Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Thư Giãn Trong Ân Điển Chúa

Thư Giãn Trong Ân Điển Chúa

Mục Sư Rick Warren

Logo HH Media
“Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 12:15a)

Làm sao để học Thư Giãn (N-H-A-N-H) trong ân-điển phóng thích của Chúa?

Nhớ rằng không một ai hoàn hảo
Thi Thiên 119:96 dạy rằng, “Tôi đã thấy sự cùng tận của mọi vật trọn vẹn; song luật pháp Chúa lấy làm rộng thay.” (“Tôi thấy mọi sự dù toàn hảo đều có giới hạn. Nhưng các điều răn của Chúa thì vô hạn.” Bản dịch NVB). Những điều xã hội nói với bạn không hoàn toàn.  Những gì dư luận nói cũng không trọn vẹn.  Những điều bạn học trong những năm tháng lớn lên cũng không hoàn hảo.  Nhưng Lời Đức Chúa Trời thì trọn vẹn.  Khi bạn đi vào Kinh Thánh và xây dựng đời mình trên đó, bạn sẽ có một nền tảng trọn vẹn.

Hưởng Tình Yêu Vô Điều Kiện của Chúa
Lời Kinh Thánh dạy, “Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời; và chúng ta thật là con cái Ngài!” (I Giăng 3:1).  Khi chúng ta trở nên người theo Chúa, chúng ta không còn là một đầy tớ nữa.  Chúng ta là con của Vua.  Tôi tớ được chấp nhận căn cứ trên những điều người ấy làm; còn con cái được thừa nhận dựa trên bản thân nó.  Kẻ tôi tớ bắt đầu một ngày với nhiều âu lo sợ rằng công việc mình làm không vừa ý chủ; còn con cái luôn vững lòng trong tình yêu thương đảm bảo của gia đình.  Người đầy tớ được chấp nhận do công khó phục vụ; đứa con được chấp nhận vì quan hệ huyết thống.

An tâm để Chúa điều khiển mọi sự.
Khi gặp những nan đề vượt ngoài tầm kiểm soát, bạn sẽ làm gì?  “Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em” (I Phi-e-rơ 5:7).  Khi phóng lưỡi câu, có lúc bạn phải thả ngón tay khỏi nút bấm và buông hẳn dây câu.  Cũng như bản chất của việc phóng lưỡi câu là buông thả sợi dây, để thắng hơn tính cầu toàn, bạn phải buông tay ra và để Chúa làm công việc của Ngài.

Nhận trong đức tin, không phải trong lo sợ.
Hãy nhớ lại cách đầu tiên bạn bước vào gia đình Đức Chúa Trời.  Ê-phê-sô dạy rằng, “Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu.”  Không có một phương cách nào khác để vào Thiên Đàng ngoại trừ nhờ ân điển Chúa.  Bạn không bao giờ tốt đúng mức, và bạn không thể nào mua được lối vào.  Đó là một tặng phẩm từ Đức Chúa Trời.

Hoán đổi tính cầu toàn để nhận sự bình an của Chúa
Tính cầu toàn hủy phá sự bình an.  Chúa Giê-xu phán trong Ma-thi-ơ 11:28-29, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ… hãy học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.”  Thật là một lợi lớn!

Bạn sẽ nhiều phen thất bại trong cuộc đời.  Nhưng bạn không cần phải lo lắngvề điều đó nếu bạn đã nhận được ân điển Chúa.  Thật ra, chỉ có một sự thất bại duy nhất đáng cho bạn lo lắng: “Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 12:15a).  Hãy nhận ngay ân điển đó bây giờ, và sống trong tinh thần thư thái!”

rick

Vấn Đề Của Tính Cầu Toàn 

“Ai xem gió sẽ không gieo; ai xem mây sẽ không gặt” (Truyền Đạo 11:4)
[“Ai mong đợi mọi điều hoàn hảo, sẽ không bao giờ hoàn tất được điều gì.”] (ND)

Khi bạn học thư giãn trong ân điển giải phóng của Chúa và thoát tung ra khỏi ngục tù của tính cầu toàn, bạn sẽ khám phá một mức độ niềm vui và sự tự do mới trong đời sống.  Tại sao?  Vì tính cầu toàn phá hủy cuộc đời bạn bằng nhiều cách.

1. Nó làm bại sáng kiến của bạn.
Có bao giờ bạn nghĩ đến một kế hoạch nhưng chưa thể khởi sự được không?  Bạn nghĩ, “Một ngày nào đó mình sẽ thu xếp mọi việc để thực hiện nó,” nhưng rồi bạn không thể bước được bước đầu tiên đó.  Một trong những lý do có thể do tính cầu toàn.  Bạn chờ đợi hoàn cảnh hay thời điểm toàn hảo, đến khi các con hoàn tất sự học, hay đến khi có được một khoản tiền nào đó.   Khi đặt tiêu chuẩn của mình quá cao, tính cầu toàn sẽ làm tê liệt, và bạn không thể nào hoàn tất được việc gì.

Kinh Thánh chép trong Truyền Đạo 11:4 rằng, “Ai xem gió sẽ không gieo; ai xem mây sẽ không gặt.”

2. Nó phá hỏng các mối quan hệ của bạn.
Không ai thích bị cằn nhằn hay sửa sai luôn luôn.  Nó gây chán nản và bực mình!  Kinh Thánh chép rằng, “Kẻ nào lấp giấu tội lỗi tìm cầu điều tình ái [tình yêu dễ bỏ qua mọi lỗi lầm – ND]; Còn ai nhắc lập điều gì chia rẽ bạn bậu thiết cốt [tính rầy rà phá đổ tình bạn thân thiết nhất –ND].” Tính cầu toàn – hay ước muốn luôn luôn đúng- sẽ phá hủy các mối quan hệ, vì nó đâm rễ trong tinh thần bất an.  Những con người cầu toàn thường khắc nghiệt và đòi hỏi quá mức đối với người khác cũng như với chính bản thân.

3. Nó phá hủy hạnh phúc của bạn.
Truyền Đạo 7:16 chép rằng, “Chớ công bình quá, cũng đừng làm ra mình khôn ngoan quá, cớ sao làm thiệt hại cho mình?”  Tác giả không nói đến sự công bình chân chính hay sự khôn ngoan thật.  Ông đang nói về tính cầu toàn.  Bạn có thể đơn cử bất cứ một đức tính nào, và biến nó trở thành xấu xa khi cư xử quá mức.

Người hay chỉ trích bạn thậm tệ nhất chính là bạn, vì con người thường phê phán thậm tệ về bản thân.  Vì chúng ta có khuynh hướng ghét và không ưa những người đay nghiến mình, nếu bạn cứ tự đay nghiến bản thân, điều đó có nghĩa gì?  Điều đó nói lên bạn không ưa thích bản thân mình.  Bạn tự cho rằng mình không tốt đủ.  Và bạn nghĩ rằng nhắc nhở xem mình sai trật ở điểm nào là cách thúc đẩy mình làm điều đúng.  Không phải như thế!  Đó chính là tinh thần cầu toàn, và nó sẽ khiến bạn luôn tự coi thường chính mình.

Chỉ có một phương thuốc giải độc cho tính cầu toàn.  Nó không nằm trong các sách tự học hay tại phòng mạch bác sĩ.  Bạn chỉ có thể học được sự thoải mái khi kinh nghiệm hoàn toàn về ân điển giải phóng của Đức Chúa Trời.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn