Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Đột Phá Thuộc Linh

Đột Phá Thuộc Linh

 “Cuộc Đột Phá Thuộc Linh Là Gì?”
Mục sư Nguyễn Duy Tân

breakthrough-business-concept-illustration-manager-260nw-334950578

CÂU HỎI: Thưa Mục sư, gần đây con nghe người ta hay dùng chữ “đột phá” khi nói đến những sự kiện thuộc linh. Vậy đột phá là sao và áp dụng trong trường hợp nào thưa Mục sư?

GIẢI ĐÁP: Trong tiếng Anh, “Cuộc đột phá” là “Breakthrough” = a sudden, dramatic, and important discovery or development that helps to improve a situation or provide an answer to a problem. Nghĩa là một KHÁM PHÁ hay DIỄN TIẾN có tính cách bất ngờ, đầy kịch tính, và quan trọng mang đến sự cải tiến cho một hoàn cảnh hay giải pháp cho một nan đề.

Một ví dụ về đột phá trên phương diện kỹ thuật: Sau 10 năm nghiên cứu, viện Pasteur đã khám phá được một chất kháng sinh cực mạnh có khả năng tiêu diệt siêu vi trùng HIV.

Một ví dụ về đột phá trên phương diện thuộc linh: Sau ba ngày dự Trại hè Bồi linh, cậu B đã nhận biết cách rõ ràng về sự kêu gọi của Chúa nên đã tiến lên dâng cuộc đời mình để làm giáo sĩ.

Đột phá thuộc linh quan trọng nhất mà tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm là giây phút chúng ta được Chúa cảm động khiến cho chúng ta không thể kháng cự được nữa, nhưng quỳ xuống ăn năn đầu phục Chúa, và mời Ngài ngự vào lòng mình.

Đột phá thuộc linh mà chúng ta cũng thường được kinh nghiệm là khi lời cầu nguyện lâu dài của chúng ta được Chúa đáp lời một cách bất ngờ trong khi chúng ta hầu như đã mất hy vọng. Sự đáp lời đó, nhất là một trở ngại lớn được Chúa phá tan, khiến cho chúng ta tràn đầy kinh ngạc, vô cùng biết ơn, và vui mừng.

Đột phá thuộc linh thường được người ta nhắc đến là khi đang kiêng ăn cầu nguyện họ kinh nghiệm được một khải thị sâu nhiệm nào đó về Lời của Chúa, một kinh nghiệm về Đức Thánh Linh cách cá nhân (ví dụ ơn nói tiếng lạ), một sự trả lời lạ lùng cho một nan đề mà họ đã cầu nguyện, hoặc một sự bày tỏ rõ ràng về ý chỉ của Ngài cho đời sống họ.

Đức Chúa Trời là Chúa của những đột phá. Một trong những danh hiệu của Chúa được vua Đa-vít dùng là Baal-Perazim (Ba-anh Phê-ra-xim), có nghĩa là “Chúa của những Đột Phá” hay “Chúa của những Phá Vỡ”. Trong 2 Sa-mu-ên 5:20 có chép: “Vua Đa-vít đến Ba-anh Phê-ra-xim, đánh bại chúng tại đó. Vua Đa-vít nói: “Chúa PHÁ VỠ hàng ngũ quân thù trước mặt tôi như nước lũ phá vỡ bờ.” Vì thế vua đặt tên nơi đó là Ba-anh Phê-ra-xim.” (Bản Dịch Mới). “Ba-anh Phê-ra-xim” có nghĩa là “Chúa của những PHÁ VỠ” (“The Lord of the Breakthroughs”)

Đột phá có nghĩa đen là PHÁ VỠ THÌNH LÌNH, ĐÂM XUYÊN QUA. Hình ảnh tường thành Giê-ri-cô bị phá sập, Biển Đỏ được mở ra là những bằng cớ khác về Đức Chúa Trời là “Ba-Anh Phê-ra-xim”. Trong chiến tranh, người ta cũng dùng chữ đột phá để nói đến lúc một đạo binh phá vỡ được hàng ngũ của quân địch đưa đến sự đắc thắng như kinh nghiệm mà Đa-vít nói đến.

Có hai sự phá vỡ thuộc linh có thể xảy ra trong đời sống khi chúng ta tìm kiếm hay kinh nghiệm một sự đột phá thuộc linh:

THỨ NHẤT là chúng ta TỰ LỰA CHỌN một cơn đột phá cho đời sống mình. Chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa như sau cho đến khi kinh nghiệm được điều mình cầu xin: “Lạy Chúa, con muốn được Chúa ban phước và kinh nghiệm một sự đột phá thuộc linh cách cá nhân. Con biết rằng Chúa phải phá vỡ tâm hồn con, Chúa phải cởi bỏ bản chất xác thịt của con, và bẻ gãy tinh thần bất tuân phục của con. Con biết rằng việc mà Chúa chuẩn bị làm sẽ rất là đáng sợ, nhưng con tin cậy nơi ân điển của Chúa và tình yêu của Ngài là Cha trên trời của con vì Ngài chỉ muốn điều tốt nhất cho con, nên con tin rằng con có thể chịu nổi sự uốn nắn và huấn luyện của Ngài. Amen.” Khi chúng ta tự hạ mình trước mặt Chúa, thuận phục ý Chúa và sự uốn nắn của Ngài thì quyền năng Chúa sẽ thể hiện để biến đổi chúng ta, và những kinh nghiệm đột phá sẽ không đến nỗi đầy đau đớn cho chúng ta như trường hợp thứ hai.

THỨ HAI là Chúa sẽ đưa đến một cơn đột phá trong đời sống chúng ta mà KHÔNG CẦN CHÚNG TA CHO PHÉP. Tại sao? Vì chúng ta đã kháng cự sự nhắc nhở của Đức Thánh Linh, vì Ngài yêu chúng ta, vì Ngài là Thợ Gốm, là Đấng Tạo Hóa, vì Ngài muốn biến đổi chúng ta để trở nên một cái bình được quý trọng mà Ngài có thể sử dụng cách hữu ích cho Nước Trời. Đôi khi Ngài làm như vậy vì nhậm lời cầu nguyện của một người nào đó đang cầu thay cho chúng ta (nhất là người trong gia đình, như cha mẹ, người phối ngẫu, anh em,…). Để tạo nên sự phá vỡ, Ngài sẽ dùng đủ mọi cách, mọi người, mọi hoàn cảnh và phương tiện để mang đến những đột phá đầy ngạc nhiên, những bài học nhiều khi đầy đau đớn và mất mát, với mục đích để uốn nắn, đục đẽo, mài dũa chúng ta cho đến khi trở thành một dụng cụ được Chúa tái tạo, vô cùng hữu ích trong tay Ngài.

Ê-phê-sô 2:10 – “Vì chúng ta là VIỆC NGÀI LÀM RA, đã được DỰNG NÊN trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.”

Cầu xin Chúa cho chúng ta đừng ngần ngại mà tìm kiếm những đột phá thuộc linh để kinh nghiệm được những phước hạnh quý báu của một cuộc đời được Chúa tái tạo, biến đổi từng đợt, một đời sống được thánh hóa liên tục, để trở thành một dụng cụ thật sự hữu ích cho Nhà Ngài. Amen.
.

 Tin Lanh Library FB
Logo HH Media

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn