta đã phạm. Chúa Giê-su đã chết để trả món nợ mà chúng ta mắc phải bởi tội lỗi mình.  Bởi vì Chúa Giê-su vô tội và không mắc nợ với Đức Chúa Trời, cái chết của Ngài có thể đền trả cho tội lỗi chúng ta.  Ngài đã thế chỗ chúng ta trên Thập tự giá và chịu lấy án phạt mà chúng ta đáng phải chịu.  Cái chết của Ngài hiện nay đã khiến cho Đức Chúa Trời công chính có thể tha thứ tội lỗi chúng ta và ban cho chúng ta ơn cứu chuộc (Rô-ma 5:8; 2 Cô-rinh-tô 5:21; I Phi-e-rơ 2:24).

Bạn phải tiếp nhận món quà mà Ngài đã chết để ban cho bạn. 

Bây giờ bạn phải chọn tin cậy vào điều Chúa Giê-su đã làm cho bạn hơn là tin nơi những nỗ lực của riêng mình để phục hồi mối giao thông với Đức Chúa Trời.  Trong đức tin, hãy hoàn toàn nhờ cậy vào Chúa Giê-su để bạn được trở nên phải lẽ với Đức Chúa Trời.  Hãy xưng ra những tội lỗi và sai lầm bạn đã phạm với Đức Chúa Trời và hãy chọn lối sống vâng theo lời Chúa và ý muốn của Ngài.  Hãy quyết định rằng bạn sẽ xem Chúa Giê-su là Chúa và là chủ của đời sống mình.

 

Làm thế nào bạn có thể thực hiện được quyết định này?

Bằng lời cầu nguyện bạn có thể gặp gỡ Chúa Giê-su hôm nay.  Không có lời cầu nguyện riêng biệt nào, cũng không có công thức thần kỳ nào bạn phải theo để trở nên một Cơ-đốc-nhân.  Nhưng những lời sau đây là một cách để tin nhận Đấng Christ làm Chúa.  Đây là lời cầu nguyện mà tôi đã dâng lên cho Đức Chúa Trời vào ngày 9 tháng 9 năm 1973 khi lần đầu tiên tôi đặt lòng tin cậy vào Chúa Giê-su trong tư cách là Đấng Cứu Chuộc tôi.  Nếu bạn bằng lòng cầu nguyện những lời này với sự cam kết chân thành từ tấm lòng và đời sống bạn, bạn sẽ liên kết với tôi trong việc nhận biết Chúa Cứu Thế Giê-su một cách cá nhân và sống cho Ngài với tư cách là Chúa của bạn.

Lạy Chúa kính yêu, Con cảm ơn Ngài đã yêu thương con.  Cảm ơn Ngài đã chết trên Thập tự giá để trả thay án phạt cho tội lỗi con và những thất bại của con.  Con thú nhận với Ngài rằng con là một tội nhân, rằng con cần Ngài cứu chuộc.  Con cầu xin Ngài tha thứ cho con về những tội lỗi đã phạm.  Con quyết định từ bỏ những tội lỗi đó.  Con xin mời Chúa Giê-su ngự vào lòng con làm Đấng cứu chuộc và là Chúa của con.  Con xin quay đầu suy phục Ngài.  Con sẽ sống cho Ngài trọn đời.  Cảm tạ Chúa đã ban cho con sự sống đời đời và khiến con trở nên con cái của Đức Chúa Trời.  Trong danh Cứu Chúa Giê-su.  A-men.

Nếu bạn vừa mới cầu nguyện lời cầu nguyện trên đây lần đầu tiên, hãy thuật lại cho một người quen thân biết về quyết định nầy của bạn.  Cơ-đốc giáo không thể sống một mình.  Một hòn than nếu chỉ có một mình sẽ tàn lụi – nó cần phải có sức nóng của những hòn than khác.  Hãy chia sẻ đức tin mới của bạn với một người nào mà bạn tin cậy, và với một Hội Thánh là nơi bạn có thể tăng trưởng trong mối cam kết của bạn với Đấng Christ. 

Làm thế nào tôi biết được mình có sự sống đời đời?

Làm thế nào chúng ta biết rằng mình đã “được cứu”, rằng chúng ta đã có một mối giao thông cá nhân với Đức Chúa Trời?  Chúng ta phải làm gì khi có những sự nghi ngờ nổi lên?  Làm thế nào chúng ta có thể được bảo đảm? Sự cứu rỗi của chúng ta không tùy thuộc vào bất cứ điều gì chúng ta có thể làm, nhưng chỉ dựa trên điều Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta.  Nếu bạn đã mời Chúa Cứu Thế Giê-su trở thành Đấng Cứu Thế của bạn, và Chúa của bạn, thì lời Ngài hứa rằng Ngài đã làm mọi điều bạn kêu cầu Ngài.  Ngài đã tha thứ cho những thất bại và tội lỗi của bạn, và đã khiến bạn trở nên con cái của Đức Chúa Trời.  Bạn có lời hứa của Ngài về vấn đề đó: “Hầu cho hễ ai tin Ngài thì không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).  Từ giây phút bạn “tin nhận Ngài” bạn đã nhận lãnh được sự sống đời đời. “Còn ai sống mà tin ta thì sẽ không bao giờ chết” (Giăng 11:26).  Bạn đã có sự sống đời đời ngay bây giờ.  Bạn sẽ không bao giờ bị hư nát.  Khi bạn thở hơi thở cuối cùng ở trên đất này, tức là bạn thở hơi thở đầu tiên trên thiên đàng. “Chiên ta nghe tiếng ta; ta quen nó, và nó theo ta.  Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta.” (Giăng 10:27-28).  Không phải bạn nắm giữ Ngài – chính Ngài đang nắm giữ bạn. “Nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới.  Những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới!” (II Cô-rinh-tô 5:17). Hiện nay bạn là một tạo vật mới, là con cái của Đức Chúa Trời.  Bạn không thể quay trở lại nơi mà bạn đã từng ở trước khi bạn gặp gỡ Đấng Christ. Bạn đang là con cái Đức Chúa Trời là sẽ luôn luôn là con cái của Ngài, cũng như các con của tôi sẽ luôn luôn là con cái của tôi.  Cho dù nó cảm thấy điều gì, hoặc chúng nó nói hay làm điều gì, chúng không thể đi trở lại và không còn là con cái của tôi nữa, bởi vì chúng nó đã được sinh ra là con cái của tôi.  Bạn đã được “sanh lại” với tư cách là con cái của Đức Chúa Trời, và bạn sẽ là con cái Ngài đời đời. Sẽ dễ có những lúc bạn không cảm thấy mình gần gũi với Đức Chúa Trời, cũng có những lúc bạn cảm thấy thích đi nhóm thờ phượng, hoặc đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, nhưng không nơi nào trong Kinh Thánh diễn tả cảm nhận của một Cơ-đốc-nhân như thế nào. Những cảm xúc của chúng ta tùy thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài mối giao thông của chúng ta với Đức Chúa Trời.  Đó là những toa tàu ở cuối con tàu đức tin chứ không phải là đầu máy. Nếu bạn đã lập gia đình, có lẽ sẽ có những lúc bạn cảm thấy thân cận với người phối ngẫu của mình hơn là những lúc khác – nhưng bạn vẫn đã lập gia đình.  Những cảm nghĩ của một người làm công về ông chủ của mình cũng không thay đổi sự kiện là người ấy đang có một công việc.  Những cảm nghĩ của một sinh viên về thầy giáo của anh không thay đổi sự kiện là anh đang ở trong trường học.  Những cảm xúc không thay đổi sự thật.  Một khi bạn đã chọn tin cậy vào Chúa Giê-su, bạn đã trở nên một tạo vật mới (II Cô-rinh-tô 5:17).

Bây giờ bạn không thể lựa chọn để làm mất sự cứu rỗi của mình. 

Một người con không thể chọn sau đó mình sẽ không được sinh ra.  Nếu một người đã từng tuyên bố mình có lần biết Chúa Giê-su nhưng bây giờ lại từ khước và chống đối Ngài, thì người đó chưa bao giờ thật sự biết Ngài một cách cá nhân. Chẳng may, chúng ta vẫn còn phạm tội và thiếu mất địa vị của dân sự mà Cha chúng ta mong muốn.  Nhưng thật may mắn, sự bảo đảm của chúng ta không dựa trên những khả năng của chúng ta mà tùy thuộc vào ân điển của Đức Chúa Trời.  Ngài phán rằng chúng ta là con cái Ngài.  Và Con Ngài đã chết để trả những món nợ thuộc linh của chúng ta, hầu cho chúng ta có thể gia nhập vào gia đình đời đời của Ngài.  Đây là lời của Chúa. Cũng cần phải có đầy đủ đức tin để tin nơi Đức Chúa Trời hiện nay như lần đầu tiên bạn đã tin nơi danh Ngài.  Đức tin là một mối giao thông và không có mối giao thông nào có thể chứng thực.  Không có một đôi vợ chồng nào lại có thể chứng thực cho người khác bên ngoài gia đình của họ rằng họ yêu thương nhau thế nào.  Không có những người bạn nào có thể chứng tỏ tình thân của họ với những người không hề kinh nghiệm điều đó.  Không thể nào giải thích tình yêu cho một ai đó là người chưa bao giờ yêu.  Mối liên hệ mang đặc tính tự xác nhận.  Người ta càng kinh nghiệm đến đâu, thì mối giao thông của họ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Cho nên đừng chờ đợi cho đến khi bạn cảm thấy gần với Đức Chúa Trời – hãy hành động như thể bạn đã được điều đó.  Hãy đọc lời Chúa, cầu nguyện và thờ phượng Ngài một cách cá nhân và thờ phượng chung trong cộng đồng, đặt mình tham dự vào nếp sống và công việc của một Hội Thánh địa phương.  Hãy hành động dựa trên đức tin của bạn và bạn sẽ thấy đức tin bạn tăng trưởng sâu hơn và mạnh hơn. Bạn đã được dựng nên bởi Đức Chúa Trời cho mục tiêu: biết Chúa Giê-su và giúp người khác biết Ngài.  Một mối giao hảo cá nhân với Chúa Cứu Thế Giê-su là một mẫu hình duy nhất có thể trám vào lỗ trống trong trò chơi sắp hình thuộc linh của bạn.  Ngài được ví như trục bánh xe mà tất cả những tăm xe của đời sống bạn phải gắn vừa vào đó; Ngài là “cực Bắc thật” cho la-bàn của bạn.

Nếu bạn chưa từng bước vào một mối liên hệ cá nhân với Chúa Giê-su, tôi thật mong bạn sẽ cầu nguyện để gặp gỡ Ngài hôm nay.  Nếu bạn biết Ngài, tôi hy vọng bạn sẽ giúp một người nào khác biết Ngài ngay hôm nay.  Giúp người khác bước theo Chúa Giê-su là niềm vui lớn nhất trong đời sống chúng ta.

Tiến sĩ James C. Denison

Dallas, Texas, U.S.A.

(Bản dịch của HƯỚNG ĐI)

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn