Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / Giải Quyết Xung Đột

Giải Quyết Xung Đột

Bước Cơ Bản Đầu Tiên Hướng Tới Giải Quyết Xung Đột

Mục Sư Rick Warren
“Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được.” (Ma-thi-ơ 7:3,5b)

ma

Một trong những kỹ năng sống quan trọng nhất mà bạn phải học là giải quyết xung đột.  Nếu không, bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian sống khốn khổ, vì chúng ta là những con người bất toàn, và hầu như ngày nào trong cuộc đời của chúng ta cũng có xung đột.

Nếu bạn muốn giải quyết xung đột, bạn sẽ phải là người hành động trước.  Điều này có nghĩa là bạn phải xin Chúa giúp đỡ, bởi vì nó cần phải có lòng can đảm để đến với người đang bất hòa với bạn và nói với người ấy là bạn muốn cùng ngồi xuống và giải quyết vấn đề.

Sau đó, bạn đừng mở đầu bằng việc nói về lỗi lầm của người kia.  Bạn đừng bắt đầu với một loạt các lời cáo buộc, hoặc những cách mà bạn đã bị tổn thương.  Bạn bắt đầu với điều gì là lỗi của bạn.

Sự xung đột xảy ra có thể 99.99% là lỗi của họ.  Nhưng bạn có thể luôn tìm ra một điểm gì đó để nhận lỗi về phía mình!  Có thể đó là sự đáp ứng vụng về của bạn, thậm chí đó là kết quả của thái độ tự vệ.  Có thể đó là thái độ của bạn.  Có thể đó là cách mà bạn giận dỗi bỏ đi.

Bạn có những yếu điểm trong đời sống của bạn mà người khác thấy rõ, nhưng bạn không hề thấy. Đó là những điểm mù của bạn.  Bạn có những yếu điểm mà bạn không biết gì về nó.  Đó là lý do tại sao bạn cần giải quyết xung đột với một tấm lòng khiêm tốn và bắt đầu với những lỗi lầm của chính bạn.

Chúa Jesus phán: “Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được.” (Ma-thi-ơ 7:3,5b)

Ngài nói trước hết bạn cần phải thú nhận phần lỗi của bạn trong việc xung đột.  Điều gì là cây đà trong mắt bạn khiến bạn không thấy tình hình một cách rõ ràng?  Đừng bắt đầu với người khác và tất cả những cách họ gây tổn thương cho bạn cho đến khi bạn đã thú nhận trước một phần lỗi của bạn trong cuộc xung đột.

Bạn đã gây nên xung đột vì thiếu nhạy cảm chăng?  Hoặc vì bạn quá nhạy cảm?  Bạn đã không thấy động lòng trắc ẩn đối với người đang bị tổn thương?  Bạn có đòi hỏi quá đáng không? Điểm mù của bạn là gì?  Khi bạn nhận ra chúng và thú nhận, bạn sẽ sẵn sàng cho bước kế tiếp trong việc giải quyết xung đột.

Thảo luận

Điều gì khiến chúng ta không thấy rõ tội lỗi mình?

Bạn nghĩ nó ảnh hưởng đến người khác như thế nào khi bạn bắt đầu giải quyết xung đột với lời thú nhận chứ không phải là cáo buộc?

Bạn sẽ tiến tới với việc giải quyết xung đột trong cuộc sống như thế nào?  Bạn sẽ hành động như thế nào để bắt đầu tiến trình này?

Để Giải Quyết Xung Đột, Hãy Chuyển Sự Chăm Chú Của Bạn

phi

“Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa. Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có,” (Phi-líp 2:4-5)

Khi bạn đến với một người nào đó để giải quyết xung đột, trước tiên bạn phải nhận phần lỗi của mình.  Sau đó, bạn cần chú ý lắng nghe nỗi đau và quan điểm của họ.

Chúng ta nghĩ rằng chúng ta tranh luận về ý tưởng.  Nhưng thật ra chúng ta tranh luận về cảm xúc.  Bất cứ lúc nào có một cuộc xung đột, một người nào đó đã bị tổn thương.  Một người nào đó cảm thấy bị ngược đãi.  Một người nào đó cảm thấy bị sỉ nhục.  Đó không phải là những ý tưởng gây ra xung đột.  Đó là cảm xúc đằng sau ý tưởng.

Người bị tổn thương sẽ làm tổn thương người khác. Càng bị tổn thương, người ta càng đả kích người khác.  Những người không bị tổn thương không làm tổn thương người khác.  Những người được yêu thương sẽ yêu thương người khác.  Những người đầy dẫy niềm vui sẽ đem niềm vui đến cho người khác.  Những người tràn ngập bình an sẽ sống hòa thuận với mọi người.  Nhưng những người đang bị tổn thương bên trong sẽ làm tổn thương người khác.  Họ sẽ đả kích.

Nếu bạn muốn kết nối với mọi người, bạn phải bắt đầu với nhu cầu của họ, nỗi đau và sở thích của họ.  Nếu bạn muốn trở thành một nhân viên bán hàng thành công, bạn không bắt đầu với sản phẩm của bạn.  Bạn bắt đầu với nhu cầu, nỗi đau, và sở thích của khách hàng.  Nếu bạn muốn trở thành một giáo sư giỏi, hoặc một mục sư, hoặc bất cứ điều gì khác, bạn bắt đầu với nhu cầu, nỗi đau, và sở thích của mọi người.

“Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa. Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có.” (Phi-líp 2:4-5)

Bạn có hay quá bận rộn cố làm mọi cách cho những người đang bất hòa với bạn thấy được quan điểm của bạn, đến nỗi bạn không lắng nghe quan điểm của họ không?  Bạn quá bận rộn nói và không nghe, và hậu quả là bạn càng xa cách họ hơn.

Bạn cần phải cố tình chuyển sự chăm chú từ nhu cầu của bạn đến nhu cầu của họ.  Giải quyết xung đột bắt đầu bằng cách bạn nhìn vào tình hình. Từ “chăm” trong Phi-líp 2:4 là một từ Hy-lạp “scopos”.  Từ gốc đó chúng ta có chữ “microscope” và “telescope”.

“Scopos” nghĩa là chăm chú.  Câu Kinh Thánh kế tiếp nói rằng thái độ của bạn phải giống như thái độ của Chúa Jesus.  Bạn sẽ giống như Chúa Jesus khi bạn đang chăm chú để ý đến những nỗi đau của người khác hơn là của riêng bạn.

Một câu cổ ngữ của Trung Hoa nói rằng: “Hãy cố gắng hiểu trước khi được hiểu.”  Khi bạn chăm chú vào nhu cầu của người khác thay vì của mình, bạn sẽ có thể hiểu vấn đề tốt hơn để tiến đến chỗ giải quyết được mâu thuẫn.

Thảo luận

Chúa Jesus đã làm gương cho chúng ta thế nào trong việc “chăm về lợi của kẻ khác”?

Những cách bạn có thể tập quan tâm đến nhu cầu người khác là gì?

Bạn cần chuẩn bị cho chính mình thế nào trước khi giải quyết xung đột để bạn có thể lắng nghe và lưu tâm đến người khác?   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn