Bài trước:
Hãy là giáo sĩ mỗi ngày
Tôi còn nhớ khi còn nhỏ đã được học rất nhiều bài hát. Có một bài hát rất dễ nhớ và cũng có thông điệp thuộc linh mạnh mẽ. Chúng tôi đã học bài hát đó trong một khóa Thánh Kinh mùa hè. Có thể bạn biết bài hát này:
Hãy là giáo sĩ mỗi ngày!
Hãy nói cho thế giới biết Đức Chúa Giê-su là con đường!
Hãy rao báo nơi thành thị hoặc thôn quê
Hoặc trên con đường nhộn nhịp!
Ở Châu Phi hoặc Châu Á, nhiệm vụ phụ thuộc vào BẠN!
Vậy hãy là một giáo sĩ
Là phái viên của Đức Chúa Trời
Hãy là giáo sĩ ngay hôm nay!
Hãy ra đi nào!!!
Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người trong Hội Thánh của tôi đều nghiêm túc cân nhắc bài hát này và sống như những giáo sĩ? Chúng tôi có thể đã đem phúc âm đến cho cho cả thành phố của mình. Tôi đồng tình với Charles Spurgeon khi ông nói rằng: “Mỗi một Cơ Đốc Nhân hoặc là một giáo sĩ hoặc là một kẻ mạo danh.”1 Môn đồ của Chúa không sống chỉ như những thành viên trong Hội Thánh. Họ cũng không thỏa lòng trong giới hạn chỉ một mục vụ được thực hiện hằng tuần tại Hội Thánh của họ. Không. Các môn đồ của Chúa sống như những giáo sĩ. Nếu bạn trở thành môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ, bạn sẽ là một giáo sĩ. Sống với sứ mệnh không phải là một nghề nghiệp của một số ít người được chọn. Đó là sự kêu gọi, nhiệm vụ và là mệnh lệnh của tất cả mọi môn đồ. Chúng ta được kêu gọi như là những giáo sĩ. Câu hỏi đó là: Chúng ta có vâng theo không? Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về giai đoạn thứ ba cũng là giai đoạn cuối cùng trong tiến trình phát triển của môn đồ – sự sai phái.
Giai đoạn ba: sai phái
(Tiếp nhận sứ mệnh toàn cầu)
Như chúng ta đã đề cập trong chương 6, mục vụ môn đồ hóa của Đức Chúa Giê-su trải qua ba giai đoạn riêng biệt. Giai đoạn thứ nhất đặt ra câu hỏi: Bạn có tin Đức Chúa Giê-su không? (SỰ CÔNG BỐ). Giai đoạn thứ hai đặt câu hỏi: Bạn có theo Đức Chúa Giê-su không? (SỰ PHÁT TRIỂN). Giai đoạn thứ ba đặt ra câu hỏi: Bạn có ra đi vì Đức Chúa Giê-su không? (SỰ SAI PHÁI). Giai đoạn cuối cùng trong chiến lược môn đồ hóa của Đức Chúa Giê-su có đỉnh điểm là sự ban cho Đại Mạng Lệnh, khi đó Đức Chúa Giê-su tuyên bố các môn đồ của Ngài đã sẵn sàng lặp lại quy trình môn đồ hóa này trong cuộc sống của những người khác (Ma-thi-ơ 28:18-20). Rabbi Giê-su đã huấn luyện thành công các môn đồ của Ngài để họ trở nên những người đi môn đồ hóa. Họ đã thực hiện công việc này khi thiết lập Hội Thánh đầu tiên (Công vụ 2). Tôi gọi giai đoạn thứ ba là sai phái, sự kêu gọi các môn đồ tiếp nhận sứ mệnh toàn cầu.
Missio Dei
Missio Dei là cụm một từ tiếng Latin dùng để nhắc nhở Hội Thánh rằng sứ mệnh của Hội Thánh không phải là sự phát minh, nhiệm vụ, hoặc chương trình của con người. Nhưng nó bắt nguồn từ đặc tính và mục đích của Đức Chúa Trời.2 Theo lịch sử, thuật ngữ sứ mệnh được dùng để diễn tả các công tác của Đức Chúa Trời, thay vì những hoạt động của Hội Thánh. Sứ mệnh không phải là điều Hội Thánh làm vì Đức Chúa Trời. Thay vào đó, Hội Thánh hòa nhịp với tấm lòng của Đức Chúa Trời và hiệp tác với công tác của Ngài.
Theo Tom Jones:
Bản chất của Đức Chúa Trời chính là cốt lõi của sứ mệnh. Đức Chúa Trời hằng sống được khắc họa trong Kinh Thánh là một Đức Chúa Trời sai phái. Ngài sai phái bởi tình yêu của Ngài dành cho thế giới (Giăng 3:16). Ngài truyền bảo Áp-ra-ham rời khỏi quê hương của ông để đến một nơi ông chưa từng biết, và nếu ông vâng theo thì Ngài hứa sẽ ban phước cho thế giới thông qua ông (Sáng thế ký 12:1-3). Đức Chúa Trời sai phái Giô-sép đến Ai Cập để giúp gìn giữ dân sự của Đức Chúa Trời trong thời kỳ hạn hán (Sáng thế ký 45:4-8). Vào đúng thời điểm, Đức Chúa Trời sai phái Con Ngài. Sau đó, Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con sai phái Đức Thánh Linh trong ngày lễ Ngũ Tuần (Ga-la-ti 4:4-6; Giăng 14:26; 15:26; 16:7; Công vụ 2:33). Cuối cùng, Đấng Christ sai phái Hội Thánh của Ngài (Ma-thi-ơ 28:19-20).3
Thần học gia Emil Brunner đã có phát biểu đáng ghi nhớ: “Hội Thánh tồn tại bởi sứ mệnh, cũng giống như lửa tồn tại là nhờ đám cháy.”4 Đối với môn đồ cũng vậy. David Borsh đồng tình với quan điểm trên, ông viết rằng: “Không thể nói về Hội Thánh mà không đồng thời nhắc đến sứ mệnh. Bởi vì Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời truyền giáo, nên dân sự của Ngài cũng phải là những giáo sĩ. Sứ mệnh của Hội Thánh không phải là điều thứ cấp so với sự hiện diện của Hội Thánh: Hội Thánh tồn tại khi được sai phái và được gây dựng để thực hiện sứ mệnh của nó.”5 Đối với môn đồ cũng vậy.
Đức Chúa Giê-su Christ: Một Giáo sĩ
Giáo sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử đó chính là Đức Chúa Giê-su Christ.6 Chính trong bài giảng đầu tiên, Đức Chúa Giê-su đã trích dẫn tiên tri Ê-sai nói về Đấng Mê-si sẽ được sai phái để giảng phúc âm (Ê-sai 61:1-2; Lu-ca 4:18). Khi công bố lời tiên tri đó là nói về chính Ngài, Đức Chúa Giê-su bày tỏ rằng Ngài chính là một giáo sĩ. Về sau, Đức Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng Ngài được Đức Chúa Cha sai phái (Giăng 17:1-25; Ma-thi-ơ 10:40).
Là một giáo sĩ, Đức Chúa Giê-su sẵn lòng rời Đức Chúa Cha, rời bỏ nhà cửa, tài sản, địa vị, văn hóa, sự thoải mái, sự tiện nghi, an toàn và an ninh để đến với thế giới và thực hiện nhiệm vụ của Ngài. So với thiên đàng, là một giáo sĩ ở trên đất, Đức Chúa Giê-su đã trải qua những giới hạn không thể tưởng tượng được, cảnh nghèo khó, đàn áp và bắt bớ. Là một giáo sĩ, Ngài sống giữa vòng những người Ngài mong muốn tiếp cận. Ngài ăn thức ăn của chúng ta, mặc quần áo như chúng ta, và nói ngôn ngữ của chúng ta. Ngài chịu những nỗi đau buồn của chúng ta và chia sẻ niềm vui với chúng ta. Ngài hoàn toàn coi mình là bình đẳng với chúng ta và chết vì chúng ta.
Theo từ điển, một giáo sĩ là “người được sai đi với một sứ mệnh.”7 Từ sứ mệnh bắt nguồn từ chữ “được sai phái” hoặc “sai phái.” Hãy xem Đức Chúa Giê-su đã chất vấn môn đồ của Ngài sau khi truyền giáo cho người phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng nước. Hãy lưu ý đến việc Đức Chúa Giê-su đề cập đến sứ mệnh của Ngài và sử dụng điều đó làm cơ sở để chỉ ra sứ mệnh của họ.
Đức Chúa Jêsus phán rằng: “Đồ ăn của Ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai Ta đến, và làm trọn công việc Ngài. Các ngươi há chẳng nói rằng: ‘còn bốn tháng nữa thì tới mùa gặt sao?’ Song Ta nói với các ngươi: Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt. Con gặt đã lãnh tiền công mình và thâu chứa hoa lợi cho sự sống đời đời, hầu cho người gieo giống và con gặt được cùng nhau vui vẻ. Vì đây người ta có thể nói rằng: ‘Người nầy thì gieo, người kia thì gặt,’ là rất phải. Ta đã sai các ngươi gặt nơi mình không làm; kẻ khác đã làm, còn các ngươi thì đã vào tiếp lấy công lao của họ.” (Giăng 4:34-38)
Đức Chúa Giê-su được sai đi làm một giáo sĩ đến thế gian để môn đồ hóa. Ngài đã sai các môn đồ của Ngài vào thế gian để khiến người khác trở nên môn đồ. Theo Đức Chúa Giê-su nghĩa là bạn và tôi phải noi gương Ngài và trở nên những giáo sĩ. Tôi xin giải thích như sau.
Tất cả các môn đồ đều được sai đi
Các môn đồ được lựa chọn với một mục đích quan trọng nhất đó là: trở nên các giáo sĩ. Khi chúng ta quay trở về với sự kêu gọi của họ, chúng ta thấy rằng họ được kêu gọi để đươc sai phái. Hãy xem Mác 3:14:
Ngài bèn lập mười hai người, gọi là sứ đồ, để ở cùng Ngài và sai đi giảng đạo.
Về sau, khi họ tiến đến thành Giê-ru-sa-lem Đức Chúa Giê-su một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ được sai phái vào mùa gặt. Trong Ma-thi-ơ 9:37-38 ghi lại lời phán của Đức Chúa Giê-su:
Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.
Đức Chúa Giê-su dự định họ sẽ là câu trả lời trước tiên cho lời cầu nguyện này. Vậy nên Ngài đã sai phái họ ra đi:
Đức Chúa Jêsus nhóm họp mười hai sứ đồ, ban quyền năng phép tắc để trị quỉ chữa bịnh. Rồi Ngài sai đi rao giảng về nước Đức Chúa Trời cùng chữa lành kẻ có bịnh. (Lu-ca 9:1-2; xem Ma-thi-ơ 10:1-5)
Khi Đức Chúa Giê-su ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê, chiến đấu trong sự cầu nguyện. Trong lời cầu nguyện như của một thầy tế lễ, Đức Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho các môn đồ của Ngài, nhắc Đức Chúa Cha nhớ rằng Đức Chúa Cha đã sai Ngài thể nào, thì Ngài cũng đã sai các môn đồ vào thế gian thể ấy. Giăng 17:18 viết rằng:
Như Cha đã sai Con trong thế gian, thì Con cũng sai họ trong thế gian.
Sau khi Đức Chúa Giê-su chịu đóng đinh, các môn đồ đầy sợ hãi bí mật nhóm lại. Đêm Chủ Nhật sau khi Ngài phục sinh, Đức Chúa Giê-su đã hiện ra cho họ và đảm bảo với họ về sự bình an của Ngài. Sau đó Ngài nhắc họ về việc Ngài đã chịu đóng đinh và phục sinh khi cho họ nhìn thấy bàn tay Ngài mang dấu đinh. Rồi Ngài nhắc nhở họ về sứ mệnh:
Cha đã sai Ta thể nào, Ta cũng sai các ngươi thể ấy. (Giăng 20:21)
Về câu Kinh Thánh này, Stetzer và Putnam đã viết rằng: “Với mệnh lệnh này, Đức Chúa Giê-su đã tuyên bố hướng đi hai ngàn năm cho Hội Thánh, và vẫn còn hiệu lực đối với Hội Thánh ngày nay.” Họ viết tiếp: “Hội Thánh nói chung, và bạn nói riêng, là giáo sĩ của Đức Chúa Trời cho thế giới… Chúng ta được Đức Chúa Trời sai đi thực hiện sứ mệnh.”8 Có thể bạn đang nghĩ rằng: “Vâng, dĩ nhiên mười hai sứ đồ là những giáo sĩ. Tất cả các mệnh lệnh trên đều ban cho họ. Tôi chỉ là một môn đồ bình thường. Tôi không thấy lý do tại sao bạn có thể ngụ ý tôi phải trở nên một giáo sĩ.” Không lâu sau khi sai phái mười sai môn đồ bước vào sứ mệnh, Đức Chúa Giê-su cũng đã sai phái bảy mươi môn đồ khác bước vào sứ mệnh. Rõ ràng, sống thực hiện sứ mệnh không hoàn toàn dành riêng cho mười hai môn đồ. Tất cả những ai theo Đức Chúa Giê-su đều phải sống theo sứ mệnh. Lu-ca 10:1-3, 9 đã ghi lại sự kiện này:
Kế đó, Chúa chọn bảy mươi môn đồ khác, sai từng đôi đi trước Ngài, đến các thành các chỗ mà chính Ngài sẽ đi. Ngài phán cùng môn đồ rằng: “Mùa gặt thì trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy xin Chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa của mình. Hãy đi; nầy, ta sai các ngươi đi, khác nào như chiên con ở giữa bầy muông sói… Hãy chữa kẻ bịnh ở đó, và nói với họ rằng: ‘Nước Đức Chúa Trời đến gần các ngươi.’”
Không chỉ mười hai con người đặc biệt đã được sai đi làm giáo sĩ. Tất cả chúng ta đều được sai đi. Không chỉ những con người thật đặc biệt mới được sai đi vào sứ mệnh cho Đức Chúa Trời. Tất cả các môn đồ đều được sai đi.
Dave Earley
Translated by Vinh Hien