Thứ Ba , 24 Tháng Mười Hai 2024
Home / THẦY ƠI / Năm Bài Học Cho Người Chăn Bầy

Năm Bài Học Cho Người Chăn Bầy

Mục sư Joe McKeever

images (1)

Chuyển ngữ: Mục sư Phạm Hữu Đạt

“Anh  em hãy giữ lấy chính mình và cả đàn chiên mà Ðức Thánh Linh đã lập anh  em làm những người coi sóc. Hãy chăn giữ hội thánh của Ðức Chúa Trời, là hội mà Ngài đã mua bằng chính huyết Ngài.” (Công Vụ 20:28, BD 2011)
Trong kinh nghiệm của chính tôi, phần nhiều các mục sư ngần ngại dạy dỗ về sự hiểu biết đúng theo Kinh Thánh về vai trò của người mục sư, bởi lẽ làm thế nghe có vẻ như để phục vụ chính mình, vì làm như thế giống như họ cố tạo ra một vai trò to lớn hơn cho mình trong sự lãnh đạo hội thánh.
Đây là một lỗi lầm nghiêm trọng mà bây giờ chúng ta phải trả giá bởi cớ nhiều hội thánh đã biến mục sư thành những người làm thuê, được mướn, để làm chuyện vặt hoặc xem mục sư như một giám đốc điều hành, được mướn để hướng dẫn ‘câu lạc bộ’ của họ.
Hỡi quý mục sư, hãy giảng toàn bộ Lời Chúa. Hãy mạnh mẽ công bố các chân lý của Lời ấy. Sau khi giảng dạy như thế, hãy tấn tới, thiết lập những tiêu chuẩn mới cho việc phục vụ hội thánh cách khiêm tốn. Hãy để cho hội chúng nhìn thấy quý vị lãnh đạo hội thánh qua sự phục vụ, và sẽ không còn ai lấy làm ngần ngại để gọi quý vị là người mục sư của họ và đi theo sự hướng dẫn của quý vị.
Tuy nhiên, nếu quý vị muốn làm chủ trên hội chúng và muốn khống chế mọi quyết định thì không một ai, nếu họ thấu hiểu Kinh Thánh, muốn theo sự hướng dẫn của quý vị.
Sau đây là chân lý về vai trò của người mục sư theo như sự dạy dỗ của Kinh thánh. Đây không phải là toàn bộ chân lý về vấn đề này, bởi vì đây chỉ là một bài viết đơn giản. Tuy nhiên, nó đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề.

1. Mục sư được Đức Chúa Trời kêu gọi, họ không “tình nguyện.”
• “Ngài sẽ sai những con gặt vào mùa gặt mình.” (Ma-thi-ơ 9:38)
• “Hãy trỗi dậy và đứng lên. Ta hiện ra với ngươi vì mục đích nầy: để lập ngươi làm một đầy tớ và một nhân chứng cho Ta, không những về những điều ngươi đã thấy, mà còn về những điều Ta sẽ hiện ra tỏ cho ngươi biết.” (Công vụ 26:16)
• “Ðang khi họ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, Ðức Thánh Linh phán, ‘Hãy biệt riêng cho Ta, Ba-na-ba và Sau-lơ để họ làm công việc Ta kêu gọi họ.’” (Công vụ 13:2)

Những người tình nguyện không tồn tại lâu dài trong mục vụ. Những kẻ chọn mục vụ như “một nghề nghiệp tốt” hoặc như cái nghề đáng kính, sẽ tháo lui và nhảy sang điều gì có lý hơn, lợi lộc nhiều hơn, làm được hơn, hoặc giả sẽ biến đổi mục vụ của mình thành một điều thích ứng hơn với sở thích cá nhân.

Sự hầu việc Chúa là bất khả thi. Những đòi hỏi diễn ra không ngớt. Những trông mong, kỳ vọng hầu như chẳng bao giờ dứt. Chỉ những người được Chúa kêu gọi sẽ kiên trì với chức vụ. Ngay cả một số mục sư có thể bị giao động cho đến khi họ học biết cách làm công tác mục vụ một cách đúng đắn.

2. Mục sư là người coi sóc, giám sát hội thánh chớ không phải là những kẻ làm thuê.
“Anh  em hãy giữ lấy chính mình và cả đàn chiên mà Ðức Thánh Linh đã lập anh  em làm những người coi sóc.” (Công vụ 20:28)
Trong nguyên ngữ Hi-lạp, từ “Mục sư” là “episkopos”; Epi có nghĩa “ở trên, bên trên.” Kopos có nghĩa “trông coi, trông chừng.” Nó đồng nghĩa với giám sát. Supra có nghĩa “ở trên, từ bên trên” và Vision có nghĩa “nhìn, coi, trông xem.”

“Mục sư”  trong KT là  một danh từ số nhiều. Tôi không thấy chỗ nào trong Kinh thánh nói chỉ để một người quản cai cả hội thánh của Đức Chúa Trời. (Trong Công Vụ 20, họ được gọi là các trưởng lão và mục sư. Họ cùng chung một nhóm người.)

Hội thánh nào tự xem mình như một câu lạc bộ, xem hàng ngũ lãnh đạo như một ban giám đốc, và xem người mục sư là giám đốc điều hành được mướn để chịu trách nhiệm với ban giám đốc, thì lối điều hành ấy quá sai với Kinh Thánh, và nguy hại cho công việc của Phúc Âm, vì nó không khác gì cách hoạt động của một hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va.

Sai Kinh thánh là sai Kinh thánh. Tà giáo là tà giáo. Chúng ta không muốn một kẻ làm thuê dẫn dắt Hội thánh Chúa. “Kẻ chăn thuê bỏ chạy…bởi nó không quan tâm đến chiên” (Giăng 10:13).

Một người bạn của tôi, cũng là mục sư, có lần nói với hội thánh của ông rằng, “Bất cứ hội thánh nào cũng có thể sa thải tôi, nhưng chẳng ai có thể mướn tôi.” Xin hãy làm một điều đúng cho chính mình và cho vương quốc Đức Chúa Trời mỗi khi quý vị nghe thành viên nào trong hội thánh đề cập đến “mướn” một mục sư, quý vị hãy cho họ biết, mục sư là người được Chúa kêu gọi, chớ không bao giờ để cho thuê mướn.

images (2)

3. Mục sư chịu trách nhiệm với Chúa về linh hồn của Hội thánh Ngài.
“Hãy vâng lời những người lãnh đạo anh chị em và thuận phục họ, vì họ canh chừng linh hồn anh chị em như những người phải khai trình, để họ vui vẻ thi hành chức vụ của mình và không phải than thở gì, vì làm cho họ phải than thở không ích lợi gì cho anh chị em.” (Hê-bơ-rơ 13:17)

Câu Kinh Thánh này là một trong những câu đáng sợ nhất trong Kinh Thánh. Nó cho tín hữu biết họ phải thuận phục những người lãnh đạo, cùng một lúc nó cảnh cáo những nhà lãnh đạo rằng họ phải ứng hầu trước Chúa và khai trình về hội chúng mình. Điều này, như mọi điều khác, là lý do mục sư phải được Chúa kêu gọi. Không ai với đầu óc tỉnh táo lại muốn tình nguyện cho một trọng trách như thế.

Hãy để người mục sư nhập tâm điều này và cầu nguyện cho bầy chiên của mình hằng ngày. Hãy để ông tìm kiếm ý Chúa cho các bài giảng. Hãy để ông làm hết khả năng hầu cho mọi người được cứu và được trở nên môn đồ vững mạnh của Chúa Giê-su.

4. Mục sư lãnh đạo qua sự phục vụ chớ không phải bằng cách tể trị, cầm quyền.
• Chúa Giê-su phán, “…nhưng ở giữa các ngươi, Ta như một người phục vụ.” (Luca 22: 27)
• “Hãy chăn bầy của Ðức Chúa Trời đã giao cho mình, hãy thi hành chức vụ chăn bầy không vì bị ép buộc nhưng bởi vui lòng, theo như Ðức Chúa Trời kêu gọi anh chị em làm, không vì lợi lộc thấp hèn nhưng bởi lòng nhiệt thành, không để làm quyền trên những người được giao cho anh chị em chăn giữ, nhưng để làm gương cho cả bầy.” (1 Phi-e-rơ 5:2-3)

Lãnh đạo theo tinh thần phục vụ là mẫu mực của Thánh Kinh. Cũng như cách Kinh Thánh dạy người làm vợ nên tùng phục chồng, nhưng chồng cũng phải hầu việc vợ và “phó chính mình cho vợ,” (Ê phê sô 5:22-29) hơn là thống trị vợ, Kinh Thánh dạy người mục sư phải là kẻ chăm sóc hội chúng, và là người cần được ủng hộ, nhưng mục sư, chính họ, phải phục vụ mọi người chứ không cai trị hội chúng.

Không thiếu những người chồng hoặc các mục sư không thấu hiểu được sự khác biệt này: họ là người ủng hộ chúng ta, nhưng chúng ta là người để phục vụ họ.

Chúng ta sẽ chẳng phiền lòng đầu phục một ai đó nếu người ấy có ý phục vụ chúng ta. Người chồng hoặc mục sư nào dùng chiêu bài “là người cầm đầu” (“Đức Chúa Trời đặt để tôi chỉ huy”) thì hoàn toàn sai lệch, và đối xử sai lầm với chính những người mà họ phải phục vụ.

Tôi nghe nói về một mục sư khét tiếng của một nhà thờ lớn, phi giáo phái, nổi tiếng, đã từng tuyên bố, “Có người nói với tôi, ‘ông cư xử như một nhà độc tài.’ Tôi nói với họ, ‘Tôi không những là nhà độc tài, nhưng còn là người nổi bật duy nhất đấy!’” Trong số hội chúng, những nhà giảng đạo lại vỗ tay tán tụng cho điều đáng chê trách tai tiếng này. Thật hết sức xấu hổ! Kết cuộc không quá ngạc nhiên là vị mục sư này đã chấm dứt mục vụ mình trong sự tủi nhục.

Phao lô nói, “Vì chúng tôi chẳng giảng về chính mình nhưng giảng về Ðức Chúa Giê-su Christ là Chúa, và vì cớ Ðức Chúa Giê-su, chúng tôi là đầy tớ của anh chị em” (2 Côr. 4:5). Người mục sư không được sai phái để công bố triết lý cá nhân, ý kiến riêng hoặc lập trường chính trị của mình. Ông cũng không được sai đi để giảng dạy về những lý thuyết mà ông ưa thích. Ông phải giảng dạy về Chúa Giê-su. Đúng là ông được sai phái để hầu việc dân sự Chúa, nhưng “là vì lợi ích của Chúa Giê-su.” Điều này có nghĩa ông không nhận lệnh của dân sự Chúa về cách thức phục vụ họ; ông chỉ nhận lệnh từ Chúa về cách hầu việc dân sự Ngài.

Một vị mục sư nói cho tôi biết khi ông còn mới mẻ ở hội thánh hiện tại, ông nhận được một cú điện thoại từ một bà trong hội thánh. “Mục sư, tôi vừa mua vài tủ đựng hồ sơ cho giáo khu. Mục sư có thể đến lấy và chở chúng về văn phòng giáo khu được không?” Ông đáp, “Thưa không, tôi không thể.” Bà trả lời, “Mục sư trả lời “không” là có ý gì? (Điều này nhắc tôi nhớ đến câu ngạn ngữ “Phần nào của chữ ‘không’ mà bạn không hiểu?”)

Vị mục sư nói, “Bà ơi, hôm nay là ngày nghỉ của tôi. Tôi và vợ tôi đang đi xa để thăm viếng bạn bè chúng tôi. Chiếc xe của tôi cũng không đủ lớn để chở mấy cái tủ đó. Bà mua cho giám đốc truyền giáo, hãy để ông ấy đến lấy. Hơn nữa, hôm nay văn phòng giáo khu đóng cửa.”

Người phụ nữ đáp lời, “Tôi chẳng biết rằng chúng tôi đã mướn phải một người chỉ thích đi giao du.”

Tôi cười cho sự ngạo mạn đáng kinh ngạc của người bà ta, và nói, “Thật tốt để cho bà ta biết ngay từ đầu là người mục sư không phải là kẻ để cho bà sai vặt. Bà ta có học hỏi từ điều này chăng?” Vị mục sư đáp, “Không, bà ấy tiếp tục đưa ra những yêu sách. Cuối cùng thì bà thuyên chuyển làm thành viên ở một hội thánh khác.”

Tôi đáp, “Chúng ta hãy cầu nguyện cho vị mục sư của bà ta.”

shepherd-sheep-

5. Mục sư ở tại hội thánh để làm đẹp lòng Chúa chớ không phải để đẹp lòng hội thánh.
“Bây giờ tôi đang nỗ lực để được loài người chấp nhận hay để được Ðức Chúa Trời chấp nhận đây? Phải chăng tôi đang tìm cách làm đẹp lòng loài người? Nếu tôi tìm cách làm đẹp lòng loài người thì tôi không phải là một đầy tớ của Ðấng Christ.” (Galati 1:10)

Có lần một nhóm nhỏ các tín hữu đến văn phòng của tôi.

“Mục sư ơi, chúng tôi nghĩ mục sư cần biết có vài người trong hội thánh không vui lòng về mục sư.”

Tôi nói, “Vậy sao?” Ngưng một khoảnh khắc, tôi nói tiếp, “Thế thì sao?”

“Ừm, tôi nghĩ điều ấy khá hệ trọng với mục sư.”

“Có chứ. Nhưng không đáng kể.”

Người đại diện lên tiếng, “Vậy thì chúng ta có một sự hiểu lầm. Điều chúng tôi hiểu đó là một người mục sư phục vụ sao cho đẹp lòng dân sự Chúa. Và nếu như họ không vui với mục sư thì ông ta đã không làm tốt công việc của mình.”

Tôi nói, “Có một sự hiểu lầm, nhưng đó là của quý vị chớ không phải của tôi. Người mục sư được sai phái đến không phải để làm vui lòng quý vị, nhưng để làm cho quý vị được thánh hóa và vững mạnh. Ông ta được sai phái để làm cho Cứu Chúa Jêsus đẹp lòng.”

Tôi nói với quý vị rằng, không có đến 10 thành viên của bất kỳ một hội thánh tiêu biểu nào thấu hiểu điều này. Trong Giáo Hội Báp-tít Nam Phương của chúng ta, một số đông tín hữu thật sự tin rằng người mục sư được sai phái đến để làm đẹp lòng họ, và phải làm theo những chương trình, kế hoạch của họ.

Không có phương thuốc giải độc nào khác hơn cho thứ tà giáo này ngoài sự dạy dỗ mạnh mẽ từ Lời Chúa:
1. Mục sư được kêu gọi bởi Đức Chúa Trời.
2. Mục sư được kêu gọi bởi Chúa để làm người chăm sóc, trông nom hội thánh.
3. Mục sư được kêu gọi làm kẻ chăm sóc, là người vào một ngày nào đó sẽ đứng trước Chúa để trình ra sự trung tín của mình.
4. Mục sư để phục vụ dân sự Chúa nhưng không phải để nhận sự sai bảo của họ.
5. Mục sư được sai phái đến, không phải để làm vui lòng người ta, nhưng để làm cho họ trở nên thánh, tốt lành, và để làm Chúa vui lòng.
Hỡi người chăn của Đức Chúa Trời! Đừng bao giờ ngưng dạy dỗ những chân lý này cho hội thánh của quý vị. Hãy làm điều này, tiếp tục yêu thương họ, phục vụ họ, rồi theo thời gian, chân lý sẽ đâm rễ, và quý vị sẽ sớm sánh bước trên con đường có được một hội thánh tốt lành, mạnh mẽ.

——————-

Joe McKeever đã làm mục sư trong 42 năm cho 6 hội thánh Báp tít Nam Phương, hay viết lách và vẽ hí họa cho các sách báo tôn giáo trong hơn 40 năm. Bài viết này được xuất bản lần đầu trong trang blog của ông http://joemckeever.com

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn