Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / THẦY ƠI / Tại Sao Các Hội Thánh Bị Chia Rẽ?

Tại Sao Các Hội Thánh Bị Chia Rẽ?

Bài trước:

Hội Thánh Là Gì?

Thầy ơi, cho tôi hỏi:

Tại Sao Các Hội Thánh Bị Chia Rẽ? 

Trả lời:

Bạn có biết rằng một trong những lý do khiến cho các Cơ đốc nhân rời bỏ hội thánh là vì có một ai đó đã làm tổn thương họ? Thay vì là một nơi cảm thấy phước hạnh và an toàn thì trong cộng đồng hội thánh đôi khi có những trận chiến công khai hoặc ngầm giữa các thành viên với nhau.

Psalms_133-1

Đức Chúa Trời thiết lập mọi điều đều hoàn hảo và Ngài muốn nhìn thấy hội thánh của Ngài biểu lộ tinh thần hiệp nhất. Thi thiên 133:1 viết, “Kìa, anh em ăn ở hòa thuận nhau. Thật tốt đẹp thay!” Thật không may, niềm tự hào trong mục vụ và nhiều lý do khác đã tạo ra mâu thuẫn giữa các thành viên trong hội thánh, dẫn đến sự phân rẽ công khai thành nhiều hệ phái và phát sinh những lời chỉ trích nội bộ. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy số lượng Cơ đốc nhân bị tổn thương không còn đi nhà thờ đang tăng lên hàng ngày.

Hãy suy nghĩ về điều đó. Chính những người mà đến với Hội thánh qua chiếc cầu nối phúc âm, cuối cùng lại làm đau khổ lẫn nhau. Có một điều gì đó rất sai trong bức tranh này.

Sự chia rẽ bên trong hội thánh là một mối nguy hiểm tiềm ẩn. Nó không bao giờ là một điều tốt. Nó không chỉ phá hủy tổ chức của hội thánh, mà quan trọng hơn là còn làm tổn thương thân thể của Đấng Christ. Một hội thánh bị phân chia sẽ truyền tải một thông điệp xấu cho thế giới bên ngoài. Nhưng nguyên nhân nào làm cho hội thánh bị chia rẽ?

Những lời sau đây của sứ đồ Phao-lô giúp chúng ta tìm thấy câu trả lời.

– Có người gây nên bè đảng, sống theo tánh xác thịt, làm gương xấu. “Hỡi anh em, tôi khuyên anh em coi chừng những kẻ gây nên bè đảng và làm gương xấu, nghịch cùng sự dạy dỗ mà anh em đã nhận. Phải tránh xa họ đi.” (Rô-ma 16:17). Phao-lô đưa ra lời khuyên:

“Tôi nhân danh Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau.” (1 Côr. 1:10). Vị sứ đồ cũng quở trách hội thánh tại Cô-rin-tô: “Thật, bởi trong anh em có sự ghen ghét và tranh cạnh, anh em há chẳng phải là tánh xác thịt ăn ở như người thế gian sao?  Có người thì nói: Ta là môn đồ của Phao-lô; kẻ thì rằng: Ta là của A-bô-lô.” (1 Côr. 3:3-4)

-Trong nhà thờ có những người không ra gì, nhưng lại tự mãn, hãnh tiến tự lừa dối chính mình:

“Vì, nếu có ai, dầu mình không ra chi hết, mà cũng tưởng mình ra chi, ấy là mình dối lấy mình.” (Ga-la-ti 6:3)

Giu-đe cũng nói rằng giữa vòng cộng đồng hội thánh có những người xấu. Họ là nan đề cho hội thánh.

“Ấy đều là những kẻ hay lằm bằm, hay phàn nàn luôn về số phận mình, làm theo sự ham muốn mình.” (Giu-đe 16)

Đôi khi, một hội thánh có vẻ ấm áp và hấp dẫn, nhưng bên trong bạn nhanh chóng nhận ra sự bất hòa – có thể là việc cãi nhau về lĩnh vực âm nhạc, đánh giá sự xuất hiện của người khác, tranh luận về các học thuyết, bất đồng với nhau về thần học, khác ý nhau trong nguyên tắc lãnh đạo và bao nhiêu chuyện khác nữa.

Còn một vấn đề khác là sự kiêu ngạo của các mục sư chăn bầy, họ không chịu học hỏi, lúc nào cũng bảo thủ cho là mình giỏi nhất, không biết lắng nghe ai. Những mục sư như vậy làm cho bầy tan nát. Các thuộc viên không bỏ nhà thờ ra đi mới là chuyện lạ.

Còn nhiều lý do nữa khiến cho hội thánh bị phân chia ra thành nhiều nhóm nhỏ hơn. Mỗi nhóm như vậy có một phong cách riêng trong sự thờ phượng, giảng luận Lời Chúa và sinh hoạt. Và rồi trong tương lai các nhóm nhỏ hơn này cũng bắt đầu có những sự bất đồng giữa vòng họ. Và cái vòng tròn ấy cứ xoay mãi.

Mặc dù có sự khác nhau về nhiều quan điểm trong cộng đồng hội thánh, tuy nhiên Phao-lô khuyên chúng ta: “dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh.” (Ê-phê-sô 4:3). Điều này sẽ phản ánh sự hiệp một trong một Cứu Chúa duy nhất. Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta, “hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.” (1 Côr. 12:25). Quan tâm đến nhau và thận trọng trong mỗi lời nói. Cứu Chúa đã phán dạy, “ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói.” (Ma-thi-ơ 12:36)

ÁP DỤNG

Nếu các tín hữu sống khiêm nhường như trong Rô-ma 12:9-16, khi ấy mọi sự chia rẽ giữa vòng hội thánh sẽ kết thúc. Chúng ta không trông đợi hay tìm kiếm sự chia rẽ trong hội  thánh, nhưng phải tìm kiếm sự hiệp một, ở lại làm một chi thể trong thân thể Chúa. Nếu một người nào đó trong hội thánh làm tổn thương bạn, hãy chủ động tha thứ hoặc hòa giải. Hãy làm cho mọi thứ trở nên đúng đắn với các anh chị em khác. Suy cho cùng không có một hội thánh địa phương nào là hoàn hảo theo cái nhìn của chúng ta. Tuy nhiên trong ánh sáng của lẽ thật chúng ta cùng nhau xây dựng một Cô Dâu xinh đẹp cho ngày Đấng Christ trở lại.

KINH THÁNH THAM KHẢO

Rô-ma 12:9-11; Ê-phê-sô 4:3-13; Phi-líp 1:3-11; 2:1-5; Tít 3:9-11

Hướng Đi biên soạn

Sách tham khảo:

The Bible’s Answers To 100 of Life’s Biggest Questions, by Norman L. Geisler & Jason Jimenez

 

Huongdionline.com cần sự ủng hộ của bạn đọc để duy trì và phát triển các mục vụ. Mọi sự dâng hiến cho Hướng Đi Ministries xin gởi về:

VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE

BBVA compass BANK

3111 North Galloway Ave.

Mesquite, TX 75150, USA

Routing# 113010547

Account# 6702149116

 

 

Chân thành cảm ơn.

hue

Mục sư Nguyễn Văn Huệ.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn