Thứ Năm , 21 Tháng Mười Một 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Ăn Năn Hay Hư Mất?

Ăn Năn Hay Hư Mất?

Ăn Năn hay Hư Mất! 

jame

Tác giả: James L. Melton

Ăn năn là một vấn đề đang gia tăng các tranh luận trong các hội thánh chính của chúng ta. Vì các hội thánh lớn thường được mở ra do họ “không dọa cho người ta bỏ đi,” nên chúng ta thường xuyên nghe được những bài giảng hoặc đọc được những bài viết nói về sự cứu rỗi không cần phải ăn năn. Đó là, nhiều người mạnh dạn rao giảng rằng một người không cần phải ăn năn tội lỗi vẫn có thể được cứu. Mới đây, tôi nghe qua băng thu âm một sứ điệp của một diễn giả rất nổi tiếng nói rằng mọi mạng lệnh ăn năn trong Tân Ước là dành cho những người đã được cứu. Anh ta lý luận rằng những người hư mất chỉ cần tin vào Đấng Christ mà không cần phải lo lắng về tội lỗi. Người này đã giảng giáo lý này trong nhiều năm, và nhiều người đã đi theo anh ta. Hầu như bất cứ diễn giả hoặc nhân sự nào tin vào Kinh Thánh đều có thế kể cho bạn nghe vô số chuyện về những người xưng là “Cơ Đốc nhân” mà họ đã gặp, những người được cho là đã được cứu sau khi lập lại một lời cầu nguyện ngắn gọn. Không có sự cáo trách của Đức Thánh Linh, không có sự thay đổi thái độ đối với thế gian, đối với xác thịt, hay các tội lỗi của họ, và không có bằng chứng về một đời sống mới sau khi tin Chúa. Vậy mà người này vẫn được “đánh dấu” là một thành viên mới được thêm vào trong vương quốc Đức Chúa Trời.

Tôi biết một hội thánh luôn gửi điểm tin mỗi tháng báo số lượng những người tin Chúa và chịu báp-têm tháng đó của hội thánh họ. Hầu như mỗi bản tin đều đưa ra con số hai đến ba trăm người được cứu trong ba mươi ngày của tháng đó. Điều này diễn ra đều đặn trong ba đến bốn năm như vậy, nghĩa là có khoảng 7,000 người đã tuyên thệ. Có phải hội thánh ấy đã có 7,000 thành viên? Không hề như vậy. Vậy ít nhất là 5,000 thành viên? Không hề. Ít nhất 1,000? Không, Hay có lẽ 500? Tôi không nghĩ vậy! Trong một dịp trọng đại, có khi hội thánh này có thể đạt tới 300 thành viên tham dự. Còn trong một buổi nhóm Chủ nhật bình thường, số người tham dự chưa tới 200 người. Họ có 200 thành viên dự nhóm, vậy mà họ đã thực sự tin rằng họ đã dẫn dắt 200 người đến với Chúa Giê-su mỗi tháng trong ba mươi sáu tháng liên tục! Tại một phiên chợ buổi tối, nơi chúng tôi phát chứng đạo, một trong những thành viên của họ vô tình gặp tôi. Anh nói, “Này, chúng tôi có mười hai người được cứu vào tối nay đấy!” Tôi không biết mười hai người này sẽ đi nhóm hay không, nhưng tôi chắn chắn họ sẽ có tên trong bản tin tháng này.

Vấn đề là quá nhiều diễn giả tin rằng cho người ta đọc lời tuyên thệ và dẫn họ đến nhà thờ là điều chính yếu. “Miễn là chúng ta có thể mang họ vào hội thánh, chúng ta có thể tính chuyện cho họ ăn năn sau” dường như là nguyên tắc của họ. Một nguyên tắc khác thì như thế này: “Chúng tôi không muốn nói hoặc làm điều gì khiến họ sợ mà bỏ đi.” Lẽ tự nhiên, từ “ăn năn” làm cho những người hư mất sợ hãi, nên việc ăn năn bị bỏ qua một bên để người đó dễ dàng nói lời tuyên thệ và thậm chí có thể đến hội thánh. Nhiều năm trôi qua, hội thánh trở nên một nhà trẻ tuyệt vời đầy những người hư mất và những con trẻ thuộc linh. Dưới mười phần trăm thành viên đảm nhận hơn chín mươi phần trăm công việc thuộc linh của hội thánh. Tuy nhiên, số đông yếu ớt kia vẫn CẢM THẤY mình quan trọng bởi vì hình ảnh của họ có trong danh mục hội thánh, và họ bắt đầu tranh luận và biểu quyết trong các cuộc họp quản lý.

Toàn bộ mớ hỗn độn bốc mùi này đã bắt đầu khi một diễn giả đầy tham vọng đưa ra “sáng kiến” bỏ qua một từ ngữ xuất hiện hơn một trăm lần trong Kinh Thánh dưới các hình thức khác nhau. Nhờ những lời khích lệ của Chúa dẫn dắt chúng ta, chúng ta hãy học về chủ đề ăn năn và hy vọng giúp được cho ai đó đứng vững trên con đường thẳng và chật hẹp này.

Trong Kinh Thánh, ăn năn có ba yếu tố căn bản: buồn rầu thật theo ý Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 7:9-10), phân rẽ thực sự khỏi tội lỗi (Hê-bơ-rơ 6:1; Công vụ 26:20), và đầu phục ý muốn Đức Chúa Trời thực sự (Công vụ 9:6; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Nói cách khác, ăn năn bao hàm một đời sống được hoàn toàn biến đổi. II Cô-rinh-tô 5:17 nói rằng, “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới.” Theo Kinh Thánh, mọi sự đều trở nên mới ngay khi một người ở trong Đấng Christ, và những sự cũ đã qua đi. Ăn năn chắc chắn là một yêu cầu. Chúa Giê-su đã bắt đầu chức vụ rao giảng rằng, “Các ngươi hãy ăn năn, vì vương quốc thiên đàng đã đến gần.” (Ma-thi-ơ 4:17) Trong Ma-thi-ơ 9:13, Ngài phán rằng, “… Vì Ta đến không phải để gọi người công chính, nhưng gọi kẻ có tội.” Trong Ma-thi-ơ 11:20, Ngài quở trách các thành “vì họ không chịu ăn năn.” Ăn năn là việc cần phải làm để được cứu, và không một học giả nghiêm túc và thật sự nghiên cứu Kinh Thánh nào có thể tuyên bố khác được.

Nhưng vẫn chưa xong. Kinh Thánh cung cấp nhiều mạng lệnh rõ ràng để các mục sư giải quyết vấn đề tội lỗi và ăn năn. Trong Ê-sai 58:1, Đức Chúa Trời phán rằng, “Hãy kêu to lên, đừng kiềm chế! Hãy cất tiếng lên như tiếng tù và! Báo cho dân Ta biết sự phản loạn của họ, Và báo cho nhà Gia-cốp biết tội lỗi của nhà ấy!”

            Còn Ê-sai 55:6-7 nói gì? “Hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va trong khi có thể gặp; Hãy kêu cầu đang khi Ngài ở gần! Kẻ gian ác hãy lìa bỏ đường lối mình, Người xấu xa hãy từ bỏ các ý tưởng mình; Hãy trở lại cùng Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ thương xót, Hãy đến cùng Đức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha thứ dồi dào.” Chúa là thánh, và Ngài yêu cầu chúng ta từ bỏ tội lỗi để có mối thông công với Ngài.

Chúng ta rất thường sử dụng Ê-sai 1:18 để kêu gọi những người hư mất: “Đức Giê-hô-va phán: “Bây giờ hãy đến, để chúng ta biện luận với nhau: Dù tội các ngươi đỏ như son, sẽ trở nên trắng như tuyết; Dù đỏ thắm như vải điều, sẽ trở nên trắng như lông chiên.” Đó là một câu Thánh Kinh tuyệt vời, và câu 16, 17 cũng vậy: “Hãy rửa cho sạch, hãy thanh tẩy chính mình! Hãy loại bỏ những việc ác khỏi mắt Ta; Đừng làm điều ác nữa. Hãy học làm lành, Tìm kiếm công lý; Giúp đỡ người bị áp bức, Xét xử công minh cho kẻ mồ côi, Bênh vực lý lẽ người góa bụa.” Chúa không những chỉ muốn tha thứ cho con người, mà trước hết, Ngài muốn con người ăn năn.

is

Bạn có muốn thêm những câu Kinh Thánh khác? Hãy xem những lời sau đây trong sách Ê-xê-chi-ên: “Vậy nên, Chúa Giê-hô-va phán: ‘Hỡi nhà Y-sơ-ra-ên, Ta sẽ phán xét các ngươi, mỗi người tùy theo việc mình làm. Hãy ăn năn và từ bỏ mọi tội phản nghịch của các ngươi đi! Như vậy, điều đó sẽ không trở thành cớ vấp phạm cho các ngươi. Hãy ném xa các ngươi mọi tội phản nghịch mình đã phạm. Hãy làm cho mình một tấm lòng mới và một tâm linh mới! Hỡi nhà Y-sơ-ra-ên, sao các ngươi muốn chết?’” (18:30-31) “Hỡi con người, con muốn phán xét họ, con muốn phán xét họ chăng? Hãy nói cho họ biết những điều kinh tởm của tổ phụ họ.” (20:4) “Hỡi con người, có phải con sẽ phán xét, có phải con sẽ phán xét thành đẫm máu nầy chăng? Vậy thì hãy làm cho nó biết mọi điều ghê tởm của nó.” (22:2) Vì sao Chúa lại nhấn mạnh đến tội lỗi nhiều như vậy? Chúa không biết rằng giảng tiêu cực như thế sẽ làm cho người ta sợ hãi và tránh xa sao?! Có lẽ một người anh em nào đó cần phải gửi cho Chúa một trong những tờ thông tin ngọt ngào của họ về việc không cần ăn năn để chỉ cho Ngài thấy những sai lầm của Ngài. Hãy tưởng tượng có bao nhiêu linh hồn có thể “được cứu” nếu tất cả chúng ta đều không đề cập gì đến tội lỗi và ăn năn!

Bạn có nhớ trường hợp của A-can trong sách Giô-suê chương bảy? Tội lỗi trong trại quân làm tổn hại đến cơ nghiệp công bình của Đức Chúa Trời. Nhiều người đã thiệt mạng vì sự hiện diện của tội lỗi. Thánh Linh Đức Chúa Trời bị dập tắt và chiến trận bị thất bại.

Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào một người có thể được sinh bởi Thánh Linh (Giăng 3:8) khi chính trong giây phút tin nhận Chúa của mình người ấy lại dập tắt Thánh Linh bằng cách bào chữa và bám giữ lấy tội lỗi của mình? Đức Thánh Linh có nói rằng, “Này, Ta biết con không có ý định thanh tẩy và dâng đời sống mình cho Ta. Ta biết con sẽ không bao giờ đi nhóm, cầu nguyện, hoặc đọc Kinh Thánh, nhưng Ta vẫn sẽ ban cho con sự sống mới” không? Có phải mọi việc sẽ diễn ra như thế? Nếu đúng xin bạn chỉ cho tôi chương nào, câu nào trong Kinh Thánh nói vậy. Làm thế nào Đức Thánh Linh có thể là “thánh khiết” nếu Ngài không có những chuẩn mực?

Tôi biết một số đoạn Kinh Thánh trên đề cập đến dân sự Chúa, không phải những người hư mất, nhưng có những đoạn Kinh Thánh khác rõ ràng liên quan đến ăn năn và những người hư mất. Ví dụ, bạn đã từng xem xét Công vụ 17:30 chưa? Câu này chép rằng, “Thế thì, Đức Chúa Trời đã bỏ qua các thời kỳ ngu dại đó; nhưng bây giờ, Ngài ra lệnh mọi người ở khắp mọi nơi phải ăn năn.” Những lời này do Phao-lô giảng cho “người A-thên” (câu 22). Có một diễn giả tin Kinh Thánh rao bảo cho người hư mất phải ăn năn tội lỗi, nhưng cũng có những diễn giả ngày nay dạy rằng ăn năn chỉ là vấn đề giữa Chúa và dân riêng của Ngài.

Rắc rối nằm ở ý nghĩa thực sự của từ ngữ. Từ điển Webster định nghĩa từ “ăn năn” thế này: “Sự hối lỗi thực sự; đau buồn hay hối hận sâu sa vì tội lỗi, vì đã làm buồn và làm ô danh Chúa, vi phạm luật pháp Ngài, và vô ơn trước lòng nhân từ vô biên của Ngài. Một hành động đi kèm với một đời sống phục thiện.” Như chúng ta sẽ thấy, Webster đã định nghĩa đúng. Ăn năn bắt đầu trong tấm lòng (đau buồn, hối hận sâu sắc) và theo sau bởi những kết quả bên ngoài. Giăng Báp-tít yêu cầu những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê “hãy kết quả xứng đáng với ăn năn.” (Ma-thi-ơ 3:7-8) Nhưng không ai có thể kết quả nếu họ không xác định làm điều đó trong lòng mình. Ăn năn bắt đầu trong tấm lòng và sau đó sản sinh ra hành động thể hiện ra bên ngoài.

Về điều đó, chúng ta hãy xem xét luật pháp được đề cập đến đầu tiên. Trường hợp ăn năn đầu tiên trong Kinh Thánh được tìm thấy trong Sáng thế ký 6:7: “Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ xóa sạch khỏi mặt đất loài người mà Ta đã tạo dựng, từ loài người cho đến loài súc vật, loài bò sát, loài chim trời, vì Ta lấy làm tiếc đã dựng nên chúng.” Hãy xem ăn năn của Đức Chúa Trời là một suy nghĩ trong lòng đưa đến hành động bên ngoài như thế nào. Ngài quyết định trong lòng về trận lụt, và sau đó sai trận lụt tới.

Câu trả lời nằm ở đây – chỉ có điều các anh em có chấp nhận nó hay không thôi. Những diễn giả không tin rằng ăn năn là một điều cần làm để được cứu thường nghĩ rằng ăn năn là ngay lập tức từ bỏ tất cả tội lỗi và bày tỏ ra một đời sống thánh khiết ngay sau đó. Họ nhận thấy điều này không xảy ra đối với hầu hết mọi người, vì thế họ bỏ đi luôn cả ăn năn! Giá mà họ thực sự tin vào Kinh Thánh!

Khi tôi đứng tại góc đường và giảng rằng, “Nếu các bạn chẳng ăn năn thì tất cả sẽ bị hư mất như vậy,” tôi không có ý nói rằng những người nghe tôi sẽ không thể được cứu nếu chưa bỏ uống rượu, hút thuốc, gian dâm, chửi thề và nhạc rock-n-roll. Tôi không có ý nói rằng họ phải từ bỏ tất cả những điều đó và bắt đầu một đời sống thánh khiết trước khi đặt niềm tin vào Đấng Christ. Làm như vậy thực ra là thiết lập một sự cứu rỗi dựa trên việc làm.  Nhưng khi tôi nói, “hãy ăn năn,” tôi đang nói về ăn năn dựa trên Kinh Thánh, tức là bắt đầu đơn giản bằng việc thay đổi tấm lòng (Sáng thế ký 6:7). Vì miệng nói ra những điều đầy dẫy trong lòng (Ma-thi-ơ 12:34), nên tôi có thể mong đợi đối tượng đang xin sự cứu rỗi nói một vài điều để biểu lộ sự thay đổi trong tấm lòng về tội lỗi và sự công chính. Anh ta có lẽ chưa thắng được thói quen hút thuốc ngay, nhưng anh ta sẵn lòng thừa nhận điều đó là sai và trái ý Chúa. Có thể anh ta chưa “chia tay” ngay được với cô gái mà anh đang ở cùng, nhưng ít nhất bây giờ anh đã nhận ra rằng Chúa không hài lòng với lối sống đó của anh và anh cần phải làm một điều gì đó. Chính sự thay đổi trong tấm lòng là điều chúng ta cần có bởi vì, nếu lòng được thay đổi thì Đức Chúa Trời là Đấng đã khởi sự làm việc, Ngài sẽ tiếp tục làm: “Tôi tin chắc rằng Đấng đã bắt đầu làm việc lành trong anh em sẽ làm trọn việc ấy cho đến ngày của Đấng Christ Giê-su” (Phi-líp 1:6).

            Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng bông trái và hành động phải luôn theo sau sự thay đổi ấy. Chúa Giê-su phán rằng, “Như thế, nhờ bông trái, các con sẽ nhận biết được chúng” (Ma-thi-ơ 7:20). Tôi có thể nhận biết một người đã được cứu hay chưa nhờ xem xét bông trái của người ấy. Nếu một người nói rằng anh ta đã tiếp nhận Chúa Giê-su Christ làm Cứu Chúa của mình khi một diễn giả tới thăm nhà anh ta cách đây một năm, nhưng anh ta không đọc Kinh Thánh, không cầu nguyện, không đi nhóm, và vẫn sống như một kẻ gian ác, thì chắc là anh ta chưa bao giờ nhận lãnh Đấng Christ. Ít nhất anh phải có một bông trái nào đó như một bằng chứng về sự cứu rỗi anh đã nhận sau cả một năm! Bạn có thể trồng một cái cây và không thấy nó tăng trưởng gì nhiều trong một vài ngày, nhưng sau cả một năm, bạn phải thấy những thay đổi đáng kể.

Hãy xem Xuất Ai Cập Ký 13:17-18: “Khi Pha-ra-ôn để dân Y-sơ-ra-ên ra đi, Đức Chúa Trời không dẫn họ đi bằng con đường xuyên qua đất Phi-li-tin, dù đường ấy gần hơn, vì Ngài nói: “E khi dân chúng thấy chiến trận, họ sẽ đổi ý và quay lại Ai Cập chăng.” Cho nên Đức Chúa Trời dẫn dân chúng đi vòng theo đường trong hoang mạc, về hướng Biển Đỏ. Khi ra khỏi Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên được trang bị khí giới để chiến đấu.” Ăn năn (đổi ý) ở đây có thể bắt đầu bằng một sự thay đổi bên trong tấm lòng (do sợ hãi) và kết thúc bằng một hành động bề ngoài (quay lại Ai Cập).

Hãy xem Ê-xê-chi-ên 14:6: “Vì thế hãy nói với nhà I-sơ-ra-ên: CHÚA Hằng Hữu phán thế nầy: Hãy ăn năn và lìa bỏ các thần tượng của các ngươi. Hãy quay mặt các ngươi khỏi mọi thứ gớm ghiếc đó.” Bạn có thấy một hành động bên ngoài đã đi kèm với động từ “ăn năn” không?

Giăng Báp-tít đã không làm báp-tem cho dân chúng trừ khi ông thấy BÔNG TRÁI của sự ăn năn của họ (Ma-thi-ơ 3:1-8). Ông không đòi hỏi họ phải kết đầy bông trái, nhưng ông chỉ cần họ có đủ bông trái để ông thấy và tin rằng họ thật sự có đức tin. Xin hãy đọc đoạn Kinh Thánh trên mà xem dân chúng đã xưng nhận tội lỗi họ lúc họ được báp-têm! Tội lỗi không hề bị tránh né. Nó phải bị xưng ra. Chỉ những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê mới lẩn tránh vấn đề tội lỗi.

Hãy chú ý mệnh lệnh của Chúa dành cho hội thánh Ê-phê-sô trong Khải huyền 2:5: “Vậy, hãy nhớ lại con đã sa sút từ đâu! Hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu. Nếu không ăn năn, Ta sẽ đến với con và truất bỏ chân đèn của con khỏi chỗ nó.” Mệnh lệnh là hãy “ăn năn” và “làm.” Ăn năn thật luôn theo sau bởi một hành động. Nói rằng ăn năn chỉ là một sự thay đổi trong tấm lòng là sai. Ăn năn bắt đầu bằng một sự thay đổi trong tấm lòng, nhưng không chỉ dừng lại tại đó.

Ê-xê-chi-ên 14:6: “Vì thế hãy nói với nhà I-sơ-ra-ên: CHÚA Hằng Hữu phán thế nầy: Hãy ăn năn và lìa bỏ các thần tượng của các ngươi. Hãy quay mặt các ngươi khỏi mọi thứ gớm ghiếc đó.” Một lần nữa, ăn năn không chỉ là thay đổi tấm lòng.

Ma-thi-ơ 21:29: “Người con ấy trả lời: ‘Con không đi,’ nhưng sau ăn năn, rồi đi.” Có phải ăn năn của người con chỉ là thay đổi trong tâm trí hay tấm lòng? Không, còn hơn như vậy. Ăn năn của cậu có kèm theo BÔNG TRÁI.

Ê-tiên tin vào ăn năn: “Hỡi những người cứng cổ, lòng và tai chưa được cắt bì kia! Quý vị luôn luôn chống lại Đức Thánh Linh. Tổ phụ quý vị thế nào thì quý vị cũng thế ấy! Có nhà tiên tri nào mà tổ phụ quý vị không bắt bớ? Họ còn giết những người nói tiên tri về sự hiện đến của Đấng Công Chính, là Đấng mà bây giờ quý vị đã phản bội và giết đi. Quý vị đã nhận lãnh luật pháp truyền bởi các thiên sứ, nhưng lại không vâng giữ luật pháp ấy!” Họ nghe những lời đó thì giận dữ trong lòng và nghiến răng với Ê-tiên.  Nhưng Ê-tiên được đầy dẫy Đức Thánh Linh, nhìn chăm lên trời, thấy vinh quang của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus đứng bên phải Đức Chúa Trời.” (Công vụ 7:51-55) Hãy để ý dấu hiệu của một diễn giả đầy dẫy Đức Thánh Linh: ông giảng chống lại tội lỗi và mong đợi người ta ăn năn.

Bạn vẫn chưa thấy thuyết phục sao? Vậy hãy xem xét trường hợp người phụ nữ Sa-ma-ri gặp Chúa Giê-su: “Đức Chúa Giê-su đáp: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát mãi, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ khát nữa. Nước Ta cho sẽ trở thành một mạch nước trong người ấy, tuôn trào đến tận sự sống đời đời.” Người phụ nữ nói: “Thưa ông, xin cho tôi nước ấy, để tôi không còn khát và khỏi đến đây múc nước nữa.” Ngài bảo: “Hãy đi gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” Người phụ nữ thưa: “Tôi không có chồng.” Đức Chúa Giê-su nói: “Chị bảo rằng chị không có chồng là phải, vì chị đã có năm đời chồng, còn người mà chị hiện có không phải là chồng chị; điều nầy chị đã nói thật.” (Giăng 4:13-18) Chúa Giê-su cho bà biết rằng bà cần nước sự sống. Khi bà biểu lộ sự quan tâm đến loại nước này (sự cứu rỗi), Ngài đã nêu ra vấn đề tội lỗi qua việc bảo bà đi gọi chồng bà. Ngài biết rằng bà có một đời sống trái luân lý, và Ngài muốn bà nhận thức được điều đó. Tội lỗi phải được giải quyết khi tội nhân được dẫn đến trước Đức Chúa Trời thánh khiết.

Hãy nhớ rằng hòm giao ước đã không được đặt trước lều tạm mà ở cuối lều tạm. Khi bước vào lều tạm, tội nhân đối diện với một bàn thờ bằng đồng nơi của lễ chuộc tội được dâng lên. Một của lễ thiêu luôn được đặt giữa tội nhân và Đức Chúa Trời. Chắc chắn nếu Chúa cho phép con người thiết kế lều tạm, thì hòm giao ước sẽ nằm ngay phía trước và bàn thờ bằng đồng sẽ được giấu ở phía sau tấm màn!

Đức Chúa Trời là thánh và Ngài yêu cầu sự thánh khiết giữa vòng dân sự Ngài. Đưa một tội nhân đến với Đấng Christ, Con Thánh của Đức Chúa Trời, mà không kỳ vọng người ấy ăn năn là một sự mạo phạm. Thực ra, khi chúng ta không nói với tội nhân về ăn năn là chúng ta đã rút lại món quà quý giá khỏi họ. Công vụ 11:18 chép rằng, “Khi họ nghe những lời ấy thì ngưng chỉ trích. Họ tôn vinh Đức Chúa Trời rằng: “Như vậy, Đức Chúa Trời cũng đã ban ăn năn cho các dân ngoại để họ được sự sống!” Ăn năn là một phần trong sự cứu chuộc của Giao Ước Mới, nên giống như sự cứu chuộc, ăn năn cũng được Đức Chúa Trời ban cho loài người như một quà tặng. Chúng ta là ai mà dám giữ lại món quà mà Chúa ban tặng cho tội nhân, đặc biệt khi món quà này là một phần trong gói quà không thể tách riêng từng phần? Rất nhiều người đã lâu rồi không còn giảng về ăn năn đến nỗi không còn ai nghĩ về nó như là một món quà đến từ tấm lòng khoan dung nữa. Ăn năn đã trở thành một gánh nặng khó khăn và tàn nhẫn mà ít ai mang nổi. Hậu quả dẫn tới thái độ của tội nhân là, “Ý anh là tôi phải bỏ rượu và tôi phải bỏ câu cá vào Chủ nhật?” Thái độ của anh ta đáng lẽ nên là, “Ý anh là Chúa sẵn sàng tha mọi tội cho tôi sao? Sau tất cả những gì tôi đã làm, Ngài sẵn sàng tha thứ cho tôi sao? Ôi! Tôi phải làm gì đây? Tôi sẽ làm bất cứ điều gì – chỉ cần nói cho tôi biết!”

Có thể có nhiều lý do cho sự thay đổi thái độ này trong 150 năm qua, nhưng một lý do chính là những người giảng lời Chúa đã ngừng giảng phản đối tội lỗi, điều này làm cho tội nhân không còn cảm giác họ là tội nhân nữa. Vì thế, ăn năn đã trở nên một gánh nặng thay vì một phước hạnh. Xin Chúa giúp chúng ta!

Logo HH Media

VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn