Bài trước:
Tất cả môn đồ phải ra đi
Bởi vì tất cả các môn đồ đều được sai đi, nên tất cả các môn đồ đều phải ra đi. Chẳng hạn như, Lu-ca 14:16-23 ghi lại câu chuyện Đức Chúa Giê-su kể một ví dụ về một bữa tiệc lớn, nhiều người được mời đến dự bữa tiệc ấy:
Nhưng Đức Chúa Jêsus đáp rằng: “Có người kia dọn tiệc lớn, mời nhiều người ăn. Khi đến giờ ăn, sai đầy tớ mình đi nói với những kẻ được mời rằng: ‘Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi.’” (câu 16-17)
Song, từng người khách một bắt đầu xin kiếu. Hãy chú ý lời người chủ đáp lại với người hầu như sau:
“Đầy tớ trở về, trình việc đó cho chủ mình. Chủ bèn nổi giận, biểu đầy tớ rằng: ‘Hãy đi mau ra ngoài chợ, và các đường phố, đem những kẻ nghèo khó, tàn tật, đui, què vào đây.’ Sau lại đầy tớ trình rằng: ‘Thưa chủ, điều chủ dạy, đã làm rồi, mà hãy còn thừa chỗ.’ Chủ nhà lại biểu rằng: ‘Hãy ra ngoài đường và dọc hàng rào, gặp ai thì ép mời vào, cho được đầy nhà ta.’” (câu 21-23)
Về sau, khi những người Pha-ri-si bắt gặp Ngài ngồi ăn uống với những “tội nhân”, Đức Chúa Giê-su đã kể một ví dụ khác để giải thích tấm lòng và sứ mệnh của Ngài đó là theo đuổi những người lạc mất. Lu-ca 15:1-7 ghi lại rằng:
Hết thảy các người thâu thuế và người có tội đến gần Đức Chúa Jêsus đặng nghe Ngài giảng. Các người Pha-ri-si và các thầy thông giáo lằm bằm mà nói rằng: “Người nầy tiếp những kẻ tội lỗi, và cùng ăn với họ!” Ngài bèn phán cho họ lời thí dụ nầy: “Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao? Khi đã kiếm được, thì vui mừng vác nó lên vai; đoạn, về đến nhà, kêu bạn hữu và kẻ lân cận, mà rằng: ‘Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được con chiên bị mất.’ Ta nói cùng các ngươi, trên trời cũng như vậy, sẽ vui mừng cho một kẻ có tội ăn năn hơn là chín mươi chín kẻ công bình không cần phải ăn năn.”
Sau khi chịu đóng đinh, Đức Chúa Giê-su ban lệnh xuất kích cuối cùng cho các môn đồ của Ngài, đó chính là Đại Mạng Lệnh. Họ đã tiếp nhận sứ mệnh ra đi để mời gọi người khác đến với bữa tiệc của Đức Chúa Cha và đi tìm con chiên lạc. Giờ đây, lúc Ngài chuẩn bị lìa họ, Ngài phán cùng họ rằng đây là lúc họ phải ra đi:
Ngài phán cùng các sứ đồ rằng: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin lành cho mọi người. (Mac 16:15)
Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy,ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. (Ma-thi-ơ 28 :19-20)
Hãy lưu ý, để hoàn thành Đại Mạng Lệnh, các môn đồ phải ra đi. Cũng hãy lưu ý Đức Chúa Giê-su phán rằng phúc âm phải bao gồm tất cả những điều Ngài đã truyền, và phải rao giảng cho tất cả mọi người.
Song, vẫn còn một điều nữa. Hãy chú ý đến bốn từ cuối cùng của Đại Mạng Lệnh: “cho đến tận thế.” Khi nói đến cụm từ này, Đức Chúa Giê-su muốn truyền rằng Đại Mạng Lệnh phải được tiếp diễn mãi mãi. Ra đi và môn đồ hóa không chỉ là một hoạt động của thế kỷ thứ nhất. Mệnh lệnh đó kéo dài cho đến tận thế. John Piper đã viết về điều này rằng:
Mệnh lệnh này không chỉ được ban cho thế hệ môn đồ đầu tiên. Cho đến khi lời hứa của sứ mệnh này vẫn còn thì sứ mệnh vẫn tiếp diễn. Và lời hứa đó chính là: Đức Chúa Giê-su với tất cả quyền phép sẽ ở cùng chúng ta “cho đến tận thế.” Khi thời gian vẫn còn tồn tại, và vẫn còn những quốc gia để chúng ta cần phải đem phúc âm đến, khi đó mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su hãy ra đi và môn đồ hóa vẫn còn giá trị.9
Chính vì thế, Đại Mạng Lệnh không chỉ bao hàm tất cả mọi điều Ngài đã truyền, hoặc đi đến mọi nước, nhưng Đại Mạng Lệnh cũng bao gồm mọi thế hệ những con người theo Chúa Giê-su.
Sứ mệnh bắt đầu ngay tại đây, ngay lúc này
Những lời cuối cùng của một người có thể là những lời ý nghĩa nhất họ từng nói. Thường đó là những lời tóm tắt về đời sống, sứ mệnh, giá trị và đam mê của một con người. Chắc chắn đối với Đức Chúa Giê-su cũng vậy. Trong những lời cuối cùng của Ngài, Chúa không chỉ phán cùng các môn đồ phải trở nên những chứng nhân, nhưng cũng phải lan rộng lời chứng ấy – cho đến cùng trái đất. Công vụ 1:8 viết rằng:
Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.
Hãy nhớ rằng các môn đồ xuất thân từ xứ Ga-li-lê. Để vâng theo Đại Mạng Lệnh, họ phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem. Bắt đầu cuộc sống làm giáo sĩ tại thành Giê-ru-sa-lem là một thay đổi chiến lược về mặt địa điểm đối với họ. Song khởi điểm đó vẫn nằm trong nền văn hóa của họ. Trở nên một giáo sĩ không bắt đầu tại một nền văn hóa khác ở hàng nghìn dặm xa nhà. Trở nên một giáo sĩ bắt đầu ngay tại đây và ngay lúc này. David Platt viết rằng: “Bất cứ nơi nào bạn và tôi đang sống, chúng ta được truyền lệnh phải ra đi và môn đồ hóa. Noi gương Đức Chúa Giê-su, tác động chính của chúng ta trên các nước sẽ được xảy ra qua việc môn đồ hóa mà chúng ta thực hiện ngay xung quanh mình.”10 Jason Dukes thêm rằng: “Đấng sai phái đã sai bạn và tôi trở thành bức thư tình yêu dành cho con người. Nguyện chúng ta được gửi đi mỗi ngày. Và nguyện chúng ta bắt đầu ngay lúc này.”11
Giáo sĩ Sally
Sally là một trong những lãnh đạo nhóm nhỏ của chúng tôi, cô xem mình là một giáo sĩ cho những người xung quanh cô. Mỗi ngày cô bước dọc theo những ngôi nhà xung quanh mình và cầu xin sự cứu rỗi đến trên mỗi một gia đình. Cô cũng phục vụ các hàng xóm của cô và được các đứa trẻ xung quanh yêu mến. Cô là người đem súp và bánh sandwich đến cho những gia đình vừa dọn đến ở, hoặc khi họ có bệnh. Cô là người mẹ với những chiếc bánh quy mới nướng cho những đứa trẻ trên đường đi học về.
Một ngày Chủ Nhật nọ, sau suất nhóm thờ phượng cuối cùng, Sally đến chỗ tôi và hỏi rằng: “Thưa Mục sư Dave, tôi muốn hỏi chúng ta có thể dành một phòng học lớn của nhà thờ để tổ chức một buổi tiệc cho các hàng xóm của tôi vào Chủ Nhật tuần sau được không?”
Tôi hỏi: “Đó là bữa tiệc gì vậy?”
Cô đáp: “Gần mười hai người hàng xóm và các con của họ đã được cứu trong thời gian gần đây và sẽ được làm phép báp têm trong tuần sau. Chúng tôi muốn tổ chức một bữa tiệc cho họ.”
Giai đoạn thứ ba trong tiến trình phát triển của môn đồ đó là sai phái, đó là sự kêu gọi mọi môn đồ bước vào sứ mệnh toàn cầu. Đừng chờ đợi. Giống như Sally, hãy sống với sứ mệnh cùng với Đức Chúa Trời ngay hôm nay. Hãy sống mỗi một ngày mới như cách của một người giáo sĩ. Hãy phục vụ người khác, hãy đầu tư vào người khác, hãy yêu thương người khác, hãy kiên trì cầu nguyện cho họ, hãy sống phúc âm, hãy chia sẻ phúc âm, hãy gắn kết với Hội Thánh và khiến người khác trở nên môn đồ.
– Câu hỏi suy ngẫm –
- “Missio Dei” nghĩa là gì?
- Đức Chúa Giê-su làm một giáo sĩ như thế nào?
- Những phân đoạn Kinh Thánh nào bày tỏ chúng ta là những “người được sai phái”?
- David Platt đã viết gì?
- Đâu là một số cách để bạn có thể sống như những “người được sai phái”?
Chú thích
- Charles Spurgeon, The Soul Winner: Or, How to Lead Sinners to the Saviour (Grand Rapid, MI: Eerdmans, 1965), 127.
- Stewart Murray, Church Planting (Scottsdale, PA: Herald, 2001), 39.
- Tom Jones, Church Planting from the Ground Up (Joplin, MO: College, 2004), 10.
- Emil Brunner, được trích bởi Wilbert R. Shenk, Write the Vision (Harrisburg, PA: Trinity, 1995), 87.
- David J. Borsch, Believing in the Future (Harrisburg, PA: Trinity, 1995), 32.
- Robert Garrett, “The Gospels and Acts: Jesus the Missionary and His Missionary Followers,” in Missiology (Nashville, TN: B&H, 1998), 63.
- Webster’s Ninth New Collegiate Dictionary (Springfield, MA: Merriam-Webster, 1986), s.v. “mission.”
- Ed Stezer and David Putnam, Breaking the Missional Code: Your Church Can Become a Missionary in Your Community (Nashville, TN: B&H, 2006), 31, italics in original.
- John Piper, What Jesus Demands of the World (Wheaton, IL: Crossway, 2006), 366.
- David Platt, Radical (Nashville, TN: Thomas Nelson, 2010), 198.
- Jason Dukes, Live Sent: You Are a Letter (Birmingham, AL: New Hope, 2011), 16.
Dave Earley
Translated by Vinh Hien