Bài trước:
Thầy ơi, cho tôi hỏi:
Đầy Dẫy Đức Thánh Linh Có Nghĩa Gì?
Trả lời:
Chức vụ của Đức Thánh Linh có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống của tín nhân. Tuy nhiên, thật đáng buồn là nhiều trào lưu diễn giải sai Kinh Thánh và do đó xuyên tạc các hoạt động của Chúa Thánh Linh trong đời sống tín nhân. Trong số đó phải nói đến phong trào Ngũ tuần và Ân tứ. Những hệ phài này dạy rằng Cơ đốc nhân có thể kinh nghiệm lập đi lập lại phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh. Một số người (không phải là tất cả) trong phong trào Ngũ tuần và Ân tứ tin rằng dấu hiệu của việc chịu phép báp têm trong Thánh Linh phải bao gồm nói tiếng mới, say trong Thánh Linh (hiện tượng mất kiểm soát hành vi), và thậm chí còn có những dấu kỳ phép lạ khác.
Nhưng Kinh Thánh dạy về chủ đề này khác với những gì mà phong trào Lời Đức tin và các trào lưu trên đây rao giảng. Kinh Thánh không bao giờ đồng tình hay ủng hộ cho quan điểm khi đầy dẫy Đức Thánh Linh, tín nhân sẽ bị hiện tượng say trong Thánh Linh và mất kiểm soát hành vi của mình. Chúng ta đọc Ê-phê-sô 5:18, “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh.” Phao-lô đã so sánh hai hình ảnh trái ngược giữa hành động say rượu và đầy dẫy Đức Thánh Linh. Một người say rượu thì mất kiểm soát hành vi của mình. Nhưng một người đầy dẫy Đức Thánh Linh thì không phải như vậy. Phao-lô nhấn mạnh rằng một Cơ đốc nhân phải liên tục, trong từng khoảnh khắc, sống dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Linh. Một tín nhân đầy tràn sự kiểm soát của Đức Thánh Linh, người đó càng biểu lộ ra bông trái của Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22-23).
Đó là lý do mà Chúa Giê-su truyền bảo cho các môn đồ phải chờ đợi tại Giê-ru-sa-lem cho đến khi nhận được quyền năng của Đức Thánh Linh, “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.” (Công. 1:8; Cũng đọc Công. 1:4-8). Chúa Giê-su phán rằng Đức Thánh Linh sẽ làm cho các môn đồ trở thành những chứng nhân làm bùng nổ Phúc âm. Phi-e-rơ là một ví dụ. Trước đó vị sứ đồ này đã từng chối Chúa ba lần (Mác 14:66-72). Tuy nhiên trong ngày lễ Ngũ tuần, khi Thánh Linh đụng chạm vào Phi-e-rơ, ông đã được biến đổi từ một con người không dám tuyên xưng thừa nhận Chúa thành một vị sứ đồ can đảm đứng lên công bố Phúc âm (Công. 2). Điều gì đã khiến ông trở nên khác biệt với trước đây? Chính là sự đầy dẫy Đức Thánh Linh mà Phi-e-rơ nhận được, ông được đổ đầy quyền năng Thánh Linh.
Kinh Thánh ghi lại nhiều trường hợp đầy dẫy Đức Thánh Linh: Ê-tiên (Công. 7:55), Ba-na-ba (Công. 11:24), Phao-lô (Công. 13:9), các môn đồ (Công. 13:52).
Sự ngự trị và đầy dẫy Chúa Thánh Linh.
Có một sự khác biệt rất lớn giữa sự ngự trị và sự đầy dẫy Đức Thánh Linh. Sự ngự trị xảy ra tại thời điểm cứu rỗi (tái sinh), và sự đầy dẫy là một hành động liên tục hoặc lặp đi lặp lại được kiểm soát và ban quyền năng bởi Đức Thánh Linh.
Tại thời điểm sự cứu rỗi.
Sự nội trú bên trong của Thánh Linh – Giăng 7:37-39; Rô-ma 5:5; 8:9; 1 Côr. 6:19-20
Được đóng ấn bởi Đức Thánh Linh – 2 Côr. 1:22; Ê-phê-sô 1:13; 4:30
Báp-tem trong Thánh Linh – 1 Côr. 12:13; Ga-la-ti 3:27
Sau khi được cứu
Đầy dẫy Đức Thánh Linh – Công. 6:15; Ê-phê-sô 5:18; 6:18
Bước đi trong Thánh Linh – Ga-la-ti 5:16, 22-25; Rô-ma 12:9-21
Được ban quyền năng Thánh Linh – Xa-cha-ri 4:6; Rô-ma 8:13
Thực hành các ân tứ Thánh Linh – 1 Côr. 12:4, 7-11; Ê-phê-sô 4:11; 1 Phi-e-rơ 4:10
ÁP DỤNG
Mỗi ngày mới bắt đầu chúng ta cần được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Nếp sống bình thường hàng ngày của tín nhân phải luôn luôn tuôn tràn năng quyền Thánh Linh. Đức Chúa Trời không chỉ ban cho chúng ta quyền năng Đức Thánh Linh, mà Ngài còn làm cho chúng ta mỗi ngày giống Christ càng hơn. Đầy dẫy Đức Thánh Linh sẽ khiến chúng ta dạn dĩ chia sẻ Chúa Giê-su cho người khác (Công. 2:4, 41; 4:24; 6:3). Vì vậy hãy cầu nguyện trong Thánh Linh (Ê-phê-sô 6:18) mỗi ngày, và thêm lên bông trái của Thánh Linh: “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” (Ga-la-ti 5:22)
KINH THÁNH THAM KHẢO
Sáng. 1:2; Các quan xét 3:10; Giăng 14:26; 16:8-11; Công. 6:15; 7:55; 11:24; 13:9, 52; Ê-phê-sô 5:18; 6:18
Hướng Đi biên soạn
Sách tham khảo:
The Bible’s Answers To 100 of Life’s Biggest Questions, by Norman L. Geisler & Jason Jimenez