Hê-bơ-rơ 12:1-3
Nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời.
Trong bộ ba hoàn hảo của Cơ-đốc-nhân, tuần trước chúng ta đã học Lính Giỏi: hãy cùng ta chịu khổ như một người Lính Giỏi của Đức Chúa Jesus Christ, tuần này sẽ học Lực Sĩ Giỏi lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho chúng ta. Và hy vọng tuần sau đi tiếp Nông Dân Giỏi người nào gieo giống mà giọt lệ sẽ gặt hái cách vui mừng.
Thử xem chúng ta đã biết gì về một lực sĩ giỏi, một cuộc chạy đua đường trường và làm thế nào để chạy cho đến cuối đường
Ngay từ câu 1, tác giả sách Hê-bơ-rơ đã giới thiệu cho chúng ta biết rằng chúng ta đang tham dự một cuộc chạy đua, và nó rất dài (nhịn nhục, kiên nhẫn) Nói đến chạy đường dài, thì chúng ta nhớ ngay đến bộ môn chạy gọi là marathon, bộ môn chạy này được chọn là một môn thi chính thức tại Thế Vận Hội. Cách đây nhiều năm, khủng bố đã tấn công vào một cuộc chạy đua marathon tại Boston, Massachusette làm chết và bị thương nhiều người. Đường chạy dài 42.195 km, tức 26.22 miles. Trong chúng ta có ai từng tham dự một cuộc chạy đua marathon chưa. Nếu chưa, thì bây giờ chạy đây. Chuẩn bị làm lực sĩ chưa? A-men?
1.
Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta.
Tác giả sách cho biết chúng ta những người theo Chúa, là những người đang tham dự vào một cuộc chạy đua. Khi chúng ta tin nhận Chúa, chúng ta bước vào cuộc đua, chúng ta đang chạy, và vẫn đang chạy, chưa tới đích. Như Phao-lô nói trong sách Phi-líp 3:12-14:Hỡi anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ.
Cuộc chạy này không phải chỉ là 26.22 miles, mà là rất dài, điểm đến là thiên đàng. Thiên đàng ở đâu, không ai biết, chỉ biết là nó rất dài, chúng ta đi hoài không thấy tới, nhưng biết chắc là sẽ tới, vì Chúa nói thế, Chúa nói là phải đúng. A-men? Theo Chúa không phải là một thời gian, mà là suốt đời, vì cho đến cuối cuộc đời mới biết là có đến được hay không. Nhiều khi cũng đến, nhưng thay vì đến thiên đàng, lại đến địa ngục J. Cũng như Phao-lô nói trong 2 Ti-mô-thê 4:7: Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin.
Có nhiều cự ly thi chạy. Từ 50m cho đến 42.195 km. Những người đoạt giải trong các cuộc chạy cự ly ngắn chưa chắc đã thắng trong cuộc đua marathon, cự ly ngắn đòi hỏi sức bật nhanh, chạy rất nhanh, nhưng marathon đòi hỏi sự bền bỉ dai sức. Những người chạy marathon mới vào đã lao hết sức mình sẽ mỏi gối chồn chân khi đến cuối, nhiều khi chỉ mới nửa đường hay 1/3 đường đã ngã, những người khác sẽ vượt qua mình. Giữ sức để chạy, đều đều, đừng để cho mình bị tut hậu quá xa để khi gần về tới nơi thì có thể rút được, là bí quyết của cuộc chay marathon. Chạy marathon như thông tin cho biết, không phải cứ cắm đầu cắm cổ chạy cho nhanh vì đường rất dài, mà cần một chiến lược chay, là một kết hợp ba phần: chạy, đi bộ, hoặc chạy bộ, đi như chạy, vừa đi vừa chạy để giữ sức. Những lực sĩ của Chúa mới vừa vào vạch xuất phát, vừa mới tiếp nhận Chúa thì chạy chậm, bắt đầu học giáo lý, học Kinh Thánh nhưng mỗi ngày tốc độ phải nhanh hơn. Điều quan trọng là phải bắt đầu chạy, chạy chậm nhưng chắc. Phải học biết Chúa một cách kỹ càng, không cần thiết chạy nhanh. Bước vào trong mối quan hệ mới với Chúa là bắt đầu một cuộc chay đua kỳ thú.
Cuộc chạy này là một cuộc chạy quan trọng vì nó quyết định phần thưởng ở điểm đến. Không phải là cuộc chạy marathon trong các kỳ Olympic với những chiếc cúp vàng, bạc hay đồng làm bằng tay loài người, mà là phần thưởng “ôm không hết” của Đức Chúa Trời, đang cầm sẵn và chờ ở cuối đường, một lời khen “mát cả ruột” hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm, hãy đến hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi, và có thể, một cái mão triều thiên bằng vàng ròng chăng, cái này thì thiên đàng không thiếu. Chúng ta phải chạy trong tinh thần vui mừng và hãnh diện vì đã được tham dự vào cuộc chạy lịch sử. Không phải ai cũng được tham dự, phải tuyển mới được J Có nhiều người trong chúng ta không hiểu điều đó, không sẵn sàng để chạy, không nắm được mục đích tối hậu của cuộc chạy, và chạy một cách nhàn nhã thờ ơ.
Cuộc chạy được mô tả là: chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn. Giống như cuộc chạy trong đấu trường, các khán giả sẽ theo dõi lực sĩ để cổ võ, reo hò.Tác giả sách Hê-bơ-rơ cho biết cuộc chạy của chúng ta cũng có nhiều khán giả theo dõi, không phải nhiều, mà là rất nhiều, được mô tả là một đám mây, mà là một đám mây rất lớn: những khán giả theo dõi cuộc chạy này là ai. Chúng ta không thấy họ, nhưng họ có mặt, có thật. Là những nhân chứng đã từng theo đòi cuộc đua như chúng ta, đã vượt qua, và giờ đây trở thành những cổ động viên, chính là những thánh đồ đã xong cuộc chạy đã giữ được đức tin, như Phao-lô và nhiều thánh đồ khác. Chúng ta biết rằng đâu đó, họ đang theo dõi, và khích lệ chúng ta bởi tấm gương trung tín của họ. Lời khuyên của Phi-e-rơ: 1 Phi-e-rơ 5:9: Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó, vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế gian, cũng đồng chịu hoạn nạn như mình
Vì vậy, ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta: người lực sĩ chạy bộ không ai mặc quần áo cồng kềnh, mang vác túi này xách nọ, mà càng nhẹ càng tốt. Chữ dùng là quăng hết, chứ không phải quăng một vài thứ. Bản King James một bản Kinh Thánh cổ nhất dùng chữ lay aside, để sang một bên, tức là không quan tâm đến nó.
Người lực sĩ của Chúa cũng vậy, càng nhẹ càng tốt. Quăng gì, quăng những điều làm cho mình nặng nề, những thứ làm vướng bận mình, làm mình không chạy được. Hai cái gánh nặng nhất là tiền và tình. Chạy mà cứ nghĩ về tiền, về tình, về việc làm, về việc học, về công việc… thì sẽ chạy rất chậm, thì sẽ sao nhỉ? Trong khi mọi người chạy đi hết còn mình bơ vơ giữa đường thì ma quỷ sẽ đến hỏi thăm. Ma quỷ đứng núp đâu đó, gieo những tư tưởng gánh nặng vào tâm trí. Phải đi làm kiếm tiền, phải mua nhà, phải lo cho con cái, một trăm thứ phải. Những điều này thật chẳng có gì sai, vì là con người trong cuộc sống thì phải mưu cầu cuộc sống, nhưng đừng bao giờ để nó trở thành gánh nặng cho mình, làm chậm chạp bước chân mình. Nó vẫn ở đó, nhưng hãy để nó sang một bên, không phải là ưu tiên hàng đầu cho đời sống mình. Chúng ta vẫn cứ đi làm, đi học, nghĩ về tương lai, nhưng đừng quên rằng Chúa đã biết những điều đó, như cha mẹ chúng ta biết chúng ta phải lo gì, và sẽ lo lắng cho chúng ta để chúng ta yên tâm mà bước đi, chạy đua. Ma-thi-ơ 6:29, 32: Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi.
Chúng ta đã kinh nghiệm điều này, Đức Chúa Trời đã đưa chúng ta sang đất nước này, là một sự ban cho của Ngài. Chưa có ai qua Mỹ mà phải đói, chỉ có không giàu hơn người khác thôi. Ở Mỹ thì vậy, kiếm từng chục, từng trăm, chứ về Việt Nam cầm tiền đô mà đi đổi thì cũng triệu phú hơn người đúng không? Hãy cứ yên tâm chạy, phần vật thực thì Chúa sẽ lo, đừng quá lo, không sống lâu hơn đâu mà lại còn về với Chúa sớm. Đừng bao giờ để những thì giờ của mình ưu tiên cho việc kiếm tiền, mà hãy ưu tiên cho việc kiếm Chúa. Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.
Gánh nặng thứ hai là tội lỗi. Không phải tiền, tội lỗi là điều làm cho con cái Chúa dễ ngã quỵ nhất. Điều này không miễn trừ cho bất cứ ai, ngay cả các Mục sư và có khi đích nhắm chính của ma quỷ lại là các Mục sư chứ không phải các tín đồ, vì đánh gục người chăn thì bầy chiên sẽ tan lạc. Ma quỷ sẽ không bao giờ để chúng ta yên, sẽ tìm những khuyết điểm dù thầm kín nhất để kiện cáo cho đến khi nào chúng ta hoàn toàn giải quyết tội lỗi đó. Gióp được mô tả là một người công bình, chắc không có tội lỗi dấu kín nào cả, mà ma quỷ còn kiện cáo được, huống chi là mình. Vậy thì, có nên nhờ Chúa mà để những gánh nặng tội lỗi này lay aside chăng?
-Kiên nhẫn chạy, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc đua đã bày ra cho chúng ta: marathon, đường dài, không phải là những gì chúng ta đã làm trong quá khứ, mà là hiện tại và tương lai. Không phải là anh đã chạy được bao nhiêu, mà là anh có còn đang chạy không và chạy thế nào, bằng mọi cách để đoạt giải. Nhiều người đã từng ngồi đây, từng hát ca ngợi Chúa, bây giờ ở đâu? Nhiều người kể rất hay về quá khứ: tôi từng thế này tôi từng thế kia, nhưng bây giờ không dám kể nữa vì không có gì để kể… Điều Chúa muốn không phải là tôi đã làm gì, nhưng hiện nay tôi đang làm gì, và những ngày tới tôi sẽ làm gì… Mình đang chạy, có nghĩa là còn phải tiến tới, chứ không đứng lại hay lùi lại. Việc Chúa muốn nơi chúng ta là Trung Tín, đeo đuổi cho đến cùng, đường dài, sẽ có rất nhiều đoạn không bằng phẳng, có đoạn ổ gà, hư đường, sửa đường, nhiều khi phải detour (chạy vòng) nhưng đều phải vượt qua chạy tiếp, bị té, đứng dậy chạy tiếp. Một số người còn chạy, nhưng một số người đã bỏ cuộc, đã lui đi trong đức tin, bỏ Chúa, bỏ nhà thờ. Ma-thi-ơ 20:16 Đó, những kẻ rốt sẽ nên đầu,và kẻ đầu sẽ nên rốt, là như vậy.
2.
nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời
Bí quyết chạy đến đích của cuộc chạy marathon này là Nhìn Xem Chúa Jesus. Đây là câu Kinh Thánh mà tất cả con cái Chúa đều phải học thuộc lòng và luôn dấu vào trong lòng để có thể chạy với Chúa trong suốt cuộc hành trình từ đất dến thiên đàng. Tại sao vậy? Có hai điều chắc chắn sẽ xảy ra trên đoạn đường rất dài: Đường đời không bằng phẳng, sẽ có những lúc ổ gà ổ voi ổ chuột làm mình ngán ngẩm không muốn đi nữa. Đường đời cũng có khi đẹp quá, hoa xuân đua nở thác nước lượn quanh chim chóc réo rắt. Dừng lại một chút để nhìn, để ngắm, chậm lại và cũng có khi không muốn đi nữa, muốn dừng bước giang hồ, xây nhà bên suối. Cả hai thứ đều rất có thể làm chúng ta lạc đường. Đi thì đi, chạy thì chạy, ngắm thì ngắm, nhưng luôn luôn giữ tâm trí mình vào Chúa, biết mình là ai và mình phải làm gì. Đấng mà chúng ta nhìn để chạy là Chúa Jesus, vì Ngài không tội lỗi, và toàn thiện toàn mỹ. Chữ nhìn xem fixing our eyes on Jesus (NIV) Looking unto Jesus. (King James). Tôi thích chữ này: We must keep our eyes on Jesus…. Tôi tạm dịch theo ý mình là staring: nhìn chằm chằm, dán mắt vào, không rời khỏi được…Con ngựa có thói quen nhìn quanh nhìn quẩn khi chạy, để giữ nó chạy đúng đường mình muốn, người ta đeo hai miếng da hai bên mắt nó, để tránh nhìn hai bên mà nhìn thẳng phía trước, lao mình về mục đích. Để nó tập trung chạy, và chạy cho đúng con đường nguời ta muốn nó chạy, phải có hai miếng che hai bên. Con cái Chúa, phải có lời Chúa là… ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường lối tôi, rất cần dán hai miếng băng keo cỡ bự hai bên má, cho con mắt đừng nhìn qua nhìn lại, nhìn tới nhìn lui, mới tập trung đi đúng đường đúng mục đích. Chúng ta quả thật rất hay nhìn qua nhìn lại, nhìn nghiêng nhìn ngửa, nhìn người này người kia, không nhìn vào Chúa Jesus.
Chúa Jesus là cội rễ và cuối cùng của đức tin: Tất cả giáo lý, bài giảng, học Kinh Thánh đều phải hoàn toàn dựa trên căn bản Chúa Jesus vì Ngài là foundation, nền tảng. Tập trung vào Chúa Jesus
Tại sao chúng ta dễ mệt mỏi, dễ chán nản, dễ bị tổn thương, dễ bỏ cuộc. Câu trả lời là gì? Vì Không Nhìn Xem Chúa Jesus là cội rễ và cuối cùng của đức tin, mà nhìn xem người khác. Chúng ta đi nhà thờ vì nguời này vì người khác, vì ông bà vì cha mẹ vì vợ chồng, đi cho đủ lễ, sợ người ta hỏi, sợ người ta thăm. Chúng ta để đức tin mình dựa vào người này người kia, thần tượng một số người, nhất là thần tượng Mục sư, thần tượng dễ sụp đổ, họ đứng thì mình đứng họ ngã thì mình ngã. Những bức tượng Karl Marx, Lenin, một thời đứng sừng sững trên các tượng đài ở Nga, ở Bungari, ở Ý có lúc cũng sụp đổ, người ta kéo lê trên đất. Đừng bao giờ thần tượng bất cứ con ngưòi nào vì họ là con người bất toàn. Đã là người thì ai cũng bất toàn, Mục sư cũng là người, Mục sư cũng bất toàn. Chúng ta chỉ có một thần tượng thôi, đó là Chúa Jesus. Ngài không muốn chúng ta thần tượng ai, nhưng thần tượng Ngài thì được: ngoài ta ra các ngươi chớ có các thần khác. Khi họ vì bất cứ gì mà sụp đổ, thì đức tin mình cũng sụp đổ theo. Chúa Jesus không bao giờ sụp đổ, Ngài đứng vững vàng đời đời
Nhiều khi là không nhìn xem ai hết, chỉ nhìn xem mình, nghe lời Chúa mà không quan tâm, nhưng làm theo ý mình cho là phải. Tôi nghĩ thế này, tôi thấy thế nọ. Theo Chúa mà vẫn giữ khư khư con người cũ, không để cho Chúa thay đổi mình.
Điều gì đang làm đức tin của chúng ta lung lay, chao đảo? Khi chúng ta bị một trận gió lớn thổi tạt vào người, chúng ta làm gì? Cách đây nhiều năm, chắc hơn 10 năm rồi, tôi có cơ hội đến giảng ở Chicago vài lần, Chicago có biệt danh là Windy City, thành phố gió, gió rất mạnh, xe chạy không khéo bị tạt ngang. Có lần tôi đi bộ với một tín hữu trên phố, gió mạnh quá, thấy phía trước có cây cột đèn, người tín hữu và tôi chạy vội đến ôm cây cột đèn…. Chúng ta sẽ ôm ai trong những hoàn cảnh rất khó khăn của đời mình. Chắc chắn nhất, vững vàng nhất, là ôm Chúa, không ôm bất cứ con người nào, vì cả hai đều sẽ bị gió cuốn đi A-men?
Ngoài ra, chưa chắc là gặp sóng gió, nhưng vì chúng ta đi chậm quá, chạy lờ đờ quá, không tập trung vào Chúa, chạy mà mơ màng nghĩ đến đâu đâu, cũng rất dễ vấp ngã.
Nhìn xem không có nghĩa chỉ là nhìn, và xem, nhưng nhìn xem để bắt chước. Chúa Jesus là tấm gương để chúng ta soi và bắt chước 1 Cô-rinh-tô 11:1: Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình bắt chước Đấng Christ vậy. Ê-phê-sô 5:1:Vậy anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài. Bắt chước là một hành động, là làm theo. Sự thất bại của con cái Chúa là chúng ta đọc, chúng ta nghe mà không làm theo, không bắt chước Chúa Jesus: Gia-cơ 1:22-24: Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình. Vì, nếu có kẻ nghe lời mà không làm theo thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào.
Tôi tin rằng hình ảnh đẹp nhất để chúng ta nhìn xem và bắt chước đó là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời
Để chạy hết con đường đã vạch ra cho mình Chúa Jesus đã chấp nhận mất hết tất cả, địa vị cao trọng, Chúa của trời đất, mạng sống, và Phi-líp 2:7-8: chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; ]Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.
Và đoạn kết của đời Ngài: 9-11: Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.
Chúa Jesus không chết, Ngài đã chết, nhưng Ngài đã sống lại, hiện nay Ngài ngồi bên hữu Đức Chúa Trời để làm một công việc quan trọng đời đời, là cầu thay cho chúng ta những kẻ thuộc về Ngài…
3. BÍ QUYẾT
Vậy, anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu sự đối nghịch của kẻ tội lỗi dường ấy, hầu cho khỏi bị mỏi mệt sờn lòng
Nghĩ đến: mỗi khi chúng ta gặp những hoạn nạn thử thách, hay một tổn thương tinh thần nào đó, chúng ta sẽ đối phó như thế nào? Cách đây khoảng hơn 1 tuần, tôi và có lẽ một số người nghe câu chuyện một người ở Long An dẫn con đi chơi bị đâm chết, đó là một người đàn ông trẻ, chỉ mới 28 tuổi, và đáng lưu ý là anh là một tín hữu của Hội Thánh Hậu Nghĩa, Long An, chẳng phải chỉ là một tín hữu, anh là người yêu mến Chúa, có ân tứ âm nhạc, hầu việc Chúa trong lãnh vực thờ phượng. Chúng ta nghĩ gì khi nghe câu chuyện đó, tại sao lại phải chết như vậy, mà là một người hầu việc Chúa? Câu hỏi quen thuộc lại đặt ra? Chúa ở đâu, tại sao để việc đó xảy ra cho một người yêu mến và đang hầu việc Ngài, tuổi rất trẻ và con rất nhỏ. Khi đọc câu chuyện này tôi cảm thấy rất bức xúc. Nếu điều này xảy ra cho một trong chúng ta, chúng ta sẽ đối phó làm sao. Thật khó để ca ngợi Chúa trong hoàn cảnh như vậy. Nhưng có phải vì đó mà trách móc Ngài. Đức Chúa Trời ở đâu khi kẻ dữ cầm dao xông ra và đâm một phát trí mạng vào tim người đàn ông trẻ này. Thật quá khó. Tôi tin rằng chỉ còn một cách duy nhất là Nhìn Xem Chúa Jesus trên thập tự giá, Đấng không hề tội lỗi, trong Ngài không có chút chi dối trá, mà bị kẻ dữ mắng nhiếc, chế nhạo, đem ra làm trò hề, đánh đập tàn nhẫn bằng những cây roi có móc sắt, đội một cái mão bằng gai vào đầu, thứ gai nhọn và cứng của xứ Palestine, lột hết quần áo, trần truồng một cách sỉ nhục và đóng đinh trên thập tự giá… Có ai đã từng chịu tất cả những cảnh ấy mà không phải vì tội mình, mà vì tội lỗi người khác? Trong những hoàn cảnh dường như quá khó như vậy, chúng ta có nghĩ đến, nhìn xem, nhìn lên Chúa Jesus yêu dấu của chúng ta, vì yêu chúng ta mà chấp nhận. Hãy nghĩ đến điều đó, để khỏi bị mỏi mệt sờn lòng.
Hãy nghe 1 Cô-rinh-tô 9:24-27 nói gì?
Anh em há chẳng biết rằng rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng. Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát. Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió; song tôi đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng.1 Cô-rinh-tô 9:24-27
Hỡi anh em, điều mà chúng ta quan tâm là: hãy chạy cách nào cho được thưởng. Điều màchúng ta quyết tâm là không chạy bá vơ đánh gió. Điều mà chúng ta tâm niệm là hãy đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, tập luyện mình, kỷ luật mình trong suốt cả cuộc chạy đua đời đời này. Và ở cuối đường, Chúa Jesus đang đứng chờ với vòng hoa nguyệt quế dành cho người chiến thắng.
Mục sư Lữ Thành Kiến