Một mục sư trẻ được kêu gọi để hầu việc Chúa tại một ngôi nhà thờ cổ xưa trong một thành phố nọ. Ngôi nhà thờ này trước kia từng là một ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ nằm trong khu vực giàu có của thành phố. Nhưng bây giờ, nó ngày càng xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, vị mục sư và vợ ông được cảm động với công việc Chúa tại đây và tin rằng họ có thể phục hồi ngôi nhà thờ trở về vẻ đẹp tráng lệ ngày xưa của nó.
Khi nhậm chức vào đầu tháng 10 nãm 1948, vị mục sư cùng vợ mình lập tức bắt tay vào sơn sửa, lau chùi ngôi nhà thờ, cố gắng để phục hồi nó lại. Mục tiêu của họ là chuẩn bị một ngôi nhà thờ khang trang hơn cho ngày lễ Noel sắp tới.
Tuy nhiên, khi chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày lễ Noel, một trận bão lớn quét qua thành phố, trút những cơn mưa dữ dội xuống vùng này. Mái ngôi nhà thờ cũ kỹ đã rạn nứt một khe lớn phía trên toà giảng. Bức tường phía sau toà giảng làm bằng vôi bị thấm nhũng nước và vỡ vụn, để lại một lỗ lớn.
Vị mục sư cùng vợ mình buồn bã và rất thất vọng khi nhìn thấy bức tường nham nhở tróc những lớp vôi. Rõ ràng là không còn cơ hội nào nữa để sửa chữa lại phần bị hư hỏng trước khi mùa Noel đến. Toàn bộ các công việc ông bà cố gắng trong 3 tháng qua đã tan thành mây khói. Ông bà cuối đầu chấp nhận sự hư hại này như là ý Chúa, và bắt tay vào dọn dẹp những mảnh vỡ.
Chiều hôm đó, vợ chồng vị mục sư tham dự một cuộc bán đấu giá nhằm gây quỹ cho thanh niên trong nhà thờ. Một trong những vật mà người ta đem rao bán là một chiếc khăn trải bàn tiệc viền đăng ten đã ngả vàng, dài gần 5 m. Chợt nghĩ ra một điều, ông mục sư liền mua chiếc khăn này với giá 6.5 đô la. Ông nghĩ rằng có thể treo chiếc khăn này phía sau toà giảng, nhằm che lấp lỗ hổng trên bức tường.
Vào một ngày trước đêm Noel, tuyết rơi nhiều và gió rít từng cơn lạnh buốt. Khi mở cửa nhà thờ, ông mục sư nhìn thấy một một người phụ nữ đứng tuổi đang đứng chờ xe bus bên ngoài. Ông mục sư biết là còn khoảng nửa tiếng xe bus mới tới. Ông mời bà vào bên trong nhà thờ cho đỡ lạnh.
Bà không phải là người trong vùng này. Bà đến đây để phỏng vấn làm người giữ trẻ cho một gia đình giàu có và nổi tiếng trong vùng. Bà ta vốn là một người tị nạn chiến tranh. Tiếng Anh của bà không được tốt, chính vì vậy, bà không được nhận vào làm.
Người phụ nữ ngồi ở hàng ghế cuối nhà thờ và cuối đầu cầu nguyện. Bà không để ý đến ông mục sư đang cố gắng treo tấm khăn trải bàn tiệc lên bức tường để che lỗ hổng. Khi ngước lên và nhìn thấy tấm khăn, bà vội vàng chạy đến bên ông mục sư:
“Chiếc khăn này là của tôi – bà giải thích – Ðó chính là chiếc khăn trải bàn tiệc của tôi”.
Quá xúc động, bà kể cho ông mục sư về lai lịch chiếc khăn và chỉ cho ông thấy chữ ký của mình thêu trên một góc của chiếc khăn.
Trước đây, bà cùng chồng sống tại Vienna, thủ đô nước Áo, và đã chống đối lại chế độ Nazis trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2. Hai ông bà quyết định trốn sang Thụy sĩ. Nhưng chồng bà bảo rằng để bảo đảm an toàn, họ nên trốn đi riêng rẻ. Sau này, bà nghe tin chồng mình đã chết trong một trại tập trung.
Cảm động bởi câu chuyện của bà, ông mục sư nài nỉ bà hãy giữ lại chiếc khăn. Bà suy nghĩ một lúc và từ chối. Bà không cần đến nó nữa, và bà nghĩ rằng nó sẽ trông xinh đẹp hơn nếu được treo phía sau toà giảng. Bà chào tạm biệt ông mục sư và bước ra ngoài.
Đêm giáng sinh!
Trong ánh đèn lung linh của đêm Noel, chiếc khăn có vẻ như rực rỡ hơn. Những đường viền màu trắng dường như lấp lánh dưới ánh sáng của những ngọn nến, các viền vàng trên chiếc khăn phản chiếu những tia sáng như những tia nắng lúc bình minh.
Và khi buổi thờ phượng kết thúc, các tín đồ đến khen ngợi ông mục sư về bài giảng cũng như cách trang hoàng lộng lẫy của ngôi nhà thờ đêm hôm đó.
Trong lúc đó, có một người đàn ông đứng mân mê trước tấm khăn. Khi rời nhà thờ, ông nói với vị mục sư:
“Thật là ngạc nhiên. Cách đây nhiều năm, vợ tôi – xin Chúa ban cho bà sự yên nghỉ – và tôi cũng có một tấm khăn giống như tấm khăn này. Vợ tôi chỉ sử dụng nó trong những dịp thật đặc biệt mà thôi. Lúc đó, chúng tôi còn sống tại Vienna.”
Ông mục sư giật mình và cảm thấy kinh ngạc. Thế rồi vị mục sư từ tốn kể lại cho ông câu chuyện về người phụ nữ trong nhà thờ hồi chiều.
“Không thể tin được”, người đàn ông xúc động run rẩy, nước mắt lăn dài trên má ” Vợ tôi còn sống thật sao? Làm sao tôi có thể tìm gặp bà ấy?”
Vị mục sư nhớ lại tên của gia đình mà người phụ nữ đến xin việc. Ông gọi điện thoại cho họ, hỏi thăm tên và địa chỉ của bà.
Trên chiếc xe cũ kỹ của mình, ông mục sư chở người đàn ông đó đến nhà bà ở bên kia thành phố. Họ cùng gõ cửa. Khi cánh cửa mở ra, ông mục sư đã chứng kiến một cuộc đoàn tụ vợ chồng đầy nước mắt, niềm vui và hạnh phúc.
Một vài người có thể gọi câu chuyện này là một điều gì đó cực kỳ may mắn: kết quả của lỗ hổng trên bức tường phía sau toà giảng, chiếc khăn trải bàn tiệc cũ kỹ, sự khéo léo của ông mục sư trong việc giải quyết vấn đề … Nhưng sự xảy ra trùng hợp của tất cả các sự kiện đó là một điều hiếm gặp.
Nếu như một mắc xích nào trong chuỗi sự kiện này bị thiếu đi: nếu không có mưa, nếu mái nhà thờ không bị nứt, nếu ông mục sư không quyết định tham dự buổi đấu giá, nếu người phụ nữ kia không đi tìm công việc trong thành phố này … thì người chồng và người vợ có thể chẳng bao giờ gặp lại nhau.
Và nói một cách đơn giản, tất cả chỉ là bởi ý Chúa. Và Ngài luôn làm việc kỳ diệu theo cách của Ngài.
Câu hỏi suy gẫm
Bạn có bao giờ kinh nghiệm sự diệu kỳ trong chương trình của Chúa trên đời sống bạn chưa?
Bạn có dám giao phó mọi kế hoạch của mình cho Chúa không?
Mỗi tuần một câu Kinh Thánh
Ê-sai 55:8-9
Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.