Ta sẽ ở với ngươi như đã ở với Môi-se. Ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu. – Giô-suê 1:5
Đôi khi tôi thật xấu hổ về lời cầu nguyện của mình. Nhiều lúc tôi nghe mình lặp lại những nhóm từ quen thuộc, nghe như để lấp khoảng trống, thay vì là sự trao đổi thân mật có suy nghĩ. Một nhóm từ khiến tôi khó chịu và tôi nghĩ cũng có thể làm phiền lòng Đức Chúa Trời, đó là “Lạy Chúa, xin ở với con.” Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã hứa không lìa bỏ tôi.
Đức Chúa Trời hứa với Giô-suê điều này, ngay trước khi ông dẫn dân Ít-ra-ên vào Đất Hứa (Giô-suê 1:5). Tác giả Hê-bơ-rơ về sau cho rằng lời hứa này dành cho mọi tín nhân: “Ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu” (13:5). Trong cả hai trường hợp, ngữ cảnh cho thấy sự hiện diện của Đức Chúa Trời có liên quan với việc ban quyền năng để chúng ta thực hiện ý muốn Ngài, không phải ý muốn riêng của chúng ta, là điều tôi thường nghĩ tới khi cầu nguyện.
Có lẽ đúng hơn, phải cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, cám ơn Ngài về Thánh Linh Ngài đang ngự trị là Đấng sẵn sàng và có thể chỉ đạo con trong những đường lối Ngài muốn con đi. Xin cho con không kéo Ngài tới nơi Ngài không muốn đi. Xin cho con không buộc Ngài làm theo ý con, nhưng khiêm cung thuận phục theo ý Ngài.”
Khi chúng ta làm theo ý Đức Chúa Trời, Ngài sẽ ở với chúng ta cho dù chúng ta không cầu xin. Nếu không làm theo ý Ngài, chúng ta cần cầu xin sự tha thứ, đổi hướng, để theo Ngài. – Julie Ackerman Link
Mong cho lời cầu xin của chúng ta không thiếu suy nghĩ, mà lo nghĩ tới ý muốn Đức Chúa Trời.
odb.org
Cuộc sống thật bận rộn, mỗi sáng tôi phải vội đến sở làm. Ăn sáng trong xe hơi là chuyện thường, Ở đây, chỉ 3 lần đi làm trễ mà không có lý do, bạn sẽ mất việc, mà đó là chuyện rất khủng khiếp. Tôi tính thời gian từng phút. Phải đến sở sớm hơn một chút, còn chào hỏi bạn bè, đồng nghiệp vài câu, thông tin cho nhau đôi chuyện quan trọng vừa xảy ra trong tuần, một vài tin tức về thời sự, chiến sự, thị trường v.v… Hôm đó, cũng tất bật như mọi ngày, tôi bước qua cánh cổng công ty đi về phía phân xưởng. Một người cũng hối hả không kém, đang đi ngược về phía tôi, đó là Thompson, người bạn cũ hiện làm ở một phân xưởng khác. Chào nhau xong, anh hỏi nhanh: “Vội lắm phải không? Cho mình xin 1 phút được chứ?” Tôi cười: “Ồ, dĩ nhiên, vội thì vội, nhưng một phút có là bao!” Thomson rút trong túi một quyển sách nhỏ, đề tựa “God’s promises for your every need” (Những lời hứa của Thượng Đế cho mỗi nhu cầu của bạn) rồi nói: Chúng ta cùng nghe lời Chúa nhé! “Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va, và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy. Ngài sẽ khiến công bình ngươi lộ ra như ánh sáng, và tỏ ra lý đoán ngươi như chánh ngọ.” (Thi Thiên 37:5, 6) – Xong, anh bắt tay tôi: “Chúc một ngày tốt lành” và vội vã đi. Tôi ngẩn ngơ với một cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu. Nhìn đồng hồ, tôi lẩm nhẩm đọc lại khúc Kinh Thánh mà Thomson vừa đọc: 15 giây! Vâng! Đúng 15 giây cho 2 câu Kinh Thánh!
Bạn hãy thử xem, chỉ có 15 giây! Trong khi anh ấy xin tôi 1 phút và tôi đã hết sức hào phóng cho phép anh cái thời gian quí báu của mình, nhưng chúng tôi đã không sử dụng hết, mà chỉ có 15 giây. Ngày hôm ấy, tôi cũng dùng 86.400 giây như mọi ngày khác, nhưng 15 giây với Thompson là 15 giây thật giá trị. Tôi nghĩ lại, mình đã có bao nhiêu giờ để nói chuyện phiếm và tán gẫu, giải trí và bâng quơ. Thompson đã cho tôi 15 giây và một bài học vô cùng quí báu.
“Vì Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm.”- Hê 4:12.