Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Giới thiệu sách / KINH THÁNH – QUYỂN SÁCH BẠN CÓ THỂ TIN

KINH THÁNH – QUYỂN SÁCH BẠN CÓ THỂ TIN

 KINH THÁNH – QUYỂN SÁCH BẠN CÓ THỂ TIN

(Nguyên bản: THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT

Tác giả: James C. Denison)

Translated by Vinh Hien – Tuong Vi

open-bible-man-cross-26776683

Mục Lục:

Lời giới thiệu

Chương một: Kinh Thánh Là Quyển Sách Của Đức Chúa Trời

Chương hai: Kinh Thánh Là Quyển Sách Dành Cho Tất Cả Mọi Người

Chương ba: Kinh Thánh Là Quyển Sách Đáng Tin Cậy

Chương bốn: Kinh Thánh Được Xác Nhận Bởi Chứng Cớ Nội Tại

Chương năm: Kinh Thánh Được Xác Nhận Qua Những Bằng Chứng Bên Ngoài

Chương sáu: Kinh Thánh Là Quyển Sách Mà Đức Chúa Trời Muốn Chúng Ta Có

Chương bảy: Kinh Thánh Giới Thiệu Những Công Việc Kỳ Diệu Của Đức Chúa Trời.

Chương tám: Kinh Thánh Là Quyển Sách Hấp Dẫn

Chương chin: Kinh Thánh Là Quyển Sách Được Linh Cảm

Chương mười: Kinh Thánh Là Quyển Sách Thực Hành

Chương mười một: Kinh Thánh Là Quyển Sách Thích Hợp Cho Mọi Người

Chú giải

 

Giới Thiệu Chung Về Sách Và Tác Giả.

Quyển sách này nằm trong loạt sách về giáo lý và di sản của Hội Thánh Baptist do BAPTISTWAY PRESS® xuất bản hằng năm. Các nghiên cứu ở đây nhằm giúp ích cho việc đọc và nghiên cứu của cá nhân lẫn trong các nhóm học Kinh Thánh của Hội Thánh cùng các nhóm nhỏ khác.

Quyển sách này cung cấp cho độc giả những chỉ dẫn để xem xét, hiểu biết và thực hành một số niềm tin Baptist được giữ vững chắc, đặc biệt khi những niềm tin đó giao thoa với cuộc sống hiện tại. Quyển sách không nhằm tạo ra tuyên bố chính thức về niềm tin Baptist. Những nỗ lực như vậy thậm chí là chống lại chính bản chất của người Baptist.

Vậy khi bạn đọc và nghiên cứu quyển sách này cũng như những nghiên cứu khác trong những sách về sau, hãy sẵn sàng suy nghĩ nghiêm túc và cẩn thận. Hãy liên hệ những ý tưởng trong sách này với những suy nghĩ và nghiên cứu của riêng bạn, nhất là về chủ đề Kinh Thánh.

Ngoài sách Kinh Thánh – Bạn có thể tin còn có Sách Giáo Viên (The Bible—You Can Believe It: Teaching Guide) cung cấp những đề xuất cho việc giảng dạy những nghiên cứu trong quyển sách này. Hãy truy cập trang web www.baptistwaypress.org để tìm hiểu thêm các tài liệu và nghiên cứu khác do BAPTISTWAY PRESS® xuất bản.

 Tác Giả

James C. Denison, tác giả sách Kinh Thánh – Bạn Có Thể Tin, là Mục sư của Hội Thánh Baptist Park Cities, Dallas, Texas. Trước đó ông từng đảm nhiệm chức vụ Mục sư tại Hội Thánh Baptist Second-Ponce de Leon, Atlanta, Georgia, và Hội Thánh Baptist Đầu Tiên, Midland, Texas. Tiến sĩ James C. Denison cũng giảng dạy Triết học Tôn giáo tại Chủng viện Thần học Baptist Tây Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Baptist Houston và Chủng viện Tây Nam (M.Div, Ph.D).

 

Lời Giới Thiệu

Cơn Sóng Thần Trên Thẩm Quyền Kinh Thánh

Bạn và tôi đang sống trong một thời đại không giống với bất cứ thời đại nào trong lịch sử Hoa kỳ. Thời đại đó giống như việc Cực Bắc không còn tồn tại và kim chỉ nam thì mất phương hướng. Các Hội Thánh và hệ phái cũng bối rối như chúng ta.

Những người Baptist tại Mỹ bước ra từ thời đại của sự thật khách quan và những chuẩn mực đạo đức được chấp nhận. Những năm 1950, thập kỷ hưng thịnh của Baptist khi phát triển về cả số lượng lẫn độ lan tỏa, cái thời mà Ward Cleaver (một nhân vật truyền hình) sau khi đi làm về cả gia đình cùng ngồi lại ăn tối—Ward trong bộ vest còn June mặc bộ đầm và đeo ngọc trai, trong khi Wally và Beaver thì ngồi yên lặng và lễ phép. Ít ai biết rằng gia đình Cleaver là điểm dừng cuối cùng trên con đường đến một thế giới đang đổi thay.

Không lâu trước cuộc chiến tranh giữa hai miền tại Việt Nam, tin tức về cuộc cách mạng tình dục và văn hóa thuốc phiện chiếm trọn các chương trình thời sự vào mỗi đêm, và lời cam kết với các giá trị khách quan bị tấn công từ mọi phía. Thực tế, rung chấn văn hóa  của những năm 1960 vẫn còn tác động đến nền tảng Hội Thánh của chúng ta ngày nay và  chưa thấy hồi kết.

Giờ đây lần đầu tiên trong lịch sử, ba thế giới quan khác nhau đang cố gắng ngồi chung trên một băng ghế nhà thờ vào sáng Chủ Nhật. Thế hệ những người từ Chiến Tranh Thế Giới Thứ II nhớ lại những ngày mà cha mẹ là người đứng đầu gia đình và thẩm quyền Kinh Thánh là tuyệt đối. Con cái của họ được sinh ra từ những năm 1960 đã chối bỏ lẽ thật và những giá trị khách quan, kể cả Kinh Thánh. Và rồi thế hệ tiếp theo là những người thừa hưởng cuộc cách mạng công nghệ, ít quan tâm đến “lẽ thật” Kinh Thánh nhưng lại thích thú với các chủ đề “tâm linh”.  Làm sao thế giới lại thay đổi quá lớn và nhanh chóng đến như vậy?

Những biến động lớn trong nền văn hóa đã không xảy ra vô nghĩa. Cơn sóng thần đánh vào Đông Nam Á ngày 26 tháng 12 năm 2004 đã ập đến mà không có bất kỳ cảnh báo trước nào, nhưng cơn sóng thần đang rung chuyển các Hội Thánh và hệ phái đã xuất hiện trước mắt chúng ta trong thời gian dài. Những làn sóng nào đã xảy ra? Chúng ta cần phải làm gì? Làm thế nào người Baptist có thể giải thích và bảo vệ cam kết của họ đối với thẩm quyền Kinh Thánh trong thế kỷ mới? Tại sao chúng ta cần phải làm thế? Những câu hỏi tương tự cùng lời giải được khám phá trong loạt bài nghiên cứu này.

Chương một

Kinh Thánh Là Quyển Sách Của Đức Chúa Trời

Người Baptist Tin Vào Thẩm Quyền Kinh Thánh.

Nhà thờ của Hội Thánh Baptist New Hope được thành lập ở vùng nông thôn Texas năm 1885.  Nó tọa lạc liền kề với Fort Worth nhưng lại gần Mansfield hơn. Hội Thánh bắt đầu nhóm tại một trường học địa phương và được đặt tên từ đó. Một trong những gia đình đầu tiên đã dâng mảnh đất đối diện trường học băng qua đường Dick Price, và sau đó ngôi nhà thờ đầu tiên đã được xây dựng. Cao ốc cuối cùng của nó được hoàn tất vào năm 1971, một kiến trúc mà những thành viên lớn tuổi vẫn gọi là “nhà thờ mới.”

Thời gian khiến nhiều điều thay đổi xung quanh Hội Thánh New Hope. Khu vực này đã phát triển nhanh như tên lửa. Các thành phố Fort Worth, Arlington và Mansfield ngày một mở rộng tiến gần đến mảnh đất của Hội Thánh. Mặc dù văn hóa càng thay đổi thì nhiều thành viên trong Hội Thánh càng muốn Hội Thánh của họ giữ nguyên. Họ muốn một hòn đảo thanh bình giữa biển cả đang dậy sóng. Thật vậy, đối với nhiều người thì đó là điểm thu hút và giá trị của Hội Thánh.

Tôi bắt đầu chức vụ Mục sư với lời kêu gọi từ Hội Thánh New Hope. Hai con của chúng tôi sinh ra khi chúng tôi đang sống trong tư thất của Mục sư, một ngôi nhà màu vàng sát bên bãi đỗ xe của Hội Thánh. Một số tình bạn thân nhất của tôi có được là vào thời gian này. Tôi chưa từng sống trong một gia đình đức tin nào bày tỏ tình yêu thương hơn tại đây.

Tuy nhiên thiếu chút nữa tôi đã không được làm Mục sư tại Hội Thánh này. Vào buổi tối Chủ Nhật sau khi giảng bài “Vì Một Sự Kêu Gọi” và nhận được nhiều phiếu bầu của Hội Thánh, chủ tịch ủy ban tòa giảng gọi điện đến nhà tôi. Hiến chương Hội Thánh chỉ định Mục sư phải giảng từ bản Kinh Thánh King James. Hôm đó tôi đã không làm vậy (bởi vì tôi không có bản Kinh Thánh King James). Tôi có nên thay đổi không? Nếu tôi không thay đổi, lời mời đến phục vụ tại Hội Thánh sẽ bị hủy bỏ. Trong tuần đó, vợ tôi đã mua cho tôi một cuốn Kinh Thánh King James bìa da màu đen, và mục vụ của chúng tôi được bắt đầu.

Đối với Hội Thánh New Hope, một nền móng vững chắc trải qua hơn một thế kỷ đầy biến động đó chính là Kinh Thánh. Nhiều mục sư và nhân sự đã đến rồi đi; các chương trình và tài sản cũng thay đổi; nhưng Hội Thánh gắn chặt với lẽ thật Lời Chúa. Đây là ưu tiên hàng đầu mà nếu không có ưu tiên ấy Hội Thánh sẽ đi lạc hướng.

Hiện giờ tôi đang trải qua bốn mươi năm chức vụ. Trong mục vụ Baptist, tôi được đặc ân đi khắp năm châu để giảng dạy. Một điểm chung mà tôi nhận thấy tại các Hội Thánh Baptist địa phương và trong mỗi mục vụ Baptist, từ California đến Georgia rồi đến Malaysia, từ các Hội Thánh vùng quê đến thành thị, từ các nhóm học Kinh Thánh ở nông thôn cho đến các lớp học tại chủng viện, điểm chung mà tôi thấy đó là cam kết của chúng ta với thẩm quyền tuyệt đối của Kinh Thánh.

Tại sao người Baptist tin Kinh Thánh? Chính xác thì chúng ta tin điều gì trong Kinh Thánh? Niềm tin của chúng ta có thay đổi qua các thế hệ hay không?

Nói về người Baptist và Kinh Thánh, đó là chủ đề lớn hơn liên quan nhiều đến lịch sử và những nội dung khác mà quyển sách này sẽ không có ý bàn đến. Mục đích của chúng ta tại đây là tập trung vào những niềm tin chính về Kinh Thánh mà người Baptist đã tuyên bố nhiều lần. Sau đó chúng ta sẽ khám phá tại sao những cam kết này vẫn còn quan trọng trong ngày hôm nay.

Bản Chất Của Lời Chúa

Năm 1963, Niềm Tin Và Sứ Điệp Baptist bắt đầu với bài viết về Kinh Thánh:

Kinh Thánh được viết ra bởi những người được mặc khải và là bản ghi chép về Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho con người. Đó là báu vật trọn vẹn về sự dạy dỗ từ thiên thượng. Tác giả của Kinh Thánh là Đức Chúa Trời, cuối cùng của Kinh Thánh là sự cứu rỗi, và các vấn đề Kinh Thánh nói đến là lẽ thật, không một chút sai sót. Kinh Thánh bày tỏ những nguyên tắc mà Đức Chúa Trời đoán xét con người; chính vì vậy Kinh Thánh sẽ trường tồn trên thế giới vượt mọi biên giới thời gian. Nó là trọng tâm chân chính của Cơ Đốc Giáo, và là chuẩn mực tối cao mà bởi đó đạo đức, giáo điều và quan điểm tôn giáo của con người sẽ phải theo đuổi. Nguyên tắc mà Kinh Thánh được diễn giải là thông qua Đức Chúa Giê-su Christ.1

Như chúng ta sẽ sớm khám phá, Niềm Tin Và Sứ Điệp Baptist (viết tắt là NT&SĐB)2 không có ý nghĩa đại diện cho mọi người Baptist, hoặc mô tả niềm tin cá nhân. Thay vào đó, nó là bản tóm tắt những gì mà hầu hết những người Baptist tin xuyên suốt lịch sử đối với nhiều chủ đề khác nhau. Bản tuyên bố mô tả Kinh Thánh là tổng quan ngắn gọn về niềm tin của họ. Chúng ta hãy xem xét lần lượt từng cụm từ trong bản tuyên bố này.

Kinh Thánh được “viết ra từ những người được mặc khải.” Người Baptist tin vào sự mặc khải trong Kinh Thánh, tin chắc vào Kinh Thánh đến từ Đức Chúa Trời. NT&SĐB không chỉ ra một lý thuyết mặc khải cụ thể nào. Một vài người Baptist tin rằng Đức Chúa Trời đọc từng chữ một cho các trước giả Kinh Thánh viết ra. Những người khác nghĩ rằng Đức Chúa Trời ban cho họ ý tưởng, từ đó họ dùng chính ngôn ngữ của mình để thể hiện. Những người khác lại tin rằng lời Chúa là sản phẩm của sự kết hợp thiên thượng và con người trong đó Đức Thánh Linh đóng vai trò dẫn dắt và bảo vệ. Người Baptist chưa bao giờ quy định một hướng cụ thể nào giải quyết câu hỏi này. Nhưng chúng ta luôn tin rằng Kinh Thánh đến từ Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh là “bản ghi chép về Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho con người. Đó là báu vật trọn vẹn về sự dạy dỗ từ thiên thượng.” Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài cho chúng ta và ghi lại sự bày tỏ này trong Kinh Thánh. Chính vì vậy, Kinh Thánh là “trọn vẹn”; từ “trọn vẹn” được dịch từ Kinh Thánh có nghĩa là hoàn toàn hoặc toàn vẹn, hoàn thành mục đích đã định (xin xem Ma-thi-ơ 5:48).3 Sự dạy dỗ của Kinh Thánh là “thiên thượng,” không phải của con người.

“Cuối cùng của Kinh Thánh là sự cứu rỗi.” Kinh Thánh là phương tiện dẫn đến kết quả cuối cùng của niềm tin cá nhân trong Đấng Christ. Như sứ đồ Giăng đã viết khi tóm lược về Phúc Âm: “Các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Giăng 20:31). Chúng ta không được cứu nhờ tin vào Kinh Thánh, nhưng bởi tin vào Đức Chúa Trời mà Kinh Thánh bày tỏ. Người Baptist đọc Kinh Thánh để áp dụng các lẽ thật của Phúc Âm.

“Các vấn đề Kinh Thánh nói đến là lẽ thật, không một chút sai sót.” Cụm từ “không một chút sai sót” xuất phát từ tuyên bố đức tin New Hampshire năm 1833 và cũng được bao gồm trong NT&SĐB năm 1925. Cụm từ không đưa ra một định nghĩa cụ thể hoặc một lý thuyết không thể sai lầm (xem chương mười trong sách này), nhưng khẳng định rõ rằng Kinh Thánh là đáng tin cậy và có thẩm quyền.

Lời Chúa là “trọng tâm chân chính của Cơ Đốc Giáo,” kêu gọi người Baptist hiệp một nhưng không giống nhau hoàn toàn. Chúng ta hiệp một trong những sự dạy dỗ rõ ràng của Kinh Thánh, không phải ở những diễn giải và niềm tin đa dạng của các cá nhân. Chúng ta không phải là những người giáo điều. Ngược lại, chúng ta hiệp một chỉ trong sự mặc khải thiên thượng. Thật vậy, chúng ta tin rằng Kinh Thánh là “chuẩn mực tối cao mà bởi đó đạo đức, giáo điều và quan điểm tôn giáo của con người phải theo đuổi.” Chúng ta muốn giống như người ở thành Bê-rê: “ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng” (Công vụ 17:11).

Cuối cùng, “Nguyên tắc mà Kinh Thánh được diễn giải đó là thông qua Đức Chúa Giê-su Christ.” Cụm từ có tính quyết định này có nghĩa là chúng ta phải diễn giải toàn bộ lời thành văn của Đức Chúa Trời trong ánh sáng Lời hằng sống của Đức Chúa Trời. “Ban đầu có Lời, Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Lời là Đức Chúa Trời; Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một Theo tiếng bổn thì chữ “Con một”có ý là Con sanh ra chỉ có một mà thôi

đến từ nơi Cha.” (Giăng 1:1, 14). Lời hay Đức Chúa Giê-su là “Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế” (Khải huyền 13:8). Kế hoạch của Đức Chúa Trời trước khi thời gian hiện hữu đó là đem Con Ngài đến cứu thế giới (Giăng 3:16). Cả Kinh Thánh từ Sáng thế ký đến Khải huyền, đều có liên quan đến kế hoạch cứu rỗi này và ngụ ý đến cuộc sống của chúng ta.

Kinh Thánh không có mục đích bàn về mọi khía cạnh của tri thức và sở thích, nhưng nói về những vấn đề ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với Cha Thiên Thượng. Kinh Thánh không phải là quyển sách khoa học, lịch sử hoặc lô-gic. Ngược lại, đó là phương cách mà Đấng Tạo Hóa của chúng ta đã bày tỏ chính Ngài cho tạo vật của Ngài, nhờ đó chúng ta được phục hồi mối quan hệ với TRỜI.

Kết quả là trong mỗi một phân đoạn Kinh Thánh, chúng ta phải hỏi: Điều này bày tỏ Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ như thế nào? Phân đoạn Kinh Thánh này nói cho ta biết điều gì về mối quan hệ của chúng ta với Đấng Cứu Chuộc? Dựa trên sự bày tỏ này, tôi biết được gì về chính mình và Cha của tôi?

Vậy người Baptist tin rằng Kinh Thánh là sự  bày tỏ được thần cảm của Đức Chúa Trời, là chân lý không hề pha lẫn sai sót, kêu gọi chúng ta đến sự cứu rỗi và hiệp nhất trong Đấng Christ. Hầu hết Cơ Đốc Nhân sẽ đồng ý với những tuyên bố này. Vậy còn có điều nào về thẩm quyền Kinh Thánh thể hiện niềm tin Baptist rõ rệt hơn không?

Niềm Tin Rõ Ràng Của Người Baptist

Nhà sử học Baptist Walter Shurden đã tuyên bố về “bốn sự tự do mỏng manh” mà người Baptist bám chặt: tự do tìm hiểu Kinh Thánh, tự do cho linh hồn của mình, tự do Hội Thánh, và tự do sống đạo. Ông phát biểu rằng chúng ta được tự do dưới quyền tể trị của Đức Chúa Giê-su Christ, và chúng ta có sự tự do để diễn giải Kinh Thánh bởi vì Kinh Thánh là con đường dẫn mỗi người đến với Đấng Christ. Chúng ta bám chặt tự do sử dụng Kinh Thánh cho mục đích phát triển đức tin sống trong sự vâng phục không ngừng đối với sự bày tỏ của Đức Chúa Trời. Chúng ta muốn được tự do khỏi mọi thẩm quyền tôn giáo ngoại trừ Kinh Thánh. Cũng vậy, chúng ta tự do diễn giải Kinh Thánh, khi chúng ta học lời Chúa dưới sự dẫn dắt của Thánh Linh Ngài. 4

Nói cách khác, người Baptist tin rằng chúng ta đều được tự do diễn giải Kinh Thánh cho riêng mình. Tuy nhiên, chúng ta phải diễn giải Kinh Thánh dưới sự kiểm soát của Đức Chúa Giê-su, vì mục đích vâng phục Chúa; tự do khỏi quyền kiểm soát của con người, nhưng được dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh. Khi chúng ta hiểu và học lời Chúa theo cách này, nghĩa là chúng ta đang tiếp cận lời Chúa như là những người Baptist.

Lập trường này dẫn đến những kết luận thực tiễn sau:

Chủ nghĩa tín điều

Một vấn đề rất quan trọng đối với thẩm quyền Kinh Thánh đó là chủ nghĩa tín điều, nó tiếp cận Kinh Thánh thông qua Hội Thánh và truyền thống (xem chương hai). Xuyên suốt lịch sử của chúng ta, người Baptist đại diện cho sự xác quyết: “không tín điều, chỉ duy nhất Kinh Thánh.”

Khi những tín hữu từ các hệ phái khác tham gia vào Hội Thánh của chúng tôi, họ thường hỏi tín điều của chúng tôi là gì. Tôi chỉ cho họ quyển Kinh Thánh. Một ánh nhìn băn khoăn thoáng trên gương mặt họ, rồi tôi giải thích rằng người Baptist không phải ký vào bản tuyên bố đức tin nào cả. Chúng tôi không kể Bài Tín Điều Các Sứ Đồ hay Tuyên Bố Đức Tin là cơ sở cho thần học của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng mọi tín điều đều được con người viết nên là thứ yếu trước thẩm quyền của Kinh Thánh.

Vậy tuyên bố đức tin của chúng tôi là gì? Lời mở đầu NT&SĐB năm 1963 bày tỏ quan điểm mà từ đó các tác giả NT&SĐB viết ra tuyên bố:

(1) Thiết lập một quan điểm thống nhất của một số tổ chức Baptist, lớn hay nhỏ, cho sự dạy dỗ và hướng dẫn chung cho tín hữu và những người khác liên quan đến niềm tin Cơ Đốc. Các quan điểm này không nhằm thêm bất cứ điều gì vào điều kiện cứu rỗi đơn giản được bày tỏ trong Tân Ước, tức là, ăn năn trước Đức Chúa Trời và niềm tin trong Đức Chúa Giê-su Christ là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa.
(2) Rằng chúng tôi không xem đó là những tuyên bố hoàn chỉnh về đức tin của chúng tôi, không có bất kỳ tính chất cuối cùng hoặc tính không thể sai sót. Trong quá khứ cũng như tương lai, ở bất cứ thời điểm nào người Baptist luôn giữ sự tự do xem xét lại tuyên bố niềm tin của họ mà đối với họ là khôn ngoan và thiết thực.
(3) Rằng bất kỳ nhóm Baptist nào, lớn hay nhỏ đều có quyền căn bản được lập cho chính họ và công bố cho thế giới một bản tuyên bố niềm tin vào bất cứ lúc nào họ thấy nên phải làm vậy.
(4) Thẩm quyền duy nhất đối với đức tin và thực hành của người Baptist là Kinh Thánh Tân và Cựu Ước. Những tuyên bố khác chỉ là hướng dẫn diễn giải, không có thẩm quyền trên lương tâm.
(5) Rằng đây là tuyên bố xác quyết niềm tin, được viết ra từ Kinh Thánh, và không được cản trở tự do suy nghĩ hoặc nghiên cứu trong các lĩnh vực khác của đời sống.5

Tóm lại: Niềm tin và Sứ Điệp Baptist không thêm điều kiện vào sự cứu rỗi, không nêu ra thần học không thể thay đổi hoặc giới hạn sự diễn giải. Rõ ràng, “thẩm quyền duy nhất đối với đức tin và thực hành của người Baptist là Kinh Thánh.” Chúng ta sẽ không ký bất kỳ tuyên bố niềm tin của ai, thậm chí của chính mình.

Khi tôi về khoa của Chủng viện Thần học Baptist Tây Nam vào năm 1987, tôi bất ngờ khi biết mình phải ký bản NT&STB 1963, và phải đồng ý giảng dạy “theo khuôn mẫu và không trái ngược” với những lời dạy của bản đó. Vì biết rằng chúng ta vốn không có thiện cảm với các bài tín điều, tôi đã rất bất ngờ trước yêu cầu này. Người quản lý giải thích với tôi về yêu cầu trên: “hãy ký tờ cam kết, nhưng diễn giải nó theo như điều ông xác quyết.” Đó có vẻ là một hướng đi tốt.

Quay trở lại năm 1911, sử gia W. J. McGlothlin đã vạch rõ mối liên hệ giữa chúng ta với các bài tín điều và lời tuyên xưng đức tin:

Với tính tự quản và dân chủ trong Hội Thánh, người Baptist vốn luôn rất tự do trong việc tạo lập, thay đổi và sử dụng các bản tuyên xưng đức tin. Chưa bao giờ có bất kỳ thẩm quyền giáo phẩm nào áp đặt một bản tuyên xưng đức tin trên Hội Thánh hoặc tổ chức của họ. Nói đúng ra, tuyên xưng đức tin của họ là những tuyên bố mà một nhóm người Baptist, lớn hay nhỏ, tin vào trong một thời gian nhất định, thay vì một bài tín điều mà bất kỳ người Baptist nào cũng phải tin trong mọi thời đại để được xem là một người Baptist. Theo hướng này, không có một tín điều Baptist nào cả.6

Thật vậy, Niềm Tin Và Sứ Điệp Baptist đúng hơn nên được gọi là: “Một Lời Tuyên bố về Niềm tin và Sứ điệp Baptist.”7 Đây không phải là một bài tín điều mà chúng ta phải tin. Đức Chúa Giê-su tuyên bố: “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta” (Ma-thi-ơ 28:18). Nếu Đức Chúa Giê-su có mọi thẩm quyền, thì chúng ta không có quyền gì cả. Người Baptist không tin vào bất kỳ tín điều nào ngoài Kinh Thánh.

Được diễn giải cách cá nhân

  1. B. Johnson là chủ tịch đầu tiên của Hội nghị Baptist Nam Phương. Năm 1846 ông đã xuất bản một quyển sách phản đối lại những tuyên xưng đức tin là nền tảng của khối liên hiệp Baptist. Trong phần dẫn nhập của quyển sách, ông viết ra năm xác quyết cụ thể mà những người Baptist Nam Phương tin vào trong thời điểm đó như sau:

1) Sự tể trị của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi;

2) Thẩm quyền tối cao của Kinh Thánh;

3) Quyền mỗi cá nhân xét đoán chính mình đáp ứng với lẽ thật được dạy trong Kinh Thánh;

4) Lãnh đạo Hội Thánh dân chủ; và

5) Phép báp-têm cho người tin.8

Sau đó cũng trong cùng thời gian này, Liên Hiệp Baptist Vương Quốc Anh và Ai-len củng cố niềm tin của họ vào “sự mặc khải thiêng liêng và thẩm quyền của Kinh Thánh là quy tắc tối cao và đầy đủ đối với niềm tin và thực hành của tín nhân: quyền và trách nhiệm đoán xét của cá nhân trong việc diễn giải Kinh Thánh.”9

Từ khi bắt đầu, những người Baptist luôn giữ vững quan điểm mỗi người tin Chúa đều có quyền và trách nhiệm diễn giải Kinh Thánh một cách cá nhân. Lớn lên từ việc chối bỏ các tín điều, chúng ta tin rằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời là đủ để hướng dẫn chúng ta hiểu lẽ thật mà Đức Chúa Trời mặc khải.

Chính vì vậy chúng ta khích lệ mỗi một tín hữu học Kinh Thánh cá nhân. Đối lập lại với chủ nghĩa tổ chức của Giáo Hội Công Giáo La Mã, chúng ta ủng hộ chức tế lễ của mỗi một tín hữu (xem chương hai). Chúng ta không tin rằng giáo hội quyết định ý nghĩa của Kinh Thánh, hoặc cho rằng lời dạy và truyền thống của giáo hội ngang hàng với thẩm quyền của Kinh Thánh. Chúng ta không quy phục sự sai khiến hoặc quyết định của các lãnh đạo hệ phái. Khi một tổ chức Baptist chọn một lập trường đối với một vấn đề thần học cụ thể, lập trường đó chỉ đại diện cho những người hiện diện khi biểu quyết. Các nghị quyết và quyết định của họ không có thẩm quyền ràng buộc đối với các cá nhân hoặc Hội Thánh khác.

Chúng ta không đòi hỏi tín hữu của mình phải có bằng cấp thần học hoặc chứng chỉ mục vụ nào trước khi họ diễn giải Kinh Thánh. Chúng ta cũng không ép buộc họ phải đồng ý với Mục sư hay lãnh đạo Hội Thánh của họ về mặt thần học. Các Hội Thánh của chúng ta không đưa ra quyết định ràng buộc đối với những vấn đề thuộc linh hoặc thần học. Không có một quan điểm cụ thể nào về Sáng thế ký hay Khải huyền mà bạn phải xác quyết để dạy Kinh Thánh tại Hội Thánh mà tôi quản nhiệm.

Thẩm quyền gắn liền với sự cứu rỗi và niềm tin

Hugh Wamble là một sử gia về Hội Thánh rất đáng kính tại Chủng viện Thần học Baptist Midwestern. Trong tác phẩm  Những nền tảng được phát hành vào tháng 6 năm 1963, ông đã giới thiệu một trong số những bài nghiên cứu kỹ lưỡng nhất mà tôi từng khám phá về chủ đề người Baptist và thẩm quyền Kinh Thánh (được in trong sách Công bố khải tượng của người Baptist về Kinh Thánh).10 Một tài liệu với một trăm hai mươi tám ghi chú trưng dẫn từ hàng vạn lời tuyên xưng đức tin của người Baptist, bắt đầu từ những tuyên xưng đầu tiên vào năm 1610 kéo dài đến bản NT&SĐB năm 1963. Tôi sẽ không sao chép lại những trích dẫn nhưng sẽ dùng bài nghiên cứu của ông để đối chiếu với các bước đi của chúng ta.

Bài viết của Wamble tóm tắt những tuyên xưng của Baptist liên quan đến ba mối quan tâm của chúng ta tại đây. Đầu tiên, ông xác định rõ rằng người Baptist xem thẩm quyền Kinh Thánh trong bối cảnh sự cứu rỗi và niềm tin. Chúng ta không tiếp cận Kinh Thánh như là lời có thẩm quyền trên tất cả mọi chủ đề của con người. Chúng ta không xem Kinh Thánh là lời phán quyết cuối cùng của Đức Chúa Trời đối với các vấn đề về khoa học, địa lý, hay lịch sử. Thay vào đó, chúng ta xem lời Chúa như là một phương tiện dẫn đến kết quả cuối cùng của mối quan hệ giữa chúng ta đối với Ngài. Như chúng ta thấy trong NT&SĐB 1963, “cuối cùng hay mục tiêu của Kinh Thánh là sự cứu rỗi.”11

Wamble khẳng định: “Với rất ít ngoại lệ và tất cả đều bắt nguồn từ những tuyên xưng hiện đại được những người Tin Lành chính thống và những người Baptist ban hành, tuyên xưng Baptist chỉ rõ rằng tôn giáo là lĩnh vực thuộc thẩm quyền Kinh Thánh. Tuyên xưng không công bố thẩm quyền Kinh Thánh đối với các lĩnh vực khác, cũng không tuyên bố con người có thể hiểu được trọn vẹn Kinh Thánh. ”12

Thẩm quyền này được xác nhận bởi “công việc bên trong của Đức Thánh Linh,” nghĩa là Đức Thánh Linh làm chứng và lời Chúa bên trong tấm lòng của chúng ta. Thẩm quyền này không phụ thuộc vào lời chứng con người, nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào Đức Chúa Trời.13

Wamble nói rằng thẩm quyền Kinh Thánh liên hệ đến sự cứu rỗi, cũng như những phát biểu sau đây của nhiều lời tuyên xưng Baptist đã trình bày:

Cuối cùng của Kinh Thánh là sự cứu rỗi. Chính vì vậy tính không thể sai sót của Kinh Thánh liên hệ đến sự cứu rỗi.14

Bên cạnh thẩm quyền liên quan đến sự cứu rỗi, Kinh Thánh có thẩm quyền trong mọi vấn đề niềm tin và thực hành nếp sống đạo. Một lần nữa, Wamble phát biểu những tuyên xưng bày tỏ lập trường của chúng ta:

“Từ quyển Kinh Thánh được Thần cảm và viết ra bởi các Tiên tri, Sứ đồ mà chúng ta tuyên thệ niềm tin và thực hành nếp sống đạo….Kinh Thánh giúp trang bị người của Đức Chúa Trời cho mọi việc lành; Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất cho niềm tin và thực hành nếp sống đạo.”15

Từ “thực hành” bao gồm những điều như: hành vi đạo đức, thờ phượng hầu việc Chúa, các trách nhiệm Cơ Đốc khác, bước đi cùng nhau trong cộng đồng Hội Thánh.16

Chúng ta tin Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất cho sự cứu rỗi, niềm tin và sự áp dụng của chúng ta. Nhưng chúng ta không biến Kinh Thánh thành một bản tóm tắt về khoa học, lịch sử hay địa lý. Chúng ta biết rằng mỗi một quyển sách đều phải được diễn giải theo chủ đích của tác giả. Nếu tôi dùng một quyển sách dạy nấu ăn để sửa xe, tôi sẽ chẳng làm được gì. Lỗi không phải vì quyển sách, nhưng vì người đọc và áp dụng nó.

Thẩm quyền của Tân Ước

Nghiên cứu bao quát của Tiến sĩ Wamble tóm lược một lĩnh vực quan tâm thứ hai đối với chúng ta: thẩm quyền Kinh Thánh trước hết là ở Tân Ước. Không phải người Baptist xem thường Cựu Ước. Thay vào đó, Kinh Thánh được trọn vẹn và ứng nghiệm trong Tân Ước. Vậy nên chúng ta sẽ đọc và diễn giải Cựu Ước dựa trên sự bày tỏ của Tân Ước. Chúng ta sẽ tìm những nguyên tắc trong Cựu Ước được lặp lại hoặc được mở rộng trong Tân Ước, và chúng ta sẽ quyết định sống với những lẽ thật Kinh Thánh. Thẩm quyền chính đối với sự cứu rỗi và niềm tin của chúng ta đó là Tân Ước.

Wamble phát biểu:

Thẩm quyền chính phụ thuộc vào Tân Ước. Tuyên xưng Baptist đầu tiên (1610) nói rằng giáo lý Cơ Đốc đúng đắn cho sự cai trị của vương quốc thuộc linh của Đấng Christ, đến nỗi cần cho chúng ta đạt đến sự cứu rỗi, được viết: “trong Kinh Thánh Tân Ước, nơi mà chúng ta áp dụng những gì thấy được trong Cựu Ước.” Bằng chứng người Baptist thừa nhận thẩm quyền cao hơn của Tân Ước có thể tìm thấy tại các dấu chỉ dẫn đoạn tham khảo Kinh Thánh, được lồng vào văn mạch, mà nhờ đó các lời tuyên xưng được củng cố.17

Chính vì vậy, chúng ta là những tín hữu Tân Ước. Chúng ta đánh giá điều chưa rõ trong ánh sáng của điều đã rõ, và chúng ta đánh giá lẽ thật Kinh Thánh khi trước dưới ánh sáng của sự bày tỏ về sau. Chúng ta tin vào sự bày tỏ tiệm tiến, là quan niệm Đức Chúa Trời dần dần bày tỏ chính Ngài cho chúng ta. Giống như một học sinh học môn Đại số trước khi học Hình học, và học Lượng giác học trước khi học Vi phân Tích phân, cũng vậy Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho chúng ta đầu tiên là qua luật pháp và lịch sử, sau là qua các tiên tri, và cuối cùng là trong Đấng Christ và Tân Ước.

Thẩm quyền tối cao của Kinh Thánh vượt trội hơn tất cả

Nghiên cứu của Tiến sĩ Wamble tuyên bố chắc chắn cho lĩnh vực thứ ba: người Baptist xem thẩm quyền Kinh Thánh là vượt trên tất cả. Trích dẫn tuyên xưng đức tin Baptist, Wamble tóm rắt rằng: “Thẩm quyền Kinh Thánh nghĩa là mọi niềm tin tôn giáo và thực hành, dù đó là điều gì hoặc được tìm thấy điều gì, cũng phải đứng dưới sự phán xét của Kinh Thánh.”18

Người Baptist xem “các giáo lý của con người” là thứ yếu và phụ trợ cho lẽ thật Kinh Thánh. Không một người nào hoặc một tuyên bố thần học nào có tầm quan trọng với chúng ta như lời được Đức Chúa Trời bày tỏ. Theo dòng lịch sử, người Baptist đã đứng vững trên xác quyết về thẩm quyền Kinh Thánh, và chúng ta giữ xác quyết này làm trung tâm của niềm tin và thực hành của chúng ta.

Tuyên Bố Của Các Nhà Thần Học Baptist.

Một khảo sát ngắn của các nhà thần học Baptist lừng danh đã làm rõ sự thống nhất mà người Baptist giữ vững về vấn đề thẩm quyền Kinh Thánh. Chúng ta hãy bắt đầu với E. Y. Mullins, hiệu trưởng Chủng viện Thần học Baptist Nam Phương từ năm 1899 đến khi ông qua đời vào năm 1928. Ông dạy thần học hệ thống trong suốt nhiệm kỳ chức vụ viện trưởng của mình; đồng thời ông cũng giữ chức hội trưởng Giáo Hội Baptist Nam Phương từ năm 1921 đến 1924; và là chủ tịch ủy ban dự thảo bản Niềm Tin và Sứ Điệp Baptist năm 1925.

Các ghi chú thần học hệ thống của ông gồm có quyển sách mang tính nền tảng nhất trong thời đó: Diễn Giải Giáo Lý Cơ Đốc Giáo (The Christitan Religion In Its Doctrinal Expression). Ts. Mullins đúc kết bàn luận về thẩm quyền Kinh Thánh như sau:

Đó là thẩm quyền hằng sống và trọng yếu, không phải là một thẩm quyền máy móc và mang tính giáo hội. Đó là nguồn thông tin có thẩm quyền của chúng ta về sự bày tỏ qua lịch sử của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. Đó là thẩm quyền quy định kinh nghiệm và giáo lý Cơ Đốc. Đó là công cụ của Đức Thánh Linh trong công tác tái sinh và thánh hóa. Bởi tính thẩm quyền và quy phạm, chúng ta không rơi vào chủ nghĩa chủ quan lẫn chủ nghĩa duy lý… Đó là ý kiến chung cuộc cho chúng ta trong mọi vấn đề về niềm tin Cơ Đốc lẫn thực hành.19

Một nhà thần học trẻ hơn cùng thời với Ts. Mullins trở nên nổi tiếng nhất tại Chủng viện Thần học Baptist Tây Nam tại Ft. Worth, Texas. Sách Christian Doctrine (Giáo Lý Cơ Đốc) của Ts. W. T. Conner nhiều năm được xem là quy chuẩn trong lĩnh vực của mình. Ts. Conner, về hưu từ chủng viện Tây Nam năm 1948, nói bằng giọng dứt khoát trong mọi chủ đề thần học.

Tiến sĩ Conner nêu rõ xác quyết về thẩm quyền Kinh Thánh. Ông viết rằng: Kinh Thánh

là thẩm quyền bởi vì tiếng nói của Đức Chúa Trời có quyền trên linh hồn của con người. Kinh Thánh tìm đến con người, tìm kiếm họ, khiến họ nhận thức nhu cầu giúp đỡ tâm linh của họ. Nếu Đức Chúa Trời phán cùng con người, Ngài chắc sẽ nói bằng giọng đầy quyền lực… Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là Đức Chúa Trời thánh khiết, là Đấng phán với con người bằng mệnh lệnh.20

Một trong số những nhà thần học Baptist nổi tiếng nhất trong thế hệ chúng ta đó là Millard J. Erickson. Công trình vĩ đại của ông: Christian Theology (Thần Học Cơ Đốc Giáo) là quyển sách bắt buộc phải đọc trong rất nhiều lớp thần học trong các chủng viện. Tuyên bố của ông về thẩm quyền Kinh Thánh rất rõ ràng: “Kinh Thánh là thẩm quyền lập pháp tối cao của chúng ta. Kinh Thánh cung cấp nội dung niềm tin, quy định ứng xử và thực hành của chúng ta.”21 Erickson xem thẩm quyền Kinh Thánh là quy phạm cho mọi lĩnh vực niềm tin và cuộc sống.

Stanley Grenz, một nhà thần học Baptist đạt được nhiều thành tựu, đã viết cuốn Theology for the Community of God (Thần Học Cho Cộng Đồng Của Đức Chúa Trời), một quyển sách giáo khoa được coi trọng rộng rãi trong lĩnh vực này. Ông xem Kinh Thánh là nền tảng cho mọi suy nghĩ thần học:

Nhằm thực hiện nhiệm vụ thần học, chúng ta có thể đơn giản thừa nhận thẩm quyền Kinh Thánh dựa trên mối liên hệ trọn vẹn của thần học với cộng đồng đức tin. Bởi vì Kinh Thánh là tài liệu nền tảng được mọi Hội Thánh Cơ Đốc công nhận, cho nên thông điệp của Kinh Thánh mang chức năng là quy phạm trung tâm của bày tỏ hệ thống niềm tin của cộng đồng đó.22

Russell Dilday, giữ chức vụ hiệu trưởng trong thời gian dài tại Chủng Viện Tây Nam, năm 1982 đã xuất bản một quyển sách nổi bật về câu hỏi đối với thẩm quyền Kinh Thánh. Trong phần dẫn nhập của quyển sách, ông đã dùng những thuật ngữ mang tính hình ảnh để mô tả bản chất thẩm quyền Kinh Thánh cho tín hữu Baptist:

Kinh Thánh là một nhân tố trọng tâm của lịch sử giáo hội chúng ta đến nỗi Baptist Nam Phương sẽ không thể được hiểu một cách thỏa đáng nếu không có Quyển Sách này. Không bất ngờ khi các tín hữu Baptist Nam Phương có truyền thống đặt bục giảng ở chính giữa trong nhà thờ của họ, biểu trưng cho thứ tự ưu tiên trong việc công bố Lời của Chúa. Thực tế, trong một số nhà thờ mới gần đây, các kiến trúc sư đã sáng tạo thiết kế bục giảng như một quyển Kinh Thánh mở ra là nguồn của bài giảng.23

Thật vậy, bục giảng của Hội Thánh Baptist Park Cities tại Dallas, nơi tôi có cơ hội được phục vụ với cương vị là Mục sư, được thiết kế như một quyển Kinh Thánh mở ra. Hình ảnh Kinh Thánh cũng được thể hiện trên thân bục giảng với một thập tự giá vàng nằm ngang qua. Mỗi Chủ Nhật tôi được nhắc nhở phải đứng “trên lời Chúa” để giảng về Chúa đã chịu chết và sống lại. Hội Thánh của chúng tôi đã thể hiện một cách sinh động cam kết của mình với trọng tâm thẩm quyền Kinh Thánh. Tất cả Hội Thánh Baptist mà tôi biết đều đồng ý với điều đó.

Kết luận

Nếu bạn là một tín hữu Baptist, thì bạn đang đứng cùng với một một số đông rất lớn những người nói như Phao-lô rằng: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn” (II Ti-mô-thê 3:16). Chúng ta quay trở lại lắng nghe ở thời chưa có tín điều do con người lập nên, thời mà không có thẩm quyền giáo hội hoặc tổ chức được phát triển, khi Hội Thánh không không có nhà thờ hoặc “giáo phẩm” – khi chúng ta không có thẩm quyền nào ngoài Lời của Chúa.

Trong phần còn lại của quyể   n sách này, chúng ta sẽ xem xét và giải quyết những thách thức trong ngày hôm nay đối với quan điểm này về thẩm quyền Kinh Thánh. Nhưng hãy bắt đầu bằng lời cảm tạ vì vị trí của chúng ta – là dân sự của Quyển Sách. Chúng ta đứng trên vầng đá thẩm quyền Kinh Thánh, bởi tất cả những nền móng khác đều là cát lún (Ma-thi-ơ 7:24-27).

Một chàng trai đang câu cá trong một bình minh còn dày đặc sương mù lạnh lẽo, thì chiếc thuyền của anh ấy bị lật úp. Trong vô vọng, anh phát hiện một tảng đá nhô ra ở giữa hồ nước; anh bơi đến đó. Anh bám vào tảng đá ấy trong cái rét và sương mù trong hơn một giờ. Cuối cùng một ngư ông đi ngang qua đã thấy chàng trai. “Anh không sợ hãi à?” ngư ông hỏi chàng trai. “Có thưa ông. Tôi đã run sợ,” chàng trai thừa nhận, “nhưng tảng đá thì không.” Tảng đá không bao giờ lung lay.

Chương hai

Kinh Thánh Là Quyển Sách Dành Cho Tất Cả Mọi Người

 

Bảo Vệ Thẩm Quyền Kinh Thánh khỏi Giáo Hội

Trong lịch sử Hoa Kỳ, cho đến nay cuộc Nội Chiến là cuộc xung đột gây nhiều chết chóc nhất với khoảng 620.000 người đã hy sinh. Trước đây tôi từng cho rằng lý do chính dẫn đến con số thương vong đầy hãi hùng ấy đơn giản là vì những người Mỹ tham chiến. Tuy nhiên khi dời về sống tại Atlanta, Georgia, tôi đã có dịp đến thăm Trung Tâm Lịch Sử Atlanta, bảo tàng đắt tiền nhất trong khu vực chuyên về chủ đề Chiến Tranh Giữa Các Tiểu Bang. Tại đó tôi đã choáng ngợp khi khám phá ra rằng số lượng quân nhân chết bên ngoài chiến trường nhiều gấp đôi số lượng chết trên chiến trường – họ là nạn nhân của bệnh dịch, vết thương không được chữa trị thích hợp, và tác hại của thời tiết.

Một vòng khám phá khu trưng bày y khoa lý giải tại sao. Cưa tay rỉ sét được sử dụng cho việc cắt cụt; kềm làm bằng tay dùng cho nha khoa; kiến thức về vi khuẩn không có và thuật gây mê, gây tê rất ít được tiếp cận. Các bác sĩ bị tử nạn, để lại những binh sĩ không được đào tạo y khoa phải thay thế công việc của họ.

Ngày nay, không ai trong chúng ta dám tưởng tượng mình sẽ thử những những biện pháp y tế mà những người không có kỹ năng thời bấy giờ buộc phải thử. Chúng ta sẽ không thể tìm được sách dạy về việc cắt cụt tay chân, đọc những gì chúng ta tìm được, và rồi làm hết sức mình. Chúng ta công nhận rằng y khoa tốt nhất phải được thực hành bởi những người được đào tạo chuyên khoa. Để hành nghề y, người đó phải học qua trường y.

Đó cũng chính là thái độ mà nhiều người đang có đối với Kinh Thánh ngày nay – cần phải được đào tạo giáo dục thần học và có chứng chỉ về mục vụ thì mới có thể hiểu và áp dụng lẽ thật Kinh Thánh. Quan niệm của Baptist đó là mỗi một tín hữu đều là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, với quyền lợi và trách nhiệm tự diễn giải và sống với lẽ thật Kinh Thánh, đây là điều lạ lẫm đối với nhiều người không thuộc hệ phái của chúng ta – và thậm chí đối với nhiều người trong hệ phái của chúng ta.

Qua hơn hai mươi năm trong chức vụ chăn bầy, tôi luôn bị sốc với số lượng thời gian ngắn ngủi mà nhiều người dành để học Kinh Thánh cá nhân. Trong nhiều cuộc khảo sát ẩn danh mà chúng tôi đã thực hiện, lý do hàng đầu mà các tín hữu trả lời lại rất đơn giản: họ nghĩ mình không đủ khả năng. Họ nghĩ rằng mình không được trang bị và không có kỹ năng để tự học Kinh Thánh. Họ cho rằng giải thích Kinh Thánh là công việc của tôi. Đó là lý do tại sao họ kêu gọi những chuyên gia đến và lắng nghe những chuyên gia ấy giảng dạy.

Có thể chúng ta tin rằng Kinh Thánh là lời có thẩm quyền của Đức Chúa Trời, nhưng nếu chúng ta không giúp người khác tin rằng họ có thể tự hiểu lẽ thật trong Kinh Thánh cho chính họ, thì sự xác quyết của chúng ta không đem lại mấy ích lợi thực tiễn. Quan niệm rộng khắp cho rằng tín hữu trong Hội Thánh không thể thực sự hiểu biết Kinh Thánh, và rằng Kinh Thánh là đối tượng của các lãnh đạo tôn giáo của họ, với tôi đó là vấn đề thực tiễn nhất mà giáo lý Baptist về thẩm quyền Kinh Thánh phải đối diện ngày nay. Hãy nhớ rằng, vì mỗi Cơ Đốc Nhân đều là thầy tế lễ, bạn có đặc quyền và trách nhiệm phải diễn giải lời của Chúa cho chính mình.

Căn bệnh

Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên đã khuấy động cuộc bùm nổ thuộc linh vĩ đại nhất mà thế giới từng chứng kiến. Công vụ các sứ đồ 17:6 ghi lại họ đã “gây thiên hạ nên loạn lạc.” Trong vòng một thế hệ, Cơ Đốc Nhân đã đem phúc âm đến Rô-ma và khắp cả đế quốc La Mã. Không một phong trào nhân cấp nào như vậy từng xảy ra.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về số lượng, họ cũng gánh chịu nhiều đau đớn. Sự đau đớn của họ nhân lên khi họ bị hiểu lầm và bị đối xử tàn tệ.

Vấn đề là đây. Khi niềm tin Cơ Đốc được lan tỏa ra ngoài cộng đồng người Do Thái và người Palestin, đạo Chúa bắt đầu tiếp nạp những tín hữu từ nhiều nền văn hóa xa xôi với nhiều phong tục ngoại giáo được cho là thông thường vào thời bấy giờ. Chẳng hạn như, rất nhiều tín hữu theo Chúa đã từng sống trong thời gian dài thờ cúng thần Zeus và các thần đồng bạn đồi bại với thần Zeus. Các tín hữu ấy đã học đủ loại nghi thức và những hành vi “thờ cúng” đáng ghê tởm. Những người nam kết giao với “các thần” do những kỵ nữ trong đền thờ làm đại diện. Những cuộc thác loạn quan hệ đồng giới lẫn khác giới và những bữa tiệc say sưa là phương cách điển hình để tôn kính các thần của họ. Thực phẩm cúng tế các thần sau đó được đem về nhà ăn. Những người mới tin Chúa không có một bối cảnh nào để hiểu về niềm tin mới, chính vì vậy mà họ phải tranh chiến để phá vỡ nền văn hóa ngoại giáo của mình.

Những người khác thì gia nhập vào “các tà giáo huyền bí.” Dù không biết nhiều về hoạt động của những tà giáo này (nên mới gọi họ như vậy), nhưng chúng ta biết rằng họ yêu thích những nghi thức huyền bí. Một ví dụ đó là “báp-têm trong máu” mà nhiều thành viên của họ đã khởi xướng, tại đó họ nối tiếp nhau đi dưới một con bò bị cắt làm đôi để ruột và máu đổ xuống trên người họ. Đó là quan niệm của họ về “báp-têm” trước khi đến với Cơ Đốc Giáo.

Vẫn còn nhiều tín hữu lúc trước là môn đệ của những trường triết học Hy Lạp khác nhau. Trường phái Plato lập luận rằng thế giới “ý thức” phải là chủ thể mà chúng ta quan tâm, không phải “cái bóng” của thế giới mà chúng ta thấy được. Tâm linh là tốt, và vật chất là xấu. Trường triết học Peripatetic do Aristotle thành lập tập trung vào khoa học, logic, sinh học, và hướng về “ý thức” trong vật chất. Người theo triết Epicure dạy rằng hưởng lạc là mục đích của cuộc sống. Những người theo phái Stoic tin rằng định mệnh thống trị thế giới (xem Công vụ 17:18). Còn những người theo thuyết khuyển nho tranh luận rằng hoàn toàn thoát khỏi thế giới là con đường duy nhất để đến được hạnh phúc. Những người hoài nghi tuyên bố lẽ thật tuyệt đối là không thể biết được (đây cũng là tuyên bố mà họ tuyệt đối tin vào).

Nhưng trên cả những tôn giáo đa dạng, những tà giáo và triết học kể trên đó là một tôn giáo mà tất cả mọi người trên khắp đế quốc buộc phải tuân theo: thờ phượng Sê-sa. Các đền thờ được xây dựng tại tất cả các thành phố lớn và hầu hết những thị trấn nhỏ để phục vụ cho việc thờ phụng hoàng đế. Các lãnh đạo dân chúng tranh đua giành sự cho phép của La-mã để xây dựng đền thờ lớn nhất phục vụ cho việc cúng tế hằng năm cho Sê-sa.

Không ngạc nhiên khi Phao-lô thấy tại A-thên “đầy những thần tượng” (Công vụ 17:16), và có thể nói về những cư dân tại đó rằng: “Tôi nhận thấy quý vị có lòng tín ngưỡng hơn ai cả” (Công vụ 17:22 TTHD 2011). Ông cũng có thể nói điều tương tự với tất cả các thành phố trong đế quốc La-mã.

Đức Chúa Giê-su đã sai phái các môn đệ của Ngài vào tình trạng rối ren về tư tưởng và cạnh tranh giữa các tôn giáo. Phong trào của họ lan tỏa rộng khắp đến nỗi trong vòng ba thế kỷ, Cơ Đốc Giáo là tôn giáo chính thức của Đế quốc và cho đến hiện tại vẫn có số tín hữu lớn hơn bất kỳ tôn giáo nào khác.

Vậy Hội Thánh đã phải đương đầu với những quan niệm và hành vi thờ lạy hình tượng đáng ghê tởm mà những tân tín hữu này sẵn sàng du nhập vào thần học của Hội Thánh như thế nào? Làm thế nào lãnh đạo Hội Thánh bảo vệ phong trào và tín hữu của họ khỏi quan điểm dị biệt méo mó độc hại này?

Chẩn đoán căn bệnh

Một giải pháp hiển nhiên sớm trở nên rõ ràng: hạn chế công việc thần học cho những người đủ khả năng để diễn giải Kinh Thánh. Chỉ trao quyền cho mục sư và lãnh đạo Hội Thánh để dạy lẽ thật Kinh Thánh cho các tín hữu trong Hội Thánh. Tương tự việc giới hạn việc hành nghề y cho những ai đã tốt nghiệp trường y. Khi đó bạn sẽ có thể kiểm soát và bảo vệ thần học của phong trào Cơ Đốc đang lớn lên.

Ignatius (qua đời năm 110 sau Công Nguyên), giám mục xứ An-ti-ốt, là một trong số những người đầu tiên tranh luận cho thẩm quyền của chức vụ giám mục (chức vụ “mục sư” theo thuật ngữ Baptist) đối với Hội Thánh. Trong bức thư gửi đến Hội Thánh tại Smyrna, ông khuyên rằng: “Hãy giao tín hữu cho chấp sự, chấp sự cho trưởng lão, trưởng lão cho giám mục, giám mục cho Đấng Christ, thậm chí chính Ngài cho Đức Chúa Cha” (chương 9). Trong cùng một chương đó ông tuyên bố: “Không ai trong Hội Thánh lớn hơn giám mục, người giữ chức vụ như một thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời vì sự cứu rỗi của toàn thế giới.” Nếu chỉ có giám mục được phép giải nghĩa Kinh Thánh thì những người khác sẽ không thể hiểu nhầm lời Chúa. Nhờ vậy mà chúng ta sẽ được bảo vệ an toàn khỏi dị giáo.

Nhưng chúng ta làm gì để bảo về thần học của giám mục? Giám mục Irenaeus (qua đời năm 200 hoặc 203 sau Công Nguyên) đã đưa quan niệm về thẩm quyền mục sư của Ignatius tiến thêm một bước xa hơn, xác định Hội Thánh La-mã có “thẩm quyền vượt trội” giữa vòng Cơ Đốc Giáo. Ông tin rằng Hội Thánh này được Phi-e-rơ và Phao-lô lãnh đạo trong giai đoạn đầu tiên, và những người kế nhiệm trong Hội Thánh tiếp tục thi hành thẩm quyền thuộc linh của hai vị lãnh đạo trên. Trong cuốn Chống lại dị giáo (Against Heresies) (3:3:2), Irenaeus thậm chí đã tuyên bố: “Mọi Hội Thánh đều cần phải đồng ý với Hội Thánh này, bởi vì họ có thẩm quyền vượt trội.”

Vậy nếu các tín hữu trong Hội Thánh của bạn được mục sư diễn giải Kinh Thánh, và mục sư của bạn thì đi theo sự diễn giải Kinh Thánh của “mục sư” tại một Hội Thánh vượt trội hơn, thì bạn sẽ được bảo vệ khỏi việc thờ hình tượng và ngu dốt. Hệ thống này là rõ ràng và vững chắc.

Cyprian xứ Carthage (qua đời khoảng năm 258 sau Công Nguyên) tại Bắc Phi đã sớm đưa sự chấp nhận này ra khắp thế giới. Ông phân biệt “giáo phẩm” (những người được kêu gọi) với người “thế tục” (từ chữ laos trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là con người). Công việc của giáo phẩm đó là diễn giải và áp dụng Kinh Thánh; công việc của người thế tục là làm theo những gì lãnh đạo nói. Vì được những người lãnh đạo dẫn dắt, Hội Thánh là công cụ của Đức Chúa Trời để truyền bá lẽ thật của Ngài. Tuyên bố nổi tiếng của Giám mục Cyprian thiết lập một bước đệm cho thẩm quyền Hội Thánh xuất hiện: “Một người không thể chỉ có Đức Chúa Trời là Cha, nhưng lại không có Hội Thánh là Mẹ.”1

Bước cuối cùng xảy ra đó là khi hoàng đế La-mã Constantine “cải đạo” sang Cơ Đốc Giáo năm 312 sau Công Nguyên (các sử gia vẫn tranh luận về đức tin chân thật của ông). Ông đã sớm hợp pháp hóa phong trào Cơ Đốc và đặt trọng tâm thẩm quyền của Cơ Đốc Giáo vào Hội Thánh tại thành phố thủ đô của ông. Lúc này, hệ thống kiểm soát thuộc linh được thể chế hóa đã lan rộng khắp đế quốc, với sự hỗ trợ của chính hoàng đế.

Chính vì vậy Hội Thánh đã đi đến quan niệm cho rằng thẩm quyền Kinh Thánh là trung gian thông qua lời dạy của Giáo Hội. Lập luận như sau: Đức Chúa Trời ban cho chúng ta Kinh Thánh thông qua Hội Thánh, và Đức Chúa Trời sẽ hướng dẫn Hội Thánh cùng các người lãnh đạo của Ngài để diễn giải và áp dụng theo đúng sự bày tỏ của Ngài. Các tín điều, những quyết định của các Công Đồng của giáo hội, và sự cai trị của giáo hoàng là công cụ mà nhờ đó Kinh Thánh được diễn giải.

KINH THÁNH VÀ GIÁO QUYỀN

Dĩ nhiên, người Baptist và hầu hết những người Tin Lành khác đều bác bỏ mô hình “thẩm quyền của Giáo hội”. Chúng ta tin rằng thẩm quyền duy nhất cho niềm tin và thực hành của chúng ta là chính Kinh Thánh. Tuy nhiên trước khi chúng ta lên án mô hình thẩm quyền của Giáo Hội, hãy tìm hiểu nguyên nhân của mô hình này.

Trước hết, rất nhiều học giả trong Hội Thánh đã từng, và bây giờ vẫn thế. Họ là những người có khả năng nghiên cứu học thuật xuất sắc, cùng sự cam kết sâu sắc với lẽ thật Kinh Thánh. Hãy đề cập đến Augustine xứ Hippo (năm 354-430 sau Công Nguyên), ông là người có trí thức hàng đầu trong thời đó và là một trong số những nhà lý luận Cơ Đốc vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông dồn hết tâm sức vào việc diễn giải Kinh Thánh một cách đúng đắn và cẩn thận nhất, viết ra những sách giải kinh sâu sắc nhất mà Hội Thánh có được. Người Baptist cần lưu ý kỹ những quy luật của ông sau đây về qui luật diễn giải Kinh Thánh:

  • Tin cậy Đấng Christ một cách cá nhân trước khi cố gắng hiểu lời Ngài.
  • Trước hết tìm hiểu nghĩa đen và ý nghĩa lịch sử của phân đoạn Kinh Thánh.
  • Giải thích dựa theo ý nghĩa ban đầu của tác giả.
  • Học phân đoạn Kinh Thánh trong bối cảnh của nó.
  • Sử dụng những phân đoạn rõ nghĩa để giải thích cho những phân đoạn khó hơn.

Cũng vậy, Thomas Aquinas (1224-1274), nhân vật đi đầu trong Hội Thánh thời trung cổ, đã làm việc cật lực để nâng cao nghĩa đen, ý nghĩa lịch sử và thẩm quyền của Kinh Thánh. Ông lập luận rằng: “Niềm tin của chúng ta đặt nơi sự mặc khải đã được tỏ bày cho các sứ đồ và các tiên tri, là những người đã viết ra những quyển sách kinh điển, mà không phải là những mặc khải (nếu có) cho các học giả khác.”2 Thomas khẳng định thêm rằng chúng ta không được diễn giải thêm những ý nghĩa khác trong Kinh Thánh mà vi phạm nghĩa đen của bản văn.3

Nếu đã có những bác sĩ xuất sắc, vậy tại sao tôi cần phải học kiến thức y khoa cho chính mình? Chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời.

Thứ hai, một lý do khác trong lời bảo vệ mô hình thẩm quyền Giáo Hội đó là những người “thế tục” không biết nhiều về Kinh Thánh như những nhà Thần học đã qua đào tạo. Riêng tôi đã dành mười ba năm để học Cao học, nhận được ba bằng cấp về Thần học. Tôi đã học tiếng Hy Lạp, Hê-bơ-rơ, Thần học Đức và tiếng Latin. Giờ đây tôi có được đặc quyền dành hầu hết thời gian trong tuần để nghiên cứu và giảng dạy về lời Chúa. Thật khó cho các thành viên trong Hội Thánh địa phương nghĩ rằng họ cũng đủ khả năng nghiên cứu Kinh Thánh giống như tôi.

Thứ ba, để người khác diễn giải Kinh Thánh cho chúng ta dễ hơn. Phao-lô mô tả Cơ Đốc Nhân tại Cô-rinh-tô là “những trẻ sơ sinh trong Đấng Christ,” giải thích rằng: “Tôi đã nuôi anh em bằng sữa chứ không bằng thức ăn cứng, vì anh em chưa thích ứng được. Ngay đến bây giờ anh em vẫn chưa thích ứng được, vì anh em vẫn còn thuộc về xác thịt” (I Cô-rinh-tô 3:1-2). Sữa là thực phẩm đã được tiêu hóa, được người mẹ phân nhỏ chất dinh dưỡng để trẻ sơ sinh có thể hấp thụ được. Nhiều người trong chúng ta muốn người khác làm công việc nặng nhọc đó là nghiên cứu Kinh Thánh và cho chúng ta điều cốt yếu mà chúng ta cần biết. Trong cuộc sống bận rộn chúng ta nghĩ rằng mình sẽ sử dụng thời gian hiệu quả hơn nếu chúng ta trả tiền cho những chuyên gia diễn giải Kinh Thánh và nói cho chúng ta những điều cần biết.

Thứ tư, có một cảm giác quyền lực khi trở thành một nhà Thần học chính yếu trong cộng đồng niềm tin của mình. Tôi từng nghe một Mục sư Baptist hàng đầu tự gọi mình là “người duy nhất nắm toàn quyền về Thần học trong Hội Thánh.” Tôi cũng đã nghe một Mục sư Baptist nổi tiếng khác nói tại một hội nghị Trường Chúa Nhật rằng những lãnh đạo dạy Kinh Thánh của ông như phần phụ thêm cho thầm quyền của ông. Khi bạn là bác sĩ duy nhất, mọi người sẽ cần đến bạn!

Vậy thì mô hình thẩm quyền Giáo hội có gì sai? Tại sao không chấp nhận một hệ thống Thần học mà tại đó chỉ duy Kinh Thánh có thẩm quyền trên chúng ta?

Vấn đề về cách chữa trị

Bất kỳ nhà khoa học nào cũng nói rằng một yếu tố kiểm soát là không thể thiếu cho một cuộc thử nghiệm hiệu quả. Cần có những vạch chuẩn đo lường, những tiêu chuẩn không thay đổi để kiểm chứng cho những lý thuyết và công thức. Đối với Thần học cũng vậy. Khi những nhà Thần học chuyên môn được cho phép xác định những quy luật giải thích Kinh Thánh, luôn luôn có ba vấn đề xảy ra. Chúng ta chữa trị căn bệnh này nhưng lại gây ra ba căn bệnh khác.

Mất đi ý chính của Kinh văn

Đầu tiên, những chuyên gia được đào tạo không phải là không thể mắc sai lầm. Chúng tôi – những người được học ở Trường Kinh Thánh có thể đánh mất ý nghĩa mà Kinh Thánh muốn truyền tải, dù chúng tôi đã mất nhiều năm nghiên cứu.

Chẳng hạn như vấn đề đầu tiên mà những nhà thần học Cơ Đốc thế hệ đầu phải đối diện đó là tìm cách sử dụng Cựu Ước trong niềm tin mới của họ. Câu trả lời điển hình cho vấn đề này đó là: tìm Đấng Christ trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ ở bất cứ nơi nào có thể. Chúng ta sẽ phải làm sao với những bản văn và cả những sách mà tại đó đề cập rất ít hoặc không hề có liên hệ nào đến Đấng Mê-si? Dù gì đi nữa, chúng ta tìm Ngài ở những phần đó.

Để đặt Đức Chúa Giê-su vào từng trang của Cựu Ước, những nhà giải kinh sử dụng một phương pháp học thuật đó là phép ẩn dụ. Họ đã học phương pháp này trong trường học. Những người Do Thái sinh sống tại thành phố Alexandria, Ai Cập, nhiều thế kỷ trước Công nguyên đã áp dụng phương pháp này vào nghiên cứu Kinh Thánh. Họ bị ảnh hưởng rất nhiều thế giới quan của Plato (427-347 trước Công Nguyên) và những môn đệ của ông, chia thế giới thành “tâm linh” và “vật chất.” Họ muốn tìm kiếm điều cao hơn, đó là những lẽ thật thuộc linh trong khi thoát khỏi thế giới “thấp hơn” của những trải nghiệm vật chất.

Áp dụng cách tiếp cận này đối với Kinh Thánh, những người Do Thái tại Alexandria bắt đầu tìm kiếm phương cách để hiểu biết những lẽ thật “thuộc linh” trong những phân đoạn Kinh Thánh. Philo (khoảng 20 năm trước Công Nguyên – 50 sau Công Nguyên) là giáo sư lỗi lạc nhất trong lĩnh vực này. Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên đã nắm bắt chiến thuật này. Hãy xem một số ví dụ.

Giám mục Clement của thành La-mã (khoảng năm 30-100 sau Công Nguyên) nói rằng sợi dây thừng đỏ của bà Ra-háp (Giô-suê 2:21) “bày tỏ rõ ràng rằng sự cứu rỗi phải tuôn chảy qua dòng huyết của Chúa cho tất cả những ai tin và hy vọng nơi Đức Chúa Trời.”4 Thánh Justin Tử Đạo (khoảng năm 100-167 sau Công Nguyên) giữ vững lập trường cho rằng những chiếc chuông trên chiếc áo choàng của thầy cả thượng phẩm (Xuất Ê-díp-tô-ký 28:33-35) là biểu trưng cho mười hai sứ đồ, mỗi một người “vang ra” phúc âm của Thầy Tế Lễ Lớn.5 Giám mục Clement của thành Alexandria (150-213 sau Công Nguyên) nghĩ rằng những nhạc cụ khác nhau trong Thi Thiên 150 từng loại biểu trưng cho từng phần khác nhau trên cơ thể người.6 Khi diễn giải về sự kiện Đức Chúa Giê-su bước vào thành Giê-ru-sa-lem đầy vinh quang, Origen (185-251 sau Công Nguyên) dạy rằng con lừa con của Ngài là Kinh Thánh Cựu Ước đã đưa Ngài đến thập tự giá.7

Sự diễn giải sai lầm lại không may được phát triển trong nhiều thế kỷ đầu tiên trong lịch sử Cơ Đốc Giáo. Khi các giếng dầu bắt đầu được đào tại bang Pennsylvania, rất nhiều Mục sư ở New York phản đối dự án này, tuyên bố rằng các giếng dầu này sẽ lấy hết nguồn dầu dự trữ được định trước cho việc đốt cháy thế giới trước khi Chúa tái lâm (xem II Phi-e-rơ 3:10-12). Các tín hữu và lãnh đạo Hội Thánh từ chối sử dụng quạt thóc tại Scotland bởi vì “gió muốn thổi đi đâu thì thổi” (Giăng 3:8). Martin Luther miễn cưỡng chấp thuận tình trạng cưới hai người vợ của Quốc vương Phillip xứ Hesse. Ông lý giải rằng những người như Đa-vít và Sa-lô-môn được cho phép có nhiều hơn một vợ, thì những việc như vậy là hợp với Kinh Thánh.8

Tôi thường bảo Hội Thánh nơi tôi quản nhiệm phải xem xét mọi lời tôi chia sẻ về Kinh Thánh. Lời duy nhất mà Đức Chúa Trời có thể ban phước đó chính là Lời của Ngài.

Giới hạn việc giải nghĩa Kinh Thánh cho các mục sư?

Bởi vì phúc âm là “quyền năng Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin.” (Rô-ma 1:16). Phúc âm đó phải được cả Hội Thánh học và chia sẻ nếu cả thế giới cần phải lắng nghe và tin. Việc giới hạn nghiên cứu Kinh Thánh cho những chuyên gia là cách chắc chắn nhất có thể tưởng tượng được để cô lập lẽ thật Kinh Thánh khỏi thế gian. Trong một ngày các tín hữu của tôi sẽ nói chuyện với nhiều người không tin Chúa hơn là tôi có cơ hội được gặp và nói chuyện trong cả một tháng. Nếu tôi là người duy nhất được phép phân phát lời Chúa, thì những ai cần nghe nhất lại sẽ được nghe ít nhất.

Hãy tưởng tượng một bệnh viện mà tại đó người quản lý trưởng là người duy nhất được phép nói chuyện với bệnh nhân. Hãy nghĩ đến một nhà máy xe hơi, nơi chỉ người giám đốc mới được phép đụng vào các bộ phận của chiếc xe. Giả sử như chỉ có huấn luyện viên trưởng mới được đụng vào trái banh bóng rổ. Đấy, bạn đã có hình ảnh của hầu hết các Hội Thánh, với những kết quả có thể đoán trước được.

Đức Chúa Giê-su gọi những môn đệ của Ngài là “muối của đất” và “ánh sáng của thế gian” (Ma-thi-ơ 5:13-16). Muối không làm được việc tốt nào nếu cứ ở trong lọ. Ánh sáng không giúp ích nếu bị úp trong thùng. Kinh Thánh sẽ không thể thay đổi thế giới nếu không được đem vào thế giới.

Con chiên tạo ra con chiên. Người chăn không thể làm được việc đó. Đức Chúa Giê-su muốn các môn đệ tạo ra các môn đệ, Cơ Đốc Giáo được nhân lên nhờ chứng đạo cá nhân và mục vụ. Nếu hôm nay bạn là người tin Chúa duy nhất trên hành tinh này, nhưng bạn chinh phục tôi cho Đấng Christ, vậy là có hai môn đệ. Nếu mỗi người trong chúng ta ngày mai có thể giành được một ai đó cho Đấng Christ, thì sẽ có bốn Cơ Đốc Nhân trên hành tinh. Nếu mỗi người trong bốn người đó có thể đem một người đến với Đức Chúa Giê-su vào ngày tiếp theo, đã có tám người tin Chúa. Theo tiến trình này, ngày tiếp theo sẽ có mười sáu Cơ Đốc Nhân, rồi ba mươi hai, sáu mươi bốn, và cứ thế tăng lên. Với sự nhân cấp như vậy, bạn đoán sẽ mất bao lâu để chiếm toàn thế giới cho Đấng Christ?

Ba mươi bốn ngày! Khi tôi viết sách này, dân số thế giới vào khoảng 6.378.974.736 người. Bằng việc nhân cấp, mỗi Cơ Đốc Nhân chinh phục được một người cho Đấng Christ trong một ngày, tổng cộng 34 ngày con số sẽ là 8.589.934.592. Nhưng bạn nói rằng không phải ai cũng chinh phục được một người trong một ngày. Vậy chúng ta có thể chinh phục được một người trong một năm không? Trong ba mươi bốn năm, cả hành tinh này sẽ biết Chúa. Đây là cách nhân cấp môn đồ mà Đức Chúa Giê-su muốn Hội Thánh vươn ra với thế giới. Kế hoạch của Ngài vẫn hoạt động, nhưng chỉ khi chúng ta hành động theo kế hoạch đó.

Không lắng nghe khi Chúa phán với bạn

Thánh Augustine so sánh Kinh Thánh với “bức thư tình từ gia đình.” Một người giảng đạo giỏi sẽ dùng những từ ngữ để hội chúng có thể hiểu được. Cha mẹ tài giỏi sẽ viết những bức thư mà con cái có thể đọc hiểu được.

Đức Chúa Trời định cho dân sự của Ngài có thể hiểu quyển sách mà Ngài mặc khải cho con người. Không một câu trong bất cứ sách nào của Kinh Thánh đòi hỏi phải có sự cho phép của các cấp lãnh đạo Hội Thánh trước khi chúng ta học và áp dụng Kinh Thánh cho chính mình. Cũng chẳng có một lãnh đạo nào như vậy trong những thế hệ ban đầu của làn sóng Cơ Đốc Nhân lan rộng.

Ngược lại, Kinh Thánh là rõ ràng cho tất cả những ai diễn giải Kinh Thánh: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (II Ti-mô-thê 3:16). Vì mục đích gì? “Hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:17). “Người thuộc về Đức Chúa Trời,” người được “trọn vẹn và sắm sẵn,” không cần đòi hỏi sắc lệnh tôn giáo, bằng cấp hoặc được thụ phong. “Mọi việc lành” nói về mọi khía cạnh của cuộc sống, dù đó là “giáo phẩm” hoặc “tín hữu”. Tác Giả Vĩ Đại định cho chúng ta phải đọc và hưởng lợi ích từ quyển sách của Ngài.

Vậy Kinh Thánh không giống như một quyển sách nghiên cứu y khoa cần nhiều năm huấn luyện chuyên môn để hiểu và áp dụng. Thay vào đó, quyển sách ấy giống như cẩm nang sơ cấp cứu nhằm giúp cho bất cứ ai đang bị thương đều biết phải làm gì. Khi chân bạn bị dứt, bạn cần biết làm thế nào để cầm máu, bạn không cần những bài giảng về huyết học cũng chẳng cần phải là bác sĩ chuyên khoa huyết học.

Thử một chẩn đoán khác

Sẽ ra sao nếu câu trả lời cho Thần học sai lạc không phải là do ít nghiên cứu Kinh Thánh nhưng là do nghiên cứu quá nhiều? Có thể cách để phòng tránh những sai sót trong phân tích là mời nhiều người của Đức Chúa Trời đọc và hiểu lời của Ngài.

Đó là cách giải quyết của Martin Luther. Ông thường nói rằng Kinh Thánh không cần được bênh vực nhưng cần tháo gỡ các ràng buộc. Chúng ta là người Baptist hiểu ngụ ý này. Đây là lý do tại sao.

Thẩm quyền Giáo hội vượt trên cả Kinh Thánh có những lý do lịch sử như thế. Tuy nhiên những xác quyết của chúng ta về thẩm quyền Kinh Thánh cũng có lịch sử của nó. Khi chúng ta học về niềm tin của mình, chúng ta sẽ giữ niềm tin với sự xác quyết, dũng khí và niềm vui.

Nicholas xứ Lyra (1270 – 1349 sau Công Nguyên), người đã viết một quyển giải kinh về toàn bộ Kinh Thánh, có thể giúp chúng ta xem xét tại sao chúng ta tin những gì chúng ta tin. Nicholas dựa vào những học giả Do Thái là người diễn giải Kinh Thánh dựa trên ý nghĩa lịch sử và ý định của Kinh Thánh. Ông chấp nhận sử dụng những phương pháp “tâm linh hóa,” nhưng chỉ khi những ý nghĩa đó được dựa trên nguyên nghĩa. Hệ thống diễn giải của ông tình cờ được Đại học Erfurt sử dụng, nơi một tu sĩ trẻ tên là Martin Luther (1483-1546) sau này đã được học tập.

William xứ Ockham (khoảng 1285-1349) cũng đã khẳng định thẩm quyền đối với đời sống Cơ Đốc đó chính là Kinh Thánh chứ không phải là các cấp lãnh đạo Hội Thánh. Vị trí của ông đã tác động rất nhiều đến chàng trai trẻ Luther, người đã được học tập với những giáo sư chịu ảnh hưởng từ phương pháp của Ockham.

Đến lượt Luther đưa ra tuyên bố nổi tiếng: “Duy Kinh Thánh có thẩm quyền trên Giáo Hội.”9 Ông bác bỏ những tuyên bố của các lãnh đạo Giáo Hội, kể cả Giáo hoàng đối với việc quyết định ý nghĩa của lời Chúa.10 Cuộc cải chánh của Luther lập luận rằng chúng ta nên chấp nhận sola scriptura (duy nhất Kinh Thánh) là thẩm quyền cho niềm tin và cuộc sống của chúng ta.

Sáu nguyên tắc của Luther đối với việc nghiên cứu Kinh Thánh là điển hình cho phương pháp tạo nên lịch sử đối với thẩm quyền Kinh Thánh:

  • Chúng ta phải có cam kết cá nhân với Đấng Christ.
  • Kinh Thánh đứng trên mọi thẩm quyền của Giáo hội và đánh giá những tín điều cùng quan điểm của chúng ta.
  • Nghiên cứu Kinh Thánh phải nhấn mạnh đến ý nghĩa lịch sử và văn phạm của bản văn, chối bỏ mọi phép biểu tượng và thuộc linh hóa.
  • Kinh Thánh có thể được mọi Cơ Đốc Nhân diễn giải mà không cần thẩm quyền của Giáo hội hoặc giáo điều.
  • Mục đích của mọi nghiên cứu Kinh Thánh đó là tìm kiếm và tin cậy Đức Chúa Giê-su.
  • Luật pháp Cựu Ước được ban ra để đoán xét tội lỗi; ân điển Tân Ước được ban cho để đền tội. Chúng ta không bao giờ được hạ thấp tội lỗi hoặc biến ân điển thành công việc.

Mỗi một nguyên tắc trên đều vô cùng quan trọng đối với việc nghiên cứu Kinh Thánh của người Baptist ngày hôm nay. Mỗi một nguyên tắc đều đứng vững trên niềm tin kiên quyết của Luther rằng thẩm quyền duy nhất của chúng ta đó chính là Lời Chúa.

John Calvin (1509-64) hoàn toàn đồng ý cùng Luther: “Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự hiểu biết về chính Ngài chỉ duy qua Kinh Thánh,”11 bởi vì “Kinh Thánh có thẩm quyền đến từ Đức Chúa Trời, không phải từ Giáo Hội.”12 Ông tin chắc rằng Kinh Thánh sỡ hữu ý nghĩa khách quan và là thẩm quyền cuối cùng và tuyệt đối cho đời sống Cơ Đốc.

Từ những nhà cải chánh đầu tiên cho đến ngày hôm nay, những người nam và nữ đã thi hành các mục vụ và thậm chí là hy sinh mạng sống mình để bảo vệ cho sự ưu tiên của thẩm quyền Kinh Thánh. Khi xưa những lãnh đạo Giáo Hội được cho là có thể ngăn một linh hồn đến với thiên đàng, việc dứt phép thông công như vậy là vấn đề trầm trọng nhất. Những người Kháng Cách đầu tiên đã đối diện với sự chối bỏ từ Giáo Hội một cách đầy can đảm và xác quyết. Giờ đây, khoảng bốn thế kỷ sau, là những người khẳng định thẩm quyền Kinh Thánh, chúng ta mang trong mình một món nợ không bao giờ trả hết với những nhà tiên phong của phong trào cải chánh Giáo hội.

Kết luận

Trong những thế kỷ sau khi cuộc Cải Chánh Tin Lành xảy ra, hai mô hình thẩm quyền mà chúng ta đã bàn tới trong chương này chiếm lĩnh niềm tin Cơ Đốc. Đáp lại với cuộc Cải Chánh Tin Lành, giáo hội Công Giáo La Mã đã triệu tập Công Đồng Trent (1545-1563). Công đồng này tái khẳng định rằng những lời dạy và giáo điều của Giáo hội là căn bản cho mọi nghiên cứu Kinh Thánh mang tính đúng đắn. Tuy nhiên những người Tin Lành đã tiếp tục cam kết cứng rắn của mình với Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất đối với niềm tin và thực hành của chúng ta.

Kết cuộc, vấn đề trở nên vô cùng thiết thực. Bạn có thể nói rằng bạn tin Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất và bạn không phụ thuộc vào lời dạy của Giáo Hội  và các lãnh đạo để diễn giải và áp dụng lẽ thật Kinh Thánh cho chính mình. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ mở Kinh Thánh khi các chuyên gia bàn luận về những dạy dỗ của Kinh Thánh, hoặc tìm ý kiến của các chuyên gia trước khi bạn nỗ lực tìm hiểu lẽ thật Kinh Thánh cho chính mình, vậy thì bạn đã làm trái với nguyên tắc.

Mỗi ngày bạn dành bao nhiêu thời gian cho Lời Chúa? Câu trả lời của bạn nói lên điều gì về điều bạn thật sự tin về thẩm quyền Kinh Thánh?

Chương ba

Kinh Thánh Là Quyển Sách Đáng Tin Cậy

Thẩm quyền Kinh Thánh và những “mâu thuẫn” trong Kinh Thánh

Thật không hổ danh mà người ta đã đặt cho một robot thông minh có tên là Todder  (Em Bé Tập Đi). Gần đây Viện Công Nghệ Massachusetts đã công bố sản phẩm robot mới nhất tại một cuộc họp của Liên Hiệp Tiến Bộ Khoa Học Hoa Kỳ, sản phẩm đã trình diễn như người ta mong đợi. Với chiều cao đến tầm đầu gối của một người lớn, robot này bước đi tự nhiên hơn hẳn những thế hệ robot trước đó. Trong tương lai, sẽ có những robot có thể bước đi trong nhiều ngày chứ không phải chỉ trong vài phút và sử dụng những kỹ thuật đơn giản hơn những thế hệ trước.

Robot Em Bé Tập Đi và những robot với thiết kế tương tự có thể giúp các nhà khoa học phát triển những thiết bị giả nhằm hỗ trợ cho con người một cách tự nhiên hơn, đồng thời phát triển một thế hệ robot mới nhằm trợ giúp cho công việc. Không giống những em bé tập đi mà tôi được biết, chúng không cần phải thay tả vào lúc hai giờ sáng.

Các bài báo cáo đập vào tôi những cảm xúc trái ngược. Một là cảm giác ngưỡng mộ trí khôn ngoan của con người, khả năng chế tạo những máy móc cực kỳ phức tạp như thế. Tôi không có tri thức cơ bản nhất để tạo ra một thiết bị có thể tự bước đi, cảm nhận sàn nhà và tự động điều chỉnh trong mỗi bước đi.

Nhưng đồng thời, tôi cũng được nhắc nhở về sự hiểu biết hạn hẹp của con người. Những nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại, làm việc trong những phòng thí nghiệm tiên tiến nhất hành tinh vẫn chưa thể chế tạo ra một thiết bị có thể thực hiện một hành động của một đứa trẻ mà ở thời chưa có chữ viết vẫn có thể làm được một cách tự nhiên. Chúng ta có thể bước đi trong không gian, nhưng chúng ta không thể hoàn toàn bắt chước bước đi của một đứa trẻ nhỏ. Chúng ta có thể tạo ra những máy tính để viết chữ, nhưng chúng ta không thể chế tạo ra một cọng cỏ mang trong mình sự sống được.

Đối với tất cả những phát triển khoa học của con người, suy nghĩ của chúng ta vẫn còn bị giới hạn và mắc phải sai lầm. Ống nghiệm không thể cho chúng ta thấy những gì xảy ra sau cái chết, phía bên kia của khoảnh khắc ngắn ngủi mà chúng ta gọi là sự sống. Kiến thức được chứng minh chỉ hạn chế ở những lát cắt mỏng của thời gian hiện tại mà chúng ta đang trải qua. Với những câu hỏi về cõi đời đời, chúng ta cần có kiến thức vượt quá giới hạn thời gian của thế giới này. Chúng ta cần một mối quan hệ với Đấng Tạo Hóa là Đấng vượt trội hơn tạo vật của Ngài. Chúng ta cần tin cậy vào Đấng mà không một ống nghiệm nào có thể chứa đựng được, là Người mà không suy luận khoa học nào có thể hiểu thấu được.

Nhưng chúng ta vẫn cứ cố gắng chứng minh những vấn đề về cõi đời đời. Chúng ta muốn cuộc sống phải có tính hợp lý của nó. Chúng ta tin rằng phép thử để biết lẽ thật đó là điều đó không có mâu thuẫn, nghĩa là con đường hướng về tương lai phải logic hợp lý. Chính vì vậy, chúng ta phản kháng khi thấy những mâu thuẫn hiển nhiên trong phòng thí nghiệm hoặc trong Kinh Thánh. “Kinh Thánh chứa đầy những mâu thuẫn” chúng ta thường nghe vậy. Những phê bình như thế rất phổ biến trong ngày hôm nay nhằm thanh minh cho hoài nghi về thẩm quyền Kinh Thánh. Tại sao chúng ta suy nghĩ theo hướng này? Chúng ta phải tin gì về Kinh Thánh trong “những mâu thuẫn” của nó? Tại sao vấn đề này lại quan trọng?

Mâu thuẫn trong lịch sử về những điều mâu thuẫn

Mọi người đều biết rằng mâu thuẫn là điều không tốt. Nếu bạn tìm thấy một phát biểu nào trong chương này bất đồng với một điều khác mà tôi đã nói, bạn sẽ cảm thấy có lý do để bác bỏ cả hai. Dù một trong hai có thể đúng, hoặc cả hai cũng có thể không đúng. Tại sao?

Chúng ta có thể cảm ơn hoặc đổ lỗi cho Aristotle (384-322 trước công nguyên). Với khao khát góp nhặt tất cả tri thức vào một hệ thống trật tự, ông đã nghĩ ra những quy luật logic để làm công cụ sắp xếp. Một trong số đó là Luật mâu thuẫn. Luật ấy giải thích rằng: A không thể đồng thời bằng B và không bằng B.

Từ đó đến nay, những người Phương Tây đã áp dụng quy luật của Aristotle để làm nền tảng xác định mọi lẽ thật. Nếu chúng ta có thể tìm thấy bất kỳ mâu thuẫn nào trong Kinh Thánh, chúng ta nghĩ rằng mình đã có lý do để bác bỏ tính chân thật của Kinh Thánh. Nhưng trước khi chúng ta quyết định điều nào là đúng, hãy xem xét kỹ hơn về những quy luật của Aristotle.

Phương pháp của Aristotle là cần thiết trong ngành khoa học vật lý. Chúng ta muốn bác sĩ phải chẩn đoán bệnh tật của mình dựa trên suy luận của Aristotle. Nếu đầu gối của bạn đau, bạn không muốn chuyên viên chỉnh hình cho rằng đó có thể vừa là ung thư vừa là rách dây chằng, và đề nghị chữa trị theo cả hai hướng xem tiến triển thế nào. Bạn muốn một kết luận không bị mâu thuẫn.

Quy luật của Aristotle gặp vấn đề khi được áp dụng bên ngoài phạm vi của quy luật. Aristotle muốn phân loại tất cả tri thức thực tiễn nên ông cần những quy luật logic để thực hiện công việc. Tuy nhiên ông không sử dụng những quy luật này ngoài phạm vi vật lý. Khi chúng ta áp dụng những quy luật này ngoài phạm vi vật lý, sẽ có những vấn đề nảy sinh.

Nói về mối quan hệ hiếm khi nào có tính logic và không mâu thuẫn. Bạn yêu các con của mình nhưng đôi lúc lại ước chúng chưa từng được sinh ra, việc đó nghe có vẻ thật mâu thuẫn. Nhưng nếu bạn là một phụ huynh bình thường, cả hai điều trên là sự thật. Đức Chúa Giê-su tuyên bố Ngài hoàn toàn là Đức Chúa Trời và cũng hoàn toàn là con người; Đức Chúa Trời là ba nhưng là một; Kinh Thánh được mặc khải thiên thượng nhưng do con người viết ra; Đức Chúa Trời biết tương lai, nhưng chúng ta có quyền tự do lựa chọn. Bên trong mỗi một giáo lý Cơ Đốc cốt yếu là một sự nghịch lý, một điều mâu thuẫn hiển nhiên nào đó.

Đây là bản chất của sự việc. Nếu bạn và tôi có thể hiểu hết được bản chất của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ không còn là Đức Chúa Trời nữa và chúng ta cũng không còn là chính mình nữa. Chúng ta nên chấp nhận nghịch lý và những căng thẳng lý trí bên trong trí hiểu biết hữu hạn và bất toàn của mình khi nhận thức về Đức Chúa Trời toàn năng của vũ trụ.

Rất nhiều những sự mâu thuẫn như vậy trong Kinh Thánh lại phù hợp với nhiều vấn đề thuộc linh và mối quan hệ xã hội. Chẳng hạn như, Kinh Thánh dạy “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (I Giăng 4:8). Song Kinh Thánh ghi rõ: “Cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật” (Rô-ma 1:18). Cũng vậy, Kinh Thánh cảnh báo rằng: “Còn ai có lòng chống trả không vâng phục lẽ thật, mà vâng phục sự không công bình, thì báo cho họ sự giận và cơn thạnh nộ” (Rô-ma 2:8). Làm thế nào Đức Chúa Trời vừa có thể yêu thương lại vừa căm ghét? Xin đừng hỏi Aristotle. Hãy hỏi bất cứ cha mẹ nào.

Không phải mọi lẽ thật đều trùng khớp với ống nghiệm. Thầy giáo hình học của tôi nói rằng hai đường thẳng song song không bao giờ cắt nhau. Nhưng để chứng minh điều đó, ông sẽ phải vẽ chúng mãi mãi. Trắng và đen không phải là hai màu duy nhất trong hộp bút màu.

Hãy xem xét ngữ cảnh rộng lớn hơn

Một loại mâu thuẫn hiển nhiên thứ hai trong Kinh Thánh xảy ra từ việc hiểu sai ngữ cảnh của những vấn đề mà bản văn đang bàn tới. Chúng ta hãy xem xét một số ví dụ thường được nhắc đến và đi theo trình tự mà chúng được trình bày trong Kinh Thánh.

Mắt đền mắt và Đức Chúa Trời yêu thương

Một nhà phê bình nói rằng: Kinh Thánh dạy: “Mắt đền mắt, răng đền răng.” Nhưng Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy đưa má bên kia cho họ vả. Điều nào là đúng? Cả hai đều đúng.

Chúng ta đang bàn về vấn đề lex talionis (tiếngLa-tinh nghĩa là “luật trả thù”), một luật lệ xưa nhất trên thế giới. Nó xuất hiện trong bộ luật Hammurabi vào thế kỷ mười tám trước Công nguyên. Luật này cũng được tìm thấy trong Kinh Thánh Cựu Ước: “Còn nếu có sự hại chi, thì ngươi sẽ lấy mạng thường mạng, lấy mắt thường mắt, lấy răng thường răng, lấy tay thường tay, lấy chân thường chân, lấy phỏng thường phỏng, lấy bầm thường bầm, lấy thương thường thương” (Xuất Ê-díp-tô-ký 21:23-25).

Trước khi có luật lệ này, nếu tôi làm hỏng chiếc xe của bạn thì bạn có thể phá sập nhà của tôi. Nếu tôi làm cho con bạn bị thương thì bạn có thể giết hết các con của tôi. Mục đích ban đầu của luật lệ này đó là nhằm hạn chế sự trả thù. Chỉ người gây ra thương tích mới bị trừng phạt, không phải cả gia đình hay dòng họ của anh ta. Cũng vậy, anh ta chỉ bị trừng phạt ở mức độ mà anh ấy đã gây ra cho người khác, do đó bảo vệ anh ta trước những kẻ thù mạnh hơn. Luật lệ này không thúc đẩy sự báo thù; nhưng ngược lại là hạn chế sự báo thù.

Tuy nhiên luật lệ này dường như mâu thuẫn với lời dạy rõ ràng của Đức Chúa Giê-su trong Bài giảng trên núi: “Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn; nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa; nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. Ai xin của ngươi hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ.” (Ma-thi-ơ 5:39-42).

Trong bối cảnh lịch sử, những tuyên bố của Đức Chúa Giê-su nhằm nói đến một chủ đề khác xa với việc tự vệ và báo thù. Mỗi một ví dụ mà Đức Chúa Giê-su đưa ra đều chỉ về một nguyên tắc: đừng tiếp nối chu kỳ báo thù. Đừng đáp trả sự phỉ báng bằng phỉ báng, đáp trả chuyện tầm phào X bằng chuyện tầm phào Y nào đó.

Ví dụ đầu tiên Đức Chúa Giê-su đưa ra liên quan đến lòng tự trọng của bạn: “Nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn” (Ma-thi-ơ 5:39). “Vả” có nghĩa là tát vào mặt. Tại nơi công cộng chỉ bàn tay phải mới được sử dụng. Tát vào má bên phải của bạn bằng bàn tay phải của tôi, nghĩa là phải vả ngược tay, tức đây là một hành động lăng mạ, chứ không phải là đe dọa đến tính mạng. Đức Chúa Giê-su muốn nói rằng: Đừng vả ngược lại. Nếu ai đó sỉ nhục con, đừng sỉ nhục họ.

Tiếp theo, Đức Chúa Giê-su nói về tài sản của bạn: “Nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa” (Ma-thi-ơ 5:40). “Áo vắn” là áo lót có tay; nó có thể bị tước đi trong tòa án. “Áo dài” thì không vậy, bởi vì nó bảo vệ bạn khỏi kẻ thù. Nhưng cũng hãy đưa luôn áo dài. Đừng cố giữ quyền lợi của mình.

Tới đây Đức Chúa Giê-su đề cập đến thời gian của bạn: “nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ” (Ma-thi-ơ 5:41). Đức Chúa Giê-su muốn chỉ về quyền lực của binh lính La Mã có thể bắt một người Do Thái vác binh khí cho anh ta trong một dặm. Hãy vác đi hai dặm. Hãy hy sinh thời gian, mặc dù bạn không có nghĩa vụ phải làm. Nhưng hãy làm đi.

Cuối cùng, Đức Chúa Giê-su nói về tiền bạc của bạn: “Ai xin của ngươi hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ” (Ma-thi-ơ 5:42). Cũng như Augustine đã nhắc chúng ta, không ai bảo chúng ta phải cho mọi thứ mà người khác xin chúng ta, nhưng hãy cho mọi người xin. Thậm chí khi bạn có quyền từ chối.

Vậy hãy từ chối trả thù. Hãy ngưng vòng tuần hoàn của sự báo thù. Đừng lặp lại những chuyện tầm phào hoặc nói xấu. Hãy từ chối đáp trả sự sỉ nhục bằng sự sỉ nhục, đáp trả sự đau đớn bằng đau đớn. Hãy nhớ rằng quy luật mắt đền mắt, răng đền răng là con đường nhanh nhất khiến cho thế giới mù lòa và không còn răng để cắn nhau nữa. Đó là mấu chốt trong lời dạy của Đức Chúa Giê-su, và không hề mâu thuẫn với luật lệ trong sách Xuất Ê-díp-tô ký. Đầu tiên là giải quyết với những sự sỉ nhục cá nhân, sau đó là hận thù. Biết được bối cảnh trong Kinh Thánh sẽ giải thích cho các “sự mâu thuẫn.”

A-bi-tha và A-hi-mê-léc

Trong sách Mác chương 2, Đức Chúa Giê-su bảo vệ cho các môn đồ của Ngài khi họ bứt bông lúa mì trong ngày Sa-bát: “Các ngươi chưa đọc đến sự vua Đa-vít làm trong khi vua cùng những người đi theo bị túng đói hay sao? Thể nào trong đời A-bi-tha làm thầy cả thượng phẩm, vua ấy vào đền Đức Chúa Trời, ăn bánh bày ra, lại cũng cho những người đi theo ăn nữa, dầu bánh ấy chỉ những thầy tế lễ mới được phép ăn thôi” (Mác 2:25-26). Nhưng trong I Sa-mu-ên 21:1 nói rằng sự việc xảy ra khi A-hi-mê-léc, cha của A-bi-tha, làm chức tế lễ. Vì bày tỏ lòng tốt đối với Đa-vít mà A-hi-mê-léc và gia đình bị quân lính Sau-lơ giết chết. Con của ông là A-bi-tha trốn khỏi và về sau được lập chức tế lễ (I Sa-mu-ên 22:20-23).

Vấn đề này có thể được giải thích về mặt ngữ pháp. Cụm từ “trong đời A-bi-tha” được dịch từ tiếng Hy Lạp theo nguyên nghĩa là: “tại nơi A-bi-tha làm thầy cả thượng phẩm.” Mác thường dùng từ “tại nơi” (upon tiếng Hy Lạp là từ epi) để chỉ về địa điểm hơn là thời gian. Cụm từ này tốt hơn nên được dịch là: “tại nơi A-bi-tha làm thầy cả thượng phẩm,” chứ không phải là “vào thời gian” ông ấy phục vụ.1

Một điểm khác được cho là mâu thuẫn liên quan đến hai nhân vật này cũng có thể giải thích được. II Sa-mu-ên 8:16-18 liệt kê danh sách những quan chức của vua Đa-vít bao gồm “A-hi-mê-léc con trai A-bi-tha” làm thầy tế lễ (8:17). I Sa-mu-ên 22:20 cho chúng ta biết rằng A-hi-mê-léc là cha của A-bi-tha. Nhưng cũng có khả năng A-bi-tha có một người con trai mà ông đặt theo tên cha mình là A-hi-mê-léc. Hãy nhớ câu chuyện gia đình Xa-cha-ri muốn đặt tên con trai của ông theo tên cha ông, nhưng ông và vợ thì khăng khăng đặt tên đứa trẻ là “Giăng” (Lu-ca 1:59-63). Tên lót của tôi là tên của ông tôi; một trong các con của tôi cũng mang tên của ông tôi nữa. Truyền thống gia đình này vẫn còn phổ biến trong ngày nay như khi nó tồn tại trong thế giới ngày xưa.

Qui-ri-ni-u, Quan tổng đốc xứ Sy-ri

Lu-ca 2:2 cho chúng ta biết việc thống kê dân số, nguyên nhân khiến Giô-sép và Ma-ri phải đi đến Bết-lê-hem “là cuộc thống kê dân số đầu tiên khi Qui-ri-ni-u làm quan tổng đốc xứ Sy-ri.” Tuy nhiên, những bản ghi chép lịch sử của người Do Thái và La Mã lại biên thời gian nhiệm kỳ của Quy-ri-ni-u là vào khoảng năm 6-9 sau Công Nguyên. Chúng ta có thể hòa hợp sự khác biệt này không?

Có. Sử gia Tacitus (trong sách Annals, quyển 3) cho chúng ta biết rằng trước đó một thập kỷ, Qui-ri-ni-u dẫn đạo binh viễn chinh tại Cilicia, là khu vực liền kề với Sy-ri. Lu-ca sử dụng từ “quan tổng đốc” (từ Hy Lạp là hegemoneuo) với một ý nghĩa chung chung đó là người lãnh đạo hoặc cai trị. Vậy Lu-ca có thể đã nghĩ về chức vụ quân sự này. Cũng vậy, một vài bản ký thuật cổ đã chỉ ra rằng Qui-ri-ni-u giữ hai nhiệm kỳ, đầu tiên là từ năm 6-4 trước Công Nguyện và nhiệm kỳ thứ hai là 6-9 sau Công Nguyên. Mỗi nhiệm kỳ đã thực hiện một cuộc thống kê dân số (Công vụ các sứ đồ 5:37 chỉ về cuộc thống kê dân số trong nhiệm kỳ thứ hai của Qui-ri-ni-u).

Lu-ca không mắc một sai lầm lịch sử liên quan đến lãnh đạo chính trị trong thời gian Đức Chúa Giê-su được sinh ra, dựa vào việc sử dụng cẩn thận các ghi chép nhân chứng tận mắt (Lu-ca 1:1-4) và sự thật rằng nếu có sai sót thì sẽ bị những người đương thời dễ dàng phát hiện. Tuy nhiên dựa trên tính chất tổng quan từ ngữ “quan tổng đốc” mà Lu-ca sử dụng, chúng ta dễ thấy mạch truyện tương quan đến những ký thuật lịch sử cổ ra sao.

Trong bài giảng Chủ Nhật tuần này, tôi có thể gán chiến thắng của quân đồng minh trong Thế Chiến II cho sự “lãnh đạo” của Dwight Eisenhower, mặc dù Franklin Roosevelt và Harry Truman mới là Tổng thống trong thời gian đó, còn Eisenhower thì sau này mới vào Nhà Trắng. Nếu tôi nói rằng Tướng Eisenhower là Tổng thống năm 1945, bất cứ ai nghe bài giảng của tôi đều sẽ nhanh chóng đính chính. Nếu tôi gọi ông là “người lãnh đạo” thì mọi người đều hiểu.

Mác, Ê-sai, và Ma-la-chi

Mác 1:2-3 bắt đầu kể về cuộc đời của Đức Chúa Giê-su bằng trích dẫn sau:

Như đã chép trong sách tiên tri Ê-sai rằng: “Nầy, ta sai sứ ta đến trước mặt ngươi, Người sẽ dọn đường cho ngươi” – “Có tiếng kêu trong đồng vắng rằng: ‘Hãy dọn đường Chúa, Ban bằng các nẻo Ngài.’”

Vấn đề đó là câu trích dẫn đầu tiên không phải từ sách Ê-sai nhưng từ sách Ma-la-chi 3:1. Có phải Mác đã mắc lỗi không? Không.

Câu thứ hai được Mác trích dẫn trực tiếp từ Ê-sai 40:3, vậy nên lời tiên tri mà ông đã dẫn thực ra là từ sách Ê-sai. Nhưng còn lời tiên đoán đầu tiên thì thế nào? Ê-sai là sách đầu tiên trong phần Kinh Thánh Hê-bơ-rơ được gọi là Các Tiên Tri Về Sau (Latter Prophets), vậy nên mọi điều từ Ê-sai cho đến Ma-la-chi có thể được cho là “trong sách Ê-sai.”

Việc quy gán này rất thông dụng trong văn học cổ đại. Chẳng hạn như, sách Châm Ngôn bắt đầu rằng: “Châm ngôn của Sa-lô-môn, con trai Đa-vít, Vua Y-sơ-ra-ên.” Song Châm Ngôn chương 30 lại tuyên bố là “lời của A-gu-rơ, con trai Gia-kê” (Châm Ngôn 30:1), trong khi Châm Ngôn 31 là tác phẩm của “vua Lê-mu-ên” (Châm Ngôn 31:1). Toàn bộ quyển sách được quy cho vua Sa-lô-môn, bởi vì ông là chủ quyển sách và là tác giả lớn nhất. Cùng một cách, các lời tiên tri trong Các Tiên Tri Về Sau đều đứng “trong” hoặc dưới tên Ê-sai, là đại diện đầu tiên và được biết đến nhiều nhất.

Người bại liệt và mái nhà

Mác cung cấp cho chúng ta thông tin về những người bạn của một người bại liệt đã cố gắng đem bạn mình đến với Đức Chúa Giê-su, nhưng họ không thể tiến vào bên trong ngôi nhà đã chật kín những người đang lắng nghe Đức Chúa Giê-su giảng dạy. Vậy họ “dở mái nhà ngay chỗ Ngài ngồi, rồi do lỗ đó dòng giường người bại xuống.” (Mác 2:4). Mác mô tả một căn nhà điển hình tại xứ Palestin, có mái được xây bằng phẳng và đi lên bằng một cái thang. Thông thường đất sét để làm mái được nén và cuộn lại. Sau đó được bọc với những cành cây đặt lên trên xà gỗ.

Tuy nhiên, Lu-ca cũng kể về cùng một sự kiện như thế này: “họ bèn trèo lên mái nhà, dỡ ngói ra, dòng người và giường nhỏ xuống trước mặt Ngài” (Lu-ca 5:19). Bởi vì những ngôi nhà của người ngoại quốc thường dùng ngói, có thể nào Lu-ca đã dùng cách mô tả mà ông cảm thấy gần gũi hơn không? Nếu thật vậy, liệu ông đã mắc sai lầm? Liệu những người bạn đã “dở” một mái nhà đất sét, hay là dở ngói?

Có lẽ là cả hai. Đức Chúa Giê-su lúc ấy đang giảng trong một ngôi nhà đủ rộng cho một đoàn đông gồm những người Pha-ri-si và các thầy dạy luật “từ các làng xứ Ga-li-lê, xứ Giu-đê, và thành Giê-ru-sa-lem đều đến.” (Lu-ca 5:17). Có lẽ ngôi nhà rộng rãi này có chủ là một người đủ giàu có để lợp mái ngói, thay vì sử dụng mái tranh rẻ tiền hơn và phải thay thế thường kỳ. Những tấm ngói này có thể thay thế cho những cành cây bắc ngang qua các xà gỗ chống đỡ mái nhà bằng đất sét. Mác không nói rằng những người bạn này đã dở các cành cây nhưng chỉ nói là dở mái nhà. Lu-ca cho chúng ta thêm thông tin là họ đã dở các tấm ngói trước khi họ dở mái nhà đất sét. Không có lý do gì kết luận rằng hai bản ký thuật là mâu thuẫn với nhau.

Các thiên sứ tại lễ phục sinh

Vào ngày Đức Chúa Giê-su phục sinh, khi những người nữ đến ngôi mộ trống “xảy có hai người nam mặt áo sáng như chớp, hiện ra trước mặt họ” (Lu-ca 24:4). Lời kể của Giăng cũng đồng một ý: Ma-ry “thấy hai vị thiên sứ mặc áo trắng, một vị ngồi đằng đầu, một vị ngồi đằng chơn, chỗ xác Đức Chúa Jêsus đã nằm” (Giăng 20:12). Tuy nhiên, Ma-thi-ơ 28:2-7 ghi lại chỉ có một thiên sứ đã lăn hòn đá, làm kinh hãi những người canh giữ ngôi mộ, và nói chuyện với những người nữ. Cũng vậy, Mác kể rằng những người nữ thấy “một người trẻ tuổi ngồi bên hữu, mặc áo dài trắng.” (Mác 16:5).

Vậy trong ngày Đức Chúa Giê-su sống lại đã có hai thiên sứ hay chỉ một hiện ra? Vâng. Trong văn học cổ, việc một người phát ngôn được nhắc đến mà không đề cập gì đến những người đi theo đó là điều bình thường. Chẳng hạn như, trong Công vụ các sứ đồ 15 chúng ta biết rằng Si-la đi cùng Phao-lô trong hành trình truyền giáo lần thứ hai của Phao-lô (Công vụ 15:40). Nhưng khi Lu-ca ký thuật lại: “Người trải qua xứ Sy-ri và xứ Si-li-si, làm cho các Hội thánh được vững bền” (Công vụ 15:41), và sau đó “Phao-lô tới thành Đẹt-bơ và thành Lít-trơ” (Công vụ 16:1). Si-la đã ở đâu? Si-la đã đi cùng Phao-lô mặc dù không được nêu tên hoặc đề cập tới.

Cũng vậy, có thể một vị thiên sứ đã lăn hòn đá và nói chuyện cùng những người nữ, đồng thời một vị thiên sứ khác cũng hiện diện tại đó. Các ký thuật không hẳn mâu thuẫn với nhau. Thêm vào đó, các thiên sứ ngồi (Giăng 20:12) và đứng (Lu-ca 24:4), bởi vì họ thay đổi tư thế trong suốt thời gian diễn ra câu chuyện.

Thực tế các ký thuật độc lập lại càng làm vững chắc tính đáng tin cậy của Kinh Thánh. Rõ ràng các trước giả đã không cố sắp đặt câu chuyện của họ với nhau. Họ không thông đồng với nhau. Bất kỳ cảnh sát giao thông nào cũng có thể nói rằng hai nhân chứng của cùng một vụ tai nạn giao thông sẽ kể câu chuyện với những chi tiết khác nhau. Miễn là họ cùng đồng ý ở những chi tiết trọng yếu thì lời chứng của họ được chấp nhận là đáng tin cậy. Thực tế, nếu mọi chi tiết đều giống nhau, tòa án sẽ nghi ngờ liệu các nhân chứng có kết hợp câu chuyện của họ với nhau trước khi tuyên thệ để làm chứng hay không.

Cũng vậy, chúng ta có thể biết được rằng những người đã ký thuật lại câu chuyện Phục Sinh đầu tiên đã nắm bắt được đúng ý nghĩa và thông điệp mong đợi của sự phục sinh. Việc hỏi thêm nữa là đưa ra những câu hỏi mà bản văn không có ý định trả lời.

Hiểu ý định của trước giả

Một thể loại mâu thuẫn thứ ba xảy ra do hiểu sai bối cảnh nằm sau bản văn trong lời Chúa. Khi chúng ta không có bức tranh tổng thể thì chúng ta sẽ làm méo mó đi những gì chúng ta đã thấy.

Thật không công bằng khi hỏi bất kỳ sách nào những câu hỏi mà sách ấy không có ý định trả lời. Chúng ta không dùng sách dạy nấu ăn để sửa xe, hay một tập thơ cho việc cắt cỏ. Nếu trước giả Kinh Thánh không có ý định viết đúng theo thứ tự thời gian, lịch sử, địa lý hay khoa học, thì thật không công bằng nếu chúng ta phê bình trước giả đó vì không thực hiện đúng theo chuẩn mực chúng ta đặt ra. Một nhà khí tượng học có thể đoán trước thời gian “mặt trời mọc” mà không có ý định đưa chúng ta quay lại với thuyết thiên động để lý giải mặt trời quay quanh trái đất.

Hãy xem xét những ví dụ về những mâu thuẫn dường như có thể xảy ra và được giải thích bằng cách liên hệ đến ý định bản văn Kinh Thánh của trước giả.

Đức Chúa Giê-su chịu cám dỗ

Trong Ma-thi-ơ 4 ký thuật câu chuyện Đức Chúa Giê-su chịu cám dỗ theo trình tự này: hóa đá thành bánh (Ma-thi-ơ 4:3); nhảy xuống khỏi đền thờ (Ma-thi-ơ 4:5-6); và thờ lạy Sa-tan trên một ngọn núi (Ma-thi-ơ 4:9). Lu-ca 4 cũng ký thuật cùng một sự kiện nhưng theo một trình tự khác: hóa đá thành bánh (Lu-ca 4:3); thờ ma quỷ trên một ngọn núi (Lu-ca 4:5-6); và nhảy xuống khỏi đền thờ (Lu-ca 4:9-11).

Cách lập luận của Aristotle đỏi hỏi chúng ta đưa ra: Trình tự nào đúng? Trước giả nào sai? Nếu một người sai, có thể cả hai cùng sai. Có thể Sa-tan là tưởng tượng. Có thể câu chuyện Đức Chúa Giê-su chịu cám dỗ là biểu tượng. Một lần nữa chúng ta bắt đầu đi xuống con đường trượt dốc của mâu thuẫn, chúng ta sẽ dừng lại tại đâu?

Trong ý định của trước giả thì không có sự mâu thuẫn như thế xảy ra ở đây. Cả Ma-thi-ơ lẫn Lu-ca đều không tuyên bố đang viết câu chuyện theo trình tự thời gian, và vì vậy trình tự các điều cám dỗ mà Đức Chúa Giê-su trải qua là việc không quan trọng so với mục đích của họ.

Chẳng hạn như một nhân viên hỏi tôi đã làm gì hôm nay, và tôi trả lời rằng sáng nay tôi dạy Nghiên Cứu Kinh Thánh cho Quý Ông, tham dự buổi nhóm cầu nguyện thứ năm, và soạn bài giảng cho cuối tuần này. Sau đó vào buổi tối vợ tôi hỏi tôi đã làm gì, tôi trả lời rằng tôi đã dạy Nghiên Cứu Kinh Thánh cho Quý Ông, soạn bài giảng, và dự nhóm cầu nguyện thứ năm. Vậy tôi có mâu thuẫn với chính mình không? Chỉ khi tôi hứa kể ra các hoạt động theo đúng trình tự thời gian mỗi khi tôi kể. Nếu đó không phải là dự định của tôi thì việc kể lại những sự kiện trong ngày là đúng.

Cũng vậy, Ma-thi-ơ và Lu-ca chỉ mâu thuẫn với nhau về việc Đức Chúa Giê-su chịu cám dỗ nếu họ bày tỏ ý định ký thuật đúng theo trình tự thời gian. Nhưng vì họ không tuyên bố điều đó, rõ ràng trình tự các cám dỗ mà Đức Chúa Giê-su chịu nằm ngoài dự định của họ và cũng nằm ngoài phê bình của chúng ta.

Lỗi của người sao chép

Kinh Thánh là sản phẩm của khoảng mười lăm thế kỷ sáng tác và thêm mười lăm thế kỷ chép tay. Cho đến thời Gutenberg thì Kinh Thánh mới được sao chép bằng máy móc; và cho đến thời của chúng ta thì Kinh Thánh mới được phổ biến bằng điện tử.

Như chúng ta sẽ thấy trong chương bốn, các bản viết tay của những phân đoạn Kinh Thánh là cực kỳ chính xác và đáng tin. Tuy nhiên, không tránh khỏi việc sao chép bằng tay một áng văn đồ sộ như vậy thỉnh thoảng sẽ mắc lỗi của thư ký.

Hãy xem xét một số mâu thuẫn hiển nhiên do lỗi sao chép. II Sa-mu-ên 10 kể rằng trong xung đột với quân đội A-ram “Đa-vít giết bảy trăm xe binh” (II Sa-mu-ên 10:18). Bốn thế kỷ sau, I Sử-ký 19 ghi lại cùng một sự kiện lại ghi thế này: “Đa-vít giết của quân Sy-ri bảy ngàn lính cầm xe” (19:18). Người ký lục rất dễ mắc lỗi bằng cách giảm số lượng trong I Sử ký hoặc tăng thêm một chữ số trong II Sa-mu-ên.

Dĩ nhiên, về mặt ngữ nghĩa, cả hai ký thuật đều không mâu thuẫn với nhau về ngữ nghĩa, bởi vì 700 là tập hợp con của 7000. Đa-vít giết 700 xe binh nếu ông ấy đã giết 7000. Nhưng dễ thường sự khác biệt này là do lỗi ghi chép. Lỗi này hoàn toàn không thay đổi gì đến thông điệp mà hai bản văn muốn truyền tải – Đa-vít lãnh đạo đạo binh của mình chiến thắng và quốc gia được bình an.

Một lỗi ghi chép khác trong Thi Thiên hai mươi ba. Bản Kinh Thánh Truyền Thống dịch lại câu cuối: “Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài” (Thi Thiên 23:6). Masoretes (người ký lục Kinh Thánh Cựu Ước) đã dịch động từ là “tôi sẽ trở lại,” từ động từ tiếng Hê-bơ-rơ là wesabti. Nhưng động từ weyasabti (còn lại) mới có thể là nguyên bản. Chữ w (tiếng Hê-bơ-rơ là waw) và chữ y (tiếng Hê-bơ-rơ là yod) rất có thể Masoretes đã thấy chữ y như là chữ w bị lặp lại nên đã bỏ đi, sao chép lại động từ đó là wesabti. Bởi vì các học giả Hê-bơ-rơ tin động từ nguyên bản là weyasabti nên họ đã dịch câu đó là “tôi sẽ ở.”

Trước khi bạn quyết định cho rằng những lỗi truyền tải làm mất đi thẩm quyền Kinh Thánh, hãy áp dụng một bài thử cho bất kỳ phương thức truyền thông nào. Một lỗi in ấn trong tờ báo ngày mai có nghĩa bạn không thể tin bất cứ điều gì tờ báo đưa tin. Một lỗi trong bản tin truyền hình tối nay có nghĩa mọi câu chuyện là không đáng tin. Một lỗi chính tả hoặc cú pháp sẽ làm mất giá trị tất cả những gì bạn đọc trong cuốn sách này.

Với những chuẩn mực như trên thì không một áng văn hoặc một phương tiện truyền thông nào có thể tin cậy được. Không một quyển danh bạ hoặc từ điển nào được tra tới. Không một bác sĩ nào có thể hành nghề y, bởi vì sách y khoa cũng không khỏi mắc phải sai phạm. Vũng vậy, việc hành nghề y cũng không tránh khỏi sai phạm. Nếu một bác sĩ chẩn đoán sai một bệnh nào đó, không ai trong chúng ta sẽ đến khám bác sĩ một lần nào nữa.

Vấn đề quan trọng là ý định của bản văn. Khi chúng ta đọc trong chương chín, Kinh Thánh không được định hướng là một quyển sách đáp ứng những chuẩn mực của thế kỷ hai mươi về tính đúng đắn trong khoa học, địa lý, hoặc lịch sử. Không một quyển sách cổ nào có ý định như vậy. Hơn thế nữa, hiếm có tài liệu nào trong văn học hiện tại có thể đáp ứng được sự dò xét tỉ mỉ đến trọn vẹn như thế. Nhưng Kinh Thánh, vì được truyền tải cho chúng ta qua suốt ba mươi bốn thế kỷ, vẫn giữ hoàn toàn đúng đắn tất cả những ý định mà Kinh Thánh muốn hoàn thành. Kinh Thánh bày tỏ cho chúng ta phương cách tìm kiếm Đức Chúa Giê-su (Giăng 20:30-31) và phương cách trang bị cho đức tin và phục vụ trong vương quốc của Đức Chúa Trời (II Ti-mô-thê 3:16-17).

Kết luận

Nếu sau này bạn nghe có ai nói Kinh Thánh đầy mâu thuẫn, hãy hỏi họ đã đọc Kinh Thánh chưa. Sau đó hãy hỏi đó có phải là mâu thuẫn không khi một người chưa đọc một quyển sách lại gạt bỏ quyển sách ấy. Và hãy đề nghị giúp người ấy học Kinh Thánh và gặp gỡ chính Tác Giả của Kinh Thánh. Đối với tôi mâu thuẫn đó là một Đức Chúa Trời thánh khiết và hoàn hảo lại muốn tôi sống trong thiên đàng hoàn hảo của Ngài. Tôi mừng vì điều đó không phải là mâu thuẫn của Chúa.

Chương bốn

Kinh Thánh Được Xác Nhận Bởi Chứng Cớ Nội Tại

 

Thẩm Quyền Kinh Thánh và Bằng Chứng của  Bản Chép Tay

Người ta nói rằng một suy đoán nhắc lại ba lần thì trở thành sự thật. Càng lặp lại nhiều lần những gì mình được nghe thì chúng ta càng thêm vào câu chuyện đó những ý kiến của cá nhân. Đó là bản chất của con người.

Có lẽ bạn đã từng chơi trò “truyền tin.” Chúng ta sắp ba mươi người ngồi vào một vòng tròn. Nói thì thầm một vài câu về một tin tức gì đó cho người bên phải và yêu cầu họ lặp lại những lời bạn vừa nói cho người tiếp theo. Người đó lại tiếp tục truyền tin cho đến hết vòng. Khi câu chuyện quay trở lại với bạn, nó sẽ chẳng có chút tương đồng nào với câu chuyện mà bạn đã bắt đầu trò chơi.

Khi còn là sinh viên năm nhất trong trường thần học, tôi đã làm công việc bán thời gian là một họa sĩ đồ họa. Một ngày nọ một đồng nghiệp đã hỏi tôi một câu hỏi mà tôi đã không hề suy nghĩ đến trong tám năm kể từ ngày tôi trở thành Cơ Đốc Nhân: “Tại sao bạn tin Kinh Thánh? Bạn biết Kinh Thánh được sao chép bằng tay suốt nhiều thế kỷ mà? Kinh Thánh ngày nay có thể không còn đúng nữa. Làm thế nào bạn có thể tin vào đó được?” Tôi không biết phải nói gì. Còn bạn thì sao?

Một trong số rất nhiều tuyên bố gây tổn hại nhất từ quyển sách bán chạy nhất của tác giả Dan Brown, Mật Mã Da Vinci, do nhân vật “sử gia” hư cấu nhưng lại đúc kết những tuyên bố về sự thật:

Các bạn thân mến, Kinh Thánh là sản phẩm của con người. Không phải từ Chúa. Kinh Thánh không rơi xuống từ trên mây một cách đầy phép mầu. Con người đã tạo ra chúng như một ghi chép lịch sử về nhiều thời kỳ hỗn độn, và nó đã được phát triển ra vô số bản dịch, bổ sung và hiệu đính. Lịch sử chưa từng có một phiên bản nhất định về quyển sách này.1

Điều đáng nói là tác giả Brown đã tuyên bố về tác phẩm của mình rằng: “Mọi mô tả về hội họa, kiến trúc, tài liệu và những nghi lễ bí mật trong quyển tiểu thuyết này là đúng sự thật.”2 Đáng buồn thay, hàng ngàn người đọc tiểu thuyết nầy đã tin tuyên bố của tác giả là đúng sự thật. Tôi đã nói chuyện với nhiều Cơ Đốc Nhân không đồng tình với ý kiến của tác giả Brown nhưng họ không lý giải được tại sao.

Tin buồn là có quá ít Cơ Đốc Nhân biết Kinh Thánh đến từ đâu. Chúng ta không biết cách để bảo vệ tính đáng tin cậy của Kinh Thánh trước những lời chỉ trích từ người bạn của tôi từ nhiều năm về trước. Nhưng tin vui là đây. Khi học biết Kinh Thánh đã được tạo ra và chuyển đến chúng ta như thế nào, chúng ta sẽ khám phá một lý do khác để tin vào thẩm quyền Kinh Thánh cho cuộc sống mình ngày hôm nay.

Kinh Thánh được tạo ra như thế nào?

Vào thời gian Phao-lô bị giam trong ngục đầy lạnh lẽo và ẩm thấp. Khi viết thư cho Ti-mô-thê, người tập sự trẻ của mình, Phao-lô đã có thể yêu cầu bất kỳ điều gì. Thức ăn ngon, nhiều bầu bạn, luật sư để bảo vệ cho trường hợp của ông, yêu cầu Hội Thánh cùng tập hợp để bảo vệ cho ông. Thay vào đó, đây là yêu cầu của cá nhân ông: “Khi con sẽ đến, hãy đem áo choàng mà ta để lại tại nhà Ca-bút, thành Trô-ách, cùng những sách vở nữa, nhứt là những sách bằng giấy da” (II Ti-mô-thê 4:13). Những “sách vở” và “giấy da” này là gì? Tại sao chúng lại quan trọng đối với sứ đồ vĩ đại nhất trong lịch sử này?

Chất liệu của Kinh Thánh

Các cuộn sách được làm từ giấy papyrus, là loại “giấy” thông dụng nhất trong thế giới cổ đại. Sậy papyrus mọc dọc theo Sông Nile tại Ai Cập và những vùng đầm lầy khác. Chúng được cắt, trải ra và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Các mảnh khô được đặt dọc, sau đó các mảnh khác đặt ngang chồng lên. Chúng được dệt và dán lại với nhau tạo thành vật liệu dùng để ghi chép phổ biến và rẻ tiền nhất thời bấy giờ. Những tờ giấy này sau đó được may và dán lại thành những cuộn giấy.

Một loại vật liệu dùng để ghi chép đắt tiền nhưng bền hơn đó là giấy da, được đặt theo tên của xứ Pergamum tại vùng Tiểu Á (ngày nay là phía tây Thổ Nhĩ Kỳ), đó là nơi loại vật liệu này được phát triển. Loại giấy này được làm từ da động vật, thường là chiên hoặc dê (vật liệu để đóng sách bằng da). Cũng giống như papyrus, giấy da cũng thường được cuốn tròn thành cuộn.

Các cây sậy được dùng làm cọ, cùng với một loại mực làm bằng một loại dung dịch keo các-bon. Bút, mực được dùng với giấy papyrus và giấy da.

Các sách gốc của Kinh Thánh có lẽ đều được viết trên giấy papyrus. Bởi vì loại “giấy” đầu tiên này nhanh chóng bị phân rã cho nên không một bản gốc nào còn lại cho đến ngày hôm nay. Các tác phẩm của Plato, Aristotle hoặc Julius Caesar cũng đều như vậy. Chúng ta không thể có bản gốc của các sách cổ nhưng phải phụ thuộc vào bản sao được sao chép qua nhiều thế kỷ.

Khoảng năm 100 Sau Công Nguyên, người ta bắt đầu cắt những cuộn giấy thành những tờ giấy và khâu chúng lại với nhau. Kết quả là chúng ta có được “codex” là tổ tiên của sách mà chúng ta có ngày nay. Các codex sử dụng giấy da là các bản sao trọn bộ Kinh Thánh Tân Ước cổ nhất mà chúng ta có ngày nay.

Các cuộn sách và giấy da mà Phao-lô yêu cầu đó là Kinh Thánh và các sách của ông. Đó là dạng Kinh Thánh cổ xưa nhất mà chúng ta ngày nay yêu mến và học hỏi. Nếu bạn đang bị cầm tù chờ ngày được tự do, liệu đó có phải là điều đầu tiên mà bạn yêu cầu?

Ngôn ngữ của Kinh Thánh

Lời Chúa đến với chúng ta qua ba ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Hê-bơ-rơ là ngôn ngữ cổ nhất trong ba ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ được dùng trong hầu hết các sách Cựu Ước. Ngôn ngữ này được viết từ phải sang trái, không có ký tự viết hoa, và cũng không có nguyên âm. Nhiều thế kỷ sau, các người sao chép Kinh Thánh đã thêm các nguyên âm (gọi là các “chấm”) mà chúng ta có trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ ngày hôm nay.

Tiếng A-ram là một dòng thuộc tiếng Hê-bơ-rơ. Đó là ngôn ngữ phổ thông của người Do Thái vào cuối thời Cựu Ước, và là ngôn ngữ điển hình trong thời Đức Chúa Giê-su. Trong Cựu Ước ngôn ngữ này được thấy trong Ê-xơ-ra 4:8-6:18, tại đó trước giả dẫn ra những tài liệu trao đổi giữa vua Ba Tư và những thuộc hạ của ông; Ê-xơ-ra 7:12-26 ghi lại một bức thư từ vua Ba Tư gửi đến cho Ê-xơ-ra; và Đa-ni-ên 2:4-7:28.

Đức Chúa Giê-su và các môn đồ của Ngài có thể đọc tiếng Hê-bơ-rơ. Chẳng hạn như, Đức Chúa Giê-su đọc sách Ê-sai được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ trước khi giảng đạo tại Na-za-rét (Lu-ca 4:17-19). Tuy nhiên, bình thường Đức Chúa Giê-su và các môn đệ sẽ nói chuyện bằng tiếng A-ram. Chúng ta vẫn tìm thấy từ A-ram trong các sách Phúc Âm – “A-ba” nghĩa là Cha (Mác 14:36), và “Eloi, Eloi, lama sabachthani!” (Mác 15:34: “Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi!”), đó là một số ví dụ.

Tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ sử dụng chung trong Đế Quốc La Mã, chính vì vậy đó cũng là ngôn ngữ của toàn Kinh Thánh Tân Ước. Có hai loại ngôn ngữ Hy Lạp trong thế kỷ đầu tiên – ngôn ngữ cổ điển được giới trí thức sử dụng và ngôn ngữ Hy Lạp koine (phổ thông) được quần chúng sử dụng.

Một thế kỷ trước, các học giả đã bối rối trước sự trái ngược giữa tiếng Hy Lạp trong Kinh Thánh Tân Ước với các tác phẩm văn học cổ điển. Tuy nhiên sau đó các nhà khảo cổ đã tìm được những mảnh giấy papyrus và những mảnh gốm từ thế kỷ đầu tiên, được viết bằng ngôn ngữ phổ thông của quần chúng. Đó là danh sách mua sắm, những bức thư cá nhân, di chúc, và những tài liệu được tìm thấy. Ngôn ngữ của họ tương đồng một cách đáng chú ý với ngôn ngữ của Kinh Thánh Tân Ước.

Ngày nay giới học giả đánh giá ngôn ngữ của Kinh Thánh Tân Ước trên một thang đo xem đó là tiếng Hy Lạp koine hay đó là tiếng Hy Lạp cổ điển. Các sách Phúc Âm có tính “phổ thông” nhất, chứa đựng rất nhiều lời bày tỏ của Đức Chúa Giê-su cho dân chúng và nhắm đến việc lan tỏa theo diện rộng. I Phi-e-rơ (do Phi-e-rơ đọc cho Sin-vanh chép ra, I Phi-e-rơ 5:12) và Hê-bơ-rơ sử dụng nhiều ngôn ngữ Hy Lạp cổ điển nhất trong Kinh Thánh Tân Ước. Sách Lu-ca và Công vụ các sứ đồ đứng ở giữa hai thái cực.

William Barclay kết luận: “Điều đáng phải ghi nhớ đó là Kinh Thánh Tân Ước được viết bằng ngôn ngữ Hy Lạp phổ thông; loại ngôn ngữ Hy Lạp đó bất cứ ai vào thế kỷ thứ nhất cũng có thể viết và sử dụng… Bất kỳ điều gì khiến Tân Ước khác hơn so với thời đó thì đã dịch sai Tân Ước.”3

Thật là một phép lạ khi Đức Chúa Trời sử dụng con người xác thịt, rằng Đấng Tạo hóa có thể vào trong tạo vật của Ngài. Cũng thật là một phép lạ khi Đức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta bằng ngôn ngữ con người, và Chúa của hoàn vũ đã có thể viết nên một quyển sách mà chúng ta có thể đọc được. Nhưng đây chính là những gì Ngài đã làm. Sự khôn ngoan của nhiều thời đại đã được truyền vào giấy papyrus và giấy da, bằng ngôn ngữ của con người với những phương tiện của con người. Chúng ta không thể lên đến được với Đức Chúa Trời nên Ngài đã xuống với chúng ta.

 

Tiếp cận thật gần

Đến đây, làm sao chúng ta biết chắc chắn rằng chúng ta có được những gì Đức Chúa Trời là Tác Giả đã viết ra? Như chúng ta đã thấy, không có bản gốc của quyển sách cổ nào còn tồn tại cho đến ngày nay. Hãy tưởng tượng việc lưu trữ các giấy báo dưới tác động của tự nhiên trong một năm, thời gian này ít hơn rất nhiều so với một thế kỷ hay một thiên niên kỷ. Thêm vào đó, không có cách nào phân phối Kinh Thánh ngoài việc phải chép chúng bằng tay. Trước thời kỳ in ấn phát triển, những thầy ký lục là những nhà xuất bản đầu tiên. Làm thế nào chúng ta biết được họ đã sao chép đúng Kinh Thánh?

Công việc của những nhà khảo đính

“Nhà khảo đính” là các học giả chuyên dành thời gian cho việc nghiên cứu các bản sao của văn học cổ đại, tìm cách phát triển một phiên bản càng gần với bản gốc càng tốt. Chẳng hạn như khi những nhà khảo đính làm việc với những bản chép tay của văn hào Shakespeare, họ tranh luận với nhau phân đoạn nào do chính nhà viết kịch viết, phần nào được quy cho Christopher Marlowe  viết và những việc tương tự như thế. Các học giả nghiên cứu bản sao của các tác phẩm của Plato và Aristotle, quyết định xem bản sao nào là gần nhất với bản chính.

Các nhà khảo đính cũng dành phần công sức tương tự đối với Kinh Thánh. Công việc của họ là phù hợp với khoa học và chính xác. Chúng ta có thể tin tưởng nơi kết luận của họ như là một sản phẩm của học thuật khách quan.

Môn khảo đính học phát huy thế mạnh khi hai trường hợp sau xảy ra: (1) có nhiều bản sao cổ; (2) thời gian càng gần với bản gốc càng tốt. Càng ít bản sao cổ thì càng ít tư liệu cho các học giả sử dụng. Khoảng cách thời gian giữa bản gốc và bản sao gần nhất càng lớn thì khả năng sai sót trong truyền tải không thể khám phá ra được càng lớn.

Kinh Thánh và các tác phẩm văn học cổ

Bản sao của những tác phẩm văn học cổ nổi tiếng nào mà chúng ta có ngày hôm nay? Tác phẩm Chiến Tranh Xứ Gaul do Caesar sáng tác vào khoảng năm 58 đến năm 50 trước Công Nguyên. Bản sao cổ nhất của tác phẩm này được sao chép vào 900 năm sau; chúng ta chỉ có chín hay mười bản chép tay chất lượng tốt. Chúng ta không có bằng chứng độc lập nào chứng minh cho những mô tả của Caesar ngoại trừ quyển sách này. Tacitus là sử gia nổi tiếng nhất của La Mã cổ đại. Bản mô tả của ông về đời sống trong thế kỷ đầu tiên của Đế quốc La Mã được cho là văn kiện lịch sử chính thức nhất mà chúng ta có được. Tuy nhiên, trong số mười bốn sách Lịch sử của ông, chỉ có bốn quyển và một nửa quyển khác còn lại cho đến ngày nay. Các bản sao cổ nhất được sao chép 900 năm sau bản gốc. Lịch sử của Thucydides được viết ra khoảng năm 400 trước Công Nguyên. Bản viết tay trọn vẹn cổ nhất mà chúng ta có là vào khoảng 1300 năm sau đó. Chúng ta chỉ có chừng 5 quyển sách về các tác phẩm của Aristotle (384-322 trước Công Nguyên), bản sao cổ nhất được thực hiện 1.400 năm sau bản chính.

Ngược lại, bản sao Kinh Thánh Tân Ước hoàn chỉnh cổ nhất được thực hiện chỉ 300 năm sau bản chính. Một tờ giấy Papyrus (được biết đến là P52) ghi lại một phần của Giăng 18 có niên đại năm 130 sau Công Nguyên (chỉ khoảng ba mươi lăm năm sau bản chính của Giăng).4

Không một quyển sách cổ nào khác có thể so sánh được với Kinh Thánh về mặt số lượng và chất lượng của các bản chép tay còn tồn tại đến ngày hôm nay. Bằng chứng hoàn toàn có sức mạnh đã chứng minh cho tính đáng tin cậy và thẩm quyền của Kinh Thánh.

Nghiên cứu những bản sao mà chúng ta có

Các sử gia có hơn 5.000 bản chép tay của Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hy Lạp, và hơn 10.000 bản sao trong các ngôn ngữ cổ khác. Họ phân loại những bản sao theo thời gian, chất liệu giấy, có sử dụng chữ in hoa không. Họ cũng tập họp các bản chép tay theo các khu vực địa lý trung tâm nơi chúng được tạo ra: Alexandria, Ai Cập, Caesarea ở Palestine, An-ti-ốt của Syria, Constantinople và La Mã.

Những nhà khảo đính xem xét một số yếu tố để xác định bản viết tay nào là cổ và gần nhất với bản chính. Họ kiểm tra niên đại của tài liệu – thời đại và thời kỳ mà tài liệu được đưa vào sử dụng lần đầu. Họ khám phá việc lưu hành về mặt địa lý của bản viết tay, mức độ sử dụng, và số lần tài liệu đó được sao chép lại, theo giả định là bản sao càng được công nhận rộng rãi thì càng nhiều khả năng nó được độc giả tin cậy. Họ tìm sự đồng ý giữa bản chép tay và những trích dẫn của các giáo phụ.

Cũng vậy, họ điều tra lịch sử “phả hệ” của truyền thống chép tay. Chẳng hạn như, các học giả biết rằng các tài liệu bắt nguồn từ Alexandria thì có những ưu điểm và khuyết điểm nào đấy. Mỗi một trung tâm của một khu vực địa lý có những kỹ thuật và đặc điểm riêng trong việc sao chép và truyền tải.

Những lỗi không chủ ý

Hầu hết công việc của những nhà khảo đính đó là nhận diện những lỗi sao chép, lỗi biên tập hoặc lỗi dịch thuật.5 Các học giả đã nhận ra bốn lỗi không chủ ý thông dụng nhất và chờ đợi để phát hiện ra chúng với sự thích thú đặc biệt.

Một số lỗi xảy ra do nhìn sai – không phân biệt được những ký tự tương đồng này và những vấn đề tương đồng khác. Chẳng hạn như trong tiếng Hê-bơ-rơ từ y (yodh) trông rất giống từ w (waw). Cũng vậy, trong tiếng Hy Lạp ký tự in hoa ép-xi-lon (được viết thành chữ E tròn) và ký tự theta (một hình ô van và đường gạch ngang ở giữa) khi viết tay trông rất giống nhau.

Lối viết lược âm bắt đầu khi một người sao chép chỉ viết một ký tự thay cho hai ký tự giống nhau liền kề (giống như từ “maping” thay cho từ “mapping” trong tiếng Anh). Chép thừa chữ cái xảy ra khi người sao chép viết hai lần một ký tự nào đó. Một lỗi liên quan khác là thay đổi trật tự của ký tự và chữ cái.

Loại lỗi thứ hai xảy ra do nghe sai khi người sao chép ghi lại từ một người khác đọc hoặc thậm chí tự đọc nhẩm khi ghi. Từ đồng âm khác nghĩa xảy ra khi người sao chép ghi sai thuật ngữ được phát âm giống nhau (giống như từ twoto trong tiếng Anh).

Một loại lỗi thứ ba đó là lỗi suy nghĩ. Khi sao chép, người sao chép đã ghi nhớ một cụm từ, và đôi khi đã đảo vị trí các từ, ghi sót ký tự hoặc chữ cái. Lỗi này thường rơi vào một số thể loại:

  • Thay đổi trật tự của ký tự hoặc chữ
  • Kết hợp ký tự cuối cùng của từ đứng trước với ký tự đầu tiên của từ đứng sau, hoặc kết hợp hai chữ lại với nhau
  • Tách một chữ thành hai chữ riêng biệt
  • Sót những chữ đứng giữa hai cụm từ có kết thúc giống nhau (Khi dời mắt từ bản gốc sang bản sao rồi sau đó quay lại nhìn lại bản gốc, mắt của người sao chép dễ đặt ở phần cuối của cụm từ đứng sau và bỏ sót phần ở giữa)
  • Tương tự, bỏ sót những từ đứng giữa nếu hai cụm từ bắt đầu giống nhau

Lỗi không chủ ý thứ tư là do người sao chép phán đoán sai. Những chữ và ghi chú ở mép của bản sao cũ hơn đôi khi lại được đưa vào văn mạch của bản sao. Đôi khi người sao chép sẽ chép cắt ngang qua hai cột của văn bản thay vì chép từng cột một.

Những thay đổi có chủ đích

Có nhiều lúc, các người sao chép sẽ cố gắng “dọn dẹp” văn bản mà họ đang thực hiện bằng những thay đổi có cân nhắc. Nếu cảm thấy có thể cải thiện bản văn, người sao chép đôi khi sẽ “chỉnh sửa” về ngữ pháp. Các phân đoạn giống nhau trong các sách Phúc Âm thường được làm hài hòa để hoàn toàn phù hợp với nhau. Các trích dẫn Cựu Ước trong Tân Ước được “cải thiện” để phù hợp với bản Septuagint (Kinh Thánh Cựu Ước tiếng Hy Lạp).

“Hòa hợp hai dị bản làm một” là một vấn đề phổ biến. Khi làm việc với hai bản chép tay trở lên và tìm thấy những biến thể, người sao chép đôi khi có thể kết hợp cả hai vào trong bản sao của mình. Cũng vậy, một vài người sao chép viết thêm những tuyên bố về giáo lý theo như điều mà người ấy tin. Chẳng hạn như, một người sao chép đã sửa đổi tuyên bố của Lu-ca: “tôi cũng tưởng nên theo thứ tự viết mà tỏ ra cho ông” (Lu-ca 1:3) để viết thành: “tôi và Đức Thánh Linh cũng tưởng” (xem Công vụ các sứ đồ 15:28: “Ấy là Đức Thánh Linh và chúng ta đã ưng rằng…”).

Xác định bản viết tay chuẩn xác nhất

Việc chép tay bất kỳ quyển sách cổ nào chắc chắn không tránh khỏi những lỗi trên. Chúng ta càng có nhiều bản sao thì chúng ta sẽ càng phát hiện ra được những lỗi đó. Phát hiện ra những lỗi thông thường như đã đề cập là bước đầu tiên trong việc tìm kiếm lỗi sao chép. Sau đó các học giả có thể xử lý các lỗi tìm được và phát triển bản văn gần giống với bản chính nhất.

Các nhà khảo đính đã làm việc đó như thế nào? Họ làm theo một số quy luật nhất định đã được thiết lập ra. Đây là quy trình được áp dụng cho việc khảo đính Cựu Ước do Ernst Wurthwein đề xuất và được các học giả áp dụng cách rộng rãi:

  • Khi bản Kinh Thánh Hê-bơ-rơ Masoretic (bản Kinh Thánh Cựu Ước đáng tin cậy nhất) được giữ lại mà không có một biến thể nào, và không có một bản viết tay nào khác với bản Kinh Thánh này, chúng ta phải thừa nhận bản văn ấy là chính thống.
  • Khi bản Kinh Thánh Hê-bơ-rơ Masoretic và các bản viết tay khác có những điểm khác biệt, bản Masoretic phải được ưu tiên sử dụng.
  • Khi bản Kinh Thánh Hê-bơ-rơ Masoretic và các bản viết tay khác có những điểm khác biệt nhưng đều hợp lý như nhau hoặc đều đáng tin cậy, khi đó khó xác định bản văn nào là tốt nhất (xem bên dưới) hoặc bản văn nào có khả năng giải thích cho các phiên bản khác.
  • Chú ý đến các lý do tâm lý hoặc thần học tại sao một người sao chép hoặc một trường thần học lại lưu giữ bản văn theo một cách nhất định.
  • Khi không có kết luận rõ ràng dựa trên bằng chứng về bản chép tay, cần đề xuất giải pháp hòa hợp hai dị bản làm một với kết quả gần với ý định của trước giả nhất.6

Khi mô tả về công việc phê bình bản văn Kinh Thánh Tân Ước, Bruce Metzger đã đưa ra các quy trình đặc thù như sau.7 Đầu tiên, cân nhắc các bằng chứng bên ngoài. Tuổi thọ của tài liệu là bao nhiêu? Văn bản tiêu biểu cho thể loại nào? Tiếp theo, kiểm nghiệm phần bản văn. Về tổng thể, khi có nhiều biến thể, chúng ta gặp khó khăn hơn để  chọn một bản văn chính xác. Chúng ta giả định rằng người sao chép rất có thể đã giải quyết những mâu thuẫn hiển nhiên ngay trong văn bản.

Chúng ta phải chọn bản văn ngắn hơn thay vì chọn bản văn dài hơn, giả định rằng người sao chép rất có khả năng đã thêm vào những cụm từ nhằm diễn giải hơn là bỏ đi một số phần trong văn bản. Chúng ta sẽ giả định rằng một phiên bản làm hòa hợp các câu chuyện tương đồng với nhau rất có thể là sản phẩm của người sao chép đã thay đổi hơn là do bản văn này khác biệt với những phiên bản khác.

Thêm vào đó, chúng ta phải cân nhắc:

  • Văn phong và từ vựng của trước giả xuyên suốt tác phẩm của mình.
  • Bối cảnh liền kề.
  • Sự hòa hợp với cách sử dụng của các trước giả khác, và trong các sách Phúc Âm.
  • Ngôn ngữ A-ram trong lời dạy của Đức Chúa Giê-su.
  • Ưu tiên Phúc Âm Mác (rất có thể đây là sách Phúc Âm được ghi lại đầu tiên)
  • Ảnh hưởng của cộng đồng Cơ Đốc đến việc hình thành và truyền tải bản văn đang được xem xét.

Với những quy luật trên, các nhà khảo đính thực hiện công việc khó nhọc là so sánh hàng ngàn bản sao Kinh Thánh cổ. Kết quả là chúng ta có Kinh Thánh đáng tin cậy trong mọi vấn đề về niềm tin và thực hành.

Các cuộn sách Kinh Thánh tại Biển Chết

Một trường hợp để chứng minh điều này, chúng ta hãy xem xét các cuộn sách Kinh Thánh tại Biển Chết. Trước khi phát hiện các hang động tại Qumran, bản sao trọn bộ Kinh Thánh Cựu Ước cổ nhất mà các học giả được biết là khoảng thế kỷ thứ mười. Đang khi đi tìm một con chiên bị lạc, một người chăn chiên đã tìm thấy cuộn giấy đầu tiên trong bộ các cuộn giấy vào năm 1947, một phát hiện đầy ấn tượng trong lịch sử khảo cổ Kinh Thánh và các bản tay. Giờ đây chúng ta sở hữu Kinh Thánh Cựu Ước với niên đại vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Các cuộn Kinh Thánh tại Biển Chết bao gồm hầu hết các sách của Cựu Ước trừ sách Ê-xơ-tê. Phát hiện này đã đưa chúng ta lùi về một ngàn năm với bản Kinh Thánh gần hơn với bản chính.

Bản Kinh Thánh Masoretic và các tài liệu này gần nhau như thế nào? Nói cách khác, trong một ngàn năm, những người sao chép đã làm việc chính xác như thế nào? Kết quả thật đáng kinh ngạc. Trong hầu hết bản văn, sự chính xác đến từng từ. Các biến thể vẫn là do lỗi sao chép thông thường.

Sao chép Kinh Thánh suốt nhiều thế kỷ trước khi công nghệ in ấn ra đời, các người sao chép đã làm công việc của họ với độ chính xác thật đáng kinh ngạc. Dù không hoàn toàn hoàn hảo, nhưng tác phẩm của họ vẫn chính xác hơn nhiều so với những người chép tay các quyển sách cổ khác. Với sự giúp đỡ của các trường về biên khảo các bản văn cổ, ngày nay chúng ta đang sở hữu Kinh Thánh Cựu Ước gần giống hoàn toàn với bản chính. Và bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp mà chúng ta có ngày nay cũng chính xác và đáng tin cậy.

Tại sao có quá nhiều phiên bản?

Nếu bản văn Kinh Thánh do các học giả tạo ra rất gần với bản chính, vậy thì tại sao chúng ta lại cần quá nhiều bản dịch Kinh Thánh? Và tại sao các phiên bản hiện đại lại khác biệt so với phiên bản Kinh Thánh King James?

Bản dịch Kinh Thánh King James sử dụng bản textus receptus (bản văn được thừa nhận), là phiên bản Kinh Thánh tốt nhất vào thời bấy giờ khi họ bắt đầu công việc phiên dịch Kinh Thánh vào thế kỷ 17. Bản văn tiếng Hy Lạp này là công trình học thuật của Erasmus, ông đã xuất bản Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hy Lạp đầu tiên vào năm 1516. Công trình của ông dựa trên sáu bản viết tay mà ông có vào thời đó.

Sau đó Robert Estienne đã tạo ra một bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp vào năm 1550 dựa rất nhiều vào bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp của Erasmus.9 Lời mở đầu cho ấn bản năm 1633 của Henri con của Estienne ghi rằng: “Chính vì vậy quý vị có bản văn được mọi người thừa nhận; trong đó chúng tôi không thay đổi hoặc sửa đổi điều gì.” Từ tuyên bố này mà thuật ngữ “bản văn được thừa nhận” (received text), hoặc textus receptus được ra đời. Chính vì vậy mà bản textus receptus trở thành bản văn chuẩn mực cho việc dịch Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hy Lạp xuyên suốt ba thế kỷ tiếp theo.

Sau đó một vài khám phá nổi tiếng khác đã vĩnh viễn thay đổi chiều hướng biên dịch Kinh Thánh .

  • Phát hiện nổi bật nhất là Codex (nghĩa là sách) Sinaiticus. Đây là bản sao bằng giấy da toàn bộ Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp (mặc dầu một vài phần trong Cựu Ước đã bị mất). Bản sao này có niên đại vào thế kỷ thứ tư Sau Công Nguyên. Sách được Count Tischendorf tìm thấy tại Tu viện núi Sinai năm 1844. Sau hai chuyến đi khác đến tu viện, ông đã mua được Codex này cho Nga hoàng vào năm 1859. Chính phủ Anh đã mua lại bộ sách từ Liên Bang Xô Viết với giá 100.000 bảng Anh năm 1933. Bộ sách được lưu giữ tại Bảo tàng Anh trong nhiều năm và hiện tại được trưng bày tại Thư viện Anh. Thư viện Anh cũng lưu giữ Codex Alexandrinus. Bản sao Kinh Thánh tiếng Hy Lạp này được thực hiện vào thế kỷ thứ năm và được giáo trưởng của xứ Alexandria trình đức vua nước Anh, vua Charles đệ nhất vào năm 1627.
  • Bảo tàng Vatican lưu giữ Codex Vaticanus. Bản viết tay này được thực hiện cũng vào khoảng thời gian như bản Sinaiticus, thế kỷ thứ tư Sau Công Nguyên.
  • Codex Ephraemi là bản sao hoàn chỉnh Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Bản sao có niên đại vào thế kỷ thứ năm.
  • Codex Bezae được đặt theo tên của nhà cải chánh giáo hội người Đức Theodor Beza, ông đã trình bản sao này cho đại học Cambridge vào năm 1581. Bản sao được thực hiện vào khoảng thế kỷ thứ năm hoặc thứ sáu, bao gồm các sách Phúc Âm và sách Công vụ các sứ đồ bằng tiếng Hy-lạp và tiếng La-tinh.

Các bản viết tay này có niên đại cổ hơn nhiều thế kỷ so với những bản viết tay mà Erasmus và những người tạo ra bản textus receptus có được. Kết quả là các bản dịch sử dụng những bản văn được phát hiện ra này có thể gần hơn với bản chính. Chính vì vậy mà các bản dịch hiện đại được nhân lên do các bản viết tay có nhiều hơn cho các học giả.

Hơn thế nữa, các bản dịch ngày nay hướng đến nhiều đối tượng độc giả và nhu cầu khác nhau. Một số nhấn mạnh đến nghĩa đen, sao chép lại chính xác những gì trước giả Kinh Thánh đã viết. Bản dịch New American Standard Version và bản trước đó là American Standard Version là ví dụ điển hình cho thể loại này. Bản English Standard Version là bản dịch mới nhất phục vụ cho mục đích này.

Các bản dịch diễn ý lại là một thái cực khác của công tác dịch thuật. Họ hướng đến việc tạo ra ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh bằng ngôn ngữ và khuôn mẫu tư duy của thời đại chúng ta. Bản dịch Living Bible là ví dụ đầu tiên và phổ biến cho phương pháp này; bản New Living Bible tiếp nối thành công của bản dịch trước đó.

Phương pháp dịch “tương đương chủ động” (Dynamic equivalence) dịch Kinh Thánh theo nghĩa đen ở những nơi có thể nhưng điều chỉnh các thành ngữ và phép tu từ khi cần thiết. Bản dịch New International Version là bản phổ biến nhất cho phương pháp này. Bản New Revised Standard Version đứng giữa phương pháp này và dịch theo nghĩa đen. Bản New English Bible và bản theo sau đó là Revised English Bible đứng giữa phương pháp tương đương chủ động và diễn ý.

Chính vì vậy mà ngày nay chúng ta có rất nhiều bản dịch, không phải vì chúng ta không có một quyển Kinh Thánh mà chúng ta có thể tin cậy được, nhưng bởi vì chúng ta tin cậy vào Kinh Thánh. Mỗi một phiên bản được xây dựng trên một bản Kinh Thánh đáng tin cậy được các học giả tạo ra, nhằm đáp ứng nhu cầu của các độc giả mà họ hướng đến.

Các vấn đề còn lại là gì?

Dù các nhà khảo đính đã tạo ra những bản Kinh Thánh đáng tin cậy hơn bất kỳ tài liệu cổ nào trên thế giới, vẫn có những phân đoạn mà các học giả chưa thể nhất trí đâu là phiên bản tốt nhất. Điều đó có ảnh hưởng đến cam kết của chúng ta đối với thẩm quyền Kinh Thánh không? Hoàn toàn không.

Hầu hết các vấn đề chưa được giải quyết liên hệ đến các vấn đề không quan trọng như lỗi chính tả và ngữ pháp. Chỉ có một số lượng nhỏ ảnh hưởng đến ý nghĩa của bản văn. Không điều nào trong số đó có thể thay đổi tín lý hoặc việc thực hành đức tin.

Hãy xem hai phân đoạn nổi bật nhất vẫn chưa có lời giải đáp. Câu chuyện nổi tiếng kể về người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình được sao chép lại trong bản New International Version với dòng lưu ý: “Các bản viết tay cổ nhất và nhiều nhân chứng cổ xưa khác không có Giăng 7:53 – 8:11”. Các bản dịch hiện đại khác cũng có dòng lưu ý tương tự về phần Kinh Thánh này. Lý do rất đơn giản. Câu chuyện này không được tìm thấy trong bất kỳ tài liệu Kinh Thánh tiếng Hy Lạp cổ đáng tin cậy nào.

Bản viết tay cổ nhất ghi lại câu chuyện này đó là bản Codex Bezae, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ năm hoặc thứ sáu. Số ít các bản sao Kinh Thánh Tân Ước có sử dụng câu chuyện này đã đưa vào một vài chỗ trong Phúc Âm của Giăng, và rất nhiều bản sao đã đánh dấu để ghi chú rằng phần này vẫn còn bàn cãi. Ngôn ngữ Hy Lạp trong câu chuyện khác biệt rõ rệt so với phần còn lại của bốn sách Phúc Âm, và câu chuyện làm gián đoạn mạch văn giữa Giăng 7:52 và 8:12.  Không một giáo phụ nào nhắc đến câu chuyện này trong một ngàn năm sau Đấng Christ, thậm chí cả những giáo phụ đã từng bình luận từng câu một trong toàn bộ các sách Phúc Âm. Chính vì thế học giả Kinh Thánh Tân Ước Bruce Metzger đã kết luận rằng: “Các bằng chứng chống lại sự hiện diện của câu chuyện trong sách Giăng là đã rõ.”10

Tại sao chúng ta lại có câu chuyện đó trong Kinh Thánh của mình? Bởi vì câu chuyện này có trong bản textus receptus, là cơ sở của bản Kinh Thánh King James. Các dịch giả của bản Kinh Thánh King James đã kể câu chuyện này là thuộc sách Phúc Âm Giăng, mở ra cánh cổng cho câu chuyện được bước vào các phiên bản khác nhau của Kinh Thánh.

Nhưng đây là điểm mấu chốt: việc bỏ qua câu chuyện này không làm ảnh hưởng đến niềm tin và thực hành Cơ Đốc. Chúng ta biết về sự tha thứ của Đức Chúa Giê-su và lòng thương xót của Ngài qua các bản văn Kinh Thánh Tân Ước đáng tin cậy. Câu hỏi liên quan đến bản văn của Giăng 7:53 – 8:11 không có liên quan đến nền tảng niềm tin của chúng ta.

Một phân đoạn nổi tiếng khác liên quan đến vấn đề này đó là phần kết của sách Phúc Âm Mác. Tại đây chúng ta thấy dòng ghi chú tương tự: “Các bản viết tay cũ nhất không có Mác 16:9-20.” Tương tự như Giăng 7:53 – 8:11, phần này thuộc bản Textus Receptus, và vì thế mà nó có trong bản Kinh Thánh King James.

Một lần nữa, phần Kinh Thánh này không có trong các bản viết tay Kinh Thánh Tân Ước cũ nhất và tốt nhất. Các lãnh đạo Hội Thánh như Clement tại thành Alexandria (sinh năm 150 Sau Công Nguyên) và Origen (sinh năm 185 sau Công Nguyên) cho thấy họ không biết về những câu này. Eusebius (sinh khoảng năm 260 sau Công Nguyên) và Jerome (sinh năm 347 sau Công Nguyên) khẳng định rằng phân đoạn này không có trong hầu hết các bản sao tiếng Hy Lạp mà họ biết. Từ vựng và văn phong của phần kết này khác biệt rõ rệt so với phần còn lại của sách Phúc Âm Mác, và sự liên kết giữa câu 8 và câu 9 khá vụng về. Chính vì vậy các câu này hẳn phải được cho là về sau đã được thêm vào sách Phúc Âm Mác.11

Nếu không có Mác 16:9-20, niềm tin Cơ Đốc bị thay đổi như thế nào? Hầu hết các nhà diễn giải sẽ trả lời rằng: không gì cả. Những người lý luận rằng phép báp-têm là điều kiện cần thiết cho sự cứu rỗi có thể công bố Mác 16:16; nói “tiếng mới” được đề cập trong câu 17; uống nước độc và bắt rắn được nói đến trong câu 18. Hầu hết các học giả đều đồng ý rằng những “dấu hiệu” của sự cứu rỗi ở đây thì không nơi nào trong Kinh Thánh đề cập đến, vì vậy nó không phải là một phần trong nguyên bản Phúc Âm Mác. Tranh cãi liên quan đến phép báp-têm và “tiếng mới” được nêu ra và giải quyết ở những phần khác trong Kinh Thánh Tân Ước.

Kết luận

Vậy là vẫn còn những tranh luận về những phần Kinh Thánh chưa có lời giải. Không một tín lý, niềm tin hoặc thực hành nào gặp thách thức. So với các sách cổ khác, các bản viết tay làm bằng chứng cho Kinh Thánh hoàn toàn chắc chắn.

Theo F. F. Bruce, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này phát biểu: “Sự đa dạng của các bản văn mà tại đó còn tồn tại những hồ nghi giữa những nhà khảo đính Kinh Thánh Tân Ước không ảnh hưởng đến câu hỏi quan trọng về sự thật lịch sử hoặc về niềm tin và thực hành Cơ Đốc.”12

Bruce trích dẫn câu nói của Ngài Frederic Kenyon để chứng minh cho luận điểm của mình:

Khoảng cách thời gian giữa bản chính và bản sao cổ nhất mà chúng ta hiện có thật nhỏ bé đến nỗi có thể bỏ qua được, và nền tảng cuối cùng cho nghi ngờ về việc Kinh Thánh được Đức Chúa Trời ban cho chúng ta về bản chất là được viết ra giờ đây đã bị xóa bỏ. Cả tính xác thực lẫn tính nguyên vẹn chung của các sách của Tân Ước có thể được xem là đã được xác minh.13

Khi người ta phê bình về thẩm quyền Kinh Thánh với tuyên bố như lời tiểu thuyết gia Dan Brown rằng: “lịch sử chưa từng có một phiên bản nhất định của một quyển sách,” giờ đây bạn biết rằng câu nói đó đã sai.14 Bản Kinh Thánh mà bạn có là Kinh Thánh mà Đức Chúa Trời đã giữ gìn xuyên suốt ba mươi lăm thế kỷ. Bản sao của bạn có tính xác thực không kém bản chính. Bằng chứng về bản viết tay là một lý do để chúng ta tin cậy vào lời Chúa.

Chương năm

Kinh Thánh Được Xác Nhận Qua Những Bằng Chứng Bên Ngoài

 

Thẩm Quyền Kinh Thánh và Những Bằng Chứng  Bên Ngoài Kinh Thánh

Những người hoài nghi hỏi rằng tại sao chúng ta không có những bằng chứng xác thực về sự hiện diện của Đức Chúa Giê-su trên đất. Liệu có tồn tại bằng chứng khảo cổ và bằng chứng nào ở bên ngoài Kinh Thánh để minh chứng cho tuyên bố của chúng ta rằng Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời?

Những câu hỏi như thế đã được trả lời phần nào qua một khám phá được công bố vào năm 2002 và được kể là khám phá vĩ đại nhất trong lĩnh vực nghiên cứu Kinh Thánh kể từ sau khi các cuộn sách Kinh Thánh tại Biển Chết được tìm thấy. Tâm điểm của sự chú ý là một nơi để hài cốt bằng đá vôi (hộp đựng hài cốt hoặc chiếc hòm). Được các sử gia xác định niên đại vào thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, chiếc hộp không có gì đáng kể bởi chúng ta có rất nhiều những chiếc hộp đá vôi như thế trong thời Đức Chúa Giê-su. Điều đáng chú ý đó là dòng chữ khắc phía bên hông chiếc hộp: “Gia-cơ con của Giô-sép, em của Giê-su.”

Trong thế kỷ thứ nhất Sau Công Nguyên, người ta có thông lệ đề tên người chết vào mặt bên cạnh của chiếc hộp hài cốt, và tên của người cha. Nhưng việc xác định danh tính của một người bởi tên của anh mình là điều cực kỳ bất thường trong thế giới cổ đại. Hơn thế nữa, việc không đưa ra thông tin chi tiết nào khác ngoại trừ tên của người anh chứng tỏ người anh ấy rất đáng để chú ý.

Chính vì vậy mà các sử gia đã ngay lập tức bị cuốn hút khi chiếc hộp được đưa ra ánh sáng. Rất nhiều sách báo đã được các học giả viết ra với nhiều ý kiến trái ngược. Giờ đây các sử gia đã rao ra kết luận rộng rãi rằng dòng chữ “em của Giê-su” là giả, được khắc sau này so với dòng chữ gốc. Vậy chúng ta bị bỏ lại nơi mà chúng ta đã đứng trước đó.

Nhưng đó là một nơi tốt.

Những bằng cớ chứng minh về Đức Chúa Giê-su bên ngoài Kinh Thánh

Có một nhà thơ tuyên bố về Đức Chúa Giê-su rằng: “Tất cả các quân đội từng hành quân, tất cả mọi hải quân từng ra khơi, tất cả mọi nghị viên quốc hội từng ngồi vào ghế họp, và tất cả mọi vua từng cai trị, đặt lại cùng nhau, cũng không thay đổi sự sống trên trái đất này nhiều bằng chỉ một mình con người ấy.”1 Cơ Đốc Nhân trên hành tinh này nhiều hơn bất kỳ tín đồ thuộc các tín ngưỡng khác, và chính vì thế vị thế của người Cơ Đốc trên toàn cầu liên quan đến sự tồn tại và thần tánh của Đức Chúa Giê-su là đã rõ. Thế nhưng liệu điều đó đã được kiểm chứng?2

Chúng ta tin rằng Đức Chúa Giê-su là Chúa bởi vì Kinh Thánh dạy chúng ta như thế. Nhưng kinh Koran dạy rằng Allah là Đức Chúa Trời duy nhất. Những người Phật Giáo làm theo những kinh kệ linh thiêng của họ, những người Hindu và rất nhiều các tôn giáo khác cũng vậy. Liệu chúng ta có những bằng chứng khác để minh chứng cho cam kết của chúng ta với Đấng Christ là Vua trên muôn Vua? Làm thế nào chúng ta bác bỏ tuyên bố cho rằng thần tánh của Đức Chúa Giê-su là một giáo lý được suy luận ra từ nhiều thế kỷ sau khi Ngài chết?

Trước khi chúng ta trình bày câu trả lời của mình một cách có hệ thống, hãy nhớ một số sự thật về những bằng chứng chứng minh cho Đức Chúa Giê-su bên ngoài Kinh Thánh:

  • Các tin tức quốc tế trong thời của Đức Chúa Giê-su rất có hạn, điều đó khiến cho các sử gia tại Rô-ma không chắc có hiểu biết về đời sống và chức vụ của Ngài tại xứ Palestin.
  • Rất ít văn chương vào thời của Đức Chúa Giê-su còn tồn tại cho đến ngày nay (xin xem chương bốn). Chính vì vậy chúng ta không quá ngạc nhiên nếu những ghi chú ngoài Kinh Thánh kể về Đức Chúa Giê-su là có giới hạn.
  • Vào thời Constantine (năm 312 sau Công Nguyên), Hội Thánh sở hữu uy quyền của nhà nước để tịch thu mọi văn chương chống lại Cơ Đốc. Họ cho rằng những người ngoại giáo đang báng bổ Đức Chúa Giê-su và hủy bỏ rất nhiều các tác phẩm đó.
  • Tính chất của những sự kiện liên quan đến cuộc sống của Đức Chúa Giê-su trên đất, tập trung vào một quốc gia và tôn giáo nhỏ sẽ rất khó để thu hút sự quan tâm tại Rô-ma.
  • Những nguồn tài liệu từ bên ngoài có thể đã được các nhà hùng biện chống lại Cơ Đốc Giáo gây ảnh hưởng.
  • Các tài liệu Do Thái kể từ thời đại đó trở đi gặp vấn đề về độ đáng tin cậy lẫn vấn đề diễn giải.

Dù có những điều trên, bằng chứng lịch sử về đời sống của Đức Chúa Giê-su, sự chết và phục sinh của Ngài là cực kỳ có ích trong việc xác thực thẩm quyền lời Chúa.

Những người ngoại quốc nhắc đến Đức Chúa Giê-su

Chúng ta sẽ bắt đầu với các sử gia Rô-ma. Họ đã đề cập đến Đức Chúa Giê-su theo một cách nào đó. Thallus the Samaritan đã viết một cuốn lịch sử Hy Lạp và mối quan hệ giữa quốc gia này với Châu Á kể từ sau chiến tranh thành Troia cho đến thời của ông. Tài liệu không còn trong thời nay. Một nhà văn Cơ Đốc, Julius Africanus (khoảng năm 180-250 sau Công Nguyên) đã nhắc đến sự kiện Thallus, có thể được viết vào khoảng năm 52 sau Công Nguyên. Julius Africanus ghi rằng Thallus đã giải thích sự tối tăm vào ngày Giê-su bị đóng đinh là nhật thực.3 Julius và Eusebius tin rằng Thallus đang nói đến sự đóng đinh của Đức Chúa Giê-su, cho thấy rằng câu chuyện Đức Chúa Giê-su chịu thương khó đã được những cộng đồng phi Cơ Đốc biết đến giữa thế kỷ thứ nhất. Cũng vậy, tuyên bố của Thallus chứng tỏ rằng những người chống đối Đạo Cơ Đốc đã cố bác bỏ các tuyên bố Cơ Đốc bằng những sự diễn giải hợp với tự nhiên khi nói về những sự kiện có thật được thuật lại.

Pliny the Elder, là một nhà văn vĩ đại chuyên viết theo thể thư tín và cũng là nhà quan sát tài ba trong thời của mình. Mười sách về thư từ của Pliny vẫn còn cho đến ngày nay. Pliny đã viết tài liệu tiếng Latin đầu tiên mà trong đó Đức Chúa Giê-su được nhắc đến. Quyển sách thứ mười về các thư từ của ông, được biên soạn vào khoảng năm 112 sau Công Nguyên, chứa đựng rất nhiều những bức thư gửi cho Quốc Vương Trajan nói về việc cai trị tại Bithynia. Một trong số các bức thư đó liên quan đến vấn đề xử lý các Cơ Đốc Nhân. Trong bức thư đó ông đã mô tả nỗ lực của mình để khiến họ bỏ đi đức tin nơi Đấng Christ. Một trích đoạn trong mô tả của ông là: “Họ có thói quen hội họp vào những ngày cố định trước khi trời sáng, tại đó họ hát những lời thánh ca cho Đấng Christ như là một vị thần.”4

Pliny đã cho chúng ta sự mô tả ngoài Kinh Thánh về vấn đề thờ phượng Cơ Đốc trong thời xưa nhất, tài liệu vẫn còn cho đến ngày nay. Điều đó cho thấy từ thế hệ đầu tiên của phong trào Cơ Đốc, các Cơ Đốc Nhân đã tôn Đức Chúa Giê-su là Thần. Thần tánh của Ngài không phải do sắc lệnh của Constantine vào hai thế kỷ sau đó, cũng không phải do sự tiến triển trong niềm tin qua nhiều thế hệ. Ngược lại, những người tin Chúa luôn biết rằng có Đức Chúa Giê-su, và Ngài là Chúa của họ.

Tacitus (khoảng 55-120 sau Công Nguyên) là sử gia vĩ đại nhất của Rô-ma cổ đại. Một trong số các tác phẩm của ông là Annals (khoảng mười tám sách, bao quát khoảng thời gian từ sau khi Augustus qua đời năm 14 sau Công Nguyên cho đến sau khi Nero qua đời năm 68 sau Công Nguyên). Trong Annals 15:44 chúng ta thấy phần đề cập rõ ràng duy nhất đến Đấng Christ do người ngoại viết vào thời ban đầu. Nói về trận hỏa hoạn lớn tại Rô-ma trong thời cai trị của Nero, Tacitus đã tường thuật lại:

Hậu quả là, để loại bỏ bản báo cáo [nói rằng ông đã gây ra trận hỏa hoạn], Nero quy tội lỗi và giáng đòn tra tấn nặng nề nhất cho một tầng lớp bị ghét bỏ vì sự ghê tởm của họ, quần chúng gọi họ là Cơ Đốc Nhân. Christus, là người mà từ đó bắt nguồn danh xưng Cơ Đốc, đã chịu hình phạt cực độ trong thời cai trị của Tiberius dưới tay của một trong số những thống đốc của chúng ta, Pontius Pilatus, và một sự mê tín gây tai hại nhất… đã nổ ra.

Tacitus không phải là nhân chứng của những sự kiện đó. Nhưng ông ghi lại những sự việc đó như một sự thật trong lịch sử, ghi rằng Đức Chúa Giê-su đã tồn tại, rằng Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá dưới tay Pontius Pilate, và rằng sau khi Đức Chúa Giê-su qua đời, một “sự mê tín” đã xảy ra. “Sự mê tín” chỉ về một điều gì đó siêu nhiên, không phải là sự kiện lịch sử bình thường. Đó chính là sự phục sinh. Vậy trước năm 115 sau Công Nguyên chúng ta đã có bằng chứng về sự sống và sự chết của Đức Chúa Giê-su cùng niềm tin của những môn đệ của Ngài rằng Ngài đã sống lại từ cõi chết.

Gaius Suetonius Tranquillas (khoảng năm 65-135 sau Công Nguyên) là chánh thư ký của Quốc Vương Hadrian (năm 117-138 sau Công Nguyên). Là một sử gia Rô-ma với quyền được tiếp cận những ký thuật hoàng gia, những ghi chép của ông là đặc biệt đáng chú ý. Suetonius ghi lại rằng trong thời trị vì của Nero, “Hình phạt đã giáng trên các Cơ Đốc Nhân, một giáo phái tuyên xưng một niềm tin tôn giáo mới và gây nguy hại” (Nero 16:2). Sau đó, trong thời cai trị của Claudius: “Bởi vì người Do Thái tại thành Rô-ma không ngừng gây náo động dưới sự xúi giục của Chrestus, ông đã trục xuất họ khỏi thành” (Claudius 25:4). Việc trục xuất này xảy ra vào năm 49 sau Công Nguyên và được ghi lại trong Công vụ các sứ đồ 18:2.

Như vậy những chứng cớ của người ngoại viết về Đức Chúa Giê-su chứng minh rằng Đạo Cơ Đốc đã được biết đến và được ghi lại tại Rô-ma trong thế kỷ đầu tiên sau khi Đức Chúa Giê-su chịu chết và phục sinh. Các bằng chứng cũng xác nhận:

  • Đức Chúa Giê-su tồn tại như một nhân vật lịch sử.
  • Những Cơ Đốc Nhân tin vào sự phục sinh của Ngài.
  • Họ thờ phượng Ngài như một Chúa sống.

Những người Do Thái nhắc đến Đức Chúa Giê-su

Sử gia Do Thái nổi bật nhất trong thế giới cổ đại đó là Flavius Josephus (khoảng năm 37-97 sau Công Nguyên). Sinh ra tại thành Giê-ru-sa-lem, Josephus thuộc gia đình thầy tế lễ có địa vị cao và được tiếp nhận nền giáo dục ở phạm vi rộng. Vào tuổi mười chín, ông gia nhập dòng Pha-ri-si. Ông đã chống đối Rô-ma trong cuộc nổi dậy của người Do Thái bắt đầu từ năm 66 sau Công Nguyên, nhưng sau này ông là người lãnh đạo dưới thời Vespasian tại thành Giê-ru-sa-lem.

Sau khi đền thờ Do Thái bị phá hủy vào năm 70 sau Công Nguyên, Josephus di chuyển đến Rô-ma. Tại đó ông là sử gia trong triều đình Quốc Vương Vespasian. Trong số các tác phẩm của Josephus có cuốn Lịch sử chiến tranh Do Thái, Việc đời xưa (Antiquity); Tự truyện; và Chuyện đời xưa của người Do Thái (On the Antiquity of the Jews).

Trong cuốn Việc đời xưa, Đức Chúa Giê-su được nhắc đến hai lần. Lần đầu tiên là: Ananias “đã triệu tập một hội đồng tôn giáo của người Do Thái, dẫn Gia-cơ đến trước họ, là em của Giê-su gọi là Christ, và một số người khác… và ông lệnh ném đá họ” (Việc đời xưa 20:9:1). Xin lưu ý rằng Josephus đề cập đến Đức Chúa Giê-su mà không có bất cứ bình luận hoặc giải thích chi tiết nào, có thể là dựa trên phát biểu trước đó của ông trong Việc đời xưa nói về Đức Chúa Giê-su (xem phần tham khảo tiếp theo, Testimonium Flavianum). Nếu là vậy, phần văn bản trong Việc đời xưa xác nhận tính chất xác thực của văn bản trước đó. Cũng vậy, nó thể hiện cho chúng ta thấy rằng nhân vật Giê-su rất quan trọng, bởi vì nhân vật này có thể được xác định khi nêu tên mà không cần giải thích thêm.

Phần tham khảo trong Việc đời xưa viết rằng:

Khi ấy, trong khoảng thời gian này xuất hiện Giê-su, một người thông thái. Bởi vì ông ấy là người làm những công việc tuyệt diệu, một người thầy của những người nam tiếp nhận lẽ thật với lòng vui sướng. Rất nhiều người Do Thái lẫn người ngoại đến với ông. Ông là Đấng Christ. Khi Pilate, chiếu theo kiến nghị của những người đứng đầu giữa vòng chúng ta, đã đóng đinh Giê-su trên thập tự giá. Những người lúc đầu yêu mến ông ấy đã không từ bỏ ông, bởi vì ông xuất hiện trước họ là một người sống lại từ cõi chết vào ngày thứ ba, như những lời tiên tri đã nói trước về những việc này và mười vạn điều tuyệt diệu khác liên quan đến ông. Nhóm người Cơ Đốc, được đặt tên từ Christ vẫn còn cho đến ngày nay.

Nếu phần tham khảo trên là đáng tin cậy thì tài liệu này đã công bố một điều vô cùng ý nghĩa về thần tính và sự phục sinh của Đức Chúa Giê-su. Bởi vì Josephus có được thông tin trực tiếp nên phát biểu của ông là cực kỳ quan trọng.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà diễn giải không tin những yếu tố Cơ Đốc duy nhất trong bản văn này là do Josephus viết ra. Thay vào đó, họ xác nhận rằng những sự thật cơ bản của Việc đời xưa có thể được chấp nhận là có thực, với những ý kiến diễn giải thần học. Như vậy, tài liệu này là một ký thuật quan trọng của người Do Thái về những sự thật căn bản của cuộc đời Đức Chúa Giê-su, sự chết và sự phục sinh được kể lại của Ngài.

Truyền thống Talmud (bộ sưu tập các văn kiện Do Thái cổ đại) cung cấp thêm thông tin xác nhận về sự hiện diện của Đức Chúa Giê-su. Talmud là một bộ sưu tập các truyền thống Do Thái truyền miệng được hoàn thành vào khoảng năm 200 sau Công Nguyên. Bản ký thuật của các truyền thống truyền miệng được gọi là Mishnah. Các lời chú thích cổ cho tài liệu này là Gemara. Mishnah và Gemara kết hợp lại thành Talmud.

Chúng ta có lý do tin rằng Talmud có thành kiến về Đức Chúa Giê-su.

Điều đáng lưu ý đó là những người đã viết nên những tài liệu bác bỏ Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si đã không bác bỏ sự tồn tại của Ngài. Việc bác bỏ sự tồn tại của Đức Chúa Giê-su có thể là cách dễ dàng nhất để hạ bệ phong trào Cơ Đốc đang lớn mạnh lên. Tuy nhiên những tác giả này vì sống rất gần với thời điểm chức vụ của Đức Chúa Giê-su trên đất nên họ biết những tuyên bố như vậy cần phải bị bác bỏ. Chính vì vậy thậm chí khi họ mạnh mẽ chống lại làn sóng Cơ Đốc cũng là một minh chứng cho sự tồn tại của Đức Chúa Giê-su.

Các ký thuật Cơ Đốc vào buổi ban đầu

Các tác giả Cơ Đốc đầu tiên đã viết ra hàng loạt những văn kiện quan trọng về đời sống và tầm quan trọng của Đức Chúa Giê-su. Rất nhiều trong số những tài liệu ấy chứa đựng những sự thật mang tính sống còn để chứng minh về Đấng Christ. Chúng ta có thể kỳ vọng những tài liệu này phản ánh cách tích cực về niềm tin Cơ Đốc của các tác giả. Điều quan trọng đó là những cam kết đức tin này được lập nên ở thời gian đầu tiên trong lịch sử Cơ Đốc, không phải là sản phẩm tiến triển qua nhiều thế hệ và các biến cố chính trị.

  • Clememnt, giám mục của Hội thánh Rô-ma (năm 95 sau Công Nguyên) thường được cho là tác giả Cơ Đốc nói đến những dữ kiện bên ngoài Kinh Thánh sớm nhất. Là người đứng đầu các trưởng lão tại Hội Thánh Rô-ma. Ông đã viết Thư gửi Hội Thánh Cô-rinh-tô, cũng được gọi là 1 Clement, để giúp giải quyết một tranh chấp giữa những người ngoại và các trưởng lão trong Hội Thánh Cô-rinh-tô. Bức thư của ông nêu lên thần tánh của Đấng Christ và sự ủy thác thẩm quyền bởi Đấng Christ trên các sứ đồ của Ngài. Clememt neo thẩm quyền phúc âm trên sự phục sinh của Đấng Christ.
  • Ignatius (khoảng năm 110 sau Công Nguyên) đã viết bảy bức thư cho sáu Hội Thánh và một cá nhân (Polycarp). Lúc đó Polycarp sắp bị hành hình tại Rô-ma. Bức thư của Ignatius gửi đến Hội Thánh Trallians cung cấp thông tin về dòng dõi của Đức Chúa Giê-su, đời sống, sự đóng đinh trên cây thập tự và sự sống lại của Ngài. Thư tín của ông gửi đến Hội Thánh Smyrneans xác nhận dòng dõi của Đức Chúa Giê-su và việc Ngài được sinh ra bởi người nữ đồng trinh, sự báp-têm, đóng đinh trên thập tự giá và sự sống lại của Ngài. Bức thư của ông gửi đến cho Hội Thánh Magnesians xác nhận sự thật về sự giáng sinh của Đức Chúa Giê-su, sự chết và phục sinh của Ngài.
  • Quadratus (khoảng năm 125 sau Công Nguyên) cung cấp tài liệu biện giáo đầu tiên cho tính chất có thật trong lịch sử của những phép lạ mà Đức Chúa Giê-su đã thực hiện.
  • Thư của Ba-na-ba (khoảng năm 100-130) cho thấy Đức Chúa Giê-su làm trọn luật pháp Cựu Ước.
  • Justin Tử Đạo (khoảng năm 100-165) cung cấp các bài nghiên cứu rất dài nhưng vô cùng quan trọng và ý nghĩa về tính chất lịch sử có thật của Đức Chúa Giê-su. Cuốn Biện giáo đầu tiên (First Apology) cung cấp tài liệu về đời sống của Đức Chúa Giê-su, sự chết và phục sinh của Ngài.

Những tài liệu kể trên và những tài liệu Cơ Đốc đầu tiên khác minh chứng rằng đời sống trên đất của Đức Chúa Giê-su và chức vụ của Ngài là có thật trong lịch sử. Những văn kiện trên được viết ra trong thời gian mà những tuyên ngôn trong đó dễ dàng bị phản bác nếu chúng không phải là sự thật. Những bức thư Cơ Đốc vào thời ban đầu này sao chép lại rất nhiều từ Kinh Thánh Tân Ước và chúng là những bằng chứng độc lập để chứng minh cho tính đáng tin cậy cùng thẩm quyền của Kinh Thánh.

Chính vì vậy, dựa trên những bằng chứng bên ngoài Kinh Thánh, chúng ta có thể biết rằng:

  • Đức Chúa Giê-su đã từng hiện diện trên đất.
  • Ngài bị Pontius Pilate đóng đinh.
  • Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên tin rằng Đức Chúa Giê-su được sống lại từ cõi chết.
  • Hội Thánh đầu tiên thờ phượng Đức Chúa Giê-su là Chúa và là Đức Chúa Trời.
  • Những người Do Thái đối lập cố gắng phỉ báng Đức Chúa Giê-su nhưng họ không bao giờ chối bỏ sự hiện diện của Ngài trên đất.
  • Niềm tin Cơ Đốc được lập nên trong lịch sử Hội Thánh ngay từ thuở ban đầu và không phải là sự sáng tạo của những người sau này xem xét lại nghĩ ra.

Đế Quốc Rô-ma đàn áp làn sóng Cơ Đốc  bởi vì người Cơ đốc tuyên bố rằng ngoài Đức Chúa Giê-su thì không có ai là vua. Không cách nào giải thích cho đức tin vững chắc của họ, dũng khí, và về việc phong trào của họ lan tỏa nhanh chóng ngoại trừ nguyên nhân duy nhất là Đấng Christ hằng sống đã thay đổi đời sống của họ và thêm sức mạnh đức tin của họ. Hàng ngàn người đã tử đạo, và con số đó còn nhân lên bởi vì cam kết đức tin của họ với Đức Chúa Giê-su.

Chính vì vậy các bằng chứng bên ngoài Kinh Thánh minh chứng cho tuyên bố trọng tâm của Kinh Thánh là đáng tin cậy, tuyên bố đó là: Đức Chúa Giê-su là Chúa. Những sự kiện có thật trong lịch sử là bằng chứng tuyệt vời cho thẩm quyền của Quyển Sách ghi lại đời sống và chức vụ của Ngài.

Bằng chứng khảo cổ học chứng minh cho Kinh Thánh

Chúng ta không chỉ có những bằng chứng bên ngoài Kinh Thánh nổi bật để chứng minh cho chủ đề trọng tâm của Kinh Thánh, nhưng chúng ta cũng có những dữ liệu khảo cổ học tuyệt vời là bằng chứng cho phần còn lại của Kinh Thánh. Sau đây chỉ là một số ít các ví dụ, được nêu lên theo trình tự của Kinh Thánh.5

Các khám phá về thời Cựu Ước

Năm 1993, khi các nhà khảo cổ người Israel đang sàn lọc những mảnh vụn của thành cổ đổ nát Đan ở Ga-li-lê. Họ đã phát hiện một mẫu vật có chữ viết trên đó, đây là mảnh vỡ của một “tấm bia” (bia kỷ niệm) và được xác định niên đại vào thế kỷ thứ chín trước Chúa. Tấm bia tưởng niệm chiến thắng của vua Đa-mách trước vua Israel và nhà Đa-vít. Mẫu vật ghi rõ ràng dòng chữ “Nhà Đa-vít.”6

Các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện ra những bằng chứng đầy ấn tượng về sự giàu có của Sa-lô-môn và những công trình xây dựng của ông. Các công trường khai quật tại Hazor, Megiddo, và Gezer cho ta cái nhìn thấu suốt về thời đại Sa-lô-môn trị vì. Một phần ngôi đền thờ Sa-lô-môn đã xây vẫn còn đứng ở phía đông của Núi Đền.7

Sử ký của người Ba-by-lôn ghi lại việc phá hủy Giê-ru-sa-lem cũng tương đồng với ký thuật Kinh Thánh về bi kịch này.8 Cũng vậy, tàn tích của cung điện vua Nê-bu-cát-nết-sa đã được phát hiện, chứng minh rằng vị vua này đã từng hiện diện và đóng một vai trò cực kỳ quan trọng ở Trung Đông thời cổ đại.9

Các bằng chứng về Kinh Thánh Tân Ước

Theo Lu-ca 3:1, Ly-sa-ni-a làm vua chư hầu xứ A-by-len khi Giăng Báp-tít bắt đầu chức vụ. Tuy nhiên chưa có bằng chứng nào chứng minh cho sự tồn tại của Ly-sa-ni-a cho đến khi một mẫu vật được tìm thấy ghi lại một lễ cung hiến đền thờ do ông thực hiện. Tên của ông, chức vị, và địa điểm hoàn toàn trùng khớp với mô tả của Lu-ca.10

Năm 1961, các cuộc khai quật  tàn tích bên bờ biển Caesarea Maritima đã đưa ra ánh sáng một mẫu vật vào thế kỷ thứ nhất. Bị hư hại nghiêm trọng, mẫu vật ghi lại những dòng chữ ngắt quãng tiếng La-tin: Tiberieum… [Pon]tius Pilatus… [Praef]ectus Juda[ea]e. Dòng chữ này xác nhận Pontius Pilate là quận trưởng hay nói cách khác là người cai trị xứ Giu-đê.11

Yhohnn Yehohanan là một nạn nhân của án tử hình trên thập giá, bị hành hình trong cuộc nổi dậy của người Do Thái năm 70 sau Công Nguyên. Năm 1968, hài cốt của ông đã được phát hiện. Chân của ông bị gãy, minh chứng cho cách của người Rô-ma đẩy nhanh cái chết cho nạn nhân. Những cây đinh xuyên qua cổ tay và cổ chân.12 Cái chết của ông hoàn toàn phù hợp với mô tả về việc Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh trong cách sách Phúc Âm (xem Giăng 19:17-32).

Lu-ca đã kể về mục vụ của Phao-lô tại thành Cô-rinh-tô và việc ông bị bắt bớ: “Lúc Ga-li-ôn đang làm quan trấn thủ xứ A-chai, người Giu-đa đồng lòng nổi lên nghịch cùng Phao-lô” (Công vụ các sứ đồ 18:12). Ga-li-ôn đã đuổi những người cáo buộc Phao-lô ra khỏi tòa án (Công vụ 18:16) và không khởi tố Phao-lô. Những người phê bình hoài nghi về tuyên bố của Lu-ca nói rằng Ga-li-ôn là “thống đốc” của xứ A-chai trong thời gian Phao-lô thi hành chức vụ tại đó. Sau này một mẫu vật được tìm thấy tại Delphi ghi lại chính xác chức danh của Ga-li-ôn; mẫu vật được xác định niên đại vào năm 51 sau Công Nguyên, là thời gian Phao-lô đang ở tại Cô-rinh-tô.13

Ê-rát được nhắc đến trong Công vụ 19:22 là một trong số những người đồng lao với Phao-lô thi hành mục vụ tại thành Cô-rinh-tô. Các khai quật tại thành Cô-rinh-tô đã phát hiện một mẫu vật ghi rằng: “Ê-rát, người thay quyền và quan thị chính, đã xây đường này bằng tiền của ông.”14

Ứng nghiệm lời tiên tri

Đức Chúa Giê-su nhiều lần biện hộ cho mình bằng những tiên tri trong Cựu Ước nói về chính Ngài:

  • Khi bắt đầu chức vụ, Đức Chúa Giê-su đọc một tiên tri nói về Đấng Mê-si từ trong Ê-sai 61. Sau đó Đức Chúa Giê-su nói với đám đông đang chờ đợi rằng: “Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà các ngươi mới vừa nghe đó” (Lu-ca 4:21).
  • Ngài nói với những người chỉ trích Ngài rằng: “Các ngươi dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh Thánh làm chứng về ta vậy. Các ngươi không muốn đến cùng ta để được sự sống!… Vì nếu các ngươi tin Môi-se, cũng sẽ tin ta; bởi ấy là về ta mà người đã chép” (Giăng 5:39-40, 46).
  • Tại bữa tiệc lễ Vượt Qua cuối cùng, Đức Chúa Giê-su căn dặn các môn đồ: “Vì ta rao cho các ngươi, có lời chép rằng: Ngài đã bị kể vào hàng kẻ dữ. Lời ấy phải ứng nghiệm về chính mình ta. Thật vậy, sự đã chỉ về ta hầu được trọn” (Lu-ca 22:37).
  • Khi bị bắt, Đức Chúa Giê-su nói với đám đông: “Nhưng mọi điều ấy phải xảy đến, hầu cho những lời các đấng tiên tri đã chép được ứng nghiệm” (Ma-thi-ơ 26:56).
  • Trong đêm Chủ Nhật phục sinh đầu tiên, Ngài nói chuyện cùng hai môn đồ đang đi về Em-ma-út rằng: “Hỡi những kẻ dại dột, có lòng chậm tin lời các đấng tiên tri nói! Há chẳng phải Đấng Christ chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh hiển mình sao? Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh” (Lu-ca 24:25-27).
  • Sau khi phục sinh, Đức Chúa Giê-su nói cùng những môn đồ đang đầy kinh ngạc rằng: “Mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các Thi Thiên phải được ứng nghiệm” (Lu-ca 24:44).

Kinh Thánh Tân Ước cũng đưa ra những lời tương tự, nhiều lần tuyên bố Đức Chúa Giê-su làm ứng nghiệm các lời tiên tri trong Cựu Ước nói về Đấng Mê-si:

  • Trong ngày lễ Ngũ tuần, Phi-e-rơ trích dẫn những lời tiên tri từ Giô-ên 2, Thi Thiên 16, và Thi Thiên 110 nhằm công bố Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a mà Đức Chúa Trời đã hứa (Công vụ 2:14-36).
  • Sau đó Phi-e-rơ giải thích về việc Đức Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập tự giá cho một đoàn dân đông tại thành Giê-ru-sa-lem: “Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng cách đó mà ban cho ứng nghiệm lời Ngài phán tiên tri bởi miệng các đấng tiên tri rằng Đấng Christ của Ngài phải chịu đau đớn” (Công vụ 3:18).
  • Phi-e-rơ nói cùng Cọt-nây rằng: “Hết thảy các đấng tiên tri đều làm chứng nầy về Ngài rằng hễ ai tin Ngài thì được sự tha tội vì danh Ngài” (Công vụ 10:43).
  • Khi Phao-lô đến thành Tê-sa-lô-ni-ca: “Phao-lô tới nhà hội theo thói quen mình, và trong ba ngày Sa-bát bàn luận với họ,lấy Kinh Thánh cắt nghĩa và giải tỏ tường về Đấng Christ phải chịu thương khó, rồi từ kẻ chết sống lại. Người nói rằng Đấng Christ nầy, tức là Đức Chúa Jêsus mà ta rao truyền cho các ngươi” (Công vụ 17:2-3).
  • Phao-lô nói về thông điệp của mình là “Tin Lành xưa kia Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri Ngài mà hứa trong Kinh Thánh” (Rô-ma 1:2).
  • Thông điệp của Phao-lô có thể được tóm tắt lại như sau: “Vả trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh” (I Cô-rinh-tô 15:3-4).

Rõ ràng, nếu Đức Chúa Giê-su không phải là Đấng làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Cựu Ước về Đấng Mê-si, cả Đức Chúa Giê-su lẫn các môn đệ của Ngài đều là những kẻ lừa gạt tồi tệ nhất. Phong trào của họ hoàn toàn dựa trên tuyên bố Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si mà Đức Chúa Trời đã hứa. Cho đến nay tuyên bố ấy vẫn y nguyên.

Các tiên tri giới thiệu về Đấng Mê-si

Hơn 300 lần Kinh Thánh Cựu Ước tuyên bố hoặc dự ngôn về Đấng Mê-si sẽ đến.15 Đức Chúa Giê-su đã ứng nghiệm tất cả mọi lời tiên tri. Hầu hết các học giả xác định niên đại cho sách Ma-la-chi, quyển sách cuối cùng của Cựu Ước, là vào khoảng năm 400 Trước Công Nguyên, chứng tỏ rằng những dự ngôn này không được đề ra trong thời của Đức Chúa Giê-su. Những dịch giả tạo nên bản Kinh Thánh Septuagint, bản Kinh Thánh Cựu Ước tiếng Hy Lạp, bắt đầu công việc của họ vào khoảng năm 250 trước Công Nguyên. Chính vì vậy mà ít nhất khoảng cách thời gian từ những sự dự ngôn cuối cùng được tuyên bố cho đến khi Đức Chúa Giê-su làm ứng nghiệm các lời dự ngôn là hơn hai thế kỷ.

Sau đây là một số các lời tiên tri chính được liệt kê theo trình tự thời gian đời sống của Đức Chúa Giê-su trên đất:

  • Bởi một người nữ sanh ra (Sáng thế ký 3:15; Ga-la-ti 4:4)
  • Được sinh ra từ một người nữ đồng trinh (Ê-sai 7:14; Ma-thi-ơ 1:18, 24-25; Lu-ca 1:26-35)
  • Dòng dõi Áp-ra-ham (Sáng thế ký 22:18; Ma-thi-ơ 1:1; Ga-la-ti 3:16)
  • Dòng dõi Y-sác (Sáng thế ký 21:12; Lu-ca 3:23, 34; Ma-thi-ơ 1:1-2)
  • Dòng dõi Gia-cốp (Dân số ký 24:17; Lu-ca 3:23, 34)
  • Thuộc chi phái Giu-đa (Mi-chê 5:2; Lu-ca 3:23, 33; Ma-thi-ơ 1:1-2)
  • Từ dòng dõi gia đình Giê-se (Ê-sai 11:1; Lu-ca 3:23, 32; Ma-thi-ơ 1:1, 6)
  • Từ nhà Đa-vít (Giê-rê-mi 23:5; Lu-ca 3:23, 31; Ma-thi-ơ 1:1)
  • Sinh ra tại thành Bết-lê-hem (Mi-chê 5:2; Ma-thi-ơ 2:1)
  • Được dâng những lễ vật (Thi Thiên 72:10; Ma-thi-ơ 2:1, 11)
  • Các con trẻ trong khu vực mà Chúa giáng sinh sẽ phải bị tàn sát (Giê-rê-mi 31:15; Ma-thi-ơ 2:16)
  • Được Đức Thánh Linh xức dầu (Ê-sai 11:2; Ma-thi-ơ 3:16-17)
  • Một sứ giả đi trước Ngài (Ê-sai 40:3; Ma-la-chi 3:1; Ma-thi-ơ 3:1-2)
  • Thi hành chức vụ tại Ga-li-lê (Ê-sai 9:1; Ma-thi-ơ 4:12-17)
  • Thực hiện những phép lạ (Ê-sai 35:5-6; Ma-thi-ơ 9:35)
  • Cưỡi một con lừa tiến vào thành Giê-ru-sa-lem (Xa-cha-ri 9:9; Lu-ca 19:35-37)
  • Ngài sẽ bị phản bội (Thi Thiên 41:9; Ma-thi-ơ 10:4)
  • Bị các môn đệ từ bỏ (Xa-cha-ri 13:7; Mác 14:50)
  • Bị người ta lấy chứng dối mà buộc tội Ngài (Thi Thiên 35:11; Ma-thi-ơ 26:59-60)
  • Ngài im lặng trước những người cáo buộc (Ê-sai 53:7; Ma-thi-ơ 27:12)
  • Bị thương và chịu đau khổ (Ê-sai 53:5; Ma-thi-ơ 27:26)
  • Bị trừng phạt và bị khạc nhổ (Ê-sai 5-:6; Ma-thi-ơ 26:67)
  • Bị coi khinh (Thi Thiên 22:7-8; Ma-thi-ơ 27:29)
  • Tay và chân bị đâm xuyên (Thi Thiên 22:16; Lu-ca 23:33)
  • Chịu đóng đinh cùng với những tên trộm (Ê-sai 53:12; Ma-thi-ơ 27:38)
  • Cầu nguyện cho những người đã bắt bớ mình (Ê-sai 53:12; Lu-ca 23:34)
  • Những người bạn đứng đằng xa (Thi Thiên 38:11; Lu-ca 23:49)
  • Áo Ngài bị xé và bắt thăm để chia cho nhau (Thi Thiên 22:18; Giăng 19:23-24)
  • Chịu khát (Thi Thiên 69:21; Giăng 19:28)
  • Họ cho Ngài mật đắng và giấm (Thi Thiên 69:21; Ma-thi-ơ 27:34)
  • Chịu Đức Chúa Trời từ bỏ (Thi Thiên 22:1; Ma-thi-ơ 27:46)
  • Phó thác chính Ngài vào tay Đức Chúa Trời (Thi Thiên 31:5; Lu-ca 23:46)
  • Xương Ngài không bị gãy (Thi Thiên 34:20; Giăng 19:33)
  • Hông Ngài bị giáo đâm (Xa-cha-ri 12:10; Giăng 19:34)
  • Được chôn trong mộ của người giàu (Ê-sai 53:9; Ma-thi-ơ 27:57-60)
  • Được sống lại từ cõi chết (Thi Thiên 16:18; Công vụ các sứ đồ 2:31)
  • Thăng thiên về trời (Thi Thiên 68:18; Công vụ các sứ đồ 1:9)
  • Ngồi bên hữu Đức Chúa Trời (Thi Thiên 110:1; Hê-bơ-rơ 1:3)

Rõ ràng, các lời tiên tri trong Kinh Thánh được ứng nghiệm. Nhân vật trọng tâm của Kinh Thánh: Đấng Mê-si của Đức Chúa Trời.

Kết luận

Các bằng chứng khảo cổ và các bằng chứng bên ngoài Kinh Thánh minh chứng cho Con Đức Chúa Trời chính là những điều chúng ta kỳ vọng tìm thấy. Các sử gia Rô-ma ít chú ý đến đời sống và sự chết của Đức Chúa Giê-su cho đến khi phong trào của Ngài bắt đầu lớn mạnh trong toàn Đế Quốc. Bằng chứng khảo cổ học cung cấp thông tin về sự tồn tại của hầu hết các vị vua nổi bật trong Cựu Ước và những lãnh đạo được nhắc đến trong Tân Ước. Các ghi chú khảo cổ không mâu thuẫn với Kinh Thánh. Thay vào đó, chúng ta tìm thấy được những bằng chứng bên ngoài Kinh Thánh để xác nhận những điều mà chúng ta đọc được trong Kinh Thánh.

Ứng nghiệm lời tiên tri là một khía cạnh khác. Tại đây chúng ta thấy bằng chứng vượt hơn sự hiểu biết của con người. Nhìn chung, những ký thuật lịch sử bên ngoài Kinh Thánh, bằng chứng khảo cổ, và những lời tiên tri được ứng nghiệm tiếp tục cho chúng ta những lý do để tin vào thẩm quyền Lời Chúa trong ngày hôm nay.

Chương sáu

Kinh Thánh – Quyển Sách Đức Chúa Trời Muốn Chúng Ta Có

 

Kinh Điển Kinh Thánh Đã Được Xây Dựng Như Thế Nào?

Trải nghiệm đầu tiên của tôi với Kinh Thánh đó là việc đọc lướt qua một cuốn Kinh Thánh bản dịch King James cổ mà ba mẹ tôi cất trong phòng khách. Cây gia phả được viết bằng bút máy với nét chữ rất đẹp ở trang đầu đã khiến tôi thật thích thú. Những từ ngữ cổ như theesthous (nghĩa là mi, ngươi, người) khiến tôi hoàn toàn không hiểu, từ begats (cha của một người nào đó) thậm chí còn khiến tôi khó hiểu hơn. Tôi cho rằng toàn bộ quyển sách đóng trong bìa da màu đen này đã được Đức Chúa Trời trao cho con người.

Hầu hết mọi người có hiểu biết khá hơn tôi. Họ đã nghe được từ đâu đó rằng một vài sách đã bị loại bỏ khỏi Kinh Thánh nhưng họ không hiểu lý do vì sao. Có thể đó là do một nhóm người lãnh đạo giáo hội đã quyết định. Có thể vì một số sách kể về câu chuyện khác với câu chuyện mà chúng ta có trong Kinh Thánh. Có thể ở đâu đó đã diễn ra một cuộc họp kín để quyết định những sách nào thuộc về Kinh Thánh.

Một trong số những câu hỏi mà tôi thường được hỏi nhất về Kinh Thánh đó là về Kinh Điển Kinh Thánh (từ kinh điển: canon bắt nguồn từ chữ kanon trong tiếng Hy Lạp, dùng để mô tả một cây thước thẳng).1 Kinh điển là từ dùng để chỉ về quyết định giới hạn Kinh Thánh trong vòng sáu mươi sáu sách mà người Tin Lành xác nhận đó là lời Chúa. Trong thời gian gần đây, vấn đề về kinh điển bị khuấy động do một hiện tượng nổi bật trong ngành xuất bản sách, cuốn Mật Mã Da Vinci. Trong quyển sách bán chạy nhất của tác giả Dan Brown này, nhân vật “sử gia” Leigh Teabing đã giải thích cho nhân vật hoài nghi có tên Sophie Neveu rằng Constantine đã “nâng tầm của Giê-su” từ con người trở nên một vị thần, và do đó ông cần phải “viết lại các sách lịch sử.” Và thế là “phong trào sâu rộng nhất trong lịch sử Cơ Đốc xảy ra” khi “Constantine đã chỉ đạo và cung cấp tài chính cho quyển Kinh Thánh mới, một quyển sách bỏ đi những phúc âm nói về đặc điểm nhân tính của Đấng Christ và thêm thắt cho những phúc âm nói về Ngài như một vị thần. Các sách phúc âm đầu tiên đã bị cấm, tập trung lại và đốt cháy.”2 Vậy tiểu thuyết gia này kết luận rằng: Kinh Thánh mà chúng ta đọc ngày nay đã được con người sáng tạo ra.

Câu chuyện thật sự lại rất khác.

Kinh Thánh Hê-bơ-rơ hình thành như thế nào?

Cơ Đốc Nhân thường gọi ba mươi chín sách từ Sáng thế ký đến Ma-la-chi là Cựu Ước, nhưng các trước giả Tân Ước lại không gọi như vậy. Khi bị giam trong ngục trước cái chết, Phao-lô đã viết thư cho Ti-mô-thê yêu cầu đem tới cho ông những cuộn sách và giấy da (II Ti-mô-thê 4:13), đó là bản sao của cuốn Kinh Thánh duy nhất mà ông được biết.

Phao-lô đã yêu cầu đem tới cho ông những cuộn sách khác nhau của Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Thứ tự trước sau của các cuộn sách không phải là điều quan trọng, bởi vì mỗi một cuộn sách hay nói cách khác là các sách được tách biệt với nhau. Khi sách hiện đại ra đời, các cuộn sách với duy nhất một tờ giấy dài được cắt ra và may lại với nhau. Chỉ khi đó thứ tự các sách trong Kinh Thánh mới bắt đầu trở nên quan trọng.

Hầu hết các học giả gọi các sách này một cách đúng đắn là Kinh Thánh Hê-bơ-rơ, nhằm tôn trọng niềm tin Do Thái mà họ thể hiện. Ban đầu Kinh Thánh Hê-bơ-rơ được chia thành Luật pháp, Tiên tri, và Văn thơ. Việc sắp sếp như thế này vẫn còn trong thời Đức Chúa Giê-su. Khi Đức Chúa Giê-su phục sinh đã phán cùng các môn đồ rằng: “Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các Thi Thiên phải được ứng nghiệm” (Lu-ca 24:44). Các Thi Thiên là đại diện cho các sách Văn thơ.

Khi Kinh Thánh Hê-bơ-rơ được phát triển, trước hết Luật pháp được viết ra và biên soạn. Tại đây, chúng ta thấy những quy định tôn giáo của niềm tin người Do Thái, bao gồm Mười Điều Răn và luật dành cho các thầy tế lễ trong việc thực hiện nghi thức và trong đời sống hằng ngày. Các câu chuyện lịch sử Hê-bơ-rơ trong thời ban sơ cũng được liệt vào nhóm này, từ câu chuyện sáng thế cho đến hành trình dân Israel đi đến trước bờ cõi Ca-na-an. Phần này được gọi là Torah, nghĩa là sự dạy dỗ. Sau này được chia thành năm phần, gọi là Ngũ kinh (nghĩa là Năm quyển sách):

  • Sáng thế ký
  • Xuất Ê-díp-tô-ký
  • Lê-vi-ký
  • Dân số ký
  • Phục truyền luật lệ ký

Phần tiếp theo là Các sách tiên tri, người Do Thái gọi là Nebiim. Trong phần này bao gồm các bài viết mang tính tiên tri cũng như những câu chuyện lịch sử đã xảy ra trong thời bấy giờ.

Người Do Thái sắp xếp các tác phẩm này vào tám sách. Bốn sách đầu tiên được gọi là “Các sách tiên tri trước” (Former Prophets) bao gồm:

  • Giô-suê
  • Các quan xét
  • I & II Sa-mu-ên
  • I & II Các vua

Xin lưu ý rằng Sa-mu-ên và Các vua chỉ có một sách bởi vì các sách này được tin rằng chúng do một tác giả và phản ánh một mục đích. Chúng ta thường cho các sách trên là các sách lịch sử, nhưng chúng ký thuật lại chức vụ tiên tri của các lãnh đạo Do Thái từ thời Giô-suê cho đến khi bị đế quốc Ba-by-lôn bắt phục và thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy (khoảng năm 586 trước Công Nguyên).

Bốn sách cuối cùng được gọi là “Các sách tiên tri sau” (Latter Prophets) bao gồm:

  • Ê-sai
  • Giê-rê-mi
  • Ê-xê-chi-ên
  • “Mười hai sách”

Các sách này kể lại câu chuyện của các tiên tri và lãnh đạo từ thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên cho đến gần cuối thời Cựu Ước. “Mười hai sách” chúng ta gọi là các sách “tiểu” tiên tri (tên gọi này được đặt ra là do các sách này ngắn hơn các sách tiên tri khác) bao gồm:

  • Ô-sê
  • Giô-ên
  • A-mốt
  • Áp-đia
  • Giô-na
  • Mi-chê
  • Na-hum
  • Ha-ba-cúc
  • Sô-phô-ni
  • A-ghê
  • Xa-cha-ri
  • Ma-la-chi

Cuối cùng là các sách “Văn thơ,” người Do Thái gọi là Ketubim. Một số được biên soạn từ các sách nhỏ hơn được viết ra trước đó (chẳng hạn như một số Thi Thiên của các cá nhân). Trong phần này Kinh Thánh Hê-bơ-rơ có mười một sách:

  • Thi Thiên
  • Châm ngôn
  • Gióp
  • Nhã ca
  • Ru-tơ
  • Ca thương
  • Truyền đạo
  • Ê-xơ-tê
  • Đa-ni-ên
  • Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi
  • I & II Sử ký

Tương tự như Sa-mu-ên và Các vua, sách Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi và sách I & II Sử ký chỉ là một sách. Chúng ta cho rằng Ê-xơ-ra, Nê-hê-mi và I & II Sử ký là thể loại văn chương lịch sử, nhưng các sách này cũng chứa đựng các chỉ dẫn thuộc linh và khôn ngoan.

Kinh Thánh Hê-bơ-rơ bắt đầu với sách Sáng thế ký, như Kinh Thánh của chúng ta ngày nay. Nhưng Kinh Thánh Hê-bơ-rơ không kết thúc ở sách Ma-la-chi mà ở sách II Sử ký.

Các sách này được viết và biên soạn trải qua nhiều thế kỷ sử dụng. Công việc sao chép Kinh Thánh Hê-bơ-rơ được thực hiện một cách cực kỳ cẩn thận và tỉ mỉ. Những người sao chép dành trọn thời gian của họ cho nhiệm vụ này, và họ đã làm công việc đó với kỹ năng tuyệt vời. Bản “Masoretic Text” (bản Kinh Thánh Hê-bơ-rơ được sao chép bởi các học giả Do Thái từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 10) được bảo tồn với rất ít thay đổi từ thời Cựu Ước cho đến ngày nay.

Khi các Cuộn Biển Chết đầu tiên được phát hiện năm 1947, chúng ta đã có được bản sao Kinh Thánh Cựu Ước với niên đại gần một nghìn năm cũ hơn so với các bản sao mà chúng ta hiện có vào thời điểm đó. Chúng được những thầy tu khổ hạnh người Do Thái sao chép lại chủ yếu vào thế kỷ thứ nhất trước Chúa, họ sinh sống trong các hang động xung quanh khu vực Biển Chết. Rất ít sự thay đổi đã len lỏi vào văn bản qua nhiều thế kỷ, điều đó cho thấy Kinh Thánh Hê-bơ-rơ đã được bảo tồn một cách thành công mỹ mãn.

Sau đó, theo như truyền thống Do Thái kể lại, một hội đồng các Ra-bi và học giả đã được triệu tập tại Jamnia (hoặc Jabneh) tại bờ biển Địa Trung Hải phía tây Giu-đê vào năm 90 sau Công Nguyên và một lần khác vào năm 118 sau Công Nguyên. Họ đã họp về vấn đề đền thờ Giê-ru-sa-lem bị phá hủy năm 70 sau Công Nguyên và nhu cầu cần bảo tồn các văn bản thiêng liêng của họ. Cũng vậy, Kinh Thánh Cơ Đốc được phổ biến và các lãnh đạo Do Thái muốn lập ra Kinh Điển Kinh Thánh của họ để bảo vệ ảnh hưởng Cơ Đốc.

Hội đồng Jamnia đã chốt lại danh sách các sách trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ như chúng ta có ngày hôm nay, thừa nhận những gì mà người dân của họ đã chấp nhận là Lời Chúa trong nhiều thế kỷ qua. Josephus, sử gia Do Thái trong thế kỷ đầu tiên, đã ký thuật lại niềm tin của dân tộc ông về Kinh Thánh:

Chúng ta không có vô số những cuốn sách xung quanh mình, bất đồng và mâu thuẫn lẫn nhau, [như người Hy Lạp có] nhưng chúng ta chỉ có hai mươi hai sách, chứa đựng những ghi chép về các thời đại trong quá khứ; được tin một cách không thiên vị là sách đến từ trời.3

Kinh Thánh Tân Ước đã gia nhập với Cựu Ước như thế nào?

Justin tử đạo là một trong số những anh hùng Cơ Đốc trong thời kỳ đầu tiên. Ông đã bị giết vì niềm tin của mình vào khoảng năm 165 sau Công Nguyên, nhưng đó là sau khi ông đã viết ra những luận văn đầy năng quyền để bảo vệ cho lẽ thật Cơ Đốc. Trong số các sách của mình, ông đã cho chúng ta những mô tả ngoài Kinh Thánh về việc thờ phượng của Cơ Đốc Nhân thời bấy giờ:

Vào ngày được gọi là Chủ Nhật, tất cả mọi người sống ở thành thị hoặc nông thôn đều nhóm lại một chỗ, và tất cả tham luận của các sứ đồ hoặc tác phẩm của các tiên tri được đọc lên, cho đến khi thời gian cho phép; sau đó, khi người đọc ngừng lại, người đứng đầu dùng lời nói để hướng dẫn, và khích lệ làm theo những điều tốt đã được đọc tới.4

“Tác phẩm của các tiên tri” là chỉ về Kinh Thánh Hê-bơ-rơ, và “tham luận của các sứ đồ” là Kinh Thánh Tân Ước của chúng ta. Đến giữa thế kỷ thứ hai, Hội Thánh đã có được một bộ các tài liệu thể hiện thần học Cơ Đốc. Tại sao bộ sách mới này lại được hình thành?

Tại sao lại có một Giao Ước khác?

Các nhân chứng trực tiếp về đời sống và chức vụ của Đức Chúa Giê-su dần mất đi hoặc trở nên già yếu. Gần như tất cả các sứ đồ ngoại trừ Giăng đều chết trước năm 70 sau Công Nguyên. Chính vì vậy nhu cầu cấp thiết đó là bảo tồn lời chứng và thẩm quyền của họ. Mác đã biên soạn các bài giảng của Phi-e-rơ lại thành một sách về cuộc đời Đấng Christ, có thể đây là sách Phúc Âm đầu tiên. Lu-ca ghi lại đời sống và chức vụ giảng dạy của Phao-lô để tạo nên sách Lu-ca và Công vụ các sứ đồ. Ma-thi-ơ tự viết sách Phúc Âm của mình; Giăng cũng làm điều tương tự.

Việc các sách Kinh Thánh được viết bằng ngôi thứ nhất là cực kỳ quan trọng về mặt thẩm quyền. Chúng ta không đọc những ký thuật được biên soạn nhiều thế kỷ sau khi sự việc đã xảy ra. Ngược lại, chúng ta nghiên cứu những ký thuật do những người có mặt ở đó viết ra. Mỗi khi chúng ta mở Kinh Thánh Tân Ước, chúng ta đã bước lùi lại hai mươi hai thế kỷ để đến với cuộc đời Đức Chúa Giê-su cùng những môn đệ đầu tiên của Ngài. Chúng ta học để tham gia cùng với họ.

Một lý do khác để viết nên Kinh Thánh Tân Ước đó là các giáo sĩ Cơ Đốc cần văn chương để lan truyền phúc âm. Khi họ gặp những người có học thức trong toàn Đế Quốc Rô-ma, họ muốn cung cấp những tài liệu có thể dẫn đưa những người lạc mất đến với Đấng Christ và khích lệ các Hội Thánh bằng lời chứng của họ. Những tân tín hữu và các lãnh đạo cần có huấn luyện mục vụ. Hội Thánh của họ cần một quy chuẩn về giáo lý. Tín hữu của họ cần những hướng dẫn thực tiễn cho niềm tin và thực hành.

Trên hết, các môn đồ của Đức Chúa Giê-su muốn lưu giữ các lời dạy của Ngài. Chúa của họ không viết nên một quyển sách nào cả. Ngài truyền cảm hứng cho  các môn đệ  ghi lại những lời dạy của Ngài cho các thế hệ về sau. Các sách Phúc Âm và những thư tín trong Kinh Thánh Tân Ước được viết ra với mục đích này. Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên biết Đức Chúa Giê-su một cách cá nhân giống như “điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ” (I Giăng 1:1). Họ muốn cả thế giới đều được hưởng cùng một đặc ân. Mỗi khi chúng ta mở Kinh Thánh Tân Ước là một lần Đức Chúa Giê-su giảng dạy trở lại.

Tại sao là những sách đó?

Bước đầu tiên dẫn đến cuốn Kinh Thánh Cơ Đốc Kinh Điển là do kết quả của một cuộc khủng hoảng. Khoảng năm 140 sau Công Nguyên, một lãnh đạo Hội Thánh giàu có đầy ảnh hưởng tên là Marcion tin rằng Cơ Đốc Nhân nên bác bỏ việc tuân thủ Kinh Thánh Hê-bơ-rơ một cách tuyệt đối. Ông tiếp nhận thần học của Phao-lô một cách trọn vẹn đến mức đã nghĩ rằng cần phải bỏ qua các tác phẩm Cơ Đốc khác. Những sách mà ông chấp nhận bao gồm mười thư tín của Phao-lô (bỏ sót I &II Ti-mô-thê và Tít) và một bản sao Phúc Âm Lu-ca, đó là các sách mà ông đã chọn lọc nhằm phản ánh những trọng tâm lời dạy của Phao-lô.

Các lãnh đạo Hội Thánh đã nhanh chóng hành động để xác nhận cả bốn sách Phúc Âm và toàn bộ các thư tín của Phao-lô. Tuy nhiên sự khủng hoảng này cho thấy nhu cầu của Hội Thánh cần lập nên một danh sách chính thức các sách Kinh Thánh Cơ Đốc được chấp nhận. Qua thời gian, bốn tiêu chuẩn được phát triển nhằm công nhận một sách nào đó là được Đức Chúa Trời soi dẫn.

Đầu tiên, sách đó phải do một sứ đồ viết nên hoặc dựa trên lời chứng mà người đó chứng kiến tận mắt về cuộc đời của Đức Chúa Giê-su. Các tác phẩm văn học ngộ đạo dần thu hút sự chú ý trong thời bấy giờ. Thuyết ngộ đạo phản ánh thần học dị giáo tách biệt thân thể và thần linh. Một vài “phúc âm” ngộ đạo dường như được cho là do các sứ đồ như Thô-ma hoặc Phi-e-rơ viết ra. Phản ứng lại, các lãnh đạo Hội Thánh đã nhanh chóng tiếp thu lập trường cho rằng một sách kinh điển cần phải là sản phẩm rõ ràng của một sứ đồ thực thụ, hoặc dựa trên lời kể mà người đó tận mắt chứng kiến về cuộc đời của Đức Chúa Giê-su.

Ma-thi-ơ là môn đệ của Đức Chúa Giê-su trước khi ông viết sách Phúc Âm của mình, cũng giống như Giăng. Mác là một giáo sĩ thời ban đầu bạn đồng liêu với Phao-lô (Công vụ 13:4-5) và là người con thuộc linh của Phi-e-rơ (I Phi-e-rơ 5:13). Các Cơ Đốc Nhân ban đầu tin rằng Mác đã viết sách Phúc Âm của mình dựa trên các bài giảng và những trải nghiệm mà Phi-e-rơ đã kể lại cho mình.

Lu-ca là một bác sĩ ngoại quốc rất có thể đã gia nhập cùng Phao-lô trong hành trình truyền giáo lần thứ hai của ông tại thành Trô-ách (lưu ý trong Công vụ 16:10, đại từ nhân xưng thay đổi từ “họ” sang “chúng ta”). Lu-ca viết sách Phúc Âm của mình và sách Công vụ các sứ đồ dựa trên lời chứng do những người khác chứng kiến trực tiếp (Lu-ca 1:1-4). Các thư tín của Phao-lô đến từ việc tận mắt chứng kiến Đấng Christ phục sinh (xem Công vụ 9:1-6), tương tự với các tác phẩm của Gia-cơ (em của Đức Chúa Giê-su), Phi-e-rơ, Giu-đe (em của Đức Chúa Giê-su), và Giăng.

Riêng tiêu chuẩn này đã loại bỏ hầu hết các sách được đề xuất để biên vào cuốn kinh điển. Chẳng hạn như, Clement ở thành Rô-ma không phải là nhân chứng trực tiếp nhìn thấy Chúa. Mặc dù bức thư của Clement gửi cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô rất được coi trọng, nhưng nó không được đưa vào Kinh Thánh Tân Ước.

Tiêu chuẩn thứ hai, quyển sách đó phải phù hợp với mẫu mực của đức tin và có thẩm quyền trong việc sử dụng. Tại đây, rất dễ để phân biệt những tác phẩm nào được Đức Chúa Trời thần cảm, những tác phẩm nào thì không. Chẳng hạn như một quyển sách cổ có tựa đề Sách Tin Lành Đầu Tiên Về Thời Thơ Ấu Của Đức Chúa Giê-su Christ kể về một người đã biến thành một con la do một câu thần chú nhưng sau đó đã được hoàn người trở lại khi con la là người đàn ông này chở em bé Giê-su trên lưng (7:5-27). Cũng trong quyển sách đó, thiếu nhi Giê-su đã biến những chú chim và động vật bằng đất sét trở thành những con vật sống (15:1-7), làm một chiếc ngai vua mà cha Ngài đã đóng quá nhỏ trở nên lớn hơn (16:5-16), và lấy đi mạng sống của các bé trai chống đối lại với Ngài (19:19-24). Không khó nhận ra những sách như vậy không đến từ Đức Thánh Linh.

Thứ ba, đó là quyển sách được Hội Thánh chung chấp nhận, không chỉ một Hội Thánh riêng lẻ. Một ví dụ trong buổi ban đầu đó là bức thư của Phao-lô gửi cho Hội Thánh Ê-phê-sô được luân chuyển và được đọc tại các Hội Thánh bên ngoài Hội Thánh Ê-phê-sô. Các bức thư khác của ông cũng sớm được như vậy. Thực ra, Phi-e-rơ nói về thư tín của Phao-lô như là “Kinh Thánh” (II Phi-e-rơ 3:16). Ít nhất là vào năm 100 sau Công Nguyên, các tác phẩm của Phao-lô đã được Hội Thánh chung tập hợp lại, được sử dụng trong sự thờ phượng và học hỏi.

Các sách phúc âm lại là một vấn đề khác. Rất nhiều tài liệu viết về “cuộc đời Đấng Christ” bắt đầu xuất hiện trong những năm đầu của Cơ Đốc Giáo. Trong số đó có hai quyển sách viết về thời thơ ấu của Đức Chúa Giê-su (bị hiểu lầm là do Thô-ma viết) và Phúc Âm Ni-cô-đem (đôi khi được gọi là Công vụ Pontius Pilate). Nhưng không tác phẩm nào như trên ghi lại lời chứng của người tận mắt chứng kiến cuộc đời của Đức Chúa Giê-su. Các tác phẩm đó không được phong trào Cơ Đốc chung công nhận.

Giữa thế kỷ thứ hai, chỉ có Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng được chấp nhận rộng rãi, như được thể hiện rõ qua các đoạn trích dẫn của các Cơ Đốc Nhân vào thời đó. Khoảng năm 130 sau Công Nguyên, Papias chỉ về sách Mác như một sách “Phúc Âm” và cũng đề cập đến sách Ma-thi-ơ và Giăng.5 Khoảng năm 170, một Cơ Đốc Nhân người Assyri tên là Tatian đã liên kết một “bản phối hợp” các sách Phúc Âm, sử dụng chỉ bốn sách trên. Irenaeus, giám mục thành Lyons xứ Gaul khoảng năm 180, nói về bốn sách Phúc Âm là được vững lập chắc chắn trong Hội Thánh.

Các sách còn lại của Tân Ước được sử dụng rộng rãi qua nhiều tiến trình khác nhau. Sách Công vụ các sứ đồ luôn được xem là một phần trong ký thuật của Lu-ca. Chính vì vậy mà sách Công vụ các sứ đồ được tính đến ngay sau các sách Phúc Âm. Sau đó mười ba thư tín của Phao-lô được kể vào, sắp xếp theo thứ tự từ dài nhất đến ngắn nhất (không theo thứ tự thời gian như nhiều người nghĩ). Kế đến là sách Hê-bơ-rơ, như nhiều người liên tưởng sách này với Phao-lô. I Phi-e-rơ và I Giăng rõ ràng được đặt theo tên của chính các môn đồ là tác giả của các sách này.

II Phi-e-rơ được viết bằng tiếng Hy Lạp lại là câu chuyện khác với I Phi-e-rơ, điều này khiến một số người đặt ra câu hỏi về nguồn gốc trước giả của quyển sách. Nhưng sau đó người ta hiểu rằng I Phi-e-rơ có thể được viết ra nhờ một thư ký và II Phi-e-rơ là chính tay sứ đồ này đã viết. Nguồn gốc trước giả của II & III Giăng, Gia-cơ, Giu-đe và Khải Huyền cuối cùng cũng được xác định, được Hội Thánh chung chấp nhận và sử dụng.

Thứ tư, đó là quyền sách đó phải được các lãnh đạo Hội Thánh quyết định chấp nhận. Kinh Điển Muratori (Do L.A. Muratori phát hiện năm 1740) là danh sách đầu tiên thể hiện quan điểm của Hội Thánh chung về các sách được chấp nhận vào kinh điển Kinh Thánh Tân Ước. Được biên soạn khoảng năm 200 sau Công Nguyên, kinh điển thể hiện việc sử dụng Kinh Thánh trong Hội Thánh Rô-ma thời đó.6 Danh sách không bao gồm sách Gia-cơ, I & II Phi-e-rơ, III Giăng, và Hê-bơ-rơ, bởi vì người biên soạn không rõ nguồn gốc trước giả của các sách này. Sau đó các sách này sớm được biên vào cuốn kinh điển về sau.

Eusebius, sử gia đầu tiên thuộc giáo hội, vào thế kỷ thứ tư đã lập ra danh sách các sách được đọc nhiều nhất phân theo ba loại: “được công nhận,” “đang bàn cãi,” và “dị giáo.” Ông xác định các sách “được công nhận” bao gồm bốn sách Phúc Âm, Công vụ các sứ đồ, mười bốn thư tín của Phao-lô (Eusebius đưa sách Hê-bơ-rơ vào các sách của Phao-lô), I Giăng, I Phi-e-rơ, và Khải Huyền. Trong các sách “đang bàn cãi” ông liệt kê ra các sách “được chấp nhận phổ biến” bao gồm Gia-cơ, Giu-đe, II Phi-e-rơ, II & III Giăng (một số người vẫn còn đặt ra vấn đề về trước giả của các sách này). Vậy mỗi một sách trong các sách Tân Ước đều được chấp nhận phổ biến trong thời gian này.

Danh sách các sách Kinh Thánh mà chúng ta có ngày nay được Athanasius, giám mục thành Alexandria, đề ra trong bức thư ngày lễ Phục sinh do ông viết ra năm 367 sau Công Nguyên:

Một lần nữa, đề cập đến [các sách] trong Tân Ước chẳng phải là việc tẻ nhạt. Có bốn sách Phúc Âm theo Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng. Sau đó, sách Công vụ các sứ đồ (được gọi là Tổng quát), bảy sách gồm Gia-cơ một sách; Phi-e-rơ có hai sách; Giăng có ba sách; sau các sách này có một sách của Giu-đe. Thêm vào đó, mười bốn thư tín của Phao-lô, được viết theo trình tự sau. Đầu tiên là thư tín gửi cho người Rô-ma; sau đó là hai sách cho người Cô-rinh-tô; kế tiếp là cho người Ga-la-ti; tiếp theo cho người Ê-phê-sô; sau đó là cho người Phi-líp; tiếp theo cho người Cô-lô-se; sau các sách này là thư tín cho người Tê-sa-lô-ni-ca và cho người Hê-bơ-rơ; và một lần nữa, hai sách gửi cho Ti-mô-thê; một cho Tít; và cuối cùng cho Phi-lê-môn. Bên cạnh đó có sách Khải Huyền của Giăng.

Đó là nền tảng cho sự cứu rỗi, rằng những kẻ khát sẽ được thỏa mãn nhờ lời hằng sống trong các sách này. Chỉ trong các sách này công bố giáo lý tin kính. Không người nào được thêm, hoặc bớt điều gì từ trong các sách này.7

Xin lưu ý rằng cho đến thời điểm lúc bấy giờ, không một giáo hội nghị chính thức nào của giáo hội bàn về vấn đề Kinh Điển Kinh Thánh Tân Ước. Tiến trình này đi từ dưới lên thay vì từ trên xuống, thừa nhận trải nghiệm của Cơ Đốc Nhân khắp mọi nơi về những sách khác nhau của Kinh Thánh Cơ Đốc. Không hề có một âm mưu hoặc một giáo hội nghị nào liên quan đến công việc này.

Cuối cùng, danh sách của Athanasius được giáo hội nghị năm 393 và 397 sau Công Nguyên chấp thuận. Các giáo hội nghị này không áp đặt bất cứ điều gì mới trên Hội Thánh. Thay vào đó, họ hệ thống hóa những gì Cơ Đốc Nhân đã chấp nhận và sử dụng như là lời của Chúa. Vào thời gian các giáo hội nghị chấp thuận hai mươi bảy sách của Kinh Thánh Tân Ước, từ nhiều thế hệ trước, các sách này đã được dùng như một phần song song với Kinh Thánh Hê-bơ-rơ.

Học giả Kinh Thánh F. F. Bruce tuyên bố rõ ràng: “Những gì… các giáo hội nghị đã thực hiện không phải là áp đặt một điều gì mới lên các cộng đồng Cơ Đốc, nhưng là hệ thống hóa những thừa nhận chung trong các cộng đồng này.”8

Nhà giải kinh William Barclay đồng tình với ý kiến trên:

… Kinh Thánh và các sách trong Kinh Thánh được công nhận là lời được Đức Chúa Trời thần cảm, không bởi vì quyết định của bất kỳ Hội nghị tôn giáo hoặc Giáo hội nghị hoặc Ủy ban hoặc Hội Thánh nào, nhưng bởi vì trong Kinh Thánh con người tìm thấy Đức Chúa Trời. Điều quan trọng nhất không phải là con người đã làm những gì cho các sách trong Kinh Thánh, nhưng là những gì các sách ấy đã làm cho con người.9

Vậy khẳng định của tác giả cuốn Mật Mã Da Vinci nói rằng Constantine “đã tạo ra” Kinh Thánh Tân Ước rõ ràng là một điều sai. Constantine hoàn toàn không liên quan đến việc tạo nên Kinh Điển Kinh Thánh. Lướt qua các sự thật lịch sử cho thấy luận điệu này là sự tuyên truyền chống lại Cơ Đốc Giáo và rất yếu kém về mặt lịch sử. Các sách Kinh Thánh Tân Ước mà chúng ta đọc ngày nay được Hội Thánh chung của Đức Chúa Giê-su Christ biên soạn qua nhiều thế kỷ sử dụng. Đức Chúa Trời là Đấng thần cảm Kinh Thánh, Ngài đã sử dụng dân sự của Ngài để tập hợp và bảo tồn các sách Kinh Thánh. Chúng ta có được các sách mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta có và vâng theo trong ngày hôm nay.

Vậy còn các sách ngụy kinh thì thế nào?

Chữ ngụy kinh nghĩa là bị che giấu hoặc là ít được biết đến. So với Kinh Điển Kinh Thánh, Ngụy Kinh bao gồm mười lăm sách mà một số Cơ Đốc Nhân chấp nhận là Kinh Thánh của họ nhưng những người khác thì không. Đây là tóm lược câu chuyện về các sách này.

Các sách ngụy kinh có thể đã được viết vào cuối thời Cựu Ước, sau sách Ma-la-chi (khoảng năm 400 trước Công Nguyên). Tất cả đều được viết bằng tiếng Hy Lạp, mặc dù sách Sirach dường như có nguồn gốc từ tiếng Hê-bơ-rơ. Người Do Thái sống tại Alexandria, Ai Cập đã chấp nhận các sách trên là được mặc khải thiên thượng. Người Do Thái sống tại Palestine chưa từng chấp nhận các sách này là Kinh Thánh. Ngày nay, tất cả các sách ngụy kinh đều bị Do Thái Giáo bác bỏ. Sau đây là các sách ngụy kinh: I Esdras; I Maccabees; II Maccabees; Tobit; Judith; Sách bổ sung cho sách Ê-xơ-tê; Bài ca của ba chàng trai trẻ; Susanna; Bel và Con Rồng; Khôn ngoan của Sa-lô-môn; Khôn ngoan của Giê-su con Sirach (cũng được gọi là Ecclesiasticus); Baruch; Thư của Giê-rê-mi; Bài cầu nguyện của Manasseh; II Esdras.

Câu chuyện về các sách ngụy kinh được đưa đến cuộc họp của các học giả Do Thái tại Alexandria vào thế kỷ thứ hai trước Chúa. Mục đích của họ là: dịch Kinh Thánh Hê-bơ-rơ sang ngôn ngữ phổ biến hơn đó là tiếng Hy Lạp. Phải mất 200 năm công việc này mới được hoàn thành. Kết quả là bản Kinh Thánh Septuagint (bắt nguồn từ chữ Hy Lạp có nghĩa là bảy mươi). Theo truyền thuyết, trong vòng bảy mươi ngày, bảy mươi học giả Do Thái (chính xác là bảy mươi hai người) đã dịch Ngũ Kinh, năm sách đầu tiên trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ. Bởi vì họ sống và làm việc tại Alexandria, nơi các sách ngụy kinh rất phổ biến, họ đã đưa các sách này vào bản dịch của họ, khiến cho các sách ấy thêm phần đáng tin cậy và có thẩm quyền.

Tiếp theo, Jerome bước vào câu chuyện. Là học giả Kinh Thánh vĩ đại nhất trong thời của mình, năm 382 sau Công Nguyên ông bắt đầu dịch Kinh Thánh sang tiếng Latin (bản “Vulgate,” từ ngữ này trong tiếng Latin có nghĩa là “phổ biến”). Ông hoàn thành công trình của mình vào năm 405. Ngay từ đầu ông đã sử dụng bản Septuagint cho phần dịch Cựu Ước. Chính vì vậy mà ông đã gặp phải các sách Ngụy Kinh. Jerome đã đưa các sách ấy vào Kinh Thánh tiếng Latin, mở ra cánh cổng để các sách ngụy kinh bước vào Giáo Hội Công Giáo La-mã. Năm 1546, Giáo hội nghị Trent ban hành nghị định bản Kinh Thánh Vulgate là bản Kinh Thánh Latin chính thức của Giáo Hội. Chính vì vậy mà những người Công Giáo kể các sách Ngụy Kinh vào Kinh Thánh của họ ngày nay.

Tại sao các sách trên không có trong Kinh Thánh của người Tin Lành? Khi Tin Lành Cải Chánh bắt đầu 500 năm trước, các nhà cải chánh đã thấy rằng Tân Ước không hề trích dẫn từ sách ngụy kinh. Hơn thế nữa, các nhà cải chánh đã viện dẫn các giáo phụ là những người giữ sự phân biệt rạch ròi giữa Kinh Thánh Hê-bơ-rơ và các sách thêm vào trong bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Họ kết luận rằng mặc dù chứa đựng thông tin lịch sử và các câu chuyện nhưng các sách này không được công nhận là có sự mặc khải thiên thượng.

Khi Martin Luther dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức, ông đã không đưa các sách Ngụy Kinh vào. Từ thời gian đó cho đến ngày nay, Kinh Thánh Tin Lành không có các sách ngụy kinh. Các bản dịch của người Công Giáo thì có. Một vài phiên bản Kinh Thánh đưa các sách ngụy kinh vào với mục đích tham khảo, nhưng không phải là Kinh Thánh.

Cho đến khi nào người Tin Lành và người Công giáo còn tranh luận về thẩm quyền của các sách Ngụy Kinh, câu hỏi về kinh điển vẫn còn là một sự tranh luận thần học. Nhưng ngoài ra không còn vấn đề nào khác liên quan đến Kinh Điển Kinh Thánh. Mọi Cơ Đốc Nhân đều tin rằng chúng ta có tất cả những gì Đức Chúa Trời muốn bảo tồn và truyền tải cho dân sự của Ngài.

Kết luận

Vậy ai đã quyết định sách nào được liệt vào Kinh Thánh? Về bản chất, đó là Tác giả của Kinh Thánh. Cùng một Đức Thánh Linh đã ban sự mặc khải được viết trong Kinh Thánh (II Phi-e-rơ 1:20-21), Đấng đã dẫn dắt phong trào Cơ Đốc đến với những sách mà Đức Thánh Linh đã thần cảm. Bạn có thể biết được rằng Kinh Thánh mà bạn cầm trên tay ngày hôm nay là quyển sách mà Đức Chúa Trời muốn bạn có.

Thẩm quyền Kinh Thánh được củng cố khi bàn về Kinh Điển. Trái với một số chỉ trích, quá trình biên soạn các sách trong Kinh Thánh phản ánh nguồn gốc thiên thượng và việc phổ biến các sách ấy một cách đầy siêu nhiên. Không gì hơn một phép lạ khi một tiến trình không do sự kiểm soát tập trung nào lại có thể tạo ra một trọng tâm rõ ràng.

Học giả Kinh Thánh Tân Ước William Barclay đại diện cho hàng ngàn học giả để nói về vấn đề này: “Việc nghiên cứu Kinh Điển Kinh Thánh không phải là bước ra để có cái nhìn nhỏ hơn về Kinh Thánh, nhưng với một cái nhìn lớn hơn, bởi ta thấy được năng quyền không thể lý giải khi lời Chúa hành động trong trí và lòng của những người nam và nữ”10

Giả định đầu tiên về nguồn gốc của Kinh Thánh khi tôi còn là một đứa trẻ cuối cùng đã đúng: Đức Chúa Trời thật đã “truyền” Kinh Thánh cho chúng ta và qua chúng ta.

Chương bảy

Kinh Thánh Giới Thiệu Những Công Việc Kỳ Diệu Của Đức Chúa Trời

 

Thẩm Quyền Kinh Thánh và Các Phép Lạ

Vào tháng 12 năm 1961 khi tiếp đãi một nhóm các chủ nhân Giải Nobel tại Nhà Trắng, Tổng thống John Kennedy đã thiết đãi nhóm này như những thiên tài xuất chúng nhất từng quy tụ tại Tòa Bạch Ốc này, có lẽ chỉ trừ một lần khi Thomas Jefferson đến ăn tối tại đó.

Thực ra Jefferson là một người đàn ông đa tài. Thông thạo tiếng Hy Lạp, tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Latin, ông có thể dễ dàng đọc Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hy Lạp, là ngôn ngữ nguyên bản của Kinh Thánh Tân Ước. Ông rất thích thú với những lời dạy về đạo lý của Đức Chúa Giê-su. Ông tin rằng “hệ thống giáo lý của Đức Chúa Giê-su là bác ái và cao thượng nhất… từng được dạy, và do đó hoàn hảo hơn bất kỳ lời dạy nào của các triết gia cổ đại.”1

Tuy nhiên, Jefferson cảm thấy tiếc nuối vì nhiệm vụ giữ gìn những lời dạy ấy “được giao cho những con người thất học và ngu dốt nhất; họ lại còn viết lách từ trí nhớ nhưng mãi cho đến sau khi các sự việc đã trôi qua.” Kết quả là, “các giáo lý mà Đức Chúa Giê-su thật sự đã dạy dỗ đều mắc phải khiếm khuyết, và những phần mà Ngài thật sự đã dạy được chuyển đến chúng ta thì đã bị cắt xén, trình bày sai, và thường không thể hiểu được.”2

Ký thuật “đã bị cắt xén” về cuộc đời và công việc của Đức Chúa Giê-su bao gồm những yếu tố phép mầu mà Jefferson không thể dung hòa với quan điểm thần giáo tự nhiên của ông. Với Jefferson, Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của cả hoàn vũ, là Đấng không can thiệp vào hoạt động của các tạo vật mà Ngài dựng nên. Đức Chúa Trời cho phép thế giới hoạt động theo những quy luật tự nhiên mà Ngài đã đưa vào trong sự vận hành của thế giới. Chính vì vậy Jefferson tự xem mình là “một Cơ Đốc Nhân, theo nghĩa duy nhất mà Chúa [Đức Chúa Giê-su] muốn bất cứ ai cũng đều trở nên như vậy. Chân thành gắn bó với các giáo lý của Ngài hơn bất kỳ điều nào khác, ông gán cho chính Ngài tất cả sự xuất sắc của con người; và tin rằng Ngài không bao giờ tuyên bố điều gì khác.”3

Kết quả là Jefferson loại bỏ khỏi các sách Phúc Âm mọi điều liên quan đến phép lạ, chỉ giữ lại những tuyên bố đạo lý của Đức Chúa Giê-su. Từ đó dẫn đến việc “Kinh Thánh của Jefferson” đúc kết như sau: “Đức Chúa Giê-su nằm tại đó, một tảng đá lớn được lăn đến đậy ngôi mộ đá, Ngài tạ thế.”4

Thomas Jefferson không phải là người đầu tiên hoặc cuối cùng chối bỏ thẩm quyền Kinh Thánh bởi vì Kinh Thánh ghi lại những phép lạ. Có một thời kỳ khi khoa học và niềm tin tranh luận với nhau đã khiến nhiều người tin rằng chấp nhận các phép lạ là một suy nghĩ ngây thơ, nếu không nói là nguy hiểm. Giờ đây, như chúng ta sẽ thấy nhiều chi tiết hơn trong chương tiếp theo, sự việc đã khác trước. Phong trào hậu hiện đại đã mở cánh cửa cho quan điểm “duy linh” với mọi thể loại niềm tin bước vào, dù điều đó có dựa trên phép lạ hay không. Những tuyên bố về tâm linh có thể là lẽ thật “của tôi” mà không cần phải là lẽ thật “của bạn.”

Tuy nhiên, tôi vẫn thường nói chuyện với những người phải tranh chiến để hòa hợp thuyết duy vật của khoa học với những câu chuyện trong Kinh Thánh. Họ không tin rằng ngày nay con người có thể bước đi trên mặt nước, và vì thế họ tự hỏi làm thế nào để chấp nhận tuyên bố của Kinh Thánh Tân Ước nói rằng Đức Chúa Giê-su đã làm điều đó. Họ đã không chứng kiến bằng chứng hiển nhiên về sự chữa lành thiên thượng, nên họ phải tranh chiến với những tuyên bố trong Kinh Thánh nói về việc Đức Chúa Giê-su thực hiện những phép mầu như thế.

Vài năm trước, tôi đã dành thời gian để tiếp chuyện một nhà địa chất, ông đã đến Hội Thánh chúng ta và đang tìm hiểu về Cơ Đốc Giáo. Khó khăn lớn nhất của ông đó là ông không thể hòa hợp kiến thức của mình về nguồn gốc trái đất với những gì Kinh Thánh dạy về sự sáng tạo. Ông không thể tin Đấng Christ là Chúa của mình nếu ông không tin vào Quyển Sách bày tỏ Đấng Christ cho ông.

Bạn sẽ nói gì với một người bác bỏ phép mầu? Chúng ta hãy học cách mà cuộc đối thoại này giúp chúng ta khẳng định thẩm quyền Kinh Thánh trong ngày hôm nay.

Tầm quan trọng của phép lạ

  1. S. Lewis định nghĩa “phép lạ” là “một sự can thiệp vào tự nhiên bởi năng lực siêu nhiên.”5 Ngay từ đầu bài luận của mình, ông đã đề cập đến những thuật ngữ của cuộc tranh luận: một số người tin rằng bên ngoài thế giới tự nhiên thì không còn tồn tại điều gì khác (người theo chủ nghĩa tự nhiên), trong khi những người khác thì tin rằng có những điều nào đấy tồn tại bên cạnh thế giới tự nhiên (người theo chủ nghĩa siêu nhiên). Câu hỏi là: quan điểm của ai đúng?6

Ngay từ ban đầu, quan điểm của Kinh Thánh đã đứng về phía chủ nghĩa siêu nhiên. “Các dấu kỳ” “phép lạ” và “quyền năng” được thể hiện trong cả Kinh Thánh Cựu Ước lẫn Tân Ước. Những “dấu kỳ” phi thường đã củng cố cho thẩm quyền của Môi-se (Xuất Ê-díp-tô ký 3:12; 4:3-8), và cho thông điệp của Đức Chúa Trời (Các quan xét 6:17; Ê-sai 38:7; Giê-rê-mi 44:29). “Các phép lạ” đi theo cùng với các dấu kỳ (Xuất Ê-díp-tô ký 7:3; Phục truyền luật lệ ký 26:8; cũng xem trong Xuất Ê-díp-tô ký 15:6-7).

Trong Tân Ước, các phép mầu của Đức Chúa Giê-su là “dấu kỳ” (Giăng 2:11; 6:2; 9:16; 11:47). Cũng như sự phục sinh của Christ (Ma-thi-ơ 12:39-40) và những việc diệu kỳ của các sứ đồ thực hiện (Công vụ các sứ đồ 2:43; 4:16, 30; 8:13; 14:3). “Các phép lạ” diễn tả những việc diệu kỳ đó và được dùng với từ “dấu kỳ” (Giăng 4:48; Công vụ. 6:8; 14:3).7

Phần lớn mục vụ của Đức Chúa Giê-su được chứng minh bởi các phép mầu mà Ngài đã thực hiện. Ngài tuyên bố rằng, “Nhưng ta có một chứng lớn hơn chứng của Giăng; vì các việc Cha đã giao cho ta làm trọn, tức là các việc ta làm đó, làm chứng cho ta rằng Cha đã sai ta.” (Giăng 5:36). Một phần của “công việc” này là “những việc [phép mầu] mà Chúa Giê-su nhân danh Cha thực hiện (Giăng 10:25).

Khi Giăng Báp-tít sai các môn đồ đến hỏi Đức Chúa Giê-su rằng có phải Ngài thật là Đấng Mê-si không, “đang lúc ấy Đức Chúa Giê-su vừa mới chữa lành nhiều người đau ốm, bịnh tật, và bị quỷ ám, và Ngài cũng vừa chữa lành nhiều người mù khiến mắt họ thấy được. Ngài trả lời và nói với họ, ‘Các ngươi hãy về nói lại với Giăng những gì các ngươi đã thấy và nghe. Người mù được thấy, người què được đi, người phung được sạch, người điếc được nghe, người chết được sống lại, và người nghèo được nghe giảng tin mừng.” (Lu-ca 7:21-22).

Đức Chúa Giê-su kêu gọi những người hoài nghi về Ngài rằng: “Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm, dù các ngươi không tin Ta, hãy tin những việc Ta làm, để các ngươi biết và hiểu rằng Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha.” (Giăng 10:37-38). Ngài cũng nói những lời tương tự với các môn đồ mình: “Khi Ta nói Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta, hãy tin Ta; bằng không, hãy dựa vào những việc Ta làm mà tin Ta.” (Giăng 14:11).

Những Cơ Đốc Nhân thời kỳ đầu tiên hiểu rõ tầm quan trọng của phép mầu đối với thần tánh của Đức Chúa Giê-su và đạo của Ngài. Origen (khoảng năm 185-254) tuyên bố rằng nếu không có các phép lạ thì các sứ đồ sẽ chẳng lắng nghe Chúa Giê-su. Thánh tử đạo Justin  (bị hành hình năm 165) biện luận cho Đức Chúa Giê-su Christ đã chữa lành người bệnh và khiến người chết sống lại. Athanasius (khoảng năm 296-373) tuyên bố các phép mầu Đức Chúa Giê-su đã thực hiện chứng minh cho thần tánh của Ngài. Gregory ở xứ Nyssa (khoảng năm 330-395) nói rằng các phép lạ của Đức Chúa Giê-su khiến các môn đệ tin vào thần tánh của Ngài.8

Từ thời Tân Ước cho đến ngày nay, những người khẳng định quan điểm của Kinh Thánh đều chấp nhận quan điểm siêu nhiên. Chúng ta tin rằng các phép lạ trong Kinh Thánh đều là những sự kiện có thể nhận thấy được, có thể được chứng thực bằng mắt hoặc bằng tai. Những phép lạ này đòi hỏi phải có một Đấng siêu nhiên, chứ không chỉ là một điều gì đó mơ hồ. Cũng vậy, các phép mầu này được thực hiện trong bối cảnh giải cứu. Không chỉ dừng lại tại đó, các phép mầu nhằm dẫn dắt những người được nhận phép mầu và những người chứng kiến phép mầu đến với thực tại tâm linh.

Nếu các phép mầu không xảy ra, toàn bộ mục đích của niềm tin Cơ Đốc sẽ thất bại. Quan điểm của Kinh Thánh không chỉ đơn thuần là triết lý sống. Thay vào đó, người tin Chúa tin quyết rằng phúc âm là “quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin.” (Rô-ma 1:16). Nếu Đức Chúa Trời không thể hoặc không thi hành cáccông việc siêu nhiên, không một linh hồn nào có thể được giải phóng khỏi địa ngục để đến nơi thiên đàng. Con người sẽ không được biến đổi từ sự chết để bước đến sự sống.

Riêng sự cứu rỗi đã là một phép mầu quan trọng bậc nhất. Nếu Thomas Jefferson nói đúng và Đấng Tạo Hóa không can thiệp vào tạo vật của Ngài, thì tại sao Phao-lô nói, “Và nếu Đấng Christ không sống lại thì đức tin của anh em cũng vô ích, và anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình… Nếu hi vọng của chúng ta trong Đấng Christ chỉ hướng về cuộc sống nầy mà thôi, thì trong tất cả mọi người, chúng ta là những người thảm hại hơn hết” (I Cô-rinh-tô 15:16-17, 19).

Từ chối công việc siêu nhiên đồng nghĩa với hành động từ chối thẩm quyền thiên thượng của Kinh Thánh và niềm tin biến đổi mà Kinh Thánh bày tỏ và khích lệ. Chính số phận đời đời của chúng ta đang bị đe dọa.

Tranh luận về Đấng siêu nhiên

Trong khoảng mười lăm thế kỷ của kỷ nguyên Cơ Đốc Giáo, thế giới Phương Tây công nhận phép mầu. Tuy nhiên trong bốn thế kỷ gần đây, những cuộc chiến trí tuệ đã diễn ra đầy dữ dội về vấn đề chủ nghĩa siêu nhiên. Chúng ta sẽ xem xét lần lượt từng cuộc chiến, lắng nghe phía chỉ trích quan điểm siêu nhiên và sau đó chúng ta sẽ bảo vệ cho quan điểm phép lạ của Đức Chúa Trời.

Các phép lạ không thể xảy ra?

Mãi cho đến thế kỷ thứ mười bảy, công kích đầu tiên nhắm vào chủ nghĩa siêu nhiên mới nổ ra. Benedict de Spinoza (1632-77) lập luận rằng tất cả hiện thực đều được ôm trọn trong một thực thể hợp lý và duy nhất. Phiếm thần luận của ông xem Đức Chúa Trời là tất cả mọi thứ. Đức Chúa Trời hẳn phải không biến đổi – không thay đổi – để là Đức Chúa Trời; chính vì vậy, mọi thực tại cũng đều không thay đổi. Một thực tại không thay đổi cần phải vận hành theo những quy luật không thay đổi. Tuy nhiên các phép mầu thay đổi quy luật của tự nhiên. Chính vì thế các phép mầu không thể xảy ra.

Quan niệm của Spinoza vẫn được bảo vệ bởi những nhà tự nhiên thần luận như Jefferson, cũng như những người theo chủ nghĩa duy vật là những người bác bỏ thế giới tâm linh và thần thánh. Jefferson sẽ nói rằng Đức Chúa Trời không vi phạm những quy luật vận hành của vũ trụ mà Ngài tạo dựng. Một người vô thần theo chủ nghĩa duy vật sẽ nói rằng điều “siêu nhiên” không thể xảy ra trong thế giới tự nhiên. Chính vì vậy Đức Chúa Trời không thể tồn tại. Kết quả là những phép mầu theo định nghĩa là không thể xảy ra.

Một câu trả lời cho chỉ trích này đó là vạch trần những giả định trước của chỉ trích. Nếu một người hoài nghi bác bỏ khả năng hoặc ý muốn của Đấng Tạo Hóa trong việc can thiệp vào tạo vật của Ngài, dĩ nhiên phép mầu không thể xảy ra. Nếu Đức Chúa Trời không tồn tại, chắc chắn Đức Chúa Trời không thể làm điều siêu nhiên. Tuy nhiên lập luận như thế không trả lời cho vấn đề; ngược lại, nó còn né tránh vấn đề. Không có một giải pháp nào giải quyết vấn đề bằng cách bác bỏ sự tồn tại của vấn đề. Falsification principle

“Nguyên lý chứng minh là không có căn cứ” của triết gia Antony Flew (1923-?) đáng để xem xét khi bàn về vấn đề này. Flew tuyên bố rằng Cơ Đốc Giáo là phi lý, bởi vì niềm tin của của Cơ Đốc Giáo không thể chứng nghiệm là sai. Theo chỉ trích của ông, Cơ Đốc Nhân không cho phép có bằng chứng hoặc lô-gic nào chối bỏ niềm tin của họ.9 Dĩ nhiên, Phao-lô đã xác định phản biện lớn nhất của phong trào Cơ Đốc: “nếu Đấng Christ đã không sống lại thì sự rao giảng của chúng tôi là vô ích, và đức tin của anh em cũng vô ích” (I Cô-rinh-tô 15:14).

Đối với tôi luận đề của Flew làm tổn hại đến chủ nghĩa duy vật hơn là với quan điểm siêu nhiên. Với bác bỏ phổ biến (nhưng không chính thức) đối với quan điểm siêu nhiên, người hoài nghi không thể cho phép bất kỳ bằng chứng nào chống lại giả định trước của họ. Chẳng hạn như nếu Đức Chúa Giê-su không sống lại từ cõi chết, mọi lập luận viện dẫn ngôi mộ trống và những cuộc đời được biến đổi của các sứ đồ nều không có ích gì cả. Nếu một người không thể thừa nhận những tiêu chuẩn mà tại đó lập trường của họ có thể bị bắt bẻ thì họ đang không bảo vệ cho một lập luận hợp lý nhưng đó đơn thuần chỉ là một ý kiến chủ quan.

Nghi ngờ về phép mầu

David Hume, triết gia người Scotland vào thế kỷ thứ mười tám được biết đến trong sử sách là “cha đẻ của chủ nghĩa hoài nghi,” ông đặc biệt hoài nghi về các phép mầu. Công trình nghiên cứu của ông về chủ đề này làm rõ hoài nghi đó.

Hume sẵn sàng thừa nhận phép mầu là đáng tin cậy nếu những ai tuyên bố đã chứng kiến phép mầu có thể thõa mãn một số tiêu chuẩn.10 Những người tuyên bố đã từng nhìn thấy phép mầu phải:

  • Có số lượng lớn. Càng nhiều người chứng kiến phép mầu, lời chứng càng đáng tin. Nếu một ẩn sĩ sống trong hóc núi nhìn thấy vật thể bay không xác định thì khó tin hơn là một đám đông nhìn thấy cùng một sự việc.
  • Có trí tuệ. Một người có trí thông minh hạn chế có thể sẽ khó để hiểu được “phép mầu” mà tôi đang đánh máy trên chiếc hộp là chiếc máy vi tính và in ra văn bản bằng giấy.
  • Có giáo dục. Với những ai chưa từng học biết về máy bay, một vật thể bay trên bầu trời cũng là một phép mầu quan trọng tột bật.
  • Có tính liêm chính. Một người kiếm chác từ việc tung tin rằng anh ta đã chạm trán với người ngoài hành tinh thì ít đáng tin hơn người không thu được lợi ích gì từ việc đó.
  • Sẵn sàng chịu thiệt hại nếu mắc sai lầm. Nếu người chứng kiến càng cương quyết và chịu hy sinh, thì câu chuyện của người ấy càng đáng tin.
  • Tại một địa điểm trên thế giới mà câu chuyện đó có thể được xác nhận. Thực ra việc có thể đến địa điểm xảy ra sự việc là rất quan trọng.

Hume tin rằng không một người nào tận mắt chứng kiến phép mầu có thể trụ vững trước những tiêu chuẩn trên. Dĩ nhiên, ông đã sai. Những người chứng kiến Đấng Christ phục sinh thõa mãn mọi tiêu chuẩn mà Hume đưa ra:

  • Số lượng lớn. Hơn 500 người đã nhìn thấy Chúa phục sinh (I Cô-rinh-tô 15:6).
  • Có trí tuệ. Nhiều sứ đồ sở hữu và vận hành một mô hình kinh doanh đánh bắt cá (Lu-ca 5:1-11). Ngoài ra còn có người thu thuế cần chuyên môn trí tuệ cao (Ma-thi-ơ 9:9). Phao-lô là một trong số những học giả khôn ngoan nhất trong thời của ông.
  • Có giáo dục. Phao-lô được học ở Ga-ma-li-ên (Công vụ. 22:3), một người “học thức uyên bác” (Công vụ. 26:24). Các môn đồ khác được học Kinh Thánh, có thể trích dẫn Kinh Thánh từ trí nhớ. Đánh giá của Hội đồng công luận cho rằng các sứ đồ “là những người tầm thường, ít học” (Công vụ 4:13) đó chỉ là nói họ không được học trong trường của học giả Do Thái mà thôi.
  • Có tính liêm chính. Trong tất cả các chỉ trích chống lại Cơ Đốc Nhân trong sách Công vụ, không một người hoài nghi nào đã công kích vào nhân cách của Cơ Đốc Nhân. Thậm chí những người đối địch với họ đều biết họ là những người trung thực.
  • Sẵn sàng chịu thiệt hại nặng nề. Tất cả các sứ đồ ngoại trừ Giăng đều bị tử đạo, còn Giăng thì bị đày làm tù nhân trên đảo Bát-mô.
  • Có thể kiểm chứng. Ngôi mộ trống của Giô-sép thành A-ri-ma-thê là một địa danh mở cửa cho bất kỳ ai muốn đến xem. Phao-lô có thể nói về vua Ạc-ríp-pa rằng: “Vì đức vua biết rõ những điều nầy nên tôi mạnh dạn tâu; bởi tôi tin chắc rằng chẳng có điều nào đức vua không biết, vì mọi việc đó không làm ra trong bóng tối đâu.” (Công vụ. 26:26).

Các phép mầu chỉ là điều đáng nghi ngờ cho những ai giả định trước là như vậy. Ngược lại, nếu Đấng Tạo Hóa của hoàn vũ cũng là một Cha yêu thương đối với các cư dân trên đó, Ngài sẽ muốn một mối quan hệ cá nhân với các con cái của Ngài. Không một người cha nào nhìn gia đình của mình một cách bị động như một người thợ làm đồng hồ nhìn sáng chế của mình dần bị hỏng đi. Ngài sẽ can thiệp vào đời sống của họ.

Nếu có một Đức Chúa Trời khao khát mối quan hệ cá nhân với chúng ta, thì tại sao chúng ta không thử nối kết với Ngài?

Chấp nhận các phép mầu khiến chúng ta thỉnh thoảng bác bỏ khoa học

Khoa học vận hành dựa trên những quy luật thực tiễn. Phương pháp khoa học bắt đầu với một lý thuyết, sau đó các lý thuyết được kiểm chứng. Nếu dữ liệu thu được hỗ trợ cho lý thuyết, thì cuộc thử nghiệm được lặp lại. Chỉ khi các bằng chứng lặp đi lặp lại hỗ trợ cho lý thuyết thì lý thuyết đó mới được cho là đúng đắn.

Theo định nghĩa thì các phép mầu không thuộc phạm vi của phương pháp này. Một quý cô trong Hội Thánh đầu tiên mà tôi hầu việc với cương vị mục sư đã kể rằng cô bị ung thư tuyến tụy và chỉ còn sống được ba tháng. Chúng tôi hết mực cầu nguyện cho cô. Tuần tiếp theo cô quay lại gặp bác sĩ, ông đã không tìm thấy khối u ác tính nào cả. Chúng tôi tin rằng Đức Chúa Trời đã làm phép lạ. Một nhà khoa học cần lặp đi lặp lại những điều kiện dẫn đến sự kiện đã xảy ra trước khi đưa ra kết luận. Bởi vì các phép mầu không thể kiểm chứng cũng không lặp đi lặp lại, nên chúng không mang tính “khoa học.”

Kết quả là một số người tin rằng họ không thể thừa nhận phép mầu là có thật và vẫn cho rằng quan điểm khoa học là đúng đắn. Tuy nhiên kết luận như vậy cũng không được bảo đảm. Ống nghiệm không thể kiểm chứng cho một mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ với Đức Chúa Trời, Đấng dựng nên cả hoản vũ này. Một nữ bác sĩ không thể kiểm tra và chứng minh tình yêu của chồng cô dành cho các con cũng như tình yêu của Cha thiên thượng dành cho mình.

Một người phụ nữ từng nói với tôi rằng cô sẽ đi nhà thờ nếu tôi có thể chứng minh rằng Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta. Tôi đã hỏi cô hãy chứng minh rằng chồng cô yêu cô. Cô cười và nói: “Anh ấy nói với tôi như vậy.” Tôi nói với cô rằng anh ấy có thể nói dối. Cô kể những hành động yêu thương của chồng dành cho cô ấy. Tôi đáp rằng anh ấy có thể đang giả mạo và lừa dối. Cuối cùng cô nói: “Anh phải là thành viên trong gia đình tôi thì anh mới hiểu.” Tôi nói: “Cô cũng phải là thành viên trong gia đình Cha tôi thì cô mới hiểu.”

Các phép mầu cần phải được nhìn trong bối cảnh Cơ Đốc nếu muốn hiểu một cách hợp lý. Trên lý thuyết, những người bác bỏ phép mầu đã hiển nhiên làm cho chính họ không đủ tư cách để làm người diễn giải những tuyên bố về phép mầu. Khoa học và lịch sử là nghiên cứu về trật tự trong tự nhiên. Theo định nghĩa, những việc siêu nhiên thì vượt quá lĩnh vực nghiên cứu của khoa học và lịch sử.

Phép mầu là khái niệm lỗi thời

Vẫn còn những người hoài nghi lập luận rằng phép mầu là vết tích còn lại của thời đại trước. Thực ra những người chấp nhận lập luận này kết bạn với những đồng minh lạ lùng.

Ludwig Feuerbach và Karl Marx, người đề xuất chủ nghĩa duy vật vô thần, dạy rằng các phép mầu không gì hơn là những ước muốn siêu nhiên. Bởi vì tôn giáo theo cách gọi của Marx là: “thuốc phiện của con người”. Ai tuyên bố thực thi các phép mầu là phương cách để chinh phục những người tin đạo. Những người tin vào phép mầu đều là mê tín và ngây thơ.

Các nhà diễn giải Kinh Thánh theo từng “giai đoạn” lập luận rằng các phép mầu đã lỗi thời.  Phương pháp thần học này chia lịch sử Kinh Thánh thành nhiều “giai đoạn” khác nhau, đó là những giai đoạn mà Đức Chúa Trời đối diện với con người theo những cách khác nhau để thích hợp với thời đại đó. Theo quan điểm này, các phép mầu kết thúc vào thời kỳ Hội Thánh đầu tiên. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên hậu các sứ đồ mà tại đó các phép mầu không còn là điều cần thiết nữa.

Một số tín hữu Calvin cũng đồng tình với quan điểm bác bỏ phép mầu này. Các phép mầu là cần thiết để xây dựng lẽ thật về sự mặc khải Cơ Đốc, nhưng chúng không còn cần thiết trong ngày nay. Thực ra, theo quan điểm này, các phép mầu làm giảm đi sự vinh hiển của Đức Chúa Trời bởi vì Đức Chúa Trời phải can thiệp vào tạo vật bất toàn của Ngài.

Rudolf Bultmann, một trong số những học giả Kinh Thánh Tân Ước nổi tiếng nhất trong thế kỷ hai mươi lập luận rằng các phép mầu đã lỗi thời vì một lý do nữa. Theo quan điểm của ông, các phép mầu là quan điểm của thế kỷ thứ nhất, thời kỳ tiền khoa học. Như vậy, chúng như là những vật cản trở cho kỷ nguyên khoa học mà chúng ta được kêu gọi để tiến tới cùng với phúc âm. Vậy chúng ta cần phải diễn giải lại các phép mầu theo cách phù hợp. Bultmann bày tỏ rõ ràng: “Hiểu biết và quyền kiểm soát của con người đối với thế giới đã tiên tiến đến mức nhờ khoa học công nghệ mà không ai còn có thể nghiêm túc giữ quan điểm của Kinh Thánh Tân Ước.”11 Chúng ta biết rằng con người không “đi xuống địa ngục” hoặc “đi lên thiên đàng.” Quan điểm về hoàn vũ có các tầng lớp như vậy phải được thay thế bởi mô hình khoa học mà con người chấp nhận ngày nay.

Để bỏ đi những vấn đề huyền thoại, Bultmann đề nghị chúng ta “làm mất tính huyền thoại” trong văn bản Kinh Thánh. Việc Đức Chúa Giê-su đi trên mặt nước là chiến thắng niềm tin đối với những cơn bão nghi ngờ. Sự phục sinh là niềm tin sống lại trong các môn đồ. Bằng phương pháp này, chúng ta không làm mất hiệu lực phúc âm; nhưng thay vào đó, chúng ta truyền thông nó hiệu quả hơn trong kỷ nguyên mới.

Dĩ nhiên, Feuerbach và Marx về mặt lý thuyết chối bỏ sự tồn tại của siêu nhiên. Phương pháp của họ tránh né vấn đề, và đã được đem ra thảo luận. Các nhà thần học Calvin và những người khác không thể dẫn chứng đầy đủ Kinh Thánh cho việc chối bỏ phép mầu ở thời hiện tại. Lập trường của họ là kết luận lô-gic về những giả định trước hơn là lập luận dựa trên Kinh Thánh. Đức Chúa Trời chỉ phạm phải sai lầm khi Ngài phán cùng chúng ta rằng Ngài sẽ không can thiệp vào tạo vật của Ngài nhưng Ngài lại làm điều đó. Trên thực tế Đức Chúa Trời bảo đảm cho chúng ta điều ngược lại. Nếu Đức Chúa Con làm người, Ngài là Thần đã nhập nhể trọn vẹn vào con người, thì bất kể công việc siêu nhiên nào Đức Chúa Trời cũng có thể thực hiện được.

Quan điểm của Bultmann không còn thu hút các học giả như thế hệ trước nữa. Chúng ta biết rằng nền tảng cho các tuyên bố của Kinh Thánh đó chính là những yếu tố phép mầu trong Kinh Thánh. Chúng ta không thể tâm linh hóa những yếu tố lịch sử của câu chuyện Kinh Thánh mà đánh mất đi tất cả nền tảng thực tế và trải nghiệm. Và nếu không có nền tảng lịch sử, một niềm tin thờ phượng Đấng mà “mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến” (I Giăng 1:1) không thể đứng vững.

Trên thực tế, những thay đổi trong quan điểm khoa học trong nửa thế kỷ vừa qua đã đem đến một sự thay đổi lớn trong cách mà nhiều nhà khoa học nghĩ về siêu nhiên. Những nhà vật lý theo quan điểm Newton tìm cách giải thích thế giới về mặt cơ chế nhân quả có thể tiên đoán được. Theo phương pháp này, thế giới vận hành theo những “quy luật” không thể phá vỡ; chính vì vậy phép mầu không thể xảy ra.

Nhưng với thuyết tương đối của Einstein, những “quy luật” này ít ràng buộc một cách đáng kể đối với khám phá khoa học. Thực ra, đã xảy ra việc “thay đổi quan điểm kiến thức trên diện rộng mà tại đó cấu trúc và vật chất, dạng thức và tồn tại được hàn gắn với nhau mà không thể tách rời được, chấm dứt kỷ nguyên khoa học phân tích.”12

Nghịch lý là một hiện thực trong học thuyết khoa học. Chẳng hạn như các nhà vật lý vẫn tranh luận về phương thức mà ánh sáng di chuyển – là hạt electron hay là sóng? Một sinh viên đại học chuyên ngành khoa học tham dự vào một lớp học của tôi tại Chủng viện Tây Nam đã nói với tôi rằng trong phòng thí nghiệm của anh ấy, giáo sư đã nói vui rằng: “Ánh sáng di chuyển như dạng hạt vào thứ Hai, Tư và Sáu. Ánh sáng di chuyển theo dạng sóng vào thứ Ba, Năm bà Bảy. Vào Chủ Nhật ánh sáng có thể làm những gì nó muốn.”

Chính Einstein đã kết luận rằng: “Các bạn sẽ bất ngờ khi tôi nói về sự hiểu biết thế giới… như là một phép mầu.”13 Một lần nữa ông đã nói đúng.

Nơi bạn khởi đầu cũng là nơi bạn kết thúc

Tranh luận về phép mầu đã được thu nhỏ về những giả định trước. Nếu chúng ta giả định rằng Đức Chúa Trời không tồn tại, hoặc là một thực thể có thân vị, hoặc không thể hoặc không có ý định can thiệp vào tạo vật của mình, khi đó chúng ta đã loại trừ khả năng phép lạ có thể xảy ra. Nếu chúng ta cho rằng Đức Chúa Trời thật sự tồn tại, rằng Đức Chúa Trời có thân vị, và rằng chính Đức Chúa Trời có thể và sẽ can thiệp vào tạo vật của Ngài, chúng ta đã chấp nhận khả năng phép lạ có thể xảy ra. Điều giả định nào đáng tin hơn?

Dĩ nhiên tôi sẽ đứng về thuyết siêu nhiên, nhưng không vì kinh nghiệm cá nhân của tôi với một Đức Chúa Trời hành động. Các bạn có thể nghĩ rằng trải nghiệm của tôi là làm cho người khác lạc lối, lôi kéo, hoặc diễn giải sai. Nhưng hãy xem xét những sự thật khách quan sau.

Một: những ai chưa từng trải nghiệm phép lạ theo định nghĩa là không có phẩm chất để đưa ra nhận định về sự tồn tại hoặc bản chất của phép lạ. Giống như mọi trải nghiệm khác, các phép mầu là vô cùng đáng tin cho những ai đã trải nghiệm chúng ngay từ lần đầu. Một người mù không thể nào nhìn thấy được màu “đỏ.” Chúng ta có thể dành cả buổi sáng để giải thích, nhưng người ấy có thể sẽ tiếp tục bác bỏ sự tồn tại của màu sắc đó.

Thomas Sherlock cũng đã đưa ra luận điểm tương tự vào hai thế kỷ trước. Khi biện luận về phép màu, ông đã hỏi rằng có hợp lý không khi một người sống ở khí hậu ấm áp tin rằng có băng đá.14 Lớn lên ở Houston, Texas, kinh nghiệm cá nhân của tôi sẽ khiến tôi hoàn toàn bác bỏ khả năng có một trận mưa đá. Theo cách này, một người hoài nghi về tâm linh ít có điều kiện để bàn về phép màu hơn những ai đã từng có trải nghiệm cá nhân với một Đức Chúa Trời siêu nhiên.

Hai: các phép mầu có tính chắc chắn hơn là không chắc chắn. Khoa học làm việc với những khả năng, không phải là điều chắc chắn hoàn toàn. Chúng ta được dạy rằng các đường thẳng song song không bao giờ cắt nhau; nhưng chúng ta sẽ phải vẽ chúng dài mãi mãi để chứng minh cho khẳng định trên. Các nhà khoa học phải tự bằng lòng với những khả năng xảy ra. Vậy hãy hỏi: khả năng phép mầu xảy ra để làm phong trào Cơ Đốc bùng nổ là ít hay nhiều? Có phù hợp không khi những người quá sợ hãi giới cầm quyền để có thể đứng về phía thập giá Đức Chúa Giê-su lại chọn cái chết hơn là bỏ đi niềm tin của họ vào sự phục sinh của Ngài? Rằng một nhóm người sợ hãi chạy trốn khắp nơi lại có thể lãnh đạo một phong trào lớn thay thế Đế Quốc Rô-ma – một đế quốc hùng mạnh nhất ở bán cầu Tây? Có phù hợp hơn không khi phong trào này được xây dựng trên lời nói dối rằng Đức Chúa Giê-su đã sống lại từ cõi chết, hoặc lẽ thật về sự phục sinh và thần tính của Ngài?

Ba: các phép mầu là một khía cạnh trải nghiệm mà không phù hợp cho chứng thực khoa học. Các nhà khoa học tự giới hạn trong một phương pháp thích hợp với chủ thể cần được nghiên cứu. Ống nghiệm là dành cho ngành hóa học, không phải cho ngành vật lý lượng tử.

Cùng một cách, chúng ta cần dùng đúng công cụ để bàn về những điều siêu nhiên. Đối với vấn đề này, Ian Ramsey, một triết gia ngôn ngữ học, đã đưa ra sự phân biệt đầy bổ ích giữa “trật tự đầu tiên” và “trật tự thứ hai” của các hoạt động thiên thượng trên thế giới.15 Trong “trật tự đầu tiên,” Đức Chúa Trời hoạt động trên vũ trụ. Tại đây Đức Chúa Trời hoạt động theo những quy luật tự nhiên và vật lý. Ngôn ngữ khoa học thích hợp để mô tả và nghiên cứu về kết quả công việc sáng tạo của Đức Chúa Trời.

Trong “trật tự thứ hai,” Đức Chúa Trời hoạt động cách cá nhân trong tạo vật của Ngài. Tại đây hoạt động của Đức Chúa Trời theo định nghĩa không phải là chủ thể của quy luật tự nhiên đặc trưng chi phối vũ trụ của Đức Chúa Trời. Bởi vì chỉ có thể hoạt động trong các quy luật nhất định, nên khoa học không thể hiểu được hoạt động thiên thượng vượt quá các quy luật trên.

Giới hạn này không phải là lỗi của khoa học nhưng thay vào đó là kết quả của lĩnh vực nghiên cứu mà khoa học được giao. Chúng ta không chỉ trích một nhà thơ khi những diễn tả của người ấy vi phạm các quy luật vật lý. Chúng ta không bác bỏ những quy luật vật lý bởi vì chúng ta không thể đoán trước hành động của những người đang yêu. Khoa học đối với niềm tin không kỳ quặc hơn khoa học địa lý đối với nghệ thuật phong cảnh. Cả hai đều mô tả thế giới theo cái nhìn của riêng mình. Không điều nào là chủ thể cho sự giới hạn của điều còn lại.

Kết luận

Lời kêu gọi niềm tin cổ điển của J. B. Phillip,  Đức Chúa Trời của bạn là quá nhỏ bé, phác họa hình ảnh phổ biến của Đức Chúa Trời trong ngày hôm nay: một công an khu vực phát những tấm vé phạt cho những người chạy mô-tô ông chưa từng biết trước; một “vết tích từ cha mẹ” lưu lại những ngày chúng ta còn là con trẻ; một “người đàn ông già cả” ít liên hệ với các cháu của mình; một Đức Chúa Giê-su “hiền dịu nhẹ nhàng” không bao giờ đoán phạt hay kết án chúng ta; và “Đức Chúa Trời trong một chiếc hộp,” giới hạn sự hiểu biết và kinh nghiệm của chúng ta.

Phillips kết luận cho lập luận của mình về Đức Chúa Trời thực hiện phép mầu trong Kinh Thánh như sau: “Các nhà phê bình thường phàn nàn rằng nếu thế giới ở trong thực trạng như ngày hôm nay sau mười chín thế kỷ Cơ Đốc Giáo hình thành và phát triển, thì đó không phải là một tôn giáo tốt.” Ông chỉ ra rằng Cơ Đốc Giáo chưa bao giờ ở vào thế điều khiển “tình trạng của thế giới.” Sau đó ông đưa ra lời khẳng định đặc biệt phù hợp cho chủ đề của chúng ta:

Họ hiểu sai bản chất của Cơ Đốc Giáo. Cơ Đốc Giáo không phải được đánh giá dựa trên thành công hay thất bại trong việc biến đổi một thế giới chối bỏ Cơ Đốc Giáo. Nếu Cơ Đốc Giáo thất bại tại nơi mà họ được chấp nhận thì sẽ có những lý do để phàn nàn, nhưng họ đã không thất bại. Đó là sự bày tỏ về lối sống chân thật, cách để biết Đức Chúa Trời, cách để sống cuộc sống với phẩm chất đời đời, và không được cho là công cụ xã hội dễ sử dụng để giảm phạm pháp tuổi vị thành niên hoặc giảm tỷ lệ ly hôn…. Đạo của Đức Chúa Giê-su biến đổi con người (nếu họ sẵn lòng trả giá cho việc được biến đổi) để họ được sống một cách tự nhiên và bình thường là “con trai con gái của Đức Chúa Trời,” và dĩ nhiên họ dùng sự biến đổi xuất sắc ảnh hưởng đến cộng đồng. Nhưng nếu Cơ Đốc Giáo chân thật thất bại, sự thất bại đó có cùng những lý do mà Đấng Christ đã thất bại – và bất kỳ lời chỉ trích nào đối với thế giới chối bỏ Ngài và Cơ Đốc Giáo đều đúng đắn.16

Bản chất phép mầu của niềm tin Cơ Đốc không phải do những người chối bỏ sứ điệp và năng quyền của đạo ấy đánh giá. Thực ra, nếu đưa ra một nhận định thích hợp thì họ đang ở trong một vị trí bất lợi nhất để làm điều đó. Những ai đã trải nghiệm một cách cá nhân Đức Chúa Trời thi hành cácphép mầu sẽ biết rằng lời Chúa biến đổi cuộc sống. Họ biết rằng họ có thể tin cậy nơi thẩm quyền của Kinh Thánh, bởi vì họ đã gặp Tác Giả của Quyển Sách ấy. Họ nói với người mù rằng: “Tôi chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ lại sáng!” (Giăng 9:25).

Chương tám

Kinh Thánh Là Quyển Sách Hấp Dẫn

 

Thẩm Quyền Kinh Thánh Và Thách Thức Thời Hậu Hiện Đại

Trăm nghe không bằng một thấy. Trong nhiều năm tôi đã đọc và nghe về “chủ nghĩa hậu hiện đại,” một cách nhìn khác về cuộc sống và lẽ thật. Các học giả và nhà phê bình văn hóa tuyên bố rằng sự thay đổi trong quan điểm sống này đã dẫn đến một thế giới quan nhìn nhận cam kết của chúng ta đối với thẩm quyền Kinh Thánh là cam kết lỗi thời. Tuy nhiên tôi không nghĩ chuyển biến này thật sự gây đe dọa đến như vậy.

Chính vì thế tôi đã sắp xếp gửi một nhóm làm phim đi phỏng vấn một vài người trong thành phố của chúng tôi. Vì Hội Thánh Baptist Park Cities tọa lạc tại thành phố Dallas nên việc lái xe rất thuận tiện để đi về khu West End. Đây là trung tâm văn hóa của thành phố chúng tôi, nơi có rất nhiều viện bảo tàng, nhà hàng, câu lạc bộ, và câu lạc bộ về đêm. Nhóm làm phim của chúng tôi hỏi những người được phỏng vấn rằng chúng tôi đang thực hiện một bộ phim tài liệu về tôn giáo tại Hoa Kỳ, nhưng không nói rằng đoàn làm phim là người của một Hội Thánh. Đoàn đã hỏi những người đi trên đường rằng họ nghĩ sao về tôn giáo, tốt hay xấu.

Kết quả mà chúng tôi thu được đó là một thước phim gây buồn lòng nhất mà tôi từng xem. Sau nhiều thời đại, người ta gọi Hội Thánh là không thích hợp và lỗi thời. Một số người nói rằng chúng ta đang tụt hậu 100 năm. Nhiều lần chúng ta được dạy rằng chúng ta không có quyền áp đặt niềm tin của chính mình lên bất kỳ ai, rằng mọi người đều có quyền tự do có chính kiến và đạo đức. Mặc dù gần như không ai trong số những người mà chúng tôi phỏng vấn có đi nhà thờ, tất cả họ đều tin là mình đúng về một điều: tôn giáo chưa bao giờ thay đổi theo thời gian.

Trong tất cả những thách thức đối với thẩm quyền Kinh Thánh mà chúng ta xem xét trong quyển sách này, thì thách thức của phong trào có tên “chủ nghĩa hậu hiện đại” là cấp bách hơn hết. Bởi vì những lý do mà chúng ta sẽ khám phá trong chương này, hầu hết những người mà chúng tôi đã cố gắng tiếp cận bằng phúc âm không tin rằng lẽ thật là điều khách quan. Họ không tin Kinh Thánh có thẩm quyền hoặc lời dạy của Kinh Thánh có tính bắt buộc. Họ xem Cơ Đốc Giáo là lẽ thật của chúng ta, nhưng không nhất thiết là của họ. Họ không tin những chuẩn mực đạo đức trong Kinh Thánh có giá trị khách quan.

Chúng ta có thể trích dẫn những lập luận bảo vệ thẩm quyền Kinh Thánh mà chúng ta tìm được, xây dựng một lập luận dựa trên các các bằng chứng về bản sao Kinh Thánh, khảo cổ học và lịch sử. Nhưng nhiều người vẫn nhún vai và nói, thế thì sao? Làm thế nào chúng ta đáp ứng lại sự thay đổi trong thế giới này? Làm thế nào chúng ta giới thiệu về thẩm quyền Kinh Thánh trong thời đại mà chính thẩm quyền bị nghi ngờ?

Từ tâm trí thiên thượng đến kiến thức của con người

Trong hàng trăm năm, hầu hết thế giới Phương Tây đều công nhận quan niệm cho rằng lẽ thật có tính khách quan. Như chúng ta đã khám phá trong chương hai, thế giới trung đại xem Giáo Hội là thẩm quyền của Đức Chúa Trời trên trái đất. Lời dạy và truyền thống của giáo hội chi phối cuộc sống thường nhật. Các lãnh đạo giáo hội chọn và kiểm soát các quan chức thế tục. Sự dạy dỗ của giáo hội là tất cả những gì mọi người cần phải biết.

Công cuộc Cải Chánh đã chuyển đổi thẩm quyền của giáo hội thành thẩm quyền của Kinh Thánh. Lời dạy trong Kinh Thánh trở thành nền tảng cho đức tin và thực hành. Khi đó mọi người vẫn đồng ý rằng lẽ thật có tính khách quan, mặc dù người Công Giáo và Tin Lành khác nhau ở chỗ làm thể nào để xác định lẽ thật?

Ở thời hậu Thế Chiến II khi Hội Thánh Baptist phát triển nhanh chóng, quan điểm về thẩm quyền này vẫn chiếm phần ưu thế. Rất ít người nghi ngờ rằng lẽ thật Kinh Thánh có tính khách quan là đúng hay sai. Các chuẩn mực đạo đức được chấp nhận, dù các chuẩn mực đó có được thực hành hay không. Dù có làm theo lời dạy trong Kinh Thánh hay không, chúng ta biết rằng chúng ta cần phải vâng theo. Tuy nhiên một quan niệm mới xuất hiện đã thay thế và bác bỏ hoàn toàn quan điểm trước đó. Điều đó đã xảy ra như thế nào và tại sao?

Cải Chánh Giáo Hội không phải là biến động duy nhất trong thời đại đó. Trong khi những biến động dễ thấy giữa những người Tin Lành và Công Giáo đang xảy ra một cuộc xung đột vô cùng to lớn giữa hai cấu trúc thẩm quyền, thì các chấn động tương tự cũng đã phát đi những làn sóng lan tỏa khắp nơi – làn sóng này không giải quyết đến vấn đề lẽ thật thuộc linh, nhưng với cách mà chúng ta nhận biết lẽ thật. Các làn sóng này vẫn chưa ngừng lay chuyển các nền tảng văn hóa của chúng ta.

Sau đây là biểu đồ giúp bạn hình dung hai thế kỷ đã thay đổi mọi việc:

Chủ nghĩa duy lý Chủ nghĩa kinh nghiệm
Lẽ thật đến từ lý trí Lẽ thật đến từ giác quan
Tổng hợp lại
Lẽ thật đến từ những ấn tượng bằng giác quan,

qua sự diễn giải của lý trí

Hãy cùng lướt qua các quan niệm này xuất phát từ đâu và tại sao chúng vẫn còn quan trọng.

Chủ nghĩa duy lý: chỉ tin vào điều bạn không thể nghi ngờ

Rene Descartes (1596-1650) là tín hữu Công Giáo rất thành tâm và là một thiên tài toán học. (Các bạn có thể nhớ hình học “Đề-các” trong những năm phổ thông.) Ông muốn tìm cách thể hiện niềm tin của mình có tính hợp lý và lô-gic tương tự như tính lợp lý và lô-gic trong kiến thức toán học của ông. Các nhà toán học làm việc với nguyên lý nghi ngờ. Họ không công nhận một kết luận là đúng đắn cho đến khi đã kiểm tra về mặt lô-gic và thực nghiệm.

Descartes áp dụng phương pháp này cho những kiến thức và kinh nghiệm của ông. Vấn đề là: ông sớm nhận ra mình có thể hoài nghi tất cả mọi điều. Ông có thể nghi ngờ rằng mình đang thức chứ không đang nằm mơ, rằng ông đang sống chứ không phải đang chết. Thực ra, thậm chí ông còn có thể nghi ngờ về kinh nghiệm của chính mình. Chỉ có một sự thật mà ông không thể nghi ngờ đó là ông đang nghi ngờ. Nếu ông nghi ngờ, ông phải suy nghĩ. Ông không thể suy nghĩ nếu ông không tồn tại. Chính sự tồn tại của tư duy là lẽ thật đầu tiên mà nguyên lý nghi ngờ không thể bác bỏ. Chính vì vậy có câu châm ngôn nổi tiếng trong lịch sử: cogito, ergo sum (tôi tư duy nên tôi tồn tại).

Từ nền tảng này, Descartes phát triển một nhận thức luận rất phức tạp (một lý thuyết giải thích cách chúng ta nhận được tri thức như thế nào).1 Nhận thức luận này nói rằng: điều quan trọng đối với chúng ta đó là quan niệm: chúng ta chỉ nên tin vào điều chúng ta không thể nghi ngờ.

Chủ nghĩa duy lý nghĩa là lẽ thật đến từ lý trí. Tuy nhiên, chủ nghĩa duy lý có một khiếm khuyết chết người, là điều mà có lẽ các bạn đã nhận ra. Nếu mọi tri thức đều đến từ tâm trí, vậy thì giác quan có vai trò gì? Làm thế nào tâm trí nhận được dữ liệu để xử lý? Descartes nghĩ rằng chúng ta có những quan niệm bẩm sinh, giống như bản năng vậy. Nhưng ông chưa bao giờ giải thích vấn đề nan giải này cách thỏa đáng. Chính vì vậy mà có phần thứ hai của câu chuyện.

Chủ nghĩa kinh nghiệm: chỉ tin vào giác quan của bạn

Quan niệm duy lý dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Những nhà lý luận này tin chắc rằng những kinh nghiệm cá nhân là nền tảng cho tri thức, chứ không phải là lý trí đơn thuần của con người. John Locke (1632-1704) tin rằng tâm trí con người được sinh ra với những ý tưởng bẩm sinh (lập trường của Descartes) nhưng giống như một tâm hồn trong trắng (tabula rasa). Ông tuyên bố rằng “mọi ý tưởng đều đến từ cảm giác hoặc suy nghĩ.”2  Nói cách khác, các giác quan nói cho bạn biết mọi điều.

David Hume (1711-1776) đã đưa ý kiến của Locke tiến xa hơn thế. Ông tuyên bố rằng mọi tri thức đều có thể bị nghi ngờ, bởi vì chúng đều dựa trên kinh nghiệm chủ quan của mỗi cá nhân. Tâm trí của chúng ta nghĩ rằng mình đã tìm được mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả, nhưng chúng ta không thể chứng minh sự tồn tại của những mối liên hệ ấy.3

Hume đã đưa ra phép so sánh nổi tiếng về các quả bi-a để minh họa cho quan điểm của mình. Chúng ta quan sát thấy quả bi-a màu trắng không có số va vào tám quả còn lại có số nhằm khiến các quả có số lăn vào các túi ở cạnh bàn. Tuy nhiên chúng ta có thể chứng minh quả bi-a màu trắng gây cho tám quả bi-a còn lại di chuyển không? Có lẽ lực từ trường đã tác động, hoặc những chấn động trái đất không thấy được, hoặc do bàn bi-a bị nghiêng, hoặc do những tác động khác mà chúng ta không biết được. Tâm trí của chúng ta kết nối giữa quả bi-a màu trắng với tám quả bóng còn lại, nhưng chúng ta không thể chứng minh kết nối này là sự thật.

Tuy nhiên, nếu phương pháp tiếp cận tri thức này là đúng đắn, vậy thì vai trò của tâm trí là gì? Lý trí và giác quan liên hệ với nhau như thế nào?

Kant: tin điều tâm trí của bạn nghĩ đó là điều giác quan của bạn nói

Bây giờ chúng ta sẽ nói đến một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Phương Tây, và cũng là người ít được chúng ta biết đến nhất. Phương cách tiếp cận tri thức của ông đã thay đổi toàn bộ cách mà văn hóa nhìn nhận về chính văn hóa, về Kinh Thánh, và về chính lẽ thật. Điều này như thể chúng ta đang hít không khí không thấy được mà ông đã tạo ra. Các ý tưởng của ông lan rộng đến mức chúng ta đã công nhận chúng ngày hôm nay.

Nhân vật đó là Immanuel Kant (1724-1804). Ý tưởng của ông rất đơn giản: các giác quan của bạn cung cấp dữ liệu thô mà từ đó tâm trí của bạn sắp xếp thành kiến thức.4

Kant đã phát hiện ra rằng tâm trí của bạn đưa ra những câu hỏi về mọi dữ liệu do các giác quan cung cấp – bao nhiêu (số lượng)? loại nào (chất lượng)? liên hệ đến điều gì (liên quan)? Theo hoạt động hoặc chiều hướng nào (phương thức)? Tâm trí của bạn hoạt động như ứng dụng phần mềm chạy trên phần cứng của một máy vi tính. Các giác quan của bạn cung cấp thông tin như một bàn phím máy vi tính. Kết quả “tri thức” thu được xuất hiện trên màn hình hoặc được in ra.

Từ đó cho đến nay, quan điểm của Kant về phương thức mà chúng ta tiếp thu kiến thức đã trở thành nền tảng cho tư tưởng Phương Tây. Tin tốt là tư tưởng này đã đưa chúng ta ra khỏi vòng lẩn quẩn giữa tâm trí và giác quan. Quan điểm này làm sáng tỏ cách mà các kinh nghiệm và lý trí của chúng ta liên hệ với nhau. Tin xấu là nó đã tạo nên một vấn đề khác, thậm chí vấn đề đó còn nghiêm trọng hơn hơn đối với những ai tin vào thẩm quyền Kinh Thánh trong ngày hôm nay.

Phương pháp của Kant khẳng định rằng chúng ta chỉ có thể có được tri thức chắc chắn từ các hiện tượng (những đối tượng thể hiện qua các giác quan của bạn). Bạn có thể tin chắc rằng mình đang nhìn vào những từ ngữ trong trang sách này, rằng bạn đang cầm một cây bút để ghi chú, v.v… Nhưng bạn không thể khẳng định chắc chắn về những sản phẩm của trí tuệ (là điều phải dùng khả năng trí tuệ để xác định chứ không thể sử dụng giác quan).5 Có nghĩa là bạn không thể biết chắc chắn một cách khách quan rằng những ý tưởng mà các giác quan của bạn đang truyền tải đến tâm trí là đúng đắn. Cách mà bạn diễn giải dữ liệu từ giác quan có tính cá nhân và riêng lẻ.

Nét đặc trưng này minh chứng then chốt cho sự chuyển biến trong thẩm quyền mà chúng ta sẽ nghiên cứu sau đây.

Vấn đề với “lẽ thật”

Từ thời của Kant cho đến ngày nay, gần như mọi người ở Phương Tây đều tin rằng tâm trí diễn giải các giác quan, đem lại kết quả là “tri thức.” Khi tâm trí của chúng ta diễn giải các ký hiệu toán học, chúng ta có được kiến thức toán. Khi đôi mắt chúng ta truyền đạt những ấn tượng từ một buổi hoàng hôn, chúng ta có được kiến thức về tự nhiên. Khi lý trí của chúng ta diễn giải từ ngữ trong Kinh Thánh được đọc qua đôi mắt, chúng ta có được kiến thức Kinh Thánh. Chúng ta tưởng rằng mọi người đều hiểu lẽ thật trong Kinh Thánh có tính khách quan và có thẩm quyền, nhưng chúng ta đã sai.

Đây là vấn đề: tâm trí và các giác quan của tôi có tính cá nhân và chủ quan. Những ấn tượng do giác quan của tôi cảm nhận có thể khác biệt với những ấn tượng của bạn. Cũng vậy, tâm trí của tôi có thể diễn giải những dữ liệu đó khác đi so với điều mà tâm trí bạn diễn giải. Tôi có thể nói bàn phím máy vi tính của tôi có màu “đen,” nhưng bạn có thể nói nó màu “xám.” Ai là người quyết định điều nào đúng? Tôi không thể tuyên bố thẩm quyền khách quan đối với những điều tôi “biết,” và bạn cũng vậy. Trong khi thế giới “hiện đại” (từ thời Cải Chánh cho đến khoảng những năm 1960) tin rằng lẽ thật có tính khách quan, thì thế giới “hậu hiện đại” (sau những năm 1960) lại không tin điều đó. Đó chính là thời đại mà chúng ta đang sống và được kêu gọi để chinh phục các linh hồn cho Đấng Christ.

Có lẽ bạn đã đến Cầu Cổng Vàng tại San Francisco. Nếu bạn sống tại khu vực đó, có lẽ bạn sẽ biết rằng cây cầu được xây băng ngang qua nơi Đứt Gãy San Andreas. Song đó lại là một trong những nơi an toàn nhất khi có động đất xảy ra. Lý do là vì các cột móng của chiếc cầu được đưa sâu xuống tầng đá nền và được cố định tại đó. Khi nào các then cài vẫn còn giữ chặt các cây cột cố định với tầng đá nền, khi đó cây cầu vẫn còn đứng vững vàng.

“Thế giới Hậu hiện đại” chủ trương rút những chiếc then cài khỏi những trụ cột của thế giới “hiện đại” về lẽ thật khách quan, rút từng chiếc một. Hãy xem những chiếc cờ-lê để tháo các then ấy hoạt động như thế nào.

Chúng ta bắt đầu với Friedrich Nietzsche (1844-1990), người đi tiên phong trong triết học hậu hiện đại.6 Nhà phê bình niềm tin Cơ Đốc này tin rằng thế giới được tạo nên từ những mảnh vụn riêng lẻ mà tâm trí của chúng ta tái cấu trúc thành một quan điểm liền mạch về “thực tại.” “Lẽ thật” thu nhận được chỉ là một điều hư cấu tiện lợi mà ngôn ngữ của chúng ta tạo nên.7

Chẳng hạn như, không có điều gì gọi là lá cây, chỉ có điều gọi là chiếc lá đơn lẻ. cây cân nặng bao nhiêu? Lá cây có màu gì? Chúng ta biến một cá thể riêng biệt gọi là chiếc lá thành một thể loại trừu trượng là cây, là điều chỉ tồn tại trong kiến thức chủ quan của chúng ta. Theo Nietzsche, mọi “lẽ thật” phổ thông đều được tiếp thu theo cùng một cách. Chúng ta tạo ra những nguyên tắc trừu tượng từ những kinh nghiệm cụ thể. Nhưng những thực tại tuyệt đối mang tính trừu tượng đó chỉ mang tính chủ quan, cá nhân, và không có tính ràng buộc.

Cũng vậy, Friedrich Schleiermacher (1768-1834) tin rằng bản văn Kinh Thánh không phải là lẽ thật khách quan nhưng là sự phản ánh kinh nghiệm của tác giả. Vậy theo quan điểm của ông, Kinh Thánh là một cuốn nhật ký tôn giáo, một bộ sưu tập những niềm tin chủ quan.8 Ông định nghĩa tôn giáo là cảm giác tin cậy hoàn toàn, một kinh nghiệm cá nhân hơn là lẽ thật phổ thông, khách quan. Chúng ta không nên tập trung quá nhiều vào Cơ Đốc Giáo nói chung cũng như kinh nghiệm Cơ Đốc của bạn hoặc của tôi. Các giáo lý trừu tượng là điều thứ cấp và ít cần thiết cho niềm tin cũng như thực hành.

Có thể bạn sẽ cảm thấy xa lạ và mới mẻ với những quan điểm trên.9 Bạn tự hỏi những tranh luận học thuật như thế có liên quan gì đến Kinh Thánh ngày nay. Nhưng dù bạn có nghe về những quan điểm cũng như các học giả ủng hộ các quan điểm này hay chưa, những ý tưởng này đã thống trị nền văn hóa của bạn.

Có lẽ bạn đã đi đến Châu Âu và thấy những nhà thờ lớn trống không ở hầu hết các địa điểm. Có thể người dân bản địa vẫn là thuộc viên của một nhà thờ quốc giáo bởi vì đó là nơi họ được sinh ra và làm báp-têm, nhưng họ hiếm khi nào đến nhà thờ dự lễ. Họ không tin lời dạy của Hội Thánh là cần thiết hoặc thậm chí là có liên quan đến cuộc sống của họ.

Quan điểm đó ngày một trở nên phổ biến tại Hoa Kỳ, đặc biệt ở thế hệ dưới ba mươi tuổi. Vấn đề tâm linh là cá nhân và chủ quan. Mọi con đường đều dẫn đến cùng một ngọn núi. Không quan trọng bạn tin gì, miễn là bạn chân thành và dung thứ niềm tin của người khác. Nếu chúng ta đề nghị điều ngược lại, nghĩa là chúng ta đã thúc đẩy cho việc không chấp nhận sự khác biệt, là nguyên nhân dẫn đến thảm họa ngày 11 tháng 9.

Mọi người “biết” rằng lẽ thật là chủ quan và đạo đức thì mang tính cá nhân. Không ai có quyền áp đặt lẽ thật “của họ” cho người khác. Việc không dung thứ chính là tội lỗi chủ yếu trong nền văn hóa của chúng ta. Miễn là chúng ta bảo đảm mỗi người đều có quyền nhìn thế giới theo cách của họ, mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp.

Người Cơ Đốc phản ứng như thế nào?

Làm thế nào chúng ta bảo vệ cho những tuyên bố lẽ thật khách quan của Đạo Cơ Đốc và liên kết tin tức tốt lành với thế giới hậu hiện đại của chúng ta? Trong một nền văn hóa không tin vào thẩm quyền thì cam kết của chúng ta với thẩm quyền Kinh Thánh có điều gì tốt? Làm thế nào chúng ta có thể thúc đẩy lẽ thật Kinh Thánh trong thời đại mà chính lẽ thật ấy bị nghi ngờ?

Chủ nghĩa hậu hiện đại và lý do

Đầu tiên, hãy xem xét một câu trả lời hợp lý. Nhiều thế kỷ trước Công nguyên, một trường triết học Hy Lạp được biết đến là những người hoài nghi đã tranh luận rằng không có điều gì tuyệt đối chắc chắn. Về tuyên bố này thì họ tuyệt đối chắc chắn. Quan điểm phi lý này của họ lại đứng sau phương pháp hậu hiện đại của chúng ta ngày nay và vẫn để ngỏ cho những sự chỉ trích như ngày xưa.

Nếu lẽ thật khách quan không tồn tại, làm thế nào tôi chấp nhận tuyên bố này là một lẽ thật khách quan? Theo quan điểm hậu hiện đại, không một tuyên bố nào là lẽ thật khách quan và độc lập. Song chính tuyên bố này lại được cho là một lẽ thật khách quan và độc lập. Chúng ta không được dung thứ cho sự không dung thứ. Tuy nhiên, đối lập với quan điểm này, chúng ta không thể đưa ra một tuyên bố tuyệt đối nói rằng thực tại tuyệt đối là không thể có. Thế giới hậu hiện đại không thể cùng một lúc có được cả hai điều trên.

Một câu trả lời phải lẽ thứ hai đối với chủ nghĩa hậu hiện đại nhắm đến khía cạnh chủ nghĩa này bác bỏ đạo đức khách quan. Vì mọi lẽ thật đạo đức đều được cho là hoàn toàn võ đoán và theo bối cảnh, không một lập trường khách quan nào có thể được đánh giá hoặc chối bỏ bởi những lập trường bên ngoài nền văn hóa đó. Nếu điều đó đúng là như vậy, làm thế nào chúng ta nhìn nhận những sự kiện như nạn tàn sát người Do Thái thời Đức Quốc Xã?

Tôi chú ý thấy thuyết tương đối hậu hiện đại phổ biến ở những nơi thuận tiện. Người ta nói với tôi rằng tôi không có quyền áp đặt niềm tin tôn giáo của tôi trên họ. Nhưng đồng thời, họ sẽ áp đặt niềm tin vào luật pháp của họ trên những ai muốn đánh cắp tài sản hoặc muốn cấy một vi-rút vào máy vi tính của họ. Có những chuẩn mực đạo đức và luật pháp căn bản mà mọi người đều khẳng định, dù họ có chấp nhận lẽ thật khách quan hay không. Chẳng hạn như, giết người là sai trái. Nếu không có những chuẩn mực cơ bản đó, xã hội của chúng ta sẽ nhanh chóng lao dốc về thời không chính phủ và hỗn loạn.

Chúng ta đều biết điều đó.

Chẳng có ý nghĩa gì khi tranh luận rằng không tồn tại lẽ thật khách quan, hoặc chẳng có ý nghĩa gì khi áp dụng một phương pháp ở nơi mà phương pháp đó tự đem lại ích lợi cho chính nó. Nhưng nền văn hóa của chúng ta dường như ngày càng nắm chắc lấy một thế giới quan đầy mâu thuẫn.

Chủ nghĩa hậu hiện đại và kinh nghiệm thực tiễn

Tuy nhiên, nếu những người bạn của chúng ta tin theo chủ nghĩa hậu hiện đại tỏ ra thờ ơ trước bác bỏ phải lẽ của chúng ta mà nói rằng: Thế thì sao? Khi đó chúng ta có thể chuyển hướng sang câu trả lời thực tiễn. Tại đây ưu thế của chúng ta đó là việc chủ nghĩa hậu hiện đại chối bỏ quan điểm hiện đại. Thế giới hiện đại đã dựng nên rào cản lớn nhất đối với niềm tin, khi kỷ nguyên khoa học bám sát vào bằng chứng thực nghiệm và xác minh khoa học. Chúng ta được dạy rằng một tuyên bố cần phải được chứng minh bằng tính hợp lý hoặc thực tiễn trước khi được cho là đúng đắn. Chuẩn mực đó đã làm suy yếu mọi kinh nghiệm về mối quan hệ, trong đó có lĩnh vực niềm tin.

Người theo chủ nghĩa hậu hiện đại bác bỏ quan điểm trên. Kết quả đó là một mối quan tâm được làm mới lại trong vấn đề tâm linh chưa từng có tiền lệ trong một thế kỷ qua. Dù mối quan tâm về vấn đề tâm linh này bao hàm mọi thể loại tôn giáo, Cơ Đốc Giáo ít nhất có thể đóng vai trò là một trong số các lựa chọn.

Khi bắt đầu giảng dạy tại các trường đại học hai mươi năm về trước, tôi thường được hỏi về vấn đề tiến hóa và tạo hóa, các tôn giáo trên thế giới, điều ác và sự đau khổ. Các sinh viên muốn nói về những bác bỏ mang tính hợp lý và mang tính khoa học đối với niềm tin Cơ Đốc. Ngày nay việc bác bỏ niềm tin Cơ Đốc dựa trên những cơ sở đó đã lỗi thời. Niềm tin của tôi có thể có hoặc có thể không có tính khoa học, tính hợp lý và bằng chứng hỗ trợ. Nhưng những vấn đề đó chỉ là thứ cấp. Điều gì có liên hệ đến tôi và được cá nhân chứng thực mới là điều quan trọng nhất trong ngày hôm nay.

Các sinh viên cởi mở với niềm tin Cơ Đốc, chủ nghĩa thần bí Phương Đông, Do Thái Giáo, và phong trào Thời Đại Mới. Nền văn hóa của chúng ta bị mê hoặc bởi “các lẽ thật thuộc linh”  càng mới càng tốt. Làm thế nào chúng ta có thể khiến cho thẩm quyền Kinh Thánh và lối sống trở nên thu hút trong một thị trường đầy dẫy những đối thủ cạnh tranh về tâm linh, mỗi một đối thủ tỏ vẻ khá  đúng đắn? Chúng ta có thể làm điều đó bằng cách lật ngược chiến thuật “hiện đại.” Trong thế giới hiện đại chúng ta đã nói với nền văn hóa của mình rằng: Đạo Cơ Đốc là thật; chính vì thế đạo ấy có liên quan đến các bạn và rất hấp dẫn. Chúng ta đã mời những người chưa tin tiếp nhận niềm tin dựa trên những phẩm chất khách quan theo Kinh Thánh. Điều Kinh Thánh nói là tất cả thẩm quyền mà những công bố lẽ thật của chúng ta đòi hỏi.

Trong nền văn hóa hậu hiện đại chúng ta cần phải sử dụng chiến thuật ngược lại. Đó là niềm tin của chúng ta phải thu hút; sau đó mới thể hiện tính liên quan đến cá nhân; kế đến mới là tính đúng đắn cho những người tin theo. Nếu chúng ta có thể cho những người tìm kiếm ý nghĩa thuộc linh thấy rằng Cơ Đốc Giáo rất cuốn hút, thú vị và hấp dẫn, họ rất có thể sẽ muốn khám phá niềm tin đó liên quan đến cuộc sống của họ như thế nào. Khi họ thấy được niềm tin đó liên quan đến họ và có tác động biến đổi cuộc sống, họ sẽ quyết định thử niềm tin đó. Khi điều đó thành công, họ sẽ quyết định đó là lẽ phải đối với chính họ. Họ sẽ xác nhận thẩm quyền Kinh Thánh và mối liên hệ của Kinh Thánh với cuộc sống của họ, không phải để họ tìm đến niềm tin, nhưng vì họ đã có được niềm tin.

Kết luận: Hãy nhớ tương lai của chúng ta

Một phương pháp như thế có thể nào đem lại hiệu quả hay không? Nếu chúng ta ném khỏi con tàu của mình phương pháp “đầu tiên là lẽ thật” để bảo vệ cho thẩm quyền Kinh Thánh và tiếp tục thu hút nền văn hóa của chúng ta dựa trên tính liên quan đầy cuốn hút, liệu chúng ta có đang đánh mất đi di sản thuộc linh của chúng ta? Không. Chúng ta sẽ quay trở lại với di sản đó.

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa hậu hiện đại, hậu hệ phái Cơ Đốc, hậu Cơ Đốc Giáo. Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên sống trong thế giới tiền hiện đại, tiền hệ phái Cơ Đốc, tiền Cơ Đốc Giáo. Họ không hy vọng đem phúc âm đến “tận cùng trái đất” bằng việc thu hút Đế Quốc Rô-ma dựa trên thẩm quyền Kinh Thánh. Thế giới Hy-Lạp thời bấy giờ có cùng quan điểm hoài nghi của thế giới hậu hiện đại đối với các tuyên bố lẽ thật tuyệt đối, chưa kể đến những tuyên bố dựa trên Kinh Thánh Hê-bơ-rơ hoặc dựa trên những lời dạy của một Người Thợ Mộc Do Thái.

Chính vì vậy những môn đồ của Chúa đã xây dựng nỗ lực truyền giáo của họ dựa trên tính liên hệ cá nhân và mục vụ thực tiễn. Kết quả là một phong trào tôn giáo mạnh mẽ nhất, phổ biến nhất và được dạy dỗ rộng khắp nhất trong lịch sử đã được bắt đầu.

Hơn bất kỳ thời kỳ nào khác, tôi tin rằng chúng ta đang sống trong nền văn hóa giống với thời kỳ các môn đồ của Chúa nhất. Họ không có một tòa nhà hay là cơ quan nào để mời thế giới hoài nghi đến với họ. Chính vì thế họ đã đi đến thế giới ấy và đem theo phúc âm bên mình. Họ không có cơ sở thẩm quyền khách quan để từ đó họ có thể hoạt động. Chính vì vậy họ đã chứng minh thẩm quyền Kinh Thánh bằng sự thu hút và tính liên quan đến cá nhân của thẩm quyền Kinh Thánh.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà những người không tin sẽ không đến những tòa nhà của chúng ta để lắng nghe về sự hấp dẫn của chúng ta dựa trên thẩm quyền Kinh Thánh. Nhưng khi chúng ta cho họ thấy giá trị thực tế của lẽ thật Kinh Thánh trong cuộc sống của chúng ta, trong các mục vụ và cộng đồng, chúng ta sẽ được họ lắng nghe.

Thế giới hậu hiện đại cho chúng ta một cơ hội hấp dẫn để nhớ đến tương lai của chúng ta – để nhớ đến những chiến lược Kinh Thánh mà phong trào Cơ Đốc đã được hình thành, và để tái thiết các mục vụ của chúng ta dựa trên nền tảng đó; để tiến đến tương lai của thế giới hậu hiện đại dựa trên di sản của thế hệ tiền hiện đại.

Chính vì vậy các chiến lược mục vụ của chúng ta phải thay đổi từ chương trình sang con người. Thay vì lập nên những sự kiện tôn giáo và chờ đợi cộng đồng đến với chúng ta, chúng ta sẽ đến với họ theo như nhu cầu của họ. Chúng ta sẽ tìm những vấn nạn và khó khăn trong cộng đồng mà chúng ta có thể giải quyết được. Chúng ta sẽ tạo ra những mục vụ hướng đến nhu cầu chẳng hạn như khôi phục hôn nhân đổ vỡ, những người sống sót khỏi tự tử, cha mẹ đơn thân, lớp học tiền hôn nhân, và vượt qua những nỗi đau. Các thành viên của chúng ta sẽ tìm nhiều phương cách đáp ứng với những nhu cầu cá nhân từ những người xung quanh, các đồng nghiệp và những người bạn của chúng ta.

Khi chúng ta được họ lắng nghe nhờ lòng yêu thương và cam kết cá nhân của chúng ta đối với nền văn hóa bị tổn thương, khi đó chúng ta sẽ chia sẻ những lý do mà chúng ta quan tâm đến họ. Chúng ta sống như những người cầu xin và tin vào năng quyền phép mầu của Chúa. Bằng cách đó, nhiều người chúng ta yêu thương và giúp đỡ sẽ muốn có được điều họ thấy trong chúng ta.

Cuộc sống của chúng ta là quyển Kinh Thánh duy nhất mà mọi người sẽ đọc được trong ngày hôm nay. Vậy chúng ta hãy cho họ thấy Đức Chúa Trời trong chúng ta. Và những ai chối bỏ “lẽ thật” nhưng tìm kiếm điều gì liên quan đến họ sẽ thấy điều họ đang tìm kiếm đó nơi niềm tin của chúng ta. Họ sẽ đến tin nơi thẩm quyền Kinh Thánh bởi vì họ đã trải nghiệm tác động của thẩm quyền ấy một cách cá nhân. Đây chính là cách mà thế giới ngoại giáo vào thế kỷ đầu tiên đã tiếp nhận lẽ thật lời Chúa. Đó cũng là cách mà chúng ta có thể giới thiệu Kinh Thánh cho mọi người trong thế kỷ thứ hai mươi mốt.

Con người ngày nay tìm kiếm một niềm tin thực tiễn, yêu thương và hy vọng. Điều đáng tiếc là các Hội Thánh của chúng ta không phải luôn luôn thể hiện cho họ thấy lẽ thật Kinh Thánh này theo một cách cuốn hút và thể hiện sự liên quan đối với họ. Tin tốt lành đó là chúng ta có thể làm điều đó.

Chương chín

Kinh Thánh Là Quyển Sách Được Linh Cảm

Thẩm Quyền Kinh Thánh Và Bản Chất Lời Chúa

Trong thời gian vận động cho vị trí thượng nghị sĩ bang Florida vào năm 1950, một trong số các đối thủ của Claude Pepper đã công kích ông như thế này: “Các bạn có biết rằng Claude Pepper nổi tiếng khắp Washington là một người lố bịch? Ông cùng chị dâu của mình đưa người trong gia đình vào bộ máy lãnh đạo, và ông có một người em gái làm diễn viên đầy tội lỗi ở thành phố New York. Tệ nhất là trước khi lập gia đình ông thường tuyên bố sống đời độc thân!”  Claude Pepper đã thất bại trong cuộc tranh cử năm đó.

Từ ngữ được sử dụng trong câu chuyện trên rất quan trọng. Cũng vậy các từ ngữ nói về Kinh Thánh là vô cùng quan trọng.

Khi tiếp tục nghiên cứu về thẩm quyền Kinh Thánh, chúng ta sẽ bắt gặp những câu hỏi thực tiễn: Chúng ta sẽ gọi quyển sách này là gì? Từ ngữ nào mô tả tốt nhất cho thẩm quyền của quyển sách này? Những thuật ngữ nào chúng ta nên tránh, và từ ngữ nào nên dùng? Tại sao điều đó lại quan trọng?

Hãy tìm hiểu Kinh Thánh nói gì về chính quyển sách này, và sau đó thảo luận một số từ ngữ thông dụng về thẩm quyền Kinh Thánh trong Hội Thánh Baptist và Hội Thánh chung ngày nay. Xin hãy tin tôi, đây là chủ đề dễ thay đổi nhất trong cả cuốn sách này.

Lời Chúa nói về Lời Chúa

Chúng ta sẽ bắt đầu một hành trình ngắn qua các trang Kinh Thánh. Có phải cuốn sách này tự cho mình tính thẩm quyền? Hay phải chăng chúng ta, những người xác nhận lẽ thật muôn thuở của Kinh Thánh, đã hiểu sai quyển sách mà chúng ta đang bảo vệ? Vào thế kỷ mười sáu, những nhà cải chánh giáo hội đã bị kẻ thù cáo buộc hành động dựng nên một “giáo hoàng bằng giấy” đó là Kinh Thánh. Có phải cam kết của chúng ta đối với thẩm quyền Kinh Thánh được chính Kinh Thánh bảo đảm? Lời Chúa nói gì về chính lời của Ngài?

Kinh Thánh nói gì về Kinh Thánh?

“Kinh Thánh” (Holy Bible) nghĩa là quyển sách của Đức Chúa Trời. Từ Bible bắt nguồn từ thị trấn cổ Byblos tại Phoenicia, tọa lạc ở phía đông  Địa Trung Hải. Cây cói papyrus được trồng gần Byblos và được xuất khẩu qua thị trấn hải cảng này, loại cây này đã được sử dụng để tạo ra “giấy” vào thời đó.

Sau đó, từ bible có nghĩa là một điều gì đó được viết trên lá byblos hoặc giấy papyrus. Nói cách khác, nó là một quyển sách. Nếu có những cuốn sách mang tên “kinh về việc sửa chữa nhà” (the bible of home repair) hoặc “kinh về máy vi tính” (the bible of computing) khiến chúng ta cảm thấy phản cảm, thì thực ra từ bible trong những tựa đề nêu trên đang được sử dụng đúng với ý nghĩa lịch sử của nó.

Từ ngữ phân biệt quyển Kinh (the Bible) với tất cả mọi quyển sách khác đó là từ “Thánh” (Holy). Từ này có nghĩa là thiên thượng hoặc được biệt riêng ra. Hãy suy nghĩ về điều này. Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên vũ trụ cũng đã viết nên một quyển sách. Bạn đang sở hữu một bản sao của quyển sách ấy.

Quyển sách này đôi khi được gọi là “Scriptures” (cũng gọi là Kinh Thánh), từ ngữ này có nghĩa là “tác phẩm” (script) của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta:

  • Phao-lô “hết sức bẻ bác người Giu-đa giữa thiên hạ, lấy Kinh Thánh mà bày tỏ rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Christ.” (Công vụ 18:28).
  • Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê rằng: “từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Giê-su Christ. Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình.” (II Ti-mô-thê 3:15-16).
  • Phi-e-rơ đã cảnh báo rằng “những kẻ dốt nát và tin không quyết” đã xuyên tạc các bức thư của Phao-lô, “cũng như họ giải sai về các phần Kinh Thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình.” (II Phi-e-rơ 3:16).

Kinh Thánh cũng tự xưng là “lời của Đức Chúa Trời”:

  • Đức Chúa Giê-su quở trách những lãnh đạo tôn giáo là những người “vì lời truyền khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 15:6).
  • Chúa của chúng ta đã nói về những người “được lời Đức Chúa Trời phán đến” (Giăng 10:35).
  • “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12).

Kinh Thánh không chỉ chứa đựng lời của Đức Chúa Trời; nhưng toàn bộ Kinh Thánh chính là lời của Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh nói về nguồn gốc của Kinh Thánh

Tác Giả của quyển sách này đã đưa ra một tuyên bố vĩ đại nhất từng được ghi lại trong văn học: “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta” (Ma-thi-ơ 28:18). Không một Sê-sa, một đại tướng, hay một nhà độc tài nào từng suy nghĩ đến việc tuyên bố có được tất cả thẩm quyền trên cả thế giới. Nếu Đức Chúa Giê-su có “tất cả” mọi thẩm quyền đối với mỗi một khía cạnh trong thế giới hiện tại, thì tôi và bạn có bao nhiêu thẩm quyền? Những từ ngữ được một Người có đầy thẩm quyền như thế ban cho chúng ta tất nhiên sẽ là những lời quan trọng và có thẩm quyền nhất trên cả thế giới.

Kinh Thánh đồng ý với điều này. Kinh Thánh tuyên bố là quyển sách được chính Tác Giả linh cảm (hà hơi vào): “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn” (II Ti-mô-thê 3:16). Kinh Thánh tuyên bố là quyển sách đến từ trời, không phải từ con người, có thẩm quyền về nguồn gốc của chính Kinh Thánh: “Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (II Phi-e-rơ 1:20-21).

Phao-lô nói về lời của chính ông rằng: “Tin lành mà tôi đã truyền, chẳng phải đến từ loài người đâu; vì tôi không nhận và cũng không học Tin lành đó với một người nào, nhưng đã nhận lấy bởi sự tỏ ra của Đức Chúa Giê-su Christ” (Ga-la-ti 1:11-12). Ông cũng đưa ra lời tuyên bố tương tự cho người Cô-rinh-tô: “Chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy.” (I Cô-rinh-tô 2:13).

Kinh Thánh luôn luôn tuyên bố có được thẩm quyền thiên thượng này:

  • “Cỏ khô, hoa rụng; nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời.” (Ê-sai 40:8).
  • Sau khi trích dẫn câu Kinh Thánh này, Phi-e-rơ thêm rằng: “Và lời đó là đạo Tin lành đã giảng ra cho anh em.” (I Phi-e-rơ 1:25).
  • Đức Chúa Giê-su nói rõ ràng cương quyết: “lời ta nói chẳng bao giờ qua đi.” (Ma-thi-ơ 24:35).

Kinh Thánh tuyên bố là lời thẩm quyền của Đức Chúa Trời đối với mọi vấn đề mà Kinh Thánh nói đến. Kinh Thánh xác nhận rằng lẽ thật được nói đến trong Kinh Thánh là khách quan và mãi mãi có giá trị. Đó là thẩm quyền tối cao mà Kinh Thánh tự xác nhận.

Mối liên kết giữa Trời và người

Vậy chúng ta biết rằng Kinh Thánh đích thực là “lời của Đức Chúa Trời,” được ban cho con người thông qua con người. Đức Chúa Trời đã sử dụng con người để đem lời của Ngài đến cho nhân loại như thế nào? Tại đây chúng ta phải xem xét các lý thuyết về sự linh cảm của Kinh Thánh.

Đầu tiên, hãy bỏ qua những phương pháp sai lầm. Một số người cho rằng Kinh Thánh được linh cảm như những áng văn vĩ đại. Đây là thuyết linh cảm tự nhiên. Những người khác tin rằng Kinh Thánh được linh cảm ở một mức độ nào đó giống như những tác phẩm Cơ Đốc, bài giảng và dạy dỗ trong ngày hôm nay. Đây là thuyết Cơ Đốc tổng quát. Vẫn có những người khác chấp nhận ý tưởng cho rằng chỉ một số phần trong Kinh Thánh được linh cảm. Đây là phương pháp linh cảm một phần. Kinh Thánh bác bỏ cả ba lý thuyết trên với tuyên bố thẩm quyền đặc biệt của Đức Chúa Trời đối với toàn bộ Kinh Thánh (II Ti-mô-thê 3:16).

Vậy hãy xem xét ba lý thuyết phổ biến nhất trong Hội Thánh Baptist và Hội Thánh chung ngày nay. Một là phương pháp Đọc Chép. Theo quan điểm này, Đức Chúa Trời trực tiếp ban từng chữ trong Kinh Thánh cho các trước giả để viết ra. Các trước giả có vai trò như những người viết tốc ký. Một số phần trong Kinh Thánh đã được thực hiện theo cách này (chẳng hạn như Mười Điều Răn). Nhưng chúng ta cũng nhận thấy nhiều từ ngữ khác nhau, những văn phong và mục tiêu khác nhau giữa các sách trong Kinh Thánh. Vì lý do này, lý thuyết đọc chép không thuyết phục với hầu hết các độc giả ngày nay.

Phương pháp từ ngữ thì cho rằng Đức Chúa Trời linh cảm những từ ngữ riêng biệt của Kinh Thánh trong khi vẫn cho phép sử dụng tính cách của con người. Quan điểm này thường được kết hợp với quan điểm toàn diện, nghĩa là tất cả. Quan điểm này dạy rằng Đức Chúa Trời chủ động linh cảm từng từ ngữ của Kinh Thánh, nhưng Đức Chúa Trời thực hiện điều này theo cách sử dụng những tính cách cá nhân của trước giả.

Một phương pháp thứ ba đó là lý thuyết năng động. Những người theo quan điểm này tin rằng Đức Chúa Trời thường hướng dẫn các trước giả hơn là ban cho họ từng từ ngữ. Theo phương pháp này, tính cách của họ được sử dụng, trong khi mục đích của Đức Chúa Trời vẫn được hoàn thành. Dù không khăng khăng khẳng định sự linh cảm trực tiếp từng từ ngữ của văn bản, nhưng phương pháp này vẫn giữ được sự thần cảm của Kinh Thánh. Quan điểm này xác nhận rằng linh cảm lời nói không được đặt nhiều trong phương pháp nhưng trong kết quả.

Phương pháp nào là tốt nhất? Cả ba phương pháp đều có những ý tưởng có thể được kết hợp vào cùng một khái niệm. Chúng ta phải chấp nhận cả yếu tố thiên thượng lẫn yếu tố con người đằng sau việc hình thành nên Kinh Thánh và cả ba yếu tố đều quan trọng như nhau.

Đôi khi Đức Chúa Trời đọc để con người chép lời của Ngài; đôi khi Đức Chúa Trời ban cho các trước giả lời của Ngài bằng những cách trực tiếp (chẳng hạn như giấc mơ và sự hiện thấy); và đôi khi các trước giả sử dụng từ ngữ của chính họ để diễn tả lẽ thật mà Đức Chúa Trời ban cho họ. Có lẽ một phép so sánh sẽ giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn điều này. Rất nhiều tác giả, từ cổ chí kim, đã so sánh thẩm quyền thiên thượng/con người của Kinh Thánh với bản chất thiên thượng/con người của chủ thể Kinh Thánh, đó chính là Đức Chúa Giê-su. Đức Chúa Giê-su hoàn toàn là Đức Chúa Trời, nhưng cũng hoàn toàn là con người. Chúng ta không thể hiểu trọn vẹn sự huyền nhiệm này, nhưng chúng ta có thể khẳng định điều đó. Cũng vậy, Kinh Thánh là chính lời của Đức Chúa Trời, nhưng sử dụng ngôn từ của con người.

Mọi lẽ thật thuộc linh quan trọng đều đòi hỏi chúng ta chấp nhận sự nghịch lý. Đức Chúa Trời là ba ngôi nhưng là một; Chúa đang tể trị nhưng chúng ta có tự do ý chí. Đức Chúa Giê-su hoàn toàn là Đức Chúa Trời và hoàn toàn là con người. Lời Đức Chúa Trời có cả thiên thượng lẫn con người.

Những người gần gủi với bản văn nhất

Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên đã tin quyết vào bản chất thiên thượng cùng thẩm quyền của Kinh Thánh. Họ biết rõ rằng Kinh Thánh là lời thẩm quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn như, Phi-e-rơ đã trích dẫn lời tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước như là thẩm quyền của ông trong bài phát biểu vào ngày lễ Ngũ Tuần, đó là bài giảng Cơ Đốc đầu tiên (Công vụ 2). Trong hầu hết lời biện hộ cho niềm tin Cơ Đốc, Ê-tiên đã kể lại lịch sử Israel qua ký thuật của Kinh Thánh (Công vụ 7). Khi Gia-cơ tranh luận cho việc người không phải là người Do Thái được kể vào Hội Thánh, ông đã dựa trên cơ sở lời tiên tri trong Kinh Thánh (Công vụ 15:16-18; A-mốt 9:11, 12).

Nhiều phần mục vụ của Phao-lô là dành để giải thích việc Đức Chúa Giê-su đã ứng nghiệm các lời hứa về Đấng Mê-si trong Cựu Ước như thế nào. Một ví dụ từ hành trình truyền giáo đầu tiên của ông: “Về phần hai người, thì lìa thành Bẹt-giê, cứ đi đường đến thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi; rồi nhằm ngày Sa-bát, vào trong nhà hội mà ngồi. Vừa đọc sách luật và sách các tiên tri xong, các chủ nhà hội sai sứ nói cùng hai người rằng: Hỡi anh em, nếu có mấy lời khuyên bảo dân chúng, hãy giảng đi.” (Công vụ 13:14-15). Phao-lô liền thuật lại lịch sử Kinh Thánh của dân tộc ông (Công vụ 13:16-22) và cho họ thấy Đức Chúa Giê-su đã làm trọn Kinh Thánh của họ như thế nào (Công vụ 13:23-31). Sau đó ông công bố Thi Thiên 2:7 (13:33), Ê-sai 55:3 (13:34), Thi Thiên 16:10 (13:35) và Ha-ba-cúc 1:5 (13:41) như là sự bảo đảm cho phúc âm mà ông rao truyền.

Các bức thư trong Tân Ước và lịch sử Cơ Đốc thời kỳ đầu tiên tràn ngập những trích dẫn Kinh Thánh. Thực ra, nếu chúng ta chỉ có những thư tín được viết trong thế kỷ thứ hai của Cơ Đốc Giáo, chúng ta vẫn có thể tái cấu trúc hầu hết Kinh Thánh Tân Ước dựa trên số lượng trích dẫn đồ sộ của họ. Chắc chắn những Cơ Đốc Nhân đầu tiên đã xem Kinh Thánh là sự mặc khải có thẩm quyền và là lời của Đức Chúa Trời. Các nhà phê bình có thể nói rằng quan điểm của họ là đúng hoặc sai, nhưng họ không thể nói họ cảm thấy mập mờ. Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên này thà chết hơn là chối bỏ lẽ thật mà họ đã tìm thấy trong lời Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh và tính không sai lạc

Kinh Thánh tự xưng là lời được “linh cảm” của Đức Chúa Trời (xem II Ti-mô-thê 3:16). Và vì thế, Kinh Thánh là tuyệt đối, có thẩm quyền và đáng tin cậy. Người Baptist đã khẳng định những tính từ như trên khi mô tả về Kinh Thánh trong suốt lịch sử của chúng ta (xem chương một).

Trong những năm gần đây, một thuật ngữ mới về thẩm quyền Kinh Thánh đã trở thành chủ đề cho một cuộc tranh luận sôi nổi và rộng khắp: tính không sai lạc của Kinh Thánh. Một vài người khăng khăng cho rằng chúng ta phải sử dụng thuật ngữ này nếu chúng ta tin Kinh Thánh hoàn toàn xác thực và đáng tin cậy. Những người khác tin rằng thuật ngữ này có tính chính trị và gây bối rối hơn là giúp đỡ về mặt thần học. Điều nào là đúng?

Tính không sai lạc nghĩa là gì?

Chúng ta hãy bắt đầu với một số định nghĩa. Từ không sai lạc đã được sử dụng đối với Kinh Thánh theo những cách khác nhau và gây mâu thuẫn trong những thế hệ gần đây. Vào năm 1978, khoảng 300 học giả đã quy tụ tại Chicago để đưa ra một định nghĩa chung cho thuật ngữ này. Kết quả là một bản tuyên ngôn đã được ra đời, với mười chín điều khẳng định và bác bỏ, được gọi là “Tuyên ngôn Chicago về tính không sai lạc của Kinh Thánh.” Bản tuyên ngôn được lưu hành rộng rãi và là bản tuyên ngôn được biết đến nhiều nhất về vấn đề này trong ngày hôm nay. Không may, nỗ lực đáng ghi nhận của họ lại không giải quyết sự nhầm lẫn vẫn tồn tại xung quanh thuật ngữ này.

Ngày nay, ít nhất có tám định nghĩa khác nhau về tính không sai lạc của Kinh Thánh có thể được tìm thấy trong các tác phẩm của những học giả bảo thủ hàng đầu. Danh sách chắc chắn là không đầy đủ, và chắc chắn vẫn còn những phương pháp khác sẽ được phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, danh sách này đã thể hiện sự khó khăn trong việc sử dụng thuật ngữ tính không sai lạc của Kinh Thánh như là một phép thử đơn giản để xác định một người có tin Kinh Thánh hay không.

Đây là những định nghĩa thông dụng nhất về thuật ngữ không sai lạc của Kinh Thánh:

  • Định nghĩa tổng quát: “Tính không sai lạc nghĩa là Kinh Thánh có thể được tin cậy trong bất cứ điều gì Kinh Thánh dạy dỗ và khẳng định.”1 Được đưa ra bởi Clark Pinnock, tuyên bố này có thể là phương pháp tiếp cận lời Chúa phổ biến nhất. Tuy nhiên, tuyên bố không làm cho sáng tỏ thêm về những điều người Baptist vẫn luôn tin và nói về Kinh Thánh.
  • Tính không sai lạc về hình thức tuyên bố rằng “Kinh Thánh không mâu thuẫn với chính mình.”2
  • Tính không sai lạc hữu hình mở rộng định nghĩa trên: “Kinh Thánh không dối trá hoặc lừa gạt trong bất cứ điều nào Kinh Thánh khẳng định.”3 Tuyên ngôn Chicago cho ta một định nghĩa tương tự: “Tính không sai lạc biểu thị tính chất không bị sai lầm hoặc sai sót và vì thế bảo vệ lẽ thật về việc Kinh Thánh là hoàn toàn đúng đắn và đáng tin cậy trong mọi điều Kinh Thánh khẳng định.”4
  • Tính không sai lạc về Thần học Chúa Cứu Thế Giê-su: Kinh Thánh không sai lạc về mọi lời dạy liên quan đến sự cứu rỗi. Giáo hội Công giáo Rô-ma đã áp dụng lập trường này vào Vatican II: “các sách Kinh Thánh phải được thừa nhận là lời dạy chắc chắn, trung tín và không sai sót trong lẽ thật mà Đức Chúa Trời muốn đặt vào các tác phẩm văn học thánh cho mục đích cứu rỗi.”5
  • Tính không sai lạc giới hạn tuyên bố rằng Kinh Thánh không có sai sót trong vấn đề niềm tin và đạo đức, nhưng có thể có hoặc không chứa đựng những sai sót trong những lĩnh vực khác như khoa học, địa lý và lịch sử.6
  • Định nghĩa không thể sai sót tuyên bố rằng lẽ thật Kinh Thánh là không sai lạc, nhưng các từ ngữ của Kinh Thánh không nhất thiết là không có sai sót.7
  • Tính không sai lạc thứ cấp áp dụng cho những trích dẫn và bài diễn văn được ghi lại trong Kinh Thánh, nhưng không bảo đảm cho nội dung của những trích dẫn hay diễn văn đó là không mắc phải sai sót.8 Chẳng hạn như, Lu-ca ghi lại bài giảng của Ê-tiên trong Công vụ 7 hoàn toàn đúng với những gì Ê-tiên đã nói, mặc dù lời nói của Ê-tiên có thể mắc phải sai sót.
  • Tính không sai lạc có chủ ý hoặc có mục đích nói rằng Kinh Thánh không sai lạc trong việc hoàn thành mục đích mong đợi của Kinh Thánh, dù đó là mục đích gì. Như Pinnock phát biểu: “Không sai lạc liên quan đến chủ đích của bản văn.”9 Những người ủng hộ phương pháp này chú thích rằng Kinh Thánh không có ý định là một quyển sách khoa học, lịch sử hoặc địa lý.

Như các bạn có thể thấy, tám định nghĩa này vô cùng khác nhau. Nếu người hỏi liệu bạn có tin Kinh Thánh là không sai lạc không, bạn hãy hỏi người đó định nghĩa thuật ngữ trên như thế nào. Nếu không, cuộc nói chuyện của bạn có thể sẽ không thể làm sáng tỏ thẩm quyền Kinh Thánh.

Thuật ngữ này có được giá trị như thế nào?

Các vấn đề với thuật ngữ không sai lạc không chỉ dừng lại ở định nghĩa. Có rất nhiều cách mà người sử dụng đã làm cho thuật ngữ này có giá trị. Tôi sẽ liệt kê ra những phẩm chất người được ủng hộ quan điểm không sai lạc về vật chất sử dụng, đây phương pháp mạnh mẽ nhất đối với tính không sai lạc:

  • Tính không sai lạc chỉ áp dụng cho những bản gốc của Kinh Thánh mà ngày nay chúng ta không sở hữu.
  • Thuật ngữ không ngụ ý tính chính xác về lời nói của các trích dẫn. Các trước giả Kinh Thánh Tân Ước có thể không trích dẫn đúng chính xác Kinh Thánh Cựu Ước hoặc từ các nguồn khác.
  • Thuật ngữ không ngụ ý sự đồng thuận về từ ngữ hoặc chủ đích trong những ký thuật song song của cùng một sự kiện.
  • Thuật ngữ không ngăn cản phép tu từ, làm tròn số, và tính mơ hồ khác của ngôn ngữ.
  • Thuật ngữ không ngăn cản những cụm từ và diễn đạt thông dụng chẳng hạn như “bốn góc của trái đất.”
  • Thuật ngữ không đòi hỏi ngôn ngữ chính xác về mặt khoa học khi mô tả về những điều trong tự nhiên.
  • Thuật ngữ không ngăn cản việc sử dụng thần thoại hoặc câu chuyện dân gian.
  • Thuật ngữ không đòi hỏi các chuẩn mực hiện đại về việc ghi chép lịch sử. Bảng niên đại, bảng phả hệ, và các vấn đề ghi chú lịch sử khác có thể có tính mơ hồ và có thể được giải thích.
  • Thuật ngữ không đòi hỏi trước giả Kinh Thánh phải hiểu trọn vẹn ngụ ý thiên thượng cho tác phẩm của mình (xem Ma-thi-ơ 2:15 và Ô-sê 11:1).
  • Thuật ngữ không ngăn cản việc sử dụng những mô tả không rõ ràng về các sách Kinh Thánh (xem Châm ngôn 1:1, tại đây quyển sách được quy cho Sa-lô-môn mặc dầu có những trước giả khác đóng góp vào một số phần của quyển sách). (Xem Châm ngôn 30-31).
  • Thuật ngữ không đòi hỏi nguồn gốc của từ ngữ trong ý nghĩa hiện đại.
  • Thuật ngữ cần được chấp nhận như là một khẳng định niềm tin, không phải là kết quả nghiên cứu quy nạp về bản văn.10

Mười hai phẩm chất trên cần phải được cộng thêm vào tám định nghĩa của thuật ngữ này trước khi chúng ta có thể xác định mình muốn thể hiện ý nghĩa nào về tính không sai lạc. Những khó khăn trên khiến từ ngữ trở thành một thuật ngữ khó trong đối thoại phổ thông, hoặc thậm chí trong diễn thuyết thần học.

Suy luận về tính không sai lạc

Như chúng ta đã nhận thấy ở trên, phẩm chất đầu tiên của tính không sai lạc đó là nó chỉ áp dụng cho các bản gốc của Kinh Thánh. Chúng ta không sở hữu các bản đó. Tuyên ngôn Chicago thừa nhận rằng các bản sao mà chúng ta sở hữu “không hoàn toàn là không có sai sót.”11

Đây là vấn đề. Nếu Kinh Thánh cần phải có tính không sai lạc để có thể tin cậy, và nếu chỉ có bản chính là không sai lạc, thì về mặt lý thuyết, các bản sao mà chúng ta có đều có thể sai lạc và không đáng tin cậy. Kết luận này không phải là ý định của những ai ủng hộ cho tính không sai lạc, tuy nhiên đó là kết quả hợp lý rút ra từ lập luận của họ. Mặc dù vậy, dĩ nhiên chúng ta thật tin rằng Kinh Thánh mà chúng ta sử dụng là đáng tin cậy.

Tính không sai lạc và lịch sử

Harold Lindsell đã mạnh mẽ lập luận rằng tính không sai lạc của Kinh Thánh đã được khẳng định xuyên suốt lịch sử Cơ Đốc.12 Tuy nhiên, Lindsell thừa nhận rằng các trước giả Kinh Thánh “dành rất ít khoảng không trong các trang sách của mình để cẩn thận hình thành một hệ thống, một tín lý về sự mặc khải, linh cảm và tính không sai lạc. Không nơi nào trong Kinh Thánh có lập luận hợp lý về đề tài này.”13

Trong lịch sử Hội Thánh, Origen được Lindsell cho là một người không sai lạc. Tuy nhiên theo phương pháp diễn giải mang tính ngụ ý của Origen, khi tiến vào thành Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn thì Kinh Thánh Cựu Ước là hình bóng về con lừa mà Đức Chúa Giê-su đã cưỡi đưa Ngài đến với thập giá.14 Augustine cũng được cho là một người không sai lạc; nhưng theo cách diễn giải mang tính ngụ ý của ông về câu chuyện người Sa-ma-ri nhân lành, dầu và rượu nghĩa là phép báp-têm và quán trọ nghĩa là Hội Thánh.15 Rõ ràng, quan điểm không sai lạc không thể bảo vệ chúng ta khỏi những sai sót về thần học.

Tín lý về tính không sai lạc của Kinh Thánh chính thức được xây dựng bởi Francis Turretin, một nhà thần học vào thế kỷ mười bảy. Turretin là người đầu tiên tranh luận về tính không sai lạc trong lịch sử Hội Thánh. Công việc của ông đã tác động rất lớn đến Chủng viện Princeton. Sách Institutio Theologiae Elencticae của ông trở thành sách giáo khoa chính trong thần học hệ thống tại Princeton từ năm 1812 đến năm 1872.16

Vậy tính không sai lạc của Kinh Thánh trong lịch sử Baptist thì sao? Sử gia Mark Noll đã mô tả tín lý Baptist về thẩm quyền mang tính thiết thực – chúng ta biết Kinh Thánh là chân thật bởi vì Kinh Thánh hành động trong lòng chúng ta.17 Tuyên xưng đức tin Baptist vui mừng nói về bản chất Kinh Thánh là “lẽ thật không xen lẫn sai sót” (xem chương một). Nhưng người Baptist không xây dựng một tín lý cụ thể về tính không sai lạc cho đến ngày nay.

Kinh Thánh và tính không sai lạc

Những người ủng hộ tính không sai lạc nhanh chóng chỉ ra các câu Kinh Thánh mà họ tin rằng đó là luận cứ chứng minh cho thuật ngữ này. Hãy xem nhanh qua các câu Kinh Thánh này, với những từ đồng nghĩa về tính không sai lạc hoặc những từ khóa được in nghiêng trong các câu Kinh Thánh được trích dẫn.

  • Dân số ký 23:19: “Đức Chúa Trời chẳng phải là người để nói dối, cũng chẳng phải là con loài người đặng hối cải.” Lập luận ở đây đó là Kinh Thánh được Đức Chúa Trời linh cảm nên không “nói dối” và chính vì thế không thể sai lạc. Tuy nhiên “nói dối” và sai sót là hai điều khác nhau. Cũng vậy, câu Kinh Thánh được trưng dẫn không có ý định nói về Kinh Thánh nhưng muốn nói về chính bản tánh của Đức Chúa Trời.
  • Thi Thiên 12:6: “Các lời Đức Giê-hô-va là lời trong sạch.” Từ gốc tiếng Hê-bơ-rơ là taher, chỉ về nghi lễ hoặc sự trong sạch về đạo đức, đặc biệt là về một người được thanh sạch đủ để quay lại với cuộc sống của cộng đồng Israel. Kinh Thánh không bao giờ gọi một người như thế là không sai lạc.18 Từ ngữ này chỉ về tình trạng được thanh sạch và trong trắng.
  • Thi Thiên 18:30: “Còn Đức Chúa Trời, các đường lối Ngài là trọn vẹn; lời của Đức Giê-hô-va đã được luyện cho sạch.” Tại đây chúng ta tìm thấy một từ Hê-bơ-rơ khác là sarap. Từ này nói về kim loại được tinh luyện, và không bao giờ có nghĩa vật liệu đó là không sai lạc hoặc không hoàn hảo.19
  • Thi Thiên 19:7: “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan.” Từ “trọn vẹn” được dịch từ chữ tamam, nghĩa là làm hoàn thành, đạt được mục đích nào đó.20 Từ “chắc chắn” được dịch từ chữ aman, nghĩa là kiên định, chắc chắn, hoặc trung tín với nhiệm vụ.21 Cả hai từ trên đều không nói về sự không sai lệch.
  • Thi Thiên 119:142: “Sự công bình Chúa là sự công bình đời đời, luật pháp Chúa là chân thật.” Từ “chân thật” được dịch từ chữ emet, một từ phái sinh của từ aman, đã được bàn đến tại Thi Thiên 19:7 như trên.
  • Giăng 10:35: “… Kinh thánh không thể bỏ được.” Từ “bỏ” được dịch từ chữ luthanai, từ nguyên gốc là Chữ này có nghĩa là hủy bỏ22 và không nói về tính không sai lạc.
  • Giăng 17:17: “Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật.” Từ lẽ thật được dịch từ chữ alatheia. Học giả Hy Lạp A. T. Robertson đề xuất ý nghĩa tại đây đó là “thông điệp của Đức Chúa Trời” vì tương phản với “sự suy đoán của con người.”23
  • Rô-ma 7:12: “Ấy vậy, luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành.” Từ “thánh” được dịch từ chữ hagios, nghĩa là được biệt riêng cho Chúa. Kinh Thánh là “thánh” bởi vì thuộc về Đức Chúa Trời; tính không sai lạc không được nói đến ở đây.
  • II Ti-mô-thê 3:15: “…và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh thánh.” Từ “thánh” được dịch từ chữ hieros, nghĩa là được hiến dâng cho Đức Chúa Trời.24

Trong mỗi trường hợp trên, từ ngữ được trưng dẫn không có ý nghĩa liên hệ đến tranh luận về tính không sai lạc của Kinh Thánh.

Nguồn gốc của quan điểm không sai lạc

Nếu phương pháp nói về Kinh Thánh có tính không sai lạc không phải đến từ Kinh Thánh, vậy khái niệm này bắt nguồn từ đâu? Câu trả lời được tìm thấy với Aristotle (384-322 trước Công Nguyên), triết gia đầu tiên xây dựng quy luật logic mà chúng ta sử dụng ngày nay. Khái niệm nền tảng của ông đó là quy luật mâu thuẫn. Chỉ có A là B hoặc A không là B; cả hai không thể đồng thời xảy ra. Mặt trời sẽ mọc vào ngày mai hoặc mặt trời sẽ không mọc vào ngày mai, cả hai mệnh đề không thể cùng đúng.

Quy luật mâu thuẫn vô cùng hữu dụng trong lĩnh vực y khoa và sinh học, đó là áp dụng mà Aristotle hướng đến. Nhưng khi đưa phương pháp này vào thần học, nó lại gây ra khó khăn. Đức Chúa Trời là ba hay là một? Đức Chúa Giê-su hoàn toàn là thần hay hoàn toàn là con người? Đức Chúa Trời biết trước tương lai hay là chúng ta có tự do ý chí? Trong mỗi một trường hợp trên, câu trả lời đều là .

Tính không sai lạc chính là lập luận mang tính hợp lý xuất phát từ triết gia Aristotle mà những nhà thần học đã áp dụng vào Kinh Thánh, nhưng đó không phải là lập luận được tìm thấy trong chính Kinh Thánh. Kinh Thánh là không sai lạc hoặc Kinh Thánh có sai sót? Đó là câu hỏi do lập luận Hy Lạp nêu lên chứ không phải đến từ bản văn Kinh Thánh.

Kết quả là bất kể khi nào những người tin vào tính không sai lạc của Kinh Thánh cố sử dụng Kinh Thánh để bảo vệ cho lập trường của họ, họ luôn phải suy luận để chứng minh. Đức Chúa Trời linh cảm Kinh Thánh, Đức Chúa Trời không có sai sót, và vì thế Kinh Thánh không có sai sót, đó là lập luận từ lý luận học chứ không phải từ Kinh Thánh. Không có một phân đoạn Kinh Thánh nào suy luận theo cách này.

Khi chúng ta đặt ra những câu hỏi nằm ngoài ý định trả lời của Kinh Thánh, chúng ta luôn gặp vấn đề. Nếu chúng ta tìm trong Kinh Thánh lời giải thích khoa học cho nguồn gốc vũ trụ, chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng. Đơn giản đó không phải là mục đích của sách Sáng Thế Ký. Nếu chúng ta tìm kiếm một trật tự chi tiết cho tương lai từ trong lời của Chúa, chúng ta sẽ nản chí. Một nguyên tắc căn bản để nghiên cứu mọi thể loại văn học đó là tìm và đi theo mục đích mà tác giả muốn truyền tải. Hơn bất cứ nơi nào, nguyên tắc này là cực kỳ quan trọng đối với việc nghiên cứu Kinh Thánh.

Kết luận

Vậy đâu là cách tốt nhất để mô tả về thẩm quyền Kinh Thánh? Cách tốt nhất đó là cách mà Kinh Thánh nói về chính Kinh Thánh: là lời được “linh cảm” của Đức Chúa Trời. Là lời được Đức Chúa Trời linh cảm, Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của những công việc mà Ngài đã thực hiện. Kinh Thánh là nhân chứng cho mọi điều Đức Chúa Trời đã làm nhằm giải cứu dân sự của Ngài và giải hòa thế giới với chính Ngài. Chúng ta có thể hoàn toàn tin vào điều đó.

Tôi tin và giảng với trọn tấm lòng về tính đáng tin cậy tuyệt đối của lời Chúa. Kinh Thánh – chúng ta có thể tin không? Có!

Chương mười

Kinh Thánh Là Quyển Sách Thực Hành

 

Thẩm Quyền Kinh Thánh và Nghiên Cứu Lời Chúa: Phần Một

Khi còn là sinh viên thần học, tôi đã từng làm giáo sĩ cho Hiệp Hội Sinh Viên Baptist phục vụ tại hòn đảo Borneo phía Đông Malaysia ở Đông Nam Á. Các giáo sĩ tại Singapore đã cho tôi và cộng sự của tôi một túi vải đựng đầy Kinh Thánh Tân Ước tiếng Malay có bìa mềm. Chúng tôi đã phát những quyển Kinh Thánh ấy tại Hội Thánh đầu tiên mà chúng tôi đến. Người ta đứng thành hàng dài dưới cái nắng gay gắt trong hơn một giờ, chờ đợi để nhận một bản sao lời của Đức Chúa Trời bằng chính ngôn ngữ của họ. Hầu hết mọi người tại đó chưa từng sở hữu một quyển Kinh Thánh.

Tôi không bao giờ quên một cụ bà đứng ở cuối hàng. Bà chờ đợi đầy kiên nhẫn. Cuối cùng đến lượt của bà. Tôi đã trao cho bà một quyển Kinh Thánh Tân Ước có bìa mềm. Tay bà run run áp quyển sách vào ngực, nước mắt lăn trên đôi má. Tôi chợt nghĩ về số Kinh Thánh tại nhà tôi đang đóng bụi. Tôi không phải nghi ngờ rằng liệu bà có đọc quyển sách mà bà đã được nhận hay không.

Thẩm quyền Kinh Thánh sẽ ít đem lại lợi ích thiết thực cho đời sống chúng ta nếu không dẫn đến việc nghiên cứu Kinh Thánh. Có thể chúng ta tin rằng Kinh Thánh được thần cảm, rằng Kinh Thánh đứng vững trước mọi phép thử và chỉ trích từ thế giới hoài nghi. Nhưng nếu chúng ta không thực hành Kinh Thánh trong đời sống, niềm tin sẽ không có tác động nào đến cuộc sống của chúng ta. Mục đích lời Chúa đó là thay đổi những ai đọc lời ấy, uốn nắn chúng ta theo hình ảnh Đức Chúa Giê-su (Rô-ma 8:29).

Vậy làm thế nào bạn có thể gặp Đức Chúa Trời trong lời của Ngài? Làm thế nào bạn có thể tự học Kinh Thánh? Trong chương này chúng ta sẽ xem qua những công tác chuẩn bị cần thiết cho việc học Kinh Thánh hiệu quả. Trong chương tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu những hướng dẫn được áp dụng cho từng phân đoạn trong Kinh Thánh và khám phá những nguyên tắc liên quan đến những phần cụ thể trong lời Chúa.

Chuẩn bị chính mình

Chúng ta sẽ bắt đầu tập trung vào “bộ môn chú giải tổng quát” (general hermeneutics).1 Hermes là thần đưa tin trong văn hóa Hy Lạp; do đó từ “hermeneutics” nghĩa là sự nghiên cứu một thông điệp hoặc còn có nghĩa là các nguyên tắc diễn giải. Chú giải Kinh Thánh là lĩnh vực nghiên cứu nhằm xác định những quy luật và hướng dẫn cần thiết cho việc nghiên cứu Kinh Thánh.

Tuy nhiên, trước khi chúng ta có thể sử dụng những nguyên tắc ấy, trước hết chúng ta phải có ba cam kết cá nhân. Bởi vì Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời, không phải là sản phẩm tri thức hay nghiên cứu của con người, tâm linh của chúng ta phải được sẵn sàng để lắng nghe lời Chúa nói gì với chúng ta.

Gặp Chúa cách cá nhân

Đầu tiên, bạn phải nhận biết Tác Giả của quyển sách này một cách cá nhân. Phao-lô khiển trách các tín hữu tại Cô-rinh-tô: “Người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi vì người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng” (I Cô-rinh-tô 2:14).

Phao-lô không có ý nói rằng một người chưa theo đạo thì không thể hiểu được gì về Kinh Thánh. Nhưng thay vào đó, Phao-lô dạy rằng chúng ta không thể “chấp nhận” hoặc “hiểu” những áp dụng thuộc linh từ Kinh Thánh nếu Đức Thánh Linh không hướng dẫn chúng ta để diễn giải những áp dụng thuộc linh đó. Lời Chúa sẽ chỉ dừng lại ở mức độ các sự kiện và tri thức mà không thâm nhập vào lòng và biến đổi chúng ta. Chúng ta phải có mối liên hệ cá nhân với Đức Chúa Giê-su trước khi lời Ngài làm trọn những mục đích được định trước cho đời sống của chúng ta.

Suốt nhiều năm tôi đã từng nghĩ mình là một Cơ Đốc Nhân, bởi vì tôi tin vào Đức Chúa Trời và cố gắng là một người tốt. Hầu hếu mọi người Mỹ đều nghĩ rằng định nghĩa của tôi về Cơ Đốc Nhân như trên là đúng đắn. Chúng ta là những người tự lập, những người tin vào đạo đức và tôn giáo. Chỉ cần tin Đức Chúa Trời có thật và cố gắng sống theo “quyển sách tốt lành”. Vậy chúng ta nghĩ mình không thật sự cần biết “quyển sách tốt lành” ấy nói gì. Tôi không bao giờ đến nhà thờ hoặc học Kinh Thánh, nhưng tôi cho rằng khi tôi chết tôi sẽ được lên thiên đàng.

Khi tôi mười lăm tuổi, một Hội Thánh Baptist ở khu vực của chúng tôi tại Houston, Texas đã bắt đầu mục vụ trên xe buýt. Họ đã mua một chiếc xe buýt cũ trước đây dùng để chở học sinh đến trường, họ sơn tên của Hội Thánh vào một bên của xe và bắt đầu mời gọi người ta lên chiếc xe ấy để đến nhà thờ. Tháng 8 năm 1973, một vài người trong Hội Thánh đã gõ cửa căn nhà của chúng tôi. Em trai tôi và tôi không muốn đi nhà thờ, nhưng cha của tôi đã bắt chúng tôi lên chiếc xe buýt ấy. Đó là lần đầu tiên tôi nghe về phúc âm.

Khi tôi đến nhà thờ và tham dự Trường Chúa Nhật, tôi bắt đầu cảm thấy những con người tại đây có niềm vui và mục đích mà tôi chưa từng khám phá ra. Thế là một vài tuần sau đó, tôi đã hỏi giáo viên Trường Chúa Nhật rằng làm thế nào tôi có được điều mà những người khác trong lớp có. Chính ngày hôm đó, cô đã hướng dẫn tôi đến với đức tin cá nhân trong Đấng Christ. Sáu tháng sau, người em của tôi cũng tiếp nhận Chúa. Một năm sau, chúng tôi được làm báp-têm. Em của tôi hiện là mục sư của Hội Thánh First Baptist tại Gainesville, Texas.

Tôi đã bị thu hút để đến với Đấng Christ thông qua những Cơ Đốc Nhân. Những người học Kinh Thánh và áp dụng lẽ thật Kinh Thánh vào đời sống, họ đã rất khác biệt so với tôi. Tôi muốn điều mà tôi nhìn thấy nơi họ. Nhưng tôi không thể hiểu những lẽ thật mà họ đã sống theo đó cho đến khi tôi tiếp nhận Chúa của họ trở thành Chúa của tôi.

Chúng ta không thể hiểu Kinh Thánh nếu trước hết chúng ta không nhận biết Tác Giả quyển sách này. Bạn đã gặp Ngài chưa?

Sẵn sàng làm việc chăm chỉ

Phao-lô thách thức người tập sự trẻ của ông trong mục vụ: “Hãy chăm chỉ đọc sách, khuyên bảo, dạy dỗ, cho đến chừng ta đến” (I Ti-mô-thê 4:13). Từ “chăm chỉ” được dịch từ một thuật ngữ tiếng Hy Lạp nghĩa là đòi hỏi sự chuẩn bị cá nhân trước.2 Cũng như bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu tri thức nào, để hiểu và áp dụng Kinh Thánh đòi hỏi công việc cá nhân. Bạn càng đầu tư thì càng gặt hái được nhiều.

Đôi khi các sinh viên mục vụ nói với tôi rằng họ muốn làm mục sư của một “Hội Thánh trong thời kỳ Tân Ước.” Tôi luôn hỏi họ đó là Hội Thánh nào. Tôi thích làm mục sư tại An-ti-ốt, không thích đến Hội Thánh Cô-rinh-tô lắm. Theo Phao-lô, một trong số những vấn đề của tín hữu Cô-rinh-tô đó là họ thiếu trưởng thành: “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng có thể nói với anh em như với người thiêng liêng, nhưng như với người xác thịt, như với các con đỏ trong Đấng Christ vậy. Tôi lấy sữa nuôi anh em, chớ chẳng lấy đồ ăn cứng, vì anh em không chịu nổi; đến bây giờ cũng chưa chịu được, vì anh em hãy còn thuộc về xác thịt” (I Cô-rinh-tô 3:1-3). Sữa là thực phẩm đã được người mẹ tiêu hóa và biến đổi để đứa trẻ có thể tiếp nhận được. Không may, các tín hữu Cô-rinh-tô cũng muốn lẽ thật thuộc linh theo cùng một cách như vậy – được một người khác tiêu hóa sẵn.

Rất nhiều Cơ Đốc Nhân phải chịu khó nhọc vì mong ước của tín hữu tại Cô-rinh-tô đó là để người khác học Kinh Thánh thay cho mình. Họ nói rằng: Đó là lý do chúng tôi trả lương cho mục sư. Tôi không được học trong chủng viện; tôi không có thời giờ học Kinh Thánh; cho nên tôi sẽ lắng nghe mục sư hoặc giáo viên Trường Chúa Nhật của tôi. Tôi sẽ để những người có chuyên môn làm việc ấy. Nhưng khi chúng ta đọc qua chương hai, Kinh Thánh là dành cho mọi người tin Chúa. Người Baptist khẳng định mạnh mẽ rằng mỗi một Cơ Đốc Nhân là một thầy tế lễ. Bạn có đặc ân và trách nhiệm phải diễn giải lời của Đức Chúa Trời cho chính mình.

Trong chương này chúng ta sẽ học cách sử dụng nhiều công cụ khác nhau trong việc nghiên cứu Kinh Thánh. Các bản dịch, các sách giải nghĩa, một quyển từ điển Kinh Thánh, Kinh Tiết Sách Dẫn, tập bản đồ và bộ bách khoa toàn thư sẽ giúp chúng ta. Tuy nhiên những công cụ này chỉ có ý nghĩa hỗ trợ chứ không thay thế cho việc nghiên cứu cá nhân của bạn. Cơ Đốc Giáo không phải là một môn thể thao có khán giả quan sát. Hãy quyết định rằng bạn sẵn lòng chăm chỉ để gặp Đức Chúa Trời trong lời Ngài.

Vâng theo những gì bạn khám phá được

Kinh Thánh không nhằm cung cấp cho tâm trí của bạn những thông tin, nhưng là để thay đổi cuộc sống của chính bạn. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17). Sự vâng lời đưa chúng ta đến mối quan hệ với TRỜI. Đức tin được đòi hỏi. Chúng ta phải đặt mình vào vị trí tiếp nhận điều Đức Chúa Trời muốn ban cho chúng ta bởi ân điển. Người Israel phải bước xuống dòng sông Giô-đanh ngập nước trước khi Đức Chúa Trời ngăn dòng chảy của sông (Giô-suê 3:15-16).

Trước khi mở lời Chúa, hãy quyết định rằng bạn sẽ vâng theo điều mà bạn tìm thấy trong đó. Hãy cho Cha thiên thượng của bạn một tờ ngân phiếu trống của sự vâng phục. Đức Chúa Trời sẽ không bày tỏ ý muốn của Ngài như một lựa chọn để chúng ta cân nhắc, nhưng là một mệnh lệnh để vâng theo. Nếu bạn không làm điều Đức Chúa Trời phán, bạn sẽ không hiểu điều Ngài phán. Không có người cha nào dẫn dắt đứa con không muốn vâng lời.

Định hướng cho những giả định trước

Khi học hình học tôi đã quen với khái niệm tiên đề. Đó là những giả định trước mà không thể chứng minh được, dẫn dắt những niềm tin dựa vào việc nghiên cứu toán học. Chúng ta không thể chứng minh các đường thẳng song song không bao giờ giao nhau, nhưng chúng ta chấp nhận nguyên lý này trong môn hình học. Mọi tri thức đều được xây dựng trên những giả định trước như thế. Các nhà khoa học tin rằng thế giới vật chất là bền vững và có thể đoán trước được. Nếu không thì các cuộc thí nghiệm sẽ không thể lặp đi lặp lại được.

Việc học Kinh Thánh cũng dựa trên một số giả định trước. Có ba điều đặc biệt quan trọng đối với việc diễn giải lời Chúa.

Tin rằng bạn có thể hiểu Kinh Thánh

Martin Luther và các nhà cải chánh giáo hội rất cương quyết rằng: Kinh Thánh có thể hiểu được. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta sự mặc khải của Ngài theo cách mà chúng ta có thể khám phá và áp dụng những lẽ thật từ những khám phá ấy. Chúng ta không cần phải dựa vào các tín điều, các hội đồng và truyền thống giáo hội. Mỗi một người tin Chúa đều là một thầy tế lễ cho chính mình trước mặt Đức Chúa Trời và trước lời Ngài.

Vậy chúng ta sẽ bắt đầu việc học Kinh Thánh bằng chính quyển Kinh Thánh – chứ không bằng những lời dạy của giáo hội về một chủ đề nào đó, nhưng bằng chính lời dạy của Kinh Thánh. Chúng ta sẽ nhờ các nhà thần học và lời dạy của Hội Thánh để hướng dẫn chúng ta trong quá trình nghiên cứu Kinh Thánh, tin rằng chúng ta có thể học được từ người khác. Thật vậy, chúng ta có thể học được rất nhiều điều khi chúng ta học Kinh Thánh với những bạn hữu Cơ Đốc khác và kiểm tra cách diễn giải cùng hiểu biết Kinh Thánh của chính mình với họ. Nhưng chúng ta sẽ không để cho ý kiến cá nhân thay thế sự mặc khải của Chúa.

Sử dụng Kinh Thánh Tân Ước để diễn giải Kinh Thánh Cựu Ước

Như chúng ta đã học trong chương một, những người Baptist tin rằng “tiêu chuẩn để diễn giải Kinh Thánh đó là Đức Chúa Giê-su Christ.”3 Chúng ta đồng ý với Giăng rằng Kinh Thánh tồn tại là để dẫn dắt chúng ta đến với niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su (Giăng 20:30-31). Chính vì vậy, Kinh Thánh Tân Ước, nơi bày tỏ Đấng Christ, chính là công cụ để chúng ta diễn giải Cựu Ước là phần chuẩn bị con đường cho Đấng Christ. Như Đức Chúa Giê-su Christ đã nhiều lần phán rằng: Ngài làm trọn Kinh Thánh là sách đã nói cho thế giới biết về việc Ngài đến (xem Ma-thi-ơ 5:17).

Nói cách khác, chúng ta sẽ học Kinh Thánh dựa trên giáo lý thần học mặc khải tịnh tiến. Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho chúng ta một cách tịnh tiến, những mặc khải về sau được xây dựng trên lẽ thật trước đó. Cũng giống việc giáo viên toán phải dạy về đại số trước khi dạy về hình học, dạy lượng giác học trước khi dạy về vi phân và tích phân, tương tự như thế, Đức Chúa Trời cũng bày tỏ chính Ngài từng chút một cho chúng ta. Dựa trên nền tảng luật pháp trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã phán thông qua các tiên tri của Ngài. Họ tiếp tục tập trung vào Đấng Mê-si, là sự mặc khải của chính Đức Chúa Trời. Kinh Thánh Tân Ước xây dựng trên sự mặc khải này trong một Người qua sự mặc khải bằng từ ngữ. Chính vì vậy Kinh Thánh Tân Ước là công cụ để chúng ta diễn giải sự mặc khải trước đó của Ngài.

Giả định trước có tính định hướng này dẫn chúng ta đến một nguyên tắc quan trọng, nguyên tắc mà chúng ta sẽ đề cập đến một lần nữa trong chương tiếp theo. Bất cứ khi nào một luật pháp trong Cựu Ước được nhắc lại trong Tân Ước, thì luật ấy giữ lại hiệu lực của một luật lệ đối với Cơ Đốc Nhân ngày nay. Chẳng hạn như, bằng việc công nhận Mười Điều Răn, Đức Chúa Giê-su đã khiến đây là điều bắt buộc cho các môn đệ của Ngài (Ma-thi-ơ 19:16-19).

Mặc khác, bất kỳ luật pháp Cựu Ước nào không được nhắc lại trong Tân Ước thì luật ấy giữ lại tính nguyên tắc cho đời sống Cơ Đốc. Chẳng hạn như, theo như Giáo hội nghị tại thành Giê-ru-sa-lem, quy luật ăn uống của người Do Thái là không có tính ràng buộc đối với những người ngoại quốc cải đạo (Công vụ 15:28-29; cũng xem trong 10:9 – 11:18; Ga-la-ti 2:11-14). Tuy nhiên, những luật lệ này vẫn thể hiện nguyên tắc có liên quan đó là Đức Chúa Trời quan tâm đến sức khỏe thuộc thể của chúng ta. Chúng ta sẽ học những luật lệ đó để khám phá những nguyên tắc và lẽ thật để áp dụng cho đời sống khi chúng ta liên hệ với Đức Chúa Trời qua ân điển.

Kinh Thánh là quyển sách chú giải cho chính Kinh Thánh

Giả định trước có tính định hướng thứ ba của chúng ta đó là Kinh Thánh tự giải nghĩa cho Kinh Thánh. Bởi vì lời Chúa là thống nhất, chặt chẽ và hoàn toàn được linh cảm, mỗi một từ ngữ đều là lời của Đức Chúa Trời. Vậy cách tốt nhất để học bất kỳ phân đoạn Kinh Thánh nào đó là diễn giải phân đoạn ấy dưới sự bày tỏ của cả Kinh Thánh. Chúng ta sẽ so sánh Kinh Thánh với Kinh Thánh, diễn giải một phần bằng toàn thể.

Năm nguyên tắc quan trọng xảy ra từ giả định trước này.

Đầu tiên, diễn giải phân đoạn không rõ nghĩa dưới sự bày tỏ của lẽ thật rõ ràng. Nghiên cứu những phần khác nhau trong Kinh Thánh dưới sự bày tỏ của những sự dạy dỗ rõ ràng. Chẳng hạn như, Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ rằng: “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta.” (Lu-ca 14:26).

Có phải Đức Chúa Giê-su bác bỏ gia đình? Hoàn toàn không. Phúc âm Ma-thi-ơ giải thích: “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta” (Ma-thi-ơ 10:37). Cách giải thích của Lu-ca có nghĩa là chúng ta phải “ghét” gia đình mình theo phương diện đặt Đức Chúa Giê-su ưu tiên hơn và tận tâm hơn so với gia đình. Cách giải thích rõ nghĩa sẽ giúp chúng ta hiểu những phần khó hơn.

Hơn thế nữa, Kinh Thánh Tân Ước chứa đựng những sự dạy dỗ rõ ràng nhằm khẳng định giá trị của gia đình (xem I Cô-rinh-tô 9:5; I Ti-mô-thê 5:8; Ê-phê-sô 5:25). Những phần tham khảo rõ nghĩa sẽ giúp chúng ta hiểu và áp dụng lời dạy của Đức Chúa Giê-su cho cuộc sống mình.

Thứ hai, không xây dựng tín lý dựa trên chỉ một phần Kinh Thánh. Hãy xem xét chủ đề “ngàn năm bình an,” được tìm thấy rõ ràng trong Khải Huyền 20:1-6. Đây hiển nhiên là một chủ đề quan trọng, tuy nhiên phần Kinh Thánh này không nên được đặt thành một chuẩn mực để thử niềm tin của ai đó có chính thống hay không. Có ít nhất tám lý thuyết về chủ đề này do các học giả tin vào Kinh Thánh đặt ra. Dù một người tin vào bất kỳ lý thuyết nào về chủ đề Ngàn năm bình an, thì niềm tin của người đó đối với thẩm quyền Kinh Thánh vẫn sẽ không bị nghi vấn. Chúng ta nên xây dựng những tín lý quan trọng dựa trên những phân đoạn Kinh Thánh bao quát hơn.

Một ví dụ khác đó là câu hỏi của Phao-lô dành cho tín hữu Cô-rinh-tô: “Nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì sao họ vì những kẻ ấy mà chịu phép báp-têm?” (I Cô-rinh-tô 15:29). Chúng ta sẽ không bàn về những cách diễn giải khác nhau cho câu Kinh Thánh này. Chúng ta chỉ cần biết rằng Kinh Thánh không cung cấp thêm những phần tham khảo nào khác về “báp-têm cho kẻ chết.” Đừng xây dựng một giáo lý nào lớn hơn dựa trên một câu Kinh Thánh đơn lẻ này.

Thứ ba, nghiên cứu những câu Kinh Thánh ngắn dựa trên phần Kinh Thánh lớn hơn. Diễn giải một câu Kinh Thánh dựa trên một đoạn, diễn giải một đoạn dựa trên một sách, và diễn giải một sách dựa trên toàn bộ Kinh Thánh. Khi bạn xem xét lời khuyên lớn hơn từ lời Chúa, bạn sẽ để Kinh Thánh tự giải thích cho Kinh Thánh.

Thứ tư, những nguyên tắc được nói đến trong nhiều phần của Kinh Thánh sẽ được áp dụngcho mọi thời đại và các nền văn hóa. Đằng sau sau những phân đoạn Kinh Thánh là nhiều bối cảnh và hoàn cảnh khác nhau. Bất cứ khi nào một tuyên bố được tìm thấy trong một số ngữ cảnh khác nhau và được dạy bởi nhiều trước giả Kinh Thánh, khi đó chúng ta biết rằng tuyên bố ấy được định là một lẽ thật xuyên thời gian. Nếu một lẽ thật chỉ được một trước giả dạy dỗ một lần duy nhất, chúng ta biết rằng đó là một bài học cụ thể cho riêng thời kỳ và bối cảnh tại đó. Chúng ta sẽ áp dụng nguyên tắc tìm được cho cuộc sống mình, nhưng không áp dụng như một mệnh lệnh. Theo nghĩa này, điều này giống như một luật pháp trong Cựu Ước không được nhắc lại trong Tân Ước; luật pháp ấy dạy về lẽ thật thuộc linh nhưng không ràng buộc trách nhiệm.

Một ví dụ gây tranh cãi về nguyên tắc này liên quan đến lời dạy của Kinh Thánh về chủ đề đồng tính. Người bảo vệ cho lối sống này tuyên bố rằng những sự cấm đoán thuộc linh là có điều kiện về văn hóa, rằng đó chỉ áp dụng cho thời kỳ và địa điểm tại nơi mà Kinh Thánh nói đến thôi.

Những người diễn giải Kinh Thánh theo phương cách này nên làm theo đúng theo nguyên tắc giải nghĩa mà chúng ta đang nói đến tại đây. Kinh Thánh nói về chủ đề đồng tính bảy lần, xuyên suốt cả Cựu lẫn Tân Ước, trong nhiều bối cảnh văn hóa khác nhau:

  • Sáng Thế Ký 19 chúng ta thấy những người nam tại thành Sô-đôm đòi “nhận biết” những người khách là thiên sứ đến thăm Lót (19:5), và chúng ta cũng thấy hình phạt mà Đức Chúa Trời giáng trên thành phố này. Dù đề tài đồng tính được đề cập đến trong phân đoạn Kinh Thánh, nhưng lại không nói rõ có phải hình phạt của Đức Chúa Trời là chống lại chính nạn đồng tính, hay là vì đám đông đã cố thực hiện hành vi đồng tính.
  • Lê-vi-ký 18:22 và Lê-vi-ký 20:13 rõ ràng nghiêm cấm hành động đồng tính.
  • Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:17-18 cấm mọi sự dâm ô, dù đó là nam hay nữ.
  • Rô-ma 1:26-27 mô tả các hành động đồng tính là “nghịch với tánh tự nhiên” và “phạm sự xấu hổ.”
  • I Cô-rinh-tô 6:9-10 và I Ti-mô-thê 1:8-11được một số người cho là nói về nạn mãi dâm đồng giới. Tuy nhiên, những câu Kinh Thánh này dường như nghiêm cấm một cách khách quan hành động đồng tính trong bất kỳ bối cảnh nào.

Hơn thế nữa, không có phân đoạn Kinh Thánh cổ xúy cho hành động này. Không một lãnh đạo thuộc linh hoặc chuẩn mực đạo đức nào đã được học từ Kinh Thánh lại có thể được hiểu đúng đắn là họ đang thực hành nếp sống này.

Trọng tâm của vấn đề tại đây là: khi Kinh Thánh nói về một chủ đề nào đó trong nhiều nền văn hóa và bối cảnh khác nhau, thì điều đó áp dụng cho mọi thời đại và hoàn cảnh.

Thứ năm, nếu hai mệnh đề trong Kinh Thánh dường như mâu thuẫn với nhau theo cách nhìn của con người, hãy chấp nhận cả hai. Lẽ thật thiên thượng không bị suy luận con người ràng buộc, và thường phải được thể hiện qua hai mệnh đề dường như mâu thuẫn với nhau. Điều này gọi là tự mâu thuẫn, nghĩa là sự chấp nhận hai nguyên tắc dường như loại bỏ lẫn nhau nhưng đều đúng đắn độc lập với nhau.

Chẳng hạn như, tôi thường được hỏi về sự tự do ý chí và tể trị thiên thượng. Nếu chúng ta hoàn toàn có tự do ý chí, liệu sự hiểu biết và kiểm soát của Đức Chúa Trời đối với tương lai có bị giới hạn? Hoặc, nếu Đức Chúa Trời biết được tương lai, làm thế nào chúng ta có được sự tự do chọn lựa?

Thật vậy, Kinh Thánh thường nêu lên cặp nguyên tắc như thế. Đức Chúa Giê-su đưa ra cả hai nguyên tắc trong cùng một câu: “Con người đi, theo như điều đã chỉ định; nhưng khốn cho người nầy phản Ngài.” (Lu-ca 22:22).

Tóm lại, quyết định của bạn về những giả định trước này sẽ dẫn dắt bạn trong việc diễn giải và áp dụng lời Chúa cách đúng đắn:

  • Tin rằng bạn có thể tự hiểu được Kinh Thánh.
  • Sử dụng Kinh Thánh Tân Ước để diễn giải Kinh Thánh Cựu Ước.
  • Dùng Kinh Thánh để diễn giải Kinh Thánh. Kết quả có được là:
  • Diễn giải những phân đoạn không rõ nghĩa dưới sự bày tỏ của lẽ thật rõ ràng.
  • Không xây dựng tín lý dựa trên một phần Kinh Thánh duy nhất.
  • Nghiên cứu những phần Kinh Thánh ngắn dưới sự bày tỏ của phần Kinh Thánh dài hơn.
  • Những nguyên tắc được nhắc đến ở nhiều phần khác nhau trong Kinh Thánh sẽ được áp dụng cho mọi thời đại và các nền văn hóa.
  • Nếu hai mệnh đề Kinh Thánh dường như mâu thuẫn với nhau theo cái nhìn của con người, hãy chấp nhận cả hai.

Những câu hỏi về bối cảnh

Giờ đây chúng ta đã sẵn sàng bắt đầu nêu lên những câu hỏi về một phân đoạn Kinh Thánh mà chúng ta muốn nghiên cứu. Cũng như bất kỳ thể loại văn học nào, chúng ta cần phải biết một số thông tin trước khi có thể hiểu được ý định truyền đạt của tác giả.

Ai là tác giả?

Đầu tiên, ai là tác giả của phần Kinh Thánh mà bạn sẽ nghiên cứu? Bạn có thể học được gì từ bối cảnh và kinh nghiệm của tác giả đó? Điều gì đang xảy ra trong thời gian viết nên quyển sách mà bạn sẽ đọc?

Chắc chắn bạn đã trải qua cảm giác bực dọc khi nói chuyện điện thoại mà chỉ lắng nghe từ phía bên kia đầu dây. Từ đầu dây bên này, bạn có thể hiểu từng lời mà bên kia nói. Nhưng nếu bạn không biết về con người mà bạn đang trò chuyện, bạn sẽ dễ diễn giải sai ý người đó nói.

Biết về trước giả và hoàn cảnh của người đó sẽ giúp làm sáng tỏ hơn cho bản văn. Chẳng hạn như, nhiều tín hữu hiểu rõ giá trị của sách Phi-líp là một chuyên luận về niềm vui. Phao-lô khích lệ chúng ta: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn” (Phi-líp 4:4). Niềm vui của ông khi viết cho những người bạn tại Phi-líp là rõ ràng và đầy khích lệ.

Nhưng khi chúng ta tìm hiểu về hoàn cảnh của Phao-lô trong thời điểm viết bức thư này, thông điệp của bức thư càng trở nên ý nghĩa. Phi-líp là thành phố đầu tiên Phao-lô bị giam trong chức vụ của ông. Thực ra, ông và Si-la đã bị đánh dữ dội trước khi bị giam vào ngục (Công vụ 16:16-24). Giờ đây vị sứ đồ đang bị giam trong một ngục khác, lần này là ở tại Rô-ma. Ông không biết được mình sẽ được tha hay đối mặt với án tử hình. Viết bức thư này từ ngục giam hiện tại đến nơi mà lần đầu tiên ông đã bị giam, dù vậy Phao-lô đã tỏ bày niềm vui trong Đức Chúa Giê-su Christ.

“Niềm vui trong nhà giam” là một tựa đề rất phù hợp cho thư tín này. Biết về tác giả và hoàn cảnh của tác giả càng khiến thư tín này rõ ràng đối với chúng ta.

Ai là người nhận?

Câu hỏi thứ hai theo sau câu hỏi thứ nhất: Tác giả viết tác phẩm này cho ai? Độc giả đầu tiên là người tin Chúa hay không tin Chúa? Bị bắt bớ hay được an toàn? Một Hội Thánh, một nhóm các Hội Thánh, hay một cá nhân? Bạn có thể biết được gì về hoàn cảnh, nhu cầu và vấn đề của họ?

Tại sao Ma-thi-ơ trích dẫn Kinh Thánh nhiều hơn các trước giả Tân Ước khác? Bởi vì độc giả của ông là người Do Thái, và ông muốn cho họ thấy rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si của họ. Tại sao Mác lại giải thích nhiều về phong tục của người Do Thái (Mác 7:2-4; 15:42) và dịch những từ ngữ tiếng A-ram (3:17; 5:41; v.v…)? Bởi vì ông viết cho người ngoại quốc, có thể hầu hết là ở tại Rô-ma.

Tại sao Lu-ca lại sử dụng nhiều thuật ngữ y học trong sách Phúc Âm của ông và sách Công vụ các sứ đồ, nhiều hơn bất kỳ sách nào khác trong Kinh Thánh? Bởi vì ông là một bác sĩ (Cô-lô-se 4:14). Tại sao Giăng bắt đầu thư tín đầu tiên của mình bằng tuyên bố: “Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về Lời sự sống” (I Giăng 1:1)? Bởi vì từng lời từng chữ mà bạn vừa đọc bác bỏ Thuyết Ngộ Đạo vừa mới chớm nở, một triết lý Hy Lạp phân tách thể xác khỏi tâm linh và dạy rằng Đức Chúa Giê-su không thể vừa là thần vừa là con người được. Và đây là mục đích của Giăng.

Khi bạn biết độc giả của một sách trong Kinh Thánh, bạn sẽ có thể tham gia cùng họ. Khi bạn ngồi cùng với các tín hữu Phi-líp lúc họ lắng nghe bức thư của Phao-lô, bạn sẽ có thể hiểu rõ hơn về mối liên hệ của bức thư đối với đời sống và nhu cầu của bạn ngày nay.

Mục đích của trước giả là gì?

Việc viết lách trong thế giới cổ đại rất khó khăn mà nếu không có một mục đích nào thúc ép thì khó có thể thực hiện được. Ngày nay chúng ta dễ dàng viết một bức thư ngắn và gửi bằng thư điện tử chỉ trong chốc lát. Các trước giả thời cổ đại phải trả giá rất cao để tạo ra các sách Kinh Thánh mà chúng ta đọc ngày nay.

Do đó, chúng ta cần phải cố gắng tìm hiểu tất cả về mục đích của trước giả trước khi chúng ta diễn giải tác phẩm của trước giả đó. Hầu hết Kinh Thánh được tạo ra để hoàn thành một nhiệm vụ hay một mục đích cụ thể. Nếu chúng ta không hiểu nhiệm vụ đó, chúng ta sẽ đánh mất đi rất nhiều điều mà trước giả muốn chúng ta biết và làm theo.

Thường thì bản văn sẽ làm rõ mục đích đó. Giăng tiết lộ mục đích rõ ràng Phúc âm của ông: “Đức Chúa Jêsus đã làm trước mặt môn đồ Ngài nhiều phép lạ khác nữa, mà không chép trong sách nầy. Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Giăng 20:30-31).

Giăng muốn dẫn dắt độc giả của mình tin Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si của họ, để họ “nhờ danh Ngài mà được sự sống.” Chúng ta sẽ kỳ vọng tìm thấy nhiều dấu hiệu và bằng chứng cho thần tánh của Đức Chúa Giê-su, và những ví dụ về năng quyền biến đổi của tình yêu Ngài. Đó đích thực là điều Giăng đã cho chúng ta thấy.

Hãy lưu ý rằng Lu-ca ghi rõ mục đích của mình ngay từ đầu quyển sách của ông (Lu-ca 1:1-4), nhưng Giăng chờ đợi cho đến cuối quyển sách mới bày tỏ mục đích của ông. Khi bạn chuẩn bị học một phân đoạn Kinh Thánh, việc nhìn lướt qua toàn quyển sách luôn là một ý hay. Hãy tìm những mệnh đề truyền tải mục đích của quyển sách, và diễn giải câu Kinh Thánh cụ thể dưới sự bày tỏ của mục đích đó. Các sách giải kinh và bách khoa toàn thư có thể giúp khám phá mục đích của quyển sách. Hãy chắc chắn bạn nhận thức về điều này trước khi bắt đầu việc nghiên cứu Kinh Thánh.

Đây là thể loại văn học nào?

Kinh Thánh chứa đựng rất nhiều thể loại văn học đa dạng trong những trang sách của mình. Không giống như hầu hết các quyển sách khác từ cổ chí kim, Kinh Thánh kết hợp rất nhiều thể loại văn chương khác nhau, bao gồm lịch sử, luật pháp, thơ ca, thư tín, ngụ ngôn, và văn chương về thời cuối cùng của thế giới. Cách mà bạn giải thích thơ văn không giống như cách bạn đọc báo. Khi Robert Frost nói rằng: “Hai con đường rẽ ra trong một rừng cây vàng lá,”4 chúng ta sẽ không dừng lại và hỏi vị trí trên bản đồ.

Hãy xem qua những thể loại văn chương mà chúng ta sẽ tìm thấy trong Kinh Thánh.

Lịch sử là thể loại văn chương của sách Sáng Thế Ký, Xuất Ê-díp-tô ký 1-19, Dân số ký cho đến Ê-xơ-tê, một số phần của các sách tiên tri, các sách Phúc Âm, và Công vụ các sứ đồ. Thể loại này cần được đọc như văn tự sự về sự việc có thật, hãy tìm kiếm những lẽ thật và nguyên tắc trong các sự kiện. Chúng ta nên tránh tìm kiếm những ý nghĩa biểu tượng hoặc ý nghĩa tâm linh trong các sự kiện lịch sử. Ngày Phục Sinh là một sự thật lịch sử, không đơn thuần là sự phục sinh của niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su của các môn đồ.

Luật pháp đa số được tìm thấy trong Xuất Ê-díp-tô ký 20-40 và Lê-vi ký. Chúng ta cần phải đọc theo hướng khám phá những nguyên tắc cho đời sống ngày nay, ngoại trừ những điều được lặp lại trong Tân Ước và tiếp tục là những điều luật cho đức tin và thực hành Cơ Đốc.

Thơ ca được sử dụng từ sách Gióp đến sách Nhã Ca, và trong nhiều nơi xuyên suốt Kinh Thánh. Chúng ta cần phải hiểu theo nghĩa biểu tượng, không đặt nặng các chi tiết lịch sử phải chính xác hoặc không nói về những lời hứa cụ thể. Chẳng hạn như, tác giả Thi Thiên hứa rằng: “Đức Giê-hô-va là Đấng gìn giữ ngươi; Đức Giê-hô-va là bóng che ở bên hữu ngươi; Mặt trời sẽ không giọi ngươi lúc ban ngày, Mặt trăng cũng không hại ngươi trong ban đêm” (Thi Thiên 121:5-6). Bài thơ này nói về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời đối với dân sự của Ngài và hiển nhiên không có liên quan gì đến việc bị nắng cháy hay chịu tác hại của thời tiết. Hãy giải thích thơ văn theo ý nghĩa biểu tượng và thuộc linh mà tác giả muốn truyền đạt.

Thư tín được tìm thấy trong các sách tiên tri Cựu Ước (xem Giê-rê-mi 29), và trong Tân Ước từ Rô-ma đến Giu-đe và Khải Huyền 2-3. Chúng ta cần phải hiểu thể loại văn chương này theo độc giả và những vấn đề trực tiếp của bản văn. Chúng ta không được áp dụng ý nghĩa của một bức thư cho trường hợp của mình cho đến khi chúng ta đã chắc chắn về việc áp dụng của tác giả cho độc giả của mình.

Văn chương về thời kỳ cuối cùng của thế gới được tìm thấy trong Xa-cha-ri, Ê-xê-chi-ên, Đa-ni-ên, Ma-thi-ơ 24-25, Mác 13 và Khải Huyền. Thể loại này chứa đựng nhiều khải tượng và có xu hướng biểu tượng cũng như nói về tương lai. Phương pháp mà bạn chọn để diễn giải những sách này sẽ xác định ý nghĩa mà bạn tìm thấy.

Điều rất quan trọng là cách chúng ta tiếp cận với quyển sách mà chúng ta đang nghiên cứu phù hợp với thể loại văn chương của sách. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể khám phá được ý nghĩa mà bản văn muốn truyền tải, đó cũng là mục đích của toàn bộ việc nghiên cứu Kinh Thánh.

Kết luận

Bạn sẽ bất ngờ với việc những công tác chuẩn bị trước này giúp ích cho bạn diễn giải phân đoạn Kinh Thánh mà bạn muốn tìm hiểu như thế nào. Tại đây bạn đã đặt nền tảng cho việc nghiên cứu Kinh Thánh hiệu quả.

Các công tác chuẩn bị được đề nghị trong chương này rất quan trọng để hiểu bất kỳ thể loại văn chương nào, đặc biệt là những tác phẩm đã hơn hai mươi thế kỷ. Đó là phép lạ của lời Chúa rằng khi chúng ta đầu tư cho những công tác chuẩn bị đó, Kinh Thánh sẽ trở nên sống động đối với chúng ta như thể chúng ta là độc giả trực tiếp của Kinh Thánh vậy. Đó là bởi vì theo một cái nhìn rất thực, chúng ta thật sự là độc giả trực tiếp của Kinh Thánh.

Chương mười một

Kinh Thánh Là Quyển Sách Thích Hợp Cho Chúng Ta

Thẩm Quyền Kinh Thánh và Nghiên Cứu Lời Chúa: Phần Hai

Tôi đang nhìn quyển Kinh Thánh đầu tiên của mình trên giá sách. Đó là một quyển Kinh Thánh Tân Ước màu đỏ được phân phát bởi hội Gideon tại Trường Tiểu Học James Butler Bonham ở Houston, Texas vào ngày 27 tháng 3 năm 1969. Tôi biết điều đó bởi vì tôi đã ghi lại trên trang giấy trắng của quyển Kinh Thánh. Khi tôi được nhận quyển Kinh Thánh này, tôi đã bắt đầu mang nó theo bên mình, để trong túi sau của quần Jeans, đó là lý do khiến quyển sách bị nhàu rách như ngày nay.

Dù tôi rất vui khi có được quyển Kinh Thánh cho riêng mình, nhưng tôi không thể làm được nhiều điều với quyển sách ấy. Giống như hầu hết những người lần đầu học Kinh Thánh, tôi mở ra trang đầu tiên. Tại đó tôi thấy phần gia phả. Sau ba hay bốn giờ, tôi bỏ cuộc. Tôi nghĩ rằng rõ ràng mình đã không có đủ hiểu biết để hiểu quyển sách này.

Ý kiến đó vừa đúng nhưng cũng vừa sai. Như chúng ta đã tìm hiểu trong chương mười, một số công tác chuẩn bị rất cần thiết cho việc học bất kỳ thể loại văn chương nào, đặc biệt là lời Chúa. Như chúng ta sẽ thấy trong chương này, có những nguyên tắc và thực hành giúp cho việc học Kinh Thánh được hiệu quả. Những công cụ này dành cho tất cả mọi người muốn gặp Chúa trong lời Ngài.

Khi chúng ta bắt đầu học một phân đoạn Kinh Thánh, đầu tiên chúng ta sẽ nêu lên những câu hỏi như trong chương mười. Với những thông tin này, chúng ta đã sẵn sàng tiếp tục.1

Trong chương này tôi sẽ đề xuất phương pháp bốn yếu tố cho việc học Kinh Thánh:

  • Về văn phạm: Từ ngữ có nghĩa gì?
  • Về lịch sử: Hoàn cảnh đằng sau bản văn là gì?
  • Về mặt thần học: Bản văn muốn truyền đạt lẽ thật thuộc linh gì?
  • Về mặt thực hành: Bản văn muốn áp dụng bài học nào cho cuộc sống tôi?

Các nguyên tắc về văn phạm

Chúng ta sẽ bắt đầu với những câu hỏi về văn phạm. Người Baptist tin rằng Kinh Thánh dành cho tất cả mọi người tin Chúa, và trước mặt Chúa mỗi một Cơ Đốc Nhân là một thầy tế lễ của chính mình. Vậy chúng ta đến với Kinh Thánh với niềm tin rằng mục đích là chúng ta sẽ hiểu Kinh Thánh.

Nghiên cứu về từ ngữ

Hãy bắt đầu với từ ngữ. Chúng ta muốn biết tác giả có ý định nói lên điều gì, không chỉ là điều mà họ dường như muốn nói cho chúng ta ngày nay. Trong bất kỳ ngôn ngữ nào, từ ngữ trải qua thời gian dài sẽ có thêm những lớp nghĩa và áp dụng mới. Chúng ta muốn biết ý nghĩa mà trước giả muốn truyền đạt là gì.

Chẳng hạn như, Đức Chúa Giê-su đã kể cho chúng ta về một người trao cho các đầy tớ của mình các “ta-lâng” (Ma-thi-ơ 25:14-30). Ngày nay từ ta-lâng có nghĩa là những tài năng hoặc khả năng. Trong thời của Đức Chúa Giê-su đó là đơn vị tiền tệ (trị giá hơn một ngàn đô-la ngày nay). Chúng ta diễn giải sai câu chuyện ngụ ngôn này nếu chúng ta nghĩ câu chuyện liên hệ đến những khả năng và ân tứ thuộc linh mà Đức Chúa Trời ban cho.

Bản Kinh Thánh King James kể cho chúng ta câu chuyện Xa-chê muốn nhìn xem Đức Chúa Giê-su “nhưng không thấy được, vì đoàn dân đông lắm, mà mình lại thấp” (Lu-ca 19:3). Có thể lắm chúng ta sẽ tưởng tượng người đàn ông thấp này cố nhìn qua những phóng viên đang phỏng vấn Đức Chúa Giê-su trên đường Ngài đến thành Giê-ri-cô. Dĩ nhiên, từ “đám đông” (trong tiếng Anh là từ “press”, cũng có nghĩa là báo chí) trong thế kỷ mười bảy lúc bản Kinh Thánh này được dịch thì mang nghĩa là đám đông. Không phải Lu-ca đang lên án phương tiện truyền thông đại chúng.

Làm thế nào chúng ta có thể nghiên cứu về từ ngữ? Hãy hỏi năm câu hỏi:

Đầu tiên, từ ngữ đó được định nghĩa như thế nào? Với sự giúp đỡ của một từ điển Kinh Thánh, hãy tra mọi từ ngữ tối nghĩa có trong bản văn. Hãy cẩn thận giới hạn công việc này trong phạm vi định nghĩa những từ vựng theo như ý định truyền tải ban đầu của tác giả.

Thứ hai, bối cảnh của từ vựng đó là gì? Thường thì những câu xung quanh thuật ngữ sẽ giải thích ý nghĩa cho từ ngữ đó. Chẳng hạn như, Đức Chúa Giê-su nói về vương quốc Đức Chúa Trời trong lời Cầu Nguyện Mẫu (Ma-thi-ơ 6:10). “Vương quốc” này là gì? Chính Chúa đã định nghĩa cho điều này: “Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời.” Đức Chúa Giê-su dùng phép quan hệ song song, đây là một cách diễn tả của người Hê-bơ-rơ mà tại đó câu thứ hai lặp lại hoặc định nghĩa cho câu thứ nhất. “Vương quốc” là nơi mà ý muốn của Đức Chúa Trời được thực hiện. Ngữ cảnh định nghĩa cho thuật ngữ.

Thứ ba, lịch sử về từ vựng đó là gì? Một quyển từ điển hoặc bách khoa toàn thư sẽ cung cấp cho chúng ta bối cảnh và ý nghĩa ban đầu của từ ngữ đó. Nhưng một lần nữa, hãy cẩn thận giới hạn việc diễn giải của bạn trong ý nghĩa mà trước giả muốn truyền tải. Cũng vậy, hãy sử dụng các sách giải kinh để giúp bạn xử lý những từ ngữ trong ngôn ngữ ban đầu được viết ra.

Hãy lưu ý rằng lịch sử của từ ngữ được dịch ra có thể chỉ liên kết rất ít với ý nghĩa mà tác giác muốn nói. Hãy xem xét từ “phước” (tiếng Anh là từ “bless”) là từ mà Đức Chúa Giê-su dùng để bắt đầu cho bài giảng về Các Phước Lành (Ma-thi-ơ 5:3-11). Từ ngữ tiếng Anh này có thể bắt nguồn từ chữ blis trong tiếng Anh cổ, nghĩa là vui mừng. Từ này cũng có thể bắt nguồn từ chữ blod, nói về huyết hy sinh. Một người được “phước” nếu họ được chuộc tội bằng của tế lễ. Từ này cũng có thể bắt nguồn từ chữ benedicere, một từ Latin có nghĩa là chúc điều tốt lành. Lần đầu tiên tôi giảng về Các Phước Lành lúc còn là một sinh viên thần học, tôi đã dùng tất cả các định nghĩa trên để giải thích cho từ ngữ này.

Chỉ sau đó tôi mới nhận ra rằng Đức Chúa Giê-su không sử dụng từ “phước” như trong tiếng Anh, nhưng từ tiếng Hy Lạp đó là makarios. Từ ngữ này không có bối cảnh lịch sử như của từ phước trong tiếng Anh. Makarios diễn tả niềm hạnh phúc vượt trên hoàn cảnh, một niềm vui vượt quá ngôn từ hoặc thế giới. Khi đưa những định nghĩa từ phước trong tiếng Anh vào, tôi đã đánh mất ý nghĩa của từ phước trong nguyên bản. Nên xin đừng làm thế.

Thứ tư, những phần khác trong Kinh Thánh sử dụng từ ngữ này như thế nào? Một quyển Kinh Tiết Sách Dẫn hoặc từ điển có thể giúp chúng ta. Bởi vì Kinh Thánh giải thích cho Kinh Thánh, các phân đoạn khác thường giúp làm rõ ý nghĩa của những từ vựng trong phân đoạn mà chúng ta đang tìm hiểu.

Chẳng hạn như, hãy nhớ rằng Đức Chúa Giê-su căn dặn chúng ta rằng nếu ai gọi người khác là “đồ điên” thì bị nguy hiểm trước “lửa địa ngục” (Ma-thi-ơ 5:22). Tại sao? Bởi vì từ “đồ điên” trong Kinh Thánh nói về một người kém cỏi về đạo đức nhất, một người chối bỏ Đức Chúa Trời để theo đuổi cuộc sống lầm lạc tệ hại. Đây là người “nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời” (Thi Thiên 14:1). Gọi một ai đó là “đồ điên” nghĩa là vu khống cho nhân cách và giá trị của người ấy, là sự phỉ báng tồi tệ nhất.

Thứ năm, bối cảnh văn hóa của từ vựng đó là gì? Những thông tục nào trong thời đại của tác giả ảnh hưởng đến việc sử dụng từ ngữ này? Đức Chúa Giê-su phán với chúng ta: “nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ” (Ma-thi-ơ 5:41). Có phải Ngài đang nói đến những người chạy bộ, hay những người chạy xe đạp trên con đường mòn?

Thực ra, Ngài đang nói về một tập quán của người Ba-tư được người Rô-ma kế tục, đó là một người nào đó có thể bị ép phải khiêng binh khí cho quân lính trong vòng một dặm. Điều này không phải là để giúp cho người lính ấy nhưng để nhắc nhở người mang giúp binh khí rằng người ấy đang phục vụ cho Đế Quốc. Đức Chúa Giê-su pháp rằng: Nếu ai đó làm nhục con, hãy để cho người đó làm nhục con nữa. Đùng báo trả vu khống bằng vu khống, báo trả việc làm nhục bằng làm nhục. Thậm chí con hãy đối đãi với kẻ thù của mình bằng sự phục vụ khiêm nhường. Bối cảnh về văn hóa đã làm sáng tỏ ý định của câu Kinh Thánh này.2

Để tóm lại, hãy bắt đầu việc học Kinh Thánh với những từ ngữ. Hãy định nghĩa và làm rõ ý nghĩa của những từ ngữ đó, với sự hỗ trợ của một quyển từ điển, Kinh Tiết Sách Dẫn, bách khoa toàn thư, và chú giải Kinh Thánh. Chúng ta cần phải biết ý nghĩa từ ngữ của Đức Chúa Trời nếu chúng ta muốn diễn giải lời Chúa.

Văn phạm

Thường thì ngữ pháp tiếng Hê-bơ-rơ, A-ram, hoặc Hy Lạp sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa được dịch ra cho chúng ta. Tại đây cấu trúc câu mà tác giả sử dụng là vô cùng quan trọng. Một quyển sách chú giải Kinh Thánh có thể giúp trong vấn đề này.

Một ví dụ về tầm quan trọng của cấu trúc câu trong tiếng Hê-bơ-rơ, hãy xem Sáng thế ký 3:12: “Thưa rằng: Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi.” A-đam đổ tội lỗi của mình cho ai – người nữ hay là Đấng đã dựng nên người nữ ấy? Ngữ pháp trả lời cho câu hỏi này.

Dịch theo từng chữ một câu Kinh Thánh trong tiếng Hê-bơ-rơ sẽ là: “người nữ / người nam / và ông nói / với tôi / Ngài ban / người mà / cái cây / cô ấy đưa cho / cô ấy / và tôi / ăn.” Trong tiếng Hê-bơ-rơ, khi từ “cô ấy” làm chủ ngữ đặt trước động từ thì sự nhấn mạnh đặt trên người thực hiện hành động. A-đam đã đổ lỗi một cách trực tiếp và dứt khoát lên bà Ê-va về tội lỗi của ông. Bạn không cần biết tiếng Hê-bơ-rơ để hiểu ý này. Nhưng bạn nên tham khảo một sách giải kinh nào đó do một người biết tiếng Hê-bơ-rơ viết ra.

Một ví dụ quan trọng về cấu trúc câu trong Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hy Lạp đó là I Giăng 3:9. Bản Kinh Thánh King James dịch câu Kinh Thánh này là: “Ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng phạm tội, vì hột giống của Đức Chúa Trời ở trong người, và người không thể phạm tội được, vì đã sanh bởi Đức Chúa Trời” (bản dịch truyền thống). Việc dịch câu Kinh Thánh này đã gây cho nhiều người nghi ngờ khi họ phạm tội. Nếu chúng ta “đã sanh ra bởi Đức Chúa Trời,” chúng ta “không thể phạm tội”. Hoặc là bản văn dường như muốn nói lên điều đó.

Đây là tin tốt lành cho tất cả chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời nhưng vẫn thất vọng về Cha chúng ta. Động từ trong tiếng Hy Lạp này chỉ về hành động tiếp diễn liên tục. Chính vì vậy mà bản NIV đã dịch: “Ai do Đức Chúa Trời sinh ra thì không còn khuynh hướng phạm tội, vì mầm sống của Ngài ở trong người ấy; người ấy không thể cứ phạm tội vì đã được Đức Chúa Trời sinh ra” (Bản dịch 2011). Cú pháp khiến cho ý nghĩa ban đầu trở nên sáng tỏ hơn.

Thể loại văn học

Chúng ta đã thảo luận trong chương mười về tầm quan trọng của việc tìm hiểu thể loại văn học của sách mà chúng ta đang nghiên cứu. Tuy nhiên, một phân đoạn cụ thể cũng cần phải được dành thời gian để tìm hiểu như vậy. Chẳng hạn như, Phúc Âm của Ma-thi-ơ chứa đựng những biểu tượng, những bài thuyết giảng, và những phần nói về ngày tận cùng của thế giới. Chúng ta sẽ diễn giải một câu chuyện ngụ ngôn khác với tường thuật lịch sử.

Những phép tu từ là một chủ đề quan trong trong thể loại văn chương. Đầu tiên là phép ẩn dụ, đó là một minh họa sử dụng cách so sánh trực tiếp và không được hiểu theo nghĩa đen. Chẳng hạn như khi Đức Chúa Giê-su ví chính Ngài là “cây nho thật” (Giăng 15:1), rõ ràng Ngài đang sử dụng phép ẩn dụ.

Một phép tu từ khác đó là phép so sánh, là phép tu từ sử dụng những từ ngữ như từ giống như hoặc như là. Chẳng hạn như: “Cảnh trạng của sự vinh quang Đức Giê-hô-va nơi đỉnh núi, trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, khác nào như đám lửa hừng” (Xuất Ê-díp-tô ký 24:17) đây là một phép so sánh. Phép tu từ thứ ba đó là lối nói phóng đại, một mệnh đề sử dụng cách nói quá để nêu lên quan điểm của mình. Giống như phép ẩn dụ và so sánh, lối nói phóng đại không được hiểu theo nghĩa đen.

Khi chúng ta đọc lời khuyên răn của Đức Chúa Giê-su: “Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi” (Ma-thi-ơ 5:29), điều vô cùng quan trọng đó là chúng ta cần phải diễn giải câu Kinh Thánh này theo ý định của Đức Chúa Giê-su!

Ngữ cảnh

Khi chúng ta xem xét những phương diện về văn phạm của bản văn mà chúng ta đang nghiên cứu, chúng ta cần phải tìm hiểu ngữ cảnh lớn hơn xung quanh bản văn. Hãy hỏi ba câu hỏi:

  • Ý tưởng chung của bản văn xung quanh phân đoạn mà chúng ta đang nghiên cứu là gì?
  • Phần Kinh Thánh đóng góp như thế nào với dòng tư tưởng và ý định của tác giả?
  • Phân đoạn Kinh Thánh dạy về lẽ thật có tính mô tả hay có tính quy tắc? Đây là vấn đề cốt yếu trong chú giải Kinh Thánh.

Những mệnh đề mang tính quy tắc được đưa ra như là những mệnh lệnh cho độc giả. Khi Đức Chúa Giê-su khuyên chúng ta: “Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét” (Ma-thi-ơ 7:1), Ngài quy định hành vi cho mọi người tin Ngài. Mặc khác, những mệnh đề mang tính mô tả đơn giản chỉ là kể về sự kiện mà không công nhận hành vi đúng đắn nào. I Các vua 11:3 nói rằng Sa-lô-môn có 700 vợ và 300 người hầu. Mô tả này không quy định hành vi tương tự đối với chúng ta.

Rất nhiều người đỗ lỗi ý nghĩ sai lầm của mình cho Kinh Thánh, họ đã bắt đầu từ việc diễn giải như trên. Những người theo thuyết đa thê công bố: Kinh Thánh nói rằng Sa-lô-môn có 700 vợ, vậy thì tại sao chúng ta không thể có nhiều vợ? Kinh Thánh cũng nói rằng đám đông muốn đóng đinh Đức Chúa Giê-su trên cây thập tự, rằng A-na-nia và Sa-phi-ra đã lừa dối Hội Thánh, và thành Lít-trơ đã ném đá Phao-lô và để mặc ông đến chết. Kinh Thánh không quy định chúng ta ngày nay phải thực hiện theo bất kỳ hành động nào như trên. Rất nhiều điều được tìm thấy trong Kinh Thánh là để nhắc nhở về những điều chúng ta không được thực hiện.

Khi bạn nghiên cứu về một phân đoạn Kinh Thánh, hãy nghĩ về ngữ cảnh xung quanh. Đi từ phân đoạn đang nghiên cứu đến chương sách chứa đựng phân đoạn đó và rồi đến toàn bộ Kinh Thánh. Khi bạn hiểu những từ ngữ theo ý nghĩa mà trước giả muốn truyền tải, bạn sẽ đi một bước quan trọng nhất trong việc học Kinh Thánh hiệu quả.

Các nguyên tắc lịch sử

Yếu tố thứ hai trong phương pháp bốn yếu tố để học Kinh Thánh hiệu quả liên quan đến bối cảnh lịch sử và bối cảnh của phân đoạn Kinh Thánh. Bạn có thể đã biết được một vài khía cạnh lịch sử về phân đoạn Kinh Thánh khi bạn nghiên cứu từng từ ngữ riêng biệt và ý nghĩa của các từ ngữ ấy. Giờ đây bạn sẽ nêu lên câu hỏi về bối cảnh rộng hơn và nền văn hóa mà phân đoạn Kinh Thánh được viết nên.

Địa lý

Hãy xác định hoàn cảnh địa lý xảy ra sự kiện trong Kinh Thánh. Bạn càng biết nhiều về vùng đất mà sự kiện đó xảy ra, bạn càng hiểu về phân đoạn mà bạn đang nghiên cứu. Đáng để chúng ta đầu tư thời gian làm quen với bố cục cơ bản của những vùng đất trong Kinh Thánh. Bạn cần một quyển bản đồ tốt, hoặc sử dụng các bản đồ phía sau quyển Kinh Thánh của bạn.

Thêm vào đó, bạn sẽ cần biết được đặc điểm địa lý đằng sau bất kỳ phân đoạn Kinh Thánh nào mà bạn đang nghiên cứu. Hai ví dụ thường được các sách chú giải trưng dẫn liên quan đến vấn đề này.

Đầu tiên, hãy xem Giê-rê-mi 13:1-5:

Đức Giê-hô-va phán cùng tôi như vầy: Hãy đi, mua cho ngươi một cái đai gai, thắt vào lưng ngươi; nhưng chớ dầm trong nước. Vậy tôi theo lịnh Đức Giê-hô-va, mua đai, thắt vào lưng tôi. Lời của Đức Giê-hô-va truyền cho tôi lần thứ hai như vầy: Hãy lấy cái đai ngươi đã mua đương thắt trên lưng ngươi; chờ dậy, đi đến bờ sông Ơ-phơ-rát, và giấu nó trong kẽ vầng đá tại đó. Tôi bèn đi giấu nó nơi bờ sông Ơ-phơ-rát, như Đức Giê-hô-va đã phán dặn.

Phân đoạn này dường như là một tường thuật thông thường, cho đến khi chúng ta khám phá ra rằng sông Ơ-phơ-rát cách xa 650 km từ nơi Giê-rê-mi nhận lãnh mệnh lệnh này. Cuộc hành trình dài và gian nan thể hiện sự hy sinh khi ông vâng lời Chúa. Bối cảnh và ý định của bản văn sẽ không được thể hiện rõ ràng nếu chúng ta không hiểu đặc điểm địa lý cũng như hiểu về những độc giả đầu tiên được đọc bản văn Kinh Thánh.

Một ví dụ thứ hai về diễn giải địa lý được tìm thấy trong Lu-ca 2:4: “Vì Giô-sép là dòng dõi nhà Đa-vít, cho nên cũng từ thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê, lên thành Đa-vít, gọi là Bết-lê-hem, xứ Giu-đê.” Hành trình này dài khoảng 150 km với một người nữ “đương có thai” cưỡi trên lưng một con lừa (Lu-ca 2:5). Để hoàn thành lời hứa của Đức Chúa Trời về Đấng Mê-si là Ngài sẽ được sinh ra tại Bết-lê-hem (Mi-chê 5:2) đòi hỏi người mẹ phải vô cùng hy sinh. Phân tích về vị trí địa lý được nói đến trong bản văn sẽ giúp nội dung trở nên sống động và hấp dẫn với chúng ta.

Thêm vào đó, xứ Giu-đê cao hơn xứ Ga-li-lê, giải thích cho phần đề cập của bản văn về việc ông bà phải đi “lên.” Thường thì chúng ta sẽ nghĩ việc đi “lên” đó là tiến về hướng bắc (theo cách nghĩ của người Mỹ) và cảm thấy khó hiểu khi biết rằng ông bà đi “lên” là tiến về hướng nam. Tuy nhiên kiến thức về địa lý giải thích cho bản văn.

Bối cảnh xã hội

Biết về phong tục hoặc tình hình lịch sử thường giúp làm sáng tỏ cho bản văn Kinh Thánh. Đầu tiên, hãy xem xét những sự vật. Trong Ma-thi-ơ 27:34 chúng ta thấy: “họ cho Ngài uống rượu trộn với mật đắng; song Ngài nếm, thì không chịu uống.” Tuy nhiên, Giăng 19:28-30 kể rằng Đức Chúa Giê-su đã yêu cầu và uống rượu trên thập giá. Phải chăng hai ký thuật này mâu thuẫn với nhau?

Không hề. Thức uống mà Ma-thi-ơ nói đến là một loại thuốc mê thường được cho những nạn nhân bị đóng đinh trên thập giá để làm suy giảm cảm giác của họ. Đức Chúa Giê-su từ chối loại thuốc gây mê này, để Ngài hoàn toàn tỉnh táo. Câu chuyện của Giăng xảy ra sau đó sáu giờ, khi Đức Chúa Giê-su cần rượu giấm nhẹ để làm ẩm môi Ngài và để có thể nói lên những lời cuối cùng từ trên thập tự giá. Biết được những sự vật được nói đến sẽ tháo gỡ những nhầm lẫn.

Thứ hai, hãy nghiên cứu tập quán xã hội. Những nghi thức hoặc thông lệ mà xã hội tuân theo trong thời Kinh Thánh có thể rất quan trọng đến việc hiểu về bản văn Kinh Thánh. Chẳng hạn như, điều Đức Chúa Giê-su nói với người đàn bà Sa-ma-ri tại thành Si-kha đã khiến bà rất kinh ngạc: “Ông là người Giu-đa, mà lại xin uống nước cùng tôi, là một người đàn bà Sa-ma-ri sao?” (Giăng 4:9). Câu hỏi của bà được sáng tỏ khi chúng ta biết rằng người Giu-đa rất ghét người Sa-ma-ri, và các Ra-bi người Giu-đa thông thường sẽ không nói chuyện với một người nữ ở nơi công cộng. Đức Chúa Giê-su đã phá vỡ định kiến phổ biến này khi chính Ngài đã thu phục được người đàn bà Sa-ma-ri. Ngày nay chúng ta phải làm điều tương tự.

Thứ ba, hãy khám phá những thực tế trong lịch sử. Những thực tế cơ bản trong cuộc sống hàng ngày thường được tác giả hàm ý nói đến nhưng bạn đọc ngày nay lại không biết được. Chẳng hạn như ngụ ngôn của Đức Chúa Giê-su trong Lu-ca 11 kể về một người đàn ông bị bạn mình đánh thức giữa đêm để xin bánh vì khách của anh ta vừa đến. Người đàn ông này rất khó chịu: “Đừng khuấy rối tôi, cửa đóng rồi, con cái và tôi đã đi ngủ, không dậy được mà lấy bánh cho anh” (Lu-ca 11:7).

Mọi chi tiết trong câu chuyện đều rất rõ nghĩa đối với những người đang lắng nghe Đức Chúa Giê-su. Những ngôi nhà điển hình trong nền văn hóa Tân ước lúc ấy chỉ có một gian phòng. Một phần ba phía trong của căn phòng được đóng cao lên bằng gỗ là nơi gia đình ngủ. Hai phần ba phía trước là nền đất là nơi các con vật sẽ ngủ qua đêm. Cánh cửa sẽ được khóa lại khi người nhà đã đi ngủ và không muốn bị làm phiền. Người đàn ông không có bánh ăn đã phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng trong xã hội, bởi vì việc tiếp đãi khách bằng bánh ăn là nhiệm vụ rất thiêng liêng trong nền văn hóa của họ.

Người đàn ông này đã khiến vấn đề của mình thành vấn đề của người khác. Những cái gõ cửa có thể đánh thức cả gia đình và súc vật, khiến cho không ai có thể ngủ lại được trong đêm đó. Mặc dù vậy, người nhà đã thức dậy và cho người lân cận của mình bánh mà anh ta cần. Đây là điểm mấu chốt mà Đức Chúa Giê-su muốn nói: Nếu con người còn đáp lại một lời thỉnh cầu như thế thì Đức Chúa Trời lại sẵn lòng đáp lời cầu nguyện của chúng ta gấp nhiều lần hơn thế nữa. Biết về lịch sử văn hóa khiến câu chuyện ngụ ngôn như sống dậy một lần nữa.

Khi bạn khám phá bối cảnh lịch sử, hãy cẩn trọng với những thay đổi giữa thế kỷ đầu tiên và thời đại của chúng ta ngày nay. Chẳng hạn như, ngày nay gọi một ai đó là “người Sa-ma-ri nhân lành” đó là một lời khen. Nhưng trong thời của Đức Chúa Giê-su, cụm từ này lại chứa đựng những từ ngữ đối lập với nhau. Bởi vì một người Sa-ma-ri giúp đỡ một người Giu-đa đang bị thương sau khi thầy tế lễ người Giu-đa và người Lê-vi khước từ giúp đỡ cho nạn nhân, việc đó cũng giống như một người da đen trong những năm 1960 giúp đỡ một người da trắng đang bị thương sau khi một mục sư da trắng và một thư ký ban chấp sự của Hội Thánh bỏ mặc nạn nhân cho đến chết. Khi chúng ta hiểu và truyền đạt được hoàn cảnh lịch sử của phân đoạn Kinh Thánh, ý nghĩa của phần Kinh Thánh đó vẫn sẽ liên hệ với chúng ta như khi tác giả Kinh Thánh lần đầu ký thuật lại câu chuyện.

Vậy khi bạn đã quen thuộc với mục đích của trước giả dành cho quyển sách và phân đoạn mà bạn đang nghiên cứu, khi bạn đã biết được ý nghĩa của những từ ngữ và cụm từ mà tác giả sử dụng, và khi bạn hiểu bối cảnh lịch sử và xã hội của phân đoạn Kinh Thánh đó, khi ấy bạn đã sẵn sàng để diễn giải Kinh Thánh đúng với thần học và thực tiễn. Bạn đã đặt một nền móng vững chắc để áp dụng lời Chúa cho cuộc sống mình ngày nay.

Các nguyên tắc thần học

Yếu tố thứ ba trong phương pháp bốn yếu tố của chúng ta đó là các nguyên tắc thần học mà phân đoạn Kinh Thánh muốn truyền tải. Tại đây, có hai chủ đề quan trọng cần xem xét.

Kinh Thánh giải nghĩa Kinh Thánh

Đến đây khi bạn đã phát triển ý nghĩa về lịch sử và văn phạm của phân đoạn Kinh Thánh, hãy liên hệ ý nghĩa này với toàn bộ lời Chúa. Sử dụng một quyển Kinh Thánh theo chủ đề hoặc Kinh Tiết Sách Dẫn để tìm những phân đoạn Kinh Thánh khác có cùng chủ đề. Nhưng hãy cẩn thận. Đừng bao giờ dùng những phân đoạn Kinh Thánh khác biệt lập với bối cảnh của phân đoạn đó nhằm khiến phần Kinh Thánh mới phù hợp với nghiên cứu của bạn. Chỉ hãy nối kết đến những phân đoạn Kinh Thánh thực sự có liên quan cho sự áp dụng này.

Tôi dạy một Lớp Học Kinh Thánh dành cho Quý Ông tại Hội Thánh của chúng tôi vào sáng Thứ ba và Thứ năm. Chúng tôi thảo luận Gia-cơ 3 và sự nhắc nhở về tội lỗi của lưỡi. Một người đã hỏi: “Gia-cơ muốn nói đến những loại lời nói như thế nào?” Tác giả không liệt kê rõ. Nhưng tôi đã tra xem những phần Kinh Thánh khác về chủ đề này và đã liệt kê tra trong ghi chú của mình: nói dối (Xuất Ê-díp-tô-ký 20:16); lời nói bề ngoài giả dối (Thi Thiên 62:4); không nói lên sự thật (Lê-vi ký 5:1); và nói hành (Ê-phê-sô 4:31; Tít 3:1-2; I Phi-e-rơ 2:1). Lời Chúa là sách chú giải tốt nhất cho chúng ta, những phần Kinh Thánh tham khảo này giúp cho phân đoạn Kinh Thánh trong Gia-cơ trở nên cụ thể và thiết thực với chúng ta hơn.

Các khái niệm thần học chung

Bây giờ bạn đã sẵn sàng để xem xét những nguyên tắc thần học được bày tỏ qua các phân đoạn Kinh Thánh và trong toàn bộ lời Chúa. Hãy xem phân đoạn Kinh Thánh nói gì về:

  • Đức Chúa Trời
  • Con người
  • Sự sáng tạo và thế giới
  • Tội lỗi
  • Sự cứu rỗi
  • Sứ mệnh của Cơ đốc nhân
  • Tương lai

Những ý nghĩa thần học nào khác được tìm thấy trong bản văn? Những nguyên tắc thần học quan trọng nào mà bản văn liên hệ đến cuộc sống của chúng ta ngày nay?

Chẳng hạn như nếu chúng ta đang học về Rô-ma 12:1-2:

Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.

Chữ “vậy” được đặt ở đầu câu Kinh Thánh có ý nghĩa gì? Chữ này đưa chúng ta quay ngược về Rô-ma 11:33-36 nói về lòng thương xót của Đức Chúa Trời mà bởi đó Phao-lô bày tỏ lòng biết ơn. Vì tất cả những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta, đây là điều mà chúng ta sẽ đáp ứng lại với Ngài: “dâng thân thể mình làm của lễ sống.” Trong nền văn hóa Hy Lạp ở thế kỷ đầu tiên, thân thể và linh hồn tách biệt với nhau. Phần tâm linh là tốt, phần thể chất là xấu. Theo quan điểm văn hóa ấy, điều quan trọng trong cuộc sống đó là giải phóng linh hồn khỏi ngục tù thể xác.

Tại đây Phao-lô kêu gọi chúng ta hãy dâng “thân thể” cho Đức Chúa Trời, nghĩa là trọn đời sống của chúng ta. Không chỉ ngày Chủ Nhật nhưng còn có ngày Thứ hai và những ngày khác. Không chỉ sự cứu rỗi nhưng là sự phục vụ của chúng ta. Không chỉ là những hành động mang tính tôn giáo nhưng là cả cuộc sống, tiền bạc, khả năng và những cơ hội của chúng ta. Biết về ngữ cảnh thần học trong điều Phao-lô phát biểu sẽ giúp chúng ta hiểu được áp dụng bài học cho cuộc sống.

Việc đưa ra những câu hỏi thần học sẽ giúp phân đoạn Kinh Thánh có ý nghĩa với chúng ta. Phao-lô nói gì về Đức Chúa Trời? Rằng Đức Chúa Trời yêu thương và muốn chúng ta thuộc về Ngài. Phao-lô nói gì về chính chúng ta? Chúng ta có thể và cần phải dâng hiến trọn vẹn chính mình cho Chúa. Phao-lô nói gì về thế giới này? Rằng chúng ta không được làm theo lề thói và những ưu tiên của đời này. Phao-lô nói gì về tăng trưởng thuộc linh? Rằng chúng ta phải được biến đổi hằng ngày khi chúng ta làm mới tâm trí mình trong sự hiện diện của Chúa. Phao-lô nói gì về ý muốn của Đức Chúa Trời? Rằng ý muốn Ngài là tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn, và dành trọn cho những ai hoàn toàn thuộc về Ngài.

Những nguyên tắc thần học được khám phá trong một phân đoạn Kinh Thánh là đặc biệt quan trọng khiến phân đoạn đó liên quan đối với chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, những nguyên tắc này cần phải được đặt trên ý nghĩa mà trước giả muốn truyền tải, và được khám phá qua việc nghiên cứu về lịch sử và văn phạm. Đó là lý do vì sao phương pháp bốn yếu tố của chúng ta xây dựng những áp dụng thần học dựa trên việc nghiên cứu về bản văn. Chúng ta không bao giờ đi ngược trình tự này.

Các nguyên tắc thực tiễn

Lĩnh vực cuối cùng trong phương pháp bốn yếu tố của chúng ta đó là những áp dụng thực tiễn của phân đoạn Kinh Thánh. Bởi vì bản chất con người không thay đổi, Kinh Thánh luôn luôn đúng đắn và được áp dụng một cách thực tiễn và mang tính cá nhân đối với đời sống của chúng ta.

Kinh Thánh được ban cho để giúp chúng ta tìm và đi theo Đức Chúa Giê-su. Nếu chúng ta không tìm kiếm những áp dụng thực tiễn thì chúng ta vẫn chưa hoàn thành việc học và diễn giải phần Kinh Thánh đó. Mục đích của chúng ta phải là tái tạo lại ý nghĩa ban đầu của bản văn trong nền văn hóa ngày nay.

Hãy xem xét năm bước để áp dụng Kinh Thánh một cách thực tiễn.

Một là, hãy ghi lại ý nghĩa mà bản văn muốn truyền tải. Dựa trên việc nghiên cứu về lịch sử và văn phạm, hãy xác định ý nghĩa và mục đích của phân đoạn Kinh Thánh đối với tác giả và những độc giả ban đầu.

Hai là, lưu ý những khác biệt trong bối cảnh và ngữ cảnh. Khi tìm hiểu về lịch sử, bạn sẽ quan sát thấy những thay đổi trong văn hóa và bối cảnh giữa phân đoạn Kinh Thánh và chúng ta ngày nay, một số điều sẽ tác động lớn đến việc áp dụng trong thời hiện đại.

Ba là, đưa ra những áp dụng trực tiếp tại những nơi tác giả có ý định cho độc giả phải áp dụng. Tại những nơi mà tác giả có ý định muốn cho ý nghĩa và mục đích được trực tiếp chuyển đến nền văn hóa và nhu cầu của chúng ta, hãy áp dụng điều này. Chẳng hạn Phao-lô kêu gọi chúng ta “dâng thân thể mình làm của lễ sống”, ông đã kêu gọi chúng ta đầu phục hoàn toàn cho Đức Chúa Trời. Có phần nào trong cuộc sống của bạn vẫn chưa được dâng cho Ngài? Hãy khiến cho việc áp dụng bài học từ phân đoạn Kinh Thánh trở nên thiết thực và mang tính cá nhân.

Thứ tư, tìm những nguyên tắc chung khi bản văn không áp dụng trực tiếp đến chúng ta ngày nay. Đôi khi chúng ta sẽ học một phân đoạn Kinh Thánh trong Cựu Ước mà không được Tân Ước nhắc đến (chẳng hạn như những luật lệ về ăn uống), hoặc một sự kiện lịch sử mà không nêu lên một áp dụng cụ thể nào (chẳng hạn như trận chiến thành Giê-ri-cô trong sách Giô-suê 6). Trong trường hợp này, đừng áp dụng bản văn một cách trực tiếp như thể bản văn đưa ra quy tắc cho chúng ta phải làm theo.

Thay vào đó, hãy tìm những nguyên tắc trong phân đoạn Kinh Thánh có thể áp dụng trong những trường hợp và nhu cầu của ngày hôm nay, giữ những nguyên tắc này phù hợp với ý nghĩa mà tác giả truyền tải. Những luật lệ về việc ăn uống thể hiện nguyên tắc thực tiễn đó là Đức Chúa Trời rất quan tâm đến thân thể và sức khỏe của chúng ta. Trận chiến thành Giê-ri-cô cho chúng ta thấy rằng khi chúng ta vâng lời Chúa và ý muốn của Ngài luôn dẫn chúng ta đến chiến thắng mà Ngài muốn chúng ta có trong đời sống mình. Hãy tìm những nguyên tắc chung như thế trong phạm vi mục đích mà trước giả muốn truyền tải và áp dụng chúng một cách thiết thực.

Sử dụng các nguyên tắc thường là cách tốt nhất để tiếp cận với những câu Kinh Thánh có giới hạn về mặt văn hóa. Chẳng hạn như: “Hãy lấy cái hôn thánh mà chào nhau” là một đề nghị thông thường trong các thơ tín của Phao-lô (Rô-ma 16:16; I Cô-rinh-tô 16:20; II Cô-rinh-tô 13:12; xem I Tê-sa-lô-ni-ca 5:26). Ý nghĩa về từ vựng và văn phạm thì đã rõ như Phao-lô nói.

Nhưng trong xã hội của Phao-lô, không giống như trong xã hội của chúng ta. Trong bối cảnh của chúng ta, những câu Kinh Thánh này đưa ra nguyên tắc rằng những Cơ Đốc Nhân nên chào nhau với tình yêu thương và lòng nhân từ, dù đó là bằng lời nói, cái bắt tay, hoặc thể hiện bề ngoài khác. Chúng ta được lệnh phải vâng theo nguyên tắc của câu Kinh Thánh này.

Tương tự như vậy, những mệnh lệnh dành cho các cá nhân trong Kinh Thánh không luôn luôn dành cho chúng ta ngày hôm nay. Áp-ra-ham được lệnh dâng Y-sác trên bàn thờ (Sáng thế ký 22). Mệnh lệnh này không được áp dụng theo nghĩa đen cho các ông bố thời nay. Chúng ta cần phải áp dụng nguyên tắc của phần Kinh Thánh – là cha mẹ, tôi phải vâng phục thậm chí là dâng con cái của tôi cho Chúa và phục theo ý muốn Ngài.

Cuối cùng, xác định ít nhất một hành động mà phần Kinh Thánh dạy chúng ta trong ngày hôm nay. Khi bạn đã hoàn tất nghiên cứu phân đoạn Kinh Thánh, bạn phải kể ra ít nhất một hành động thiết thực mà bạn sẽ thực hiện theo như mục đích mà tác giả muốn. Khi đó bạn mới có thể truyền đạt những bài học áp dụng này cho những người khác.

Kết luận

Những nguyên tắc mà chúng ta đã bàn đến trong chương này áp dụng cho tất cả lời Chúa. Khi chúng ta áp dụng các nguyên tắc này, chúng ta sẽ khám phá ý nghĩa và bài học áp dụng của Kinh Thánh theo cách mà lẽ thật được đem vào cuộc sống. Khi đó chúng ta có thể nói như trước giả sách Hê-bơ-rơ rằng: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12).

Chúng ta không phá vỡ lời Chúa; chúng ta làm cho chính mình tan vỡ trên lời Chúa. Lần gần đây nhất lời Chúa thay đổi cuộc sống của bạn là khi nào?

Kinh Thánh – bạn có thể tin tính chuẩn xác của Quyển Sách này. Hãy để Kinh Thánh thay đổi đời sống bạn.

NOTES

Chapter One Notes

  1. Article 1, The Baptist Faith and Message,
  2. All references to The Baptist Faith and Message are to the 1963 edition.
  3. Unless otherwise indicated, all Scripture quotations in this book are from The Holy Bible, New International Version (North American Edition), copyright ©1973, 1978, 1984 by the International Bible Society. Used by permission of Zondervan Publishing House.
  4. Walter B. Shurden, The Baptist Identity: Four Fragile Freedoms (Macon, Georgia: Smyth & Helwys Publishing, Inc., 1993), 11-20.
  5. Preamble, The Baptist Faith and Message, Quoted from the 1925 statement.
  6. Quoted in Shurden, The Baptist Identity: Four Fragile Freedoms, 15-16, citing J. McGlothlin, Baptist Confessions of Faith (Valley Forge: Judson Press, 1911).
  7. Shurden, The Baptist Identity: Four Fragile Freedoms,
  8. Shurden, The Baptist Identity: Four Fragile Freedoms, 18, citing William Bullein Johnson, The Gospel Developed Through The Government and Order of the Churches of Jesus Christ (Richmond: H. K. Ellyson, 1846), 16.
  • Shurden, The Baptist Identity: Four Fragile Freedoms, 18, citing G. Keith Parker, Baptists in Europe: History and Confessions of Faith (Nashville: Broadman Press, 1982), 280.
  1. Hugh Wamble, “Baptists, the Bible, and Authority,” Proclaiming the Baptist Vision: The Bible, Walter B. Shurden (Macon, Georgia: Smyth & Helwys Publishing, Inc., 1994), 139-161.
  2. Article I, The Baptist Faith and Message,
  3. Wamble in Shurden, Proclaiming the Baptist Vision: The Bible, 152-153.
  4. Wamble in Shurden, Proclaiming the Baptist Vision: The Bible,
  5. Wamble in Shurden, Proclaiming the Baptist Vision: The Bible,
  6. Wamble in Shurden, Proclaiming the Baptist Vision: The Bible,
  7. Wamble in Shurden, Proclaiming the Baptist Vision: The Bible,
  8. Wamble in Shurden, Proclaiming the Baptist Vision: The Bible, 154-155.
  9. Wamble in Shurden, Proclaiming the Baptist Vision: The Bible, 154.
  10. Edgar Young Mullins, The Christian Religion In Its Doctrinal Expression (Nashville: Sunday School Board of the Southern Baptist Convention, 1941 [1917]), 153.
  11. T. Conner, Christian Doctrine (Nashville: Broadman and Holman, 1937), 41-42.
  12. Millard J. Erickson, Christian Theology (Grand Rapids: Baker, 1994), 257.
  13. Stanley Gratz, Theology for the Community of God (Nashville: Broadman and Holman, 1994), 22.
  14. Russell H. Dilday, Jr., The Doctrine of Biblical Authority (Nashville: Convention Press, 1982), 12.

Chapter Two Notes

  1. Cyprian, On the Unity of the Church, chapter 6.
  2. Thomas, Summa Theologiae Q1.8.
  3. Thomas did allow for allegorical (spiritualizing) in interpreting the Bible, but only when these principles were grounded in the intended meaning of the biblical author, as follows: “That first meaning whereby words signify things belongs to the first sense the historical or literal, That meaning whereby things signified by words have themselves also a meaning is called the spiritual sense, which is based on the literal, and presupposes it” (Summa Q1.10).
  4. The First Epistle of Clement 12 (Ante-Nicene Fathers 1:8).
  5. Justin, Dialogue with Trypho 42 (Ante-Nicene Fathers 1:215-6).
  6. Clement of Alexandria, The Instructor I1:4 (Ante-Nicene Fathers 2:248).
  7. Origen’s Commentary on John, X:18 (Ante-Nicene Fathers 10:396-9).
  8. John P. Newport and William Cannon, Why Christians Fight Over the Bible (Nashville: Thomas Nelson, Inc., 1974), 163-164.
  9. Martin Luther, Luther’s Works, Helmut T. Lehmann (Philadelphia: Fortress Press, 1967), 37:76.
  10. Letters of Martin Luther, and ed. Margaret A. Currie (London: Macmillan & Co., Ltd., 1908), 93; Table Talk, trans. and ed. Theodore G. Tappers (Philadelphia: Fortress Press, 1967), 346-347.
  11. Institutes vi.1.
  12. Institutes vi.2.

Chapter Three Notes

  1. See also Craig Blomberg, The Historical Reliability of the Gospels (Downers Grove, Illinois: InterVarsity Press, 1987), 193.

Chapter Four Notes

  1. Dan Brown, The Da Vinci Code (New York: Doubleday, 2003), 231 (italics his).
  2. Brown, 1.
  3. William Barclay, A Spiritual Autobiography (Grand Rapids, Michigan: Eerdmans, 1975), 90.
  4. See “Text, NT,” The Interpreter’s Dictionary of the Bible (New York: Abingdon Press, 1962), 4:595.
  5. This section follows closely the authoritative work of Bruce M. Metzger, The Text of the New Testament: Its Transmission, Corruption, and Restoration, ed. (New York: Oxford University Press, 1992), 186-206.
  6. Ernst Wurthwein, The Text of the Old Testament, 4th ed., trans. Erroll F. Rhodes (Grand Rapids, Michigan: Eerdmans, 1992 [19791), 116-119.
  7. Metzger, 207-246.
  8. The Latin for Estienne’s last name is Stephanus, by which he sometimes is also known.
  9. “Text, NT,” The Interpreter’s Dictionary of the Bible, 4:600-601.
  10. Metzger, The Text of the New Testament,
  11. See Metzger, A Textual Commentary on the Greek New Testament, 2d ed. (New York: United Bible Societies, 2002), 102-106.
  12. F. Bruce, The New Testament Documents: Are They Reliable? Sth rev. ed. (Downers Grove, Illinois: InterVarsity Press, 1977 [revised 1960; original 1943]), 19-20.
  13. Frederic Kenyon, The Bible and Archaeology (New York: Harper and Brothers, 1940), 288-289; quoted by Bruce, New Testament Documents, Italics in quoted text.
  14. Brown, 231.

Chapter Five Notes

  1. James Allan Francis, “One Solitary
  2. Sources: James D. G. Dunn, The Evidence Pr Jesus (Louisville, Kentucky: The Westminster Press, 1985); R. T. France, The Evidence for Jesus (Downers Grove, Illinois: InterVarsity, 1986); Gary R. Habermas, The Verdict of History: Conclusive Evidence for the Life of Jesus (Nashville: Thomas Nelson, 1988).
  3. France, Evidence,
  4. Pliny the Younger, Letters 96-97.
  5. Sources include Jeffrey L. Sheler, Is the Bible True? (New York: HarperSanFrancisco, 1999); and John Arthur Thompson, ed., The Bible and Archaeology, (Grand Rapids, Michigan: Eerdmans, 1982 f original edition 1972]).
  6. Sheler, Is the Bible True?, 59-62,
  7. Sheler, Is the Bible True?,
  8. Thompson, The Bible and Archaeology (1972),
  9. Thompson, The Bible and Archaeology (1972), 157-161.
  10. Thompson, The Bible and Archaeology (1972),
  11. Thompson, The Bible and Archaeology (1972), 286.
  12. Sheler, Is the Bible True?, 110-111.
  13. Thompson, The Bible and Archaeology (1972),
  14. Thompson, The Bible and Archaeology (1972),
  15. This discussion follows the treatment by Josh McDowell, The New Evidence that Demands a Verdict (Nashville: Thomas Nelson, 1999), 167-194. McDowell’s discussion is helpful in that it depends heavily on Jewish interpretation of the Old Testament sources cited.

Chapter Six Notes

  1. F. Bruce, The Canon of Scripture (Downers Grove, Illinois: InrerVarsity, 1988), 17.
  2. Dan Brown, The Da Vinci Code (New York: Doubleday, 2003), 234 (italics in original).
  3. Flavius Josephus Against Apion 1:8. Josephus’s arrangement is different from the more common twenty-four, but it includes all the books of the Hebrew Bible. In Josepbus: Complete Works, William Whiston (Grand Rapids, Michigan: Kregel Publications, 1978 [1960]).
  4. The First Apology of Justin, ch, 67, in The Ante-Nicene Fathers, ed, Alexander Roberts and James Donaldson, rev. A. Cleveland Coxe, 1:186 (Grand Rapids, Michigan: Eerdmans, repr. 1989).
  5. Papias, Fragments of the Exposition of the Oracles of the Lord,
  6. See “Canon of the New Testament,” The Interpreter’s Dictionary of the Bible (Nashville, Tennessee: Abingdon Press, 1976), Supplement, and “Canon of the New Testament, The Interpreter’s Dictionary of the Bible (New York: Abingdon Press, 1962), vol. I.
  7. Athanasius, A Select Library of Nicene and Post-Nicene Fathers of the Christian Church (Grand Rapids, Michigan: Eerdmans, repr. 1991), 4:552.
  8. F. Bruce, The New Testament Documents: Are They Reliable? 5th ed. (Downers Grove, Illinois: InterVarsity, 1977), 27.
  9. William Barclay, The Making of the Bible (London: Lutterworth Press, 1961),
  10. Barclay, The Making of the Bible,

Chapter Seven notes

  1. Thomas Jefferson, ‘The Jefferson Bible (Boston: Beacon Press, 1989),
  2. Jefferson, 11,
  3. Jefferson, 30.
  4. Jefferson, 147.
  5. S. Lewis, Miracles: A Preliminary Study (New York: Macmillan, 1947), 10,
  6. Lewis, Miracles,
  7. Norman Geisler and Ron Brooks, When Skeptics Ask’ A Handbook of Christian Evidences (Wheaton, Illinois: Victor Books, 1990), 88.
  8. Colin Brown, Miracles and the Critical Mind (Grand Rapids, Michigan: Eerdmans, 1984), 4. Brown’s defense of miracles stands with C. S. Lewis’s Miracles as perhaps the finest on our subject available today.
  9. Antony Flew, “Theology and Falsification’ in The Existence of God, John Hick (New York: Macmillan, 1964), 224-228.
  10. See David Hume, An Enquiry Concerning Human Understanding (LaSalle, Illinois: Open Court, 1966 [1907]), 128-129.
  11. Rudolf Bultmann, “New Testament and Mythology,” in Kerygma and Myth, Hans Werner Bartsch (New York: Harper and Row, 1961), 4.
  12. F. Torrance, “The Church in the New Era of Scientific and Cosmological Change,” Theology in Reconstruction (Grand Rapids: Eerdmans, 1975), 270. See also his Preaching Christ Today: The Gospel and Scientific Thinking (Grand Rapids: Eerdmans, 1994), 61-63.
  13. Albert Einstein, quoted by Stanley L. Jaki, “Theological Aspects of Creative Science,” Creation, Christ and Culture-Studies in Honor of T F. Torrance, Richard W. A. McKinney (Edinburgh: T. & T. Clark, 1976), 164.
  14. Cited in Brown, Miracles of the Modern Mind, 57-58.
  15. Cited in Brown, Miracles of the Modern Mind, 183-188.
  16. B. Phillips, Your God Is Too Small (New York: Macmillan, 1972 [1961]), 123-124 (italics in original).

Chapter Eight Notes

  • Discourse on Method, part 4.
  • Essay Concerning Human Understanding 1.2.
  1. See An Enquire Concerning Human Understanding (La Salle, Illinois: Open Court, 1967), 49, 84.
  2. See Prolegomena to Any Future Metaphysics (Indianapolis, Indiana: The Library of Liberal Arts, 1950 [1783]), 5-12.
  3. See Groundwork of the Metaphysics of Morals, H. J. Paton (New York: Harper Torchbooks, 1967), 126-127,
  4. Stanley Grenz, A Primer on Postmodernism (Grand Rapids: Eerdrmans, 1986), 88.
  5. See Friedrich Nietzsche, The Genealogy of Morals, F. Golffing (Garden City, NY: Doubleday, 1956), 255; 209-10; ikyond Good and Evil, trans. M.Cowan (Chicago: Henry Regnery, 1955), 18-19,100-101.
  6. Friedrich Schleiermacher, The Christian Faith, H. R. Mackintosh and J. S. Stewart (Edinburgh: T. & T. Clark, 1976), 131,
  7. Philosophers and other scholars who have written in this area include Wilhelm Dithey (1833-1911); Hans-Georg Gadamer (1900-2002); Ludwig Wittgenstein (1899-1951); Michel Foncal (1926-84); Jaques Derrida (born 1930); and Richard Roty (born 1931).

Chapter Nine Notes

  1. Clark Pinnock, The Scripture Principle (San Francisco: Harper and Row, 1984), 78.
  2. Robert Preus, “The Inerrancy of Scripture,” The Proceedings of the Conference on Biblical Inerrancy 1987 (Nashville: Broadrnan Press), 49.
  3. Preus, 49.
  4. “Chicago Statement on Biblical inerrancy,” Exposition C: Infallibility, Inerrancy, Interpretation.
  5. Dei Verhurn, III, art. 11.
  • Robert J. Coleman, “Reconsidering ‘Limited Inerrancy,” in Evangelicals and Inerrancy, Ronald Youngblood (Nashville: Thomas Nelson, 1984), 165-166.
  • Coleman, 166-167,
  1. See Rex A. Koivisto, “Stephen’s Speech: A Case Study in Rhetorical and Biblical Inerrancy,” in Evangelicals and Inerrancy, 217-229.
  2. Pinnock, 78.
  3. Preus, 51-55.
  4. “Chicago Statement on Biblical Inerrancy,” Exposition E: Transmission and Translation.
  5. See The Battle for the Bible (Grand Rapids, Michigan: Zondervan, 1976) and “An Historian Looks at Inerrancy,” in Evangelicals and Inerrancy, 49-58,
  6. “An Historian,” Evangelicals and Inerrancy,
  7. Origen’s Commentary on John, X:18 (Ante-Nicene Fathers 10:396-9).
  8. Augustine, Sermon 81, Sermons on New Testament Lessons, Nicene and Post-Nicene Fathers, First series, 6:503. See also Augustine, Quaestiones Evangeliorum, II, 19, cited in C.H. Dodd, The Parables ofthe _Kingdom, rev. (New York: Charles Scribner’s Sons, 1961), 1-2.
  9. Jack B. Rogers and Donald K. McKim, The Authority and Interpretation of the Bible: An Historical Approach (New York: Harper and Row, 1979), xvii-xviii, 172-188,
  10. Mark Noll, “A Brief History of Inerrancy, Mostly in America,” in Proceedings, 17-19.
  11. Edwin Yamauchi, “taller,” Theological Dictionary of the Old Testament, ed_ R. Laird Harris (Chicago: Moody Press, 1980), 1:343; hereafter abbreviated TDOT
  12. John E. Hartley, “sarap,” TDOT 2:778.
  13. Barton Payne, “tamarn,” TDOT, 2:973-974.
  14. Jack B. Scott, “arnan,” TOOT, 1:51-53.
  15. Fritz Rienecker, A Linguistic Key to the Greek New Testament, and rev. Cleon L. Rogers, Jr, (Gr.nd Rapids: Zondervan, 1976), 1:243,
  16. T. Robertson, Word Pictures in the New Testament (Nashville, Tennessee: E3roadinan Press, 1932), V:279.
  17. Gottieib Schrenk, “heiros,” TDNT, 3:222-223.

Chapter Ten Notes

  1. The discussion in this chapter is a revision and enlargement of my earlier study of general hermeneutics in Seven Crucial Questions about the Bible (Nashville: Broadman and Holman, 1994), 138-163. Other sources include A. Berkeley Michelson, Interpreting the Bible (Grand Rapids: Eerdmans, 1989 [1963]); Bernard Ramm, Protestant Biblical Interpretation, rev. ed. (Grand Rapids: Baker, 1971); Walter Henrichsen and Gayle Jackson, Studying, Interpreting, and Applying tbe Bible (Grand Rapids: Lamplighter Books, Zondervan, 1990); and Gordon D. Fee and Douglas Stuart, How to Read the Bible for All Its Worth, 2d. ed. (Grand Rapids: Zondervan, 1993).
  2. Fritz Rienecker, A Linguistic Key to the Greek New Testament, and rev. Clean L. Rogers, Jr. (Grand Rapids, Michigan: Zondervan, 1980), 2:281,
  3. Article 1, The Baptist Faith and Message,
  4. Robert Frost, “The Road Not Taken.”

Chapter Eleven Notes

  1. As in the previous chapter, this discussion is an enlargement of my previous description of general hermeneutics in Seven Crucial Questions About the Bible (Nashville: Broadman and Holman, 1994).
  2. See also chapter 3, page 37. of The Bible—You Can Believe It,

The end

The Bible-You Can Believe It

Copyright 2005 by BAPTISTWAY PRESS

All rights reserved

Printed in the USA

Translated by Vinh Hien

Edited by Tuong Vi

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn