Bốn mươi bốn năm trước, lúc vừa bắt đầu đi dạy học ở Pleiku, chiến tranh đã về sát thành phố rồi, những cái như là tháng chín mưa dầm trên mái ngói, hay là em là hoa tỉ muội, nở lặng lẽ trong anh, mới đó thôi, đã lặng lẽ xếp hàng đi vào ngăn tủ của kỷ niệm, đại bác đêm đêm dội về thành phố, dội bom tan nát những vần thơ mơ mộng ngọt ngào. Đêm nằm trong căn nhà gỗ sơ sài cạnh bìa rừng Pleime, nhìn hỏa châu rơi, tiếng súng xa vọng về, nhìn khói trời mênh mông, nhìn lại mình đời chợt xanh rêu, không một chút ý thức tương lai, lấy cây bút chì, viết vào giấy, gởi cho người nơi phương trời xa:
cuối năm nằm trong rừng núi thẳm
xa lắc rồi em những mộng xưa
lòng ta tan nát như chai vỡ
quận lỵ tàn đông khói mịt mù
Hình như trong cả trăm bài thơ làm trong suốt thời kỳ ấy và sau đó, những ngày kinh tế mới, những ngày lưu lạc phương nam kiếm sống trên những dòng sông, cũng có những cuối năm ngồi bó gối bên bờ kinh hẹp nhìn lục bình trôi, nhìn khói sóng bay, chẳng còn nhớ nổi dù một đoạn ngắn, ngoại trừ bài thơ này (người anh rể thì thuộc từng bài, có khi còn đọc lại cho mình nghe và hỏi có nhớ thơ của ai không 🙂 Nhớ lại hình ảnh hai thằng thầy giáo trẻ măng, như con nít vừa lớn, râu mép chưa kịp xanh, ngồi bệt trên sàn gỗ cũng bày đặt nhậu bữa cuối năm với nhau gọi là để thương nhớ quê nhà, chỉ có mỗi một chai bia và vài con cá thiều khô mẹ gởi, uống xong thì đập vỡ luôn chai bia tan nát trên sàn gỗ cho ra vẻ sầu tha phương, rồi rủ nhau ra đường, con đường tỉnh lộ ngút ngàn tầm mắt không một bóng người qua lại, không một chiếc xe ngang, rồi khoác vai nhau đi trong bóng hoàng hôn ủ dột u hoài của quận lỵ tàn đông, cái hình ảnh ấy sao cứ vấn vương trong trí óc, sao cứ không nguôi. Cái gì vui thì mau quên, mà cái gì buồn thì cứ nhớ nhiều.
Sáng nay, trong không gian lạnh giá của Bắc Mỹ, quê hương thứ hai nằm vắt tay lên trán ta nghĩ đến chuyện cuộc đời, ngồi bấm đốt ngón tay ta nghĩ đến chuyện ngày mai, một bài hát du ca thuộc lòng từ những ngày rất xa xưa, thuở còn tuổi trẻ tóc bay, mà giờ thì tóc hết bay nổi rồi, chợt thấy lòng u hoài, nhưng cố gắng nghĩ đến điều tích cực hơn. Nghĩ đến ngày mai sẽ bay về Việt Nam, nghĩ đến tập thơ mới viết cho Chàng dự tính ra mắt tại Sài gòn, thế thôi, vẫn còn làm được cái gì đó cho Chúa cho người, cho mình. Ngồi yên lặng một lúc, không nghĩ gì hết, nghĩ về Chúa cách đơn giản như lâu nay vẫn thế, mối tương giao với Chàng chưa bao giờ cầu kỳ, không bao giờ cầu kỳ, viết văn làm thơ thì cầu kỳ, nhưng nói với Chàng là đơn giản, bởi vì có cầu kỳ với Chàng cũng chẳng… ra cái gì, Chàng chẳng cần, cũng chẳng quan tâm, chẳng coi cái sự ấy là điều quan trọng, như đứa con, ở đâu đó thì quậy phá, nhưng về nhà, nằm lại trong căn phòng của mình, căn nhà xưa, sáng mai thức dậy nhìn ra vườn sau nhà, thấy mùa đông đã qua, mưa đã dứt hết rồi, bông hoa nở ra trên đất, mùa hát xướng đã đến nơi…
Ngày cuối của năm cũ, không tổng kết năm cũ, không mơ ước năm mới. Lẽ ra cũng nên có chút mơ ước, nhưng đừng có quả quyết khẳng định vì mình không thể biết ngày mai mình sẽ như thế nào: song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết, vì sự sống của anh em là chi, chẳng qua như hơi nước hiện ra một lát rồi lại tan ngay 🙂 Tuổi trẻ thì háo hức chờ năm mới, thêm một tuổi, còn tương lai để nghĩ, tuổi già thì… sợ năm mới, vì năm mới thì đời mình lại cũ hơn một chút, mỗi mùa xuân qua mẹ tôi già thêm một tuổi, chứ có vui vẻ gì 🙂 Nhưng điều khác biệt là, hỡi anh em yêu dấu của tôi, trong Chúa, chúng ta còn hy vọng. Dù tuổi trẻ tuổi già, dù bất cứ điều gì, trong Chúa chúng ta còn hy vọng.
1 Cô-rinh-tô 13:13 quá quen thuộc: Nên bây giờ còn có ba điều này: đức tin, sự hy vọng, tình yêu thương, nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương. Cho dù Kinh Thánh nói rằng tình yêu thương là quan trọng nhất, nhưng vẫn có ba điều trọng nhất, mà hy vọng là một trong ba điều đó là sự hy vọng. Sự hy vọng cho con người niềm tin để sống bằng đức tin và trong tình yêu thương.
Cuối năm, chạy ra nghĩa trang để chào tạm biệt với người vì sẽ không gặp khoảng một tháng, cuối thu đầu đông, trời mưa, không gian sẫm màu, ướt át, bầy chim quạ từ đâu bay tới đậu đầy trên đất trống, trên những bia mộ, tạo nên một bức tranh ảm đạm buồn bã, nhưng cố gắng nghĩ lạc quan, hy vọng, hy vọng về ngày mai trời đất sẽ lại tươi sáng hơn.
Nhìn chim, lại nhớ bài thơ lục bát đã được phổ nhạc đã lâu lắm:
và thôi, hoang mạc một đời
và thôi, cánh nhạn bên trời biệt tăm
Mục sư Lữ Thành Kiến