NGUYÊN TẮC GIẢI KINH
John MacArthur
Một số cạm bẫy thường thấy trong việc giải kinh
Mọi người lính nhảy dù biết rõ ràng mình sẽ đáp xuống tại đâu, nhưng không người nào nhảy khỏi máy bay mà lại không hiểu biết về địa hình xung quanh. Nếu làm khác đi, anh ta có thể bị lạc hướng và lạc mất, hậu quả có thể tồi tệ đến mức khó lường. Cũng như vậy, nhảy dù một cách thình lình vào vài phân đoạn Kinh Thánh, cố gắng nhặt nhạnh vài bài học thuộc linh mà bất chấp văn mạch, có thể dẫn đến lãng phí thời gian và mất quân bình về mặt thuộc linh.
Đọc Kinh Thánh cách thường xuyên theo một kế hoạch đã định là nền móng phải lẽ cho việc nghiên cứu Kinh Thánh thành công. Những nguyên tắc giải kinh đúng mực sẽ khiến việc học Kinh Thánh trở thành nguồn phước hạnh lớn lao.
Việc đọc Lời Chúa trả lời cho câu hỏi, Kinh Thánh nói gì? Nhưng công tác giải kinh trả lời cho câu hỏi, Kinh Thánh nói như thế là có ý nghĩa gì? Phương cách giải kinh đúng mực là yếu tố then chốt cho việc học Kinh Thánh thánh.
Người đọc không có phép quyết định ý nghĩa của bản văn. Anh ta phải học xem bản văn ấy có ý nghĩa gì.
Phao-lô hướng dẫn chức vụ cho người học trò Ti-mô-thê của mình rõ ràng lắm, “Hãy chăm chỉ đọc sách, khuyên bảo, dạy dỗ cho đến chừng ta đến.” (I Tim 4:13). Ông dạy Ti-mô-thê phải đọc bản văn, giải thích bản văn (tín lý), và áp dụng bản văn (dạy dỗ). Bạn đừng đọc và nhảy ngay vào phần áp dụng. Hãy đọc bản văn, giải thích bản văn, rồi mới ứng dụng nó. Đó chính là ý nghĩa của câu “lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật” (II Tim 2:15). Nói cách khác, sự giải kinh sai trật đưa đến kết quả, và là nguồn gốc của mọi loại niềm tin sai trật.
Sự cuồng tín do giải kinh sai trật
Giải kinh sai trật sẽ gây ra mọi thứ nan đề, từ những sai lầm ngớ ngẫn đến những tà giáo nguy hiểm. Nhiều người biết đến “Phương cách Đa-ni-ên” là cách thức giảm cân dựa trên câu chuyện tiên tri Đa-ni-ên quyết định chỉ ăn rau quả và uống nước (Đa-ni-ên 1:12). Nhưng cách giảm cân tân thời “theo Kinh Thánh” này lại hoàn toàn bỏ qua ý nghĩa rằng việc ăn uống của Đa-ni-ên là để bày tỏ sự giữ gìn của Chúa bất chấp việc ăn uống có phần lạ thường này của ông. Tệ hơn nữa, những người chủ trương “Phương cách Đa-ni-ên” đã quên rằng chính Đa-ni-ên đã tăng cân với cách ăn uống ấy (Đa-ni-ên 1:15)!
Các diễn giả tin lành thịnh vượng dạy rằng lời chào thăm của sứ đồ Giăng về sức khỏe và thịnh vượng (III Giăng 2) cho thấy Đức Chúa Trời muốn Cơ đốc nhân luôn luôn khỏe mạnh và giàu có. “Thần học” như thế thì chẳng khác nào đang chế nhạo những khó khăn, thiếu thốn, và cái chết của các sứ đồ và những người tiếp bước chân họ (tham khảo Hê-bơ-rơ 11:35-38).
Một số nhánh của Mọt-môn cho rằng các tổ phụ xưa kia đều đa thê, nên ngày nay chúng ta cũng phải đa thê. Một nhóm còn quyết định chống đối việc gây mê cho phụ nữ vì đọc thấy Cựu Ước dạy rằng đau đớn khi sanh nở là một phần của sự rủa sả, vì thế không được tránh. Phái Chứng nhân Giê-hô-va thường từ chối việc truyền máu là do hiểu sai về những dạy dỗ về máu trong Công vụ 15:28-29.
Những sự giải kinh sai trật có thể gây nên trò lố bịch, ngớ ngẩn, nguy hiểm và đáng nguyền rủa. Nhưng những sự đó, về mặt tự nhiên, là thất bại trong việc hiểu Kinh Thánh thật sự nói gì, và bối cảnh (văn mạch) của kinh văn. Có thể tránh sự giải kinh sai trật khi tránh được ba sai lầm lớn trong việc diễn giải, cụ thể như sau:
Đừng đưa ra một ý tưởng mà trước đó không giải kinh một cách phải lẽ.
Nói cách khác, đừng ép buộc Kinh Thánh phải nói điều bạn muốn Kinh Thánh nói. Một cách thức chết người là giống như một mục sư nói rằng, Tôi đã có bài giảng rồi, bây giờ chỉ tìm câu Kinh Thánh cho bài giảng ấy mà thôi. Ông ấy bắt đầu bằng những điều đã in trí, rồi sau đó tìm một số câu Kinh Thánh để hỗ trợ cho ý của ông – đó là trò cái đuôi vẫy con chó hướng dẫn cái đầu của nó. Bài giảng Kinh Thánh thật sự thì không lèo lái bản văn, mà là bị lèo lái bởi bản văn. Tôi biết rằng khi cố gắng sản xuất một bài giảng, tôi sẽ vội vàng áp đặt Kinh Thánh cho phù hợp với ý tưởng của tôi. Nhưng khi tôi cố gắng hiểu sâu hiểu rõ một đoạn văn, thì bài giảng sẽ tuôn chảy ra từ sự hiểu biết đó.
Sử dụng Lời Chúa để minh họa cho ý tưởng cá nhân thật sự là đang hạ thấp thẩm quyền Kinh Thánh. Hãy bắt đầu bằng bản văn, tìm ý nghĩa thật sự của bản văn ấy, và hãy tránh đường để Kinh Thánh tự lên tiếng.
(Giô-sép giải thích điềm chiêm bao của Pha-ra-ôn)
Tránh việc giải kinh nông cạn hời hợt.
Thứ nhì, khi học Kinh Thánh, hãy cẩn thận, chớ mà áp dụng câu thần chú rằng “Đối với tôi, câu này có nghĩa là….” Hoặc, “Câu này có ý nghĩa gì đối với anh/chị?” Thay vào đó, hãy học biết câu ấy thực sự nói gì.
Không may là, nhiều buổi học Kinh Thánh chỉ là sự tổng hợp của sự thiếu hiểu biết – nhiều người ngồi đó và chia sẻ những gì họ không biết về Kinh Thánh. Tôi hết sức ủng hộ các buổi học Kinh Thánh, nhưng ai đó phải nghiên cứu trước phần kinh văn ấy thật sự có ý nghĩa thế nào, rồi hướng dẫn người khác cùng hiểu, rồi sau đó mới thảo luận phần áp dụng. Phao-lô dạy Ti-mô-thê phải nhọc công nghiên cứu mới có thể giảng dạy Lời Chúa (II Tim 2:15).
Đừng thuộc linh hóa
Thứ ba, đừng thuộc linh hóa những ý nghĩa rõ ràng và trực tiếp của một câu Kinh Thánh. Bài giảng đầu tiên của tôi thật sự là kinh khủng. Phần kinh văn của tôi là, “Thiên sứ của Chúa ở trên trời xuống, đến lăn hòn đá.”(Ma-thi-ơ 28:2). Bài giảng của tôi là “Lăn đi những hòn đá trong đời bạn.” Tôi giải thích về hòn đá nghi ngờ, hòn đá sợ hãi, hòn đá giận dữ. Nhưng những điều đó không phải là điều câu ấy nói. Câu ấy đang nói về một hòn đá thực, hòn đá theo nghĩa đen. Tôi đã khiến hòn đá ấy trở thành một biểu tượng dụ ngôn mà bất chấp nghĩa rõ ràng của kinh văn. Trong một dịp khác, tôi có nghe một bài giảng rằng “Họ quăng bốn cái neo xuống, và mong ước đến sáng” (Công 27:29). Diễn giả giải thích rằng đó là cái neo hy vọng, cái neo đức tin, và cứ như thế … Trong thực tế, những cái neo trong Công vụ đoạn 27 là những neo thật bằng kim loại, chẳng phải là loại neo nào khác.
Tôi gọi cách giảng đó là “bịt mắt bắt dê,” vì bạn không cần Kinh Thánh cho những bài giảng như thế. Ai đó sẽ đứng lên và giảng rằng, có người bị mất một số chiên – khắp thế giới mọi người đang lạc mất. Nhưng rồi diễn giả ấy chẳng nói sẽ phải tìm số chiên ấy ở đâu. Cứ kệ chúng nó, rồi cuối cùng chúng cũng về chuồng thôi mà. Sau đó vị diễn giả kể một câu chuyện về những tội nhân vui mừng trở về nhà. Những bài giảng như thế rất dễ, và nhiều người làm theo cách đó đối với Cựu Ước. Đừng thuộc linh hóa Kinh Thánh; hãy nghiên cứu để hiểu được ý nghĩa đúng của bản văn.
Ngữ cảnh (context) là chìa khóa.
Khi tránh ba sai lầm này: (1) dùng bản văn để hỗ trợ cho ý tưởng đã in trí từ trước, (2) sự giải kinh hời hợt nông cạn, và (3) sáng tạo những ẩn dụ thuộc linh từ những phân đoạn đã rõ nghĩa – sẽ tạo một môi trường an toàn để học Kinh Thánh. Nhưng tránh những sai lầm kể trên mới chỉ là một vế của phương trình giải kinh. Vẫn còn những nguyên tắc khác cần phải học về sự giải kinh phải lẽ.
Đa phần những thách thức trong việc giải kinh có thể giải quyết được qua việc nghiên cứu kinh văn trong ngữ cảnh rộng lớn của nó (its wide context). “Đức Chúa Trời chẳng phải là Chúa của sự loạn lạc.” (I Côr 14:33). Và Ngài không khó khăn gì để giải thích về chính Ngài. Nan đề thường là ở phía chúng ta – hoặc là chối bỏ những gì Kinh Thánh nói, sự khác biệt văn hóa của chúng ta so với bối cảnh nguyên thủy của kinh văn (the text’s original setting), không chịu vâng phục, thiếu sự hiểu biết về Kinh Thánh. Dù là trường hợp nào đi nữa, những kỹ năng giải kinh là có thể học được và ứng dụng được. Và trong những kỳ tới tôi sẽ giải thích thêm.
(Còn nữa)
Mục sư Nguyễn Đức Na chuyển ngữ.
Quí vị có thể tham khảo bản gốc bằng Tiếng Anh ở link bên dưới:
http://www.gty.org/blog/B141030
John MacArthur (trích từ Phương pháp học Kinh Thánh)
Cùng một tác giả: https://huongdionline.com/2015/09/27/su-keu-goi-cao-ca-cua-chua-danh-cho-nguoi-nu/